7 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc
Chương 1 Năm từ khóa
Tất cả các ý tưởng trong cuốn sách này đều xuất phát từ một nhóm từ khóa quan trọng. Vì thế, để hiểu cuốn sách và thu nhận tối đa giá trị nội dung của nó, chúng ta cần phải thống nhất ý nghĩa của từng từ khóa.
Nền tảng
Trước tiên, hãy xem xét từ “nền tảng”. Tôi định nghĩa nền tảng là những nguyên tắc cơ bản để xây dựng nên thành tựu.
Nền tảng tạo nên sự khởi đầu, yếu tố căn bản và tính hiện thực để từ đó mọi thứ khác có thể hình thành.
Hãy dùng từ “nền tảng” và áp dụng vào khái niệm thành công. Nếu bạn đang tìm kiếm sự thành công nền tảng, loại thành công trường tồn theo thời gian, vốn được xây dựng từ một nền móng vững chắc thì bạn cần phải tránh mọi câu trả lời hoa mỹ. Thành công là một quá trình đơn giản. Nó không rơi từ trên trời xuống. Nó cũng không phải là điều gì kỳ diệu hay bí ẩn.
Thành công chỉ đơn giản là kết quả tự nhiên của việc áp dụng nhất quán những nền tảng của sự thành công vào cuộc sống.
Điều đó cũng đúng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc. Chúng cũng đơn giản là kết quả tự nhiên của việc áp dụng nhất quán những nền tảng của sự thịnh vượng và hạnh phúc vào cuộc sống.
Chìa khóa cho mọi sự là bám chắc vào các nền tảng.
Một nửa tá sự việc
Một ngày nọ, Shoaff , vị thầy vĩ đại của tôi bảo tôi: “Này Jim, thường chỉ có khoảng nửa tá sự việc làm nên 80% của sự khác biệt.”
Nửa tá sự việc… thật là một ý tưởng kỳ lạ.
Cho dù chúng ta đang làm mọi chuyện để cải thiện sức khỏe, sự giàu có, thành tích cá nhân hay công việc kinh doanh thì sự khác biệt giữa thành công vang dội và thất bại cay đắng cũng nằm ở mức độ cam kết của chúng ta trong việc tìm kiếm, học hỏi và áp dụng một nửa tá sự việc này.
Ví dụ, với người nông dân mong muốn một mùa bội thu thì nửa tá những điều căn bản mà ông ta cần tập trung khá dễ thấy: Đất, giống, nước, nắng, phân bón và sự chăm sóc. Mỗi thành phần này đều có tầm quan trọng ngang nhau vì chỉ khi kết hợp với nhau thì chúng mới mang lại quả ngọt là một mùa thu hoạch thành công.
Vì thế, câu hỏi tốt cần phải đặt ra trước khi thực hiện bất kỳ dự án mới hay thiết lập mục tiêu mới nào là: Nửa tá sự việc nào sẽ quyết định hầu hết những khác biệt giữa các kết quả?
Dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hay âm nhạc, toán hay vật lý, thể thao hay kinh doanh thì nửa tá nền tảng căn bản này cũng là yếu tố quyết định.
Hiểu và áp dụng nguyên tắc đơn giản này là bước đi thông minh đầu tiên để hoàn thành những mục tiêu và ước mơ của bạn.
Thịnh vượng
Từ khóa thứ hai cần phải định nghĩa là thịnh vượng. Thịnh vượng là một từ gây nhiều tranh cãi vì nó mang đến cho tâm trí chúng ta nhiều hình ảnh khác nhau thậm chí là nhiều khái niệm mâu thuẫn nhau. Sau rốt, mỗi người trong chúng ta lại nhìn sự thịnh vượng từ những góc nhìn khác nhau. Với người này, thịnh vượng nghĩa là đủ tiền bạc để có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Với người kia, nó lại có nghĩa là hoàn toàn không nợ nần. Với một người khác thì thịnh vượng lại đồng nghĩa với cơ hội để phát triển và hoàn thành mục tiêu.
Tuy nhiên, tất cả những khác biệt này lại giúp mỗi chúng ta tìm ra những phương cách riêng để làm việc vì một cuộc sống phong phú.
Đối với đa số những người không dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về chủ đề này, sự thịnh vượng đơn giản chỉ đồng nghĩa với từ: Triệu phú. Hiện thời, đó là một từ đầy phấn khích! Nó vang lên âm thanh của sự thành công, tự do, sức mạnh, tầm ảnh hưởng, khả năng và lòng từ thiện. Chắc chắn, trở thành triệu phú không phải là một mong ước xấu xa!
