Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới
CHƯƠNG 35
Bấm Móng Tay,
Nước Xốt Bơ, Bình Sắt
Đúng 5 giờ 20 tôi đỗ xe trước thư viện. Còn nhiều thì giờ nên tôi ra khỏi xe đi dạo. Thành phố sau mưa. Tôi giết thời gian bằng cách vào một quán cà phê đứng, xem một ván đánh golf được ti vi truyền hình trực tiếp. Sau đó tôi vào hiệu chơi điện tử. Đây là trò dùng súng chống tăng để diệt một đoàn xe bọc thép tiến qua sông. Ban đầu tôi thừa điểm nhưng càng chơi thì xe tăng của địch càng lúc nhúc tăng quân số và rốt cuộc san bằng cứ điểm của tôi. Đòn hủy diệt là một vụ nổ chớp léo như bom nguyên tử và màn hình trắng xóa. Sau đó là dòng chữ GAME OVER – INSERT COIN hiện lên.
Cạnh hiệu chơi điện tử có một cửa hàng kim khí. Trong cửa kính bày đủ loại công cụ xếp ngăn nắp. Các bộ cờ lê và vặn vít, máy bắn ghim và máy vặn vít chạy điện. Cả một hộp da đựng công cụ chính xác của Tây Đức. Không lớn hơn một các xắc phụ nữ, nhưng trong đó xếp gọn gàng từ cưa cỡ trung đến búa và hiệu điện thế, tất cả những gì cần thiết. Bên cạnh đó là một bộ ba chục lưỡi dao trổ. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến một bộ dao trổ có đến ba chục lưỡi hoặc hơn; tôi ngạc nhiên nhìn chúng nằm thành hàng. Mỗi lưỡi có hình khác, một số lưỡi có dạng lạ lùng đến mức khó tưởng tượng ra chúng được sử dụng cách nào. Trái với hiệu trò chơi điện tử đinh tai nhức óc, cửa hàng kim khí lặng như tờ. Tận cuối cửa hàng, một ông trung niên đeo kính, tóc thưa thớt, đang tháo lắp gì đó.
Như có linh tính mách bảo, tôi vào cửa hàng và tìm một cái bấm móng tay. Cạnh dãy dao cạo râu, một loạt bấm móng tay nằm thẳng hàng trên tấm gỗ như bộ sưu tập bướm. Một cái trong đó có hình dạng kỳ lạ khiến tôi không sao đoán nổi làm sao có thể dùng nó để bấm móng tay được. Tôi cầm nó ra quầy. Đó là một vật bằng inox dài chừng năm phân; không rõ người ta bấm vào đâu và như thế nào thì cắt được móng tay?
Ông chủ cửa hàng bỏ cái vặn vít và máy đánh trứng ra khỏi tay và giải thích cho tôi. “Anh xem này. Một, thấy chưa, hai. Và ba – thế là ra một cái bấm móng tay!”
“Tài thật!”, tôi nói. Quả thật nó biến thành một cái bấm móng tay chính cống. Ông ta gấp nó về dạng ban đầu và đưa tôi. Tôi lặp lại các động tác của ông – một cái bấm móng tay.
“Hàng tốt đấy”, ông nói, tựa như tiết lộ cho tôi một bí mật. “Của hãng Henckels bên Đức, bảo hành trọn đời. Rất tiện đem đi du lịch. Không gỉ, lưỡi sắc. Có thể cắt được cả vuốt chó!”
Tôi trả 2.800 yên. Ông gói nó vào bao da đen đưa tôi rồi làm tiếp máy đánh trứng. Trước mặt ông là mấy cái đĩa trắng sạch sẽ, mỗi đĩa đựng một cỡ đinh vít của máy đánh trứng. Những chiếc đinh vít đen trên đĩa trắng trông rất hạnh phúc.
Tôi cầm cái bấm móng tay ra ô tô. Trong lúc đợi cô thủ thư, tôi nghe băng Brandenburg Concertos. Vừa nghe tôi vừa nghĩ tại sao những chiếc đinh vít trên đĩa trông hạnh phúc như vậy. Có thể vì chúng đã không còn là một phần của máy đánh trứng, và được phép không là gì khác mà chỉ là đinh vít. Hoặc vì những cái đĩa trắng là một vị trí danh dự đối với đinh vít. Dù thế nào chăng nữa: thấy chúng hạnh phúc là một cảm giác tốt lành.
