10 Bí Quyết Thành Công Của Những Diễn Giả Mc Tài Năng Nhất Thế Giới

PHẦN I HÃY QUAN TÂM THỰC SỰ ĐẾN NGƯỜI NGHE – Bí quyết thứ 1: HÃY NHIỆT HUYẾT, SAY MÊ,



PHẦN I HÃY QUAN TÂM THỰC SỰ ĐẾN NGƯỜI NGHE

“Tôi luôn xem thính giả là những người thân yêu nhất của mình.”

– Fidel Castro

Nhà hùng biện, diễn giả tài năng nhất thế giới

Có thể nội dung câu chuyện mà bạn sẽ trình bày rất thú vị, nhưng khán giả lại không muốn lắng nghe nếu bạn không có được một mối quan hệ tốt đẹp với họ. Trước hết, họ phải thích bạn. Nếu họ cảm nhận được giữa bạn và họ có một sự liên kết, họ sẽ lắng nghe bạn. Những khán giả hiện đại rất yêu thích các diễn giả nhiệt huyết, những người có khả năng truyền cảm hứng và tạo nên sức thu hút đối với mọi người. Để tạo nên điều đó, bạn cần có những bí quyết sau đây:

  • Xây dựng một buổi thuyết trình hấp dẫn
  • Khơi nguồn cảm hứng giúp người khác đạt được những mục tiêu gần như không tưởng
  • Chuẩn bị bài thuyết trình bằng cách tạo ấn tượng tốt nhất trong lòng người nghe khiến họ không thể không bị thuyết phục.

Bí quyết thứ 1: HÃY NHIỆT HUYẾT, SAY MÊ,

HÃY DÙNG TRÍ TUỆ CHINH PHỤC TRÁI TIM NGƯỜI NGHE

“Các chương trình truyền hình của tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết. Càng ngày, tôi càng thấy mình trở nên say mê gấp bội.”

– Suze Orman

“Khi có được một tập thể cùng chia sẻ một niềm say mê đối với một mục đích chung, thì thành quả mà các bạn đạt được sẽ thật khó tưởng tượng.”

– HOWARD SCHULTZ

CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN STARBUCKS

Trong các loại thức uống, gần như tôi không thích gì cho bằng một ly cà phê latte lớn, ít béo. Tôi thường gọi một ly cỡ lớn, nhưng khi cần thêm chút sảng khoái, tôi sẽ gọi một ly cực to. Và nếu thêm vào đó một ít đường caramel nữa thì quả thật là không gì có thể sánh bằng! Nếu đã từng bước chân vào một quán cà phê Starbucks, bạn sẽ hiểu chính xác những gì tôi đang kể ở đây. Thế thì, điều này có liên quan gì đến những diễn giả vĩ đại nhất thế giới trong giới kinh doanh kia chứ? Trái lại, có nhiều là đằng khác. Cuộc đời tôi sẽ không tươi đẹp thế này nếu không có dịp đến quán Starbucks. Và trong khi tôi chỉ ưa thích cà phê thì Howard Schultz thậm chí còn đam mê nó. Lòng say mê đó của ông đã thuyết phục các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào hoạt động kinh doanh của ông, đưa món cà phê phong cách Ý du nhập sang Mỹ, mà nếu không có nó, tôi sẽ chẳng bao giờ được uống thử món cà phê mocha frappucino tuyệt vời!

Trong một chuyến đi định mệnh đến nước Ý, cuộc đời của Schultz đã thay đổi mãi mãi khi ông nhấp ngụm cà phê espresso pha sữa đầu tiên tại một quảng trường ở Milan. Người Ý luôn say mê hương vị cà phê của mình, đó là điều mà ông đã kể lại với vợ. Rời nước Ý, Schultz đã mang theo cả niềm say mê to lớn đó về Mỹ và đã biến đổi cửa hiệu cà phê nhỏ tại thành phố Seattle thành cả một tập đoàn lớn của Mỹ. Với vai trò chủ tịch và giám đốc điều hành Starbucks, Schultz đã trở thành tỷ phú với tài sản ước tính hơn 1 tỷ đô-la. Và chính ông đã thay đổi hoàn toàn thói quen của khoảng 25 triệu khách hàng có mặt tại Starbucks hàng tuần.

Schultz tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông, đã từng tham dự các khóa học về diễn thuyết trước công chúng. Theo ông, phần lớn thành công trong việc thuyết phục các nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên của cá nhân ông là nhờ vào những kỹ năng trình bày thật ấn tượng. Xin bạn lưu ý cho, “ấn tượng” là từ do tôi sử dụng chứ không phải của Schultz. Những nhân vật vĩ đại trong giao tiếp không bao giờ tự đề cao mình. Thế nhưng, họ lại có khả năng tác động đến trái tim của chúng ta bằng chính lòng say mê và nhiệt huyết của họ. Một số người có khả năng làm được điều này mà không cần sử dụng đến ngôn từ. Trong khi những người khác, như Schultz chẳng hạn, thì luôn cần đến.

