Nam Cao Tuyển Tập
LANG RẬN
Ông cựu Đậu chả lẩn thẩn mà lại thế! Tự nhiên đi rước cái anh cu lang Rận ấy về!
Rận không phải là tên thật của lang ta. Đó là tên của bà cựu đặt cho anh. Nhưng tại sao bà lại đặt cho anh cái tên khổ sở ấy? Rồi chúng ta sẽ biết.
Ngay hôm mới đầu ông cựu cho lang Rận quẩy hai cái bồ đến trọ, bà cựu đã cằn nhằn. Bà không muốn chứa cái của khỉ ấy ở nhà bà. Nhưng ông cựu bảo:
Dở lắm! Nhà mình rộng, không ở hết, cho nó ở nhờ một tí, mất gì? Cơm của nó, nó ăn. Củi của nó, nó đun. Nó thổi nấu lấy, nó ăn, bận gì đến mình mà sợ?
Không bận gì đến mình, nhưng mình cũng chẳng được cái gì. Nó ở đâu, kệ thây nó! Chứa nó làm gì cho rếch cả nhà.
Chuyện! Mình có định uống thuốc của nó thì mới cho nó ở nhờ nhà mình chứ?
Bà cựu lắc đầu quày quạy và nói như sợ mình không nói kịp:
Thôi! Thôi! Thôi! Ông uống thuốc của nó thì ông uống, tôi thì tôi không uống; thuê tiền tôi tôi cũng không uống!
Ông cựu đã hơi bực mình, sừng sộ:
Tại sao không uống? Người ta uống thuốc nó đầy ra đấy.
Người ta uống mặc người ta!
Rồi thấy chồng chưa kịp nói gì, bà chíp chíp môi:
Ối chao! Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre. Ông chồng cau mặt:
Dở lắm! Biết thế nào là chuông khánh? Biết thế nào là mảnh chĩnh? Mình đã uống thuốc của nó đâu mà đã biết?
Bà gân cổ lên, cãi lại:
Sao không biết! Hay thì nó hiện ngay ra mặt ấy. Trông mà không biết. Thế nào gọi là thầy già, con hát trẻ? Thầy với bà gì mà cái mặt trông non choèn choẹt, cậy dỉ mũi chưa sạch! Quần áo thì thòi thà thòi thụt, trông như quân ăn mày. Thế mà cũng đòi vác mặt làm lang thuốc. Lang gì? Lang thang.
Ông bật cười:
Không trách được! Cái trò đàn bà có khác! Chỉ trông mặt mà bắt hình dong. Ngộ trông người như thế, nhưng thuốc nó hay thì biết đâu? Tôi thấy nó chữa mấy đám đều khỏi cả. Vợ lý Tính trên Đoàn-Hộ đấy: mãi mãi có đẻ đâu? Thế mà uống của nó một tễ thuốc bây giờ bụng đã chửa bằng cái thúng. Thế rồi lại con mẹ Vị ở làng ta đấy: lấy chồng mười mấy năm không thấy chửa, uống thuốc của nó, hồi đầu giêng đẻ được đứa con trai rồi. Thế thì bảo sao, nào?
Bà cựu thấy mình đuối lý, toét môi cười:
Nhưng biết rằng có phải tại uống thuốc của nó không?
Sao không phải? Thì chính những người ấy bảo!
Bà cựu ngần ngừ. Ông thấy mình đã có phần thắng thế, bảo thêm:
Về cái việc thuốc men, không cứ gì thầy hay, thầy dở đâu. Phải mặt thì nó khỏi. Có khi uống thuốc những tay đại danh sư năm mươi đồng một thang không khỏi bệnh, mà chỉ một hào thuốc lá của một con mẹ ngồi ngoài chợ mà khỏi bệnh. Có bệnh thì vái tứ phương…Thấy ai bảo thuốc ai hay mà chả lấy?
Thì hẳn là thế rồi. Nhưng khốn nỗi tôi trông lão lang này chẳng có mẽ gì. Người dở người, con giun chết dở con giun chết! In như cái đồ chết đói, chết khát ở đâu lần đến.