Tôi lại lôi cái bấm móng tay ra khỏi túi áo vest, mở nó ra, cắt thử một móng tay, gấp lại như cũ và cho vào bao da. Nó cắt tốt. Về khía cạnh nào đó, của hàng kim khí giống như một bể cá không ai thích vào xem.
Gần sáu giờ, giờ đóng cửa thư viện, mọi người ào ra. Rất nhiều học sinh trung học, ai cũng xách túi thể thao bằng nylon như của tôi. Cũng có vài người lớn tuổi. Chiều Chủ nhật họ đến phòng đọc tạp chí và bốn nhật báo khác nhau. Như những con voi, họ thu lượm kiến thức rồi về nhà ăn tối.
Khi mọi người ra hết, một hồi chuông vang lên. Sáu giờ. Tiếng chuông lanh lảnh khiến tôi nhận ra mình đói ngấu. Không có gì lạ: hôm qua tôi hầu như không ăn gì, và từ sáng sớm hôm nay chỉ ăn một nửa cái bánh kẹp giăm bông và trứng, một miếng bánh phô ma nhỏ và mấy con hàu sống. Cơn đói giống như một cái hố lớn. Sâu và tối. Người ta có thể ném viên đá vào như tôi từng thấy dưới lòng đất và không nghe thấy tiếng động.
Tôi ngả lưng ghế xuống, nhìn lên bầu trời sà thấp và nghĩ đến ăn uống. Đủ mọi thứ đồ ăn hiện ra trước mắt tôi rồi lại biến mất. Trong đó có cả một đĩa trắng đầy đinh vít. Chan nước sốt trắng và rắc mấy nhánh cải xoong, trông cực ngon miệng.
Cô gái ở quầy thông tin ra khỏi thư viện lúc 6 giờ 15.
“Xe của anh à?”, cô hỏi.
“Không, xe anh thuê. Trông không hợp với anh sao?”
“Không hợp lắm. Xe này chỉ cho những người thật trẻ thôi, hay không phải?”
“Trạm cho thuê xe không còn xe nào khác. Anh lấy cái này không phải vì rất thích nó. Thực ra xe nào cũng được.”
“Vậy à?”, cô nói và đi vòng quanh xe như để đánh giá rồi ngồi vào ghế lái phụ. Trong xe cô săm soi mọi chi tiết, rút gạt tàn ra, ngó vào ngăn đựng găng tay.
“Brandenburg?”, cô hỏi.
“Em thích không?”
“Có, thậm chí rất thích. Em rất thích nghe. Em thích nhất Karl Richter chỉ huy. Băng này có lẽ là bản thu âm khá mới. Ai chơi vậy?”
“Trevor Pinnock”, tôi nói.
“Anh thích Pinnock nhất à?”
“Không hẳn. Anh chỉ thấy cái băng cát xét này và mua luôn. Nhưng không dở đâu.”
“Anh đã nghe Brandenburg Concertos do Pablo Casals biểu diễn chưa?”
“Chưa.”
“Anh nên tìm nghe. Không hẳn như anh chờ đợi ở Brandenburg, nhưng rất thú vị.”
“Anh sẽ tìm nghe”, tôi nói, dù không biết sẽ có thì giờ làm chuyện đó không. Tôi chỉ còn mười tám tiếng, và còn phải ngủ một chút. Phần đời còn lại có ngắn đến mấy thì tôi cũng không thể thức suốt đêm được.
“Mình sẽ ăn gì?”, tôi hỏi.
“Ăn đồ Ý nhé?”
“Tuyệt vời.”
“Em biết một nhà hàng gần đây. Họ làm mọi thứ rất tươi.”
“Anh đói đến mức có thể ăn cả đinh vít”, tôi nói.
“Em cũng thế”, cô nói. “Sơ mi đẹp quá.”
“Cảm ơn”, tôi nói.
