Nam Cao Tuyển Tập
VÀI NÉT GHI QUA VÙNG VỪA GIẢI PHÓNG
Tôi cùng đi với một anh người tỉnh Cao Bằng. Vừa được tin quân Pháp rút khỏi thị xã Cao Bằng, anh tất tưởi đi ngay. Mặc dầu mâm bát đã bưng lên, anh không thể nào nán lại độ mười phút để ăn cơm. Anh còn biết đói là gì? Anh lên dốc băng băng. Anh xuống dốc vèo vèo. Anh nhảy qua hố, rành như một con dê. Tôi đuổi theo anh mà thở gần hết cả hơi. Anh luôn luôn quay lại, khuyến khích tôi: “Cố đi! Cố đi! May ra kịp ô tô!”. Tôi chợt nhận thấy mặt anh như đổi khác hẳn đi: da hồng hào, mắt long lanh, mũi hếch lên, phớn phở lạ thường. Tôi mỉm cười, đoán trước xem khi đến cầu sông Bằng, anh sẽ làm gì? Ôm gì lấy một thanh sắt, rít lên, hay lao người qua cầu, chạy thẳng vào phố, kêu la ầm ĩ như một người hóa dại?
Anh có thể làm như thế lắm. Con người mọi ngày vốn lầm lì, hôm nay đột nhiên trở nên bồng bột hơn tất cả mọi người. Qua một cánh bãi có nhiều đám dân công đang bắc bếp thổi cơm, anh quay vào phía họ, reo to.
– Anh em ơi, Cao Bằng giải phóng rồi!
Những cái đầu đang thổi bếp, quay lại ngơ ngác trong một phút, nhìn anh. Anh vẫn bước phăng phăng, vung tay, nhắc lại tin vui.
– Cao Bằng giải phóng rồi. Tây rút khỏi thị xã Cao Bằng vớ!
Từ đám dân công vọt lên hai tiếng “hoan hô”. Đám người nhốn nháo lên. Tiếng reo. Tiếng vỗ tay. Những chị má vụt đỏ ửng, bám lấy vai nhau, xô đẩy nhau, hay vỗ lưng nhau bồm bộp, cười to. Những anh thanh niên nhảy cẫng lên. Những bộ mặt già, dãn hẳn những nếp nhăn…
A lúi! Cao Bằng giải phóng!
Sung sướng vớ!
Sung sướng nhiều lắm vớ!
Tôi đi khỏi, tiếng reo cười ở sau lưng tôi vẫn kéo dài. Đằng trước tôi, anh bạn Cao Bằng vẫn bước phăng phăng, mỗi lúc một nhanh hơn, và vẫn vung tay, giọng đắc thắng báo tin vui:
– Pi-noọng à! Cao Bằng giải phóng. Tây rút khỏi thị xã Cao Bằng. Sung sướng vớ? Về ăn mừng đi vớ!
Và những tiếng reo cười hoan lạc lại nổi lên. Lại dân công! Dân công nghỉ ở hai bên đường họp thành những rừng người lồng vào những rừng cây. Trời tối hẳn. Những đám lửa phập phồng chống lại bóng đêm dày đặc chực bóp nghẹt tất cả ánh sáng đi. Những bóng người lung linh lẫn với những bóng núi, bóng cây. Đường núi gập ghềnh, tuy có bóng lửa hắt lên, nhưng là thứ ánh lửa lập lòe, nên rất khó đi. Tôi không tài nào còn theo kịp anh bạn Cao Bằng. Anh bỏ tôi xa. Nhưng một quãng dài, tôi vẫn còn nghe vọng hai tiếng vang vang như kèn chiến thắng của anh. Và làn song reo cười chưa kịp tắt hẳn ở sau lưng tôi thì một đợt mới lại nổi lên ở phía trước mặt tôi. Vẫn dân công! Chỗ nào cũng gặp dân công. Như vậy suốt từ ngay lúc tôi bắt đầu lên mạn trên này, nghĩa là hai, ba tháng trước trận Đông
Khê. Các bản không đủ chỗ nằm, ban đêm họ toàn ngủ đường, ngủ bãi thế thôi. Tạnh hay mưa, cảnh màn trời chiếu đất vẫn chung cho cả bộ đội với nhân dân tham dự chiến dịch này. Họ bảo nhau: “Mưa chịu, tạnh được nhờ”. Tạnh hay mưa là việc của trời. Giải phóng quê hương là việc của bộ đội với nhân dân. Luôn mấy tháng, nhân dân mạn trên này chuẩn bị gạo, muối, bò, lợn, đắp đường, tải vũ khí, sửa soạn cho bộ đội đánh Tây. Cuộc chuẩn bị lặng lẽ, bí mật, ở xa không ngờ, nhưng lớn lao, vất vả, tốn kém, công phu ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ta chiếm lại Đông Khê, Tây rút lui khỏi thị xã Cao Bằng. Toàn tỉnh Cao Bằng giải phóng rồi! Sung sướng vớ! Sung sướng nhiều lắm vớ!…
Lần mò ra mấy quãng rừng xen lẫn với những cánh đồng, tôi đi đến đường vào cái lúc đã khá khuya và vào cái quán đầu tiên ở ven đường. Không có anh bạn Cao Bằng nghỉ ở đấy. Không hiểu nỗi vui đã đẩy chân anh bạn đi đến tận đâu. Tôi lấy làm may gặp được một cái quán còn đèn để có thể vào trút ba lô xuống, hỏi mua một tí gì ăn và điều đình một chỗ nằm để nghỉ.
Nhà chật quá. Nứa tươi, rạ mới cho tôi biết rằng nhà làm được độ mấy ngày thôi. Tây là Tây báo thù trận thua đau ở Đông Khê. Chúng cho tàu bay đi nã liên thanh và trút bom bừa bãi vào nhà của thường dân. Không còn một phố nhỏ nào chưa bị quấy rầy. Các phố tập trung phải phân tán thật rải rác ra… Chủ cái quán này có lẽ cũng vừa mất gần hết cái cơ nghiệp ở Trùng Khánh hay Quảng Uyên, chạy đến đây, làm lại ngôi hàng không còn biết là thứ mấy từ ngày phải tản cư, để lại kiên nhẫn làm ăn. Người ta đã sinh lì.
Cái tinh thần bền bỉ ấy như toát ra từ bộ mặt nhẫn nại của người đàn bà Nùng vừa mới dừng tay kim, chậm rãi ngước nhìn tôi. Chị ngồi khâu ở cạnh giường. Cây đèn dầu trẩu đặt ngay ở trên giường, soi tỏ ba cái đầu trẻ con đã ngủ say, thò ra khỏi cái khăn cũ chỉ còn trơ lại cái mền bông đen bẩn, đã rách bươm, lần vải bọc có lẽ đã phá ra may áo từ lâu. Cái cảnh trông vừa đầm ấm lại vừa rất ngậm ngùi, cũng như mặt người đàn bà rất bình tĩnh, rất hiền từ nhưng vẫn phảng một nỗi gì u uất.
– Không còn gì đâu, đồng chí ạ!
Tôi cứ đặt ba lô xuống rồi nhìn qua cái chõng hàng, nhìn vào bếp, hỏi.
Còn bánh chưng không?
Hết rồi.
Phở vậy?
Không có phở.
Nồi gì kia?
Bánh chưng ấy, nhưng chưa chin.
Sắp chín chưa?
Còn lâu, gần sáng kia!
Tôi thất vọng. Hàng quán hồi này như vậy đó: khi họ không sẵn thức ăn thì ta chỉ còn một cách là nhịn
đói, đừng mong họ nghĩ ra một thứ gì cho ta ăn tạm. Tôi đành bảo:
Không có gì ăn thì nhịn vậy. Nhưng tôi mệt lắm rồi, chị làm ơn cho tôi ngủ nhờ ở đây.
Nhà chật lắm. Không có giường đâu.
Tôi nằm đất… à đây! Tôi kê hai chiếc ghế sát nhau nằm cũng được.
