Vì nghĩa vì tình

Chương 2: THẬT CHUYỆN ĐAU LÒNG



Ông Lữ Trọng Quí ở Cần Thơ, lúc còn nhỏ có đi du học bên Tây hơn mười năm, lấy đặng bằng cấp Bác vật rồi  trở về xứ. Cha mẹ khuất hết, để lại cho chàng một các gia tài rất lớn, mỗi năm thâu huê lợi hơn năm chục ngàn giạ lúa, mà chàng không có anh em, nên một mình hưởng trọn sự nghiệp ấy.

Khi ở bên Tây về thì chàng cưới một người vợ, tưởng trăm năm kết tóc, một phút không rời, nào dè tơ hồng se hở, gãy gánh giữa đường, vợ chồng ở với nhau không đầy một năm, người vợ thọ bịnh mà chết. Từ ấy đến nay chàng ở một mình, không cưới vợ khác, mà cũng không ham chơi, cứ lo quản xuất tá điền và lo xem xét chành lúa.

Nhà của Bác vật Quí ở dựa bên đường đi Bình Thuỷ, cách Châu Thành Cần Thơ một ngàn rưỡi thước, còn chành lúa của chàng thì cất dựa mé sông đi Cái Răng. Mấy bữa rày có người cậu của chàng là ông Hội đồng Quyền ở Trà Bang ra ở đậu tại nhà chàng mà uống thuốc với ông thầy thuốc Tây Cần Thơ. Ông Hội đồng Quyền tuổi chưa được sáu mươi, mà ông yếu lắm, hay có bịnh nên uống thuốc hoài. Lần nầy ông ra ở nhà cháu mà uống thuốc, ông lại có dắt theo một đứa con gái thứ năm, tên Đào, đặng coi miếng ăn miếng uống cho ông.

Cô năm Đào, năm nay cô được 23 tuổi. Cô có chồng  mà chồng cô đã chết rồi, cô có một đứa con gái 5 tuổi, đặt tên con Lý. Từ ngày chồng cô bất hạnh, cô buồn nên xin với cha mẹ bên chồng đem con về ở với ông Hội đồng Quyền. Cô đi theo nuôi cha đây cô dắt con Lý theo với cô nữa.

Một buổi chiều, cơm dọn lên bàn rồi, Trọng Quí, bèn mời cậu với em đi ăn. Ông Hội đồng Quyền với Trọng Quí ngồi một bên, còn cô Năm Đào với con Lý ngồi một bên.

Cô Năm Đào đương sớt cá thịt để gần cho cha ăn, thình lình thằng Phục là đứa ở coi quét nhà lau ghế, nó đem vô một miếng giấy màu xanh mà trao cho Trọng Quí và nói rằng: “Thưa  ông, có dây thép  họ đem lại cho ông đây”.

Trọng Quí buông đũa, mở tờ dây thép ra coi, rồi day lại nói với thằng Phục rằng: “Mầy phải nhớ sớm mơi mai mầy quét dọn cái phòng khách phía đàng trước cho sạch đã nghe hôn. Phải trải nệm giăng mùng cho tử tế, mai tao có khách. Sáng ngủ dậy thì làm liền, đừng có quên đa”.

Cô Năm Đào ngó Trọng Quí và hỏi rằng:

–  Khách nào đó, anh Hai?

– Cậu Tú tài Tâm ở Trà Vinh.

– Khách tính ở chơi lâu lắm hay sao mà anh biểu dọn phòng.

– Ừ, cậu đánh dây thép nói qua ở đặng dưỡng bịnh.

Cô Năm Đào cười và nói rằng: “Nhà anh đây thành nhà thương rồi, ai có bịnh cũng tới đây hết thảy”. Trọng Quí châu mày nín thinh, không để ý đến lời nói chơi đó, mà coi sắc mặt lại có vẻ buồn.

Ông Hội đồng mới xen vô nói rằng: “Ông thầy thuốc Cần Thơ giỏi lắm, nên ai cũng uống thuốc của ổng. Chắc là cậu Tú tài nào bên Trà Vinh đó, cậu nghe danh ổng, nên cậu qua đây chớ gì”.