Trước khi phỏng vấn Schultz để viết quyển sách này, tôi đã đọc quyển sách về kinh doanh được bán rất chạy của ông có tựa đề là Hãy làm với tất cả sự say mê của bạn. Tôi ngạc nhiên khi thấy hầu như trên trang sách nào cũng xuất hiện từ “say mê”. Quả thật Schultz có lòng say mê lớn trong công việc, bởi vì sự hăng hái và nguồn cảm hứng của ông được thể hiện rất rõ trong những buổi nói chuyện trước công chúng và lan tỏa sang cả những khán giả là các nhà đầu tư, cổ đông, nhân viên và cả những nhà báo như tôi. Bạn sẽ thấy rằng tất cả những nhà lãnh đạo kinh doanh được nêu gương hoặc phỏng vấn để viết quyển sách này đều có cùng phẩm chất này – ở họ chứa đựng một niềm say mê, một tinh thần nhiệt huyết đích thực tuôn trào trong những gì họ làm. Và tất cả khán giả ngày nay đều khát khao được cảm nhận điều đó.

Schultz nói “Hoặc là anh có một tình yêu vô bờ dành cho những gì anh làm và niềm say mê mạnh mẽ đối với điều đó. Hoặc là anh sẽ không đạt được điều gì cả”. Ông nói tiếp, “Vì thế, dù là nói chuyện với một chuyên gia pha chế cà phê, một khách hàng, hay một nhà đầu tư, tôi luôn chuyển tải hết mức cảm nhận của mình về công ty, về sứ mệnh và các giá trị mà chúng tôi đang có. Và tôi đã không ngừng làm điều đó trong suốt 20 năm qua, chính tinh thần nhiệt huyết của cả tập thể đã trở thành một lợi thế cạnh tranh trên thị trường của chúng tôi. Chúng tôi yêu thích những gì mình đang làm và luôn mong muốn làm tốt hơn nữa. Chúng tôi muốn thể hiện xa hơn những gì mà các nhân viên và khách hàng kỳ vọng về công ty. Để làm được điều đó, anh cần phải có được lòng say mê và tinh thần nhiệt huyết bền bỉ đối với tất cả mọi việc mà anh đang làm. Mọi thứ đều quan trọng, Carmine ạ! Khi anh có một tập thể cùng chia sẻ niềm đam mê quanh một mục đích chung, thì khó mà tưởng tượng được thành quả mà anh có thể đạt được!”.

Sự khác biệt khởi nguồn từ lòng say mê!

Schultz có khả năng làm cho các nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng cùng tin vào viễn ảnh mà ông đang nhìn thấy và biết cách thể hiện một tinh thần nhiệt huyết mạnh mẽ qua thông điệp của mình, như tất cả những chuyên viên truyền thông tài năng khác vẫn làm đối với dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của họ. Đó là đặc điểm chung nhất và cũng nổi bật nhất được tìm thấy ở những nhân vật nổi tiếng khác khi chia sẻ bí quyết của họ như: Scott Cook (Intuit), Barbara Corcoran (The Corcoran Group), Jeff Taylor (Monster.com), Marc Benioff (Salesforce.com), Richard Branson (Virgin Group); những giám đốc điều hành như John Chambers (Cisco Systems), Steve Jobs (Apple Computer), Jack Welch (GE), Carly Fiorina (HP); những nhà lãnh đạo chính trị như Arnold Schwarzenegger, Tony Blair, Leon Panetta, Condolezza Rice, Nelson Mandela, Colin Powell; hoặc những tác giả của các quyển sách kinh doanh bán chạy nhất như Geoffrey Moore (Crossing the Chasm), James Citrin (The 5 Patterns of Extraordinary Careers), Suze Orman (9 Steps to Financial Freedom).

Dù bạn nhìn thấy họ trên TV, lắng nghe họ diễn thuyết, xem họ trình bày về một đề tài, hay nói chuyện với họ qua điện thoại, ở họ đều biểu lộ một tinh thần nhiệt huyết và sự say mê mạnh mẽ. Và bạn cũng nên làm như thế!

