Vì nghĩa vì tình
Chương 6: KẺ LẬP MƯU, NGƯỜI LÀM NGHĨA
TRỌNG QUÍ đưa Chánh Tâm về Láng Thé. Chàng thấy Chánh Tâm sầu não đến nỗi thất chí, không lo việc chi được hết, chàng không đành lìa Chánh Tâm mà về Cần Thơ; bởi vậy chàng ở lại đó mà lo giùm đám cúng tuần bá nhựt cho bà Tổng Hiền.
Đến bữa vào đám, Phùng Xuân dắt Phùng Sanh xuống, Trọng Quí thấy Phùng Sanh thì mừng, còn Chánh Tâm thấy Phùng Xuân thì giận; mà Trọng Quí mừng Phùng Sanh không dè, còn Chánh Tâm giận, Phùng Xuân không kể.
Phùng Sanh mặc một bộ đồ mạch lô chật bó trong mình mà lại gi mô gỉ quẹt, chân mang một đôi giày bố trắng không đánh phấn, đầu đội một cái nón nỉ đen, đứt dây băng. Còn Phùng Xuân thì áo quần, giày nón, đều sạch sẽ, song nếu coi kĩ thì đồ cũ lắm.
Phùng Xuân thấy ý Chánh Tâm lợt lạt không muốn nói chuyện với mình thì theo làm quen với Trọng Quí. Trọng Quí có ý riêng nên sẵn lòng nói chuyện với Phùng Xuân lắm, nhứt là muốn thân cận lần với con.
Tối lại, Phùng Xuân thấy Trọng Quí đi qua đi lại một mình ngoài trước sân, chàng bèn tuốt ra rồi đi theo mà hỏi rằng:
– Ông Bác vật, ông gần với cậu Ba nó lắm, vậy mà xưa rày ông có nghe cậu Ba nó tính chuyện chia ruộng đất gì hay không?
– Thầy muốn chia lắm hay sao?
– Tôi không gấp gì chia, mất đi đâu mà sợ. Bà già mới nhắm mắt, làm gấp quá coi cũng kỳ. Ngặt vì tôi túng lắm, không có tiền nuôi con, nên tôi muốn cho cậu Ba nó chia lần lúa ruộng mùa nầy đặng tôi có chút đỉnh nuôi cháu vậy mà. Để cho Lục sự họ giữ hoài thì mình bị thêm tiền tổn phí chớ có ích gì phải hôn ông? Đâu ông làm ơn ông nói giùm với cậu Ba nó thử coi, chớ cậu giận tôi, nên tôi không muốn nói.
– Việc nhà thì hai anh em tính với nhau, chớ tôi có quyền gì mà tôi nói vô.
– Ông làm ơn cho tôi, ông nói giùm vậy mà.
– À, thầy cậy tôi nói giùm cho thầy? Như vậy thầy cậy thì tôi nói. Hễ tôi nói thì chắc được.
– Phải. Tôi biết ông nói được, nên tôi mới cậy ông chớ.
– Nói chơi với ông vậy mà, biết hôn? Tôi có ăn thua vào đâu mà tôi nói: lại cậu Ba tánh ý khó lắm, ai mà nói cho được.
Phùng Xuân châu mày suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
– Đâu ông nói đại thử coi mà, được hay không được rồi tôi sẽ liệu.
– Thì thầy nói lấy, chuyện của thầy, có ăn thua gì với tôi mà biểu tôi nói.
– Tôi kiện rồi, bây giờ tôi khởi kiện ra mà nói, thiệt khó nói quá.
– À ạ!, Ai biểu thầy kiện!
– Tại túng tiền quá nên tôi mới làm bậy như vậy chớ.
– Túng lắm hay sao?
– Ông nghĩ đó mà coi; kiếm công việc không được, ở không ăn hoài, làm sao mà khỏi túng.
– Hôm trước tôi nghe thầy than, tôi có gióng ý cậu Ba. Cậu nói với tôi rằng như thầy muốn chia huê lợi mùa nầy thì cậu chia cho, song thầy phải giao thằng bé cho cậu nuôi thì cậu mới chịu. Cậu buộc như vậy đó, thầy chịu hôn? Nếu chịu thì phải làm giấy tờ cho hẳn hoi mà giao thằng nhỏ.