Ông cựu trợn mắt lên:
Ái chà! Đừng khinh nó nhá! Con ông ấm, cháu ông cử đấy. Ông nội nó ngày xưa chân cử nhân, mới đầu đi tri huyện, về sau lên án sát, lúc về hưu thăng làm tổng đốc. Con nhà ra phết đấy, chứ có phải tầm thường đâu? Có điều bây giờ nó thất thế nên mới phải đâm đầu đi làm lang thang như vậy, chứ chữ xem ra khá lắm. Tôi rước nó về đây, là có ý để dần dà tôi gạ nó dạy tôi học thuốc.
Ôi chao ôi! Học với hành gì ông ấy? Ông ấy thì chỉ có tài bàn tổ tôm là ông ấy học. Mà tài bàn, tổ tôm thì ông chẳng cần ai dạy nữa. Có mấy ngày, mấy đêm là ông không đi tìm đám họp? Có điều ông đã muốn thì bà cũng đành cắn răng lại mà chịu. Thật tình thì bà chả ưa cái anh lang cu con này một tí nào. Người mới ngợm gì mà đến hay!…
Anh chàng có cái mặt trông dơ dáng thật. Mặt gì mà nặng chình chĩnh như mặt người phù, da như da con tằm bủng, lại lấm tấm đầy những tàn nhang. Cái trán ngắn ngủn, ngắn ngùn, lại gồ lên. Đôi mắt thì híp lại như mắt lợn sề. Môi rất nở cong lên, bịt gần hai cái lỗ mũi con con, khiến anh ta thở khò khè. Nhưng cũng chưa tệ bằng cái lúc anh cười. Bởi vì lúc anh cười thì cái chán chau chau, đôi mắt đã híp lại híp thêm, hai mí gần như dính tịt lại với nhau, môi càng lớn thêm lên, mà tiếng cười, toàn bằng hơi thở, thoát ra khìn khịt. Trời đất ơi! Cái mặt ấy, dẫu cho mỗi ngày rửa ba lượt xà phòng, mà cựu trông thấy vẫn còn buồn mửa. Huống chi anh chàng lại bẩn gớm, bẩn ghê. Có lẽ mỗi buổi sáng ra cầu ao, anh ta chỉ nhúng mấy ngón tay, rửa độc một tí đầu mũi mà thôi. Mặt anh mốc meo lên. Còn quần áo thì gố ghỉnh, thì đầy dỉ, đứng cách ba thước còn ngửi thấy mùi chua, mà rách rưới, mà mất cúc, mà sứt chỉ, mà lôi thôi lếch thếch. Không hiểu anh ta chỉ có một bộ quần áo hay sao mà từ ngày đến nhà bà đến giờ vẫn chưa thay. Hèn chi mà rận lắm hơn giòi. Chúng bò lổm ngổm ở trên cổ, ở hai vai, ở dưới lưng. Chúng bò lổm ngổm xuống cả cái giường mà anh nằm. Anh ngồi chỗ nào, lúc đứng lên, thế nào cũng có vài chú rận kềnh nằm ngửa, múa máy những cái chân nhỏ li ti, như một người bụng to ngã chổng kềnh, không biết làm thế nào để đứng lên. Thỉnh thoảng, gặp những lúc không có việc gì làm, anh ta ra ngồi đầu hè, cởi áo ra, nhặt rận đưa lên miệng nhấm kêu lép tép. Còn cái gì tởm cho bằng cái cảnh một ông lang trần trùng trục, ngồi bắt rận trong một ngôi nhà sạch sẽ như nhà bà cựu, có một người đàn bà trẻ, đầu lúc nào cũng mượt trơn, yếm lúc nào cũng trắng bong, quần lụa cạp điền lúc nào cũng buông chùng đến gót chân, và một cô con gái chưa chồng có tiếng là đỏm dáng, gọn gàng như cô Đính, em ông cựu? Bởi vậy, mỗi lần bà cựu và cô Đính trông thấy thế, cả hai cùng sầm mặt, nguýt lang. Rồi họ lắc đầu, bĩu môi, đưa mắt nhìn nhau, như để chia sẻ với nhau nỗi bực mình. Nhưng bực mình thì bực mình, họ cũng phải bật cười. Và họ đặt tên cho lang là lang Rận.
