Tại Sao Phải Hành Động? Tại Sao Phải Hành Động?
Chương 2 :Tìm ra hướng đi
“Nếu bạn thất bại khi lên kế hoạch, nghĩa là bạn đã lên kế hoạch để thất bại.”
“Hướng đi = Phương pháp hay kế hoạch để thực hiện 1 điều gì đó.”
Ở chương trước, chúng ta đã đề cập đến khái niệm mục tiêu – bước đầu đi đến thành công. Tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá cách để đạt được mục tiêu đó.
2.1. Cứ làm đi a? Nhưng làm như thế nào?
Đã bao giờ bạn cảm thấy mình có quá nhiều việc để làm và bạn rất muốn thực hiện chúng nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu? Hay đã bao giờ bạn bắt đầu 1 công việc mà thấy nó chẳng tiến triển gì và cuối cùng phải bỏ cuộc?
Hầu hết chúng ta đều ít nhất 1 lần trải qua những trường hợp trên, nhưng chỉ số ít người có thể vượt qua được chúng và hoàn thành công việc 1 cách tốt đẹp. Bí mật thành công của những người này chính là nhờ vào hướng đi hay kế hoạch của họ.
Trong mọi vấn đề, chúng ta đều cần tìm ra hướng thực hiện. Trong thể thao, chúng ta thường thấy các huấn luyện viên vẽ sơ đồ và hoạch định chiến thuật để đánh bại đối phương. Chẳng hạn, Phil Jackson – cựu huấn luyện viên của đội Chicago Bull (1 đội bóng rổ của giải NBA), đã tìm ra lối chơi hiệu quả cho đội của mình. Ông cho các cầu thủ trong đội chơi xung quanh cầu thủ siêu sao Michael Jordan để hỗ trợ đặc biệt cho anh. Dưới sự dẫn dắt của Phil Jackson, đội Chicago Bulls đã giành được 6 danh hiệu vô địch NBA trong tầm tay.
Đã bao giờ bạn phải viết 1 bài tiểu luận nhưng sau đó gặp rắc rối vì thiếu dàn ý chưa? Nếu có thì không phải chỉ mình bạn rơi vào trường hợp đó đâu! Tôi cũng từng bắt tay vào viết tiểu luận ngay khi được giao. Tôi viết bất kỳ ý tưởng nào nảy ra trong đầu mình mà chẳng để ý gì đến bố cục chung cả. Và kết quả là bài tiểu luận của tôi mất cân đối và rối tung lên.
Có 1 câu nói mà tôi thấy cực kỳ hữu dụng là : “Lên kế hoạch ưu tiên thích hợp để tránh được hiệu quả kém”. Câu nói này rất có ý nghĩa và vô cùng dễ nhớ. Nếu không lên kế hoạch ngay từ đầu, làm sao chúng ta có thể đạt được hiệu quả công việc tốt nhất đây?
Do đó, việc tìm ra hướng đi là điều rất cần thiết để giúp ta nhận diện mục tiêu của mình. Chúng ta cần tính toán bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu đó.
2.2. Tầm quan trọng của hướng đi
Có rất nhiều lợi thế khi bạn có được 1 hướng đi. Dưới đây là 5 lợi thế chính :
1. Giúp ta suy nghĩ và xác định những vấn đề chính : Chẳng hạn, nếu ta lên kế hoạch cho 1 buổi tiệc, ta cần phải nghĩ đến chủ đề của buổi tiệc cũng như danh sách khách mời, địa điêm, thức ăn, …
2. Giúp ta lên kế hoạch thực hiện : Để buổi tiệc thành công, chúng ta cần lên kế hoạch chi tiết, chẳng hạn như khi nào thì gửi thư mời, cần đặt bao nhiêu thức ăn, …
3. Giúp ta tính toán đến các khả năng : Tìm ra hướng đi sẽ giúp ta tự đặt câu hỏi : “Điều gì xảy ra nếu …?”. Chẳng hạn, chúng ta có thể tự hỏi rằng : “Điều gì xảy ra nếu nhiều bạn bè của mình không thể tham dự buổi tiệc? Liệu mình có thể bảo với nhà hàng cung cấp thức ăn kịp hay không?”; “Chuyện gì xảy ra nếu mình thay đổi thời gian của buổi tiệc? Liệu việc đó có làm cho nhiều người đến dự hơn không?” …
4. Giúp ta xác định thế mạnh cũng như điểm yếu của mình : Chúng ta có thể nhận ra những thế mạnh cũng như điểm yếu khi lên kế hoạch cho buổi tiệc, chẳng hạn như ta có khả năng nghĩ ra các trò chơi trong buổi tiệc nhưng lại không có năng khiếu trong việc thỏa thuận giá cả.
