Ơn Cha Nghĩa Mẹ

Tuổi Thơ Tạ Lỗi…



Lời tạ lỗi của tuổi thơ khờ khạo

Cho ngày về tóc mẹ đã pha sương

Dù ở bất cứ nơi đâu trên đất nước mình, cứ mỗi lần thấy các em học sinh nô nức, rực rỡ trong những bộ quần áo mới, khăn quàng đỏ, được bố mẹ đưa đến trường trong ngày khai giảng là tôi lại nhớ đến kỷ niệm ngày xưa về mẹ, về chiếc mũ tuổi thơ đầy day dứt.

Tôi nhớ mãi ngày khai trường năm tôi bước vào cấp II. Hồi ấy tôi bé loắt choắt, người đen nhẻm, tóc vàng hoe vì dãi nắng. Tôi vượt qua kỳ thi chuyển cấp dễ dàng hơn bạn bè vì học khá tốt. Nhà nghèo nên bố mẹ không mua sắm gì cho tôi khi lên lớp mới, chỉ tận dụng đồ dùng sẵn có. Mẹ thức khuya hơn sau một ngày lo toan, ngồi bên đèn dầu khâu cho tôi chiếc áo, cắt từ chiếc áo của mẹ lúc trẻ.

Tôi không còn nhớ mẹ đã phải thức bao đêm để có quần áo tươm tất cho tôi. Sắp đến ngày khai giảng mà “đồ nghề” đi học của tôi chẳng có thêm cái gì mới cả, vẫn chiếc túi cước kẻ sọc đã cũ mèm, vẫn cái bút chì gọt cụt cả hai đầu và mấy quyển vở nhăn nheo. Thế nhưng đó vẫn không phải là điều ấm ức nhất trong tôi lúc đó.

Tôi còn nhớ hôm mẹ đèo tôi đến trước ngôi trường cấp II mới, các anh chị lớp trên và cả các bạn cùng lớp ai cũng ăn mặc đẹp, từ mũ áo đến giày dép. Thế mà nhìn tôi từ đầu đến chân cái gì cũng cũ, nhất là chiếc mũ rộng đã mốc meo và rách vành. Cái vành mũ to đến mức ai nhìn tôi cũng bảo: “Trông con bé này như cái nấm ấy”. Thế mà mẹ vẫn bắt tôi đội đến trường để bắt đầu cho một năm học mới, một cấp học mới.

Tôi nằng nặc đòi mẹ mua cho cái mũ mới như lũ bạn, mũ cước loại nhỏ xinh có gắn nhiều bông hoa bằng nhựa xanh, đỏ, tím, vàng nhưng không được. Mẹ bảo:

– Con cứ đội tạm chiếc mũ này cho đỡ nắng. Tí mẹ vào chợ bán sắn mới có tiền mua mũ cho con được, mẹ hứa là mẹ sẽ mua.

Tôi nhất định không chịu đội chiếc mũ cũ bước vào cổng trường, mẹ năn nỉ thế nào cũng không chịu. Cho đến khi mẹ vừa khóc vừa đạp xe vào chợ tôi mới giật phăng chiếc mũ trên đầu vứt xuống đường rồi giẫm lên mấy cái, lau nước mắt bước vào trường.

Ðến tận bây giờ tôi vẫn ân hận vì hành động ấy. Tôi nhớ lúc ấy có nhiều phụ huynh đưa con đến khai giảng đứng gần cổng trường đã nghe thấy tôi hét to rằng: “Con muốn có một chiếc mũ mới, mẹ không thương con nên cứ bắt con đội cái mũ rách này đến trường. Con không đội! Không đội!”. Mọi người xung quanh đều nhìn theo mẹ. Khi ấy chắc là mẹ tôi buồn lắm. Sao mà tôi ác thế, cái tính mè nheo, đòi hỏi của tuổi thơ đã làm mẹ tôi phải khổ.

Buổi trưa hôm ấy, khi tôi đang ngồi thu lu một góc thì thấy mẹ đứng ngoài đường vẫy tôi ra, mẹ cười vui vẻ. Nhưng lúc ấy không hiểu sao tôi lại giận mẹ, quay mặt đi, không thèm nhìn cũng không thèm chạy ra, cứ để mặc mẹ đứng chờ đến trưa.

Lúc tan học mọi học sinh ùa ra với bố mẹ vui vẻ nói cười, còn tôi thì lầm lì đi trước, để mẹ vừa đi đằng sau tôi vừa nựng nịu:

– Mẹ mua cho con chiếc mũ đẹp lắm, con đội vào không nắng sẽ bị ốm.

Mãi đến mấy hôm sau tôi mới chịu đội chiếc mũ mới đi học, khi cái nắng đã làm tôi bị cảm cúm, mẹ phải thức mấy đêm canh tôi sốt. Lúc tỉnh dậy giữa đêm, rõ ràng tôi đã nhìn thấy mẹ khóc. Khi ấy lần đầu tiên tôi biết buồn vì thấy mình có lỗi. Tôi úp mặt vào gối lặng lẽ khóc. Và tôi trở thành một đứa trẻ biết buồn sớm và buồn nhiều từ khi ấy.

Tôi lớn lên, đi xa làng quê, xa ngôi trường xưa, xa bố mẹ. Nhưng những kỷ niệm tuổi thơ vẫn luôn theo tôi mãi. Nó giúp tôi khôn lớn, biết yêu thương, biết cảm thông chia sẻ, nhất là với những người thân yêu của mình. Câu nói của mẹ hôm nào vẫn vọng về trong trí nhớ tôi: “Khi nào làm cha làm mẹ các con sẽ hiểu”…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.