Xử Thế Trí Tuệ Toàn Thư - Thuật Nói Chuyện

Chương 1 : Chuyển Đề Tài Câu Chuyện



Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta hay gặp phải một số vấn đề khiến bạn lúng túng. Ví dụ như vấn đề về quốc gia, bí mật cơ quan, thu nhập cá nhân hay những vấn đề riêng tư khác. Khi gặp phải những câu hỏi như vậy, nếu chúng ta trả lời một cách qua loa là: “Không thể nói cho anh biết được” hoặc “không thể báo cáo” thì một mặt vừa có thể sẽ khiến người đặt câu hỏi cảm thấy thất vọng, không hài lòng, mặt khác có thể làm tổn hại đến hình ảnh khiêm nhường của bạn trai cũng như nét duyên dáng, tế nhị của bạn gái.



Vậy chúng ta nên ứng đối như thế nào trước những vấn đề phức tạp và khó xử mà lại không thể không trả lời như vậy? Xin bạn đừng lo, chỉ cần biết khéo léo “chuyển chủ đề” một chút là chúng ta có thể thoát khỏi tình cảnh này ngay thôi.



Cái gọi là “chuyển chủ đề” chính là một nghệ thuật ngôn ngữ khi người nào đó gặp phải một câu hỏi khó trả lời trực tiếp biết lái vấn đề sang một hướng khác và thay vào đó một vấn đề khác. Đây cũng chính là một nghệ thuật “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.” Đương nhiên, trong mỗi tình huống khác nhau cũng sẽ có những cách “hoán chuyển” khác nhau. Nhưng nhìn chung, từ mối quan hệ giữa các chủ đề khi được thay thế cho nhau, chúng ta có thể phân làm hai loại chính là “hoán chuyển gần” và “hoán chuyển xa.”

 

Hoán chuyển gần. 



“Hoán chuyển gần” chính là chỉ chủ đề sau khi “chuyển đổi” sẽ có nội dung gần giống với chủ đề cũ, chẳng qua chỉ là sự mở rộng hay thu hẹp phạm vi mà thôi. Nhìn chung, cho dù hai chủ đề không giống nhau hoàn toàn nhưng vẫn có mối liên hệ nhất định. Các bạn có thể xem ví dụ dưới đây:



Có một tờ báo đã đăng câu chuyện về một người Mĩ sau khi đến thăm nơi ở cũ của chủ tịch Mao Trạch Đông đã dùng cơm tại một quán ăn gần đó. Tài nấu ăn của bà chủ đã khiến cho vị khách khen ngợi hết lời. Nhưng sau khi tán dương một hồi, vị khách nọ đột ngột hỏi: “Nếu như Mao Chủ Tịch còn tại thế, liệu ông ấy có cho phép bà mở tiệm ăn không?”

 

Câu hỏi này thật khó trả lời. Nếu như trả lời là “Có” thì sẽ không phù hợp với thực tế, còn nếu nói là “Không” thì sẽ phần nào hạ thấp hình ảnh Mao Chủ tịch, mà nếu không trả lời thì sẽ làm cho vị khách kia thất vọng. Nhưng thật là may mắn, bà chủ quán chỉ thoáng một chút suy tư đã nhanh chóng trả lời: “Nếu như không có Mao Chủ tịch thì tôi đã chết đói từ lâu rồi, đâu còn nghĩ đến chuyện mở quán cơm được nữa?”

 

Câu trả lời của bà thật khôn khéo. Bà đã rất nhanh trí chuyển chủ đề câu hỏi sang một hướng khác, dùng ảnh hưởng của công lao vĩ đại sáng lập ra đất nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông đối với cuộc sống hiện tại của mình để trả lời vị khách. Điều này vừa không có ý coi thường khách lại vừa có thể gìn giữ được hình ảnh cao đẹp của vị lãnh đạo tối cao.