5. Giúp ta tiết kiệm thời gian và chi phí : Việc xem xét tất cả các vấn đề của buổi tiệc sẽ giúp ta tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Chẳng hạn, nếu chúng ta thấy rằng nơi cung cấp thức ăn cần ít nhất 3 ngày để chuẩn bị thì ta có thể yêu cầu bạn bè của mình xác nhận thông tin dự tiệc trước 1 tuần để tổng kết lại số khách mời. Nhờ đó, ta sẽ tiết kiệm được thức ăn cũng như những chi phí không cần thiết khác.
2.3. Mô hình KISS
1 hướng đi có thể đơn giản hoặc phức tạp. Bản thân tôi thích nó đơn giản vì hầu như chúng ta ít khi ghi nhớ được những điều quá phức tạp. Mô hình KISS nhắc chúng ta phải “làm cho nó gọn và đơn giản” (Keep It Short and Simple). Đây là 1 ý tưởng rất hữu ích và cần thiết khi ta hình thành hướng đi mới. Chúng ta thường vẽ ra cho mình hướng đi quá phức tạp trong khi điều đó vừa khó hiểu lại vừa khó bắt đầu.
Tôi còn nhớ 1 sinh viên tên là Alex – người thường nghĩ ra những hướng đi phức tạp và công phu mỗi khi lên kế hoạch cho 1 việc gì đó. Có lần, anh lên kế hoạch cho 1 dự án dịch vụ công cộng có liên quan đến rất nhiều tổ chức và cá nhân. Mạng lưới truyền thông của anh ta trở nên cực kỳ phức tạp khi anh cố gắng quản lý vi mô từng bươc của kế hoạch. Và kết quả là anh cảm thấy hết sức rối rắm.
Từng bước nhỏ
Thành Rome đâu phải chỉ được xây chỉ trong 1 ngày. Những công việc khác cũng tương tự như vậy, chúng ta phải thực hiện từng bước một. Chúng ta phải học bò trước khi học chạy. Và 1 kế hoạch cần được chia nhỏ ra thành từng bước đơn giản.
2.4. Các bước của 1 hướng đi – Phương pháp 5W
Chúng ta có thể dùng “Phương pháp 5W” để xây dựng con đường tiến đến mục tiêu của mình. Sau đây là các câu hỏi hướng dẫn có thể giúp ta xây dựng hướng đi cho mình :
1. Why – Tại sao lại làm điều đó? – Chúng ta cần hiểu mục đích của mình khi thực hiện mục tiêu.
2. What – Thực hiện điều đó bằng bách nào? – Chúng ta phải xem xét những cách thức mà ta có thể thực hiện để đạt được mục tiêu.
3. Who – Nó liên quan đến ai? – Đôi khi, mục tiêu của ta có liên quan đến những người khác. Do đó, ta cần tìm hiểu chi tiết hơn về những người này.
4. When – Khi nào thì hoàn tất? – Phải có thời hạn để thực hiện công việc. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn tất công việc của mình cả!
5. Where – Chúng ta cần tìm nguồn hỗ trợ ở đâu? – Chúng ta phải biết mình cần tìm đến an và tìm những công cụ cần thiết cho công việc của mình ở nơi nào.
2.5. Kế hoạch của tôi cho cuốn sách này – Sử dụng “Phương pháp 5W”
Khi viết cuốn sách này, tôi đã áp dụng “Phương pháp 5W”. Mục đích của tôi khi bắt tay vào viết nó là giúp các bạn trẻ nhận thức được các bước đi cũng như chiến lược để đạt được thành công (trả lời câu Why).
