7 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc

Chiến lược 2 TÌM KIẾM TRI THỨC – Chương 5 Đường đến sự thông thái



Một trong những chiến lược nền tảng để sống một cuộc sống tốt đẹp là biết được bạn cần thông tin gì để đạt được mục đích của mình và cách thức để thu thập thông tin đó.

Một trong những điều tốt đẹp nhất mà ông Shoaff đã làm cho tôi vào thuở ban đầu ấy là đã thấm nhuần trong tôi ý thức về giá trị của việc học.

Ông ấy nói: “Nếu cậu muốn thành công, hãy học thành công. Nếu cậu muốn được hạnh phúc, hãy học hạnh phúc. Nếu cậu muốn làm ra tiền, hãy học cách đạt được sự giàu có. Những người đạt được những điều này không phải bằng sự tình cờ. Đó là kết quả của việc học tập trước tiên và thứ đến là thực hành.”

Bạn có muốn đoán thử có bao nhiêu người coi sự giàu có là một môn học? Đúng, rất ít. Hãy xem xét nhiều nam giới và phụ nữ muốn tìm kiếm giàu có và hạnh phúc, bạn có cho rằng họ học tập cẩn thận những điều đó, bạn không tin vậy phải không? Tại sao họ không học cẩn thận? Đó vẫn là một điểm khác nữa trong phân loại đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”.

Có một câu trong Kinh Thánh nói rằng, “Hãy tìm, sẽ gặp”. Vì thế đó là cách để phát hiện kiến thức mới nhằm tạo ra những ý tưởng mới. Tìm kiếm. Để có thể thấy thứ gì đó, trước tiên bạn phải tìm kiếm. Bạn cần một ý tưởng lớn để thay đổi cuộc đời mình? Hiếm khi ý tưởng đó xuất hiện từ hư không. Nhưng nếu bạn kiên trì tìm kiếm kiến thức mà mình cần, ý tưởng đúng sẽ xuất hiện trên con đường bạn đi, thường là vào lúc bạn ít ngờ nhất.

Nắm bắt kho tàng tri thức

Đây là một từ nền tảng khác mà bạn cần quan tâm: Nắm bắt. Những ý tưởng tuyệt vời thường lướt qua rất nhanh và dễ bị quên mất nhưng cũng có thể khiến cho cuộc sống của bạn trở nên rất đáng để sống. Đó là lý do tại sao việc học để nắm bắt những điều này thực sự là một chuyện hết sức quan trọng.

Thứ nhất, học cách nắm bắt những khoảnh khắc đặc biệt. Hãy dùng máy ảnh. Chụp thật nhiều bức ảnh. Có khả năng bắt giữ sự kiện trong chưa đến một giây là một hiện tượng của thế kỷ 20. Và cũng dễ dàng làm sao để tận dụng hiện tượng này.

Tôi sẽ kể cho bạn một kinh nghiệm gần đây. Trong vòng ba năm qua mỗi năm tôi đều được mời giảng bài tại Đài Loan. Trong một cuộc hội thảo cuối tuần gần đây nhất của tôi, có khoảng một ngàn người tham dự. Bây giờ, nếu có một ngàn người tham dự thì bạn nghĩ sẽ có bao nhiêu máy ảnh trong phòng hội thảo? Đúng – một ngàn! Mọi người mang theo máy ảnh để bắt giữ những khoảnh khắc, những người bạn mới, những kinh nghiệm mới. Tôi đã tốn một phần lớn thời gian ở đó để chụp ảnh cùng những người tham dự.

Bạn có bao giờ xem những bức ảnh cách đây vài thế hệ? Không may là chỉ có rất ít những bức ảnh như vậy vẫn còn lưu hành. Không phải là tuyệt vời sao nếu chúng ta có đủ ảnh để kể toàn bộ câu chuyện về những gì là cuộc sống thực sự cách đây một trăm năm? Vì thế đừng thiếu nhiệt tình. Hãy bảo đảm rằng bạn đã có toàn bộ câu chuyện của bạn bằng một kho báu ảnh và video.

Còn một cách khác để nắm bắt tri thức vào trong thư viện cá nhân của mình. Tôi không nói đến những cuốn sách mà các nhà thiết kế nội thất của bạn đã mua. Tôi muốn nói đến những cuốn sách đã sờn gáy và bị đánh dấu chi chít – những cuốn mà bạn chọn để học và chú trọng; những cuốn mà bạn có ghi chú bên lề sách; những cuốn giúp định hình triết lý của bạn về những giá trị của cuộc sống. Đó thực sự là một kho báu đáng để nắm giữ!