John Doerr, nhà đầu tư tài chính nổi tiếng ở thung lũng Silicon từng nói ông luôn tìm kiếm sự nhiệt huyết và lòng say mê nơi các doanh nghiệp non trẻ để đầu tư. Lòng say mê và tinh thần nhiệt huyết chính là viên gạch đầu tiên giúp bạn xây dựng nên mối quan hệ thân mật với khán giả, và khiến họ quan tâm. Dù là giám đốc điều hành một tập đoàn hàng ngàn nhân viên hay chỉ là nhân viên lễ tân, lòng say mê đối với công việc mà bạn đang làm sẽ giúp bạn trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Và tôi khuyên bạn hãy gấp ngay quyển sách này tại đây và đừng nhọc công đọc hết phần còn lại làm gì nếu bạn không quyết tâm làm chủ bí quyết đơn giản đầu tiên này, vì đó là bí quyết được tất cả những người giao tiếp giỏi nhất thế giới áp dụng. Nếu không có sự say mê và lòng nhiệt huyết, bạn chỉ là một diễn giả bình thường như bao diễn giả khác. Không có lòng nhiệt huyết, bạn sẽ không thể diễn đạt câu chuyện của mình với niềm tin và sự thu hút mạnh mẽ. Không có lòng nhiệt huyết, bạn sẽ thất bại cả trong việc truyền đạt thông điệp của mình lẫn thúc đẩy khán giả hành động.

Chỉ số Nhiệt huyết

Hầu như tất cả mọi người đều có thể nâng cao cái mà tôi gọi là “Chỉ số Nhiệt huyết” (Passion Quotient hay gọi tắt là PQ), một chỉ số thể hiện mức độ nhiệt huyết mà bạn biểu lộ trong vai trò một diễn giả. Chỉ số PQ càng cao, bạn càng có khả năng dễ dàng xây dựng một mối quan hệ gắn bó với khán giả của mình.

Khi nói đến việc nâng cao chỉ số PQ, tôi không hề ngụ ý rằng một ngày nào đó bạn sẽ biến thành đạo diễn phim người Ý Roberto Benigni, đứng trên ghế và ôm chầm khán giả trước khi bước lên nhận giải Diễn viên Nam Xuất sắc nhất trong bộ phim Cuộc đời tươi đẹp . Vâng, ông ấy thật là một con người tràn đầy sự say mê và lòng nhiệt huyết! Nhưng ông là một nghệ sĩ hài, và đó cũng là những gì khán giả mong chờ được nhìn thấy nơi ông.

Cũng như tôi không khuyến khích bạn mặc chiếc áo cô dâu lộng lẫy để quảng bá cho dự án mới như Richard Branson đã làm để giới thiệu chuỗi cửa hiệu dành cho các cô dâu Virgin Brides, hay tham gia chơi vật tay để dàn xếp mâu thuẫn trong kinh doanh theo kiểu Herb Kelleher của Southwest đã làm. Họ là những người phá cách. Và công chúng mong chờ được nhìn thấy những sự kiện phá cách đó nơi họ.

Thậm chí bạn sẽ trông giống một tên ngốc nếu cố gắng bắt chước những trò này, trừ trường hợp bạn đang cố gắng xây dựng hình tượng của một kẻ nổi loạn trong một doanh nghiệp chỉ biết tuân thủ các thông lệ hoạt động và tiêu chuẩn truyền thống. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng chúng ta không thể áp dụng các bí quyết của một số nhân vật đột phá vĩ đại nhất trong giới kinh doanh.

Cốt lõi của lòng nhiệt huyết rất đơn giản: hãy lay động trái tim của khán giả bằng cách nhận diện mối liên kết cảm xúc sâu sắc giữa họ và câu chuyện của bạn, và chia sẻ sự nhiệt tình đó với khán giả của bạn. Đó chính là Bí quyết Đơn giản đằng sau hoạt động xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa bạn với khán giả, dù là một hay một ngàn người.

Trong quyển The Eye of the Storm , tác giả Robert Slater đã mô tả John Chambers, Giám đốc điều hành Cisco, là một người “đầy nhiệt huyết và sôi nổi”. Những người quản lý tài chính cho biết họ sẵn sàng đâm đầu vào lửa vì người đàn ông này. Mọi người có làm như vậy đối với bạn không? Nếu câu trả lời là không thì có lẽ thông điệp của bạn đã thiếu mất lửa nhiệt huyết.

Bạn thử nghĩ xem, John Chambers đã không trở thành ngôi sao doanh nhân chỉ vì ông điều hành một công ty bán các bộ định tuyến, mạch chuyển mạng và những phần cứng máy tính khác mà bạn không bao giờ nhìn thấy. Howard Schultz đã không trở thành một trong những nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ nhất trong giới kinh doanh ngày nay chỉ vì ông tìm ra tỷ lệ pha trộn thích hợp giữa cà phê espresso, sữa lọc béo và bọt kem. Emeril Lagasse đã không trở thành một đầu bếp nổi tiếng chỉ vì ông nấu món mì Ý thành thạo. John Madden đã không ký một hợp đồng trị giá 30 triệu đô-la với ABC chỉ vì ông đã huấn luyện một đội bóng trong những năm 1970. Oprah Winfrey đã không trở thành người phụ nữ quyền lực nhất trong giới giải trí chỉ vì bà dẫn chương trình trò chuyện ban ngày. Richard Branson đã không trở thành một trong những doanh nhân thú vị nhất thế giới chỉ vì ông là người đã tạo dựng cả một hãng hàng không. Suze Orman đã không trở thành một tác giả chuyên viết sách bán chạy về tài chính cá nhân chỉ vì bà dạy cho mọi người về quỹ không hủy ngang được. Và Arnold Schwarzenegger đã không trở thành nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới chỉ vì anh ấy có bắp tay to 21 inch.