Lại như tiếng tăm của diễn viên Củng Lợi đã nổi như cồn sau khi nhận vai chính trong bộ phim “Cao lương đỏ”. Khi “Cao lương đỏ” lần đầu được công chiếu tại Hồng Kông, có một vị nhà báo đã hỏi Củng Lợi rằng: “Cô đánh giá như thế nào về dung nhan của mình?” Việc tự nhận xét về dung nhan thật khó đối với Củng Lợi. Bởi lẽ cho dù cô có tự nhận là mình “đẹp” hay “không đẹp” thì cũng có thể dẫn đến những phiền phức. Nhưng Củng Lợi đã rất nhanh trí trả lời rằng: “Tôi cảm thấy mình có một hàm răng rất đẹp. Chúng ngay ngắn, thẳng hàng và đều tăm tắp.” Điều mà vị nhà báo kia muốn Củng Lợi trả lời là “sự đánh giá về sắc đẹp của mình.” Vậy mà cô đã khéo léo lái chủ đề sang một hướng khác đó là “đánh giá về vẻ đẹp của hàm răng”. “Răng đẹp” đương nhiên cũng có một mối quan hệ nhất định nào đó với “tướng mạo đẹp”. Chỉ có điều là phạm vi của vấn đề mà cô trả lời hẹp hơn rất nhiều so với yêu cầu của nhà báo kia. Tuy vậy, điều đó đã giúp cho cô không làm cho vị nhà báo đó thất vọng, đồng thời cũng tránh được vấn đề tế nhị đó là đánh giá trực tiếp về sắc đẹp của mình.



Nghệ thuật “hoán chuyển gần” cũng hay được sử dụng trong quá trình tố tụng pháp luật. Có một câu chuyện như thế này :



Một nhân viên phục vụ trên một đoàn tàu nọ trong khi phục vụ đã nảy sinh mâu thuẫn với một vị hành khách. Trong khi cãi cọ, người hành khách đã có những lời lẽ bất nhã xúc phạm đến nhân viên phục vụ đó. Anh này nổi xung lên và hành hung vị hành khách trong toa ăn. Hai bên trong khi giằng co, vị khách đã bị ngã vào chỗ nối giữa hai toa xe và bị vỡ đầu chảy máu dẫn đến trọng thương. Viện kiểm sát đã khởi tố anh ta vì tội “cố ý gây thương tích.” 

Tại phiên toà, luật sư biện hộ cho nhân viên đó muốn dựa vào việc anh ta đánh người là có lí do chính đáng để bào chữa cho thân chủ của mình trắng án. Tại lần xử thứ ba, luật sư trong lúc đuối lý đã đột nhiên hỏi công tố viên rằng: “Xin hỏi ngài công tố, nếu như có người làm nhục ngài trước mặt bàn dân thiên hạ thì ngài sẽ làm thế nào?”

 

Câu hỏi này thật hóc búa. Nếu như trả lời giống như bị cáo là ra tay hành hung đánh người thì không được. Mà nếu trả lời là không có phản ứng gì thì cũng không thoả đáng. Nếu như câu hỏi của vị luật sư mà không có sự liên hệ đến bản án thì sẽ làm cho mọi người không thoả mãn.



Vậy phải trả lời sao đây? Chỉ thấy vị công tố kia thoáng đăm chiêu rồi ung dung trả lời rằng: “Trong cuộc sống hàng ngày, việc một người bị xúc phạm cũng là điều thường xảy ra. Vậy người bị xúc phạm nên xử trí thế nào đây? Điều này có quan hệ mật thiết đến tuổi tác, trình độ học vấn và sự giáo dục của mỗi người. Một số người có thể nhẫn nhục mà bỏ qua, một số không thể cam chịu muốn dạy cho người kia một bài học, số khác lại tự cho mình là thanh cao không thèm đếm xỉa gì đến việc đó, cũng có một số sẽ giống như bị cáo mà nổi giận đùng đùng ra tay hành hung. Đối với những người khác nhau sẽ có những cách xử trí khác nhau. Xin hỏi luật sư bào chữa, việc công tố viên xử trí như thế nào khi bị xúc phạm có mối liên hệ tất yếu nào đến hành vi phạm tội của bị cáo hay không? Hơn nữa, làm sao lại có thể từ một công tố viên hay một người nào đó sẽ hành động như thế nào khi bị xúc phạm mà suy đoán dược rằng bị cáo đánh người là vô tội được? Vả lại, việc bị cáo đánh người thực sự là có nguyên nhân của nó, nhưng đó chỉ đơn thuần là một tình tiết cần được xét tới để giảm nhẹ hình phạt chứ tuyệt đối không thể phủ nhận hành vi phạm tội của bị cáo được.”