Ngày nay, với khái niệm truyền thông đã được mở rộng, tôi cũng gộp cả vào kho báu này tất cả các phương tiện truyền thông hiện đại đang định hình và giúp cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn(1). Đó cũng là di sản đặc biệt cho con cháu của chúng ta.

Cuối cùng, bạn sẽ cần nắm bắt mọi tri thức mà bạn có được khi sống cuộc đời của mình. Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích bạn, một học viên nghiêm túc về sự thịnh vượng và hạnh phúc, sử dụng một cuốn sổ công tác hay nhật ký để làm nơi thu thập mọi ý tưởng đến với bạn. Những gì sẽ dần dần xuất hiện là một kho báu quý giá đến khó ngờ – ý tưởng kinh doanh, ý tưởng xã hội, ý tưởng văn hóa, ý tưởng đầu tư, ý tưởng về phong cách sống. Bạn có thể hình dung được giá trị trong những điều đó? Chắc chắn loại kho báu này là một gia sản có giá trị hơn chiếc đồng hồ cổ của bạn nhiều!

Cách để trở nên thông thái

Có hai cách để thu thập sự thông thái. Một cách là học từ chính cuộc sống của bạn.

Cách thứ hai là học từ cuộc sống của những người khác.

Phản chiếu (reflection) cá nhân

Hãy xem xét cẩn thận kinh nghiệm sống của bạn. Hãy học kỹ năng phản chiếu, đó là suy tư về những sự kiện trong cuộc sống với chủ định học hỏi từ đó. Tôi gọi quá trình này là “tua lại băng từ”.

Những sự kiện trong cuộc sống của bạn là một vài trong số nguồn tài nguyên thông tin tốt nhất. Vì thế đừng chỉ đi ngang qua những ngày này của bạn – hãy thu nhận từ chúng. Hãy hiểu biết về những gì xảy ra quanh bạn để có thể tạo những rãnh nhớ về những điều đó ở tận trong ý thức của bạn.

Hãy dành thời gian và nơi chốn cho mọi chuyện. Có thời gian cho hành động và thời gian cho phản chiếu nhưng hầu hết chúng ta không dành thời gian cho việc phản chiếu một cách nghiêm túc. Với lịch trình bận rộn, chúng ta thường bỏ qua phần quan trọng này của công thức để thành công.

Vào cuối mỗi ngày, hãy dành vài phút để ôn lại những gì đã xảy ra trong ngày – nơi bạn đã đi, những gì bạn đã làm, những điều bạn đã nói. Suy tư về những gì đã làm và những gì không làm, những gì bạn muốn lặp lại và những gì bạn muốn từ bỏ. Hãy cố nhớ các sự việc một cách sống động nhất.

Hãy nhớ màu sắc, cảnh trí, âm thanh, đối thoại, cảm nhận. Bạn thấy đó, kinh nghiệm có thể trở thành hàng hóa thậm chí là tiền tệ. Nhưng nó chỉ có thể trở thành như vậy nếu bạn dành thời gian để ghi lại kinh nghiệm này, suy tư về nó và chuyển nó thành những thứ có giá trị. Sau cùng, chính hành động của một người trước những gì xảy đến – chứ không phải bản thân những chuyện đó – sẽ quyết định những gì mà cuộc sống của người đó thể hiện. Và để làm những điều tích cực cho cuộc sống, chúng ta phải chắt lọc những thông tin có giá trị từ đó.

Một thời điểm tốt khác để phản chiếu là cuối những khoảng thời gian chính như mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi năm. Cuối mỗi tuần, hãy dành vài giờ. Cuối mỗi tháng, hãy dành một ngày. Và cuối mỗi năm hãy dành một tuần… để xem xét lại, suy tư và phản chiếu với từng chuyện đã xảy đến trong cuộc sống của bạn.

Những người tinh tế đã học được cách thức để tích lũy quá khứ và đầu tư vào tương lai. Khi cha tôi bước sang tuổi bảy mươi sáu tôi nói với ông: “Cha à, cha có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra nếu tập hợp bảy mươi lăm năm qua và đầu tư vào năm thứ bảy mươi sáu của cha?”