– Giao thế nào? Giao đứt hay là giao cho nuôi bao lâu?
– Giao đứt chớ giao sao.
Phùng Xuân đứng suy nghĩ một hồi lâu rồi lắc đầu nói rằng:
– Không được. Tôi không thể làm tờ giao con tôi như vậy được!
– Sao vậy?
– Tôi hiểu rồi. Ý cậu Ba muốn gạt tôi. Hễ tôi làm tờ giấy giao con thì cậu Ba nó nắm tờ giấy ấy rồi hội thân tộc cử người thủ hộ cho thằng nhỏ, tôi còn quyền gì đâu mà hưởng gia tài được. Mưu cậu Ba nó sâu quá, tôi không dại gì đâu.
Trọng Quí là người bổn tánh chơn chánh, chàng dùng mưu là mưu bắt Phùng Sanh, chớ không phải mưu đoạt phần gia tài của Phùng Sanh, bởi vậy chàng nghe Phùng Xuân giải luật pháp thì chàng chưng hửng, đứng ngó Phùng Xuân trân trân rồi lắc đầu đáp rằng:
– Không phải vậy đâu. Thầy tưởng lầm. Ai gạt thầy làm chi. Nếu thầy có nghi thì tôi bảo lãnh cho, hễ cậu Ba có làm như vậy thì tôi thường số huê lợi cho thầy. Cậu Ba mất con cậu ấy buồn, nên cậu muốn nuôi cháu đặng hủ hỉ với cậu, chớ phải cậu có ý gì sâu hiểm hay sao?
– Không được, khó lắm. Tôi không dám chịu đâu.
– Không chịu thì thôi!.
Trọng Quí bỏ đi vô nhà. Phùng Xuân cũng đi vô, rồi kiếm Phùng Sanh dắt lại bộ ván phía chái trên mà ngủ. Trọng Quí nói chuyện với khách một hồi rồi cũng đi lại bộ ván ngủ chung với cha con Phùng Sanh.
Qua ngày sau, Trọng Quí làm quen với Phùng Sanh rồi theo giỡn với nó hoài. Thằng nhỏ gương mặt giống hịch Tố Nga, mà bộ tướng châm hẩm, đi đứng chẳng khác nào Trọng Quí.
Chánh Tâm tuy buồn, mà hễ thấy Trọng Quí bồng Phùng Sanh mà nựng nịu thì chàng chúm chím cười.
Trọn một ngày ấy Trọng Quí cứ theo hỏi Phùng Xuân như có chịu làm tờ giấy giao con thì chàng nói giùm với Chánh Tâm chia huê lợi cho. Phùng Xuân cứ lắc đầu nói rằng:
– Thà tôi chịu nhịn đói, chớ tôi lìa con tôi không được.
Trọng Quí muốn bắt con liền mà thấy kế không thành thì chàng lấy làm buồn. Vì chàng thương con quá nên không dè dặt, tối lại chàng nói lại với Phùng Xuân rằng nếu chịu để Phùng Sanh cho chàng nuôi chơi, thì muốn bao nhiêu tiền chàng cũng cho hết thảy.
Lời nói ấy theo người thường thì không quan hệ gì, mà vì Phùng Xuân đã hiểu Phùng Sanh là con của ai chớ không phải con của mình, bởi vậy chàng nghe mấy lời của Trọng Quí rồi châu mày day mặt chỗ khác mà nói rằng: “Được ở đâu! Thử ông cho bạc triệu coi tôi chịu giao nó cho hay không mà. Để tôi nuôi chơi mới ngộ chớ”.
Từ đây Phùng Xuân tránh hoài, không muốn nói chuyện với Trọng Quí nữa, mà hễ thấy Phùng Sanh léo gần Trọng Quí thì chàng lại kêu mà rầy. Đám làm tuần vừa xong thì chàng dắt Phùng Sanh về liền.
Khách đã tan hết, chiều lại Chánh Tâm rủ Trọng Quí đi ra ngoài ruộng hứng mát chơi. Hai anh em thơ thẩn đi trên bờ ruộng qua Ất Ếch.