 

Về việc luật sư bào chữa hỏi rằng công tố viên khi bị xúc phạm thì có chịu cam tâm mà làm ngơ hay không, công tố viên điềm tĩnh trả lời như vậy. Công tố viên đã không trực tiếp trả lời vấn đề “Có chịu được khi bị người ta lăng nhục không?” mà đã khéo léo lái câu trả lời thành “người ta nên xử trí như thế nào khi bị xúc phạm và những biểu hiện khác nhau khi gặp phải những tình huống khó xử đó, ông cũng muốn nhấn mạnh rằng bị lăng mạ tuyệt đối không phải là điều kiện đầy đủ để có thể hành hung người khác, lại càng không thể cứ bị xúc phạm là nhất định phải hành hung. Do vậy, không thể kết luận rằng đánh đập người khác là có lý, là vô tội được”. Câu trả lời thật đơn giản nhưng dã giải quyết được mọi vấn đề. Nó vừa chặt chẽ lại rất hợp tình, hợp lý, giúp cho công tố viên không chỉ thoát khỏi tình thế bất lợi mà còn bác bỏ quan điểm của luật sư bào chữa, đồng thời lại có tác dụng tuyên truyền pháp luật và giáo dục quần chúng nhân dân.



Hoán chuyển xa. 



“Hoán chuyển xa” là chỉ một vấn đề sau khi được chuyển đổi thì sẽ có nội dung khác xa với vấn đề được yêu cầu trả lời, thậm chí giữa hai vấn đề không hề có một chút liên hệ nào cả.



Dạo trước, có một vị tiên sinh không đứng đắn trông thấy một thiếu phụ vừa ôm một đứa trẻ trong lòng, vừa cõng trên lưng một đứa bé bèn nảy sinh tà ý muốn chọc ghẹo. Anh ta hỏi người thiếu phụ bằng một câu hỏi đầy ẩn ý rằng: “Chị à, hai dứa bé này, đứa nào là của “tiên sinh” vậy?”

 

Cô gái nọ thấy anh ta thật sự không có ý tốt thì cũng nhanh trí trả lời rằng: ‘“Tiên sinh” hay “hậu sinh” thì đều là con tôi cả.’



Câu trả lời thông minh đã làm cho vị “tiên sinh” kia ngượng chín cả người mà không nói được câu nào.



Ở đây vị tiên sinh không đứng đắn của chúng ta dùng từ nghi vấn “đứa nào” để đặt câu hỏi, ý muốn người thiếu phụ là “đứa bé trên tay hay đứa bé được cõng trên lưng, đứa nào là con ông ta.” Nhưng bởi vì từ “tiên sinh” lại có thể được hiểu thành hai nghĩa, vừa có nghĩa là “ông ta” vừa có thể hiểu là “sinh ra trước”. Nếu như người thiếu phụ chỉ căn cứ vào nghĩa được hàm ý trong câu hỏi của người đàn ông để trả lời thì coi như đã bị ông ta đưa vào tròng, sẽ cảm thấy rất xấu hổ nhưng cô đã rất thông minh liên tưởng đến một khía cạnh khác, mở rộng phạm vi của từ “đứa nào” để trả lời câu hỏi “đứa trẻ là con của ai” bằng một câu trả lời khôn khéo “sinh trước hay sinh sau thì đều là con của tôi cả.” Cô gái đã làm cho ý nghĩa của câu trả lời của mình có phần khác đi so với ý nghĩa của câu hỏi của vị tiên sinh kia, thậm chí hoàn toàn tương phản. Nhờ cách xử lí thông minh này của người thiếu phụ mà cô không những không bị mắc bẫy của ông ta mà ngược lại còn chơi cho ông ta một vố, thật đúng là “gậy ông đập lưng ông”.



Trong cuộc sống hàng ngày, ứng dụng của biện pháp “hoán chuyển xa” này cũng được sử dụng một cách rộng rãi. Có người còn đặt cho nó một tên gọi là “chiến thuật sao băng”. Đây cũng là một cách làm xao nhãng sự chú ý của người khác.