Bạn có bao giờ nghĩ về cuộc sống theo cách này? Đó là cách thức mà cuộc sống trở nên hiệu quả và hào hứng chưa từng có. Đừng chỉ sống thêm một năm khác. Thay vào đó, tập hợp những năm tháng bạn đã trải qua và đầu tư chúng vào năm tiếp theo. Đừng chỉ thực hiện một cuộc đối thoại khác. Thay vào đó, tập hợp tất cả những cuộc đối thoại trong quá khứ của bạn và đầu tư chúng vào cuộc đối thoại tiếp theo.

Vì thế hãy khởi động một nề nếp kỷ luật mới. Tìm ra, bằng cách quan sát cuộc sống của bạn, sự việc và cách thức các sự việc vận hành trong thế giới này. Đừng bao giờ để bị nói rằng bạn đã sống một cuộc sống mà không biết gì về nó. Bạn có thể không làm được việc này với tất cả những gì mình tìm thấy nhưng phải bảo đảm rằng bạn tìm thấy tất cả những gì mà mình có thể làm. Cuối cùng, bạn không muốn sống cuộc sống chỉ để phát hiện rằng bạn chỉ sống có 1/10 của nó, rằng bạn đã để cho 9/10 còn lại trôi đi một cách lãng phí.

Trong khi nghiên cứu cuộc sống của mình, hãy chắc rằng bạn học hỏi cả những điều tiêu cực cũng như những điều tích cực, thất bại cũng như thành công. Những cái gọi là thất bại cũng rất hữu ích khi chúng dạy cho chúng ta những bài học có giá trị. Thông thường, những bài học từ thất bại còn giá trị hơn cả những bài học từ thành công.

Một trong những cách để thực hiện đúng điều gì đó là rút kinh nghiệm từ lần làm sai trước đó. Rút kinh nghiệm từ những việc làm sai là khóa học đáng giá trong cuộc sống. Giờ đây, tôi muốn khuyên bạn không nên học khóa này quá lâu. Nếu bạn đã làm điều gì đó theo cách thức sai trong mười năm qua thì tôi không khuyên bạn tiếp tục thêm mười năm nữa. Nhưng nếu bạn có thể học nhanh thì không có gì tốt hơn, không có phương thức nào hiệu quả về cảm xúc hơn là học từ những kinh nghiệm cá nhân.

Khi gặp ông Shoaff tôi đã làm việc được sáu năm. Ngay sau khi gặp nhau, ông ấy đã hỏi tôi: “Jim, tính đến giờ cậu đã đi làm trong bao lâu rồi?” Tôi trả lời ông ấy.

“Mọi chuyện thế nào?” ông ấy dấn thêm.

“Không hoàn toàn tốt đẹp,” tôi đáp, hơi khó chịu khi phải thú nhận điều này.

“Thế thì tôi khuyên cậu không nên tiếp tục làm kiểu đó nữa,” ông ấy nói. “Sáu năm đã đủ dài để vận hành một kế hoạch sai.”

Rồi ông ấy hỏi: “Cậu đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong sáu năm qua?”

“Không được gì,” tôi ngượng ngùng thú nhận.

Nhướng mày, ông ấy nói: “Ai bán cho cậu kế hoạch đó?”

Thật là một câu hỏi kỳ diệu. Tôi đã lấy kế hoạch hủy hoại này ở đâu?

Bạn đã từng tin vào kế hoạch của ai?

Giờ đây, tôi phải nói với bạn rằng ban đầu sẽ rất đau đớn khi phải đối chiếu với những kinh nghiệm trong quá khứ của chính bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đã từng gây ra nhiều lỗi lầm giống tôi. Nhưng hãy nghĩ về những gì bạn nhận được! Nghĩ về những tiến bộ mà bạn có thể đạt được khi chấp nhận đối mặt với những sai lầm này!

Học từ người khác

Một cách khác để bạn có được tri thức là bắt chước, thông qua kinh kiệm của người khác. Và bạn có thể học từ thành công cũng như những thất bại của họ. Một trong những lý do khiến Kinh Thánh là một thầy giáo giỏi là vì đó là một tuyển tập những câu chuyện của loài người về cả thất bại và thành công.

Một danh mục những câu chuyện được gọi là “hình mẫu” (examples). Thông điệp là: Làm những gì mà những người này đã làm. Danh mục chuyện khác được gọi là “cảnh báo” (warnings). Thông điệp là: Đừng làm những gì những tên ngốc này đã làm. Thật là những thông tin hữu ích biết bao!