Tiết tháng mười, lúa nở xanh đồng, xa xa thấy có vài đám lúa sớm gần chín nên xen màu đỏ đỏ. Chánh Tâm đi được một khúc rồi đứng lại mà hứng phong cảnh.
Đồng ruộng mênh mông, trời cao xanh lét, gió hiu hiu mát mặt, nhái chóc chóc rân tai. Chánh Tâm nhắm cảnh một hồi rồi chảy nước mắt mà nói với Trọng Quí rằng: “Năm tôi mới cưới vợ tôi dắt vợ tôi xuống dưới nầy chơi. Chiều mát vợ chồng tôi dắt nhau ra đứng hứng gió lối nầy, tình lai láng, nghĩa mặn nồng, vợ chồng tôi vui vẻ không biết chừng nào. Bây giờ tôi ra đứng đây tôi thương vợ tôi quá. Tôi phải chết, chớ sống làm sao cho được”.
Trọng Quí thấy bạn buồn thảm dường ấy thì chàng lấy làm đau đớn trong lòng, song chàng gắng gượng mà nói rằng: “Cậu làm trai mà quá yếu trí quá! Người ở đời ai lại khỏi họan nạn. Hễ gặp nguy biến thì phải vững lòng bền chí mà giải nguy chớ. Cậu buồn rầu cái gì? Vợ còn, con cũng còn. Hễ kiếm được con thì sum hiệp hết thảy! Tôi hứa với cậu, tôi sẽ kiếm con cho cậu. Cậu phải tin tôi, đừng có buồn chi hết. Nếu cậu buồn, cậu mang bịnh, cậu chết đi, thì càng khổ cho vợ con cậu lắm”.
Chánh Tâm ngó Trọng Quí và lắc đầu nói rằng: “Kiếm đã hết sức rồi, còn biết đâu nữa mà kiếm”. Hai người dắt nhau thủng thẳng trở về, Trọng Quí kiếm lời khuyên giải hết sức, mà coi bộ Chánh Tâm cũng không nguôi.
Trọng Quí nghĩ Chánh Tâm ở đây thấy cảnh cũ nhớ tình xưa, không thể không buồn được, nên chàng mời Chánh Tâm qua nhà chàng mà ở. Chánh Tâm cũng muốn tránh đi cái cảnh buồn nầy, nên chàng giao nhà cửa cho vợ chồng Hương bộ Huỷnh, là em chú bác của bà Tổng, coi sóc giùm, rồi chàng bỏ hết quần áo vô rương và lấy tiền bạc mà đi với Trọng Quí qua Cần Thơ.
Ông hội đồng Quyền uống thuốc hơn một tháng, ông hết bịnh rồi, ăn biết ngon, ngủ biết khỏe, nên ông đã về Trà Bang. Cô Năm Đào, vì lời của anh cậy mượn, nên mẹ con cô còn ở lại Cần Thơ mà coi nhà giùm cho Trọng Quí.
Cô Năm Đào nghe xe hơi chạy vô cửa, cô lật đật dắt con bước ra coi xe ai. Cô thấy Trọng Quí với Chánh Tâm đương lụi hụi xuống xe thì cô hỏi rằng: “Kiếm được hôn anh hai?”. Trọng Quí lắc đầu buồn xo, rồi lại hỏi rằng: “Ở nhà mấy tháng nay có ai tới nói chuyện cậu Tú hay không?”. Cô Năm Đào đáp rằng: “Hông có. Nếu có thì em đã đánh dây thép cho anh hay rồi”.
Trọng Quí với Chánh Tâm vô nhà. Cô Năm Đào liếc mắt dòm coi thì thấy Chánh Tâm hình dạng ốm hơn, mặt mày buồn hơn hồi cô mới gặp hôm lần trước.
Chánh Tâm ở đây mà chàng nhớ vợ thương con, ăn ngủ không yên được, nằm ngồi không yên. Chàng đã không muốn nói chuyện mà chàng tránh không muốn ngồi gần Trọng Quí hoặc cô Năm Đào. Trưa nắng thì chàng chui rút vào phòng khách nằm lim dim; trời mát hoặc đêm thì chàng thơ thẩn một mình ngoài sân, có đêm trong nhà ngủ hết rồi chàng lén mở cửa ra ngồi trước thềm mà khóc thầm cho đến trời rựng sáng mới chịu vào phòng.