Nhà hàng cách thư viện chừng mười lăm phút đi xe. Chúng tôi thong thả luồn lách qua một khu dân cư, tránh xe đạp và người đi bộ. Đến giữa đoạn đường lên đồi chợt thấy một nhà hàng Ý. Một ngôi nhà ở bằng gỗ sơn trắng, xây kiểu châu Âu và được sửa lại thành quán bình dân. Biển hiệu nho nhỏ, dễ bị bỏ qua. Xung quanh là những ngôi nhà im ắng trồng tuyết tùng Himalaya và thông cao vút, cành lá in bóng đen trên nền trời chiều muộn.
“Nằm khuất quá”, tôi nói trong khi đánh xe vào bãi đỗ.
Nhà hàng khá nhỏ, chỉ có ba bàn và bốn chỗ ở quầy bar. Một bồi bàn quấn yếm đưa chúng tôi đến bàn trong cùng. Ngoài cửa sổ đung đưa mấy cành mận.
“Ta uống gì? Vang nhé”, cô gái hỏi.
“Em chọn đi”, tôi nói. Tôi chỉ thạo các loại bia. Trong khi cô bàn luận chi tiết về các loại rượu vang với bồi bàn, tôi ngắm cây mận ngoài cửa sổ. Một nhà hàng Ý và cây mận ngoài vườn, tôi thấy buồn cười. Mặc dù cũng có thể chẳng buồn cười gì cả. Ở Ý cũng có mận mà. Và ở Pháp có rái cá. Chọn rượu khai vị xong, chúng tôi mở quyển thực đơn và phác họa chiến lược ẩm thực. Mất khá nhiều thì giờ để chọn đồ ăn. Món khai vị là gỏi tôm với nước xốt dâu tây, hàu sống, ba tê gan kiểu Ý, mực hấp trong nước mực, cà tím phủ phô mai nướng, cá trứng dầm chua. Tôi chọn thêm mì dẹt cho mình và spaghetti rắc húng quế cho cô.
“Anh sẻ với em một đĩa mì ống với mắm cá nhé?”, cô hỏi.
“Nghe được đấy”, tôi nói.
“Có cá nào ngon hôm nay không?”, cô hỏi bồi bàn.
“Chúng tôi có cá vược tươi”, bồi bàn giới thiệu. “Hấp trong giấy bạc và rắc hạnh nhân.”
“Cho tôi món ấy”, cô nói.
“Cả tôi nữa”, tôi nói. “Và gói rau ba lăng, và cơm nấm.”
“Còn tôi thì xin rau xào và cơm xốt cà chua”, cô nói.
“Món cơm của quán này nhiều lắm đấy”, bồi bàn nói giọng khá băn khoăn.
“Không lo. Tôi hầu như không ăn gì từ hôm qua, còn quý cô đây bị giãn bao tử”, tôi nói.
“Có thể gọi là một hố đen”, cô nói.
“Vâng”, bồi bàn nói.
“Món tráng miệng tôi chọn là đá nhuyễn với nho, bánh bột chanh, và một tách espresso”, cô gái nói.
“Tôi cũng thế, tại sao không”, tôi nói.
Sau khi bồi bàn cẩn thận ghi chép các món được đặt và đi khỏi, cô nhìn tôi cười hơn hớn: “Anh không gọi nhiều món như thế để đua với em đấy chứ?”
“Không, anh sắp chết đói thật mà”, tôi nói. “Đã lâu chưa có lần nào đói như vậy.”
“Tuyệt vời”, cô nói. “Em không tin tưởng vào những người ăn như mèo. Lúc nào em cũng cho là họ giấu giếm mình chuyện gì đó. Anh nghĩ sao?”
“Anh không biết”, tôi nói. Tôi không biết thật.
“Có vẻ như anh không biết là câu cửa miệng của anh thì phải?”
“Có thể”, tôi nói
“Cả có thể nữa!”
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ gật đầu.
“Vì sao? Vì sao anh luôn nghĩ không dứt khoát như vậy?”
Anh không biết, có thể, tôi nhắc đi nhắc lại trong đầu trong khi người bồi bàn đến và mở chai rượu vang ra rót với dáng điệu kính cẩn như thầy thuốc của triều đình nắn chỗ sai khớp của thái tử.