Họ trở nên nổi tiếng vì tất cả đều có chỉ số PQ cao. Họ luôn chuyển tải thông điệp của mình cùng với một sự nhiệt tình và sức sống mạnh mẽ, bằng lòng say mê và tinh thần nhiệt huyết to lớn!

Sự nhiệt tình không bờ bến

Từ điển định nghĩa lòng nhiệt huyết là “sự say mê không bờ bến”. Khi xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Anh vào năm 1603, “sự say mê” có nghĩa đen ban đầu là “điều sở hữu của Chúa”. Định nghĩa hiện đại hơn của từ này là “một sự ưa thích mạnh mẽ đối với điều gì đó”. Có lẽ bạn sẽ không làm những gì bạn đang làm nếu không thích nó. Tôi chưa từng gặp bạn nhưng tôi chỉ đang giả định, rằng bạn sẽ không cố gắng cải thiện những kỹ năng giao tiếp của mình trừ phi bạn thực sự quan tâm sâu sắc đến thông điệp của mình. Do đó, tôi giả định là bạn có “sở thích mạnh mẽ” đối với câu chuyện mà bạn muốn chia sẻ, nhưng liệu bạn có “lao tâm khổ tứ” vì nó? Câu trả lời là có ở những người giao tiếp giỏi nhất thế giới. Và không chỉ thế, họ còn thể hiện rõ nét điều đó ra bên ngoài. Nói một cách đơn giản nhất, lòng say mê nghĩa là chia sẻ sự phấn khích của bạn về dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của mình.

Lòng say mê không nằm trong hạt cà phê

Tới đây, tôi có thể hình dung bạn đang tự hỏi “Điều đó nghe thì hay lắm, anh Carmine à. Hãy tỏ ra say mê và hăng hái hơn nữa. Nhưng bằng cách nào kia chứ?” Xin thưa, cách đơn giản nhất chính là hãy nhận biết và chia sẻ mối liên hệ cảm xúc giữa bạn và thông điệp cần chuyển tải. Hãy đào sâu để tìm ra mối gắn kết giữa cá nhân bạn và câu chuyện. Hãy nhớ rằng bí quyết để khám phá lòng nhiệt huyết của bạn là tìm ra mục tiêu của sự say mê nơi bạn. Ví dụ, mục tiêu của sự say mê nơi Howard Schultz không phải là hương vị tuyệt vời của những hạt cà phê rang nâu sẫm. Mà đó chính là cảm giác cộng đồng ông ấy muốn tạo ra trong mỗi cửa hàng Starbucks, một “điểm hẹn thứ ba” giữa công ty và gia đình, theo cách mà ông vẫn thích gọi. Đó chính là ước muốn tạo nên một công ty nơi các nhân viên được tôn trọng. Đó chính là nguồn năng lượng đã thắp sáng tinh thần nhiệt huyết trong Schultz. Tất cả những điều đó hoàn toàn không nằm trong hạt cà phê!

Nữ hoàng QVC

Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 650.000 nhà hoạch định tài chính, nhưng chỉ có một người duy nhất giữ kỷ lục bán nhiều sách nhất trong một giờ trên kênh bán hàng QVC. Đó là Suze Orman. Cô là một trong số ít những người có thể làm cho trái phiếu không lãi suất trở nên thú vị. Một viên quản lý thu mua hàng hóa trên kênh QVC cho biết ở Orman có sức thu hút kỳ lạ: cô làm cho khán giả cảm thấy như thể cô đang nói chuyện trực tiếp với họ thông qua màn ảnh truyền hình. Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Bởi Orman có một mối liên hệ sâu sắc đối với đề tài của mình hơn rất nhiều so với bất cứ chuyên gia tài chính nào mà tôi đã từng phỏng vấn trong hơn 15 năm để làm bản tin truyền hình. Những chuyên gia tài chính hàng đầu nước Mỹ biết rõ họ đang nói về điều gì, nhưng Orman tỏ ra xuất sắc trong lĩnh vực mà hầu hết những người khác thất bại: khiến người nghe phải quan tâm. Đơn giản là vì các chuyên gia này không thể bắt kịp Orman về thước đo chỉ số PQ.