Trọng Quí ở trong nhà, tuy bô lô ba la coi bộ vui vẻ như thường, nhưng mà chàng thấy Chánh Tâm ảo não thì chàng nát gan đứt ruột. Một buổi chiều, Chánh Tâm ăn cơm rồi sắp bước ra sân thì Trọng Quí kêu hỏi rằng: “Cậu Ba, cậu muốn kiếm cháu nữa không?”. Chánh Tâm đứng lại, cúi mặt ngó sửng dưới đất rồi đáp nhỏ nhỏ rằng: “Biết nó ở đâu mà kiếm”. Chàng nói giọng nghe hết thần, bộ coi rủn chí. Trọng Quí mới nói rằng: “Thôi cậu ở đây, để sáng mai tôi đi. Tôi lên thăm mợ Ba coi bữa nay mợ đã thiệt mạnh hay chưa. Tôi còn một thế nầy nữa, nếu không được thì tôi mới chịu phép. Bây giờ tôi tính như thế nầy đây, để tôi nói cho cậu nghe thử một chút. Tôi đem cái hình của Chánh Hội mà đưa cho sở mật thám và cậy sở mật thám cho lính đi tìm giùm. Tôi hứa hễ tìm được Chánh Hội đem giao cho tôi thì tôi thưởng ba ngàn đồng. Mình thưởng cho nhiều như vậy thì người ta mới hết lòng lo kiếm cho mình. Cậu nghĩ thử coi được hôn? Nếu sở mật thám mà kiếm không được nữa thì thôi chớ biết sao?”.
Chánh Tâm lặng thinh một hồi lâu rồi đáp rằng:
– Tôi sợ sở mật thám kiếm cũng không ra.
– Ậy! Để họ giúp với mình họ kiếm, có hại gì đâu mà sợ.
– Kiếm nữa cũng vô ích.
– Cậu ở nhà đây, Để sáng mai tôi đi. Tôi đi ít hôm tôi về.
Sáng bữa sau Trọng Quí để Chánh Tâm ở nhà với mẹ con cô Năm Đào và chàng lấy xe hơi mà đi Sài Gòn một mình.
Chánh Tâm ở nhà không có Trọng Quí, chàng càng buồn bực hơn nữa, hễ không nằm dàu dàu, đi thì thẩn thơ, không nói với ai, mà cũng không ai nói tới hết. Cô Năm Đào là người đàn bà hay động lòng, cô thấy chàng u sầu quá như vậy thì cô thương xót, nên mấy bữa cơm cô không e lệ chi hết, cô cứ ngồi ăn chung với chàng và cô kiếm chuyện mà nói đặng cho khuây lãng.
Đàn ông con trai được ngồi ăn chung một bàn với người đàn bà, con gái, một trương một lứa với mình, dung nhan tuấn tú, văn nói khôn ngoan, theo thế thường dầu buồn cho mấy cũng hóa vui, dầu rầu cho mấy cũng phải cười. Chánh Tâm cũng là đàn ông con trai, nhưng vì cái hình của vợ, cái dạng của con, cứ phất phơ, thấp thoáng trước mắt chàng hoài, làm cho chàng không thấy người nào khác nữa được, bởi vậy chàng thấy cô Năm Đào coi bộ chàng nhọc lòng, chàng nghe cô nói chuyện coi bộ chàng cực trí lắm.
Trọng Quí đi có ba bữa thì chàng trở về. Khi chàng bước vô cửa, chàng thấy Chánh Tâm thì chàng cười và nói rằng: “Mợ Ba bữa nay mạnh như thường; mợ còn giận chút đỉnh, mà không hại chi, hễ kiếm được thằng nhỏ cho mợ thì mợ hết giận chớ gì. Việc thằng nhỏ, thì tôi đã đưa hình cho sở mật thám rồi, mấy thầy đội họ nghe nói thưởng ba ngàn đồng thì họ ham lắm. Họ nói với tôi rằng: thế nào họ cũng kiếm được; họ chắc kiếm được lắm, vậy cậu đừng có buồn, để thủng thẳng họ kiếm họ dắt xuống đây cho cậu”.