Nhưng có lẽ thậm chí còn có thêm một thông điệp khác. Nếu câu chuyện của bạn từng được đưa vào cuốn sách của người nào đó thì phải bảo đảm nó được dùng làm hình mẫu chứ không phải để cảnh báo…

Có ba cách mà một người có thể học tập từ người khác:

1. Thông qua những tác phẩm đã được xuất bản như sách, băng cát-xét hay băng video.

2. Lắng nghe những lời thông thái và ngớ ngẩn của người khác.

3. Quan sát những người chiến thắng và những kẻ thất bại.

Chúng ta hãy cùng thảo luận về từng điểm trên:

Sách và băng

Tất cả những người thành công mà tôi từng tiếp xúc đều là những người đọc giỏi. Họ đọc, đọc và đọc. Chính sự tò mò của họ đã thôi thúc họ đọc. Họ chỉ đơn giản là phải hiểu biết. Họ thường xuyên tìm kiếm những phương cách mới để trở nên tốt hơn. Đây là mệnh đề hay mà bạn phải nhớ: Tất cả những nhà lãnh đạo là những người đọc.

Đã từng có thời xuất bản gần như được hiểu là những gì được in ra như sách. Nhưng hiện nay chúng ta còn có thể học nhờ sự kỳ diệu của xuất bản điện tử. Tôi muốn nói đến băng cát-xét, băng video và các phương tiện truyền thông hiện đại khác. Nhiều người bận rộn nhất mà tôi biết dùng băng cát-xét để học trong thời gian không làm việc. Ví dụ, họ thường nghe băng trong khi đang lái xe. Lắng nghe băng là cách dễ dàng để thu thập những ý tưởng và kỹ năng mới.

Bạn có biết là có hàng ngàn cuốn sách và băng từ nói về cách để trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, diễn thuyết giỏi hơn, lãnh đạo hiệu quả hơn, yêu tốt hơn; phát triển khả năng tác động đến người khác; tìm đối tác; trở nên tinh tế hơn; bắt đầu một công việc kinh doanh – và hàng ngàn chủ đề hữu ích khác? Thế nhưng nhiều người không dùng đến kho tàng tri thức này. Bạn có thể giải thích điều đó không?

Bạn có biết thêm rằng có hàng ngàn người thành công đã cống hiến những câu chuyện đầy cảm hứng của họ ra giấy? Thế mà người ta không muốn đọc chúng. Bạn có thể giải thích điều đó không?

“Người đàn ông” của chúng ta đang bận, tôi đoán thế. Anh ta bảo: “Ừ, vâng. Nhưng anh thử làm việc ở vị trí của tôi mà xem, lúc anh lê tới nhà thì đã trễ. Anh ăn quấy quá, xem truyền hình một tí để thư giãn rồi đi ngủ. Anh không thể ngồi đó đến nửa đêm để làm đọc, đọc, ĐỌC.” Và đây là anh chàng luôn không trả tiền hóa đơn đúng hạn. Anh ta là người lao động tốt, nhân viên chăm chỉ, người lao động chân chính. Này, bạn có thể chân thành và làm việc cật lực suốt cuộc đời mình và rồi kết thúc trong đổ vỡ, bối rối và xấu hổ. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải là người đọc tốt. Và nếu bạn không thích đọc thì ít ra bạn cũng có thể lắng nghe một cuốn băng tốt trên đường về nhà, đúng không?

Bây giờ bạn không cần phải đọc sách hay nghe băng đến nửa đêm (nhưng nếu bạn phá sản thì đó không phải là ý tưởng tồi). Tất cả những gì tôi yêu cầu là bạn dành hẳn ra, chỉ 30 phút mỗi ngày, để học tập. Thế thôi.

Bạn muốn làm điều đó thật tốt? Thế thì hãy tăng từ phút thành một giờ. Nhưng tối thiểu phải dành ra 30 phút. À vâng, còn thêm một điều nữa: Không được bỏ qua. Thà bỏ một bữa ăn nhưng không bỏ 30 phút học tập của mình. Tất cả chúng ta có thể bỏ được vài bữa ăn nhưng không có ai trong chúng ta có thể đánh mất cơ hội với những ý tưởng, hình mẫu và niềm cảm hứng.