Trọng Quí lắc đầu nói rằng:

– Thưa cậu, không phải. Câu Tú tài Tâm là anh em bạn của con. Cậu có bịnh thiệt, song bịnh của cậu là tâm bịnh, chớ không phải bịnh như bịnh của người khác, bởi vậy dầu thầy hay thế nào cũng khó mà giải bịnh của cậu cho được. Cậu qua đây là ở chơi với con ít ngày cho thoả trí, chớ không phải uống thuốc đâu.

– Con nói tâm bịnh là bịnh làm sao?

– Thưa cậu, chuyện nầy dài lắm, lại cũng chẳng vui gì mà thuật cho cậu nghe. Con xin nói tắt rằng tại con đây nên Tú tài Tâm mới sanh bịnh đó.

– Con nói cái gì nghe kỳ dữ vậy?

Trọng Quí cúi mặt xuống bàn, coi bộ không muốn nói. Ý cô Năm Đào lại muốn nghe, nên cô tiếp với cha nói rằng:

– Chuyện sao đâu anh nói nghe chơi mà.

– Chuyện riêng của qua…

– Chà chà! Anh nầy cũng có chuyện riêng nữa chớ! Thế khi anh có làm điều chi quấy lắm, bây giờ anh mắc cỡ, nên anh không muốn nói phải hôn?

Trọng Quí ngước mặt ngó ngay cô Năm Đào và đáp rằng:

– Từ nhỏ chí lớn, qua chẳng hề có làm việc quấy; mà dầu qua có làm đi nữa ấy là ý qua quyết làm như vậy, nên qua chẳng hề biết mắc cỡ đâu.

– Nếu vậy  thì sao anh không nói.

– Qua không muốn nói, là vì việc nầy tuy là việc của qua mà nó có can phạm đến danh giá của người khác, nên qua không nỡ nói chớ.

– Mình nói chuyện trong nhà nghe với nhau ai hay hay sao mà anh ngại. Anh nói cho em với thầy em nghe, mà anh sợ em đi bán dê bán díu hay sao?

Trọng Quí ngồi châu mày dụ dự một hồi rồi nói rằng:

– Em muốn nghe, thôi để qua nói cho em nghe. Em cũng biết ngày chị Hai em mất rồi, trong nhà qua thiếu người coi sóc, qua lấy làm bối rối lắm. Qua tính kiếm chỗ khác  đặng chấp nối, cậu có chỉ cho hai người, mà qua coi chưa vừa con mắt. Một bữa nọ qua đi Chợ Lớn bán lúa. Đến chiều tối qua lấy bạc rồi qua mướn một cái xe hơi xuống Mỹ Tho thăm một người anh em bạn và ở đó ngủ sáng bữa sau đi tàu mà về nhà. Đi dọc đàng xe hơi nổ bánh đụng vào cột dây thép, làm cho qua mang bịnh.

Cô Năm Đào châu mày  nói rằng:

– Em nhớ rồi, lúc đó nhằm lúc đám cưới của em. Anh bị bịnh nằm nhà thương trên Chợ Lớn nên đi đám cưới không đặng phải hôn?

– Phải đa.

– Chuyện anh té xe hơi có ăn thua gì với chuyện cậu Tú  tài nầy đâu mà anh nói?

– Ậy! ăn thua lắm. Em đừng nóng, để thủng thẳng rồi qua nói tới. Xe hơi đụng, qua bị nặng nhẹ không rõ, mà trên đầu máu chảy lung lắm. Qua ôm đầu ngồi dựa lề đường  mà rên.

Cách chẳng bao lâu có một cái xe hơi ở dưới Mỹ Tho chạy lên, thấy xe qua bị đụng thì ngừng lại. Cô ngồi trên xe thiệt tử tế, cô làm ơn chở qua trở lại Chợ Lớn, đem qua vô bót cho qua gởi tiền bạc rồi mới đi nằm nhà thương. Thiệt lúc ấy qua cám ơn cô lắm, song qua chưa biết cô là ai mà qua cũng không có ý gì với cô hết. Chừng qua mạnh rồi, qua ra nhà cô ở Sài Gòn mà tạ ơn cô. Qua ngồi nói chuyện với cô hơn một giờ đồng hồ, qua mới biết cô là con gái của một ông Tổng, ở Trà Vinh, đã qua đời rồi, cô có chồng làm thông ngôn toà án Mỹ Tho mà cô không theo chồng, cô mua nhà ở trên Sài Gòn với mẹ và em trai. Cậu Tú tài Tâm, sáng mai qua đây, là em của cô nầy.

