Xin Cạch Đàn Ông
LỜI NGƯỜI DỊCH
Xin cạch đàn ông! Nghe câu này chắc giới mày râu rủ nhau ngất xỉu. Thế mà Judyta đã tuyên bố xanh rờn như vậy đó. Mà đâu chỉ có vậy. Người đàn bà này còn chua thêm một câu nghe rởn cả tóc gáy: Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc. Cô Judyta là ai mà dám bạo mồm tuyên bố như vậy? Xin thưa: Cô Judyta là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết bạn đang cầm trên tay.
Judyta 37 tuổi, bị chồng bỏ. Chồng cô, Tomasz, đi theo một người đàn bà khác có tên là Jola. Judyta là biên tập viên của một tờ tạp chí phụ nữ, phụ trách chuyên mục trả lời thư bạn đọc. Sau khi chồng bỏ, Judyta mua đất, làm nhà tại một làng quê cách Warszawa chừng ba mươi cây số. Ngôi nhà mới xây đã trở thành tổ ấm cho hai mẹ con Judyta và Tosia. Cô bắt đầu cuộc sống mới.
Trong tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! nữ nhà văn Katarzyna Grochola đã đề cập đến một vấn đề xã hội cực kỳ quan trọng – vấn đề hạnh phúc gia đình, được cấu thành chủ yếu bởi quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Đặc biệt tác giả đã dám đối mặt với một vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay – vấn đề ly dị, mà ở Ba Lan (và có lẽ không chỉ ở Ba Lan) đã lên tới con số mười phần trăm, một con số thật đáng lo ngại. Có thể nói, mỗi vụ ly dị là một trận cuồng phong phá tan ngôi nhà hạnh phúc. Nguyên do ly dị thì muôn màu muôn vẻ, nhưng thường là tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Có điều đáng tiếc, lắm khi những luồng gió hợp thành trận cuồng phong nói trên chỉ là những chuyện vặt vãnh thường ngày, chẳng đâu vào đâu, do cố chấp, do thiếu cảm thông, không biết nhường nhịn, không biết mình biết ta trong cuộc sống vợ chồng. Chúng ta hãy nghe cô Judyta nói: “Tại sao tôi lại vớ phải một ông chồng thích ngủ trong phòng lạnh? Cấm hút thuốc trên giường? Cả đọc sách nữa? Tại sao ánh đèn lại làm phiền anh ta?” “Cuộc sống vợ chồng của tôi chủ yếu bao gồm: không hút thuốc trên giường, không ăn trên giường, không uống trên giường, không đốt lò sưởi trong phòng ngủ, vì như vậy khỏe người. Những chuyện chúng tôi đã không làm nhiều hơn cả những chuyện đã làm. Tôi chẳng nên lấy làm lạ đến thế khi cuộc sống vợ chồng của tôi có kết cục như vậy.”
Tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! chứng tỏ nghị lực của một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Chồng ruồng bỏ, đau khổ thật đấy, khốn khó thật đấy, nhưng không phải vì thế mà đời nát tan, trái lại một cuộc sống mới bắt đầu. Song để vượt lên chính mình, để có cuộc sống mới, người phụ nữ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, phải tự mình cáng đáng hết thảy mọi việc, kể cả việc xây nhà, vốn là công việc nặng nhọc của đàn ông. Sau mỗi lần thất bại “quả bom nghị lực” của Judyta lại bùng nổ, đem tới cho cô sức mạnh mới. Cô không sợ thất bại, vẫn không từ bỏ giấc mơ hoàng tử cưỡi ngựa trắng sẽ có ngày xuất hiện trước cửa nhà mình. Tại sao không? Con người ta ai cũng có quyền mơ ước, bởi chính ước mơ cho ta thêm nghị lực, làm cho đời đẹp hơn và thi vị hơn. Nhưng điều quan trọng là phải biết nắm lấy vận mệnh của mình và dám đương đầu với thử thách, cam go. Judyta đã dám làm như vậy và cô đã được đền đáp. Cô xây được nhà mới, lo được cho con gái học hành tử tế, cô thành công trong công tác với tư cách là một biên tập viên, thậm chí còn được khen thưởng, và cô lại làm đẹp, lại yêu… Judyta đã không “cạch đàn ông”, cô “nói dzậy mà không phải dzậy”. Cuộc tình với Hieronim đầy rủi