Ơn Cha Nghĩa Mẹ
Lòng Cha
Liên tiếp sau mấy năm mất mùa ở vùng kinh tế mới, nơi mà bố mẹ tôi dành cả tuổi thanh xuân để phá rừng làm rẫy, gia đình tôi dọn về sống nhờ nhà ngoại trên thành phố.
Nhờ gia đình ngoại đùm túm cưu mang nên gia đình tôi có nơi nương tựa. Nhưng nói sao cho hết những khó khăn nhọc nhằn của thời bao cấp. Tìm được kế sinh nhai để nuôi sống gia đình năm người là thách đố lớn với bố mẹ tôi. “Cùng tắc biến”, bố cũng kiếm được chiếc Suzuki đời cũ chạy xe ôm ở bến xe. Còn mẹ tôi xin được một chân bán hàng cho hợp tác xã thời bao cấp.
Khi đã tạm không lo đến chuyện gạo cơm, bố tôi lấy phấn viết lên bảng câu “Càng học cao chân trời càng mở rộng”. Dòng chữ ấy như một lời khẳng định, bố sẽ dành hết sức lực, dành hết cuộc đời này lo việc học cho ba anh em chúng tôi. Ðiều mà ngày xưa bố bỏ ngang hay không có điều kiện để theo đuổi.
Làm sao tôi quên được những trưa hè oi ả nắng gay gắt, bố phơi mình ở bến xe để chờ đợi, kiếm từng người khách. Dù mệt nhọc rã rời sau một ngày rong ruổi đưa khách đi khắp nơi, đêm đêm bố vẫn đưa tôi đi học, rồi ngồi chờ ở vỉa hè, tan học đưa tôi về. Tôi là khách hàng “đặc biệt” cho những cuốc xe ban đêm của bố. Hằng đêm đi học, ngồi sau tấm lưng còng của bố, tôi luôn thấy ấm áp vì được lòng cha bao bọc chở che mình.
Bố bỏ việc chạy xe ôm mấy ngày. Lăng xăng, lo lắng, bồn chồn khi đưa anh tôi đi thi đại học. Ðến ngày tôi thi đại học, bố vẫn y như thế. Bố kể buổi thi nào của chúng tôi bố cũng ngồi ngoài vỉa hè, không thiếu buổi nào. Lòng bố cũng bồn chồn, căng thẳng như bố đang trong phòng thi chứ không phải là con bố.
Mỗi lần anh tôi, rồi tôi về báo tin đã đậu vào đại học, niềm vui bừng sáng lên trong mắt bố mẹ tôi. Làm sao tả được nỗi vui mừng của cả nhà tôi lúc đó! Bố lại chạy ra bến xe sớm hơn, tối về nhà muộn hơn. Nhà nghèo, lo việc học cho một sinh viên Sư phạm Anh (học thêm Ðại học Tổng hợp Anh) với một sinh viên Y khoa đâu phải chuyện đùa. Bố như đốt cháy những sức lực còn lại của đời mình cho chúng tôi ăn học. Từng cuốn từ điển tiếng Anh, những giáo trình Y khoa dày cộp, dụng cụ ngành Y… phần lớn có được từ những ngày bố rong ruổi hít bụi trên đường với những cuốc xe ôm, và những ngày mưa tầm tã bố dầm mình đón khách… Mỗi lần dòng chữ “Càng học cao chân trời càng mở rộng” bằng phấn nhạt đi thì bố lại tô thêm cho đậm, như một lời động viên nhắc nhở chúng tôi trên con đường học tập.
Quả ngọt mà bố mẹ cố công vun trồng đã chín mà bố không được hưởng. Giống như bà nội, bố đã ra đi vì chứng bệnh ung thư gan. Căn bệnh quái ác cướp đi bao người ở bệnh viện tôi đang làm việc, mọi người đang ngày đêm nghiên cứu tìm cách ngăn chặn và tiêu diệt nó. Anh em tôi đều không cầm được nước mắt khi mang tháng lương đầu tiên về nhà. Bố đâu? Chỉ còn lại dòng phấn trắng trên tấm bảng đen thay cho bố.
Bố ơi! Mười năm qua, từ ngày bố mất, dòng chữ “Càng học cao chân trời càng mở rộng” bằng phấn mà bố viết luôn được anh em con giữ gìn cẩn thận. Con nguyện với bố, ý nghĩa của dòng chữ ấy rồi sẽ được truyền tiếp cho đời con đời cháu của chúng con.
LƯƠNG HOÀI SƠN ( Tây Ninh)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.