Vì nghĩa vì tình

Chương 13: PHONG TRẦN DẠN MẶT



THẰNG QUÌ dắt thằng Hồi  đi lại phông tên, chen lấn với mấy con xẩm gánh nước mà rửa mặt gội đầu, rồi thủng thẳng đi lên phía Chùa Bà, mặt hớn hở, trí không lo chi hết.

Hai đứa nó lần lần lên Chợ Cũ, đứng coi đàn bà chen với khách trú, kẻ mua cá, người mua khô, quẹo qua hàng rau, thấy bán bánh bò, mua mỗi đứa một miếng mà ăn ngổm ngoảm, rồi đi thẳng xuống mé sông, thấy ghe chài, ghe củi đậu dày đặt thì thấy làm lạ, nên đứng lại ngó hoài. Cách một lát, có tiếng súp lê thổi oét oét, thằng Hồi vừa nghe thì nói với thằng Quì rằng:

– Ý! Xe lửa nào thổi tiếng in xe lửa ngoài Đất Hộ vậy mậy?

– Thì xe lửa Đất Hộ vô luôn trong nầy chớ sao.

– Ai nói với mầy đó? Tao tưởng không phải đâu, xe khác mà. Xe chỗ nào, chạy chỗ nấy chớ.

– Mầy cãi hoài! Xe Gò Vấp nó ra Đất Hộ, xuống Bến Thành rồi chạy thẳng vô Chợ Lớn, chớ xe nào đâu mà khác.

– Vậy hay sao? Đâu lại đó coi chơi.

Hai đứa nắm tay nhau đi riết lại nhà ga. Khi hai đứa nó tới thì xe lửa rút mà chạy ra Sài Gòn. Thằng Hồi đứng ngó theo và nói rằng: “Mầy nói giỏi quá! Phải rồi, xe lửa Đất Hộ vô tới trong nầy mà. Vậy mà tao không ngờ chớ. Phải mình có tiền đi xe nầy về Đất Hộ chơi được đã, mầy nha?”. Thằng Quì xụ mặt xuống đáp rằng: “Còn về làm gì nữa, mậy?”.

Thằng Quì bước vào nhà ga rồi lại băng ngồi dựa lưng trong vách tường. Thằng Hồi đứng chơi trước ga một lát rồi cũng vô ngồi một bên đó. Hồi chúng nó mới lại thì trong nhà ga trống trơn, không có một người nào hết, mà lần lần một lát cứ vô thêm một vài người, trong 15 phút đồng hồ thì trong nhà ga đã đông nứt.

Có một người đàn ông bước vô ga rồi ngồi một bên chúng nó. Người ấy tuổi lối 50, y phục coi quê mùa, áo quảng đông lụa tám công, quần lãnh đen mới, đầu trần mà có đầu tóc, tay cầm một cây dù may vải đen, chơn mang một đôi giày hàm ếch da láng, râu le thi mấy sợi, miệng ngậm trầu bô bô. Lúc ấy thằng chệt bán lẻng kẻng cũng gánh một gánh trái cây rim đường đem vô nhà ga. Thằng Quì day lại hỏi thằng Hồi rằng:

– Mầy muốn ăn lẻng kẻng hôn?

– Sao lại không muốn, mà điều ăn tốn vô ích.

– Mầy muốn ăn thì ăn, chớ sợ nỗi gì.

– Còn hai cắc mấy, phải để dành mua cơm mà ăn, mình ăn bánh bậy hết tiền rồi nhịn đói chết.

– Còn hai cắc mốt. Thôi để tao mua một đồng xu rồi hai đứa mình chia nhau mà ăn chơi.

Thằng Hồi gặc đầu. Thằng Quì đi mua một đồng xu được hai trái táo, nó đem lại chia cho thằng Hồi một trái, nó một trái, hai đứa ngồi ăn coi bộ ngon lắm, mà sợ hết, nên cắn nhín từ miếng nhỏ, chớ không dám ngốn hết.

Người mặc đồ quê mùa ngồi một bên đó, ngó thấy như vậy, bèn lấy ra một cắc bạc đưa cho thằng Quì mà nói rằng: “Qua cho em một cắc đây em, lại mua hết rồi hai đứa ăn với nhau”.