“Nhân vật chính trong L’Etranger có thói quen nói ‘không phải lỗi tôi’. Hừm, tên anh ta là gì nhỉ…”
“Meursault”, tôi nói.
“Phải rồi, Meursault”, cô nhắc lại. “Em học từ hồi ở trung học. Học sinh ngày nay không đọc những thứ ấy nữa. Mới đây em có một cuộc khảo cứu về đề tài này ở thư viện. Anh thích nhà văn nào?”
“Turgenev.”
“Turgenev không phải là nhà văn lớn. Lại cổ hủ nữa.”
“Có thể”, tôi nói. “Nhưng anh thích ông ấy. Flaubert và Thomas Hardy cũng hay.”
“Anh không đọc văn học mới à?”
“Thỉnh thoảng đọc Somerset Maugham.”
“Ông ấy cũng khó gọi là mới được”, cô nói và giữ ly vang nghiêng nghiêng.
“Nhưng thú vị. Anh đã đọc ba lần The Rasor’s Edge. Có thể đó không phải một tiểu thuyết lớn, nhưng đọc rất thú vị. Hơn là ngược lại.”
“Có thể thế”, cô nói. “Sơ mi màu da cam rất hợp với anh.”
“Cảm ơn”, tôi nói. “Áo dài của em cũng đẹp lắm.”
“Cảm ơn anh”, cô nói.
Cô mặc một chiếc áo dài nhung trơn màu lam đậm, cổ đăng ten nhỏ màu trắng, và hai dây chuyền bạc rất mỏng. “Sau khi nghe điện của anh, em tạt nhanh qua nhà thay đồ. Ở gần chỗ đi làm rất tiện.”
“Thì ra thế”, tôi nói. Thì ra thế.
Các món khai vị đầu tiên được bưng lên. Chúng tôi im lặng ăn một hồi lâu. Mọi thứ đều thanh, ngon, tinh tế. Tôm tươi rói, hàu còn mặn mùi biển cả.
“Anh đã xong vụ thú một sừng chưa?”, cô hỏi trong khi lấy dĩa cạo một con hàu khỏi vỏ.
“Hừm, tùy theo cách nhìn”, tôi nói và lấy khăn chùi mực ở mép.
“Thú một sừng ở đâu?”
“Ở đây”, tôi nói và gõ ngón tay vào đầu mình. “Chúng sống trong đầu anh. Cả một đàn.”
“Anh nói kiểu biểu tượng?”
“Không, không, hoàn toàn không phải biểu tượng. Chúng sống trong đầu anh, đó là sự thực. Có một người đã phát hiện ra hộ anh.”
“Nghe thú vị đấy. Kể tiếp cho em nghe đi!”
“Chẳng thú vị gì đâu”, tôi nói và đẩy cho cô đĩa cà tím. Cô đền tôi đĩa cá vược.
“Nhưng em thích nghe!”
“Ở tận đáy của ý thức hệ có một dạng như cái lõi mà người ta không cảm nhận được bằng giác quan. Trong trường hợp anh, đó là một thành phố với một dòng sông chảy qua và được bao bọc bởi một bức tường thành cao xây bằng gạch. Dân trong thành phố không thể ra ngoài. Chỉ có đàn thú một sừng được rời thành phố. Như những tờ giấy thấm, chúng hút hết các bản thể của người dân và chuyển ra ngoài thành. Vì vậy người dân trong thành phố không có bản thể, không có chính mình. Anh sống trong thành phố ấy – đúng hơn là sẽ sống trong đó. Không thể nói thêm điều gì nữa, chính anh cũng chưa được tận mắt nhìn thấy thành phố.”
“Một câu chuyện rất độc đáo”, cô nói.
Giải thích cho cô xong tôi mới ngộ ra rằng ông giáo sư không nói một lời nào về dòng sông. Rõ ràng tôi đang bị kéo từng bước đến thế giới ấy.
“Anh không tạo ra nó một cách có ý thức”, tôi nói.
“Nhưng anh đã tạo ra nó, cho dù có thể vô thức, chứ còn ai ngoài anh nữa?”