Người ta thường bảo: khi hai người con gái lớn ở với nhau cùng một nhà, thì họ thành tinh. Bà cựu tuy đã có chồng rồi, nhưng lại chưa có con – có thể nói không con: ai ai cũng bảo rằng bệnh của ông cựu thế, thì có uống thuốc tiên cũng chẳng lành. Mà nếu bệnh của ông đã chẳng lành, thì bà ấy, trừ phi có thế nào, còn cứ lẽ thường ra, thì dẫu đúc người vàng bỏ vào bụng, cũng không đẻ được. Một người đàn bà, lấy chồng mười lăm năm không chửa đẻ, nếu không âu sầu đến héo quắt người đi, tất phải là người vui vẻ, trẻ trung. Ông cựu thì nay tổ tôm, mai tài bàn vắng nhà luôn. Thế nghĩa là bà cựu, tuy đã ngoài ba mươi, vẫn còn gái như ai, như ai vậy. Còn cô Đính thì còn con gái đích thị rồi. Con gái đến thì những năm ngoái, năm kia, nhưng lại chưa chồng. Hai người ấy ở với nhau, thật là phải lắm. Họ cùng trẻ cả, trẻ người, trẻ nết, trẻ đến cả câu nói, tiếng cười. Họ lại không phải làm gì. Ông cựu là một tay giàu ở làng này. Là một người kỳ cựu đanh thép, ông nắm được nhiều mối lợi của làng. Chỉ trông vào những mối lợi ấy, cả nhà ông cũng đã thừa ăn. Thế rồi còn tiền dư thì cho vay nợ lãi, lấy cầm, lấy cố, đặt thóc non. Ở nhà quê, có dăm bảy nghìn đồng bạc trong tay, mà lại là tay cứng chỉ có hòng bắt nạt người ta chứ chẳng ai dám bắt nạt mình, thì có cần gì phải làm đâu? Chỉ khéo cắt đặt đồng tiền một chút, cũng đã thừa sung sướng. Huống hồ ông cựu lại không con, tiền chẳng để làm gì. Như vậy thì tội gì mà bắt vợ ông, em ông phải dầu gió, mặt muội? Bà cựu và cô Đính cứ việc ăn, mặc cho đến thỏa.
No lắm, dửng nhiều? Ấy là một câu cửa miệng của người ta. No lắm, mà lại chỉ nồng nộng chơi không thì lại càng dửng nhiều lắm lắm. Bà cựu và cô Đính chỉ tơ tuốt suốt ngày, nói đùa nói bỡn suốt ngày, cười hì hì và phát lưng nhau đồm độp. Chỉ khổ ông lang Rận! Ông bị họ khinh bỉ, lườm nguýt, phỉ nhổ, nhạo cười, chế giễu, đủ trăm hình, trăm cấp. Ông hơi mở miệng nói là họ chặn họng ngay. Ông hơi nhếch môi cười là họ khoặm ngay mặt lại, nhỏ bọt đến phì một cái. Mà cơ khổ chứ! Lang Rận lại là một anh chàng bẻo lẻo. Thấy họ cười họ nói, anh chàng cứ như thấy cao hứng thế nào. Anh không tài nào nhịn được. Anh cười, anh gật gù, rồi anh lân la chõ mồm vào. Tội nghiệp! Mẹ anh chết từ ngày anh mới biết lẫm dẫm chạy đi. Anh lấy liên tiếp ba đời vợ, nhưng vợ nào cũng chê anh. Cuối cùng thì anh bực chí, quẩy đôi bồ thuốc ra đi. Anh đi khắp đó đây, tìm một nỗi an ủi, nhưng chưa bao giờ gặp. Bởi thế mà anh chàng thấy đàn bà là cứ y như mèo thấy mỡ. Họ hút anh như đá nam châm. Anh rất thích được ngồi với họ, nghe họ nói họ cười, được góp với họ một vài câu nói của anh. Chỉ thế thôi, chứ anh cũng chẳng dám ao ước gì hơn. Nhưng chỉ có thế thôi thì người ta để mặc anh ư? Đừng nghĩ thế mà lầm? Nói leo cũng tùy từng chỗ nói leo. Ở chỗ nào, chứ ở nhà bà cựu thì được bẽ. Hãy hỏi thăm mụ Lợi nhà bà xem.