Thằng Quì co tay không chịu lấy. Người ấy mới đưa cắc bạc cho thằng Hồi. Thằng Hồi cũng thụt tay lắc đầu và nói rằng:

– Không. Tôi không lấy đâu.

– Qua cho mà.

– Không. Tôi có làm việc gì mà  cho ông đâu mà ông cho tiền.

– Qua thấy hai em muốn ăn bánh mà không có tiền nên qua cho, chớ làm việc gì.

– Không. Ông cất đi. Thằng Quì còn tiền kia.

 Người  ấy cười rồi bỏ cắc bạc vô túi. Có một đứa nhỏ chừng 12, 13 tuổi, hai tay ôm chồng sách, truyện bìa xanh, đỏ, vàng, trắng đủ màu, đi lại đứng trước mặt người ấy mà nói rằng: “Ông mua thơ truyện đây mà coi ông, tôi có bán đủ thứ hết. Ông mua thứ nào ông lựa đi, rồi tôi bán rẻ cho”. Người ấy lắc đầu. Thằng nhỏ ôm đi mời người khác. Thằng Hồi với  thằng Quì ngồi ngó theo, miệng chúm chím cười.

Xe lửa gần lại, thầy xếp ga mở cửa bán giấy. Ai nấy áp lại chen nhau mà mua. Người mặc đồ theo nhà quê hồi nãy đó cầm cắc bạc bước lại tính mua giấy, mà thấy nhiều người giành nhau, nên ông ta đứng xa xa mà ngó, không chịu chen lấn với họ. Xe lửa thổi súp lê vang rân, người ta lại càng lấn nhau hơn nữa. Thằng Quì thấy người nhà quê đứng ngơ ngáo mua giấy không được, nó bèn bước lại nói rằng:

– Ông đi đâu? Ông đưa tiền tôi mua giấy cho.

Người ấy liền nói rằng: “Ờ được. Em mua cho qua một cái vé đi cầu Ông Lãnh”.

Thằng Quì lấy cắc bạc rồi a vô lấn mà mua. Xe lửa vừa tới thì nó trở ra đưa cho người nhà quê một cái giấy với năm đồng xu. Người ấy lấy cái giấy, chớ không chịu lấy xu, lại bỏ thêm trong tay thằng Quì một tấm giấy bạc một đồng và nói rằng: “Qua cho em xu đó với cho thêm một đồng bạc nữa đây,  em lấy mua bánh mà ăn”. Thằng Quì chưng hửng,  chưa kịp chối từ thì người ấy đã bỏ đi ra và leo tuốt lên xe lửa. Nó day lạy kêu thằng Hồi mà nói rằng: “Hồi, ông đó cho tao một đồng bạc lận mầy à”. Thằng Hồi chạy lại hỏi rằng:

– Đâu nà?

– Đây nè.

– Mầy mua giùm giấy xe lửa cho ổng, ổng trả tiền công chớ gì.

– Tiền công gì mà nhiều dữ vậy.

– Ủa! Người ta có tiền nhiều, người ta muốn trả bao nhiêu tự ý người ta, mầy cản sao được.

– Họ trả tiền công thì mình lấy, sợ cái gì, có phải mình xin họ đâu, phải hôn?

– Thây kệ, lấy đi.

– Bây giờ mầy xuất năm đồng xu lẻ, mình mua lẻng kẻng ăn chơi nè.

Hai đứa nó kêu chú chệt lẻng kẻng lại mà mua lẻng kẻng năm xu, rồi cũng lại chỗ hồi nãy đó mà ngồi ăn. Thằng Hồi nhai nhóc nhách và cười rằng:

– Mình ở đây lãnh mua giấy xe lửa cho họ, nếu họ cho tiền như vậy chắc một tháng mình làm giàu.

– Mầy tưởng ai cũng cho như họ hết sao? Trời ơi, một đồng xu nhỏ họ cũng không lọi ra nữa a. Tao tưởng mình đi hết đất nầy cũng kiếm không được một người như ông già đó nữa.

– Mầy biết ông già ấy ở đâu hôn?

– Ai mà biết.