Tôi đã phỏng vấn Orman một vài lần trên truyền hình và đặc biệt là để biên soạn cho quyển sách này. Sự say mê của cô quả thật có một sức lan tỏa mạnh mẽ. Đó chính là ưu điểm lớn của tinh thần nhiệt huyết, nó dễ dàng được truyền sang cho đối tượng khán giả trực tiếp. Và bản thân Orman có một mối liên hệ cá nhân sâu sắc đối với chủ đề mà cô chia sẻ với khán giả: cô trưởng thành trong sự nghèo túng và từng chứng kiến cha mình thất bại liên tiếp trong sự nghiệp của ông. Trong cô vẫn còn lưu giữ rõ nét hình ảnh người cha chạy vào một tòa nhà đang cháy chỉ để giữ lấy một cái máy đếm tiền với không đầy 100 đô-la trong đó. Chính những trải nghiệm ấy đã truyền sức sống cho thông điệp của Orman, cô muốn tất cả mọi người đều đạt đến sự tự do về tài chính.

Duy trì sự hấp dẫn trong mỗi câu chuyện

Ngày nay, Orman đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng nợ không phải là một điều tệ hại; và đó hoàn toàn không phải là lời khuyên mới mẻ. Ngay cả Orman cũng thừa nhận rằng nội dung của những quyển sách của cô cũng không có tính cách mạng. Cô khẳng định “Bất kỳ ai cũng đã từng biết đến những nội dung này. Nhưng chính cách bạn chuyển tải thông tin mới có thể làm cho bạn trở nên khác biệt”.

Đây quả là một câu nói mạnh mẽ. Chính cách chuyển tải thông tin của bạn mới có khả năng tạo nên sự nổi bật. Có thể thông tin của Orman không phải là những lời khuyên mới mẻ, nhưng có một điều gì đó rất hấp dẫn trong cách tiếp cận chủ đề này nơi cô. Orman làm sáng tỏ các bí quyết tài chính. Cô làm cho các vấn đề liên quan đến tiền trở nên thú vị hơn. Nếu Orman không đặt tâm huyết vào công việc của mình, những lời khuyên của cô sẽ trở nên tẻ nhạt. Trong mỗi dịp diễn thuyết, ở cô luôn bộc lộ rõ sự nhiệt huyết, dù đó là buổi trò chuyện trên truyền hình, qua điện thoại, hay trước đám đông khán giả.

Tôi đã hỏi Orman:

– Thế từ đâu mà cô có được lòng nhiệt huyết đó?

Vị chuyên gia tài chính lão luyện trả lời:

– Lòng nhiệt huyết đến từ tình yêu. Giống như lần đầu tiên bạn gặp một ai đó và cảm thấy bị cuốn hút. Sự say mê khi ấy luôn tràn ngập trong tâm trí bạn. Nhưng rồi sau hai năm chung sống, sự say mê ấy dần mất đi và tình chăn gối cũng dần thưa thớt. Thế thì vì sao sự say mê ấy lại mất đi? Và nó đến từ đâu? Nó đến từ sự mới mẻ, Carmine à. Sự mới mẻ mang lại niềm say mê và tinh thần nhiệt huyết trong bạn. Mỗi lần tôi nói về một điều gì đó, dường như đó luôn là lần đầu tôi nói về chủ đề đó. Vì thế, điều đó mới mẻ đối với tôi ngay cả khi tôi đã từng nói đến nó, một lần hay một ngàn lần cũng vậy. Và nhờ đó, tôi cảm thấy hứng thú khi kể cho bạn nghe về nó như thể lần đầu tiên tôi nói về nó. Lòng nhiệt huyết của tôi tăng lên cùng với thời gian. Mỗi ngày trôi qua, tôi càng cảm thấy say mê công việc nhiều hơn nữa.

Đó là lý do vì sao những nhà hoạch định tài chính khác thất bại khi cố gắng bắt chước cá tính và phong cách của Orman, đơn giản chỉ vì họ thiếu lòng nhiệt huyết mà cô đang sở hữu – đó chính là mối liên hệ cảm xúc với chủ đề đang trình bày.

Theo Orman “Nếu bạn muốn đánh đúng vào tình cảm của mọi người và làm cho họ phấn khích, bạn phải thu hút trái tim trước bộ não. Nếu không, bạn sẽ làm cho họ buồn ngủ và chán nản”.