“Anh đoán thế”, tôi nói.
“Cá trứng ngon đấy chứ?”
“Quá ngon.”
“Anh có thấy chuyện này giống như chuyện thú một sừng của Nga mà em đã đọc cho anh không?”, cô vừa hỏi vừa cắt cà tím. “Những con thú một sừng Ucraina cũng tạo thành một quần thể được cách li bởi vách đá bao quanh.”
“Về mặt này có sự trùng hợp”, tôi nói.
“Có thể có sự liên quan…”
“Đợi anh một chút”, tôi nói và thọc tay vào túi áo vest. “Anh có một quà tặng cho em!”
“Em rất thích được tặng quà!”, cô nói.
Tôi rút bấm móng tay ra đưa cô. Cô lấy nó trong bao ra và ngơ ngác nhìn. “Gì thế?”
“Đưa anh”, tôi nói và lấy lại. “Em chú ý này! Một, hai – và ba!”
“Bấm móng tay?”
“Chính xác. Đem đi du lịch rất tiện. Gập lại thì theo chiều ngược lại. Như thế này”, tôi lại biến nó thành thanh inox ban đầu rồi đưa cho cô. Cô thử làm theo.
“Hay quá, cảm ơn anh!”, cô nói. “Anh hay tặng phụ nữ những món thế này à?”
“Bấm móng tay là lần đầu. Anh vừa vào một cửa hàng kim khí và định mua mấy đồ, và anh đã mua cái bấm móng tay này. Bộ dao trổ to quá.”
“Cái này là đúng rồi. Cảm ơn anh. Em hay đánh mất lắm. Em sẽ cất nó vào xắc, cho vào túi bên trong.” Cô đút nó vào bao da và cất vào túi.
Người bồi bàn dọn các đĩa khai vị đi và bưng món mì. Cơn đói khủng khiếp của tôi vẫn chưa đỡ. Sáu món khai vị hầu như không để lại dấu vết gì trong hố đen. Trong giây lát tôi thanh toán đĩa mì dẹt khá to, sau đó ăn thêm nửa đĩa mì ống với mắm cá. Đã thấy le lói chút ánh sáng trong bầu không khí tối tăm của cái đói.
Ăn xong mì, chúng tôi uống vang và đợi món cá vược.
“Có chuyện em muốn hỏi”, cô nói. Môi cô áp vào ly khiến giọng cô nghe lạ tai hẳn. “Chuyện nhà anh bị phá. Có người nào dùng máy móc để phá à? Hay nhiều người?”
“Không có máy, mà cũng chẳng nhiều người”, tôi nói. “Chỉ có một người duy nhất.”
“Chắc hắn ta phải khỏe lắm!”
“Thậm chí hắn còn không thở gấp.”
“Người quen của anh?”
“Không, anh chưa thấy mặt hắn lần nào trước đó.”
“Trông tan hoang quá, em tưởng như có bom nổ bên trong vậy.”
“Anh tin em.”
“Chuyện đó đã xong chưa?”
“Chưa. Đối với chúng nó thì chưa.”
“Nhưng đối với anh thì xong rồi?”
“Rồi và chưa. Rồi, vì anh không được chọn. Chưa, vì không có sự lựa chọn nào. Trong vụ này người ta không cho anh sự chủ động nào ngay từ phút đầu. Như thể một mình anh chơi bóng dưới nước chống lại một đàn hải cẩu vậy.”
“Vì vậy mai anh đi?”
“Hừm… có thể hiểu như thế.”
“Có vẻ như anh bị lôi vào một vụ rất phức tạp.”
“Phức tạp đến mức chính anh không biết có gì xảy ra. Thế giới ngày càng phức tạp lên. Năng lượng hạt nhân, chủ nghĩa xã hội tan rã, máy tính thay người, thụ tinh nhân tạo, vệ tinh viễn thám, tim nhân tạo, phẫu thuật thùy não. Ngay bảng điều khiển trên ô tô cũng không nắm được. Nếu phải nói một cách đơn giản: anh đã sa chân vào một cuộc chiến thông tin. Như một con tốt đen. Cho đến khi máy tính có một nhân cách, có một cái Tôi.”