– Chớ phải mình biết nhà ổng, mình tới chơi, chắc ổng tử tế lắm há?

– Bộ ổng ở đâu dưới ruộng, chớ không phải ở đây.

Thằng Hồi ngó quanh quất trong nhà ga rồi nói rằng:

– Mình đi chơi rồi tối mình lại đây nằm mấy cái băng nầy mà ngủ chắc là mát lắm.

– Ngủ đây sao được. Lính bắt bỏ bót chớ.

– Ờ, mấy ông lính khó quá.

Thằng nhỏ bán sách hồi nãy nó trở vô nhà ga, lại để chồng sách dựa bên thằng Hồi rồi ngồi móc tiền trong túi ra mà điếm. Thằng Hồi đợi nó đếm tiền rồi mới hỏi rằng:

– Mầy bán sách gì mà nhiều dữ vậy?.

– Truyện thơ chớ sách gì.

– Truyện là sao?

– Hỏi kỳ hôn! Truyện là truyện, chớ ai biết sao mà nói. Truyện là Phong  Thần; Tây Du, Phản Đường, Tam Quốc, vậy chớ truyện là sao.

– Mầy bán một cuốn bao nhiêu?

– Mầy muốn mua hay sao mà hỏi?

– Không. Hỏi cho biết vậy thôi, chớ mua làm chi.

– Dốt đặc, không biết chữ a, chữ b mà hỏi truyện sách chớ.

Thằng nhỏ nói dứt lời rồi đứng dậy ôm chồng sách ngoe ngoảy bỏ ra đường. Thằng Hồi ngó theo và nói rằng:

 – Thằng đó làm phách quá, nó khi mình dốt chớ.

Thằng Quì cười mà nói rằng:

– Tại cha mẹ mình không cho mình học, mình dốt nó nói mình dốt chớ sao.

– Tao kiếm được ba má tao rồi tao biểu ba má tao cho tao đi học. Tao học giỏi rồi tao kiếm thằng đó tao xài  nó chơi.

– Thôi, chừng học giỏi rồi sẽ hay, bây giờ mình đi chơi nè.

Thằng Quì đứng dậy nắm tay thằng Hồi mà kéo đi, thằng Hồi đi theo mà cứ lẩm bẩm về sự chúng khinh khi nó dốt đó hoài.

Hai đứa nó đi đường nầy qua đường kia, đến trưa đói bụng, gặp một người đàn bà ngồi dựa gốc me mà bán cơm với cà ri, mới ngồi xề xuống rồi mua hai dĩa, mỗi dĩa một cắc, mà ăn với nhau. Thằng Quì móc tiền mà trả rồi còn chẳn chòi có một đồng bạc của người ta cho đó mà thôi. Đến chiều nó đổi đồng bạc ra mua hai ổ bánh mì, mỗi ổ ba xu mà ăn nữa, rồi tính đi kiếm cái căn nhà hồi hôm đó đặng lén vô mà ngủ nữa.

Chúng nó đi tầm ruồng, không biết ở đường nào mà kiếm, còn mấy căn nhà khác thì cửa sát lề đường không thể ngủ được, bởi vậy chúng nó đi hoài, đi đến 10 giờ khuya, gặp nhà ga xe lửa Mỹ Tho, mới dắt nhau vô đó ngồi nghỉ ngơi chơn. Thằng Hồi ngáp và nói rằng:

– Ở đây coi bộ khó quá.

– Khó cái gì?

– Lính nhiều chuyện, nên khó kiếm chỗ ngủ lắm.

– Tại mình không có nhà cửa, nên phải chịu như vậy, chớ biết làm sao bây giờ.

– Tao muốn đi chỗ khác.

– Đi đâu?

– Đi đâu cũng được, miễn là có chỗ ăn chỗ ngủ, chớ tối ngày sáng đêm như vậy hoài, mỏi chưn lại buồn ngủ quá.

– Ở đây vui chớ.

– Phải. Ở đây vui thiệt, ngặt có cái ban đêm không có chỗ ngủ. Mà mình còn mấy cắc bạc, ăn hết rồi làm sao.

– Còn tới chín cắc tư lận mà.