Virgin và sự hào hứng của Richard Branson

Chỉ cần vài giây để gõ dòng cái tên “Richard Branson” trên trang web www.google.com, bạn đã có thể đọc hàng tá câu chuyện về ngài Richard Charles Nicholas Branson. Người đàn ông quốc tịch Anh 57 tuổi này đã làm nên nhiều điều phi thường hơn vóc dáng nhỏ nhắn của mình. Ông luôn nổi bật với khuôn mặt đầy vẻ từng trải cùng đôi mắt luôn ánh lên tia nhìn đầy sự dí dỏm, linh hoạt. Có thể nói, ở vương quốc Anh, hiếm có doanh nhân nào có thể vượt qua Branson về tinh thần nhiệt huyết. Từ con số không lúc còn thiếu niên, Branson hiện lãnh đạo tập đoàn Virgin trị giá 7 tỷ đôla. Ngày nay, tập đoàn Virgin hiện diện toàn cầu với các thương hiệu quen thuộc như Virgin Atlantic, Virgin Megastore, Virgin Mobile, Virgin Cola và khoảng gần 224 công ty khác. Làm thế nào ông có thể quản lý tất cả những công ty này quả thật là một điều bí ẩn đối với tôi. Những có một sự thật rõ ràng là ông đã làm chủ được 10 Bí Quyết Giao Tiếp Đơn Giản, bắt đầu bằng sự say mê và tinh thần nhiệt huyết.

Branson là chủ đề ưa thích của giới truyền thông, dù là kênh truyền hình CNBC hay tạp chí Fortune. Các nhà báo luôn tìm đến ông vì một lý do đơn giản: ông rất vui tính. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Fortune, một viên chức quản trị đã nói rằng: “Tất cả những gì Richard cần phải làm là hắt hơi, và thế là ông xuất hiện đầy trên trang bìa”. Làm sao Branson lại có thể làm điều đó? Đơn giản là vì ông rất vui tính và nhiệt tình, và khách hàng thích có những giây phút như vậy.

Cũng như tất cả chúng ta ai cũng có sự say mê đối với một điều nhất định nào đó, những người giao tiếp vĩ đại là những người biết nhận ra những tác nhân khiến họ cảm thấy hăng hái và biết cách chuyển tải tinh thần nhiệt huyết đó sang cho người nghe. Khi xét đến cốt lõi của vấn đề, chúng ta sẽ nhận ra rằng Branson xây dựng được tập đoàn Virgin hùng mạnh như hôm nay vì ông cảm thấy say mê với việc đi tìm niềm vui từ những gì ông làm. Ông đã xây dựng Virgin Atlantic bởi vì ông cảm thấy chán ngấy tình trạng giá vé cao và dịch vụ tồi trên các hãng hàng không hiện tại. Ông muốn đưa niềm vui trở lại trong việc di chuyển bằng đường không. Branson đã viết rằng “Niềm vui là một trong những tiêu chí kinh doanh chủ chốt”. Và ông còn có một niềm tin sâu sắc rằng “nên sống hết mình cho từng giây phút trôi qua trong ngày”.

Nếu như Schultz vẫn thường sử dụng cụm từ “sự say mê” khi đối thoại thì Branson lại ưa chuộng từ “niềm vui”. Sự khác biệt ấy chỉ là về hình thức của ngôn từ, bởi cả hai nhân vật nổi tiếng này đều chia sẻ chung một giá trị tinh thần qua những từ ngữ ấy. Đó chính là niềm say mê và lòng nhiệt thành, hăng hái của họ đối với những điều họ làm và luôn ý thức chuyển tải điều đó đến với mọi người. Branson không phải chỉ là một diễn giả tràn đầy nhiệt huyết suông. Bạn hãy hình dung cảnh tượng ông mặc áo cô dâu trong lễ khai trương dịch vụ Virgin Brides, hoặc ghé qua một trung tâm ở Quảng trường Thời đại ở New York mà không một mảnh vải trên người trừ những chiếc điện thoại di động treo đầy trên người để quảng bá cho hoạt động khai trương dịch vụ Virgin Mobile. Branson luôn tràn đầy sự say mê đối với cuộc sống và những sản phẩm của ông. Đó là lý do tại sao những người trong giới truyền thông rất ưa thích người đàn ông này.

Khả năng thuyết phục người khác ủng hộ cho những viễn cảnh mà ông nhìn thấy lâu nay chính là yếu tố nền tảng cho phần làm nên sự thành công của Branson, từ việc hình thành một tạp chí do sinh viên điều hành năm 1968 đến việc xây dựng hãng hàng không Virgin Atlantic khi mà các chuyên gia cho rằng ông thật sự điên rồ khi cố gắng cạnh tranh với hãng British Airways. Những “chuyên gia” này không thể hiểu được rằng có một thành phần then chốt nằm phía sau khả năng thuyết phục của ông: đó là sự lan tỏa mạnh mẽ sức sống, niềm say mê và tinh thần nhiệt huyết. Các nhà đầu tư muốn ủng hộ ông, khách hàng muốn mua hàng của ông, những nhân viên tài năng muốn làm việc cho ông. Đó là tập hợp của cả một lực lượng ủng hộ hùng mạnh. Bạn không cần phải pha trò để cuốn hút mọi người tham gia cuộc họp lần sau. Nhưng hãy tiếp nhận ít nhất một bài học từ Branson: cho họ thấy rằng bạn đang vui vẻ. Và họ sẽ nhận thấy điều đó.