Mụ Lợi là người ở nhà bà. Không một người đàn bà nào có thể xấu hơn. Mụ béo trục, béo tròn, mặt mũi như tổ ong bầu, mắt trắng, môi thâm mà đen như thằng quỷ. Ở quanh đấy, người ta vẫn lấy tên mụ ra mà dọa trẻ. Hơi trẻ nhà nào khóc, người ta lại bảo: “Nín đi! Nín đi! Mụ Lợi kia kìa!… ”. Thế mà mụ Lợi hiền lành lắm. Phải, hiền lành mà tốt nhịn, bảo sao nghe vậy, thì thế mới ở nhà bà cựu được.
Nhưng hồi mới đến, mụ cũng phải cái tật nói leo. Bà cựu mắng như băm, như bổ vào mặt cho, không còn biết mấy mươi lần. Bây giờ thì mụ chừa rồi. Ai cười, ai nói, mặc! Suốt ngày, mụ chỉ im như thóc.
Nhưng nói, trao đổi những ý nghĩ, những nỗi lòng, có lẽ là cái tật chung của loài người. Không được nói thì khổ lắm. Từ ngày có ông lang Rận, những lúc không có ai, mụ Lợi thường lân la nói chuyện với ông. Mà ông lang, chẳng biết nói chuyện với ai, cũng nói chuyện với mụ để có người nói với. Mới đầu, chỉ là những chuyện quanh quẩn trong xó bếp. Đại khái, họ hỏi nhau:
Bếp có rỗi không?
Rỗi. Ý dáng ông lang định thổi cơm ăn? Đã đói bụng rồi đấy à?
Đói hay không thì cũng phải ăn cho xong bữa chứ!
Đã gần hết gạo chưa? Có lẽ mai tôi lại phải đi chợ Huyện. Còn muốn đong mấy đồng thì gửi tiền tôi đong giùm…
Dần dà, thỉnh thoảng mụ hỏi ông lang về những bệnh của bà.
Này, ông lang này! Tôi chỉ có cái chứng thế này thì ông bảo ra sao? Tôi ăn được, ngủ được, trong người không thấy bệnh hoạn gì, nhưng thỉnh thoảng vùng mặt nóng bừng, y như cầm bó đuốc mà hơ. Thế thì nó là cái bệnh gì?
Chân hỏa vượng. Cái hỏa nó bốc lên đầu.
Có sao không?
Kể mà có tiền uống thuốc cho nó hạ bớt cái chân hỏa thì cũng tốt. Để vậy, nó hay sinh váng vất nhức đầu…
Đúng thế rồi! Tôi nhức đầu luôn..
Nguyên do là tại chị không sinh đẻ. Chứng bệnh của chị, những đàn bà góa, những đàn bà không có chồng, không mấy người không có. Nhiều người lấy chồng, tự nhiên khỏi bệnh, chả cần uống thuốc.
Mụ Lợi tưởng thầy lang bỡn mụ, nhìn trộm thầy một cái rồi ngoảnh mặt đi. Mụ thẹn. Nhưng đến lúc thầy lang thổi cơm xong, đứng lên, ra, thế nào mụ cũng nhìn theo sau lưng, tủm tỉm cười. Thầy lang vẫn không hay biết một tí gì. Người ta không thể ngờ một người đàn bà xấu thế, mà cũng có tình, như những người đàn bà khác.