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng con người không thể chỉ sống bằng bánh mì. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sau thức ăn, trí óc và tâm hồn, chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng từ ngữ. Không may là hầu hết mọi người đều bị tình trạng suy dinh dưỡng tâm trí.

Gần đây tôi bảo với nhân viên của mình rằng: “Một số người đọc ít đến nỗi họ bị còi cọc trí óc.” Bạn không chỉ phải nuôi dưỡng trí óc mà bạn còn nên bảo đảm rằng mình có một chế độ dinh dưỡng trí não hết sức cân bằng. Đừng chỉ nuôi dưỡng trí óc bạn bằng những thứ dễ dãi. Bạn không thể sống bằng kẹo ngọt tinh thần.

Hãy nghĩ về thời gian đọc sách của bạn như là thời gian “đang mở cánh cửa vào kho báu ý tưởng.” Và nếu có ai đó có lý do chính đáng cho việc không mở cánh cửa vào kho báu ý tưởng tối thiểu là 30 phút mỗi ngày hay không đầu tư một ít tiền cho việc tìm kiếm tri thức thì tôi mong được biết lý do đó.

Này, hãy đầu tư tiền bạc. Mua sách và băng cát-xét bạn cần để tự đào tạo. Đừng bất công với bản thân khi tới lúc đầu tư vào tương lai tốt đẹp hơn của chính mình.

Ông Shoaff yêu cầu tôi khởi đầu bằng sách ngay từ khi bắt đầu. Ông ấy bảo: “Phải biết tự đào tạo. Nền giáo dục thông thường sẽ mang lại cho cậu những kết quả thông thường. Hãy kiểm tra con số thu nhập của những người có nền giáo dục thông thường và xem thử đó có phải là những gì cậu muốn. Nếu không phải, nếu cậu muốn nhiều hơn trung bình, cậu phải biết tự đào tạo”. Vì thế tôi bắt đầu xây dựng một thư viện. Và hiện nay tôi có một trong những thư viện tốt nhất.

Ông Shoaff gợi ý một vài cuốn sách để tôi bắt đầu. Một trong số đó là Kinh Thánh mà tôi cũng đã có sẵn. Kinh Thánh gồm 66 sách và bố mẹ tôi đã từng đọc vì thế tôi rất quen thuộc với chúng, thế nên tôi hình dung là mình đã có được khởi đầu khá tốt.

Nhưng ông ấy còn khăng khăng là tôi phải có cuốn Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu(2) của Napoleon Hill. Nếu bạn chưa đọc cuốn này, tôi khuyên bạn nên chạy ngay ra ngoài để mua một cuốn.

Tôi đã đọc cuốn sách tuyệt vời này hàng chục lần. Tôi cần phải làm vậy. Shoaff bảo: “Lặp đi lặp lại là mẹ đẻ của kỹ năng.” Và với tình trạng tài khoản ngân hàng của tôi trong quá khứ, tôi cần rất nhiều kỹ năng.

Khi tôi nhìn lại, thông tin trong cuốn sách này đáng giá hàng chục ngàn đôla đối với tôi. Và tôi đã mua nó với giá vài xu. Điều này đã dạy tôi một bài học đầy sức mạnh: Đôi khi giữa giá cả và giá trị tồn tại một sự khác biệt vô cùng lớn. Trước khi gặp Shoaff , tôi thường hỏi: “Nó giá bao nhiêu?” Nhưng ông ấy đã dạy tôi hỏi: “Nó đáng giá như thế nào?” khi tôi bắt đầu đặt cơ sở cuộc đời tôi trên giá trị thay vì giá cả, mọi chuyện bắt đầu xảy đến.

Nên nhớ: Bạn là những gì bạn đọc.

Một trong những điều đầu tiên tôi làm khi viếng thăm một người là nhìn qua thư viện của người đó. Tôi tìm ra được nhiều điều bằng cách nhìn qua bộ sưu tập sách và băng từ của ai đó hơn là qua cuộc trò chuyện vu vơ. Việc chọn sách và băng từ tiết lộ những ý nghĩ, ước muốn và giá trị chính yếu của người đó.

Thư viện của bạn nói gì về bạn? Bạn thấy không, đọc sách không phải là thú tiêu khiển xa xỉ; nó là điều cần thiết cho những ai muốn phát triển. Vì thế đừng giống như một vài người bạn của tôi, những người nghĩ rằng việc tốt nghiệp trung học hay đại học đã mang lại cho họ giấy phép để không bao giờ đọc thêm một cuốn sách nào nữa. Hãy bắt đầu đọc sách. Và đặc biệt là đọc những loại sách giúp bạn giải phóng những tiềm năng bên trong của mình.