Mặt khác, từ thịnh vượng còn có ý nghĩa vượt ngoài khái niệm kinh tế. Bạn có thể nói đến sự thịnh vượng của kinh nghiệm, sự thịnh vượng của tình hữu nghị, sự thịnh vượng của tình yêu, sự thịnh vượng của gia đình, sự thịnh vượng của văn hóa.
Tuy nhiên, để thực hiện mục đích của mình ở đây, chúng ta sẽ tập trung vào loại thịnh vượng mà đi cùng với nó là sự tự do về tài chính – Sự thịnh vượng đến từ việc chuyển đổi những nỗ lực và công việc kinh doanh thành tiền tệ và vốn.
Số tài sản mà mỗi người cần để có được cảm giác thịnh vượng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có một điều mà tôi chắc chắn là ước mơ căn bản của chúng ta giống nhau: Được tự do trước các áp lực tài chính, tự do chọn lựa và thoải mái với các cơ hội để sáng tạo và chia sẻ.
Sự thịnh vượng có ý nghĩa như thế nào đối với bạn? Bao nhiêu tiền sẽ mang lại cho bạn cảm giác tự do về tài chính? Đây không phải là những câu hỏi vớ vẩn. Bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng bạn càng định nghĩa rõ ràng khái niệm thịnh vượng vật chất của mình thì những ý tưởng trong cuốn sách này càng hữu dụng.
Hạnh phúc
Mọi sự tìm kiếm của thế giới đều là để có được hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng giống như sự thịnh vượng, hạnh phúc với từng người lại có cách hiểu khác nhau. Nó bao hàm cả niềm vui của sự khám phá và niềm vui của sự hiểu biết. Nó thường đồng hành với những ai nhận thức được trọn vẹn màu sắc, âm thanh và sự hài hòa của cuộc sống.
Hạnh phúc cũng có thể là niềm vui thích của những người cẩn trọng thiết kế đời sống của họ, rồi sống đời sống đó một cách nghệ thuật.
Hạnh phúc là kỹ năng đón nhận một cách vui sướng những gì mà cuộc sống mang lại bằng khả năng nhận thức của mình.
Bạn có thể có được hạnh phúc cả khi cho và khi nhận, khi gặt hái và khi gieo trồng.
Hạnh phúc sẽ đến với những ai tự do mở rộng chân trời và kinh nghiệm của mình.
Nó cư ngụ trong ngôi nhà của những ai có khả năng giải tỏa sự tuyệt vọng mà không đánh mất cảm giác thoải mái của mình. Nó thuộc về những ai kiểm soát được cả hoàn cảnh và cảm xúc.
Hạnh phúc cũng chỉ đơn giản là việc thoát khỏi những nỗi lo sợ trẻ con như lo lắng, tự đánh giá thấp, ghen tị, bủn xỉn, bất mãn, phân biệt và căm ghét.
Những ai đã nếm trải hạnh phúc thường hiểu rõ và nhận thức được sức mạnh tích cực kỳ lạ của cuộc sống và tình yêu.
Tuy nhiên, hạnh phúc không chỉ là cảm giác thông thường mà còn là một phương pháp suy nghĩ giúp tổ chức các cảm giác, hoạt động và phong cách sống. Nói cách khác, nó là một phương cách diễn dịch thế giới và các sự kiện.
Hạnh phúc là có được sự cân bằng. Đó là cảm giác hài lòng với những công việc hàng ngày, kể cả những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán mà ít ai trong chúng ta có thể thoát được.
Hạnh phúc là hành động có mục đích. Đó là tình yêu thực tế. Đó là khả năng hiểu rõ những gì thấy được và tôn kính những điều kỳ diệu.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc là thứ gì đó đã mất trong quá khứ hay một đỉnh cao phải đạt đến trong tương lai xa (tôi sẽ hạnh phúc khi…). Chỉ có rất ít người hiểu rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được trong hiện tại. Đúng vậy, giống như những điều tốt đẹp, hạnh phúc thường khó đạt được. Nhưng tôi hứa với bạn là nắm bắt được hạnh phúc không phải là chuyện không thể.
Kỷ luật
Vậy làm thế nào để bắt được con chim xanh hạnh phúc? Kỳ lạ là bạn chỉ cần hiểu và áp dụng một khái niệm tưởng chừng không có chút liên quan đến hạnh phúc là… tính kỷ luật.