Chị nhìn hai chiếc ghế rồi lại cúi xuống khâu không nói gì. Tôi bắt đầu loay hoay thu xếp. Kê chỗ nằm, trải bạt, giũ chăn xong, tôi mới lại bếp, xin nước uống. Tôi uống nhiều nước quá. Có lẽ chị nhận thấy và biết rằng tôi mệt lắm và đói lắm. Tôi thấy chị lại ngừng tay, ngước nhìn tôi một lúc rồi bỏ cái áo đang vá dở, đứng lên. Chị lại góc trong cùng nhà, lục lọi một lúc, rồi đem ra một bát cơm nếp, đưa cho tôi.
Cơm nếp, đồng chí có ăn không?
Còn gì bằng nữa? Có cơm nếp mà sao tôi không biết chứ!
Nấu nhà ăn thôi, không bán. Trẻ con ăn còn thừa.
Như sợ tôi phật ý, chị bảo them.
Nhà còn gạo, đồng chí muốn ăn cơm cũng được, nhưng không có rau gì cả. Tôi bảo:
Không cần, tôi ăn đây đủ rồi.
Tôi vừa ăn vừa gợi chuyện. Tôi hỏi đến chồng chị. Chị ngập ngừng một chút rồi khẽ bảo:
Xa cách nhau lâu rồi. Tôi hỏi:
Anh đi bộ đội?
Chị càng lúng túng. Mãi một lúc, mới cười ngượng nghịu và nói như thú tội.
– Cách xa nhau mãi, không gặp được nhau nữa đấy. Khác nhau về tư tưởng.
Tôi ngạc nhiên hết sức. Phụ nữ thôn quê, phụ nữ miền núi nói danh từ, bây giờ không phải là một điều gì lạ lắm. Nhưng quả thật tôi cũng chưa từng nghe một người thất học nào nói đến mấy chữ “khác nhau về tư tưởng”. Chị muốn cho tôi hiểu ra sao đây? Chắc chắn là chị dùng sai chữ. Ý chừng đây lại chỉ là một chuyện trái duyên lỡ kiếp hay cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt gì đó thôi. Nhưng không!… Dần dần chị tỉ tê kể cho tôi nghe chuyện anh chồng. Tấn thảm kịch bắt đầu từ hồi quân Quốc dân đảng Trung Hoa mượn danh nghĩa là Đồng minh sang chiếm đóng ở miền Bắc nước ta. Một trong những việc phá rối của chúng là tung đặc vụ, gây phong trào Hoa kiều hóa, dụ dỗ một số người dại dột.
Chồng chị cũng bị dử vào tròng. Đến khi chúng rút về, anh cũng trốn sang bên kia, bắt cả vợ con theo. Chị cố can nhưng anh chẳng chịu nghe. Anh theo đuổi bọn phản động, làm thổ phỉ. Chị không biết làm sao được, một đêm liền đem con trốn về Việt Nam. Bố mẹ đẻ chị theo cách mạng từ lâu, em trai chị đi Vệ quốc quân. Chị không thể nào ở với chồng làm bậy. Vợ chồng xa cách nhau từ đó… Rồi giặc chiếm Cao Bằng. Ông bố đẻ chết ở thị xã vào lúc chúng nhảy dù. Bà mẹ chạy được ra ngoài, nhưng ít lâu sau cũng chết theo. Một mình chị buôn bán nuôi ba đứa con thơ, chẳng khác gì người góa bụa…
Tôi hỏi chị
Tây rút khỏi thị xã Cao Bằng rồi, chị biết chưa?
Cũng vừa mới được nghe người ta nói lúc nãy thôi.
Chị có định về thăm thị xã không?
Cũng muốn về, nhưng không được rồi.
Chị ngồi im một lúc. Đôi mắt chị nhìn xuống đất, trông rất âu sầu. Đột nhiên chị thở dài, nói nghẹn ngào.
– Thấy nói anh ta đã trở về Cao Bằng, theo Tây. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, chưa muốn về.
Đường đi tới thị xã Cao Bằng tấp nập những người. Mặt người nào cũng hớn hở, tươi cười. Bấy giờ mới giữa trưa. Tối hẳn công an mới cho vào. Người nào cũng biết thế đấy, nhưng người nào cũng bước mỗi bước bằng bốn bước thường ngày và thỉnh thoảng lại hò nhau chạy một quãng chơi. Các chị, má đỏ như uống rượu, mắt long lanh, động một tí lại cười. Các anh, đòn gánh vác chổng ngược lên trời, vừa đi bình bịch vừa lố lố nói rất to. Các cụ già cũng đi khỏe, nói khỏe ra tuồng.
Có những người là dân ở thị xã trước kia, nóng ruột muốn về xem nhà cửa ra sao. Nhưng cũng nhiều người chỉ là dân ở các làng. Chẳng có nhà cửa gì ở thị xã để thăm nom nhưng họ cũng nô nức lắm. Họ đem theo quang gánh, tình nguyện ra nhập các đoàn vận tải chiến lợi phẩm, để vào xem thị xã.
Tới một con suối lớn, cầu đã bị ta phá từ lâu. Ở đầu suối bên kia, ngay ở đầu đường là một cái ụ gác của địch trước đây. Nước suối chảy ào ào qua một thân cây lớn chặn ngang dòng suối để làm cầu. Trèo lên đó mà nước chảy xiết còn ngập đến đùi, nước xô trượt chân người lần từng bước trên cây gỗ trơn rêu. Những người mang nặng có ý ngại ngùng. Lập tức mấy thanh niên khỏe mạnh đi người không, xông xuống trước. Các anh chống đòn gánh, sang để dò đường. Biết rõ chỗ sâu, nông rồi, các anh chia nhau đứng từng chặng, dang tay chống đòn gánh cho tất cả mọi người bám mà đi. Rồi các anh lại mang đỡ xe đạp, ba lô cho những người nặng quá.
Qua suối được tất cả rồi, mọi người hô nhau chạy. Một mình tôi đứng lại, tần ngần nhìn cái ụ gác của Tây. Ụ đắp bằng những bao cát lẫn với những hòn đá tảng to, để hở những lỗ sung để bắn ra. Bên trong có hầm sâu, kê gỗ ván để nằm… Tôi đang lẳng lặng nhìn, bỗng nghe tiếng lội suối uồm uồm. Quay lại thì ra một ông già quần xắn lên đến hang, dáng xồng xộc lội bừa sang. Nước ngập đến hang, rồi đến thắt lưng, tóe lên chiếc áo cộc nhuộm chàm! Mặc! Ông già cứ lội bừa.
Ông sang đến bờ, giậm chân bèn bẹt rồi ngửa đầu lên, toan chạy qua cái dốc lên đường, bấy giờ mới thấy tôi.
Chào đồng chí!
Chào cụ! Cụ đi đâu thế?
Đi về thị xã.
Cụ có nhà ở thị xã không?
Có. Có ba cái đấy.
Có còn cả không?
Không biết. Tôi tản cư mấy năm nay. Tản cư suốt từ ngày Tây nhảy dù đấy vớ!
Cụ tản cư đi tận đâu?
Xa lắm vớ! Cách đây ba ngày đường. Tôi đi làm thuê. Tôi làm cho sở thuộc da. Tôi biết làm da. Tay tôi đây này: thuốc nó ăn két lại, rửa không sạch nữa, như đã chín đấy.
