10 Bí Quyết Thành Công Của Những Diễn Giả Mc Tài Năng Nhất Thế Giới
PHẦN II THU HÚT VÀ THEO DÕI SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI NGHE – Bí quyết thứ 4: KHỞI ĐẦU TỰ TIN, MẠNH MẼ TẬP TRUNG VÀO Ý CHÍNH CẦN NÓI
Sau khi bạn đã xây dựng được mối liên hệ mật thiết với khán giả của mình, họ sẽ sẵn sàng tiếp thu thông điệp của bạn. Nhưng bây giờ cần phải làm gì tiếp theo đây? Bạn phải thu hút họ, duy trì sự quan tâm của họ, và quan trọng là làm cho họ thực hiện những hành động mà bạn mong muốn. Đó có thể là việc sử dụng dịch vụ của bạn, mua sản phẩm của bạn, đầu tư vào công ty bạn, hay ủng hộ cho sự nghiệp của bạn.
Thu hút và duy trì sự chú ý của khán giả đòi hỏi bạn phải bắt đầu thật mạnh mẽ, kết thúc thật dứt khoát, trình bày rõ ràng và ngắn gọn. Bí quyết để đạt được điều này là:
- Thu hút khán giả chỉ trong vài giây đầu tiên
- Trình bày một thông điệp rõ ràng mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được
- Thực hiện bài nói chuyện mạch lạc và súc tích
Bí quyết thứ 4: KHỞI ĐẦU TỰ TIN, MẠNH MẼ
TẬP TRUNG VÀO Ý CHÍNH CẦN NÓI
“Một mở đầu và kết thúc mạnh mẽ sẽ đọng lại rất lâu trong lòng các khán giả.”
– Oprah Winfrey
“Tôi muốn tất cả mọi người trong nhóm của mình thảo luận thật cởi mở và thẳng thắn. Tôi không muốn chỉ một vài người có đủ dũng khí phát biểu, mà là tất cả mọi người.”
– JEFF TAYLOR
SÁNG LẬP VIÊN TẬP ĐOÀN MONSTER
Trước khi Jeff Taylor thành lập tập đoàn Monster năm 1994, việc tìm kiếm một công việc mới đồng nghĩa với chuyện bạn phải dính hàng đống mực vào tay khi lướt qua các mục quảng cáo tìm người trên những trang báo. Câu chuyện về Monster là một câu chuyện hiếm hoi về việc thành công trên Internet. Monster đã tạo nên một cú đột phá khi đưa ra hàng loạt các mẩu quảng cáo thật ấn tượng cho Super Bowl
vào năm 1999. Kể từ đó, Monster đã trở thành một từ đồng nghĩa với dịch vụ săn việc làm trên mạng, cũng như Amazon với sách báo và eBay với việc đấu giá. Với chức danh Trùm Quái (tức Chief Monster – một cách dịch vui từ chữ Monster tức là quái vật), ông thường thực hiện khoảng từ 35 đến 70 buổi nói chuyện trong năm. Những chủ đề do ông thực hiện rất đa dạng, từ phong cách doanh nhân đến tuyển dụng lao động. Ông luôn tỏ ra cuốn hút, truyền cảm hứng mạnh mẽ và không ngừng quảng bá thương hiệu Monster. Những người giao tiếp vĩ đại nhất thế giới thường mở đầu buổi nói chuyện của mình rất mạnh mẽ. Đó chính là bí quyết nằm phía sau khả năng thu hút và duy trì sự chú ý của khán giả đối với bản thân và thông điệp mà bạn đang nói đến.
Taylor hiểu rất rõ sức mạnh của một lời mở đầu mạnh mẽ. Trong một bài diễn văn mở màn tại buổi lễ tốt nghiệp của trường đại học University of Massachusetts năm 2001, Taylor làm cho khoảng 30 ngàn người trong sân vận động hoàn toàn mê mẩn. Với tài nghệ của một người dẫn chương trình truyền hình, ông đã khiến cho đám đông lặp lại những câu nói của mình đồng nhất theo “lệnh” của ông. Sau đây là những lời đầu tiên của bài diễn văn ấy:
Taylor: Tôi có vài lời sắp nói với các bạn và tôi muốn các bạn cũng nói lại với tôi vài lời, chúng ta có thể làm vậy được không?