“Liệu một ngày nào đó sẽ xảy ra?”
“Có thể”, tôi nói. “Lúc đó nó sẽ tự biến dạng các dữ liệu của nó rồi tự tập hợp chúng lại. Và không ai ăn cắp được dữ liệu.”
Bồi bàn mang cá vược và cơm.
“Em không hiểu”, cô nói trong khi lấy dao ăn cá để xẻ con cá vược. “Ở thư viện mọi thứ đều bình yên. Ở đó có sách và mọi người đến đọc sách. Các thông tin dành cho tất cả, không ai tranh giành chúng.”
“Lẽ ra anh làm thủ thư thì hơn”, tôi nói. Có lẽ thế thì tốt hơn thật.
Chúng tôi ăn món cá và không để lại một hột cơm dính trên đĩa. Cái hố đói của tôi rốt cuộc không còn là thùng không đáy nữa.
“Cá vược ngon quá!”, cô gái thốt lên hài lòng.
“Bí quyết nằm trong nước xốt bơ”, tôi nói. “Hành tím băm nhỏ và nấu chín từ từ trong bơ hảo hạng. Nếu không chú ý là không tạo được vị.”
“Anh thích nấu ăn, phải không?”
“Nghệ thuật nấu ăn không thay đổi mấy từ thế kỉ 19. Nguyên liệu tươi, chuẩn bị cẩn thận, cảm nhận hương vị, trình bày thẩm mỹ – đó là những yếu tố không bao giờ xê dịch.”
“Bánh bột chanh cũng ngon tuyệt”, cô nói. “Anh còn ăn được nữa không?”
“Tất nhiên”, tôi nói. “Thêm năm cái nữa cũng xong.”
Tôi ăn đá nhuyễn với nho, bánh bột chanh và uống espresso. Món bánh chanh tuyệt hảo. Tráng miệng phải nhiều và ngon miệng như thế mới đạt. Hương vị của espresso cũng hài hòa và đằm.
Sau khi chúng tôi lấp hết các thứ vào lỗ hổng không đáy, ông bếp trưởng ra tận bàn để chào. Chúng tôi nói với ông là vô cùng hài lòng.
“Khách ăn như thế thì bếp cũng khoái nấu”, ông ta nói. “Ít người ăn được nhiều như anh chị, ngay ở Ý cũng hiếm.”
“Cảm ơn ông”, tôi nói.
Sau khi bếp trưởng quay đi, tôi gọi bồi bàn và gọi thêm hai chén espresso. “Anh là người đầu tiên ngang sức ngang tài với em trên bàn ăn mà không chết vì bội thực”, cô nói.
“Anh còn ăn được nữa”, tôi nói.
“Em có pizza để lạnh ở nhà, và một chai Chivas Regal.”
“Ta đi thôi”, tôi nói.
Nhà cô quả thật rất gần thư viện. Cô có một ngôi nhà riêng, tuy chỉ là nhà liền kề nhưng cũng đáng nể. Có hành lang tử tế và vườn đủ cho một người nằm duỗi thẳng tay chân. Vườn hơi cớm nắng. Trồng đỗ quyên ở một góc. Nhà có cả một tầng lầu.
“Hồi mua nhà này, em còn có gia đình”, cô kể. “Em đã trả tiền vay ngân hàng bằng bảo hiểm nhân thọ của chồng em. Bọn em rất muốn có con. Nhà quá rộng cho một người.”
Tôi gật đầu đồng tình và ngắm phòng khách.
Cô lấy pizza trong ngăn đá ra, cho vào lò và bày chai Chivas, ly và đá lên bàn phòng khách. Tôi bật máy cát xét trong dàn stereo. Băng nhạc mà tôi hú họa lấy ra có nhạc của Jackie MacLean, Miles Davis, Wynton Kelly.
Trong khi đợi pizza, chúng tôi uống rượu và nghe tiếp Bag’s Groove và Surrey with a Fring on Top.
“Anh thích jazz cổ điển à?”, cô hỏi.
“Hồi trung học anh toàn vào các quán nhạc Jazz, anh không nghe gì khác.”
“Anh không nghe nhạc mới?”