ro, nhưng cuộc tình với Adam thì lại như là trời cho. Lần này xác suất vận may rơi trúng vào cô. Adam là một nhân vật khá thú vị. Một người đàn ông kỹ tính và rất “chịu chơi” trong tình yêu, người đã biến giấc mơ về “chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng” của Judyta thành hiện thực. Chính Adam đã khiến Judyta ngỡ ngàng và cũng chính người đàn ông này đã khiến Judyta phải tự bao biện: Anh ta khác tất cả mọi đàn ông cơ mà. Cuộc tình của Judyta và Adam là cuộc tình “rổ rá cạp lại”, nhưng vẫn lãng mạn, nhiều nhung nhớ, lắm đợi chờ và có cả giận hờn, tựa mối tình đầu…
Cái cách tác giả xây dựng nhân vật Xanh Lơ thật là vô tiền khoáng hậu. Một người vợ bị chồng bỏ đi tư vấn cho một người chồng bị vợ bỏ. Những cuộc tranh luận giữa hai người lắm khi gay cấn, căng thẳng, nhưng những vấn đề họ đề cập lại rất tinh tế và lý thú. Xanh Lơ là ai vậy? Một ẩn số mãi tới cuối sách bạn đọc mới có được câu trả lời.
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng cần có bạn bè, và không thể sống thiếu bạn bè. Nhưng tình bạn như tình bạn của Ula với Judyta thì có lẽ ai cũng thèm muốn. Một tình bạn cao cả, vô tư, trong sáng, và chính nhờ tình bạn này mà Judyta thêm tự tin vượt qua cơn sóng gió của cuộc đời, cảm thấy mình không bị cô đơn. Thông qua nhân vật Ula và một vài nhân vật khác nữa trong tác phẩm, phải chăng tác giả muốn chứng minh một điều rằng, gì thì gì, trên đời này lúc nào cũng không thiếu những người tốt. Đó là cái rất cần cho cuộc sống của chúng ta.
Katarzyna Grochola nhiều lần đề cập đến vấn đề giáo dục con cái, quan hệ giữa bố mẹ và con cái ở các lứa tuổi khác nhau. Bố mẹ xử lý ra sao khi con cái bướng bỉnh, cãi nhau, đánh nhau, không biết nhường nhịn, không thật thà, bỏ học, yêu đương, xăm mình, đòi hỏi vô lý…? Bố mẹ xử lý ra sao khi con mình không đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông? Những gì tác giả viết trong tác phẩm này cho thấy, bố mẹ phải hiểu kỹ con mình, rèn tính tự lập cho con cái. Hãy để con cái được “sở hữu” chính mình, được tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm và tự chịu hậu quả. Không nên bao biện, cái gì cũng làm thay con, tưởng là thương con, nhưng không phải vậy. Nói cho cùng, bố mẹ phải đổi mới chính mình, phải mạnh dạn thay đổi quan hệ giữa mình và con cái, thay đổi tư duy giáo dục và yêu thương con cái, phải có kỹ năng làm cha, làm mẹ, thậm chí phải học làm cha, làm mẹ. Bức thư của Judyta tư vấn cho người cha có con gái bị trượt kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học khiến chúng ta, các bậc cha mẹ, phải suy nghĩ: “Tuy vậy, có những chuyện cần phải cân nhắc, để tiện cho cuộc sống của mình và không gây khó cho cuộc sống của con… Anh hãy để cháu sống cuộc sống của mình! Không đỗ tốt nghiệp chưa phải là ngày tận thế đâu. Nhưng ngày tận thế có thể lại là ý muốn kiểm soát sinh hoạt và hành vi của cô con gái đã lớn. Ý muốn bảo bọc tất cả mọi thứ trong cuộc sống và điều khiển hành vi của con, như thể nó vẫn còn là một cô bé năm tuổi. Theo tâm lý học và kinh nghiệm thực tế, con cái chỉ chịu ảnh hưởng của bố mẹ cho đến khi chúng khoảng mười lăm tuổi. Sau đó ta chỉ có thể hỗ trợ và yêu thương con, cho phép chúng sai lầm và trả giá cho những sai lầm đó… Anh có thể giúp con mình bằng cách thay đổi chính mình và thay đổi quan hệ cha con. Vì tình yêu không xuất hiện được trong vòng kiểm soát. Con gái của anh đang trưởng thành – thất bại đầu tiên đã ở phía sau nó. Phải làm gì sau thất bại đó, hãy để cho cháu lựa chọn.”