Ví dụ, khi một đứa trẻ nằng nặc đòi mẹ nó mua một món đồ chơi. Vậy, người mẹ nên làm thế nào đây? Nên đáp ứng ngay yêu cầu của đứa bé (điều này thì bà mẹ không muốn) hay là giả câm điếc không trả lời (điều này lại có thể khiến đứa trẻ thất vọng khóc lóc rất đáng thương) hay là đánh lừa nó mà bảo rằng sẽ đi mua ngay cho nó rồi cuối cùng lại không mua nữa? (cách này không hay bởi vì “chớ nên nói dối với trẻ con”. Có thể hôm nay bạn gạt chúng, liệu bạn có chắc rằng ngày mai chúng sẽ không lừa gạt bạn.) Một người mẹ thông minh sẽ biết cách không trả lời trực tiếp vào vấn đề mà đứa bé hỏi và sẽ tìm cách làm sao nhãng sự chú ý của nó. Ví dụ như có thể nói với nó rằng: “Ồ, con nhìn kìa, sao băng đẹp chưa!” Điều này sẽ làm cho đứa trẻ nổi tính tò mò mà ngẩng đầu lên trời, nhất thời có thể khiến cho nó quên mất đòi hỏi của mình. Có người gọi phương pháp làm sao nhãng sự chú ý của người khác này là “chiến thuật sao băng.”

 

“Chiến thuật sao băng” này vẫn có điểm gần giống với phương pháp “hoán chuyển gần”, nếu biết vận dụng một cách linh hoạt thì có thể giúp chúng ta thoát khỏi tình huống khó xử. Ví dụ, có nhà doanh nghiệp của một công ty nọ, trong tình hình bất đồng giữa thợ và chủ đang diễn ra rất căng thẳng, dột nhiên nói một câu với đại diện phía công đoàn: “Thưa ông, giọng nói của ông quả thực rất kêu, rất dễ nghe đó.” Câu nói này khiến cho bầu không khí cuộc đàm phán hoàn toàn thay đổi, đại diện của phía công đoàn lúng túng nhìn nhau, không biết nên nói thế nào mới phải.



Từ sự phân biệt hình thức biểu đạt ngôn ngữ, ta thấy cách chuyển đổi vấn đề có hai loại: chuyển đổi trực tiếp và chuyển đổi gián tiếp.



Chuyển đổi trực tiếp. 



Cách chuyển đổi vấn đề (hay đề tài) này là trực tiếp chuyển sang vấn đề hoàn toàn mới so với vấn đề của đối phương, trong đó không dùng lời nói dài dòng để dẫn dắt, nó tạo ra cảm giác đối lập dứt khoát, mạch lạc, thông thường để thể hiện một cách trả lời cứng rắn.



Ví dụ, cựu thủ tướng Anh trong khi đang tiến hành diễn thuyết tranh cử, đột nhiên có kẻ phá đám cố tình ngắt lời ông ta và hét lên: “Đồ cứt đái, đồ rác rưởi.” Mọi người chẳng thèm đếm xỉa đến lời hắn, nhưng Wilson vẫn cứ là Wilson, đứng trước tình huống khó xử như vậy vẫn bình tĩnh, kiềm chế được bản thân, chỉ nhìn hắn mỉm cười và ôn tồn nói: “Quý ngài không cần phải nóng vội, sau đây ta sẽ đề cập ngay đến cái vấn đề bẩn thỉu mà ngài vừa nêu ra.” Cái kẻ phá đám đó đỏ mặt tía tai khi nghe thấy câu nói hài hước nhưng cũng đầy ý châm chọc đó nên câm lặng không nói được lời nào.



Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill rất hay dùng cách này để giải quyết những tình huống khó xử. Nghe nói, sau khi ông ta rời bỏ Đảng Bảo Thủ, gia nhập Đảng Tự Do, một người phụ nữ phản đối ông đã nói với ông: “Ngài Winston Churchill, ngài có hai điểm mà tôi không thích.”

 

“Hai điểm nào khiến phu nhân không thích?” Ông Winston Churchill hỏi.



“Đó là chính sách mới mà ngài thi hành và bộ râu của ngài.”

 

“Xin đừng để ý đến,” Winston trả lời rất lịch sự, “bà có thể sẽ không còn cơ hội để tiếp xúc với bất kì điểm nào trong số đó nữa đâu.”

 

Cách chuyển đổi vấn đề khéo léo như vậy, vừa tỏ ra hài hước, vừa có thể phản kích thẳng lại lời chỉ trích của quý bà đó.