Cụ giơ cho tôi xem hai bàn tay to lớn, tím thẫm màu da thuộc, rồi cười và sừng sộ bảo:
Tôi làm suốt từ hồi ấy. Gần ba năm rồi vớ. Không đâu, không xin nghỉ ngày nào, cứ làm thôi. Mãi đến bây giờ giải phóng Cao Bằng, tôi mới xin nghỉ sáu ngày về thăm nhà cửa. Đốc công không cho nghỉ bảo: phải tìm người thay. Tôi bảo: vợ tôi thay. Đốc công bảo: Đàn bà không thay được – Tại sao không thay được? Vợ tôi nó làm phụ với tôi. Tôi dạy nó biết làm tất cả rồi. Tôi chỉ xin đi đúng có sáu ngày: ba ngày đi, ba ngày về, không ở ngày nào. Thế mà đốc công vẫn không bằng long cho đi, sợ tôi bỏ việc. Bỏ việc thế nào? Vợ, con tôi còn ở đấy, tôi chỉ đi một mình, có đem cả gia đình đâu? Với lại bỏ việc làm gì? Kháng chiến ai cũng phải làm, biết nghề gì làm nghề ấy. Tôi biết làm da, tôi làm da. Tôi đã cần về thị xã đâu? Tôi chỉ thăm nhà xong tôi lại về làm cho sở. Sao không bằng lòng cho tôi nghỉ? Không bằng lòng, mặc kệ! Tôi bực mình, không xin về phép nữa. Cứ đi! Đi sáu ngày thôi. Hết sáu ngày, tôi lại về. Đốc công cho tôi làm nữa thì làm, không bằng lòng cho làm nữa thì thôi! Tôi cảm ơn đốc công rồi tôi đi. Tôi có ruộng ở gần thị xã, tôi về làm ruộng. Tôi không cần.
Cụ vừa nói vừa làm nhiều điệu bộ hùng hổ bằng đầu, mặt, chân, tay. Cứ như là cụ cự tôi, chứ không phải là phân bua với tôi về việc đi vô kỷ luật của cụ. Tôi mỉm cười, bảo cụ:
Cụ ướt hết cả rồi! Cứ thong thả, không cần vội đâu, cụ ạ. Còn sớm, công an không cho vào. Cụ trợn mắt, vung tay dữ dội.
Mặc kệ! Tôi cứ vào. Công an giữ tôi lại, không cho vào, cũng phải cho tôi đến đầu cầu. Tôi chỉ đến đầu cầu thôi chứ có vào đâu mà cấm tôi? Nhất định công an phải cho tôi đến đầu cầu. Tôi chỉ cần đến đầu cầu, đứng đấy, nhìn vào phố, thấy cái nóc nhà tôi một tí, rồi quay ra ngay lập tức. Tôi phải đi đêm về sở, cho đúng hết sáu ngày là lại về đến sở… Chào anh! Tôi phải đi nhanh mới được.
Cụ lại hung hăng bước, những bàn chân vững chãi nện xuống đường bình bịch. Sáu mươi tuổi rồi còn khỏe mạnh quá! Cụ vừa đi vung vẩy vừa oang oang nói lớn như say rượu.
– Công an đuổi tôi cũng không chịu. Tôi không vào. Tôi chỉ cần đến đầu cầu thôi…
Với những con người đầu óc đang “bốc” lên như vậy, công an cũng thật khó xử. Thị xã giải phóng rồi. Dân chúng tôi mừng rỡ quá. Họ như điên. Họ đòi được vào để thăm nhà. Đến lúc được vào trông thấy nhà, nhiều người che mặt rưng rức khóc. Bao nhiêu ngày mong mỏi! Bao nhiêu ngày cực khổ, nhà mất của mất, có khi người chết nữa. Bây giờ lại thấy nhà: cố nhiên mừng mà khóc, nhưng cũng khóc vì nhớ lại những lúc cực khổ, những người đã mất mát rồi. Đây là nơi vợ chồng yên ấm khi xưa… Đây là nơi đứa bé đầu long… Trước cửa nhà, trước đây có một cây to, chiều chiều bà ngoại lại đem cái chõng nhỏ ra ngồi tựa gốc cây, chơi với cháu yêu… Bao nhiêu đổi thay rồi! Cái cây đã mất lúc nào, bà mẹ già bị Tây bắn chết trong một trận chúng đi càn quét. Đứa con chết vì sốt rét lúc tản cư. Nhà bị phá phách, đào xé lung tung, tường long lở, đục lỗ châu mai, cánh cửa bị tháo ra, lát ụ ở ngoài đường. Đồ đạc mất hết, có những cái cửa bị chúng nó xây bịt kín đi một cách rất thô kệch bằng cách xếp gạch rồi trát đất… Trông không còn ra nhà nữa! Rồi lô cốt ở đằng sau. Dây thép gai. Ống bơ rỉ, vỏ đồ hộp chất đống với rác rưởi ngập ngụa và bẩn thỉu… Có những người dừng bước trước cửa nhà mình, che mặt rưng rức khóc. Những người khác thì cười thì chửi, chạy xăng vào nhà nọ nhà kia, đá cái này, quăng cái nọ, đập phá lung tung cho hả. Rồi lại có những kẻ tham vặt, nhặt nhạnh cái cốc, cái chén, cái nồi, cái chảo linh tinh. Những kẻ không có ý thức trọng của công cho rằng của Tây, của Việt gian, ai muốn lấy thì lấy, nên xông xáo lấy bừa bãi. Bọn tay sai của giặc, bọn cầu gió bẻ măng, phao đi những tin láo, làm cho dân chúng tưởng rằng có thể vào thị xã mà lấy của tự do. Vì vậy cảnh dân chúng kéo vào thị xã có hơi mất trật tự lúc đầu. Nhưng cán bộ kịp thời giải thích ngay. Trật tự trở lại rất nhanh. Dân chúng tự động trao trả lại các nhà chức trách những thức đã lấy về.
Chung quanh thị xã Cao Bằng, nhan nhản những lô cốt, những đồn. Đồn và lô cốt trấn ngự những đỉnh đồi cao, có thể kiểm soát tất cả những lối vào, lại có thể tưới đạn vào thị xã, khi cần. Trừ lối đường số 4 là lối ta khó dùng để tấn công vào, hai lối chính vào thị xã đều phải qua cầu, tất cả các lối khác, phải vượt sông. Cầu có đồn canh ở bên ngoài, lại có bốt gác ở bên trong. Đồn bốt đều là những công sự kiên cố, những ổ súng nguy hiểm cả. Dọc bờ sông là những lô cốt chìm dưới đất, chỉ nhô một tí đầu lên, vừa đủ để hé cái miệng lỗ châu mai để có thể phun đạn súng máy là là mặt đất, mặt sông. Ngay trong long thị xã, bóp canh, ụ súng, lô cốt nổi hay chìm… cũng nhan nhản ở khắp nơi. Nhà ở cũng biến thành công sự: cửa xây bịt kín bớt đi, tường đục lỗ châu mai. Các giao thông hào, các đường hầm chặt chặt, nối khu nọ với khu kia, lô cốt này với lô cốt khác.
Đánh vào thị xã Cao Bằng, còn khó gấp vạn lần vào hang cọp. Hang cọp chỉ có một lối thôi. Cái hang khổng lồ bọn giặc tạo ra ở thị xã Cao Bằng thì nhiều ngách lắm. Đứng chỗ nào chúng ta cũng ở ngay trước miệng súng liên thanh của giặc. Chỗ nào cũng có công sự cho giặc nấp để bắn ta. Chỗ nào cũng có hầm hố cho giặc tiến, lui. Giặc có thể tiến sát đến ta mà ta vẫn không ngờ. Ta khó biết chỗ nào có, chỗ nào không có chúng.
Không! Giặc không còn cố dám giữ thị xã Cao Bằng mặc dầu từ trước đến nay chúng vẫn chủ trương phải giữ đến cùng theo kế hoạch Rơ-ve do phản động Mỹ đọc cho.
Những tiếng nổ ở Đông Khê đã rung chuyển cả những công sự kiên cố của giặc ở Cao Bằng, ở Thất Khê, ở Nà Sầm, ở Đồng Đăng, ở Lạng Sơn. Giặc không còn dám tin vào công sự.
