Tại Sao Phải Hành Động? Tại Sao Phải Hành Động?

Chương 10 : Loại bỏ tính tiêu cực



“Đốt lên một cây nến sẽ tốt hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối” – Khuyết danh.

“Tính tiêu cực = Trạng thái được mô tả bằng một quan điểm tồi tệ”.

10.1. Tính tiêu cực

“Tôi không thể làm được. Việc đó quá khó khăn”. 

“Tại sao phải làm điều đó cơ chứ? Cuối cùng thì nó cũng chả ra gì đâu…”

“Mọi người xung quanh tôi quá thông minh, còn tôi thì thật ngốc nghếch…”

Đó chỉ là một số trong rất nhiều lời than phiền mà chúng ta thường nghe từ những người xung quanh. Tại sao họ cứ than phiền và tự nhủ rằng họ chẳng giỏi chút nào nhỉ? Liệu họ có thật sự bất tài và không thông mình bằng bạn bè của họ không? Cũng có thể là như thế. Nhưng điều đáng lo lắng hơn chính là thái độ tiêu cực của họ. Nó khiến cho họ cảm thấy thua kém đồng thời trở thành rào cản khiến họ không thể tiến lên được. Mọi việc thường không tệ như ta thấy, nhưng chính thái độ tiêu cực của ta khiến cho tình hình trở nên xấu hơn.

10.2. Cuộc đời là…

Cuộc đời có lúc thăng trầm nên chẳng phải lúc nào nó cũng tồi tệ. Nhưng nếu chỉ chú tâm vào mặt xấu của cuộc đời thì chắc chắn ta sẽ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn. Thỉnh thoảng chúng ta lại nghe kể về những người luôn luôn rầu rĩ và thất bại. Nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này là do họ thường tạo ra những hình ảnh tiêu cực cho bản thân mình. Đối với họ, mọi chuyện đều tồi tệ.

Tính tiêu cực có thể dập tắt mọi khả năng sáng tạo của chúng ta. Với quan niệm tiêu cực, chúng ta không thể thấy được những cơ hội đến với mình. Vì thế, ta từ bỏ mọi cố gắng của mình và đầu hàng số phận.

Một vấn đề khác của tính tiêu cực chính là vòng tròn nghiệt ngã mà nó tạo ra. Giống như ngọn lửa, nó sẽ lan rộng ra và làm ảnh hưởng đến quan niệm của mọi người, tạo ra một môi trường tiêu cực khiến tất cả đều cảm thấy bế tắc. 

Môi trường tiêu cực

Bạn thường thấy gì khi đọc qua các tờ báo hoặc xem chương trình tin tức mỗi ngày? Chắc chắn bạn sẽ đọc và nghe về các tai nạn, thiên tai; hoặc giá cả và mức sống ngày càng tăng cao. Dù tin tức có đưa có đúng sự thật hay không thì chính sự ồ ạt của nó khiến ta cảm thấy bi quan về cuộc sống quanh mình.

Câu chuyện con voi

Một người bạn của tôi có cơ hội tham quan hậu trường của một rạp xiếc nọ. Trong khi trầm trồ khen ngợi những chú sư tử và cọp được nhốt trong chuồng thì anh ta hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những chú voi với cái chân trước bị cột bằng dây thừng. Những con vật to lớn này có thể dễ dàng giật đứt sợi dây đó đi. Thế nhưng, vì một lý do nào đó, chúng lại không làm như vậy.

Bạn tôi tò mò hỏi người huấn luyện thú tại sao lại như vậy. Người huấn luyện giải thích rằng khi còn nhỏ, những chú voi này được buộc bằng sợi dây rất to và chắc chắn. Mặc dù cố hết sức nhưng chúng vẫn không giật đứt được sợi dây. Cuối cùng, chúng đành bỏ cuộc. Khi lớn lên, mặc dù chỉ là một sợi dây nhỏ nhưng chúng tin rằng mình không thể bứt được nên không còn nỗ lực nữa.

Tương tự, nếu chúng ta hình thành trong đầu mình những suy nghĩ tiêu cực thì nó sẽ cản trở sự phát triển của ta. Vì vậy, hãy loại bỏ những tư tưởng tiêu cực và bắt đầu hành trình khám phá thế giới đầy triển vọng.

Cộng đồng bi quan

Ngày nay, ở các quốc gia phát triển, nhiều người đang theo đuổi các nhu cầu vật chất. Chẳng hạn như ở Singapore, người ta chạy theo 5C: Sự nghiệp (Career), Tiền mặt (Cash), Thẻ tín dụng (Credit Card), Công quản (Condominium) và Câu lạc bộ tư (Country Club). Còn những người bi quan thì có một bộ 3C: Phê phán (Cristism), Kết án (Condemnation) và Than phiền (Complaints). 

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta ở gần “cộng đồng 3C” ấy? Khi ấy, chúng ta sẽ trở nên bi quan như họ!

Luật hấp dẫn

Theo định luật hấp dẫn, chúng ta sẽ hút vào trong cuộc sống của chúng ta những gì ta thường nghĩ đến. Chẳng hạn, nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nghĩ đến những điều bi quan thì quan điểm sống của chúng ta cũng sẽ trở nên bi quan. Ngược lại, nếu ta tin vào khả năng của chính mình và thường xuyên nghĩ về những điều tích cực thì ta có thể “thu hút” chúng đến với cuộc sống của mình. Bạn đã bao giờ trải qua điều đó hay chưa?

