Nam Cao Tuyển Tập

XEM BÓI



Hắn tưởng hắn chỉ nhọc thôi. Nhưng đi qua một tiệm ăn, nghe tiếng mỡ reo trong chảo và ngửi những mùi xào nấu đưa ra, hắn mới biết rằng hắn lại còn đói nữa. Chính vì đói cho nên mới nhọc đến thế, mà đói cũng phải; tối hôm qua nhịn, sáng hôm nay chỉ ăn có một dánh khoai lang bằng ngón chân cái rồi đi ngay; chưa cơm nước gì… “Làm một bát phở chăng?” bụng hắn nghĩ thế nhưng chân hắn cứ đi. Đi qua tiệm ăn mấy bước, hắn nuốt nước dãi kêu đánh ực. Hắn cố xua hình ảnh một bát phở bốc khói ra khỏi trí. Bởi vì phở thì ngon thật. Nhưng mà đắt. Mà lại long bõng nhiều nước quá. Tiếng rằng một bát, nhưng nếu chỉ kể nguyên bánh và thịt, khó mà được năm miếng thỏa. Đúng hai hào một bát, biết ăn mấy bát? Nhiều: không đào đâu ra tiền được; ít: dở miếng càng thêm khổ, mà lát nữa đi đến ngoài kia, tiểu tiện đánh tòe một cái, lại đâu vào đấy: bụng đói hoàn đói… thà làm mấy hào cơm cho chắc dạ…

Hắn vừa đi vừa suy nghĩ thế, mặt hắn cúi gằm xuống đất, gần như chẳng nhìn thấy gì, bởi cái lối đi đã thuộc quá, có nhắm mắt mà đi cũng không sợ lạc. Đến hàng cơm mọi khi, hắn cứ rẽ vào, rồi mới ngẩng mặt lên. Vừa ngẩng lên hắn tức thì tưng hửng. Đôi lông mày sâu róm của hắn nhấc cao đến lưng chừng trán. Đôi mắt hắn rán to. Mũi hắn hếch lên như mũi một con dê con nghe dê mẹ gọi. Hắn có vẻ vừa bỡ ngỡ, vừa cáu kỉnh. Bởi vì vừa rồi, khi mới gần tới đây, hắn đã dọn mồm sẵn để ăn cơm. Thế mà người ta lại không còn bán ở nơi này nữa. Hắn nhìn căn nhà hai tầng quét vôi vàng, bên phải. Hắn nhìn căn nhà hai tầng có cái gác như một cái chuồng chim, bên trái. Hắn nhìn cây bàng to trước cửa… Đúng là cái nhà này, không sai được. Nhưng cái chõng hàng cơm, với những cái chậu sành đựng đồ ăn, với đàn ruồi nhặng như mọi khi, thì không còn thấy. Cửa lùa ở hai bên thì thấy đóng, chỉ thấy để một lối ra vào ở giữa mà thôi. Trước cửa, treo một bức mành mành, như kiểu những nhà để ở, không buôn bán.

Cái hàng cơm đã dọn đi nơi khác hoặc không bán nữa, có thế thôi. Thật giản dị như một bài tính đố trẻ con. Nhưng hắn bực mình nên cứ băn khoăn hỏi mãi: “Thế thì cái cóc gì? Thế là cái cóc gì?”. Hắn lẩm bẩm thành lời. Rồi hắn lại toan xộc vào nhà, để hỏi người trong nhà nữa, làm in như một người đang đòi nợ thấy con nợ của mình chuồn mất. Nhưng mới bước vào khỏi bức mành mành, hắn chợt trông thấy cái biển treo ngang. Ấy là một cái biển nhỏ, màu đỏ thẫm, chữ đen, như cố giấu mình đi. Hắn phải giụi mắt mấy lượt cho khỏi quáng mắt, rồi mới đọc nổi ba dòng chữ viết khắc chìm xuống gỗ: “Thầy bói Cư, trước ở Hà Nội nay dọn về đây, tiền vận, hậu vận, nói mười lời không sai một”. A! Thầy bói. Cái giống này không làm cho no bụng, hắn lui ra, nhưng cũng chưa đi vội. Có lẽ cũng chỉ vì hắn nhọc, mà trời thì nóng, hắn không biết có một hàng cơm nào gần đấy cả. Hắn nhăn nhó, đứng tần ngần một lát. Đi đâu mà ăn bây giờ? Mấy hàng chữ in trên tấm biển của thầy bói lần lượt hiện ra trong óc hắn. Hắn tặc lưỡi, và tự bảo: “Mẹ nó! Hay là mình hỏi xem có rẻ, xem một quẻ”. Tuy thế, hắn vẫn còn do dự. Bởi vì cái sự rẻ chắc là ít có. Tay này đã ở trên Hà Nội, tất phải là tay khá lắm (đối với hắn, cái gì