Tôi đã gặp ở thị xã Cao Bằng một người phu, một ngụy binh, một người Pháp. Cả ba cùng trốn ra khỏi thị xã Cao Bằng, tìm liên lạc với các nhà chức trách địa phương, sau ngày ta tiêu diệt Đông Khê và trước khi Pháp rút khỏi Cao Bằng. Nhờ họ, tôi biết rõ hơn tình hình thị xã trong thời kì giặc chiếm và vào những ngày chúng sắp rút đi.
Người Pháp đã đem súng ra hàng, cùng với một người bạn đồng ngũ, cũng người Pháp, anh này hiện còn đang ốm, nên tôi không tiện gặp. Chính anh tôi gặp cũng vừa mới ốm dậy. Trông anh còn thảm lắm: da vàng khè, bàn tay to xương nổi gân xanh, mặt nhăn nhó, bộ điệu mệt mỏi, già nua tuy mới hai mươi tám tuổi. Anh phàn nàn với tôi rằng anh sang Đông Dương được hơn hai tháng thì bị sốt ngay, từ bấy đến giờ, cứ sốt đi sốt lại mãi, có khi sốt liên mien, ký ninh uống cũng như tiêm mãi đến phát sợ rồi mà bệnh thì không khỏi. Từ ngày chạy sang hàng ngũ ta, anh cũng chưa được việc gì, chỉ toàn dưỡng bệnh… Thật ra thì anh cũng đã giúp chúng ta nhiều trong việc tìm ra những bẫy mìn và những kho quân nhu, vũ khí địch để phân tán và giấu kín.
Theo anh thì sau khi ta giải phóng Đông Khê, bọn chỉ huy Pháp ở Cao Bằng vẫn nói cứng như thường. “Việt Minh biết Cao Bằng là miếng khó nhai… Tập trung tất cả những lực lượng có thể huy động ở Đông Bắc, Việt Minh cũng chỉ đủ lực lượng để đánh Cao Bằng… Sau Đông Khê, bị cản trở vì thiệt hại nhiều, Việt Minh không dám đánh Cao Bằng, hay có định đánh nữa thì chương trình ít ra cũng chậm hơn…”. Chính tôi có đọc một bài truyền đơn, chúng nó thách bộ đội ta: “Các anh đã luyện tập kỹ. Các anh đã được cấp đầy đủ khí giới tốt, tại sao các anh vẫn chưa đánh Cao Bằng? Các anh sợ mìn chúng tôi sẽ làm tan xác các anh chăng? Hay các anh sợ dưới làn đạn súng máy của chúng tôi, hàng nghìn xác các anh sẽ để lại cầu sông Bằng, sông Hiến?”. Chúng nó vẫn làm bộ không nao núng như vậy đó. Nhưng cái đuôi run run vẫn thò ra, chúng ra lệnh thiết quân luật, chúng định hiệu báo động, chúng đặt kế hoạch chống giữ khi bị đánh, chúng bắt chuẩn bị sẵn sàng chỗ bí mật để cất giấu tài liệu khi không kịp đem đi, chúng thu xếp cho vợ con về Hà Nội… Tất cả những hành động cuống cuồng ấy khiến bọn lính biết chắc chắn rằng thế nào ta cũng đánh Cao Bằng, mà ta đánh Cao Bằng thì mạng chúng khó mà còn. Những quán rượu đắt hàng hơn. Những anh chàng Lê dương mặt tối sầm, ngồi lặng hàng giờ, nốc rượu mạnh hết chai nọ đến chai kia. Chúng thì thầm với nhau chuyện Đông Khê, chuyện ta sắp đánh Cao Bằng. Tin chán nản từ quán rượu truyền đi. Bọn Việt gian, bọn ngụy binh phờ phạc, lo âu. Vợ con chúng xôn xao. Đêm đêm tiếng loa địch vẫn vọng vào. Một hôm, giữa ban ngày, một cái bè chuối cắm cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ lừng lững trôi trên sông Hiến. Có những lính Âu và ngụy binh trốn đi, đem cả súng đi theo. Bọn chỉ huy sợ những lúc quyết liệt, những người chúng đi càn bắt được, ép về thị xã sẽ bỏ chúng hoặc quay súng bắn vào đầu chúng. Chúng cho tàu bay trở hết đàn bà, con gái, trẻ con, cha mẹ, vợ con những người ở trong tay chúng đi, để bắt buộc họ phải trung thành. Đó là cái lệnh cho dân thị xã Cao Bằng tạm tránh đi, để tránh “Việt Minh khủng bố!”. Dân đây chỉ bị những người bị chúng bắt được trong các cuộc đi càn quét đem về để làm phu sân bay. Chính những người ở thị xã Cao Bằng trước trận nhảy dù năm 1947 đã thoát ra ngoài, một số còn vướng lại, bị giặc tra tấn hay giết chết.
Người phu trốn được ra là một người thanh niên quê ở Hà Đông. Anh bị giặc bắt được ở làng anh, và cho đi máy bay lên đây cùng với bọn da đen vào những ngày bọn Pháp ở đấy đã sửa soạn để bỏ Cao Bằng. Ở trên máy bay bước xuống, anh nhìn thấy những người đàn bà ôm con lên chiếc máy bay tới trước, mặt mếu máo, nước mắt ròng ròng. Bọn kiểm soát chỉ cho họ mang theo rất ít đồ. Quần áo, đồ đạc thừa của họ bị chúng giật lấy một cách rất thô bỉ, quăng xuống đất. Dưới sân bay, những đám người khách lếch thếch đi, lính quát tháo, thúc bách ở đằng sau. Lính tới từng nhà, điểm mặt, gọi đi.
Đàn ông khỏe mạnh phải ở lại, không được cùng đi với vợ con; học sinh đi cùng lính sau, để làm phu. Tôi đã thấy ở sân bay những cốc chén, quần áo, đồ đạc của thường dân vứt bừa bãi. Tôi thấy cả những hòm sổ sách, giấy má, tài liệu không quan trọng của Pháp, bên cạnh những đống tro tàn giâys…
Mặc dầu có đủ thì giờ để chuẩn bị, địch đã rút một cách hấp tấp, vội vàng. Chúng nơm nớp lo đã lâu rồi. Vì vậy nhận được lệnh cho rút là mải mốt rút ngay. Vào thị xã ngay sau khi chúng rút, người ta nhận thấy điều ấy rất rõ ràng: trong nhiều nhà, đồ đạc bị xô lệch, tỏ sự hoảng hốt, cuống cuồng. Bàn ăn hay mâm cơm đang ăn dở với những đĩa đồ ăn chưa ăn hết, những hộp mới mở chưa kịp ăn, chai rượu uống nửa chừng, cốc rượu chưa cạn hẳn, hoặc nồi cơm bắc lên chưa kịp xới, rau đổ bừa ra nhà để lấy nồi… Tất cả những thứ ấy cho ta biết từ bọn võ quan đến những người phu, nhiều người chưa kịp ăn hay chưa ăn xong cũng phải lập tức bỏ cả đấy mà đi; cái kim của một chiếc máy khâu còn cắm trên đường chỉ mới chạy đến nửa chừng của một cái áo đang khâu, quần áo, giày dép, bít tất, mũ, mề đay, các đồ dùng lặt vặt cho đến cả sổ tay, tập ảnh, ví đựng tiền và giấy má… vương vãi ở trong nhà, ở trước cửa, ở ngoài đường, các kho quân nhu võ khí còn nguyên: ba khẩu đại bác mới chỉ kịp phá qua loa, máy điện chữa lại được ngay, chiếc máy chiếu bóng vẫn còn nguyên, cuộn phim còn lắp nguyên trong máy…