Chánh Tâm nghe nói con sẽ tìm được, vợ sẽ hết giận, tuy chàng không vui cười, song mặt chàng có vẻ mừng rỡ chút ít. Mà cái vẻ mừng rỡ ấy chẳng đặng lâu; bởi vì cách một lát thì hóa ra cái vẻ bi thảm như cũ.
Trọng Quí làm ra dáng vui vẻ lắm mà Chánh Tâm cũng không bớt buồn rầu. Đêm ấy, lối một giờ khuya, trong nhà vắng vẻ, ngoài sân im lìm, không rõ Chánh Tâm ngủ hay thức mà trong phòng của chàng cũng lặng trang. Trọng Quí nhẹ nhẹ mở cửa ra bước xuống nhà tiệc để cái đèn lu lu trên bàn, rồi leo lên võng nằm đưa tòn ten. Chàng gác tay qua trán, châu mày ủ mặt, đốt hút luôn một giọt cho tới ba điếu thuốc rồi mà còn lấy một điếu thứ tư mồi nữa.
Cô Năm Đào ở trên nhà trên thình lình bước xuống lại vặn cái đèn lên cho tỏ; rồi kéo ghế mà ngồi, vì đầu hôm cho đến chừng ấy, cô nằm trong phòng mà cô không ngủ, nên mặt mày tỉnh táo như lúc ban ngày. Cô liếc thấy Trọng Quí lấy khăn mu soa lau nước mắt thì cô hỏi rằng: “Anh đi Sài Gòn về, anh nói chắc sẽ kiếm Chánh Hội được và vợ cậu Tú đã bớt giận, mà sao em coi hễ có mặt cậu Tú thì anh vui, còn vắng cậu thì anh buồn vậy anh Hai?”.
Trọng Quí thở ra, rồi đứng dậy đi lại kéo một cái ghế ngồi ngang mặt cô Năm Đào, hai cánh chõ chống trên bàn, hai bàn tay đỡ cái trán, và chàng lắc đầu đáp rằng: “Qua thấy cậu Tú buồn quá, nên qua phải nói dối, chớ sở mật thám cũng không chắc kiếm được Chánh Hội được, mà mợ Tú cũng không bớt giận chút nào”.
Cô Năm Đào nín thinh, mắt ngó ngay ngọn đèn một hồi lâu rồi cô mới hỏi nữa rằng:
– Mà sở mật thám họ chịu lãnh kiếm hay không?
– Sao lại không chịu! Phận sự họ phải kiếm, mà nhứt là qua có hứa thưởng ba ngàn đồng bạc nên họ sẵn lòng lắm chớ.
– Như vậy thì sao anh lại chắc kiếm không được?
– Họ nói nghe phải lắm; kiếm thì họ kiếm mà họ không chắc kiếm được, là vì người lớn có giấy, có ở, hay đi chỗ nầy chỗ kia nên có thể gặp được, còn Chánh Hội nó là con nít, dầu lính có hình nó đi nữa, mà nó cứ lục thục trong nhà hoặc không đi đâu hết, lính có thấy nó đâu mà nhìn. Đã vậy, mà diện mạo con nít thường hay đổi dời, sợ gặp mặt nó cũng không biết nó được.
– Việc như vậy thà là anh nói thiệt với cậu Tú, chớ anh nói dối, để cho cậu có lòng trông đợi, rồi ít ngày đây cậu không thấy chi hết, cậu càng thêm buồn chớ ích gì.
– Em không rõ, chớ qua khổ lắm em ơi! Tại qua làm mà cậu Tú phải lìa vợ mất con, bởi vậy, bây giờ hễ qua thấy cậu buồn thảm thì qua đau đớn trong lòng quá. Qua phải nói dối cho cậu mừng được ngày nào hay ngày ấy, chớ biết sao bây giờ.
