10 Sai Lầm Lớn Nhất Của Người Lãnh Đạo
Giới thiệu
Mọi chuyện diễn ra trong cái phòng họp ngột ngạt không cửa sổ tại khách sạn Holiday inn ở địa phương. Nóng bức, mệt mỏi và chán nản, chúng tôi đã gần kết thúc ngày chạy đua kiểm tra gắt gao khi tôi và vợ tôi, Donna, gặp gỡ ủy ban tìm kiếm CEO của tập đoàn này. Tôi là ứng viên đầu tiên cho chức tân chủ tịch, và ủy ban này muốn đảm bảo rằng họ không bỏ sót bất kỳ thông tin nào về tôi. Phiên tra hỏi kéo dài suốt một ngày này chính là phần kết cho cuộc điều tra suốt sáu tháng trời về thân thế của tôi. Hẳn là những cảm xúc tôi trải qua cũng giống với những người tự đưa mình ra trước sự phán xét căng thẳng tại các kỳ họp thượng nghị viện.
Một trong những quý ông ngồi bên trái hỏi tôi một câu khiến tôi vô cùng ngạc nhiên: “Hans, hãy cho chúng tôi biết tại sao ông muốn trở thành lãnh đạo mới của chúng tôi?”.
Để các bạn hiểu rõ hơn về bối cảnh của câu hỏi này, tổ chức của chúng tôi, WorldVenture là một công ty toàn cầu. Chúng tôi hiện diện tại hơn sáu mươi quốc gia với tổng nhân lực hơn 600 người. Ngoài ra, chúng tôi có trụ sở chính đặt tại Mỹ với hơn năm mươi nhân viên, cộng thêm bốn văn phòng địa phương trên khắp Bắc Mỹ. CEO sẽ chịu trách nhiệm một khoản ngân quỹ khoảng hai mươi lăm triệu đô-la mỗi năm.
“Tôi đã từng nói là mình muốn trở thành nhà lãnh đạo sao?”, tôi cười và hỏi, “Ông chưa từng nghe điều đó thốt ra từ miệng tôi!”. Rồi tôi giải thích rằng trong suốt mười hai năm phục vụ công ty, tôi luôn sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn. Và giờ đây tôi đã sẵn sàng nắm giữ vị trí cao nhất, “nhưng cần nói rõ là tôi sẵn sàng, chứ không theo đuổi”.
Tôi biết rằng sự nghiệp này sẽ tạo ra áp lực khủng khiếp lên cuộc sống của tôi, cuộc hôn nhân của tôi, và gia đình non trẻ của tôi. Tôi có bốn đứa con, đứa lớn nhất mới vừa chạm tuổi mười ba. giờ đây, khi đã nắm chức vụ này được hơn một thập kỷ, tôi có tin xấu cho các bạn – những nhà lãnh đạo đầy tham vọng: Việc này căng thẳng hơn tất cả những gì tôi tưởng tượng! Cho đến nay tôi đã gắn bó với WorldVenture được hai mươi bảy năm, trong đó có mười bốn năm giữ chức chủ tịch. Lãnh đạo là một cuộc hành trình dài mà ở đó, căng thẳng luôn thường trực. Một hôm, sau khi tôi vừa có buổi nói chuyện về viễn cảnh của công ty mình, một phụ nữ đã nhận xét về tôi: “Ông hẳn rất yêu công việc của mình!”. Tôi thầm nghĩ: Có thể… vào một ngày nào đó… khi tất cả các hành tinh xếp thẳng hàng và mọi thứ đều đi đúng hướng.
Việc lãnh đạo có thể trở nên nguy hiểm. để hiểu điều này, bạn nên tìm hiểu lịch sử thế giới và cuộc đời của các vị lãnh đạo vĩ đại cũng như các vị lãnh đạo có kết cục tồi tệ, những gì họ đã đạt được từ việc chỉ đạo người khác. Những người ở vị trí lãnh đạo như chúng ta có thể thay đổi cả con người cũng như thế giới theo chiều hướng tích cực. Mặt khác, nếu gặp sai lầm, chúng ta cũng nắm giữ đủ quyền lực để gây ra thiệt hại không thể cứu vãn đối với những người theo gót.