[những tiếng cười nói vui vẻ]
Được rồi, lời đầu tiên khi tôi nói về tương lai, tôi muốn các bạn nói rằng “Tôi tin.” Các bạn có làm được không?
Không! Các bạn phải nói điều đó ngay bây giờ, được chứ?
[Nhiều tiếng cười lớn]
OK, chúng ta sắp nói chuyện về tương lai và các bạn sẽ nói là…
Khán giả: Tôi tin!
Taylor: Tôi biết các bạn có thể nói to hơn thế gấp nhiều lần, vì thế khi tôi sắp nói chuyện về tương lai, các bạn sẽ nói là…
Khán giả: Tôi tin!
Taylor: Hay lắm, tôi sắp nói về UMass (University of Massachusetts). Khi tôi nói UMass, tôi muốn các bạn nói rằng “We rock”. Các bạn làm được không?
[những tiếng cười nói vui vẻ]
Nào, tôi sẽ nói về UMass và các bạn sẽ nói là…
Khán giả: We rock!
Taylor: Tôi chưa nghe rõ lắm!
Khán giả: We rock
Và cứ tiếp tục như thế, chỉ sau vài phút Taylor đã khiến cho cả đám đông phải lặp lại theo ông những cụm từ như “Hallelujah”, “Tôi tin” và “We rock”.
Làm sao để 500 người cởi giày ra
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra lý do tại sao Taylor được xem là một trong những diễn giả cuốn hút nhất trong giới kinh doanh. Theo tầm hiểu biết của tôi, ông không phải là một linh mục theo thuyết Luti, nhưng cách ông nói chuyện nghe có vẻ giống như vậy. Chúng ta không chỉ nhìn thấy phong cách mở đầu đó của Taylor ở những bài diễn văn mở màn cho các sự kiện. Khi nói chuyện với một nhóm chuyên gia về quản trị nhân sự ở Chicago, ông cũng đã làm cho họ cùng hét to như những sinh viên tốt nghiệp UMass.
Tôi hỏi Taylor:
– Tại sao ông lại chọn cách bắt đầu những buổi nói chuyện của mình bằng cách làm cho khán giả lặp lại những cụm từ như ‘We rock’ hay ‘Tôi tin’?
– Tôi làm thế bởi vì tôi sắp nói chuyện với họ trong suốt một giờ đồng hồ, thế nên tôi muốn có một buổi nói chuyện cởi mở và thẳng thắn. Tôi không muốn chỉ có một số người có dũng khí nói chuyện trước đám đông, mà phải là tất cả mọi người đều bàn luận.
Taylor tiếp tục:
– Trong những buổi nói chuyện của tôi về sự đổi mới sáng tạo, tôi bắt đầu bằng cách hỏi mọi người liệu họ có phải là những người thích đổi mới và thích sự sáng tạo hay không. Sau đó, tôi cởi giày của mình ra và mời mọi người cầm giày của họ đưa lên không trung. Sau đó, tôi chỉ ra những người thích đổi mới sáng tạo thực sự – là những người chấp nhận đầu tiên. Sau đó, tôi phỏng vấn người đầu tiên dám nhận là mình thích sự đổi mới sáng tạo và thảo luận một cách thẳng thắn với những người còn chần chừ.
Taylor đã nắm bắt sự tập trung chú ý của khán giả và duy trì nó bằng cách làm cho buổi trình bày của mình cũng như nội dung của thông điệp được thể hiện theo một cách thức dễ nhớ nhất. Thông điệp càng dễ nhớ, nó càng dễ dẫn đến hành động mong muốn. Tôi không hề khuyến khích bạn thể hiện như một ngôi sao nhạc rock khi trình bày về vấn đề ngân sách. Tôi tin rằng nếu bạn cố gắng diễn những “trò” như Taylor, bạn có thể nghe thấy những lời tương tự như “Bạn bị sa thải!”. Taylor đã từng nói chuyện trước hàng ngàn người, và khán giả muốn nhìn thấy một Taylor mạnh mẽ hơn nhằm phá bỏ sự e ngại ban đầu. Họ không muốn nhìn thấy điều đó từ phía bạn, nhưng họ lại muốn bạn thu hút sự chú ý của họ.