– Anh làm như vậy thì phải. Mà anh dối đỡ rồi anh cũng tính phương nào mà cứu cậu Tú chớ anh dối hoài sao được. Mấy bữa rày cậu Tú ở nhà, em thấy cậu buồn rầu sâu sắc hơn người ta làm thì em có bụng lo sợ không xong đa. Buồn sao mà buồn quá chừng quá đỗi, buồn như vậy thì sống làm sao được.
– Qua lo lắm chớ. Qua chắc hễ cậu Tú buồn rầu cậu chết thì qua ăn năn qua cũng không sống được.
Trọng Quí nói tới đó thì chàng khóc mùi. Cô Năm Đào thấy anh như vậy thì cô động lòng nên cô ngồi lặng thinh, mà cô cũng ứa nước mắt. Cô để cho Trọng Quí bớt khóc rồi cô mới nói rằng:
– Việc của cậu Tú đây em hiểu hết, hễ kiếm được thằng con của cậu, đem giao cho vợ cậu thì vợ cậu hết giận, rồi vợ chồng cha con sum hiệp, tự nhiên hết buồn rầu. Bây giờ anh lo kiếm thằng con của cậu thì phải rồi, mà anh cũng phải làm thế nào cho cậu khuây lãng mà chờ, chớ nếu để cậu buồn quá chết rồi làm sao?
– Qua cũng biết như vậy, ngặt vì cậu thương vợ thương con quá làm sao cậu khuây lãng được. Qua đã lấy lý mà khuyên giải thì không ăn chịu chi hết.
– Vậy anh phải ráng mà năn nỉ với mợ Tú đặng mợ đừng giận cậu nữa, về ở với cậu hoặc may cậu bớt buồn chăng.
– Qua nói đã hết sức rồi mà không được. Hổm nay qua ở trên ấy, qua năn nỉ thiếu điều lạy mợ ấy mà mợ cũng không chịu. Mợ cứ phiền cậu hoài, mợ nhứt định không chịu cho cậu thấy mặt nữa, dầu có kiếm được con mà trả cho mợ thì mợ cũng dứt cang thường. Mợ nói hẳn hòi lắm chớ không phải nói chơi.
– Nếu vậy thì làm sao?
– Biết làm sao bây giờ!
Hai người ngó nhau mà mặt có sắc lo hết thảy. Trọng Quí ngó cô Năm Đào một hồi lâu, rồi bộ chàng như kiếm được một cái chước gì hay lắm vậy, nên chàng gãi đầu, chúm chím miệng cười, rồi lại gãi đầu nữa, du dự bàng hoàng rồi mới nói rằng:
– Qua có thế làm cho cậu Tú bớt buồn rầu, cho qua tìm Chánh Hội được.
– Anh làm sao?
– Cái kế nầy của qua hay lắm, mà phải có em giúp thì mới thành. Không biết em chịu giúp hôn?
– Việc của anh cũng như việc của em. Đã vậy mà em thấy cậu Tú thất chí, em cũng tội nghiệp cho cái thân cậu lắm. Nếu em có thể làm cho anh hết ăn năn và làm cho cậu Tú hết buồn rầu được, thì em vui lòng mà làm lắm, chớ sao lại không chịu.
– Em mà có bụng tốt vậy, em giúp giùm với qua đặng cứu cậu Tú thì qua mang ơn em lắm không biết chừng nào cho hết.
– Em giúp làm sao? Đâu anh nói cho em nghe thử coi?
Trọng Quí vừa muốn mở miệng trả lời nhưng rồi chàng du dự không chịu nói. Chàng liếc mắt ngó cô Năm Đào thấy cô đương ngồi mà chờ chàng trả lời, chàng mới châu mày mà nói rằng: “Cái kế của qua nghe kỳ một chút…Ôi! Mà nghĩ cũng không kỳ gì, em đã có một đời chồng rồi, lại em làm nghĩa không lẽ ai dám cười chê gì đó mà sợ. Qua tính như vầy: Cậu Tú tâm đau bịnh tình, bây giờ mình phải dùng thuốc tình mà điều trị cho cậu mới được. Qua xin em đừng có về Trà Bang, em ở đây rồi mỗi bữa em nói chuyện nói vãn với cậu Tú, em tỏ ý dan díu cậu, em làm sao cho cậu thương em. Hễ cậu thương em rồi thì tự nhiên cậu quên buồn rầu nỗi vợ con; cậu có chỗ vui mà sống thì qua mới rảnh trí mà tìm con khuyên vợ cho cậu được.