Tầm ảnh hưởng của vai trò lãnh đạo càng lớn thì tác động của chúng ta lên thế giới xung quanh càng nhiều. Và chúng ta càng lãnh đạo nhiều người thì thiệt hại tiềm tàng gây ra từ những quyết định và hành động sai lầm của chúng ta càng khủng khiếp. đây là một trong những thực tế trần trụi mà chúng ta phải đối mặt khi tiếp quản vai trò lãnh đạo.
Nhà lãnh đạo tốt có vẻ như là của hiếm hiện nay. Có rất nhiều vị trí nhưng rất ít ứng viên tốt. Tại sao rất nhiều công ty, tổ chức, nhà thờ và trường học vẫn tìm kiếm các nhà lãnh đạo để lấp vào vị trí trống? Có lẽ vấn đề này chẳng có gì mới. Hàng ngàn năm trước, một nhà thông thái từng viết:
“Tôi tìm kiếm một người trong số họ có thể… đại diện cho vùng đất này, đứng trước mặt tôi, đủ xa để tôi không phải phá hủy nó, nhưng tôi chẳng tìm được ai cả” (Ezek. 22:30).
Kể từ khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào đầu những năm 1990, tôi đã có cơ hội nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội: cảnh sát, giáo viên, hiệu trưởng trường học, lãnh đạo tập đoàn, quản lý cấp trung, nhân viên tổ chức chính phủ, doanh nhân, người bán hàng, chủ công ty gia đình, và tất nhiên, những người nắm chức vụ cao và nhân viên nhà thờ địa phương. Người ta thường hỏi tôi: “Sau mười lăm năm, ông có thay đổi quan điểm của mình về 10 sai lầm lớn nhất không?”. Và câu trả lời của tôi là: Chắc chắn là không! Mặc dù đến giờ thì tôi đã liệt kê ra thêm được 12 sai lầm tiếp theo mà các lãnh đạo thường mắc phải.
Những năm tháng nằm trong chiếc nồi áp suất mang tên lãnh đạo đã khẳng định mọi điều tôi viết trong cuốn sách này, và chúng cũng khuyến khích tôi bổ sung thêm một số điều tôi thu thập được trong quá trình viết sách. Tôi chỉ đơn giản cố gắng chia sẻ một số bài học lớn về mà tôi rút ra từ chính những sai lầm của bản thân. Mục tiêu của cuốn sách này không phải là giải đáp câu hỏi về sự hiếm hoi của khả năng lãnh đạo, mà là để tìm hiểu những gì khiến cho một lãnh đạo tốt vấp ngã, hay tốt hơn cả là những thói quen cần tránh nếu bạn muốn ứng tuyển vào vị trí này và đẩy lùi nạn khan hiếm lãnh đạo. đây sẽ là cuốn sách gối đầu giường cho bất kỳ ai trong bất kỳ vị trí thủ lĩnh nào.
Nếu bạn đã đọc đến đây, chắc hẳn bạn là một nhà lãnh đạo đang đối mặt thử thách. Thử thách này có thể là với chính vai trò lãnh đạo của bạn, hoặc với người đang lãnh đạo bạn. Hoặc cũng có thể là với những người bạn đang được yêu cầu lãnh đạo. Tôi đã lắng nghe rất nhiều độc giả, những người đang phải làm việc dưới trướng những “ông chủ” thích đàn áp. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ tiếp thêm nghị lực cho họ.
Theo nghiên cứu không chính thức của tôi, mọi người đến với việc lãnh đạo phần nhiều vì tình cờ hơn là cố ý. Và cho dù hoàn cảnh nào đã đưa đẩy họ đến vị trí đó thì họ cũng bị ném vào vị trí lãnh đạo và trở thành những người mà tôi gọi là “lãnh đạo bất đắc dĩ”. Có bao nhiêu người thực sự đã đăng ký hoặc tự ứng cử vào vị trí lãnh đạo? đây là vai trò mà bạn được lựa chọn – không phải vai trò bạn tự nguyện làm.
Và sau khi bị cuốn vào vòng xoáy lãnh đạo, chúng ta có xu hướng làm những gì tự nhiên mách bảo – chúng ta làm theo bản năng. điều này khiến cho các “vị cầm quân” gặp rắc rối, bởi đường lối lãnh đạo tốt thường đi ngược lại với trí thông minh truyền thống. Ví dụ như con người thường có xu hướng đối xử với nhân viên như với những đứa trẻ, trong khi sẽ tốt hơn rất nhiều nếu đối xử với họ như những người trưởng thành, như nguồn lực mang đến thành công giá trị nhất cho bạn.