Có lúc, trong một vài trường hợp giao tiếp, đối diện với những câu trả lời, vận dụng biện pháp chuyển đổi trực tiếp sẽ rất quan trọng. Ví dụ: Một lần, tuỳ viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp tham dự buổi yến tiệc và khiêu vũ cùng một cô gái Paris. Trong khi khiêu vũ, cô gái đột nhiên hỏi: “Giữa phụ nữ Pháp và phụ nữ Trung Quốc, ngài thích phụ nữ nước nào hơn?” Câu hỏi đột ngột như vây quả thực rất khó trả lời, nếu như nói thích phụ nữ Trung Quốc hơn thì không tránh khỏi mất đi phép lịch sự ngoại giao, còn nếu nói thích phụ nữ Pháp hơn thì bản thân mình là người Trung Quốc, cũng lại càng không được. Nhưng người tuỳ viên thông minh đó sau khi suy nghĩ một lúc đã lịch sự trả lời cô gái rằng: “Tất cả phụ nữ thích tôi thì tôi đều thích cả.”

 

Câu trả lời này thật tài tình, vừa thoát khỏi phạm vi mà cô gái đặt ra, lại vừa đạt được mục đích chính là quay về thực chất vấn đề mà đối phương hỏi.



Nhà thơ lớn của nước Nga Puskin cũng đã sử dụng cách chuyển đổi trực tiếp để thoát khỏi tình huống khó xử. Một lần, Puskin mời một phụ nữ xinh đẹp khiêu vũ thì cô ta kiêu ngạo nói: “Tôi không thể khiêu vũ với một đứa trẻ.” Lòng tự trọng của Puskin bị xâm phạm nhưng ông không hề tức giận mà còn lịch sự khom người cúi chào người phụ nữ xinh đẹp đó và mỉm cười nói: “Thành thật xin lỗi, tôi không biết bà đang mang thai,” nói xong ông liền đi ngay. Người phụ nữ xinh đẹp đó đỏ mặt xấu hổ, không biết nói thể nào cho phải.



Chuyển đổi vòng vo 



Cách chuyển đổi này trước khi chuyển sang vấn đề mới vòng vo một hồi, nói những lời có tính dẫn dắt, sau đó mới chuyển vấn đề, nhẹ nhàng đối đáp lại. Nó tạo cho người ta cảm giác chuyển ngoặt nhẹ nhàng kín đáo, ý vị sâu xa, thể hiện phong cách biểu đạt “giấu dao trong áo”. Ví dụ, trước khi trúng cử Tổng thống Mĩ, Franklin Roosevelt đã từng giữ một chức vụ quan trọng trong lực lượng hải quân Mĩ. Một hôm, một người bạn hỏi ông về kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại một hòn đảo nhỏ trên biển. Franklin Roosevelt bèn nhìn bốn phía, sau đó hỏi nhỏ người bạn:



“Anh có thể giữ bí mật không?”

 

Người bạn trả lời: “Đương nhiên là có thể.”

 

“Tôi cũng vậy,” Franklin mỉm cười nhìn người bạn.



Đối diện với câu hỏi tò mò của người bạn, nếu không trả lời sẽ ảnh hưởng đến tình bạn bè, còn nếu trả lời thì vi phạm kỉ luật quân đội. Làm thế nào bây giờ? Ngài Franklin Roosevelt nhanh trí, hài hước đã khôn khéo chuyển vấn đề khiến vừa không làm phật lòng bạn, vừa không vi phạm kỉ luật quân đội, đúng là một mũi tên trúng hai đích.



Lại có một lần, vào năm 1945, khi Franklin Roosevelt đảm nhiệm chức Tổng thống nhiệm kì thứ tư liên tiếp, một phóng viên đến phỏng vấn, Franklin bày tỏ cảm tưởng về bốn lần liên liếp đảm nhận cương vị Tổng thống. Franklin không trả lời ngay mà mời vị phóng viên nọ ăn một miếng bánh quy. Người phóng viên nọ cảm thấy ngạc nhiên nhưng rất vui vẻ ăn một miếng. Tiếp đó, Tổng thống lại mỉm cười mời anh ta ăn tiếp một miếng nữa. Anh ta cảm thấy khó có thể từ chối được thịnh tình của Tổng thống nên tiếp tục ăn. Khi anh ta vừa ăn xong, đang định tiến hành phỏng vấn, không ngờ Tổng thống lại mời anh ta ăn tiếp miếng thứ ba. Anh ta tuy trong bụng không muốn ăn nhưng vẫn miễn cưỡng ăn.