Giờ đây bạn có đang nghĩ về tất cả những cuốn sách bạn nên đọc không? Thế thì có vài tin tốt lành đây: Bạn không phải đọc tất cả các sách này một lúc. Hãy cố đọc hai cuốn mỗi tuần. Và nếu như vậy vẫn hơi nhiều, hãy chọn hai cuốn sách mỏng để bắt đầu. Thực hiện điều này trong mười năm và bạn sẽ đọc được trên một ngàn cuốn sách! Bạn có nghĩ rằng việc thu nhận kiến thức từ một ngàn cuốn sách sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc đời bạn không? Dĩ nhiên là thế rồi.

Vậy có nghĩa là nếu bạn không đọc hai cuốn sách mỗi tuần trong mười năm qua thì bạn tụt đằng sau một ngàn cuốn so với những người có đọc. Bạn đã bắt đầu hiểu ra sự thua kém không ngờ mà mình sẽ gặp phải trong mười năm nếu bạn phải dấn thân vào một thị trường mà bạn thua sút đến hai ngàn cuốn sách chưa? Tại sao, vì trong một số cuộc đối đầu phức tạp hơn bạn sẽ đóng vai trò như những tấm bia đỡ đạn. Họ sẽ bắn nát bạn ra.

Nhưng như thế vẫn chưa phải là tất cả. Bạn cũng sẽ bỏ lỡ vài cơ hội tuyệt vời vì thiếu kiến thức. Và triết lý của bạn cũng quá mờ nhạt để có thể bảo vệ bạn trước những khắc nghiệt của cuộc sống.

Thiếu kỹ năng, thiếu tri thức, thiếu sự hiểu biết sâu sắc, thiếu giá trị, thiếu phong cách sống đều là hậu quả của việc không đọc sách. Hãy nhớ rằng, cuốn sách chưa đọc là cuốn sách không thể giúp ích gì cho bạn. Số sách bạn có thể đọc không bao giờ là quá nhiều nhưng rất có thể sẽ là quá ít.

Lắng nghe

Lắng nghe là phương pháp tuyệt vời để học hỏi. Hãy để tôi đề nghị với bạn một ý tưởng gây sốc: Hãy chọn một người thật sự thành công và mời ông ấy hay cô ấy đi ăn tối. Một người nghèo (tất cả chúng ta đều nghèo nếu so sánh với một ai đó, mặc cho chúng ta làm việc tốt tới cỡ nào) nên đầu tư vào việc ăn uống cùng một người giàu. Rồi thì làm gì? Đúng vậy – lắng nghe.

Hãy thử xem. Chi ra 50, 60, 80, thậm chí 100 đôla. Hãy thực hiện cho được chín khóa học như vậy. Bắt đầu với những món khai vị và đặt câu hỏi. Ăn món rau trộn (thường mất khoảng 15 phút) và giữ cho cuộc trò chuyện tiếp diễn. Bạn sẽ thường mất 45 phút để ăn xong các món chính – luôn đặt câu hỏi. Gọi món tráng miệng. Hãy xem thử bạn có thể kéo dài bữa ăn trong bao lâu. Hãy cố đạt tối thiểu là hai giờ, bạn có thể học đủ các chiến lược và thái độ để nhân thu nhập của mình lên và thay đổi cuộc đời bạn.

Nhưng dĩ nhiên bạn đúng. Người nghèo không mời người giàu đi ăn ngoài. Đó có thể là lý do họ nghèo.

“Người đàn ông” của chúng ta bảo: “Nếu ông ta giàu thì cứ để ông ta mua bữa tối khốn kiếp của mình! Tôi không phí tiền đâu. Và ngoài ra, nếu anh làm việc ở vị trí của tôi, lúc anh lê tới nhà thì đã trễ. Anh ăn quấy quá, xem truyền hình một tí để thư giãn rồi đi ngủ. Anh không thể dành tất cả thời gian đó để cố tìm ra một người giàu để mời họ ăn.” Và anh chàng này luôn trong tình trạng nợ nần. Nợ nần! Anh ta là người lao động tốt, nhân viên chăm chỉ, người lao động chân chính. Nhưng bạn có thể làm việc cật lực và chân thành suốt cuộc đời mình và rồi kết thúc trong đổ vỡ và không hạnh phúc. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải là người lắng nghe tốt.