“Police, Duran Duran, nghe đủ thứ. Có gì nghe nấy.”
“Nhưng anh không chọn nghe nhạc ấy ở nhà?”
“Không nhất thiết”, tôi nói.
“Chồng em ngày xưa chỉ nghe nhạc ngày xưa.”
“Giống anh.”
“Vâng, hai người quả thực có gì đó giống nhau. Anh ấy bị đánh chết trên xe buýt, bằng một cái bình sắt.”
“Tại sao?”
“Một thằng lỏi phun sơn vẽ trên xe buýt, anh ấy mắng nó, và nó lấy bình sắt đánh.”
“Tại sao nó có bình sắt theo người?”
“Ai biết được”, cô nói. “Một cái chết rất đau xót.”
Tôi cũng thấy thế.
Món pizza đã xong. Mỗi người ăn một nửa. Sau đó chúng tôi ngồi cạnh nhau trên sofa uống whiskey và vang.
“Em có muốn xem một cái đầu lâu thú một sừng không?”, tôi hỏi.
“Có chứ”, cô nói. “Anh có đem theo à?”
“Không phải đồ thật, chỉ là phiên bản thôi.”
“Em vẫn muốn xem.”
Tôi ra ô tô đỗ trước nhà và lấy túi du lịch từ ghế sau.
Trời đêm đầu tháng Mười mát dịu. Vài mảng mây bị xé rách, để hiện ra vầng trăng gần tròn. Nhất định ngày mai trời sẽ đẹp. Trở lại phòng khách, tôi mở túi, lấy chiếc đầu lâu quấn trong khăn ra và đưa cô xem. Cô đặt ly vang xuống bàn và xem xét chiếc đầu lâu rất kỹ. “Làm rất giống.”
“Do một nhà nghiên cứu sọ làm”, tôi nói và uống một ngụm whiskey.
“Trông như thật.”
Tôi tắt cát xét, lấy cái kẹp gắp than gõ lên đầu lâu. Tiếng khô như tiếng gõ mõ.
“Gì vậy?”
“Mỗi đầu lâu có một âm thanh riêng đặc thù”, tôi nói. “Nhà nghiên cứu sọ có thể nghe ra các ký ức trong đó.”
“Em thấy chuyện này rất hay”, cô nói. Rồi cô tự gõ lên đầu lâu. “Trông không thể biết là phiên bản!”
“Người làm ra nó là một người cực cầu toàn.”
“Đầu của chồng em bị vỡ, nhất định sẽ không phát ra âm thanh nào.”
“Anh không biết”, tôi nói.
Cô để đầu lâu xuống bàn, cầm ly uống một ngụm. Chúng tôi ngồi trên sofa, tựa vai vào nhau, tay cầm ly và quan sát chiếc đầu lâu. Lúc thì trông như nó cười với chúng tôi, lúc thì như đang lấy hơi.
“Anh bật nhạc lên đi”, cô nói.
Tôi lại lấy trong đống băng một cát xét bất kỳ và cho vào máy, ấn nút PLAY rồi quay về sofa.
“Ở đây ổn không, hay mình lên lầu?”
“Ở đây lý tưởng”, tôi nói.
Pat Boone nhẹ nhàng hát I’ll Be Home. Dường như thời gian trôi ngược chiều, nhưng tôi không thèm bận tâm; kệ nó muốn trôi đi đâu thì tùy. Cô thủ thư kéo màn đăng ten ở cửa sổ trông ra vườn khép vào và tắt đèn. Rồi cô trút bỏ quần áo dưới ánh trăng. Cô cởi dây chuyền bạc, đồng hồ uốn hình vòng tay và áo dài nhung trơn. Tôi cũng cởi đồng hồ ném lên sofa. Sau đó tôi cởi áo vest, nới lỏng cà vạt và dốc nốt chỗ whiskey còn sót trong ly.