Nhưng một hôm, thầy lang đang bắt rận, mụ Lợi đi qua, hỏi:
Sao ông lang vừa bắt rận hôm qua, hôm nay lại bắt? Rận đâu mà nhiều thế?
Vô thiên! Không biết sao nhiều người suốt đời không có lấy một con, mà mình thì nhiều thế.
Thịt người ta đắng. Những người thịt ngọt thì mới lắm rận.
– Thật à?
Thầy lang ngước đôi mắt ngạc nhiên nhìn mụ Lợi, mụ Lợi tủm tỉm cười:
Thật đấy.
Sao chị biết?
Sao chả biết? Người ta bảo thế, với lại thịt có ngọt thì mới nhiều rận chứ!
Lý sự của mụ nghe lẩn thẩn. Nhưng thầy lang cũng tít đôi mắt lại, cười khìn khịt. Thầy khoái lắm. Khoái, không phải vì mới học mót được một điều chưa sách thuốc nào nói đến. Khoái vì ít ra thầy cũng được một cái thịt ngon lành hơn kẻ khác. Cũng là hơn đời vậy. Và trước đôi mắt ti hí của thầy, mụ Lợi đổi khác hẳn đi. Mụ không còn là mụ Lợi đần độn và cục mịch. Mụ đã là tri kỷ.
Từ đấy, đôi tri kỷ thường tâm sự với nhau. Mụ Lợi đã biết rõ ràng về gia cảnh thầy lang. Thầy lang cũng tỉ tê hỏi dò mụ mà thông tỏ được cái ngọn nguồn lạch sông của mụ. Thì ra mụ cũng long đong, lận đận vì tình duyên lắm. Ba mươi tuổi, mụ chưa có người nào hỏi. Mụ cho là vì mụ nghèo quá, lại không còn mẹ, còn cha. Mụ đi ở quanh năm. Người ta nuôi mụ thì chỉ biết nuôi, nuôi mụ để hầu hạ người ta, còn cái sự mụ có chồng hay không chồng thì mặc mụ. À, cái nghề con gái mà đã không có chài, có chủ, có người đứng ra để gả bán cho, thì còn ai biết đường nào mà hỏi? Mụ ế chồng là vì thế, hay là theo ý mụ thì vì thế. Mãi đến năm ba ba, mụ mới gặp một người hỏi làm hai. Thấy là người cũng hiền lành, vả lại nhà khá giàu, mụ bằng lòng. Thì cũng tưởng: nửa quả hồng con hơn cả một chùm sung chát! Ai ngờ mụ phải lừa. Con vợ cả, thấy mụ đi ở mãi, tưởng mụ dành dụm được nhiều vốn liếng, lại hay làm, nên bàn với chồng, lấy mụ về để bòn tiền và để mụ làm cho. Cũng là một cách dùng đứa ở đấy thôi, nhưng lại đỡ tốn tiền công, mà lại còn được tiền thêm nữa. Mới đầu cả hai đứa còn chiều mụ. Nhưng khi chúng đã nặn hết tiền của mụ rồi, chúng trở mặt ngay. Mụ thấy mình chẳng được tí nhân nhị gì, mà lại xót đến thân, tức mình không ở nữa. Mụ lại đi ở thuê như trước. (Cứ như vậy cho đến năm nay, mụ đã băm sáu rồi!). Kể thì cũng đáng buồn! Lắm lúc, nghĩ mánh chả cò mấy chốc mà già. Mụ cũng muốn xem có ai yêu thương cũng lấy người ta. Xấu tốt cũng được, miễn là khỏi mang tiếng không chồng. Nhưng cũng lắm lúc mụ lại cứ muốn mãi mãi thế này, một mình làm, một mình ăn, chẳng chồng con gì nữa: đời bạc lắm…
Nhưng có người không bạc, thầy lang ta nghĩ thế. Và thầy nghĩ đến những người vợ thầy: rất bạc. Tại sao những người đàn ông tốt lại cứ hay gặp phải những người đàn bà bạc, còn những người đàn bà không bạc thì lại gặp phải những người đàn ông bạc? Thầy lang Rận bùi ngùi thương thân mình và thương cho người đàn bà phận hẩm. Họ than thở với nhau và phàn nàn cho nhau…
Được ít lâu, bà cựu và cô Đính biết. Họ bảo nhau:
Buồn cười quá, chị ơi! Con mụ Lợi vá áo cho thằng lang Rận.