Trọng Quí chưa nói dứt lời mà cô Năm Đào đã biến sắc, cô chận chàng mà nói rằng:
– Úy! Anh tính cái gì kỳ cục quá vậy nà! Ai mà làm được.
– Qua đã nói với em cái kế của qua thì kỳ thiệt mà nếu không làm như vậy thì làm sao cho cậu khuây lãng nỗi vợ con cho được.
– Phải. Anh tính như vậy thì hay lắm. Mà anh lựa con nhà nghèo đứa nào lanh lợi sạch sẽ anh mướn nó làm cho chớ em làm không được đâu.
– Biết mướn ai bây giờ? Người không xứng đáng thì có nết có hạnh gì đâu mà làm cho cậu mê mẩn được? Còn xứng đáng tử tế làm sao anh dám cậy người ta. Em là người trong thân mà em còn không chịu giúp qua thay, huống chi là người dưng. Thôi, em không chịu thì thôi, qua đâu dám ép.
Cô Năm Đào ngồi bàng hoàng suy nghĩ một hồi lâu rồi cô nói rằng:
– Anh nghĩ lại đó mà coi, không phải em không muốn giúp anh, ngặt gì cái chuyện đó quá khó…phận em là gái, mà em đi lẳng lơ trêu bẹo người ta thì coi sao cho được
– Em sợ thiên hạ chê cười phải không?
– Chớ sao!.
– Chuyện trong nhà ai biết được mà cười.
– Dẫu không ai biết đi nữa thì em cũng hổ thầm với danh giá của em chớ.
– Qua cậy em làm việc nầy là cứu cái mạng cậu Tú. Em muốn làm đại nghĩa thì chẳng nên cố chấp tiểu tiết. Qua biết bụng của em thể nào, chớ theo qua, hễ qua gặp cái đại nghĩa thì qua làm liền, qua không dụ dự chút nào hết, dầu mà nát thân qua đi nữa qua cũng vui, chẳng luận là mang tiếng, mang tâm chút đỉnh. Em sợ thiên hạ chê cười. Qua tưởng hễ em cứu được cái mạng của cậu Tú Tâm, thì em vui thầm trong lòng mãn đời, em không có ăn năn chút nào đâu mà em ngại. Vì em có một đời chồng rồi, qua chắc em biết việc nào em phải làm, việc nào quấy em ngăn ngừa; nên qua mới dám cậy em. Em gây giùm cái mối ái tình cho cậu Tú có chỗ vui mà khỏi chết vậy thôi, chớ có làm điều chi quấy mà em hổ thẹn. Thiệt đàn bà con gái lãnh cái vai tuồng như vậy coi cũng kỳ thật. Mà em làm đấy là cứu một mạng người, lại giúp cho qua chuộc tội nữa, cái nghĩa của em lớn quá, em dụ dự làm sao?
Cô Năm Đào suy nghĩ một hồi lâu nữa rồi cô đáp rằng:
– Mấy lời anh nói em hiểu rồi. Theo phận em thì em không ngại cho mấy, song em không biết thầy với má em có vui mà cho em làm như vậy hay không?
– Việc đó em đừng lo; để qua lãnh qua nói với cậu mợ cho. Cậu đã hiểu rõ đầu đuôi việc của cậu Tú Tâm rồi nên qua chắc hễ qua cắt nghĩa thì cậu chịu liền.
– Anh liệu sao đó thì anh liệu lấy.
Trọng Quí thấy ý của cô Năm Đào đã chịu rồi, bởi vậy sáng bữa sau chàng đi qua Trà Bang nói với vợ chồng ông Hội đồng Quyền sao đó không biết mà đến chiều chàng về, chàng nói với cô Năm Đào rằng: “Qua nói rồi. Cậu mợ đều vui lòng để em bên nầy mà giúp với qua đặng cứu cậu Tú. Vậy thì em hãy ráng hết lòng làm ơn giùm cho qua nghe”.
Cô Năm Đào gặc đầu mà coi bộ cô thẹn thùa lắm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.