10 Bí Quyết Thành Công Của Những Diễn Giả Mc Tài Năng Nhất Thế Giới

Bí quyết thứ 8: BIẾT KIỂM SOÁT CÁCH THỂ HIỆN NHỮNG CỬ CHỈ ĐÚNG LÚC SẼ HẤP DẪN KHÁN GIẢ



Khi được hỏi điều gì thể hiện sự tự tin ở một người nhất, 125 người đã cho chúng tôi biết đó chính là điệu bộ – một yếu tốchiếm hơn gấp hai lần so với các đặc điểm khác.

– Jo-Ellan Dimitrius

Nhà tư vấn thẩm phán

“Công ty là nơi hội tụ của những con người với tư duy và tình cảm khác biệt nhau. Nếu bạn là người lãnh đạo, bạn phải thu phục được mọi người. Họ muốn nhìn thấy bạn làm được điều đó một cách thông minh và đầy ngưỡng mộ.”

– CARLY FIORINA 

CỰU GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH TẬP ĐOÀN HP

Những người giao tiếp giỏi nhất trong kinh doanh luôn sử dụng những ngôn ngữ hình thể rất thích hợp – một điệu bộ chủ động thể hiện sự tự tin và toát ra sức cuốn hút mạnh mẽ. Sức mạnh cũng như uy quyền của bạn được thể hiện qua cách bạn nói chuyện, đi lại và phục sức. Tùy theo câu nói của bạn mà mọi người sẽ hy sinh đến đâu để sẵn sàng làm theo những gì bạn nói? Họ có dám từ bỏ một công việc lương cao, nhiều bổng lộc và lương hưu trọn đời để cống hiến cho công ty của bạn hay không? Nếu có, nghĩa là bạn đã kiểm soát điệu bộ của mình rất tốt.

Tổng chỉ huy Matt Eversmann là một ví dụ rất tốt về điều này. Ngôn ngữ hình thể của ông không thể chê vào đâu được. Khi nói chuyện, ông luôn giữ lưng thẳng, vai không bao giờ thõng xuống. Quan trọng nhất là ánh mắt – phải luôn tiếp xúc trực tiếp với khán giả. Còn những cử chỉ bằng tay phải được kiểm soát sao cho thật phù hợp. Tôi hỏi Eversmann:

– Theo ông, ngôn ngữ hình thể, hay việc kiểm soát điệu bộ, đóng vai trò như thế nào đối với sự thành công của một người lãnh đạo?

Eversmann trả lời ngay mà không cần suy nghĩ:

– Tôi cho rằng điều này có tầm quan trọng chỉ đứng thứ hai sau sự nhiệt huyết mà thôi.

Ông nói tiếp:

– Những nhà lãnh đạo xuất sắc đều có phong thái tự tin. Cấp dưới cần nhìn thấy một hình ảnh vững chãi, như một cây sồi, nơi người lãnh đạo dù có bất kỳ điều gì xảy ra xung quanh họ. Bạn cần phải tạo được cho mọi người cảm giác tin tưởng rằng bạn luôn kiểm soát được mọi tình huống, ngay cả khi bạn không có giải pháp tức thì cho một vấn đề khó khăn. Một người lãnh đạo không truyền được sự tự tin cho cấp dưới chắc chắn sẽ đánh mất lòng trung thành của “đội quân” của mình, nhất là vào những khi thực sự cần đến họ.

Hội chứng American Idol

Những người giao tiếp xuất sắc trong kinh doanh biết rằng chỉ riêng ngôn ngữ sẽ không thể cuốn hút được khán giả của mình. Họ sử dụng ngôn ngữ hình thể mạnh mẽ và tự tin để đánh bóng cho phần trình bày, bài diễn văn hay buổi họp của mình. Những người giao tiếp khá hiểu được khái niệm, nhưng không áp dụng đủ mức cần thiết trong thực tế. Những người giao tiếp trung bình cần phải có người nhắc bài thân thiện. Những người giao tiếp kém – đều đều, tẻ nhạt, thiếu cảm xúc và tỏ vẻ mệt mỏi – hoàn toàn rõ ràng là do thiếu những kỹ năng này. Nhưng bản thân họ lại cho rằng mình rất tuyệt. Tôi gọi điều này là Hội chứng American Idol . Sau khi phỏng vấn nhiều người phát ngôn hàng đầu thế giới trong hơn 15 năm làm việc trong ngành truyền hình, tôi đã nhận thấy một sự tương quan như sau: những người tự cho rằng mình là diễn giả hay người phát ngôn xuất sắc rõ ràng là người kém nhất. Ngược lại, những người khiêm tốn và luôn mong muốn nhận được sự phản hồi, chính là những người giỏi nhất.