Hãy xem nhận xét sau:
“Tôi rất nhạy cảm với những phần mở đầu của các bài diễn văn và cách thức mọi người thiết lập mối quan hệ với khán giả trước khi đi vào nội dung chính. Rất nhiều người không giỏi nói chuyện trước đám đông và họ không biết làm sao để bắt đầu buổi nói chuyện của mình. Họ thường nghĩ ra điều gì đó có vẻ giả tạo, như kể một câu chuyện vui chẳng hạn. Kiểu này không thể hiện sự chân thật. Nếu diễn giả thiết lập được một cơ sở có thực cho việc trao đổi này và tạo được một mặt bằng chung, nó sẽ giúp hình thành một bệ phóng thực sự cho sự trình bày của mình.” – Geoffrey Moore, tác giả và chuyên gia về tiếp thị.
Bài học về quả táo và quả lựu
Trong quyển Selling the Invisible , chuyên gia tiếp thị Harry Beckwith đã viết về một cuộc nghiên cứu có tính chất củng cố cho chương này. Khi mọi người được cho xem một loạt vật thể trong vài giây, ví dụ một nhóm trái cây như một quả táo, một quả lê, một quả đào, một quả mận và một quả lựu, thì trái nào được họ dễ nhớ nhất? Dĩ nhiên họ sẽ nhớ nhất hai loại quả được nhìn thấy đầu tiên và cuối cùng, đó là quả táo và quả lựu. “Bài học trái cây” này cũng có thể áp dụng vào kỹ năng thuyết trình. Mọi người thường nhớ rõ nhất những điều được nêu lên trong phần mở đầu và kết thúc trong bài nói của bạn.
Chúng ta biết rằng những ấn tượng đầu tiên đến rất nhanh, và chúng sẽ tồn tại rất lâu. Nhưng nhanh đến mức nào kia chứ? Theo kết quả nghiên cứu, ấn tượng đầu tiên về một diễn giả được hình thành trong 30 giây đầu tiên, đôi khi 90 giây và có lúc là 2 giây đầu tiên! Quả là quá ngắn ngủi, nhưng chúng ta hãy chấp nhận điều đó.
Đừng “chôn vùi đầu mối”
Đó là một thuật ngữ báo chí để chỉ tình trạng tiêu đề bài báo bị chôn vùi đâu đó ở phần thân bài. Hoàn toàn tương tự như các kỹ năng trình bày, nếu bạn có 15 phút để trình bày về một chủ đề nào đó nhưng mãi đến phút thứ 14 bạn mới đề cập đến tiêu đề hay thông điệp chính thì bạn đã đánh mất khán giả của mình. Nói cách khác, từ rất lâu trước đó họ đã thay nhau nhìn đồng hồ!
Steve Jobs, Giám đốc điều hành hãng máy tính Apple luôn khởi đầu buổi nói chuyện của mình bằng chính những điều mà khán giả muốn nghe. Khi hàng ngàn nhân viên Apple, các nhà phân tích và đầu tư tập trung tại Trung tâm Moscone ở San Francisco để nghe Jobs giới thiệu về một dịch vụ âm nhạc mới dành cho người sử dụng hệ điều hành Windows thì máy nghe nhạc di động iPod của Apple đang là cơn sốt hàng điện tử tiêu dùng trong mùa. Cứ mỗi phút lại có hai cái iPod được bán ra. Vì thế, ông đã chọn máy iPod là “đầu mối” trong buổi trình bày. Sau đây là cách ông bắt đầu:
Chúng ta đến đây để nói về âm nhạc, thế nên chúng ta hãy bắt đầu thôi. Điều đầu tiên chúng tôi muốn nói đến chính là máy nghe nhạc iPod. Máy iPod quả là kỳ diệu. Những chiếc iPod thế hệ thứ ba này chỉ mỏng bằng độ dày của hai chiếc vỏ đĩa CD. Và chúng có giá đỡ giúp sạc pin và đồng bộ hóa với máy tính của bạn dễ dàng hơn. Chúng là những sản phẩm tuyệt vời. Trước đây chúng tôi khởi đầu với trữ lượng 1.000 bài hát. Giờ đây, số lượng bài hát đã lên đến con số 10.000. Quả là một sản phẩm tuyệt vời. Hôm nay, chúng tôi có thêm một số tính năng cần thông báo để làm cho sản phẩm của các bạn hoàn hảo hơn nữa.