Khi cô cuộn tất quần xuống đến mắt cá thì nhạc đổi sang bài mới: Ray Charles hát Georgia on My Mind. Tôi nhắm mắt, gác chân lên bàn để thời gian lắc sóng sánh trong đầu như lắc whiskey trong ly. Tất cả, tất cả đã từng có lần xảy ra cách đây lâu lắm rồi. Nếu có khác thì họa chăng đôi chút ở quần áo vương dưới sàn nhà, ở âm nhạc và những lời chuyện trò. Nhưng không có gì để phân biệt. Người ta quay mãi trong vòng tròn để rồi lại quay về điểm cũ. Một cuộc chạy đua tại chỗ trong đu quay. Không ai vượt lên, không ai tụt lại, mãi mãi vẫn là một vạch đích không đổi. Không có bước tiến bộ.
“Tất cả, hình như tất cả đã có lần xảy ra với anh lâu lắm rồi”, tôi nói, mắt vẫn nhắm.
“Tất nhiên, đồ ngốc ạ”, cô nói. Cô lấy ly khỏi tay tôi và mở khuy sơ mi, từ từ, chậm rãi, như tước xơ đậu đũa.
“Sao em biết?”
“Vì em biết”, cô nói. Và hôn lên ngực trần của tôi. Mái tóc dài của cô phủ xuống bụng tôi. “Tất cả, tất cả đã có lần xảy ra rồi. Tất cả quay vòng, lặp đi lặp lại, ý anh thế phải không?”
Tôi vẫn nhắm mắt, thả cho mọi sự diễn ra với mình. Tôi nhớ đến món cá vược, bấm móng tay, con sên trên ghế băng trước hiệu giặt. Thế giới đầy rẫy những điềm báo trước.
Tôi mở mắt và nhẹ nhàng vòng tay ôm cô để móc nịt ngực sau lưng. Nhưng không thấy.
“Phía trước”, cô nói.
Ai bảo là không có bước tiến bộ.
Chúng tôi làm tình ba lần, sau đó đi tắm và trùm chăn ngồi trên sofa và nghe Bing Crosby. Tôi cực phấn chấn. Dương vật tôi dựng đứng như Kim Tự tháp Giza. Tóc cô thơm phức nước xả thơm. Đệm nút của sofa không quá mềm, đúng là một bộ sofa tốt. Còn lại từ những ngày mà người ta sản xuất ra sofa tốt. Nó tỏa mùi thơm của nắng đọng từ xưa. Một bộ sofa từ thời mà những bộ sofa chất lượng còn là điều hiển nhiên.
“Sofa của em rất tốt”, tôi nói.
“Đồ cũ rích ấy mà! Em định mua một bộ mới từ lâu.”
“Em nên giữ nó.”
“Thế thì em giữ”, cô nói.
Bing hát, và tôi hát theo:
Ôi, Danny yêu, tiếng kèn túi gọi
Vang vang khắp thung lũng núi đồi
Hè đã qua và hoa hồng tàn héo
Anh phải lên đường, em chỉ biết đợi thôi.
Nhưng hãy quay về khi nắng mới tinh khôi
Hay khi thung lũng im lìm trắng tuyết
Em sẽ ở đây dù nắng hay mưa
Danny yêu, em nhớ anh da diết
“Anh thích bài này hả?”, cô nói.
“Ừ, anh rất thích”, tôi nói. “Hồi ở tiểu học anh thổi ắc mô ni ca bài này ở một cuộc thi và được giải nhất, được thưởng một tá bút chì. Ngày xưa anh thổi ắc mô ni ca giỏi lắm.”
“Đời vui ra phết”, cô cười.
“Mỗi phút một tràng cười”, tôi nói.
Cô bật lại Danny Boy và tôi hát lần nữa:
Nhưng nếu anh héo tàn và chết
Như hoa hồng không thể sống ngàn năm
Em sẽ tìm đến chỗ anh nằm
Và quỳ xuống đọc lời cầu nguyện
Nhưng hãy quay về khi nắng…
Lần này bài hát làm tôi buồn thê thảm.
“Anh sẽ viết thư cho em nhé?”, cô hỏi.
“Nhất định”, tôi nói. “Nếu ở đó gửi thư được.”
Chúng tôi chia nhau chỗ rượu vang còn trong chai.
“Em biết mấy giờ rồi không?”, tôi hỏi.
“Nửa đêm rồi”, cô trả lời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.