Hãy tự tin thể hiện bản thân

Tory Johnson, sáng lập viên và giám đốc điều hành của tổ chức Women For Hire, cho biết ngôn ngữ hình thể có tầm quan trọng đặc biệt đối với những phụ nữ muốn thành công khi đối diện với người tuyển dụng hay sếp của mình.

Theo Johnson, “Cách thể hiện bản thân là rất quan trọng. Đặc biệt trong những cuộc gặp gỡ trực tiếp, ấn tượng trực quan đầu tiên thường có sức mạnh nhiều hơn lời nói. Phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc tự giới thiệu bản thân. Ví dụ, họ thường có khuynh hướng xem nhẹ những thành công của mình, thế là họ tránh nói về những thành tích của bản thân. Họ sợ nếu nói như thế sẽ bị cho là tự phụ, khoe khoang, hay khoác lác. Điều đó được phản ánh rất rõ qua lời nói và cử chỉ của họ: ánh mắt lảng tránh, tư thế không thẳng, bắt tay lơi lỏng, nét mặt nghiêm nghị, không cười. Điều này luôn tạo ra những ấn tượng không đẹp cho người đối diện.

Chính vì vậy, bạn cần phải vượt qua điều đó bằng cách nhận thức rõ rằng sự tự tin khi giới thiệu về mình là rất cần thiết, đặc biệt nếu bạn đang là người đi tìm việc. Những điều bạn nói về mình và sự tự tin trong cách trình bày sẽ giúp bạn đạt được nhiều thuận lợi hơn trong quá trình tìm việc, và thường trở thành yếu tố tạo nên sự nổi bật cho bạn giữa các ứng viên khác.

Cá nhân tôi cũng cho rằng đó là một yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa một phát ngôn viên doanh nghiệp xuất sắc và một diễn giả trung bình. Hơn bao giờ hết, sự cạnh tranh trong công việc ngày trở nên gay gắt, đặc biệt là đối với các công việc hàng đầu. Hãy trở nên nổi bật bằng cách thể hiện mình như một người khác biệt.

Phá vỡ rào cản

Ngôn ngữ cơ thể mạnh mẽ là một trong những bí quyết đằng sau sự nổi tiếng của John Chambers, một diễn giả doanh nghiệp tài ba khiến nhiều người ngưỡng mộ. Chambers đã trở thành một bậc thầy trong việc tiếp cận gần gũi với khán giả bằng cách phá vỡ rào cản vật chất tách biệt giữa ông và khán giả của mình. Đó là một kỹ thuật giúp ông tạo nên sự tin cậy nơi khán giả. Ông khéo léo đến mức mọi người luôn cảm thấy mọi cử chỉ của ông đều rất tự nhiên. Bản chất yêu thích biểu lộ cảm xúc và lạc quan có thể là những phẩm chất tự nhiên, nhưng phong cách trình diễn của ông đã được phát triển theo thời gian.

Một lần, tôi đã hỏi Chambers như sau:

– Làm thế nào ông có thể cải thiện vai trò của một diễn giả, đặc biệt là về mặt ngôn ngữ hình thể tốt đến như vậy?

Chambers nói với tôi rằng:

– Tôi đã rèn luyện bằng cách phá vỡ những rào cản giữa người diễn thuyết và khán giả. Đó là rời khỏi bục diễn để đến gần với khán giả hơn, nhìn thẳng vào mắt họ, đặt tay lên vai họ và hỏi họ một số câu hỏi. Cứ như một cha xứ đến với các con chiên thật nồng hậu và giúp họ tập trung vào cơ hội trước mắt. Hãy đối xử với mọi người theo cách bạn muốn mình được người khác đối xử. Và cách mà tôi muốn được đối xử là muốn được trò chuyện trực tiếp, như thể chỉ có hai người. Tôi không muốn cảm thấy mình chỉ là một trong số 500 khán giả đang ngồi ở đó. Thế nên tôi luôn đặt câu hỏi hay nói chuyện như thể họ là khán giả duy nhất.