Các bức thư trả lời bạn đọc của biên tập viên Judyta thật là đa dạng, bao gồm những vấn đề “thượng vàng hạ cám” của cuộc sống thường ngày, nhiều câu hỏi của bạn đọc rất thực tế, tế nhị, lắm khi hóc búa, nêu lên những vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại, song cũng lắm câu hỏi rất hồn nhiên, thậm chí ngây thơ và buồn cười, những cũng rất đời: Làm thế nào để vú to thêm, để nó nhỏ đi, da đầu nên bôi loại kem gì, trên ba mươi tuổi nên đắp loại mặt nạ nào. Phải làm gì khi con gái hư và khi bị chồng phản bội. Tìm việc làm ra sao và làm sao để không bị coi thường. Kêu cứu ai khi chồng nát rượu. Ăn vận thế nào khi có thân hình tròn xoay như quả táo. Giấu đôi chân ngắn ngủn cách nào? Phải làm gì để chồng không bỏ đi với người đàn bà khác?
Xin cạch đàn ông! để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống vợ chồng, cuộc sống gia đình. Bức thông điệp mà cuốn sách muốn gửi đến chúng ta là: Hạnh phúc luôn luôn nằm trong tầm tay của chúng ta, có điều chúng ta phải biết nắm bắt và khi đã nắm bắt được thì đừng để nó tuột khỏi tay mình. Người ta so sánh tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! với Nhật ký tiểu thư Jones của Fielding Helen, người ta coi Judyta là tiểu thư Jones của Ba Lan. Judyta cũng là người phụ nữ thời nay ở Ba Lan – dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm, không sợ thất bại. Với giọng văn khá độc đáo, giàu tính hài hước, với những triết lý sống thú vị, với những nhân vật đầy tính cách, câu chuyện mà Judyta kể cho chúng ta có sức cuốn hút mạnh mẽ từ đầu đến cuối. Trả lời câu hỏi: “Trong nhân vật Judyta có bao nhiêu phần trăm là Katarzyna Grochola?” cô nói: “Nhiều, rất nhiều là đằng khác, chỉ có điều Judyta 37 tuổi”. Như ta biết, cũng giống như nhân vật Judyta của mình, Grochola đã ly dị chồng, tự mua đất làm nhà ở ngoại ô Warszawa, nuôi dạy con gái, và vui thú với các vật nuôi trong nhà…
Ngay sau khi ấn hành, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! đã được bạn đọc toàn Ba Lan háo hức tìm đọc, 200 nghìn bản đã đến tay bạn đọc trong một thời gian ngắn và từ đó đến nay cuốn tiểu thuyết vẫn liên tục được tái bản nhiều lần với số lượng bản in rất lớn. Năm 2001 tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! đã được tặng giải thưởng “AS” EMPiK-u dành cho cuốn sách best-seller số một trong năm ở Ba Lan. Tác phẩm văn học này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng nước ngoài như Nga, Đức, Litva, Bungari, Hunggari, Séc, Italia v.v… Năm 2004, tiểu thuyết Xin cạch đàn ông! được dựng thành phim do Ryszard Zatorski đạo diễn, nữ diễn viên điện ảnh Danuta Stenka đã thể hiện vai Judyta rất thành công.
Sau Hoang thai của Dorota Terakowska, tôi vô cùng hạnh phúc lại có cơ hội được tặng bạn đọc Việt Nam một tác phẩm nữa của nền văn học đương đại Ba Lan, lần này là cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn nổi tiếng Ba Lan, Katarzyna Grochola. Mong được lượng thứ đối với những khiếm khuyết không tránh khỏi, và hy vọng bạn đọc sẽ hài lòng và có nhiều ấn tượng đẹp sau khi thưởng thức tác phẩm dịch này.
LÊ BÁ THỰ
Hà Nội, mùa thu 2007
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.