Nếu có một yếu tố cực kỳ quan trọng cho thành công của hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng và hạnh phúc thì đó là tính kỷ luật. Bạn có thể không chấp nhận khái niệm này vì nó khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh của một viên sĩ quan huấn luyện khó tính hay một giáo viên nghiêm khắc vung vẩy cây thước kẻ, nhưng tôi chắc chắn với bạn rằng việc tôn trọng tính kỷ luật nắm giữ chiếc chìa khóa để bạn đạt đến ước mơ và khát khao của mình. Ngạc nghiên? Vậy thì chúng ta nên dành một chút thời gian để định nghĩa tính kỷ luật.
Kỷ luật là chiếc cầu nối giữa ý tưởng và kết quả đạt được… chất keo kết dính cảm hứng và thành quả… điều kỳ diệu để biến nhu cầu tài chính thành sự sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng.
Kỷ luật đến với những ai biết rằng để cánh diều có thể bay bổng thì nó phải cưỡi lên ngọn gió; chỉ những người cố bơi ngược dòng mới có thể đạt được những điều tốt đẹp; sự trôi dạt vô định trong cuộc sống chỉ dẫn đến đắng cay và thất vọng mà thôi.
Kỷ luật là nền tảng để xây dựng nên thành công. Sự thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.
Thật kỳ lạ là nhiều người lại không thấy mối liên hệ giữa sự thiếu kỷ luật và sự thiếu thành công. Hầu hết mọi người hình dung thất bại như là một sự kiện chấn động, chẳng hạn như một công ty sắp phá sản hay một căn nhà sắp bị thu hồi.
Tuy nhiên, điều này lại không phải là cách thất bại diễn ra. Thất bại hiếm khi là kết quả của một sự việc riêng rẽ. Thay vào đó, nó là hệ quả cộng dồn của một chuỗi dài các thất bại nho nhỏ xảy đến do quá thiếu tính kỷ luật.
Thất bại xảy đến mỗi khi chúng ta thất bại trong việc nghĩ về… hôm nay, hành động… hôm nay, chăm sóc, nỗ lực, phấn đấu, học tập hay chỉ là giữ được sự tiến bước… hôm nay.
Nếu mục tiêu ngày hôm nay của bạn là phải viết mười bức thư nhưng bạn chỉ viết được ba bức, bạn đã thiếu mất bảy bức thư… hôm nay.
Nếu bạn tự cam kết sẽ thực hiện năm cuộc gọi nhưng bạn chỉ gọi một cuộc, bạn đã thiếu mất bốn cuộc gọi… hôm nay.
Nếu kế hoạch tài chính đòi hỏi bạn phải tiết kiệm mười đôla nhưng bạn không tiết kiệm được đồng nào, bạn thiếu mất mười đôla… hôm nay.
Hiểm nguy ập đến khi chúng ta nhìn vào một ngày lãng phí và kết luận là không hề có thiệt hại gì. Suy cho cùng, đó chỉ có một ngày thôi mà. Nhưng nếu bạn cộng dồn những ngày này thành một năm và cộng dồn những năm này để thành một cuộc đời thì có lẽ giờ đây bạn thấy được cách lặp đi lặp lại những thất bại nhỏ của hôm nay có thể dễ dàng đưa cuộc đời của bạn đến một sự hủy hoại to lớn.
Thành công cũng tuân theo đúng như kiểu mẫu trên… nhưng theo chiều ngược lại. Nếu bạn lên kế hoạch thực hiện mười cuộc gọi và bạn còn vượt định mức để đạt con số mười lăm, bạn đã vượt trước năm cuộc gọi… hôm nay. Hãy làm tương tự với việc trao đổi thư từ cũng như kế hoạch tiết kiệm của mình và bạn sẽ nhanh chóng nhìn thấy quả ngọt của những nỗ lực mà bạn tích lũy qua từng năm và cuối cùng là qua cuộc sống.
Kỷ luật là một chiếc chìa khóa quan trọng. Nó mở cánh cửa dẫn đến thịnh vượng và hạnh phúc, nền văn minh và sự hiểu biết sâu sắc, lòng tự trọng cao và thành tựu lớn, nó đồng hành cùng cảm giác tự hào, thỏa mãn và thành công.
Làm thế nào để có được tính kỷ luật?
Thứ nhất, bạn phải nhận thức được tầm quan trọng của kỷ luật trong cuộc sống của mình. Hãy bắt đầu bằng cách tự hỏi: “Tôi muốn đạt được điều gì trong cuộc đời của mình? Tôi cần phải thay đổi những gì để đạt được những mục tiêu đó?”