– Mình ăn cơm, ăn bánh mì, mỗi ngày gần ba cắc bạc. Chín cắc tư đó, giỏi lắm ba bốn bữa thì hết chớ gì.

– Hết thì mình đi kiếm cái khác.

– Làm sao mà kiếm? Tao coi ở đây khó kiếm tiền lắm. Phải ra Sài Gòn lượm banh mới có tiền.

– Ra Sài Gòn rủi gặp tía má tao rồi làm sao?

Hai đứa nhỏ vừa nói tới đó, kế có một cái chú lính bước vô thấy đứa nằm nghiêng, đứa nằm ngửa trên một cái băng, thì hỏi rằng: “Hai đứa nhỏ làm cái gì mà nằm đó,  hử?”. Hai đứa lật đật ngồi dậy gọn gàng. Thằng Hồi nói rằng: “Nằm chơi mà”. Chú lính nạt rằng: “Chơi cái gì mà chừng nầy nè? Đi cho mau, a lô!”. Chú và nói và đưa con roi mây cầm trong tay lên mà quất. Hai đứa sợ roi, nên lật đật tránh mà chạy ra ngoài đường, tuy vậy mà ngọn roi còn phớt đít thằng Quì mát rượi.

Cái thân của hai đứa nhỏ thiệt là cùng khổ, không có cơm mà ăn, không có nhà mà ở, nên trong nhà ga chỗ lúc ban đêm bỏ trống không cần dùng chi hết, mà lính cũng rượt đánh, không chịu cho nằm. Nhưng vì sự an thân của con nít khác, theo ý chúng nó, thì là khổ thân; bởi vậy hổm nay chúng nó không lấy sự không ăn cơm, không nhà ngủ đó mà làm buồn; chúng nó bị lính rượt chạy ra ngoài đường rồi ngó vào mà cười ngất.

– Chú lính đó làm phách quá, mầy há?

– Lính thì vậy chớ sao.

– Nó quất trúng mầy hôn?

– Không. Phớt sau đít mà không trúng.

– Tao nghe một cái trót, tao tưởng nó trúng mầy rồi chớ. Bây giờ đi đâu mậy?

– Đi bậy theo đường rầy xe lửa nầy chơi, đi thử coi nó đi đâu.

– Chắc đi Sài Gòn chớ gì?

– Không phải đâu. Đi xe Sài Gòn chạy dựa mé sông mà, mầy không nhớ hay sao? Ở đây đâu có sông, chắc là xe đi Biên Hoà.

Mặt trăng đã mọc lên khỏi nóc nhà, dòm trên trời sáng quắc. Hai đứa nhỏ nắm tay nhau cứ đi tới hoài. Bên tay mặt đường rầy lót thẳng băng. Bên tay trái nhà cửa lần lần coi thưa thớt. Hai đứa nhỏ đi một hồi lâu hết nhà người ta ở, ngó hai bên đường chỉ thấy trăng rọi đồng ruộng minh mông.

Thằng Hồi đứng lại nói rằng:

– Ý! Hết nhà họ rồi, bây giờ mình đi đâu nữa? Đi bậy đây ma giấu chết.

– Ma đâu đây mầy nà. Thây kệ, đi đại coi xe lửa đi đâu mà.

– Không được đâu mầy à. Không có nhà ai hết mà đi giống gì.

– Có nhà mà làm giống gì mậy. Nhà thì họ ngủ, chớ mình được ngủ hay sao? Tao tưởng mầy đi ngoài đồng còn tốt hơn.

– Tự ý mầy, muốn đi thì đi. Ma có giấu thì nó giấu hết hai đứa, chớ có giấu gì một mình tao hay sao mà tao sợ.

Trăng trên trời sáng rỡ, đường trước mặt thẳng băng, ruộng hai bên minh mông, đêm thâm canh vắng vẻ. Hai đứa nhỏ thì buồn ngủ, phần thì mỏi chơn, phần thì sợ ma, phần thì đói bụng, nên cúi mặt xuống mà đi, ít nói chuyện nữa. Chúng nó đi một khúc thiệt là xa, rồi ngó thấy trước mặt, có xóm nhà người ta ở. Thằng Hồi mừng bèn nói rằng: “Tới xóm nầy ghé ngủ nghe hôn mậy. Thây kệ, nhà nào cũng được, vô cửa nằm ngủ nhầu, buồn ngủ quá”. Hai đứa nhỏ vừa tới xóm, ngó thấy nhà ga trống rỗng. Thằng Quì rủ thằng Hồi vô đó ngủ, Thằng Hồi hỏi rằng:

– Lính đánh hôn?