Bằng cách ấy, Chambers đã phá vỡ rào cản một cách tự nhiên và dễ dàng.

Jo-Elland Dimitrius đã viết trong quyển Put Your Best Foot Forward rằng: “Tư thế buông thõng, xuề xòa hay lơi lỏng không chỉ gắn liền với hình ảnh thiếu tập trung mà còn phản ánh độ kém tin cậy và yếu năng lực”. Dimitrius được trả hàng triệu đô-la để đọc ngôn ngữ hình thể của những thẩm phán tiềm năng tại các phiên tòa lớn. Về dáng vẻ cởi mở, Dimitrius có một cách giải thích ngắn gọn và đơn giản như sau “đừng đặt bất cứ thứ gì giữa bạn và khán giả.” Chẳng hạn như chiếc bục trên sân khấu. Bạn hãy nhớ đến cách Chambers đã mạnh dạn rời bỏ chiếc bục để hòa nhập vào đám đông như thế nào.

Trên đây là những thói quen phổ biến rất dễ sửa. Bất cứ khi nào bạn đặt thứ gì giữa mình và khán giả là bạn đã tạo ra một rào cản, một cơ chế tự vệ tiềm thức gợi ý bạn đang che giấu điều gì đó – dù có hay không có. Điều đó sẽ tạo ấn tượng đối với khán giả. Theo Dimitrius, điều đó làm cho bạn tỏ ra kém phần tin cậy hơn, ít trung thực và bớt đi sự tự tin. Vì thế, hãy nhanh chóng sửa chữa chúng bằng những cách thật đơn giản: loại bỏ những vật cản này.

Ánh nhìn và cảm xúc

Sự tiếp xúc thông qua ánh mắt có mối liên hệ chặt chẽ với tính trung thực, sự tin cậy và sự tự tin – tất cả những đặc điểm mà bạn cần phải trang bị nếu muốn trở thành một người giao tiếp giỏi. Chúng ta thích những người nhìn thẳng vào mắt chúng ta khi nói chuyện. Chấm hết. Dù là nói chuyện trước đám đông hay chỉ với một cá nhân nào đó, việc tiếp xúc bằng ánh mắt đóng vai trò hết sức quan trọng.

Câu hỏi đặt ra là nên duy trì sự tiếp xúc bằng mắt trong bao lâu? Vì trong thực tế, nếu chúng ta nhìn chằm chằm vào mắt người khác quá lâu sẽ làm cho người đối diện cảm thấy không thoải mái. Do đó, chúng ta cần tạo nên những khoảng nghỉ một cách tự nhiên. Theo Dimitrius, hầu hết mọi người đều duy trì mức độ tiếp xúc bằng ánh mắt trong khoảng từ 40-70% thời gian, nhưng để tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất, bà đề nghị bạn nên duy trì việc tiếp xúc bằng ánh mắt từ 70-80% thời gian.

Khi nói chuyện trước một nhóm đông người hơn, những người giao tiếp xuất sắc thường tạo cho khán giả có cảm giác rằng diễn giả đang trò chuyện với riêng họ. Stuart Varney, nhân viên kênh truyền hình Fox News cho biết “Tôi liên tục di chuyển sự chú ý của mình đến những vùng khác nhau của khán phòng, bắt đầu từ tay phải, sang đến giữa và về phía tay trái. Tôi nhìn vào những nơi khác nhau của căn phòng để thu hút sự tập trung của mọi người vào nội dung của cuộc nói chuyện. Điều đó làm cho mọi người nghĩ rằng tôi đang nói chuyện với họ, chứ không phải nói cho họ nghe. Tôi không diễn thuyết, mà đàm thoại”.