– Dữ  hôn! Anh nói lòng dòng bây giờ mới ra mối. Mà chuyện như vậy thì có cái gì đâu, sao hồi nãy anh nói cậu Tú tài bị tâm bịnh, còn hễ anh nói ra thì phạm đến danh giá của người ta?

– Chậm một chút… Cô ấy tên là Tố Nga. Sắc thiệt là đẹp mà lời ăn tiếng nói của cô cũng thiệt là đứng đắn. Qua đến thăm cô rồi qua mới biết cô có chồng, mà chẳng hiểu vì cớ nào qua về nhà nằm đêm cứ tư tưởng cô hoài. Qua không dám muốn cô mà không được thấy mặt cô thì qua lấy làm khó chịu lắm, bởi vậy qua nhứt định lên Mỹ Tho làm quen với chồng của cô là thầy thông Xuân, đặng kết làm anh em tới lui chơi cho thoả tình vậy thôi, chớ qua không dám tính việc quấy mà phạm danh tiết đàn bà có chồng. Chẳng dè qua đến Mỹ Tho, qua hỏi thăm thì thầy thông Xuân khốn nạn lắm, thầy đĩ thả bài bạc mà lại hân hủi thân vợ, cứ đánh chưởi vợ mà hỏi tiền; cô Tố Nga chịu đã hết sức rồi nên cô mới bỏ thầy mà về ở với mẹ đó.

Qua quen tánh ngang tàng, qua thấy một đoá hoa thơm tho tươi tốt mà người ta không biết trọng, lại chà xát giày vò như vậy, thì qua nổi giận, nên qua viết thơ xin cô Tố Nga để chồng rồi qua cưới cô…

Cô Năm Đào lắc đầu cười và nói rằng: “Anh thiệt quá quắt lắm…”.

Trọng Quí trợn mắt hỏi rằng:

– Quá quắt cái gì?

– Anh không sợ hay sao?

– Sao mà sợ?

– Người ta có chồng mà anh viết thơ nói bậy nói bạ như vậy người ta mắng anh chớ. Lại hễ cái thơ lọt vào tay người chồng thì họ đánh anh hoặc họ kiện anh mang xấu nữa.

– Ồ! Qua có lo đâu em! Dầu tới đâu qua cũng lấy lẽ ngay qua nói; không phải qua giựt vợ của ai, qua quyết cứu vớt một gái thuyền quyên ra khỏi tay đứa bất lương chớ. Qua tính làm ơn, chớ phải qua hại ai hay sao mà sợ họ mắng.

– Ờ, mà anh viết thơ rồi cô ấy trả lời làm sao?

Cô không trả lời liền. Cô suy nghĩ đến mấy tuần lễ rồi cô mới viết thơ mời qua lên cho cô nói chuyện. Qua lên liền. Cô tỏ hết gia đạo của cô cho qua nghe. Qua khuyên cô phải xin để chồng lập tức đặng qua cưới cô…

– Cô chịu hôn?

– Chịu…

– Đàn bà gì kỳ cục quá vậy mà anh khen là  đứng đắn?

– Em không hiểu tâm sự của cô Tố Nga nên em chê cũng phải. Tội nghiệp cô lắm, em ơi!…

Trọng Quí nói tới đây thì chàng rưng rưng nước mắt, lại nghe tiếng chê của cô Năm Đào thì chàng đau đớn trong lòng nên chàng đứng dậy đi rửa tay rửa miệng. Ông Hội đồng với cô Năm Đào ăn cơm cũng rồi, nên cũng đứng dậy đi uống nước.