Tôi đã xem xét kỹ các phố. Tôi đã xem xét kỹ các nhà. Tôi đã nhìn tỉ mỉ từng cái giường, cái bàn, cái ghế trong tất cả các hạng nhà, từ nhà bọn võ quan cao cấp, bọn Việt gian to đầu đến nhà lính, nhà phu, mấy quán rượu, mấy hiệu buôn… Tất cả lộ một sự thiếu tin tưởng, một lối sống tạm bợ, cái tâm lý ăn xổi ở thì. Nhà nát không buồn chữa, tường bẩn không muốn quét vôi, cửa long lấy một sợi dây thép buộc qua loa. Chân giường gẫy thay bằng mấy hòn gạch xếp bên nhau. Đồ đạc toàn là đồ đạc của của đồng bào thị xã tản cư để lại. Những thứ tốt, bọn võ quan Pháp, Việt gian đầu sỏ lấy về chỗ chúng ở để dùng. Còn lại là những thứ mối mọt lòng gãy, ọp ẹp chẳng ra hồn. Những đồ đạc mới rất ít, có nữa chỉ là những thứ xấu xa bằng gỗ tạp. Buôn bán gồm mấy hàng tạp hóa, mấy quán rượu, mấy hiệu ăn. Anh ngụy binh ra hàng cho biết rằng: hồi Pháp còn đóng nhiều vị trí, kiểm soát được một số dân không thể bỏ ruộng đất mà đi, những người dân bắt buộc phải giả vờ theo chúng nó, cứ đúng kỳ hạn phải đến trình giấy, nên thị xã còn có người lui tới. Bấy giờ chúng bày ra những trò bán vải, mở sòng bạc ngay giữa chợ, để dử một số dân đi chợ. Nhưng từ ngày chúng bị ta vây chặt, thị xã đứt hẳn mọi liên lạc với ngoài, buôn bán rút lại chỉ còn một số nhỏ người quẩn quanh mua, bán lẫn của nhau. Một vài kẻ sừng sỏ, dùng tiền hay gái, dựa vào thế lực mấy thằng quan, được chúng nó cho về Hà Nội buôn hàng Tây lên bán cho Tây: mấy đứa con buôn vô liêm sỉ ấy làm giàu. Mấy thằng nửa ma cô nửa bồi tiêm, mấy con mẹ tứ chiếng giang hồ mở quán rượu, tiệm hút, nhà thổ hay cả ba thứ ấy hỗn hợp với nhau kiếm ăn về bọn lê dương. Vợ ngụy binh, chị nào được chồng khéo xoay thì sống dựa vào chồng, chị nào phải chồng vụng xoay thì vừa sống dựa vào chồng vừa sống dựa vào các thứ Tây trắng, Tây đen hay ngụy binh không phải là chồng. Những chị hiền lành buôn bán cò con hoặc làm phu sân bay hay tất cả những người nghèo đói khác bị Tây đi càn quét bắt về. Cuộc sống ô nhục, bứt rứt và tẻ nhạt. Thức ăn thường ngày của Tây là đồ hộp: các thứ cá hộp, thịt bò hộp, bắp cải hộp… anh em dân công ta mới vào thì tưởng là quý hóa, nhưng phải ăn tạm mấy hôm đã chán kinh, phát ốm rồi. Gạo phát cho ngụy binh và phu là gạo tải từ Sài Gòn ra, trông thì trắng lắm, nhưng ăn thì nhạt nhẽo là khét lẹt vì là gạo máy và cũ quá, thường thường là đã mục. Tôi có cảm tưởng như chưa một bức tường nào được quét vôi lại một lần nào. Chúng mới chỉ phá được một ít nhà để lấy gạch bịt cửa những cái nhà khách cho lính của chúng nằm. Chúng đắp những ụ súng, đào những đường hầm. Chúng treo được rất nhiều dây thép gai để treo những chiếc ống bơ gỉ lên. Nghĩa là biến cả một cái thị trấn xinh xinh thành một chốn ẩn nấp rất bẩn thỉu để chui, hàng ngày ăn đồ hộp và gạo mục, nơm nớp đợi ta tấn công vào! Ngoài những thức ấy ra, chúng mới chỉ làm được một cái nghĩa địa ngót ba trăm mộ.
Chỉ có ngót ba trăm mộ thôi ư? Hơn một nghìn ngày, chạm phải hàng mấy trăm cuộc phục kích, đột kích, chống càn quét của bộ đội và du kích ta, là còn sốt rét, đi tả, thương hàn với trăm thứ khác nữa, chúng phải chết đến mấy nghìn. Mấy nghìn mạng con người mà chỉ còn giữ được có ngót ba trăm xác! Ngay cái nghĩa địa cũng không xứng đáng. Tôi nhìn kỹ từng ngôi mộ. Mỗi mộ một con số, một tên người. Tôi nhận ra mấy tên võ quan Pháp, chết ngay trong trận nhảy dù xuống Cao Bằng. Đây là những mộ người Âu, phân biệt bằng những hình thập tự. Đây là những mộ lính da đen, có hình mặt trăng vẽ trên mộ chí, đếm thấy nhiều hơn. Nhiều hơn cả là những mộ ngụy binh, chúng đề là “Partisan”.
Tôi đọc những dòng chữ: “Chết cho nước Pháp”… “Chết vinh quang”… rất mỉa mai.
Chết cho nước Pháp! Chết vinh quang! Mẹ già, vợ dại có lẽ khóc đến giờ vẫn chưa nguôi.
Bọn buôn máu và mồ hôi đã biến những chữ thiêng liêng thành tờ giấy bạc giả đổi lấy tính mạng những người khờ dại…
Chung quanh thị xã Cao Bằng, cỏ gianh phồn thịnh lắm. Có những con đường hoàn toàn bị vùi dưới cỏ gianh. Những con đường khác chỉ còn được một tí mặt đường, hai bên là cỏ gianh dày và ngập đầu người. Người ta không còn nhận ra những nền nhà ở cạnh đường, cỏ gianh đã mọc rậm như rừng. Cỏ gianh chờm lên tận mái một ngôi đền, chỉ còn thò một tí nóc đen ra. Cây hoang cỏ dại mọc um tùm che kín những bản thôn lẻ tẻ, bị đốt phá dở dang, chỉ còn sót lại một đôi nhà, cửa vách trống hoang không còn một tí đồ đạc nào ở bên trong, dường như không có người nào ở, nhưng thật ra vẫn có dăm, ba người ở. Những ông già lẩn lút ở lại, chăm nom những mảnh ruộng khuất, trong khi vợ con tản cư đi làm ăn chỗ khác.
Tôi vào nhà cụ già đã ở lại làng suốt trong thời kì tạm chiếm. Cụ đã bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm. Cụ bảo: “Tôi như con ngựa của thằng Tây: cả ngày không ngủ, cứ ăn cơm tối xong mới đi nằm, ngủ một giấc cho đến sáng”. Một mình cụ làm ba mẫu ruộng, thóc ăn không hết, giấu giếm một ít gần làng, còn bao nhiêu con về gánh ra ngoài. Mắt còn sáng, xỏ kim lấy được. Nghe động, chạy nhanh như con cầy, con cáo, lẩn cũng tài như con cầy, con cáo; nhưng hôm nào chúng nó đến tận nơi mới biết, không kịp chạy, cụ làm ra bộ già yếu lắm, lưng còng xuống, mắt hấp hem, vừa thở vừa ho sù sụ, nói bải hoải tai nghiêng nghiêng ghé ghé, mặt ngẩn ngơ như người điếc đặc. Chúng nó chửi, cụ gật đầu, móm mém cười đần độn. Thỉnh thoảng lại thở dài, chán nản: “Con theo Việt Minh đi đâu mất rồi, không biết. Cụ già lắm, đi tản cư không làm gì nên ăn, ở nhà giồng bẹ thôi”. Một lần một thằng Tây lại quát vào tai cụ hỏi: “Có thấy Việt Minh không?”. Cụ chắp tay khúm núm, cười cười bảo: “Vợ chết rồi. Vợ chết rồi. Vợ chết lâu lắm rồi…”.
