Ơn Cha Nghĩa Mẹ

Cánh Cửa



Ngôi nhà xưa của tôi là một ngôi nhà tạm , vách ván, mái lợp lá, nền đất. Nhà tôi bị xem là nghèo nhất xóm, khi trời đổ mưa phải kê gạch trong nhà mới đi được từ trước đến sau, nhiều đêm tôi phải giật mình thức giấc bởi mưa rơi ngay chỗ nằm.

Nỗi ám ảnh nhà nghèo cùng sự rụt rè vốn có khiến tôi đâm sợ, nhất là khi có ai đó đến nhà. Trong lớp tôi học rất khá nên bạn bè hay đến hỏi bài. Những lúc đang chơi ngoài sân, nhác thấy bóng dáng quen thuộc đầu ngõ, như quán tính tôi chỉ biết phóng nhanh vào nhà và… trốn sau cánh cửa!

Ðó là một cánh cửa quá khổ, được ghép khéo léo bởi các tấm ván là thành quả của những chuyến đi làm mộc xa của ba. Thay vì làm hai cánh như thường thấy thì cửa nhà tôi chỉ là một cánh lớn (rộng dễ chừng 2m, choán gần cả mặt tiền nhà). Mẹ bảo làm vậy nhằm… tiết kiệm bản lề! Hơn thế, để đỡ tốn tiền sơn, cánh cửa chỉ được bào láng mặt trước, sơn xanh, mặt sau để nguyên vết xù xì của gỗ. Do quá lớn nên mỗi khi khép vào tường nó bỗng trở thành cái hốc lý tưởng chứa vật dụng làm mộc của ba, là nơi con gà chui ra chui vào thăm chừng khi nhảy ổ, là nơi tôi hay nấp khi chơi trò trốn tìm cùng… con cún nhỏ.

Từ lâu mặt sau cánh cửa được xem như quyển nhật ký viết bằng phấn của gia đình. Và khi tôi tránh lũ bạn thì nó kiêm thêm chức năng của chiếc bảng bất đắc dĩ! Trốn sau cánh cửa ấy, tôi viết đủ thứ từ bài toán, đoạn văn, bài thơ đến vẽ những gì tôi nghĩ. Có lần “sự cố” đã xảy ra. Thay vì đến nhà tìm tôi không thấy thì ra về như mọi khi, lần đó không hiểu sao lũ bạn không chịu về mà ngồi hỏi han mẹ tôi đủ thứ. Con cún thường ngày là bạn chơi trốn tìm nay bỗng dưng là “kẻ chỉ điểm”. Biết tôi trốn sau cánh cửa, nó đứng đó sủa và vẫy đuôi miết. Tôi nín lặng muốn… ngạt thở. Lũ bạn cắc cớ ngồi mãi không về. Tôi trốn lâu bỗng… ngủ quên, ngã dúi dụi vào cánh cửa. Bắt được tôi tại trận, lũ bạn được một phen cười nghiêng ngả…

Thời gian trôi, tôi vào đại học, bận bịu chuyện học hành rồi ra trường mê mải mưu sinh nên câu chuyện cánh cửa tuổi thơ cũng nhanh chóng trôi vào dĩ vãng.

Khi dành dụm đủ tiền, tôi quyết định cất lại ngôi nhà cho gia đình. Ngày dỡ nhà cũ, cánh cửa được gỡ ra. Trời ạ, vẫn còn đó chi chít nét phấn của ba mẹ, các anh chị cùng những nét hồn nhiên của tôi ngày nào. Nhiều vết nhuốm phai:

Ngày… tháng… năm…, mượn dì H. hai ký gạo;

Ngày… tháng… năm…, mượn bác N. lít dầu thắp sáng;

Ngày… tháng… năm…, cu S. xin tiền học phí…

Cứ thế những câu chữ như những thước phim hiện về. Có nhiều vết được mẹ xóa vội để ghi dòng mới: Ba cu S. mất ngày… tháng… năm…, năm nhuận, đám giỗ ngày… tháng…

Nhưng mẹ đã cố tình không xóa những nét nguệch ngoạc của tôi. Ký ức bỗng ùa về. Tôi nhớ như in những lần trốn sau cánh cửa, nhớ cảm xúc khi cầm phấn viết các con chữ, phép toán vụng về và khi vẽ những hình ảnh mơ ước thẳm sâu nơi tiềm thức. Ðó là bầu trời đầy sao, là chiếc thuyền buồm căng gió. Nhiều nhất vẫn là những ngôi nhà, lạ và quen.

Ðến giờ vẽ không ít nhà cao cửa rộng, sống đủ đầy, tôi vẫn không quên ngôi nhà nhỏ có cánh cửa quá khổ ngày nào. Với mỗi ngôi nhà, cánh cửa là gạch nối giữa bên trong và bên ngoài, giữa sự chung và nỗi riêng. Khép lại cánh cửa là mở ra câu chuyện. Với tôi, đó là câu chuyện một đứa trẻ mặc cảm sự nghèo trốn sau cánh cửa vẽ những giấc mơ…

KTS LÊ CÔNG SĨ Trà Vinh)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.