Ít ai tự chuẩn bị hoặc tình nguyện lãnh đạo, mà thường được chỉ định. điều này có vẻ đúng ở mọi lĩnh vực – công nghiệp, kinh doanh và chính trường. Trong lĩnh vực lãnh đạo tôn giáo cũng vậy. Nhiều người nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các nhà thờ hoặc tổ chức thiên chúa giáo không hề được đào tạo, hoặc được đào tạo rất ít về cách lãnh đạo và quản lý. Những người đứng đầu các tổ chức thiên chúa thường đạt chuẩn về mặt tinh thần, nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn. Vấn đề ở đây là, để lãnh đạo bạn cần đến cả trái tim và khối óc.
Những bài học lớn nhất tôi thu được về khả năng lãnh đạo tốt đều đến từ những sai lầm của chính tôi. Và từ những ví dụ tồi. Những sai lầm và ví dụ tồi đó đã giúp định hình nên một số kiểu mẫu chung cho những sai lầm mà lãnh đạo hay gặp phải.
Vậy những cạm bẫy thường gặp nhất với lãnh đạo là gì? Chúng ta có thể thực sự học được bài học tốt nào từ những sai lầm tồi tệ của người khác không?
Học hỏi từ những gì đã đổ bể
Nhiều năm trước, sự nghiệp của tôi lâm vào bế tắc khi tôi rơi vào hố sâu khủng hoảng. Mọi việc bùng phát chủ yếu từ mối quan hệ của tôi với người lãnh đạo cấp trên. Khi đó tôi vừa tốt nghiệp đại học và sau đại học, đã chuẩn bị sẵn sàng cho một sự nghiệp rực rỡ trên con đường mình lựa chọn. Trái tim tôi ních đầy những ước mơ và viễn cảnh về việc tôi sẽ thay đổi thế giới ra sao. Thế giới hãy nhìn đây, ta đã tới! Bằng nỗ lực của bản thân, tôi bắt đầu gặt hái được một số thành tích nhất định, tôi tham gia vào một cuộc viễn chinh mới đầy hứng khởi, một thứ thực sự đã tạo nên thay đổi.
Nhưng rồi sự nghiệp của tôi chệch hướng, và tôi chẳng bao giờ được thấy cuộc viễn chinh đầy hứng khởi kia xuất hiện. Những nhà lãnh đạo vĩ đại thường thách thức người khác thử làm những điều họ sẽ không bao giờ tự thử. Tôi gặp một người đã truyền cảm hứng cho tôi và thách thức tôi thực hiện một mục đích cao cả. Ông ta tuyển dụng tôi với những lời hứa hẹn về những điều tốt đẹp đang tới. Tôi sẽ trở thành một phần trong một tương lai vĩ đại hơn tất cả những gì tôi từng mơ ước. Tôi và vợ tôi chuyển nhà để tham gia vào nhóm của ông ta, và năm năm đầu tiên thật tuyệt. Những nhà lãnh đạo vĩ đại vẫn vậy. Họ truyền cảm hứng cho chúng ta để đi tới những nơi chúng ta sẽ chẳng bao giờ tự đến, và thử làm những điều chúng ta chưa từng nghĩ tới.
Và rồi chuyện đó xảy ra. đúng vào lúc đánh dấu 5 năm dưới sự lãnh đạo của ông ta, mọi thứ bắt đầu sáng tỏ. Ông ta mất niềm tin vào tôi, và tôi mất niềm tin vào ông ta. Bỗng dưng thế giới sụp đổ xung quanh tôi. Những hoài bão tuổi trẻ và giấc mơ đầu đời bị vùi dập như cơn sóng đánh vào bờ biển đầy đá lổn nhổn. Tôi mất phương hướng về tương lai và rơi vào thung lũng tuyệt vọng. Trái tim tôi, một thời tràn đầy nhiệt huyết hành hiệp trong thế giới xấu xa, bỗng dưng được thay thế bằng thất vọng cay đắng. Tôi tức giận, nỗi tức giận dâng trào từ giấc mơ tan vỡ và lời hứa dang dở.