Cụ kể với tôi những chuyện như vậy và cười khoái chí. Cụ bảo tôi: “Sao nó hỏi ngu thế nhỉ? Có thấy Việt Minh không? Việt Minh đây chứ Việt Minh đâu! (chỉ chỉ vào ngực cụ…). Rồi nó lại nói: có thấy bộ đội không? Sao không thấy, nhưng ai bảo nó? Tôi vẫn dẫn đường cho bộ đội, cho du kích. Bộ đội, du kích vẫn ăn cơm nhà tôi luôn. Hôm nào có anh em, tôi ra tận đường canh gác, nhỡ có chúng đến thì báo hiệu cho anh em biết…”
Thấy tôi mở bản đồ ra xem, cụ cũng ghé lại xem. Cụ bảo tôi.
Bản đồ gì đây?
Bắc Bộ.
Có tỉnh Phú Thọ không?
Có đấy. Phú Thọ đây.
Tôi chỉ một cái khoanh tròn nhỏ tí. Cụ thích lắm, hỏi them.
– Yên Bái chỗ nào?
Thấy Yên Bái rồi, lại hỏi:
– Sơn La?
Tôi chỉ Sơn La. Cụ hỏi:
Ở Tây Bắc có phải không?
Vâng, Tây Bắc.
Chuyến này có đánh trận nào không?
Đánh Pa Kha, chỗ này đây.
Tôi chỉ trên bản đồ và thuật lại cho cụ nghe những trận đầu tiên của bộ đội và nhân dân Tây Bắc đánh để phối hợp với bên này.
Cụ lại càng thích lắm. Cụ bảo tôi.
Con thứ hai ở mặt trận Tây Bắc đấy. Trước làm trung đoàn trưởng V… Đồng chí có biết không? Cụ kể chuyện anh.
Nó hoạt động lâu rồi, từ hồi Nhật chưa sang. Nó được sang Trung Quốc học. Ngày ấy, tôi sợ Tây bắt nó nên bảo nó: “Con đi theo cách mạng, đánh Tây, cứu nước, thầy cũng biết là phải lắm. Thầy cũng muốn đánh Tây, cứu nước, nhưng không thấy con có một khẩu súng, viên đạn nào, mà Tây thì có nhiều súng đạn, thì con đánh nó làm sao được?”. Nó bảo: “Thầy đừng lo! Rồi bao nhiêu súng đạn của chúng nó sẽ thành của ta cả đấy”. Tôi nghe nó nói vậy cũng biết vậy, nhưng không hiểu ra sao. Bây giờ thành ra thật: của cải của Tây ở Đông Khê, ở Cao Bằng, thành của ta rồi nhỉ? Lấy được bao nhiêu súng đạn thế, tha hồ đánh. Đánh được chúng nó, lại được thêm súng đạn…
Tôi từ nhà ké, quay trở về thị xã. Mưa vừa mới tạnh. Chiều rồi. Trời ảm đạm. Mây vướng trên các đỉnh đồi. Người đợi vào thị xã tránh mưa cả trên đường sá vắng ngắt. Nước sông Hiến trôi không tiếng động. Chiếc cầu đen thủi vương qua sông không một bóng người. Thành phố im lìm. Trông từ đằng xa nó giống như một mảnh đồ chơi cũ kỹ của một thằng bé đã chết, lâu ngày bị bỏ quên giữa những đồi trọc bãi hoang. Bên trên cái bãi hoang lạnh của đồi, bãi mênh mông là cái hoang lạnh mênh mông của trời chiều. Đã có biết bao nhiêu buổi chiều ảm đạm như thế rồi? Những cái lô cốt chót vót, cô lẻ giữa cảnh đất trời hoang vu và bát ngát. Người lính Pháp xa quê hương, nghĩ ngợi gì, khi đứng trên những lô cốt trơ vơ giữa không gian lạnh lẽo kia, những chiều buồn? Anh tình báo của bộ đội ta một mình vào vùng địch, nằm ở cái nhà nát của ông ké, trong một ngõ xác xơ, thấy ấm lòng và vững dạ biết bao? Không cái gì có thể thay thế được lòng người. Tên lính Pháp đứng gác trên lô cốt, mặc dầu có công sự chắc chắn và vũ khí lợi hại trong tay vẫn thấy mình lạnh lẽo, cô độc và nhỏ yếu.
Tôi đã vào một quán rượu, trước đây bọn chúng hay đến nhất. Đó là một cái nhà ọp ẹp, một tầng mà cũng vẻn vẹn có một căn. Hai bộ bàn ghế lùn bằng gỗ tạp, một cái quầy còn lổng chổng những chai cốc, sặc sụa mùi rượu mạnh, đồ đạc không có gì đáng chú ý, ngoài vẻ tồi tàn. Thềm nhà tiết ra hơi ẩm. Ba bức tường có vẽ.
Bức tường bên phải vẽ một cảnh phố như ở Pari. Phố rất đông người nhưng làm sao trông rất quạnh hiu? Những cặp trai gái khoác tay nhau, đi vật vờ như đi trong cõi hoang lạnh của mình. Một anh đi đường mặt chưa già nhưng dáng người lụ khụ, mặt húp híp, bì bì trên đôi vai cụp xuống, bên cạnh một chị người xộc xệch, mặt phờ phạc, đầu ngoẹo xuống vai và hai mắt nhìn xuống đất. Bức tường bên trái vẽ một cảnh loạn xạ hơn, một cảnh đua ngựa, một cảnh đánh bài, một anh chàng lảo đảo, ngước cổ dốc ngược một cốc rượu vào mồm bằng một tay và tay kia cầm sẵn cái chai để rót thêm, một lão già híp mắt nhìn thân hình con gái lõa lồ, những cặp khiêu vũ nhảy như điên, tất cả cái ấy quay cuồng chung quanh cái tháp Ephen nghiêng ngả, có chăng cờ của Pháp, Mỹ, Anh cùng với cờ của Giáo hoàng, và bên trái nữa, ở chỗ sát mây, một cái biển viết một dòng chữ Pháp: “Septième ciel à louer – Tầng trời thứ bảy cho thuê!…”. Bức thứ ba, vẽ ở góc bên phải bức tường trông ra cửa, giản dị hơn. Đây chỉ là một cảnh quen thuộc với đội quân viễn chinh Pháp ở đây: một gã lê dương cao lớn, một tay xách tai một con lợn, khiêng nó với một gã lê dương khác, tay kia giơ cao lá cờ ba sắc, mặt hớn hở, mồm há hốc như hô to một khẩu hiệu lớn lao nào đó, sau lưng là một chú ngụy binh xun xoe, đê tiện, tay cầm gà…
Tôi rời thị xã Cao Bằng để đi về phía Lạng Sơn, bấy giờ cánh quân vừa bỏ thị xã Cao Bằng cũng như những cánh quân đi đón nó, đi cứu nó – chín tiểu đoàn vào hạng tinh nhuệ và gan góc bậc nhất của Pháp – tất cả đã tiêu tan. Hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng. Biên giới không còn bị khóa. Một số đường giao thông cần thiết trở về ta. Đồng bào Cao – Lạng cày cấy lại được những ruộng đất bị bỏ hoang. Đồng bào toàn quốc vui mừng. Thế giới dân chủ vỗ tay, hoan nghênh trận chiến thắng lớn của Việt Nam. Nỗi vui chiến thắng, chan hòa ở trong lòng mọi người, như chiếu rọi cả ra ngoài, rung lên thành ánh sáng trong nắng óng ả mùa thu. Con đường rậm rịt đang được những con người ca hát sửa sang. Giặc đã bị đánh lui, cái hoang vu cũng bị đánh lùi theo. Người tấp nập trở về. Những người lẩn lút trước đây, bắt đầu sống ngang nhiên. Nhà nát chữa lại, nhà mới dựng thêm. Lối đi được phát quang. Qua các bản, các thôn, đã nghe tiếng gà lợn, tiếng gà con. Từng cánh ruộng cỏ gianh đốt, thơm mùi cỏ mật. Nay mai lại mắc máng dẫn nước vào, lại cày lên. Lúa thuần thục trở về, thay thế loài cỏ dại…
Tôi đọc thấy những lời cáo thị của ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, kêu gọi những đồng bào đã lầm đường hoặc bị ép đi theo giặc, còn tản mát ở các nơi, hãy trở về. Và tôi gặp họ trở về. Chính họ ngạc nhiên: Pháp vẫn dọa họ rằng Việt Minh sẽ báo thù, họ cũng có nghi ngại một đôi phần, họ không ngờ việc trở lại của họ lại gọn ghẽ, dễ dàng đến thế. Bộ đội ta cho họ nhập vào các đội dân công. Khi hết nhiệm vụ rồi, họ được về nguyên quán.