Jobs đã dành ra 2 phút 6 giây để kích thích sự phấn khích của khán giả khi nói về những thành công của sản phẩm đang tạo cơn sốt của Apple. Jobs đã chọn cách khởi đầu bài phát biểu của mình bằng chính điều mà ông biết khán giả đến để nghe.
Ngày hôm sau, một phóng viên báo chí đã viết rằng Jobs luôn có được một phong cách thần kỳ khi nói trước đám đông. Vâng, quả là như vậy. Và tôi muốn các bạn cũng đạt đến phong cách như vậy. Hãy cuốn hút khán giả ngay từ những giây phút đầu tiên.
Phần mở đầu “ba mươi giây”
Những dòng đầu tiên các nhà báo dùng để nói về một đề tài nào đó sẽ được gọi là Đoạn mở đầu. Trong thể loại truyền hình, đoạn mở đầu đó thường kéo dài không quá mười lăm đến ba mươi giây. Nó được thiết kế sao cho thật cuốn hút, buộc người xem phải tiếp tục theo dõi phần còn lại của nội dung. Nếu tất cả những đoạn mở đầu đều thú vị, bạn sẽ ngồi nghe toàn bộ bản tin của họ. Và các nhà quảng cáo sẽ rất vui mừng nếu bạn xem toàn bộ chương trình đã chọn. Khi đó, những nhà quảng cáo sẽ tạo nên niềm vui cho các nhân viên của họ bằng cách tạo sự ổn định trong công việc, tăng lương cho mọi người, và tưởng thưởng bằng các bữa tiệc hoành tráng tại nhà hàng sang trọng thay vì một quán ăn bình dân. Tất cả đều có thể bắt đầu từ một đoạn mở đầu hoàn hảo!
Cách dễ nhất để đưa ra một đoạn mở đầu mạnh mẽ cho bài phát biểu, buổi nói chuyện, hội thảo hay một cuộc họp chỉ đơn giản là tạo ra một lời mở đầu cuốn hút trong vòng 30 giây. Nếu bạn có thể gói gọn nó trong vòng 20 giây thì sẽ càng hiệu quả hơn. Lời mở đầu nên có nội dung mô tả một cách ngắn gọn về dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của bạn mà ngay cả bà của bạn cũng có thể hiểu được. Nó phải thật rõ ràng, súc tích và cuốn hút. Những người giỏi giao tiếp nhất thế giới đều nghĩ ra những lời mở đầu hết sức ấn tượng.
Tận dụng phần mở đầu
Tory Johnson là sáng lập viên và giám đốc điều hành của hội chợ việc làm Women for Hire lớn nhất thế giới dành cho phụ nữ. Mỗi năm bà tổ chức khoảng 20 sự kiện để kết nối những người tìm việc nữ và các công ty tuyển dụng. Sau khi phỏng vấn Johnson, tôi biết được rằng bà rất tin vào hiệu quả của phần mở đầu “30 giây”. Với bà, đó là thời điểm lý tưởng nhất để “tự giới thiệu bản thân”. Johnson nói rằng chẳng có gì khác biệt giữa 30 giây và một phút, nhưng 30 giây là khoảng thời gian hiệu quả nhất để duy trì những ý tưởng đã được sắp xếp sẵn. Thời gian dài hơn sẽ tạo ra khoảng trống khiến bạn dễ sa vào tình trạng nói lan man, thiếu mạch lạc. Nội dung mà bạn trình bày luôn quan trọng hơn giới hạn về thời gian. Theo bà:
Đừng bao giờ xem nhẹ vai trò của bạn. Rất nhiều ứng cử viên khi phỏng vấn thường nói những câu đại loại như ”Tôi chỉ làm công việc kế toán” hay “Tôi chỉ có vài năm kinh nghiệm”. Khi bạn đánh giá thấp giá trị và thành tích của mình, điều đó sẽ làm mất đi những phẩm chất và năng lực của bạn. Nếu bạn đánh giá thấp hay xem nhẹ bản thân hay những công việc mình đã làm, đó sẽ là cơ hội để người khác cũng đánh giá thấp chúng. Nên nhớ, ai cũng muốn gặp gỡ một người luôn cảm thấy thoải mái, tự tin và tự hào về những thành tựu của mình.