Quan sát

Cách thứ ba để học hỏi người khác là quan sát. Hãy nhìn những gì mà người thành công làm. Tại sao? Vì sự thành công để lại những dấu vết. Hãy xem cách mà một người đàn ông thành công bắt tay người khác. Hãy xem cách mà một người phụ nữ thành công đặt câu hỏi. Những người này đều sở hữu những thói quen để thành công. Họ tạo ra khuôn mẫu của hành vi chiến thắng cũng giống như kẻ chậm chân tạo ra khuôn mẫu của hành vi thất bại. Bạn muốn được thăng chức? Hãy quan sát người quản lý của mình. Muốn làm ra nhiều tiền như chú của bạn? Hãy quan sát cách ông ấy quản lý tiền bạc và phong cách sống của ông ấy.

Một trong những lý do bạn nên tham dự hội thảo của những người thành công là vì bạn có thể quan sát họ. Không có cuốn sách hay băng cát-xét nào dù tốt đến đâu có thể chuyển tải được sức mạnh của truyền thông không lời. Đây là lý do mà băng hình là công cụ tuyệt diệu cho truyền thông toàn diện.

Vì thế hãy trở thành một người quan sát tốt. Đừng để vuột mất bất kỳ dấu hiệu nào có thể giúp bạn thay đổi và khiến cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

Đầu tư cho tương lai

Tìm kiếm tri thức là một trong những chiến lược cho sự thịnh vượng và hạnh phúc. Suy nghĩ về việc dành thời gian cho cuộc tìm kiếm tri thức một cách nhất quán, kỷ luật và có mục đích thật sự là một suy nghĩ đầy sức mạnh.

Nhưng cũng giống những thứ có giá trị khác, nó cũng có cái giá phải trả. Và điều này, không may lại làm một số người bất ngờ bỏ cuộc. Tìm kiếm tri thức liên quan đến việc đầu tư. Thực tế, cần phải có ba loại đầu tư để bạn có thể bắt đầu thành công trong cuộc hành trình khó khăn này:

Thứ nhất, nó đòi hỏi sự đầu tư tiền bạc. Đó là tiền để mua sách, băng đĩa và tham dự các buổi hội thảo. Đó là lý do tôi khuyên bạn dành sẵn quỹ giáo dục của riêng mình. Mỗi tháng, dành riêng một khoản thu nhập của bạn và đầu tư vào việc tìm kiếm tri thức cho mình. Hãy chi tiền để nuôi dưỡng người khổng lồ đang ngủ yên bên trong bạn. Số tiền này sẽ rất nhỏ so với những gì bạn có thể nhận lại.

Quan trọng hơn tiền bạc là chi phí tiếp theo: Thời gian. Thời gian là chi phí chủ yếu. Tôi hiểu điều đó. Yêu cầu một người chi tiền là một chuyện nhưng yêu cầu ông ấy bỏ thời gian là chuyện hoàn toàn khác.

Trời ạ, không có đường tắt. Cho đến khi mà một cái máy có thể gắn kết và đổ tri thức vào não bạn thì cần phải có thời gian – thời gian quý báu.

May mắn là cuộc sống có một cách thức độc đáo để tưởng thưởng cho những đầu tư lớn bằng những kết quả lớn. Việc đầu tư thời gian của bạn bây giờ có thể là chất xúc tác cho những thành công của bạn trong tương lai.

Cuối cùng, bạn sẽ phải đầu tư sự nỗ lực. Việc học tập nghiêm túc đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với học tập bình thường. Trong mọi chuyện bạn làm, cho dù là tự quan sát, đọc hay quan sát người khác, cường độ của sự nỗ lực sẽ có một tác động sâu sắc đến khối lượng kiến thức mà bạn thu được.

Một tâm trí tập trung cũng giống như một phát súng tinh thần bắn trúng vào tấm bia ý tưởng. Và để có được sự tập trung đó bạn cần phải nỗ lực chú ý hơn nhiều. Nhưng chính xác là nỗ lực này sẽ mở cổng “xả lũ” đến nơi những ý tưởng lớn có thể vận hành khả năng kỳ diệu của nó để mang bạn đến gần hơn sự thịnh vượng và hạnh phúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.