Hãy truyền thêm sức sống!

Sức sống là người anh em họ gần gũi nhất với tinh thần hăng hái và sự nhiệt tình. Bạn không thể thể hiện nhiệt tình trong công việc khi không có đủ sức sống. Đa số những chuyên gia giao tiếp giỏi trong kinh doanh, dù với tác phong nhẹ nhàng hay hùng dũng, đều toát ra sức sống mãnh liệt trong cách diễn đạt của mình.

Ronald Reagan. John Chambers – giám đốc điều hành Cisco. Larry Ellison – giám đốc điều hành Oracle. Jack Welch – cựu giám đốc điều hành General Electric. Richard Branson của Virgin. Steve Ballmer của Microsoft. Steve Jobs của Apple. Tất cả những nhân vật này đều tràn đầy sức sống và khát khao cháy bỏng được chia sẻ lòng nhiệt huyết của mình với thế giới chung quanh. Ở họ toát lên một tinh thần tuổi trẻ và sức sống mãnh liệt. Tổng thống Mỹ J. F. Kennedy từng nỗ lực hết mình nhằm che giấu sự đau ốm của ông trước công chúng. Nếu so sánh, chúng ta sẽ nhận ra người tiền nhiệm của Kennedy là Dwight Eisenhower tỏ ra ít sôi nổi và thể hiện sức sống kém hơn. Ike đã xây dựng uy tín của mình bằng hình ảnh một anh hùng trong chiến tranh, nhưng Kennedy đã tỏ ra là một diễn giả tốt hơn. Mọi nhà lãnh đạo từ thời Kennedy trở đi đều đã học được một bài học hết sức quan trọng, đó là sức sống sẽ giành được sự ủng hộ từ mọi người.

Tôi nhớ lại buổi phỏng vấn đầu tiên của mình với Phó Tổng thống Al Gore, khi ông còn là một thượng nghị sĩ đến từ Tennessee. Tôi nhận thấy ông có trang điểm nhẹ và cũng biết rằng ánh sáng mạnh của đèn máy quay phim có thể làm cho diễn giả trông nhợt nhạt đi. Trong khi thợ chụp ảnh của tôi đang lắp đặt máy quay phim thì Al Gore có vẻ bơ phờ và mệt mỏi. Tôi nghĩ rằng có thể đó là do cuộc bỏ phiếu trễ vào đêm hôm trước. Nhưng bất kể điều đó, khi đến lúc bắt đầu thực hiện công việc Gore vươn vai trở lại, đứng thẳng người, ngẩng cao đầu và nở một nụ cười ấm áp. Ngay lúc đó tôi nhận thấy ở ông toát lên một sức sống. Hình ảnh của ông giờ đây hoàn toàn khác hẳn.

Schwarzenegger cũng vậy, mặc dù tôi nghĩ rằng anh ấy luôn luôn là một người mạnh mẽ. Trong khán phòng chính phủ, Schwarzenegger mỉm cười ấm áp, đi lại nhanh nhẹn, và bắt tay nồng nhiệt với bạn bè, đồng nghiệp, những người ủng hộ và khách viếng thăm. Một trong những cố vấn cao cấp của anh đã từng nói với tôi rằng Schwarzenegger có sức sống mạnh mẽ hơn bất kỳ ai làm việc cho anh ấy. Đó chính là điều quan trọng: sức sống và sự nhiệt tình sẽ thể hiện lòng nhiệt huyết của bạn và nó sẽ tác động mạnh đến khán giả. Chúng ta thường hướng về những nhà lãnh đạo và những người giao tiếp đầy sức sống.

Bạn có thể có lòng nhiệt huyết rất mạnh mẽ, nhưng nếu bạn không có sức sống để thể hiện nó ra bên ngoài, sẽ chẳng có ai chia sẻ sự nhiệt tình của bạn. Có ba cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng để tăng cường sức sống của mình như sau:

  • Ngủ đủ giấc
  • Ăn uống hợp lý và tốt cho sức khỏe
  • Luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan

Chăm sóc giấc ngủ

“Việc thiếu ngủ thường xuyên sẽ hút cạn nguồn năng lượng dự trữ, làm cho khả năng tư duy kém, trí nhớ kém đi, hành vi thất thường, hay phạm lỗi và tỏ ra khó chịu.” (Pamela Smith – “The Energy Edge” ). Tuy trong thực tế, một số nhà lãnh đạo có khả năng giao tiếp tốt chỉ cần ngủ 5 tiếng/ngày (như Oprah, Bill Clinton…), hầu hết những diễn giả giỏi khác đều có phong độ tốt hơn sau một đêm ngon giấc, đặc biệt là trước những buổi thuyết trình quan trọng.