Một bọn vào ngủ nhờ cùng với chúng tôi, trong một cái quán của một chị Thổ vừa dựng ở ven đường. Họ tự xưng là những người buôn bán ở Cao Bằng, bị Pháp bắt đi. Chị Thổ nhìn họ chăm chăm, rồi quay vào, nói nhỏ với tôi:
Không phải người buôn bán đâu, anh ạ! Tôi hỏi:
Sao chị biết?
Em nhận được mặt một người. Người đứng tuổi, mặc áo tây đen, đứng mãi ở bên kia đường, anh có thấy không? Nó làm việc với Tây đấy. Nó là Páctidăng già, chứ buôn bán gì!
Sao chị biết?
Em vẫn ở đây, em lại gì? Em nấp trong bụi, trông thấy nó luôn. Có lần nó đứng trên kia, sai lính xuống vườn nhà em, cắt quả bí. Em giận lắm. Trông thấy cái mặt nó, ghét, cũng chẳng muốn cho uống nước nữa. Nhưng nghĩ cho cùng thì Chính phủ tha cho người ta còn được nữa là mình… Tay cũng có ngón dài, ngón ngắn, phải không anh? Người cũng có người khôn, người dại.
Tôi tán thành ý kiến chị. Chị quay ra đổ nước thêm, mời mấy người đang uống, rồi gọi với sang người mặc áo tây đen, ngồi mãi vệ đường bên kia.
– Mời bác sang đây xơi nước. Có nước nóng.
Người kia do dự một tí rồi mới sang – có lẽ vì cũng biết mặt chị hàng. Anh ta có vẻ hơi ngượng. Nhưng chị đổ nước cho anh ta một cách rất tự nhiên và hỏi chuyện anh ta vui vẻ… Tôi nghĩ đến chị Nùng có chồng theo quân của Tưởng Giới Thạch rồi theo Pháp. Nếu anh ta còn sống, vẫn có thể trở về với vợ con. Chính phủ khoan hồng. Đồng bào rộng lượng. Nhưng liệu anh ta có còn sống nổi không, hay là đã tan xác trong khi bị đẩy ra đỡ đạn cho Tây ở Cốc Xá, Khâu Luông hay nơi nào rồi?
Tôi gặp ở Đông Khê một đội tân binh gồm toàn những người ngụy binh mới ra hàng ta trong trận vừa rồi. Khi thấy Tây bị ta chặn đánh, họ đã quay sang bắn lại Tây rồi chạy sang với bộ đội ta. Cảm kích về cách đối đãi thân ái của bộ đội ta, họ không muốn về quê, họ xin tòng ngũ để đi đánh giặc lập công, chuộc những lỗi lầm trước. Tôi đến vào lúc họ đang học hát. Bây giờ họ mới biết được những buổi tối sinh hoạt của anh em Vệ quốc quân. Họ thấy khác xa với cái đời làm lính cho đế quốc trước đây. Họ có cảm giác như người vừa sống lại.
Không phải chỉ những ngụy binh mới cảm thấy nỗi sung sướng được thoát khỏi tay đế quốc. Lính Âu, lính Phi cũng đều cảm thấy. Tôi gặp trên đường nhiều tù binh hoặc da trắng, hoặc da đen. Họ không có vẻ là những người bị bắt mà lại có vẻ những người mới thoát tù. Họ cười đùa. Một anh hút cái tẩu vừa lắc lư cái đầu một cách hài lòng, bảo:
– Thế là tổng phản công rồi!
Ông giáo đang nói chuyện với anh, lắc đầu bảo:
Chưa phải là tổng phản công. Anh ngạc nhiên:
Tại sao chưa?
Chúng tôi còn phải đánh nhiều trận to hơn nữa.
Vậy thì các anh đánh luôn đi! Tôi nóng lòng về nước lắm…
Có những anh đáng lẽ chỉ còn mấy ngày nữa là đến hạn được hồi hương. Một anh bảo:
– Tôi viết thư báo cho vợ tôi biết tôi sắp được về. Được tin này chắc nó lại tha hồ mà khóc!
Anh ngẩn mặt ra một lúc rồi anh nhổ bọt và chửi tục. Tự nhiên một anh bật lên, giơ nắm tay, phùng má, trợn mắt hô:
– Treo cổ Sác-tông lên!
Tôi còn gặp nhiều toán đồng bào, phần đông là phụ nữ bị địch bắt lên máy bay tải từ Cao Bằng về Lạng Sơn được bộ đội ta giải phóng, lũ lượt kéo nhau trở lại Cao Bằng. Chồng con bị Tây bắt đi cùng với chúng, chẳng biết sống chết ra sao, lạc lõng ở đâu. Họ bị bọn lính Pháp lục soát, có vòng, nhẫn, tiền hay vật gì đáng giá, tước hết cả rồi. Sau khi đã để mặc cho bọn lính làm cái việc ăn cướp trâng tráo ấy, bọn chỉ huy còn bảo họ: “Các quan đi ít lâu rồi lại trở lại đây. Ai đi được thì đi. Ai không đi được thì ở lại. Nhưng ở lại thì coi chừng Việt Minh nó vào nó cắt đầu cả lũ!”. Có những người ngờ nghệch, vẫn còn tin lời chúng. Họ đi theo. Bị ta đuổi riết, chúng thúc đi nhanh. Những người còn phải mang con nhỏ, không đi nhanh được, chúng bắt đặt con xuống đường, bỏ đấy mà đi. Chúng đi rồi, đồng bào ở ven đường thấy có trẻ con bỏ đường ẵm về nuôi. Người ta kể chuyện rằng: vợ một tên Việt gian, không đi theo kịp, thấy chồng đi mất rồi, bơ vơ với một đứa con bế ngửa, sợ quay về cũng bị ta giết, liều lĩnh ném đứa con xuống sông rồi nhảy theo. Những người trông thấy, cũng đang lo sợ, nên chỉ ngồi xúm lại với nhau mà khóc lóc, chẳng ai can. Trông họ đi lếch thếch mà ái ngại! Những người mẹ mắt đỏ hoe giàn giụa nước, gánh những đứa con mặt nhếch nhác, ngẩn ngơ. Những đứa trẻ mặt buồn thỉu hay nhăn nhó, chân quấn giẻ để đi trên đá cho đỡ đau, không còn muốn bước. Những ông già mặt phờ phạc, ngồi xuống vệ đường để rên và thở. Họ bị lừa dối quá lâu, sự thật ở ngoài vùng tự do bị lũ giặc che đậy, bưng bít, xuyên tạc hết. Cuộc giải phóng đột nhiên mở toang các thị trấn, làm họ tiếp xúc lại được với đồng bào ở bên ngoài, với cuộc sống ở bên ngoài. Họ ngạc nhiên khi qua Thất Khê san sát những cờ đỏ sao vàng vẫn thấy rất đông những người Pháp đi đứng rất ung dung. Trong một thị trấn đã về ta, đã đầy những bộ đội chiến thắng của ta, vẫn còn những người Pháp cười nói, đi bách bộ trong vườn hay ngồi hút thuốc lá một cách yên hàn, bình tĩnh thế kia ư? Lại có cả tàu bay Pháp ở sân bay nữa! Thế là nghĩa làm sao? Một người đàn bà tức quá, không chịu được. Chị đặt cái gánh trẻ con xuống, hỏi một anh bộ đội đi qua.
