Ơn Cha Nghĩa Mẹ

Quán Của Má



Những ngày trời không nắng , nghe tin bão sắp rớt qua quê nhà, lòng nôn nao mong ngóng một miền quê…

Chiều, gió nổi. Gọi điện hỏi má, má nói: “Bão chưa vào tới mà trời cứ gió hiu hiu, còn hôm qua lúc gió mạnh cái quán của mình nghiêng qua, sắp sụp rồi con à…”.

Cái quán ấy của má thênh thang…

Thênh thang nhưng chẳng có gì đáng giá ngoài cái tủ gỗ để mấy gói thuốc lá và một khay để ly tách rót cà phê, thêm mấy chai nước giải khát và ít bánh kẹo bán cho trẻ con.

Quán có từ khi thằng em út đang học mẫu giáo, bây giờ nó đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Chừng ấy thời gian, bán chừng đó mặt hàng, chỉ khác là nó được dời từ trong sân nhà ra gốc xoài, rồi bên vườn nhà. Gần 20 năm, sáng nào má cũng thức dậy rất sớm đun nước sôi để sẵn, ba dọn hàng rồi ra pha cà phê cho khách. Má quay sang bán bánh mì…

Với những người khách có thói quen uống cà phê buổi sáng, quán của má là nơi họ chia sẻ những gì họ biết, từ cá độ bóng đá, bầu cử Quốc hội, con nhà ai đậu đại học, giá lúa… cho tới chuyện thằng Út nhà mình yêu con nhỏ nào cũng được lôi ra, để trên mặt bàn, lồng trong những câu chửi thề đặc trưng của quê mình. Cứ thế ly cà phê sữa nóng bỗng trở nên thêm hương thêm vị.

Với bọn trẻ con, quán của má là nơi duy nhất để bọn nó tiêu những đồng tiền lẻ mà cha mẹ chúng nó còm cõi, chắt dành vào cái bánh, viên kẹo, chai nước ngọt.

Với những cô những dì, xế xế chiều chiều năm bảy người lại ra quán, nhắc cái ghế ngồi nhìn ra đường hóng gió, thả những câu chuyện dài như con đường làng đầy bụi, chậm rãi như nước con mương sau nhà…

Ðó là với người ta. Còn với những đứa con của má – mấy anh em chúng tôi thì đây là nơi thân thương nhất, bởi tất cả sự nghiệp của anh em tôi đều bắt đầu từ cái quán bé nhỏ này. Quán cho tôi tiền mua hồ sơ thi đại học, quán nuôi tôi ròng rã những năm tháng sinh viên ở trọ Sài thành, quán cho nhỏ em gái tiền nhà, tiền học bốn năm trời ở Ðại học Ðà Lạt, quán cho thằng Út lớn cùng những con chữ suốt 12 năm trời phổ thông. Ðể rồi bây giờ quán với anh em chúng tôi chẳng thể thiếu được.

Lúc nhớ nhà, gọi điện về đứa nào cũng hỏi “Quán sao rồi má?” dù biết quán cũng chừng ấy thôi, vì đứa nào cũng quen với thu nhập của má theo từng mùa vụ, biết mùa nào bán thiếu nợ nhiều, mùa nào bán cà phê đắt hàng… Ở xa, đứa nào về nhà cũng cứ đi thẳng ra quán trước rồi mới vô nhà sau.

Nhìn lại, mấy đứa con của má đã trưởng thành, má già, ba già, quán cũng già đi theo năm tháng, vậy mà có đứa nào đủ can đảm khuyên má nghỉ bán quán đâu bởi cái quán quá thân thuộc với cuộc đời má rồi…

Trời mưa to, quán dột. Trời gió mạnh, quán nghiêng. Má kêu “Ðợi mấy ngày nữa anh Hai mày mua đồ làm lại…”, bỗng lòng chợt nghe nôn nao những nỗi niềm kỳ lạ, chợt thấy thương thấy mến nơi ấy quá chừng, ước gì có thể chạy ùa về xem quán ra sao. Thế rồi nỗi nhớ cứ cồn cào, cứ rối bời như con gió thông thốc ở phía đầu sân vào những ngày bão nổi…

CÔNG KHANH


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.