Thứ hai, hãy tự hỏi mình: “Liệu tôi có muốn thực hiện những điều đó?” và trả lời thành thật. Nếu câu trả lời là “có” thì bạn cần làm một cam kết dài hạn để duy trì tính kỷ luật của mình một cách khôn ngoan, bài bản, nhất quán.
Cuối cùng, cam kết dài hạn của bạn cần phải được tuân thủ trong bất cứ hoàn cảnh nào và sẽ được kiểm nghiệm khi những tình huống cản trở bạn thực hiện cam kết đó xuất hiện.
Chắc chắn tính kỷ luật sẽ làm nhiều điều cho bạn và quan trọng hơn, nó sẽ làm cho bạn có được những cảm giác tốt đẹp về bản thân.
Ngay một kỷ luật nhỏ nhất cũng có tác động khó tin đến thái độ của bạn. Và cảm giác tốt đẹp mà bạn có được – đó là cảm xúc dâng trào về giá trị của chính mình khi bắt đầu tuân theo một kỷ luật mới – cũng tốt đẹp gần như cảm giác có được khi hoàn thành được các yêu cầu của một kỷ luật.
Kỷ luật mới sẽ thay đổi ngay lập tức chiều hướng cuộc đời bạn như con tàu chuyển hướng giữa đại dương và nhắm đến một hướng mới.
Một số người tin rằng kỷ luật là điều không tự nhiên – chỉ cần những gì đang hiện hữu là đủ. Họ coi nhu cầu hoàn thành mục tiêu là hành vi nhân tạo, thiếu tự nhiên. Thế nhưng thực tế là tính kỷ luật có sự phối hợp với tự nhiên – nơi mà mọi thứ đều phải nỗ lực.
Cái cây sẽ tăng trưởng chiều cao tới mức nào? Nó phải tranh đấu với sức mạnh của lực hút trái đất và tiếp tục hấp thụ ánh nắng mặt trời để cao hết mức có thể. Đúng vậy, cuộc đấu tranh này của cái cây không phải là một hành vi có ý thức – cây không có não. Nhưng tôi và bạn đã được ban cho khả năng chọn lựa có ý thức để cật lực làm việc và trở thành tất cả những gì chúng ta có thể trở thành.
Kỷ luật hấp dẫn cơ hội. Cơ hội lớn luôn đến với những người có ý thức phát triển kỹ năng và đam mê hành động. Người thông qua kỷ luật và cam kết để thiết lập tầm nhìn cao hơn cho bản thân sẽ nắm bắt những cơ hội mà những tâm hồn yếu đuối hơn không bao giờ thấy được.
Kỷ luật là một quá trình chuyên biệt của những hành vi và ý nghĩ thông minh để chấm dứt sự kích động và khuyến khích thái độ lịch sự, nhã nhặn… nhờ đó phát triển những hành động tích cực và khống chế những ý nghĩ tiêu cực… để thúc đẩy nỗ lực thành công và từ chối chấp nhận thất bại… để tăng cường sức khỏe và hạn chế bệnh tật.
Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu quá trình tuân thủ tính kỷ luật. Bạn cũng có thể làm điều đó theo từng cấp độ, từng bước theo thời gian.
Có một tin rất thú vị là…
Bạn có thể bắt đầu… hôm nay!
Đừng nói: “Nếu tôi đã có thể, tôi cũng sẽ”. Hãy nói: “Nếu tôi sẽ, tôi có thể!”
Hãy bắt đầu quá trình mới này và bắt đầu với những điều nhỏ. Và sau đó học cách để tuân thủ những cam kết mới của bạn. Kết quả của sự bắt đầu tưởng chừng không quan trọng này sẽ giúp bạn cảm nhận được sự tuyệt vời của tính kỷ luật. Và kể từ đó, bầu trời mới là giới hạn.
Hành động
Vì thế, để thành công, hãy bắt đầu một kế hoạch thành công. Để trở nên giàu có, hãy phát triển một kế hoạch “giàu có”. Nên nhớ, bạn không cần phải giàu có mới có được kế hoạch giàu có; một người không có bất kỳ phương tiện nào cũng có thể có một kế hoạch để “trở nên giàu có”.
Có rất nhiều kiểu kế hoạch khác mà bạn có thể tạo ra:
Nếu bạn bệnh, hãy bắt đầu một kế hoạch sức khỏe.
Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi? Thế thì hãy bắt đầu một kế hoạch đầy năng lượng. Cảm thấy hơi thiếu kiến thức? Không thành vấn đề! Hãy bắt đầu kế hoạch học tập.
Bạn nói rằng bạn không thể? Hãy bắt đầu kế hoạch “Tôi có thể”.
Ai cũng có thể!