– Đồng chí ơi, có phải ta với Pháp đình chiến rồi không?
Anh bộ đội ngạc nhiên, nhìn chị từ đầu đến chân, rồi nghiêm khắc hỏi.
Ai bảo chị?
Không. Nhưng em thấy người Tây ngồi nhan nhản cả kia? Anh bộ đội bật cười.
Đó là những tù binh, lính Pháp ta bắt được.
Thế chiếc tàu bay kia?
Ta cho chúng nó đem tàu bay đến để tải một số xác chết và một hố Pháp bị thương về Hà Nội. Cái này hỏng máy, không có người chữa, chưa đi được. Ta cho gửi…
Sao lại thế? Họ đã thấy mỗi lần Pháp bắt được ta, bất kể là bộ đội du kích hay có khi chỉ là những dân thường bị tình nghi, chúng tra tấn dã man, rồi chúng cắt tiết hay chặt đầu đem bêu ra phố cho mọi người trông thấy. Họ không ngờ cách ta đối đãi lại với chúng nó lại dễ dãi, khoan hồng đến thế…
Tôi trở về hậu phương. Luôn mấy tháng nay, các vùng hậu phương ở đây cũng vắng hẳn người như ở Cao Bằng, dân đi phục vụ tiền tuyến cả. Nhưng bây giờ thì đồng bào đi phục vụ tiền tuyến đã về. Lập tức họ đổ xô ra đồng, gặt hái ngay. Các cán bộ họp để rút kinh nghiệm về việc huy động dân công phục vụ chiến dịch vừa qua mới được giải phóng, đề ra bao nhiêu việc phải làm, tổ chức các việc tăng gia sản xuất, giáo dục nhân dân, phát triển dân quân du kích… Phải cung cấp thêm cán bộ các ngành cho các vùng ấy, để trong một thời gian ngắn, hết sạch những ruộng hoang, những khối óc mù mịt, do lũ giặc đã gây ra trong mấy năm chiếm đóng… Những đồng bào tản cư nhộn nhịp trở về với ruộng đất cũ của mình. Họ bỏ nghề buôn bán tạm bợ để quay lại với công việc sản xuất vững chắc hơn. Mấy phố buôn bán vãn hẳn những tiệm cà phê, những hàng quà. Hàng giảm giá, gạo rẻ hơn: một phần vì người ta nóng nảy muốn về ngay, bán rẻ cho chóng hết nhưng một phần cũng vì chiến dịch thắng lợi mở cho người ta nhiều triển vọng…
Tôi về thị xã. Gặt hái vừa xong. Nhà nào cũng làm bún, bánh giầy, giết gà, vịt ăn Tết tháng Mười. Vẫn là theo cái tục hàng năm. Nhưng Tết cơm năm nay có ý vị riêng, đồng bào vừa ăn Tết, vừa ăn mừng chiến thắng. Họ băn khoăn một điều, không hiểu bộ đội có được nghỉ ngơi, ăn mừng chiến thắng không? Họ đã được trông thấy bộ đội đánh giặc cực kỳ vất vả, đánh luôn mấy ngày liền, bỏ cả ăn để đánh, ăn bí xanh để đánh, bởi còn chạy đuổi giặc, cấp dưỡng không đuổi kịp. Ăn hạt gạo mới nhớ đến công lao cày cấy, chăm bón suốt một mùa, nhưng cũng nhớ đến người chiến sĩ đuổi giặc, giữ gìn thóc lúa cho dân. Xã này cũng như tất cả các xã khác đều có nuôi sẵn bò, lợn để bộ đội ăn mừng chiến thắng: chưa thấy người về lấy.
Tôi rất cảm phục cái tinh thần giác ngộ của những người nông dân miền núi còn rất chất phác này. Bây giờ nhiều người khi ốm thích tiêm thuốc hơn là mổ gà, mổ lợn cúng ma. Đó chỉ là một hiện tượng mới thấy chừng hơn một năm nay. Nhưng từ hơn một chục năm trước, đã rất nhiều người tin cách mạng rồi. Các nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn… là những người được đồng bào ở đây nhắc đến nhiều, bằng giọng nói và lời lẽ rất cảm phục, rất mến yêu, trong những câu chuyện nói với chúng tôi vào những buổi tối ngồi nướng sắn quanh bếp lửa. Từ hơn một
chục năm trước, ở đây đã nổ ra những cuộc chống đi phu, chống nộp thuế cho đế quốc. Đế quốc đã bắt bớ, chiếm giết, tù đày rất nhiều người. Chúng nó đã đốt làng, dồn làng, bắt dân ở tập trung cả một chỗ, ngày đêm canh gác. Nhưng cách mạng vẫn âm ỉ như thường để những cuộc tranh đấu thỉnh thoảng lại bùng ra. Bị dập ở chỗ này, cách mạng lại lan ra chỗ khác. Nó len cả vào những xã tập trung, có lính canh gác ngày đêm – lính canh gác, gần gũi những người dân cách mạng, dần dần cũng theo cách mạng. Bọn thực dân dùng trăm hình, trăm cách cũng không làm tắt nổi phong trào. Năm 1940, nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Cái mầm võ trang tranh đấu được Đảng cộng sản Đông Dương săn sóc, chăm nuôi. Nó lớn lên. Nó lan xuống Đình Cả, Võ Nhai rồi tỏa ra cả Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang. Nó nối liền với phong trào Bắc Cạn, Cao Bằng. Từ chiến khu Cao – Bắc – Lạng, cuộc tranh đấu tiến xuống phía Nam, bao trùm cả Việt Bắc, rồi toàn quốc, rồi Tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn đất nước.
Người Bắc Sơn nhắc lại bước đường trước ấy vào dịp giải phóng Cao – Lạng này.
Chúng tôi được tin giặc phải rút khỏi Lào Cai, Hòa Bình. Bộ đội liên khu III diệt hai mươi vị trí địch, bức chúng rút ba mươi vị trí. Chắc chắn rằng ở Trung Bộ, ở Nam Bộ, giặc cũng bị thiệt hại nhiều trong những trận bộ đội ta ở những nơi ấy đánh để phối hợp với Cao – Lạng vừa rồi. Chúng nó đang kêu gào Mỹ giúp thêm. Chúng nó cho tàu bay đi bắn phá bừa bãi các chợ, các phố, các làng, bắn cả đến đàn trâu dưới ruộng, tốp người lẻ tẻ bên đường. Chúng nó đang bắt người, cướp thóc ở các vùng tạm chiếm để lập ngụy quân; cũng có nơi chúng nó lại lùng giết hết những thanh niên nam nữ chỉ để lại những người già, yếu… Ta thắng lợi thì địch tất phải đối phó mạnh hơn. Chúng ta còn phải vượt nhiều dốc lắm. Có điều chúng ta không sợ dốc…
Đồng bào ở xã tôi tạm trú cũng tin như vậy. Mặc dù địch xa, họ không coi thường địch. Họ cất giấu thóc lúa, đào hầm để tránh máy bay khủng bố. Họ thảo luận chương trình, tăng gia sản xuất mùa chiêm. Họ tăng cường du kích, dân quân. Nhiều người đi lên tỉnh đầu quân. Cái đà mạnh đã có rồi, phải nhân đó mà đẩy cho cuộc chuẩn bị tổng phản công thật mạnh, thật nhanh. Địch đã bị một vết thương đau. Phải đánh cho chúng túi bụi, không thể nào gượng lại được nữa. Cao – Lạng đã giải phóng nhưng toàn quốc chưa giải phóng thì Cao –Lạng vẫn chưa yên ổn. Nhân dân Cao – Lạng vẫn sẵn sàng đi dự các chiến dịch khác, cũng như đồng bào ở Trung du, ở đường số 5 đã gửi những đoàn vận tải lên Cao – Lạng.
Cao Bằng 7-10-1950
Bắc Sơn 24-10-1950
(Tạp chí Văn nghệ số đặc biệt mừng chiến thắng Cao – Lạng)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.