Và ai là kẻ đáng bị trách cứ? nếu không tự trách mình thì tôi thật là ngạo mạn. Tôi đã mắc lỗi là không học được những bài học quan trọng trong lãnh đạo. Chúa đang hạ thấp lòng tự tôn của tôi xuống vài trăm bậc và dạy tôi về những khuyết điểm trong cách lãnh đạo của chính tôi.
Tiếp theo là đến người sắp sửa thành sếp cũ của tôi – một con người với một vài điểm tốt và cũng chừng đó điểm yếu. Tôi rơi từ đỉnh cao đầy hứa hẹn xuống vực sâu tuyệt vọng cũng một phần bởi hành động của vị lãnh đạo kia, và từ khía cạnh nào đó là từ sự thờ ơ của ông ta. Vị lãnh đạo này, giống như hầu hết những vị lãnh đạo khác, không có tí chút khái niệm nào về quyền lực của ông ta đối với cấp dưới. Những nhà lãnh đạo cao cấp thường quên đi cái cảm giác được lãnh đạo. Một số người trong đó còn chưa từng trải nghiệm cảm giác “Theo gót” người khác, bởi họ đã lãnh đạo ngay từ giờ phút họ ra đời – chỉ đạo bố mẹ chạy xung quanh mình!
Chức vụ thủ lĩnh có quyền năng khó tin khi mang lại cả sự tốt đẹp lẫn nỗi thống khổ cho người khác. Một số người còn nắm giữ số phận của nhiều người. Nhưng đã bao nhiêu người trong chúng ta khởi đầu với đầy lý tưởng và ước mơ cao đẹp, để rồi bị vùi dập bởi những gì phải nếm trải với các vị lãnh đạo này? trước khi chúng ta nhận ra điều này, con người đã mất niềm tin, và cuộc chiến đào hào bắt đầu. Hoặc là chẳng có ai nói ra điều gì, nhưng niềm tin vào lãnh đạo bắt đầu sứt mẻ nhanh chóng. Mọi người từ chức và ra đi. Lãnh đạo bị sa thải. Sự chia rẽ, bất hòa và đâm lén sau lưng nổi lên. Và cho dù điều gì xảy ra thì công việc cũng bị đình trệ, tổn hại hoặc lâm vào bế tắc.
Lãnh đạo là ảnh hưởng
Chủ đề về lãnh đạo có thể khó hiểu. Nếu bạn nhờ tôi gợi ý một cuốn sách hay về lãnh đạo, tôi sẽ ấp úng và chẳng đưa ra được câu trả lời. Không phải là tôi không có những tủ sách hay về chủ đề này, mà bởi vì chúng nhấn mạnh đến quá nhiều sắc thái trong lãnh đạo. Thay vào đó tôi sẽ hỏi bạn rằng, bạn muốn tìm hiểu về khía cạnh nào của nghệ thuật lãnh đạo. Một trong những cuốn sách thuộc chủ đề phẩm chất lãnh đạo mà tôi ưa thích nhất chính là cuốn sách kinh điển viết năm 1989: Những nhà lãnh đạo của Warren Bennis và Burt nanus. Cuốn sách bắt đầu bằng việc liên hệ từ lịch sử nghiên cứu đầy gian nan đến bản chất thực của nghệ thuật lãnh đạo tài ba.
Hàng thập kỷ phân tích học thuật đã đem lại cho chúng tôi hơn 350 định nghĩa về lãnh đạo. Chưa bao giờ có nhiều người làm việc miệt mài đến thế để nói ít đến thế. Cũng như tình yêu, lãnh đạo tiếp tục là một điều mà ai cũng biết là nó tồn tại nhưng lại chẳng định nghĩa được. Nhiều lý thuyết về lãnh đạo đến rồi lại đi.
Có người phân tích trên bình diện cá nhân người lãnh đạo. Số khác lại nhìn trên những tình huống nhất định. Chẳng có gì đứng vững trước thử thách của thời gian. Với một hồ sơ như vậy, có thể hiểu được tại sao các nghiên cứu và lý thuyết về lãnh đạo khiến người ta nản trí tới mức xứng với danh xưng “La Brea tar Pits” của khoa học tổ chức. Các hố nhựa đường này nằm ở Los Angeles, là nơi chứa rất nhiều xác của các sinh vật tiền sử đã đến khám phá nhưng không bao giờ ra khỏi khu vực này.