Thật ư? Cô trông thấy bao giờ?
Vừa lúc nãy. Nó đang vá, thấy em, vội giấu vào trong cái cối xay. Em vờ như không biết, sai nó đi lấy cái chậu thau. Nó đi rồi, em lại cái cối xem, mới biết là cái tổ rận của thầy lang.
Thế thì dễ thường anh chị phải lòng nhau. Tôi cũng thấy chúng nó ít lâu nay hay cười cợt với nhau lắm. Mà con kia thì mua quà bánh cho thằng ấy luôn đấy. Sao cũng được chết với nó thôi? Dễ thường chúng nó vẫn ngủ với nhau ở trong buồng bếp nhà mình.
Thật đấy, ta phải rình bắt quả tang một mẻ, rồi liệu cho chúng nó. Những đồ vô phúc! Nhà mình là nhà làm ăn…
Tuy nói vậy, nhưng thực ra thì bà cựu tò mò hơn tức giận. Cả cô Đính cũng thế. Cuộc dò la, rình trực đem một chút thú vị đến cuộc đời của họ, nhạt phèo và buồn tẻ, bởi vì nhàn quá họ đùa bỡn, cười hi hí suốt cả ngày thật đấy, nhưng vẫn buồn…
Một đêm, cô Đính rón rén vào buồng bà cựu, bấm bà một cái. Bà cựu biết ngay là có sự lạ rồi. Bà thì thầm hỏi em chồng:
Gì thế?
Lang Rận vào buồng mụ Lợi!
Mới vào à?
Mới vào, mà vào xong chúng đóng cửa ngay.
Được rồi! Khe khẽ chứ, kẻo chúng nó nghe thấy. Cái khóa đâu rồi? Đưa tôi.
Lặng lẽ như hai cái bóng, họ rón rén ra khỏi buồng, đi xuống bếp. Cửa buồng bếp quả nhiên đóng thật. Mụ Lợi xưa nay không có thói cài cửa trong khi ngủ. Nếu không rước ông lang Rận vào trong ấy, sao mụ phải cài kỹ thế. Bà cựu thấy một cảm giác giống như là hai cái đanh khuy. Tay kia đưa cái khóa lên. Cái khóa đồng kêu một tiếng nho nhỏ. Đồng thời, tim bà cựu nhảy thót lên vì sung sướng. Bà không giữ nổi một tiếng cười đắc chí. Cô Đính, đứng đằng sau chị, véo mạnh chị một cái, rồi cũng cười nho nhỏ.
Chắc là anh chị ở trong buồng nghe thấy. Họ thì thào như để hỏi nhau. Rồi áng chừng một người đi thật khẽ, ra chỗ cửa. Y rút cái then cửa thật gượng nhẹ; từng tí một, từng tí một…Rồi cánh cửa hé ra một chút, nhưng vướng cái khóa không mở thêm được nữa. Im lặng trong vài phút, rồi lại có tiếng thì thào.
Chừng họ bảo cho nhau biết rằng họ bị người ta nhốt, và bàn bạc. Những tiếng bàn bạc trước còn rụt rè, lẻ tẻ, dần dần trở nên náo nhiệt. Có lúc, tiếng nói thầm gay gắt quá, bật lên thành những tiếng ở ngoài nghe rõ. Sau cùng thị họ làm như là cắn rứt lẫn nhau. Ờ, mà thật ra thì chính là họ đang vặc lẫn nhau. Chị mắng anh:
Im đi! Lại còn nói người ta!… Người ta đang ngủ mặc người ta, ai bảo mò đến buồng người ta? Anh cãi lại:
Ai bảo mày gạ gẫm tao?