Trời đã tối rồi, nên mấy đứa ở lo đốt đèn. Ông Hội đồng leo lên ván nằm làm thuốc phiện mà hút. Trọng Quí đứng trước cửa, xỉa răng mà ngó mông ra sân kiểng. Cô Năm Đào muốn nghe cho hết chuyện, nên cô rửa tay rửa mặt cho con Lý rồi cô dắt nó ra ngồi ngoài ghế trước. Trọng Quí cứ đứng ra ngoài  sân hoài. Cô Năm Đào đợi lâu quá, nên cô bước ra mời chàng vô nói tiếp chuyện cho cô nghe.

Trọng Quí kéo nghế mà ngồi, đốt một điếu thuốc mà hút nói rằng: “Em đừng có chê cô Tố Nga mà tội nghiệp cho cô. Cô có chồng mà cô tư tình với qua, ấy là tại vận hội nó khiến cô phải như vậy, chớ cô không phải là gái hư đâu. Cô là gái biết giữ danh tiết lắm, vì cô uất về nỗi chồng, mà rồi cô nặng tình với qua nữa, nên cô phải mang tiếng không tốt, cô phải đau cực trí trót năm năm trường rồi mới tuyệt mạng.

Qua nhắc tới cô thì qua buồn lắm. Cô tư tình với qua có mấy bữa, rồi cô nghĩ lại thân phận cô thì cô ăn năn, nên cô viết thơ mà tuyệt qua. Cô nghĩ gái có chồng mà lấy trai thì nhơ nhuốc không có gì bằng; mà đã gần trai rồi, bây giờ còn gần chồng nữa thì cái quấy càng nhiều hơn bội phần. Cô nhứt định dứt tình qua, mà cũng dứt nghĩa vợ chồng nữa. Cô vào đơn xin phá hôn thú, toà chưa xử thì cô có nghén, bụng thè lè”.

Cô Năm Đào chưng hửng nên hỏi rằng:

– Có chửa mà con của ai?

– Con của qua.

– Úy! chuyện rối dữ!

– Rối lắm. Toà bác đơn cô. Mà thầy thông Xuân tuy biết vợ có chửa, không phải con của thẩy, nhưng mà vì thẩy vì cái gia tài nên thẩy vui lòng nhận đứa nhỏ trong bụng đó là con của thẩy. Cô Tố Nga buồn rầu lắm. Con thiệt là con của qua, mà đẻ nó ra rồi phải khai tên thầy thông Xuân là cha nó!

– Khai như vậy làm sao được?

– Không khai thì toà phạt, vì vợ chồng có hôn thú; mà chồng cô nó lại nhận là con của nó nữa.

– Đẻ con trai hay là con gái?

– Con trai. Lúc đẻ thằng nhỏ ra thì vợ của cậu Tú tài Tâm là cô Cẩm Vân củng đẻ một đứa con trai nữa. Hai đứa nhỏ sanh ra trước sau có ít giờ đồng hồ. Cách ít tháng cậu Tú tài Tâm đi Tây mà học, để vợ con ở nhà với mẹ và chị. Cậu ra đi cậu không hay việc chi hết, cậu tưởng con của cô Tố Nga là con của thầy thông Xuân, bởi vì cái rối của cô Tố Nga ở trong nhà cô nói cho một mình cô Cẩm Vân biết mà thôi, cô căn dặn cô Cẩm Vân đừng có cho cậu Tâm biết. Trót mấy năm trường cô Tố Nga khổ cực trí không biết chừng nào, cô xin để chồng không được, nên cô ăn năn nỗi danh tiết, nên cô cấm tuyệt không cho phép qua gặp mặt.

Đến năm sau cái khổ cực của cô càng lớn hơn nữa, bởi vì thầy thông Xuân làm chuyện bậy bạ sao đó nên mất chức, rồi thẩy lên ở đại trong nhà, thẩy nựng nịu thằng nhỏ, thẩy mơn trớn với Tố Nga như không có việc chi hết vậy.

– Đàn ông gì mà hư nhớt quá, vợ như vậy mà còn đeo đuổi theo làm chi.

– Thẩy biết chi là danh tiếng, thẩy kể chi là vợ con. Thẩy vì gia tài, nên thẩy mới làm như vậy chớ! Thẩy ở ít ngày rồi thẩy xin hai muôn đồng bạc. Bà già không cho. Thẩy giận thẩy làm ngặt, nên thẩy bắt vợ con phải đi theo ra Hà Nội.