– Lính đâu xuống tới đây.

– Thây kệ, chừng nào nó đánh sẽ hay. Buồn ngủ quá, đi đâu nữa được.

Hai đứa nhỏ dắt nhau vô nhà ga, không thấy bàn ghế chi hết, bèn nằm đại xuống gạch mà ngủ. Chúng nó vừa mới nhắm mắt thì ngủ liền.

Trời sáng bét rồi mà hai đứa nhỏ còn đeo nhau ngủ ngon lắm. Thình lình có người hất đít chúng nó mỗi đứa mỗi cái. Đó là thầy xếp ga mở cửa sửa soạn bán giấy, thấy hai đứa nhỏ nằm đấy không biết là con nhà ai, nên kêu chúng nó dậy. Chúng nó lồm cồm đứng dậy, giụi con mắt. Thầy xếp ga hỏi rằng: “Bây ở đâu lại ngủ đây”.

Hai đứa không trả lời. Thằng Hồi lại hỏi thầy nọ rằng:

– Đường xe lửa nầy đi đâu hả anh há?

– Tao là anh mầy hay sao? Đi cho mau, con heo.  Thằng Hồi không hiểu thầy bắt lỗi, nó nghe lời thầy mắng lại thấy bộ thầy giận thì sợ, nên lật đật đi ra ngoài đường. Thằng Quì  cũng đi theo. Ra đến lộ, chúng nó gặp một ông già, cặp cây dù trong nách, đương ngồi chồm hổm mà hút thuốc. Thằng Hồi men lại hỏi ông rằng:

– Xe lửa ở đây đi đâu vậy ông?

– Đi xuống dưới nầy là đi Tân An, Mỹ Tho, còn  đi lên phía tay nầy  là đi Chợ Lớn, Sài Gòn, chớ đi đâu.

– Té ra đường xe lửa đi Mỹ Tho mà; vậy mà thằng  Quì nói  đường xe lửa Biên Hoà chớ.

Thằng Hồi liền kêu thằng Quì mà nói  rằng:

– Quì! Hồi hôm mầy nói bậy. Đường nầy đi Mỹ Tho mà.

– Vậy hay sao? Nè, hồi đó tao nghe anh Kim nói chuyện với tía tao, ảnh nói Mỹ Tho vui lắm. Đi xuống dưới chơi.

– Đi thì đi.

Thằng Quì hỏi ông già rằng:

– Cứ đi thẳng đường nầy hoài thì xuống Mỹ Tho được phải hôn ông?

-Ừ, bây có đi thì đi xe lửa, chớ đi bộ được hay sao mà hỏi?. 

– Sao đi bộ không được?.

– Xa lắm chớ sao.

– Xa chừng đây đi Sài Gòn hôn?

– Dễ hôn! Xa lắm. Xa bằng năm bằng bảy lận chớ.

– Đi chừng mấy bữa tới!

– Ai có đi bộ đâu mà biết.

– Dọc đường có nhà họ ở hôn ông?

– Sao lại không có.

Thằng Quì day lại hỏi thằng Hồi rằng: “ Đi mầy, Hồi. Thây kệ, xa thì xa, có nhà họ ở mà sợ giống gì”. Thằng Hồi dục dặc nói rằng: “Đi bây giờ rồi cơm đâu mà ăn, tao đói bụng rồi đa”. Thằng Quì cười và đáp rằng: “Mầy cứ đói bụng hoài. Đi rồi tao kiếm cơm mua cho mầy ăn”.

 Hai đứa nhỏ cặp tay nhau mà đi liền, đường xa lối sáu chục ngàn thước tây, mà chúng nó không lo sợ, bộ hân hoan cũng như ở Đất Hộ dắt nhau xuống chợ Bến Thành mà chơi vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.