Ngay cả một người xấu cũng có thể bắt đầu đọc những cuốn sách tốt. Chìa khóa là tiến một bước… hôm nay. Dù là dự án gì, hãy bắt đầu hôm nay.
Bắt đầu dọn sạch ngăn kéo cho chiếc bàn làm việc được sắp xếp kiểu mới… hôm nay.
Bắt đầu thiết lập mục tiêu đầu tiên… hôm nay.
Bắt đầu nghe cuộn băng tạo động lực… hôm nay.
Bắt đầu kế hoạch giảm cân… hôm nay.
Bắt đầu kế hoạch gọi điện cho một khách hàng khó tính mỗi ngày… hôm nay.
Bắt đầu nạp tiền vào tài khoản mới “đầu tư cho tương lai”… hôm nay.
Viết bức thư đã trì hoãn quá lâu… hôm nay.
Cái quái quỷ gì vậy! Hãy tạo động lực cho cam kết mới của bạn về cuộc sống tốt đẹp. Hãy xem bạn có thể làm những gì để thực hiện cam kết này. Hãy nỗ lực! Hãy khởi động những bộ tăng tốc của bạn. Hãy chứng minh cho chính bạn rằng thời của chờ đợi và hi vọng đã qua và đây là thời của niềm tin và hành động.
Đó là một ngày mới, một sự bắt đầu mới cho cuộc sống mới của bạn. Với kỷ luật, bạn cũng sẽ phải kinh ngạc trước mức độ tiến bộ to lớn mà bạn có thể đạt được. Bạn sẽ mất gì ngoài cảm giác có lỗi và nỗi sợ quá khứ?
Giờ đây, hãy sẵn sàng với thách thức tiếp theo: Biến ngày đầu tiên cho sự khởi đầu mới của bạn thành một phần của sự khởi đầu mới.
Hãy tiến lên phía trước, hãy xem có bao nhiêu điều bạn có thể bắt đầu và tiếp tục trong tuần này, tuần lễ của bạn cho sự khởi đầu mới.
Tiếp theo, hãy biến điều này thành tháng của sự khởi đầu mới… và rồi năm cho sự khởi đầu mới. Vào lúc bạn hoàn thành năm đầu tiên này của mình, bạn sẽ không bao giờ còn bị quá khứ dằn vặt – thói quen cũ, ảnh hưởng cũ, tiếc nuối cũ, thất bại cũ. Bạn đã sẵn sàng để “bay cùng đại bàng”.
Thành công
Thành công là từ khóa thứ năm. Cũng giống như những khái niệm đã được thảo luận, nó có nhiều lớp ý nghĩa.
Thành công cũng là một khái niệm khó định nghĩa, một nghịch lý. Trên hết, chắc bạn cũng thấy nó vừa là hành trình vừa là đích đến.
Đó là sự tiến bộ ổn định, đo đếm được, hướng về phía mục tiêu và việc hoàn thành mục tiêu.
Thành công vừa là thành quả vừa là sự thông thái sẽ đến với những ai hiểu được sức mạnh tiềm năng của cuộc sống.
Đó là sự nhận biết giá trị và việc vun trồng những giá trị đáng giá nhờ vào tính kỷ luật.
Đó vừa là vật chất vừa là tinh thần, vừa thực tế vừa bí ẩn.
Thành công là quá trình “quay mặt” với một vài thứ để hướng đến những điều tốt đẹp hơn – từ chán chường sang làm việc có mục đích, từ kẹo sang trái cây, từ chi tiêu sang đầu tư.
Thành công là hưởng ứng lời mời thay đổi, tăng trưởng, phát triển và trở thành – lời mời chuyển lên một nơi tốt đẹp hơn để có được vị trí thuận lợi hơn.
Nhưng điều quan trọng nhất là thành công giúp bạn có được những gì mà bạn muốn trong cuộc đời. Hãy xem xét mọi khả năng, hãy xem xét tất cả những tấm gương của những người mà cuộc đời họ làm bạn khâm phục. Bạn muốn có được những gì trong cuộc đời của mình? Đó là một câu hỏi lớn!
Hãy nhớ rằng, thành công không phải là một bộ tiêu chuẩn rút ra từ nền văn hóa của chúng ta mà là một tập hợp các giá trị cá nhân được định nghĩa rõ ràng và cuối cùng phải đạt được.
Xây dựng cuộc đời bạn như những gì bạn muốn cho chính mình – đó là thành công. Nhưng làm thế nào để mỗi người có thể thực hiện điều đó? Đó chính xác là những gì mà cuốn sách này sẽ nói đến.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.