Tội nghiệp cho cô Tố Nga, chồng như vậy đi theo sao được, lại đi rồi bỏ mẹ già ai nuôi. Mà nếu không đi thì nó phanh phui chuyện xấu của cô ra, nó làm nhơ nhuốc thân cô, lại cũng nhơ nhuốc tông môn của cô nữa. Cô vì danh tiếng nên cô phải liều thân cô mà đi theo chồng!

– Cô Tố Nga đi theo chồng thì bậy lắm. Mình mắc thằng chồng ham tiền, mà mình giàu có, thôi mình thí một vài muôn đồng bạc cho nó đặng thuận tình với nhau rồi xin để phứt đi. Để lòng dòng làm chi đến mấy năm rồi bây giờ sợ nó nói xấu nên phải lìa mẹ mà theo nó nữa.

– Vì cô sợ xấu hổ, nên mới sanh chuyện như vậy đó. Còn vài ngày nữa xuống tàu mà đi, cô viết thơ nói hết chuyện cho qua nghe. Qua giận quá, qua trả lời liền cho cô biết rằng qua nhứt định không cho cô đi, hễ xuống tàu thì qua đón cô bắt lại.

– Vợ của người ta, anh bắt sao được?

– Thây kệ, qua tính qua làm ngang như vậy, ai giỏi thì chống cự với qua. Chuyện vỡ lở ra, đến trước mặt toà qua nói thiệt hết, qua mướn Trạng sư cãi giúp, bất quá tòa nói cô Tố Nga lấy trai: Toà phạt vạ rồi cho phép hủy hôn thú  chớ hại gì.

– Anh tính ngang quá! Thuở nay em chưa thấy ai kỳ cục như vậy.

– Em không rõ, chớ cái tình của qua nặng lắm, lại thằng con của qua đó, qua nỡ bỏ nó sao. Qua nhứt định như vậy là phải lắm, ngặt vì cô Tố Nga cô cứ sợ mất danh tiếng hoài, nên cô cậy em dâu là Cẩm Vân xuống đây năn nỉ với qua, xin qua đừng có cản trở, để cho cô đi theo chồng đặng vùi lấp phận bạc của cô, và cứu chữa danh giá cho tông môn cô nữa. Qua nghĩ mấy năm nay cô cứ lo danh tiếng hoài, tức nhiên cô không có tình với qua, vì người đa tình thì không còn kể chi là danh tiếng; bởi vậy qua phiền cô, qua mới chịu để cô đi.

Nhưng mà qua có nói nhắn với cô Cẩm Vân rằng dầu cô Tố Nga không thương qua, chớ qua cũng không thể không thương cô được. Qua ở một mình mà chờ cô hoài, coi chừng nào cô mới biết thương qua. Hễ cô biết thương qua thì dầu hết nhà hết ruộng, đứt cổ đứt đầu, qua cũng bắt cho được cô qua mới nghe. Còn như cô cứ không thương qua hoài, thì qua đợi chừng nào chồng cô nó hành hạ giày bừa tấm thân cô cho tới cô chết, rồi qua mới chịu cưới vợ. Cẩm Vân sợ thầy Xuân bắt được thơ qua càng khó cho Tố Nga nên khuyên qua có gởi thơ thì gởi tên cô rồi cô trao giùm lại, chớ đừng có gởi cho Tố Nga.

Qua nghe lời, nên Cẩm Vân về rồi tối lại qua viết thơ cho Tố Nga mà đề tên Cẩm Vân. Chẳng hiểu Cẩm Vân về nói thế nào mà Tố Nga chưa được thơ qua thì cô đã uống thuốc độc mà chết!…

– Úy! Cô tự vận hay sao?

Trọng Quí gật đầu mà nước mắt tuôn ròng ròng. Cô Năm Đào day qua vuốt tóc con Lý, cô nghe nói tới đó cô cảm quá, nên cô không dám ngó Trọng Quí. Cách một hồi cô mới rằng:

– Chắc là cô có tình với anh lắm mà anh không hiểu anh trở phiền cô, nên cô tức cô chết chớ gì?

– Qua không rõ, nhưng mà qua cũng nghĩ như em vậy đó.