Ai gạ gẫm nhà anh? Có anh quyến rũ tôi thì có.
Cái mặt mày đã đẹp lắm đấy, mà tao phải quyến rũ mày!
– Còn cái mặt ấy thì đẹp hẳn? Đồ bạc miệng!
Bà cựu với cô Đính đứng ngoài nghe thấy, cười đau bụng. Họ cười và họ chửi:
Bố khỉ! Thế mà chả xưng là con ông nọ, cháu bà kia! Úi chào…
Ấy con ông ấm đây!
Ấm đồng hay ấm đất đấy? Ấm thổ tả! Ấm đi chui vào buồng con ở nhà người ta!
Để sáng mai, ban ngày ban mặt, nhìn rõ cái mặt ấy xem thế nào!
Thật đấy! Cứ để sáng mai, ông cựu về rồi sẽ liệu! Sao cũng được đem ra điếm cùm, cho cả làng trông thấy.
Trong buồng im lặng. Chúng thấy có người ngoài nghe, thẹn quá, không cãi nhau nữa? Hay là chúng lo?
Sáng hôm sau….
Ông cựu vừa về đến ngõ, bà cựu đã chạy ra, nhăn nhở:
Ông chỉ đi suốt đêm, chả ở nhà mà xem…Đêm qua, chúng tôi bắt được thằng kẻ trộm.
Chỉ bậy thôi!
Thật đấy! Thằng kẻ trộm lẻn vào buồng mụ Lợi. Tôi lừa khóa được cửa, nhốt cu cậu trong ấy. Ông về xem mặt nào.
Cô Đính đưa mắt nhìn anh, cười ranh mãnh. Bà cựu nháy em chồng, cười. Ông cựu biết ngay là có chuyện gì rắc rối. Ông lật đật đi thẳng vào buồng bếp. Vợ và em vừa theo, vừa khúc khích:
– Cô đưa chìa khóa cho anh mở…
Cô Đính đưa chìa khóa cho ông cựu. Ông mở khóa. Ông đẩy tung hai cánh cửa ra. Và ông giật nẩy mình. Mặt ông quay lại, tái mắt đi. Mắt ông là đôi mắt của một người hoảng hốt. Bà cựu và cô Đính ngạc nhiên:
– Gì thế?
Họ nhìn vào căn buồng vừa mở cửa. Một đôi chân tím bầm lủng lẳng trên không khí. Đó là ông lang Rận. Ông thắt cổ! Ông thắt cổ bằng cái ruột tượng gốc của mụ Lợi. Cái mặt ông, đọng máu sưng lên bằng cái thớt. Cái đầu ông ngoẹo xuống, như một thằng bé khi nó dỗi. Trông thật là thiểu não. Nhưng không ai kịp ái ngại cho ông cả. Đây là án mạng! Lôi thôi lắm! Lôi thôi lắm! Cả nhà ông cựu cuống quýt, lo xanh mắt. Riêng mụ Lợi vẫn nằm ngủ, miệng há hốc và ngáy to như xẻ gỗ. Bà cựu phát mụ đôm đốp năm, sáu cái mụ mới giật mình, choàng dậy. Mụ ngơ ngác nhìn quanh. Và khi trông thấy tình nhân, mụ rú lên. Mụ vật vã người, khóc rống như một con chó chưa quen xích. Tội nghiệp cho con người quá nì! Sau khi cãi nhau rồi, mụ lăn ra ngủ thật say. Mụ có ngờ đâu trong lúc ấy thì tình nhân ngồi nghĩ ngợi xa gần. Y thẹn. Y buồn. Y giận đời. Y giận trời. Y giận thân. Y tím ruột, tím gan. Y nghĩ đến cái nhục sáng hôm sau…
Ấy thế rồi y đã bật diêm lên, tìm một cái gì có thể làm một cái dây..
Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 1, tháng 6-1944
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.