Những lời khuyên của Tory Johnson nhằm tạo phần giới thiệu “30 giây” thật ấn tượng
- Trước tiên và quan trọng nhất, hãy nói rõ tên mình. Phụ nữ thường gặp nhiều thách thức hơn nam giới vì có khuynh hướng nói lan man thiên về khía cạnh bạn bè. Hãy luôn giới thiệu bản thân trong một tình huống kinh doanh với đầy đủ họ tên của mình. Ngoài ra, cần thể hiện rõ bạn là ai, bạn có năng lực gì để cống hiến.
- Thứ hai, khi mô tả những thành tích của mình, hãy nhớ rằng số lượng có ý nghĩa rất quan trọng. Bạn có thể thấy sự khác biệt rất rõ từ hai cách giới thiệu sau “Tôi làm việc trong lĩnh vực “Nhân sự” và “Tôi là một giám đốc nhân sự có kinh nghiệm làm ở những công ty được xếp hạng trong danh sách Fortune 500”. Và càng tốt hơn nữa nếu bạn nói rằng “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực nhân sự ở những công ty thuộc danh sách Fortune 500 trong 10 năm qua và tôi đã tuyển dụng hơn 100 người”. Hãy tập trung vào các thành tích thay vì phạm vi trách nhiệm.
- Cuối cùng, hãy diễn tập bài giới thiệu của bạn để chúng được thể hiện một cách tự nhiên chứ không phải là những lời soạn sẵn. Đừng làm cho phần giới thiệu của bạn có vẻ như đang được đọc lại từ một bài viết đã được soạn sẵn. Bạn có thể ghi hình lại để đánh giá và chú ý nhận xét các khía cạnh khác nhau. Bạn có kiểm soát được ánh mắt không? Bạn có hay sử dụng những từ đệm vô nghĩa không? Bạn sẽ tìm thấy những điều mà chính bạn vẫn còn chưa hài lòng. Cải tiến từng bước đối với những điều chưa hài lòng, bạn sẽ thể hiện một cách tự tin hơn và trở thành một nhân vật thu hút trong mắt khán giả.
Bốn câu hỏi giúp bạn soạn lời mở đầu “30 giây” tốt nhất cho riêng mình
Dù bạn đang quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ, công ty, sự nghiệp, hay cho chính bản thân bạn thì bạn cũng nên biên soạn một lời mở đầu “30 giây” tốt nhất dành cho riêng mình. Sau khi phỏng vấn khoảng 2.000 nhà quản lý và người phát ngôn của các tổ chức trong suốt sự nghiệp của mình, tôi nhận ra rằng những người nổi bật nhất thường soạn sẵn lời mở đầu “30 giây” của mình dựa trên bốn câu hỏi sau đây:
- Dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của tôi là gì?
- Tôi có thể giải quyết vấn đề gì (hay có thể đáp ứng nhu cầu gì)?
- Đâu là điểm khác biệt của tôi?
- Tại sao bạn cần phải quan tâm đến điều mà tôi đang nói?
Thực hiện được điều này sẽ giúp cho buổi nói chuyện của bạn có một khởi đầu mạnh mẽ, đồng thời mang lại một phương hướng rõ ràng cho phần trình bày nội dung còn lại.
Hãy xem phần giới thiệu sau về một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ phiên dịch tại Mỹ như sau:
“Language Line Services là nhà cung cấp dịch vụ phiên dịch qua điện thoại lớn nhất thế giới, dành cho những công ty muốn kết nối với những khách hàng không nói tiếng Anh của mình. Cứ mỗi 23 giây lại có một người không nói tiếng Anh nhập cảnh vào nước Mỹ. Khi bạn gọi điện đến bệnh viện, ngân hàng, công ty bảo hiểm hay số khẩn cấp 911, dường như luôn có dịch vụ phiên dịch Language Line ở đầu dây bên kia. Chúng tôi cam đoan sẽ giúp các bạn nói chuyện với khách hàng, bệnh nhân, hay những khách hàng tiềm năng với hơn 150 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới!”