– Anh làm như vậy thì anh mang cái tội lớn lắm!

– Cái tội đó đã lớn mà anh còn mang cái tội nầy càng lớn hơn nữa. Cô Tố Nga chết chừng ít giờ đồng hồ kế cậu Tú tài Tâm bên Tây về tới. Vợ của cậu, là Cẩm Vân, sợ xấu hổ cho vong hồn của chị chồng, nên cô giấu biệt không nói rõ cho chồng hiểu, lại nói dối rằng tại thầy thông Xuân bắt Tố Nga đi Hà Nội nên nàng giận nàng tự vận. Cậu Tú tài Tâm mướn xe hơi tuốt về Trà Vinh rước mẹ, đi dọc đường cậu hay vợ đi Cần Thơ, mà chừng cậu lên hỏi thì Cẩm Vân chối. Cậu sanh nghi trong lòng kế tối lại cậu tiếp thơ của qua gởi lên mà ngoài bao đề Cẩm Vân. Cậu càng nghi hơn nữa, nên cậu đoạt thơ mà  cất. Chừng tống táng Tố Nga xong rồi, cậu xé thơ ra coi.

Trong thơ qua tỏ tình mà qua cũng nói việc thằng con nữa. Cậu Tú tài Tâm không dè, cậu tưởng vợ cậu lấy trai, cậu tưởng thằng con của cậu là con dâm bôn, cậu giận quá nên đánh vợ cậu chết giấc. Trong đêm ấy có ăn trộm vô nhà, cậu bắt được cậu bồng thằng con của cậu mà cho phứt ăn trộm đem đi mất. Cậu hành phạt vợ xong  rồi, cậu dắt mẹ về Trà Vinh. Bà già buồn nỗi con gái chết rồi buồn nỗi con dâu hư nữa nên bà nhuốm bịnh mà chết luôn!

– Cha chả! Hại dữ hôn!

– Hại lớn lắm! Cậu Tú tài Tâm qua đây tìm đến nhà mà trả thù. Qua đọc hết công chuyện cho cậu nghe, qua đưa thơ của Tố Nga cho cậu coi, cậu biết cậu nghi lầm, nên cậu té ngửa!…

– Anh báo hại người ta quá! Bây giờ cậu Tú tài đã đem vợ con về hay chưa?

– Cẩm Vân chịu tiếng oan, mà lại bị mất con nữa, nên cô mất trí khôn, bây giờ đem cô lên Chùa Hang trên núi Bà Đen cho cô nghe kinh đặng cô giải trí. Còn thằng nhỏ thì ăn trộm bồng đi mất, có biết nó ở đâu mà kiếm. Hôm trước qua với cậu Tú tài Tâm tìm lên chùa Hang mà thăm Cẩm Vân, cậu Tú tài thấy vợ cạo trọc đầu, nghe vợ nói điên cuồng thì cậu ăn năn quá té xỉu chết giấc. Qua đem cậu xuống nằm nhà thương Tây Ninh, tưởng cậu đã chết rồi, nay nhờ thầy thuốc săn sóc nên cậu tỉnh lại. Qua để cậu ở nhà thương gần một tháng rồi qua đưa cậu về Trà Vinh. Bữa nay tưởng đâu là cậu mạnh thiệt rồi nên cậu mới đánh dây thép cho qua đó.

– Còn thằng con của cô Tố Nga bây giờ nó ở đâu?

– Thầy thông Xuân bắt nó, bây giờ thầy đương kiện cậu Tú tài Tâm mà xin chia gia tài

– Sao không bắt nó về mà nuôi?

– Thầy Xuân dễ cho đâu mà bắt.

– Con gì của thẩy hay sao mà thẩy giành? Tội nghiệp vợ con của cậu Tú tài Tâm quá! Em không biết mà em nghe nói cũng thương. Cậu Tú tài bây giờ rầu lung hôn?

– Không rầu sao được.

– Lỗi tại anh hết thảy, vậy anh phải kiếm thằng nhỏ cho được, và phải làm sao cho cô Cẩm Vân hết điên, bằng không thì anh mang cái quả báo lớn lắm.

Trọng Quí chống tay lên trán mà khóc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.