Tôi thường nhìn nhận quá trình lãnh đạo rộng lớn từ một định nghĩa rất đơn giản: Lãnh đạo là ảnh hưởng. Vậy đấy. định nghĩa chỉ một từ. Bất kỳ ai gây ảnh hưởng đến người khác để họ làm gì chính là đã lãnh đạo người đó. Hay nói cách khác: Lãnh đạo đưa người ta tới những nơi mà họ sẽ không bao giờ tự tới.
Hầu hết các lãnh đạo hành động theo bản năng?
Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi tôi nếm trải kinh nghiệm cay đắng đầu tiên về lãnh đạo. Tôi đã tha thứ cho vị lãnh đạo đó. Thực ra giờ đây tôi cảm phục ông ta về những tố chất lãnh đạo tuyệt vời của ông. Và tôi cảm ơn ông vì tất cả những gì ông đã đem đến cho đời tôi trong những năm chúng tôi làm việc cùng nhau. Ông ấy chính là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Ông truyền cảm hứng cho tôi về những điều vĩ đại. Ông giúp đỡ tôi bằng rất nhiều cách. Và hi vọng rằng tôi có thể học được từ những sai lầm của ông.
Vậy điều gì khiến các nhà lãnh đạo thất bại? tại sao những thói quen lãnh đạo tồi vẫn tồn tại mãi mãi? Bởi hầu hết những nhà lãnh đạo đều chưa từng được đào tạo bài bản hoặc có hình mẫu lý tưởng để theo đuổi. đơn giản, chúng ta chỉ lãnh đạo là lãnh đạo mà thôi.
Tại một cuộc họp gần đây của các mục sư và thủ lĩnh thiên chúa giáo, câu hỏi đã được đặt ra: “Bao nhiêu người trong số các vị từng theo học khóa học về cách lãnh đạo có hiệu quả tại trường đại học hoặc trường dòng?”. Kết quả thật sốc. Hầu như không ai được đào tạo bài bản cả. Và khi không được đào tạo, các nhà lãnh đạo hành xử như người theo gót. Họ có thể được huấn luyện rất kỹ về cách làm mục sư, nhưng không phải về cách lãnh đạo con chiên. Các buổi hội thảo hiếm khi đào tạo về chủ đề này. Còn nhà thờ cũng chẳng làm tốt hơn. Họ phải trông chờ vào sách báo, hội thảo, băng đĩa và các nguồn thông tin không chính thống khác để xây dựng nền tảng kiến thức kỹ năng về lãnh đạo.
Ngành mục sư không phải là nơi duy nhất gặp phải vấn đề này. Thiếu đào tạo, thiếu chuẩn bị là vấn đề xảy ra trên mọi lĩnh vực. Một nhà lãnh đạo trung bình thường gặp phải ít nhất năm vấn đề trong việc học cách lãnh đạo, và cuốn sách này sẽ giúp bạn giải quyết từng vấn đề trong số đó:
Cuốn sách này dành cho những ai được chỉ định để lãnh đạo và cảm thấy phần nào sợ hãi khi phải hoàn thành nó. Cuốn sách này cũng dành cho những ai đang phải chịu đựng sự lãnh đạo tồi tệ của người khác. Bạn có thể áp dụng kiến thức trong cuốn sách này vào tất cả mọi lĩnh vực, cho dù bạn đang lãnh đạo một công ty, một giáo đoàn, một cơ quan, một hai người đồng nghiệp, một câu lạc bộ Hướng đạo sinh, một trung đội, một hội đồng, hay chính gia đình của bạn.
Ngày nay, ảnh hưởng của thế hệ lãnh đạo chúng tôi, những người sinh ra sau thế chiến ii, đang đạt đến mức tối đa. Nhưng trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ chuyển đến các trại dưỡng lão, và bàn giao quyền hành trên khắp đất nước cho thế hệ kế cận. Tôi có thể thấy thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ hôm nay đang khao khát được truyền tụng kiến thức thực tế. Và điều này làm tôi phấn khích! Khi thế hệ trẻ được bầu làm lãnh đạo tại các công ty trong top Fortune 500, các doanh nghiệp gia đình, các nhà thờ, hội thảo, giáo đoàn, nhà máy và thậm chí cả chính phủ, thì đây chính là cơ hội để tôi có thể truyền đạt cho họ những bài học mà tôi thu lượm được trong những năm nếm mật nằm gai trong guồng máy này.
