7 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc

Chương 3 Mục tiêu: Làm thế nào để thiết lập?



Trong chương một chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của tính kỷ luật. Giờ đây tôi sẽ yêu cầu bạn thực tập đặc điểm tích cực này.

Nếu bạn vẫn chưa làm theo thì hãy lấy một cuốn sổ tay hay nhật ký ra. Tôi muốn bạn tự chuyển mình từ người theo dõi (người đọc) thành người tham dự (người viết).

Loại bài tập về nhà mà bạn sẽ làm này hơi bất thường bởi nó sẽ kéo dài suốt cuộc đời. Chủ đề là những mục tiêu và như bạn sẽ sớm nhận thấy, chúng luôn tiến hóa, luôn biến chuyển.

Tại sao bạn nên làm việc này? Vì khi thực hiện công việc là lúc bạn đang đi những bước đầu tiên tiến về phía phát triển kiểu cuộc đời mà bạn luôn mơ ước nhưng lại không bao giờ tin rằng nó sẽ xảy đến với mình. Vậy thì hãy bắt đầu nào. Bạn càng sớm áp dụng tính kỷ luật thì bạn càng sớm có được những kết quả tốt đẹp. Và một khi đã có kết quả, tôi hứa là bạn sẽ không băn khoăn tí nào khi phải làm việc nhiều hơn và tuân thủ kỷ luật hơn nữa.

Mục tiêu dài hạn

Hãy mở đầu cuốn sổ tay hay một tờ giấy của bạn với tiêu đề: “Mục Tiêu Dài Hạn”. Nhiệm vụ của bạn là trả lời câu hỏi: “Tôi muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?”

Chìa khóa để làm bài tập này hiệu quả là trong thời gian nhanh nhất hãy viết ra nhiều điều nhất. Hãy dành khoảng đến 15 phút cho toàn bộ bài tập và hãy cố gắng viết ra khoảng 15 điều.

Để giúp bạn bắt đầu, hãy xem xét sáu câu hỏi sau như những hướng dẫn:

1. Tôi muốn làm gì?

2. Tôi muốn trở thành gì?

3. Tôi muốn thấy điều gì?

4. Tôi muốn có cái gì?

5. Tôi muốn đi đâu?

6. Tôi thích chia sẻ điều gì?

Với sáu câu hỏi này trong đầu, hãy trả lời câu hỏi chính yếu: “Tôi muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?” Hãy để đầu óc bạn tự do bay bổng. Đừng vội cố gắng đi vào chi tiết ngay; điều này sẽ thực hiện sau. Ví dụ, nếu bạn muốn có chiếc Mercedes 380SL màu xám với nội thất xanh dương thì chỉ cần viết “380” rồi chuyển sang mục tiếp theo.

Sau khi hoàn tất danh sách của mình, bạn xem xét lại những gì đã viết ra.

Tiếp theo, ghi số năm bạn tin tưởng rằng mình cần phải dành ra để đạt được mỗi mục tiêu hoặc có được mỗi thứ mà bạn đã ghi ra trong danh sách trên. Chẳng hạn như nếu bạn cần ba năm để mua được chiếc Mercedec mơ ước, hãy ghi số 3 đằng sau mục này. Hãy chia mười năm thành bốn giai đoạn: một năm, ba năm, năm năm và mười năm.

Bây giờ, hãy kiểm tra xem những mục tiêu của bạn có cân bằng không. Ví dụ, nếu bạn thấy rằng mình có rất nhiều mục tiêu mười năm nhưng rất ít mục tiêu một năm, nghĩa là bạn vẫn đang do dự và trì hoãn hành động ngay bằng cách dời lại thời gian hoàn thành.

Trái lại, nếu bạn có rất ít mục tiêu dài hạn, có lẽ bạn vẫn chưa quyết định được xem về lâu về dài bạn sẽ sống theo kiểu nào.

Yếu tố then chốt ở đây là phát triển được sự cân bằng giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. (Chúng ta sẽ thảo luận về những mục tiêu ngắn hạn thực sự – những mục tiêu cần dưới một năm để hoàn thành sau).

Bạn có phần nào hoang mang với ý tưởng về việc cần có nhiều mục tiêu không? Bạn có phải là kiểu người cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ tập trung vào một mục tiêu ở một thời điểm?

Thật ra, có một lý do thuyết phục cho việc phát triển nhiều lớp mục tiêu. Nếu không có nhiều những mục tiêu đa dạng bạn có thể bị tổn thương như tình trạng từng xảy ra với một số nhà du hành vũ trụ trước đây trên phi thuyền Apollo(1). Một vài người trong số họ, ngay khi trở về từ mặt trăng, cảm thấy tổn thương sâu sắc. Lý do? Nếu đến cả mặt trăng bạn cũng đã từng lên rồi, bạn cần có nơi nào khác để đi?