Tuy vậy, Franklin vẫn mời anh ta ăn thêm một miếng nữa. Anh nhà báo này vội vàng giải thích rằng anh ta không thể ăn thêm được nữa …



Lúc đó, Franklin mới mỉm cười và nói với anh nhà báo: “Bây giờ, anh không muốn hỏi tôi về bốn lần liên tiếp nhậm chức nữa à, bởi vì như anh thấy rồi đấy!”

 

Thực ra, Franklin không muốn nói thẳng với anh nhà báo cảm tưởng của mình về bốn lần liên tiếp giữ chức Tổng thống. Nếu nói rất vui để mọi người khỏi nghi ngờ thì có nghĩa là ông rất đam mê quyền lực chính trị, nếu nói là không vui thì mọi người cho rằng đó là những lời nói không thật, là nguỵ biện, giả tạo, chỉ gây phản cảm cho mọi người. Duy chỉ còn cách nói lái đi nhưng có điều nói lái lại có chút đặc biệt: mời nhà báo ăn bánh, song vẫn nói nên cảm tưởng của ông về bốn lần liên tiếp làm Tổng thống: lần đầu tiên nhậm chức thì rất vui, lần thứ hai cảm thấy rất vinh dự, lần thứ ba cảm thấy khó có thể từ chối, lần thứ tư lại thấy miễn cưỡng. Cách trả lời này của ông tuy khác so với cách trả lời anh bạn thăm dò tin tức hải quân ở trên nhưng có tác dụng kì diệu như nhau.



Danh hài Triệu Bản Sơn của Trung Quốc cũng giỏi cách nói lái để gỡ thế bí cho mình. Ví dụ, tại một cuộc liên hoan nhỏ, trong số những người đến dự có một cô gái hỏi Triệu Bản Sơn: “Nghe nói trong số các danh hài cả nước thì tiền cát xê của ông là cao nhất, mỗi lần đòi một vạn đồng có đúng không?” Câu hỏi này làm cho Triệu Bản Sơn thấy rất khó xử. Nếu trả lời đúng thì sẽ không hay, nếu ngược lại trả lời là không thì là lừa dối khán giả. Gặp phải những câu hỏi khó như vậy, kĩ năng dẫn dắt câu chuyện nói lái của Triệu Bản Sơn đã đưa ra câu trả lời làm cô gái rất thoả mãn.



Triệu Bản Sơn nói: “Câu hỏi của quý cô đột ngột quá, xin hỏi quý cô làm ở cơ quan nào?”

 

Cô gái trả lời: “Tôi làm ở công ty sản xuất và kinh doanh đồ điện.”

 

Triệu Bản Sơn lại hỏi: “Công ty của cô kinh doanh những sản phẩm gì?”

 

“Công ty chúng tôi kinh doanh tivi, đầu VCD, đài cát- xét”

 

“Thế công ty cô bán một cái ti vi khoảng bao nhiêu tiền?”

 

Cô gái đáp: “Khoảng ba, bốn ngàn tệ.”

 

“Vậy thì có người trả ba, bốn trăm tệ thì các cô có bán không?”

 

“Đương nhiên là không rồi, vì giá của hàng hoá là do giá trị của nó quyết định.”

 

“Cô nói đúng, giá trị của diễn viên là do khán giả quyết định.”

 

Triệu Bản Sơn biến đổi câu hỏi của cô gái là có phải “mỗi lần Triệu Bản Sơn biểu diễn đòi trả hơn một vạn tệ không” thành câu chuyện “diễn viên thu được bao nhiêu tiền cát xê khi biểu diễn là do cái gì quyết định?” Trước lúc lộ ra là tảng lờ câu hỏi của cô gái, ông đã cố ý gác lại câu hỏi của cô mà chuyện trò với cô về những điều tưởng như không liên quan, sau khi dẫn đắt câu chuyện mang tính so sánh, cuối cùng Triệu Bản Sơn khiến chủ đề câu chuyện lộ rõ.



Theo cách này, vừa tránh được trả lời trực diện vừa không gây cho đối phương ấn tượng “ông nói gà, bà nói vịt”, làm cho không khí buổi liên hoan vui vẻ thoải mái lạ thường. Nếu như ông Triệu Bảo Sơn không trả lời lái đi sẽ làm cho không khí buổi liên hoan thêm căng thẳng, thậm chí phải dừng lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.