Lời mở đầu này kéo dài không quá 30 giây và nó mang lại cho khách hàng một lý do khá rõ ràng để tìm hiểu thêm về công ty. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình tạo lập phần giới thiệu trên:
Câu hỏi 1: Dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của tôi là gì?
“Language Line là nhà cung cấp dịch vụ phiên dịch qua điện thoại lớn nhất thế giới”. Nếu công ty bạn không cung cấp một sản phẩm hữu hình, mà là một dịch vụ thì bạn cứ nói thẳng ra.
Câu hỏi 2: Tôi có thể giải quyết vấn đề gì (hay có thể đáp ứng nhu cầu gì)?
“Cứ mỗi 23 giây lại có một người không nói tiếng Anh nhập cảnh vào nước Mỹ”. Mọi dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp phải giải quyết một vấn đề hay thỏa mãn một nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng.
Câu hỏi 3: Đâu là điểm khác biệt của tôi?
“Khi bạn gọi điện đến bệnh viện, ngân hàng, công ty bảo hiểm hay số khẩn cấp 911, dường như luôn có dịch vụ phiên dịch Language Line ở đầu dây bên kia”. Tuy không nói trực tiếp rằng “chúng tôi là số một trong ngành này”, lời mở đầu này áp dụng một phương pháp tiếp cận mềm hơn, nhưng nó vẫn cho khách hàng tiềm năng biết rằng công ty là người đi đầu trong lĩnh vực của mình. Điều cần lưu ý là bạn không phải là người duy nhất làm những gì mà bạn đang làm. Do đó, hãy thật khác biệt!
Câu hỏi 4: Tại sao bạn cần phải quan tâm đến điều mà tôi đang nói?
“Chúng tôi giúp các bạn nói chuyện với khách hàng, bệnh nhân, hay những khách hàng tiềm năng với hơn 150 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới!”. Tuyệt, tôi muốn nghe thêm nữa. Nếu bạn không thể nói cho khán giả biết tại sao sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể giúp cải thiện cuộc sống của mọi người (hay tình hình tài chính của họ), họ sẽ gạt bỏ bạn còn nhanh hơn là chuyển một kênh truyền hình không hay.
Chỉ cần đơn giản như vậy là bạn đã có một khởi đầu ấn tượng rồi. Khán giả của bạn chỉ muốn biết những gì bạn làm, vấn đề bạn có thể giải quyết, bạn khác biệt ra sao và tại sao họ nên quan tâm đến bạn, hay thông điệp của bạn, thông qua một lời giới thiệu rõ ràng và súc tích.
Kết thúc trong đỉnh cao
Song song với một khởi đầu mạnh mẽ phải là một kết thúc dứt khoát. Những diễn giả kinh doanh giỏi nhất thế giới luôn kết thúc bài nói chuyện của mình bằng một ấn tượng đáng nhớ trong lòng người nghe, thông thường là một sự thôi thúc hành động.
Bạn hãy nhớ lại cách Steve Jobs giới thiệu sản phẩm iPod mới ở đầu chương này. Và ở phần cuối bài nói chuyện của mình, ông đã cố gắng tác động đến tình cảm của khán giả cũng như khuấy động ước muốn hành động của họ như sau:
“Để kết thúc, tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi thật may mắn. Chúng tôi yêu thích những điều chúng tôi làm. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình vì sản phẩm này bởi vì chúng tôi yêu thích nó. Và tôi muốn cảm ơn tất cả những con người tuyệt vời tại Apple đã mang sản phẩm này đến cho quý vị trong ngày hôm nay. Tôi muốn cảm ơn những gia đình, những cặp vợ chồng, người yêu, các đối tác đã để cho chúng tôi làm những điều chúng tôi yêu thích. Bởi vì nếu không có sự ủng hộ này, chúng tôi không thể làm được. Xin các bạn cứ tự nhiên dùng thử và thưởng thức sản phẩm mới này. Cảm ơn rất nhiều.”