Sau nhiều năm huấn luyện, hình dung và háo hức về chuyến bay đến mặt trăng, ngay thời điểm trở về, vinh quang biết bao, đã trở thành quá khứ. Đột ngột, mọi thứ dường như kết thúc, các nhà du hành dường như đã hoàn tất công việc của đời mình và thế là trầm cảm bắt đầu.

Sau kinh nghiệm này, về sau, những nhà du hành vũ trụ được huấn luyện để có những dự án lớn khác ngay sau khi hoàn tất chuyến du hành vũ trụ vừa thực hiện.

Hạnh phúc là điều khó kiếm. Dường như cách tốt nhất để tận hưởng cuộc sống là hoàn thành một mục tiêu, đồng thời bắt đầu thực hiện mục tiêu tiếp theo. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn ngủ quên trên chiến thắng. Cách duy nhất để có một bữa ăn ngon miệng khác là tìm được cảm giác khỏe mạnh và đói bụng.

Nào, bây giờ bạn đã đánh giá và cân đối danh sách của mình, hãy chọn ra bốn mục tiêu ở mỗi hạng mục thời gian (một năm, ba năm, năm năm, mười năm) mà bạn cho là quan trọng nhất với mình. Giờ đây bạn có 16 mục tiêu. Đối với mỗi mục tiêu, hãy viết một đoạn ngắn gồm những điều sau:

1. Mô tả chi tiết những gì bạn muốn. Ví dụ, nếu đó là một mục tiêu vật chất, hãy mô tả chiều cao, chiều dài, giá cả, kiểu loại, màu sắc… Ngược lại, nếu đó là một vị trí công việc hay một doanh nghiệp bạn muốn khởi nghiệp, hãy mô tả chi tiết công việc bao gồm lương, chức vụ, ngân sách thuộc quyền kiểm soát của bạn, số nhân viên…

2. Lý do tại sao bạn muốn hoàn thành hay đạt được những mục tiêu đã mô tả. Ở bước này, bạn sẽ xác định được rằng đó thực sự là điều bạn muốn hay chỉ là ước mong thoáng qua. Nếu không thể đưa ra được lý do rõ ràng và thuyết phục, bạn nên xếp mục tiêu này vào loại bốc đồng chứ không phải là mục tiêu thực sự và thay nó bằng mục tiêu khác.

Bạn thấy không, điều bạn muốn chỉ trở thành động lực mạnh mẽ khi có lý do tốt đằng sau nó. Bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng một vài mục tiêu bạn từng xem là quan trọng không còn hấp dẫn nữa vì đơn giản là bạn không thể tìm được lý do đủ tốt để mong muốn chúng. Đó là điều tốt. Việc thực hiện bài tập này sẽ buộc bạn phải phản chiếu, tinh chỉnh và cân nhắc lại. Tất cả những điều này giúp bạn hoạch định tương lai của mình.

Một khi bạn đã xác định được 16 mục tiêu của mình, bạn hãy viết lại chúng lên một tờ giấy khác hay viết vào sổ công tác và thường xuyên mang theo bên mình mọi lúc. Hãy xem lại chúng hàng tuần để xem chúng có còn quan trọng không và bạn có đang thực hiện những bước đi tích cực để hiện thực chúng không. Bạn thấy đấy, thiết lập mục tiêu không phải là việc chỉ làm một lần với những kết quả cụ thể. Thay vào đó, nó là quá trình liên tục, suốt đời.

Mục tiêu ngắn hạn

Tôi định nghĩa mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu cần từ một ngày đến một năm để hoàn thành. Và những mục tiêu này, tuy về mức độ cần thiết thì khiêm tốn hơn những mục tiêu dài hạn nhưng lại tương đương về tầm quan trọng. Một thuyền trưởng có thể thiết lập hành trình dài hạn của mình để đến được đích cuối cùng. Tuy nhiên, dọc theo hành trình này sẽ có nhiều điểm đến ngắn hạn phải được hoàn tất thì cuộc hành trình mới có thể kết thúc thành công.

Cũng giống như cuộc hành trình trên biển, những mục tiêu ngắn hạn của bạn phải được gắn kết với những thành tựu dài hạn. Ưu điểm rõ rệt của mục tiêu ngắn hạn là bạn có thể dự đoán được thời điểm bạn đạt được chúng. Tôi gọi loại mục tiêu này là “người xây niềm tin” vì việc hoàn thành chúng mang lại cho bạn niềm tin để tiếp tục. Vì vậy khi bạn làm việc chăm chỉ, chong đèn thâu đêm và hoàn tất một nhiệm vụ ngắn hạn, cụ thể, bạn có thể vui sướng với “chiến thắng” của mình và nạp lại cảm hứng để tiếp tục cuộc hành trình.

Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn nên viết vào sổ tay hay lịch công tác của mình những dự án ngắn hạn. Bạn có thể tổ chức những dự án này theo cách của riêng mình. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp chúng theo ngày, theo tuần hay tháng. Bạn cũng có thể sắp xếp chúng như là những hạng mục phụ trong các mục tiêu dài hạn của mình.