Có rất nhiều cách để viết 1 cuốn sách và cách rõ ràng nhất là viết theo trình tự từ đầu đến cuối. Nhưng tôi lại chọn cách xây dựng các đề mục chính trước (trả lời câu hỏi What). Sau khi đã có ý tưởng rõ ràng về cuốn sách, tôi mới xây dựng những đề muc phụ cho mỗi chương. Từ đó, tôi có được 1 khung sườn để viết. Sau đó, tôi chỉ việc lấp đầy những đề mục phụ bằng các nội dung liên quan. Chẳng cần thiết phải viết cuốn sách này theo thứ tự vì điều này có thể khiến tôi mất nhiều thời gian hơn. Khi mất cảm hứng, tôi chọn cách viết các chương khác trước. Cách thức này khiến tôi trở nên linh hoạt hơn trong việc viết sách.
Vì cuốn sách này sẽ được nhà xuất bản biên tập nên tôi cần phải tuân theo 1 số quy chuẩn nhất định để quá trình đó diễn ra dễ dàng và trôi chảy hơn (trả lời câu hỏi Who).
Thời hạn đã được nhà xuất bản đặt ra nhưng tôi vẫn tự đặt cho mình những thời hạn nhỏ để có động lực hoàn tất công việc (trả lời câu hỏi When).
Và khi cần thu thập thông tin hoặc sự kiện liên quan đến cuốn sách thì internet và thư viện là 2 nơi tôi thường tìm đến (trả lời câu hỏi Where).
Như vậy, nhờ vào “Phương pháp 5W” cùng với 1 hướng đi rõ ràng và đúng đắn, tôi đã hoàn tất việc viết cuốn sách này trong thời hạn mà tôi đặt ra cho mình.
2.6. Trở nên linh hoạt
Một khi đã xây dựng được hướng đi cho mình, chúng ta có thể dựa vào đấy để tiến hành. Nhưng đôi lúc, vì không lường trước được nên có thể ta sẽ gặp phải những trở ngại.
Chẳng hạn, khi ta đang chuẩn bị cho 1 buổi biểu diễn hòa nhạc hoặc 1 trận đấu quan trọng nhưng đột nhiên ngay sau đó ta lại bị cảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị của toàn đội, và ta cần phải linh hoạt hơn. Ta cần hồi phục càng sớm càng tốt và cố gắng tập luyện bù. Điều đó đồng nghĩa với việc ta phải hạn chế thời gian chơi game và tán gẫu với bạn bè. Đây là sự hy sinh cần thiết nếu ta muốn thành công.
Hãy trở nên linh hoạt và thay đổi hướng đi của mình khi cần thiết. Nếu gặp phải chướng ngại, chúng ta cần thay đổi con đường đi đến mục tiêu của mình. Và chúng ta cần thường xuyên kiểm tra xem liệu mình có đi sai đường hay không?
2.7. Bây giờ, bạn hãy thử :
Bây giờ, chúng ta hãy thử áp dụng những gì vừa học nhé. Nhưng trước hết, hãy trả lời câu hỏi sau :
1) Bạn đã bao giờ làm điều gì đó mà chẳng chuẩn bị gì chưa?
2) Kết quả như thế nào?
3) Và kết quả sẽ ra sao nếu bạn có 1 hướng đi rõ ràng?
Có thể câu trả lời của bạn ở câu hỏi 2 sẽ chẳng mấy tốt đẹp. Thậm chí ngay cả khi nó đem lại kết quả tốt chăng nữa thì việc tìm ra 1 hướng đi vẫn là điều rất quan trọng bởi nó có thể mang đến cho bạn 1 kết quả tốt hơn nữa.
Và bây giờ, hãy sử dụng “Phương pháp 5W” và nghĩ ra 1 hướng đi cho mục tiêu của mình – mục tiêu mà bạn đặt ra ở chương vừa rồi.
“Phương pháp 5W”
• Tại sao lại làm điều đó?
• Thực hiện điều đó bằng cách nào?
• Nó liên quan đến ai?
• Khi nào thì hoàn tất?
• Cần tìm nguồn hỗ trợ ở đâu?
Kết luận : Khi có được hướng đi rõ ràng, nghĩa là chúng ta đã giành được một nửa chiến thắng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.