Jobs đã dành phần tốt nhất trong bài trình bày của mình để tạo ra một sự liên hệ cảm xúc với khán giả của mình bằng cách thể hiện cho họ thấy tất cả những điều tuyệt diệu mà họ có thể làm với sản phẩm iPod mới. Ông còn cho ca sĩ/nhạc sĩ Sarah McLachlan biểu diễn vào cuối buổi trình bày. Thông qua một khởi đầu mạnh mẽ và một kết thúc dứt khoát trong những lời nói đầy cảm xúc về sự yêu thích mà các nhân viên Apple dành cho công việc mà họ đang làm, Jobs đã gây ấn tượng tốt ở các khán giả, làm cho họ chia sẻ sự phấn khích của mình, và sau đó, khi đang còn ở đỉnh cao của sự phấn khích, ông đã yêu cầu họ thử sản phẩm mới này. Ai lại có thể cưỡng lại được chứ? Jobs không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để quảng bá cho sản phẩm sau khi ông ấy đã làm cho khán giả bị cuốn hút vào thông điệp của mình. Tuy không có số liệu thống kê, nhưng tôi sẵn sàng cược với bạn rằng họ đã bán được rất nhiều máy nghe nhạc iPod ngay sau buổi nói chuyện này.
Rõ ràng, một điểm quan trọng mà bạn có thể nhận thấy là những bài nói hay thường kích thích người nghe muốn tìm hiểu thêm về đề tài hay sản phẩm được trình bày.
Người nhút nhát không thể trở thành người lãnh đạo giỏi
Phần kết thúc không phải lúc nào cũng cần đến lời kêu gọi hành động. Có lần tôi đã đọc rằng: “Những người nhút nhát không thể trở thành những lãnh đạo giỏi.” Điều đó thật đúng. Như chúng ta đã đồng ý, khán giả thích nghe ngôn ngữ mạnh bạo, tích cực. Điều này làm tôi nhớ đến Brian Halla, Giám đốc điều hành của National Semiconductor khi ông kết thúc bài nói chuyện của mình tại Comdex 2002 với một lời tiên đoán khá mạnh bạo.
Vào thời điểm đó, Thung lũng Silicon đang bị suy thoái kinh tế – có thể nói là trầm trọng nhất trong suốt nửa thập kỷ đã qua. Halla đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách dự báo cụ thể ngày hồi phục kinh tế sẽ là ngày 21/6/2003. Dĩ nhiên dự báo này cũng mang tính không chắc chắn, vì không có ai ngoài tài nghệ của Nostradamus (một nhà tiên tri nổi tiếng ở thế 16 – người đã tiên đoán đúng rất nhiều sự kiện) có thể dự báo chính xác sự kiện này. Halla cuối cùng có tiên đoán đúng không? Tôi cũng không chắc lắm. Nền kinh tế bắt đầu hồi phục, nhưng liệu ông ấy tiên đoán đích xác ngày bắt đầu không? Ai lại quan tâm đến điều đó. Tôi chỉ biết rõ một điều là Halla đã trở thành đề tài bàn luận của hội nghị. “Tiên đoán” của ông đã tạo thành những tiêu đề cho báo chí ngày hôm sau. Tên công ty ông lúc nào cũng xuất hiện trong những buổi nói chuyện của mọi người suốt một tuần sau đó.
Khán giả của bạn sẽ chỉ nhớ đến quả táo và quả lựu, và nhanh chóng quên đi những quả lê, mận gì gì đó ở giữa. Vì thế hãy nắm bắt sự chú ý của họ ngay từ đầu và làm cho họ muốn tìm hiểu thêm khi bạn kết thúc. Đó là cách để trở nên nổi bật. Đó là cách được mọi người ghi nhớ!
BÀI TẬP HUẤN LUYỆN
1. Hãy xây dựng lời mở đầu “30 giây” của bạn. Hãy trả lời những câu hỏi sau hỏi sau:
- Dịch vụ, sản phẩm, công ty hay sự nghiệp của tôi là gì?
- Tôi giải quyết được vấn đề gì?
- Đâu là sự khác biệt của tôi?
- Tại sao bạn cần phải quan tâm đến điều mà tôi đang nói?
2. Hãy tự đếm thời gian. Hãy dùng đồng hồ bấm thời gian để canh giờ. Bạn nên cố gắng trình bày lời mở đầu của mình trong vòng 30 giây. Sáu mươi giây cũng sẽ không sao, nhưng tốt nhất là nên duy trì một lời mở đầu thật ngắn gọn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.