Khi đã có một danh sách của riêng mình, bạn sẽ rất vui thích mỗi lúc được đánh dấu đã hoàn tất một việc gì đó. Sau khi hoàn thành một mục tiêu, hãy dành thời gian để ăn mừng thành quả của mình. Tiệc mừng này có thể là khoảnh khắc cảm thấy thỏa mãn khi hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ hay một sự tưởng thưởng lớn khi thành quả đạt được xứng đáng như vậy. Điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để thưởng thức chiến thắng của mình. Điều đó sẽ thực sự thôi thúc bạn làm nhiều hơn.

Tuy nhiên cũng như tôi đã thôi thúc bạn uống ly rượu nồng của thành công, tôi có một lời khuyên khác, ít phổ biến hơn: Đau khi thất bại.

Bạn thấy đó, chúng ta trưởng thành nhờ hai loại kinh nghiệm: Niềm vui chiến thắng và nỗi đau thất bại. Vì thế nếu đã tự đặt cho mình nhiệm vụ hoàn thành một dự án nhưng bạn lại làm những việc ngớ ngẩn khác thì hãy tìm cách trả nợ cho sự lười biếng của mình. Hãy chịu trách nhiệm cho cả hành vi tích cực và tiêu cực.

Ngoài ra, đừng tham gia những đám đông dễ dãi. Hãy đến những nơi đòi hỏi cao, những nơi có áp lực hoàn thành công việc cao. Điều đó cũng là một phần trong chiến lược tổng thể để trở nên giàu có và hạnh phúc của bạn.

Trượt dài

Tôi muốn bạn thành công! Đó là lý do tôi cảm thấy lo lắng. Tôi biết hầu hết những người đọc đến trang này đã không kiên định với việc thiết lập và chọn lọc mục tiêu của họ. Tại sao? Vì đó là công việc mất thời gian, đòi hỏi phải suy nghĩ. Tuy nhiên, điều trớ trêu là nhiều người làm việc cật lực ngày này sang ngày khác với những công việc mà họ không thực sự thích thú, khi được yêu cầu dành thời gian để thiết kế tương lai của riêng mình họ thường trả lời: “Tôi không có thời gian.” Họ đã để cho điều đó, tương lai của họ, trượt dài.

Tôi biết rằng hầu hết mọi người không lập những kế hoạch rõ ràng nhưng bạn đừng thuộc về nhóm hầu hết đó. Đừng đi loanh quanh với niềm hi vọng kế hoạch của mình sẽ thành công và nỗi lo lắng hiện rõ trên mặt.

Dù bạn có chấp nhận hay không, nhưng bạn, ngay bây giờ, là một trong những người chơi trò chơi của cuộc đời. Tin tôi đi, nếu bạn không có những mục tiêu để ngắm bắn thì bạn sẽ không thấy thú vị gì với trò chơi này. Không ai trả những đồng tiền chính đáng để xem bạn chơi một trò chơi mà không có ai ghi điểm.

Một người đàn ông nói: “Anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem, lúc anh về tới nhà thì đã trễ. Anh ăn quấy quá, xem truyền hình một tí để thư giãn rồi đi ngủ. Anh không thể ngồi đó đến nửa đêm để làm kế hoạch, kế hoạch, kế hoạch”. Và đây là anh chàng luôn không trả góp tiền mua xe hơi đúng hạn. Anh ta là người lao động tốt, nhân viên chăm chỉ, người lao động chân chính.

Nhưng bạn tôi ơi, tôi phát hiện rằng bạn có thể chân thành và làm việc cật lực suốt cuộc đời mình nhưng rồi lại kết thúc trong đổ vỡ và nghèo túng. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải là một người hoạch định tốt, một người thiết lập mục tiêu tốt.

Viết ra những mục tiêu của mình cho thấy bạn quyết tâm thay đổi và thực sự cầu thị, cho thấy bạn nghiêm túc. Và để làm tốt hơn bạn càng cần phải nghiêm túc. Bạn không phải trở nên nghiêm khắc nhưng bạn phải thật sự nghiêm túc. Này, mọi người đều hi vọng sẽ làm tốt hơn. Nhưng chỉ hi vọng mà không hoạch định rõ ràng thì có thể bạn sẽ bị tổn thương thực sự. Hi vọng bị trì hoãn quá lâu có thể làm con tim bị bệnh. Đó là tâm bệnh… Tôi biết.

Tôi thường chịu đựng căn bệnh gọi là hi vọng bị động. Đó là thứ tồi tệ. Chỉ có một thứ tệ hơn hi vọng bị động là hi vọng bị động “cam chịu”. Đó là khi một người đàn ông đến 50 tuổi và hết sạch tiền mà ông ấy vẫn mỉm cười và hi vọng. Điều đó thực sự tồi tệ. Vì thế hãy nghiêm túc. Viết mục tiêu của bạn ra giấy. Đó là đề nghị của tôi tới bạn – từ kinh nghiệm của bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.