Người Ý và thói quen sử dụng cử chỉ bằng tay

Tôi là người Ý. Điều đó có nghĩa là khi nói, tôi thường xuyên sử dụng cử chỉ bằng tay. Và tôi nghĩ đó là đặc điểm đặc trưng của một người Ý chính gốc. Tôi tự hào về sự đóng góp của người Ý vào nền văn hóa của chúng ta. Một số nhà lãnh đạo, đầu tư, nghệ sĩ và vận động viên xuất sắc là người Ý. Và những người giao tiếp xuất sắc trong kinh doanh đã áp dụng một trong những thói quen phổ biến nhất của chúng tôi – sử dụng cử chỉ bằng tay. Cử chỉ bằng tay, nếu sử dụng một cách vừa phải và phù hợp, có thể tiếp thêm sức sống cho bài trình diễn của bạn.

Tôi đã có những cuộc nói chuyện khá dài với một người đàn ông mà cuộc nghiên cứu tiên phong của ông rất nổi tiếng trong lĩnh vực lãnh đạo và truyền thông. Đó là tiến sĩ David McNeill của trường Đại học Chicago, người nổi tiếng với cuộc nghiên cứu sâu sắc và toàn diện của mình về cử chỉ bằng tay. Ông đã biến nó thành niềm đam mê của mình từ năm 1980. Kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng cử chỉ và ngôn ngữ gắn bó mật thiết với nhau. Thực ra, việc sử dụng cử chỉ bằng tay có thể giúp cho diễn giả trình bày tốt hơn bằng cách xóa bỏ quá trình tư duy của họ. Ông nói rằng khi KHÔNG sử dụng cử chỉ, bạn cần phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể tập trung được và như thế bạn đã bị mất đi một phần năng lực tinh thần còn lại.

Tiến sĩ McNeill đã khám phá ra rằng những người có tư duy chặt chẽ và họ tự tin sử dụng cử chỉ bằng tay nhằm phản ánh sự rõ ràng của tư duy. Ông đã đưa ra những ví dụ đối với Tổng thống Bill Clinton, Thủ tướng Anh Tony Blair, Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld. Bằng cách quan sát những cử chỉ của họ, McNeill có thể nói rõ tính phương pháp, sự kỷ luật và mức độ chặt chẽ trong tư duy của những diễn giả này. Thông qua việc phản ánh tư duy rõ ràng, những cử chỉ mà họ sử dụng sẽ truyền cảm giác tự tin đến khán giả.

Tôi không thể nói cho các bạn biết loại cử chỉ nào cần thể hiện. McNeill cũng không thể. Rumsfeld, Powell hay Chambers cũng không nhận thức được rằng “Bây giờ mình phải làm cử chỉ này, cử chỉ kia…”. Ngay lúc bạn cố gắng bắt chước một cử chỉ tay nào đó là bạn đã thể hiện một phong cách giả tạo nhất.

Sau vài cuộc nói chuyện với McNeill, tôi đúc kết được ba lời khuyên đơn giản dưới đây nhằm giúp bạn sử dụng cử chỉ bằng tay một cách hiệu quả.

1. Sử dụng cử chỉ

Đừng sợ việc sử dụng cử chỉ ngay từ đầu buổi nói chuyện. Bạn không nên tạo ấn tượng của một pho tượng bằng cách luôn giữ chặt hai tay xuôi theo người. Điều này có thể giải thích một phần tại sao ngôn ngữ hình thể của Schwarzenegger lại hiệu quả đến như vậy so với Gray Davis, cựu thống đốc California trong cuộc bầu cử thống đốc bang California tháng 11/2002. Bạn có còn nhớ các bài báo đã mô tả Davis là người cứng nhắc, trơ như gỗ còn Schwarzenegger được đánh giá là có sức lôi cuốn và kiểm soát tình huống tốt. Cử chỉ bằng tay của Davis thường không gắn kết với ngôn từ mà ông sử dụng. Cách sửa chữa đơn giản nhất cho một bài trình bày cứng nhắc chỉ đơn giản là rút tay ra khỏi túi và sử dụng chúng để phụ trợ cho lời nói của bạn.