Tăng cường thể chất

Một chế độ ăn uống kém và thiếu hoạt động thể dục sẽ giết chết sức sống của bạn, khiến bạn trở thành một diễn giả mỏi mệt, bơ phờ và kém mạnh mẽ. Nếu không có sức sống, bạn sẽ trông giống như một hình nộm. Biết quan tâm đến sức khỏe của bản thân là một trong những cách giúp bạn có được vẻ nồng nhiệt và sự phong độ. Chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về vai trò của sức khỏe và hình thể đối với một diễn giả thành công cũng như các chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Còn bây giờ, bạn chỉ cần lưu ý rằng ăn uống ngon miệng và duy trì thể hình tốt là điều rất quan trọng để trở thành một diễn giả có sức tác động mạnh mẽ đến người nghe. Những thực phẩm phù hợp sẽ giúp bạn khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Tập thể dục sẽ giúp đưa máu chứa nhiều oxy đến não bộ, cho bạn khả năng suy nghĩ rõ ràng. Và những người có tư duy rõ ràng sẽ trở thành những diễn giả tốt hơn.

Không ngừng tư duy tích cực

  • “Bạn chỉ cảm thấy sức sống cạn đi khi cuộc sống trở nên nhàm chán trong tinh thần bạn.” – Norman Vincent Peale, chính trị gia.
  • Nếu khát vọng của bạn mờ nhạt và yếu ớt, những thành tích của bạn cũng sẽ nhuốm sắc thái đó. Nhưng nếu bạn theo đuổi mục tiêu của mình một cách kiên định với sức sống mãnh liệt, không có gì dưới bầu trời này có thể đánh bại bạn được.” – Dale Carnegie, tác phẩm “Làm thế nào để phát triển lòng tự tin và sức ảnh hưởng đến người khác khi nói trước công chúng”.

Giờ đây, khi bạn đã thấm nhuần bí quyết giao tiếp đầu tiên là thúc đẩy lòng say mê của bản thân và gia tăng chỉ số PQ, đã đến lúc tôi hé lộ bí quyết giao tiếp đơn giản thứ hai của những người giao tiếp giỏi nhất trong kinh doanh.

BÀI TẬP HUẤN LUYỆN

1. Hãy xem mọi người đã làm thế nào. Mời bạn truy cập vào trang web www.carminegallo.comđể khám phá những tư liệu và đoạn phim ngắn kể về những người giao tiếp đầy nhiệt huyết trong giới kinh doanh. Sau đó, hãy tự hỏi mình:

  • Làm sao tôi có thể nhận biết họ rất say mê với chủ đề của họ?
  • Đâu là mối liên kết giữa họ với chủ đề được trình bày?

Hãy so sánh sức sống của họ với bạn và đánh giá theo thang điểm từ 1 tới 10. Trong đó, 1 là xìu như bánh tráng nhúng nước và 10 là sống động tuyệt vời. Sức sống của họ đáng đạt mấy điểm? Còn của bạn thì sao? Nếu được, hãy thử thu hình một buổi trình bày của bạn hoặc ghi âm giọng nói của bạn. Sau đó, tự đánh giá bản thân dựa trên thước đo này. Hầu hết các khách hàng của tôi chỉ khởi đầu ở mức 2 hoặc 3 điểm mà thôi. Liệu bạn có thể đẩy nó lên mức 6-7 điểm không? Tôi chắc là bạn có thể làm được. Phần trình bày của bạn sẽ mạnh mẽ hơn nhờ điều này đấy.

2. Hãy tìm mối gắn kết với đề tài của bạn. Để trở thành một diễn giả đầy nhiệt huyết, bạn cần phải nhận thấy rõ mối gắn kết giữa cảm xúc của bạn với đề tài của mình. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn chiếm được trái tim của khán giả.

  • Tại sao bạn lại tin vào dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của mình?
  • Đâu là điểm liên kết giữa bạn với câu chuyện sắp trình bày? Hãy suy nghĩ về nền tảng văn hóa, những kinh nghiệm thời thơ ấu hay thời niên thiếu, những lần đụng độ với đồng nghiệp, các giai thoại…
  • Có bao giờ bạn chia sẻ mối liên kết này với khán giả của mình chưa? Nếu chưa, bạn có thể tích hợp nó vào thông điệp của mình không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.