– Họ hành xử theo thói quen lãnh đạo yếu kém của những người khác
– Họ lãnh đạo như cách họ từng bị chỉ đạo
– Chúng ta không được sinh ra với kỹ năng lãnh đạo bẩm sinh
– Họ thiếu những hình mẫu và người chỉ dẫn tốt
– Họ thiếu sự đào tạo bài bản
Lãnh đạo tối cao không tự nhiên sinh ra; họ phải học hỏi bằng cách thử và mắc lỗi sai lầm. Những thói quen và cách thức lãnh đạo tồi có thể sản sinh ra một thế hệ lãnh đạo kém cỏi. Hoặc chúng cũng có thể gây khó chịu đến mức các nhà lãnh đạo phải tìm cách chấn chỉnh. đây là kinh nghiệm của chính tôi, và tôi sẽ cung cấp những ghi chép trong cuộc hành trình của mình cho những ai được bầu vào vị trí lãnh đạo.
Khi con tôi còn nhỏ, tôi thường giải tỏa áp lực công việc bằng cách đưa chúng đi đạp xe trên những con đường đẹp nhất gần nhà. Là một người bố, tôi có quyền quyết định ngày hôm đó sẽ là một ngày vui tuyệt vời hay là một thảm họa cho bọn trẻ. Tôi là một lãnh đạo được chỉ định. Và nếu chúng tôi ra ngoài trời trong vài tiếng, tôi sẽ chuẩn bị tất cả đồ đạc thiết bị cần thiết cho mọi tình huống khẩn cấp (thành thực mà nói thì mẹ bọn trẻ mới là người chuẩn bị những thứ này!). Chúng tôi sẽ bơm căng lốp xe, mặc quần áo đúng kiểu, chuẩn bị thức ăn và nước uống cho cuộc hành trình. Với lũ trẻ, không có cuộc đạp xe nào trở nên hoàn hảo nếu không chuẩn bị trước cho những trục trặc trên đường: ổ gà, cháy nắng, khát, gió rát, trầy xước, thâm tím, đau họng, lật xe (vì thế nên cần mũ bảo hiểm) và sự mệt mỏi. Những dụng cụ đạp xe tối tân nhất trên thế giới cũng có thể bị đánh bại bởi vấn đề nhỏ như xe xịt lốp mà không có bộ đồ nghề sửa xe, hoặc trời nắng gắt mà không mang kem chống nắng. Tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời từ những cuộc dạo chơi đó – một điều không thể xảy ra nếu chúng tôi không chuẩn bị kỹ càng.
Lãnh đạo cũng giống như vậy. điều tốt đẹp bạn tạo ra có thể bị phá hủy bởi sự thiếu cẩn trọng của bạn. Cho dù bạn có là một nhà lãnh đạo tài năng đến đâu, chỉ một hoặc hai lỗi nhỏ cũng có thể làm sụp đổ ảnh hưởng của bạn. Một số thói quen xấu còn có thể che mờ tài năng và cống hiến của bạn. Chốt lại: chuẩn bị cẩn thận quan trọng gấp nhiều lần khả năng lãnh đạo tốt. đó chính là lý do chúng ta cần tìm hiểu một số sai lầm lãnh đạo phổ biến.
Khi làm lãnh đạo, bạn sẽ được coi trọng… và được phiêu lưu! Có lẽ câu nói của Bernard Shaw trong Con người và Siêu nhân đã tổng kết rõ nhất tầm quan trọng của việc lãnh đạo đúng cách này:
Đó là niềm vui đích thực trong đời, việc được trọng dụng vì một mục đích mà bạn cho là cao cả, việc được trở thành một thế lực tự nhiên thay vì một kẻ ốm đau dặt dẹo ích kỷ chỉ biết than vãn rằng thế gian không chịu làm cho hắn hạnh phúc.
Tôi muốn được trọng dụng triệt để cho tới khi tôi chết, bởi tôi càng làm việc nhiều, tôi càng sống lâu. Tôi hãnh diện về cuộc đời mình bởi chính những gì nó mang lại. Với tôi cuộc đời không phải là một ngọn nến mong manh, mà là một ngọn đuốc rực rỡ tôi nắm trong tay hiện tại, và tôi muốn nó cháy càng sáng càng tốt trước khi chuyển giao cho thế hệ tương lai.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.