2. Sử dụng cử chỉ một cách dè sẻn

Sử dụng cử chỉ bằng tay là một điều nên thực hiện nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng chúng. McNeill cũng khuyến cáo là bạn không nên nhiệt tình quá mức. Quá nhiều cử chỉ cho mỗi vấn đề mà bạn đang trình bày sẽ làm cho nó có vẻ như bạn là một viên cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại một giao lộ lớn trong thành phố!

3. Sử dụng cử chỉ vào những thời điểm quan trọng

McNeill đã khám phá ra rằng những diễn giả xuất sắc có khuynh hướng sử dụng những cử chỉ bằng tay dứt khoát và có chủ đích nhiều hơn trong “những thời điểm quan trọng”. Nói cách khác, nếu điều đó quan trọng, hãy sử dụng cử chỉ bằng tay để củng cố tầm quan trọng của nó.

Khai thác tất cả các công cụ

Brenda Connors là một chuyên gia về việc nghiên cứu ngôn ngữ hình thể của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Bà đã phục vụ suốt 17 năm liên tục trong bộ máy chính quyền với vai trò trưởng ban lễ tân ở thành phố New York. Nhiệm vụ của bà là điều phối những chuyến thăm của các vị chức sắc nước ngoài đến thăm thành phố. Hiện nay, bà là thành viên trong nhóm nghiên cứu của trường Naval War College ở Newport, Rhode Island.

Theo bà, Thủ tướng Anh Tony Blair là một trong những diễn giả cuốn hút nhất trên sân khấu thế giới. Bà có thể nhận biết ý nghĩa từ cách sử dụng những “cử chỉ ba chiều” của ông. Nói cách khác, ông sử dụng cả hai tay, thường nhấc cao hơn eo, và luôn biến đổi cử chỉ của mình. Theo Connors, cử chỉ của Blair rất sống động và cuốn hút. Ông biết cách khai thác tối đa tiềm năng từ cử chỉ hình thể của mình. Hầu hết các diễn giả đều vươn ra phía trước, với hai cánh tay đưa về đằng trước hay nắm chặt bục nói. Connors nhận xét như sau: “Blair luôn tỏ ra năng động và tràn đầy sức sống. Ông diễn đạt những điều mà lòng mình muốn nói một cách tự nhiên nhất. Ông đang khai thác tất cả các công cụ mà ông có”.

Bạn đã khai thác tất cả các công cụ của mình chưa? Phần trình bày của bạn có thể có tiềm năng của một chiếc xe hơi với 12 xi-lanh, nhưng nếu không biết sử dụng ngôn ngữ hình thể một cách hiệu quả, dường như bạn chỉ mới sử dụng công suất của 4 xi-lanh. Hãy phát huy sức mạnh của những buổi nói chuyện bằng cách sử dụng ngôn ngữ hình thể năng động hơn. Hãy chú ý đến điểm bạn nhìn, cách bạn đi lại và những gì tay bạn đang thể hiện. Những người giao tiếp xuất sắc đều làm như vậy. Thế thì tại sao bạn không nên noi theo?

BÀI TẬP HUẤN LUYỆN

1. Xem băng hình. Hãy truy cập trang web www.carminegallo.com, chọn các đường dẫn để xem các đoạn phim về những diễn giả xuất sắc. Chú ý đến ngôn ngữ hình thể, cử chỉ bằng tay và tư thế đứng của họ.

2. Cử chỉ bằng tay của bạn nói điều gì? Bạn sẽ thể hiện những cử chỉ bằng tay vào buổi trình bày kế đến của mình ra sao? Đâu là những thời điểm thích hợp nhất để thể hiện chúng? Hãy duy trì cử chỉ ở vị trí cao hơn eo và thể hiện chúng thật tự nhiên.

3. Chú ý. Sau chương này, bạn sẽ bắt đầu chú ý nhiều hơn đến cử chỉ bằng tay của mình so với lúc trước. Điều đó thật là tuyệt. Bạn phải lưu ý rằng những diễn giả thành công thường xuyên sử dụng thêm các cử chỉ bằng tay. Hãy quan sát xem ai thường sử dụng cử chỉ bằng tay? Ai không sử dụng? Điều đó có dẫn đến những khác biệt gì giữa các buổi nói chuyện đó không? Chúng có thu hút sự chú ý của bạn không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.