Câu chuyện con ếch

Có 3 con ếch cùng ngã vào một xô sữa tươi.

Con ếch đầu tiên nhanh chóng đầu hàng số phận và nói “Đời là vậy…”. Nó chẳng thèm vẫy vùng nên chìm dần và chết đuối.

Con ếch thứ hai có đôi chút khát vọng sống nên cố gắng vùng vẫy. Nhưng chỉ một lúc sau, nó nói rằng: “Cái xô này quá sâu. Mình chẳng thể nào nhảy ra được đâu”, rồi đầu hàng và cuối củng cũng chết đuối.

Trong khi đó, con ếch thứ ba nhìn quanh và nói: “Thật xui xẻo! Nhưng mình sẽ sống và không ngừng chiến đấu!”. Vậy là con ếch thứ ba cố sức đạp chân và nhảy ra khỏi xô sữa. Dù chậm chạm nhưng những chuyển động chậm chạp của con ếch đã khiến sữa dần đặc lại. Và cuối cùng, con ếch đã có được điểm tựa và nhảy ra khỏi cái xô đó. Vậy là chính ý chí mạnh mẽ đã cứu chú ếch thoát chết.

Câu chuyện trên khuyên chúng ta đừng để những suy nghĩ bi quan nhấn chìm bởi luôn có ánh sáng chờ ta ở cuối đường hầm. 

Chuyện về người leo núi

Ngày kia, có hai người leo núi bị lạc trên dãy núi Himalaya. Họ đi bộ bốn ngày bốn đêm liền mà vẫn chưa tìm thấy đường ra khỏi thung lũng.

– Tôi ghét bản thân mình vì đã không thể thoát khỏi nơi này. Tôi ghét sự thất bại! Tôi ước mình không phải đối mặt với chúng! – Chàng trai trẻ gào lên. 

Nghe thấy thế, người leo núi già trả lời:

– Làm sao chỉ có thành công mà không có thất bại được chứ? Nếu không có thất bại thì sẽ chẳng có thàng công đâu. Cũng như phải có đồng thời cả núi và thung lũng. Nếu không có thung lũng thì làm gì có ngọn núi nào nữa.

– Tôi ghét cảm giác thất bại. Nó thật tồi tệ. Chàng trai trẻ vẫn không ngừng càu nhàu.

– Cậu thật quá bi quan. Tôi nghĩ đó là do cậu luôn nhìn xuống khi bước đi. Người leo núi già nói. 

– Vậy có nghĩa là tôi sẽ cảm thấy tốt hơn nếu tôi vừa đi vừa ngẩng cao đầu? Chàng trai hỏi lại và ngước mặt nhìn lên bầu trời.

– Giờ cậu thấy gì nào? Người leo núi già hỏi.

– Chẳng có gì cả, ngoại trừ những ngọn núi.

– Chính xác. Bất cứ khi nào gặp khó khăn hay thất bại, tôi đều ngẩng cao đầu và bước về phía trước để hướng đến thành công. Đó là một trạng thái tâm lý mà tất cả chúng ta đều nên có. Người leo núi già khuyên.

Thung lũng tượng trưng cho những thời điểm khó khăn trong cuộc sống, còn ngọn núi chính là những vinh quang mà chúng ta có thể đạt được.

Vì vậy, hãy nhìn lên khi chúng ta vấp ngã và tìm đường đi đến thành công.

10.3. Chiến lược để loại bỏ tính tiêu cực

1. Chú ý đến lời nói

Đôi lúc chúng ta tự nhủ hoặc nói chuyện với bạn bè bằng những lời bi quan. Khi đó, có thể ta đã làm tổn thương đến những người xung quanh mình. Không chỉ thế, chúng ta chúng ta còn củng cố những suy nghĩ tiêu cực trong đầu. Vậy nên, hãy quan tâm đến những gì bạn muốn nói với bản thân và mọi người, bởi bạn hoàn toàn có thể điều khiển được lời nói của mình.

2. Kết bạn với những người lạc quan

Bạn có nhận ra rằng khi chơi chung với những người lạc quan và hạnh phúc thì bạn cũng trở nên lạc quan và hạnh phúc hơn không? Đó là do năng lượng và cảm xúc lạc quan mà những người đó tạo ra đã ảnh hưởng tích cực đến chúng ta.

3. Kiểm soát những suy nghĩ bi quan

Để kiểm soát những suy nghĩ bi quan của mình, bạn đừng nên phản ứng thái quá với những lời bình phẩm không mấy thiện chí của người khác. Đôi khi chúng ta cảm thấy bị tổn thương bởi những nhận định như vậy, nhưng hãy hỏi bản thân rằng : “Liệu những lời đó có thể làm tổn thương mình hay không?”. Hãy nghĩ rằng những nhận định đó có thể khiến ta cảm thấy tồi tệ hay giận dữ trong phút chốc, nhưng tất cả chỉ là tạm thời mà thôi. Nếu chúng ta tỉnh táo ngăn chặn những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đó thì chúng sẽ chẳng thể ảnh hưởng đến ta được.

Kết luận : Dù không phải lúc nào con đường đi đến thành công cũng bằng phẳng, nhưng việc có một quan điểm bi quan chắc chắn chẳng thể nào giúp gì được cho bạn. Vì vậy, bạn hãy loại bỏ tư tưởng tiêu cực và nhìn về phía trước!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.