Hà Nội cũng là khá cả: không khá, sao lại có thể góp mặt được với dân Hà Nội?). Lão này chắc phải xem giỏi lắm, xem giỏi thì lấy đắt. Chắc lão phải lấy từ một đồng trở lên. Hắn làm gì có tiền mà xem?… Bởi nghĩ thế nên hắn đã chực vào rồi lại không vào nữa. Nhưng hắn cũng không đi dứt. Bởi vì từ lúc nghĩ rằng: hắn không đủ tiền để mà xem, tự nhiên hắn muốn xem bói quá. Giá độ năm hào mà cũng xem được thì thích thật. Hắn quyết định nhịn đói để xem một quẻ. Để xem người ta nói ra thế nào? Tại sao hắn cứ long đong mãi thế? Bao giờ thì đứng số? Liệu đời hắn có còn bao giờ mở mày, mở mặt ra được nữa hay cứ thế này mãi mãi?… Lòng hắn tự nhiên sầm tối lại. Hắn nghĩ đến nỗi khổ của hắn từ ngày ốm một trận, nghỉ lâu quá mất việc để bây giờ thành thất nghiệp… Những đồ đạc bán đi… Những ngày ăn cháo loãng cầm hơi… Những buổi tối vợ chồng cắn rứt nhau. Những lần vác đơn để khúm núm xin việc hết sở này sang sở khác… Ngay lúc nãy, hắn cũng vừa xin việc ở một hãng chế tạo đồ dùng nọ. Ông chủ hãng cầm lấy tờ đơn của hắn, xem qua một chút rồi trả lại ngay, lắc đầu, đuổi hắn ra. Hắn rơm rớm nước mắt, năn nỉ như một thằng ăn mày xin một đồng xu: “Bẩm ông, ông rủ lòng thương đến con! Ông thuê hàng trăm người nữa có vào đâu? Ông cho con mỗi tháng bao nhiêu cũng được. Con thất nghiệp quá một năm rồi. Nhà nghèo lắm. Ông không thương con thì con chết đói mất…

”. Chả biết ông chủ có để ý nghe những lời hắn nói không. Ông cúi mặt, trông xuống quyển sổ lớn tướng mở trên bàn. Bỗng ông ngửng phắt mặt lên, trợn mắt nhìn hắn và sừng sộ:

Anh không ra còn đứng làm gì đấy?

Lạy ông, ông không thương con thì con chết đói. Con thất nghiệp…

Hắn toan đọc lại những điều vừa mới nói. Nhưng ông không muốn nghe gì hơn nữa. Ông đẩy hắn ra phía cửa:

– Ra đi! Con khỉ!… Ai hơi đâu mà bạ thằng thất nghiệp nào đến cũng nuôi? Đủ người rồi, ra đi!

Ngay lúc ấy, hắn nghẹn ngào trong cổ. Nhưng chỉ một lúc sau hắn đã bật cười. Bởi nghĩ cho kỹ thì ông nói phải: ông bỏ ra bao nhiêu tiền lập cái hãng của ông, là có ý kiếm lợi chứ có phải mở một nhà tế bần đâu, mà bắt ông phải chứa tất cả những đồ chết đói? Bây giờ nhớ lại, hắn cũng nhếch mép cười một chút. Nhưng cười thì cười, hắn cũng không thể vì thế mà vui vẻ lại. Có điều ý nghĩ của hắn lại quay về lão thầy bói. Hắn tin chắc rằng: lão thầy bói này hay lắm. Lão sẽ dọi một tia sáng vào cõi tương lai mù mịt của hắn. Lão sẽ báo cho hắn biết đời hắn mai sau thế nào?…

“Thì mình cứ vào hỏi xem!… ”. Nhưng sợ đổi ý, hắn chưa nghĩ đến hết câu đã bước vào ngay lập tức.

Mặt hắn hơi tái đi một chút. Tim hắn đập.

Có hai người trong đó, đều nằm cả. Ý chừng họ nghỉ trưa. Một người mặc áo thâm thùng, để nguyên cả cái khăn xếp tàng tàng ở trên đầu và đôi kính đen trên mắt: ông thầy đấy hẳn. Người kia mặt quần áo cánh trắng. Giữa lúc vải khan, xà phòng đắt này mà lành lặn, sạch sẽ được như y kể cũng là sự khó. Bởi vậy mà hắn không đoán được y là gì đối với ông thầy bói: học trò hay đày tớ? Giá ông là người Tàu thì còn dễ hiểu, hắn sẽ bảo: y là thông ngôn. Ông thầy nằm theo bề dọc bộ ghế ngựa quang dầu. Bên trên ông là một cái bàn thờ làm như một cái đôn đóng vào tường. Một cái mành hoa che kín mít đi, nên hắn chẳng biết trên ấy có những chi chi cả. Bên ngoài ông, nghĩa là giữa sập, là một cái trap, với một cái đĩa để trên, một ống hương và một cuộn hương vòng đang cháy dở, chấm than ủ tròn bốc một dây khói thiu thiu. Anh chàng áo cánh trắng nằm theo chiều ngang bộ ngựa, châu đầu vào với ông thầy bói, làm thành một cái hình thước thợ. Y lim dim ngủ. Nghe thấy tiếng chào của hắn, y nhỏm phắt dậy như một con lật đật. Ông thầy chầm chậm và bình tĩnh hơn. Hắn lại gần anh chàng áo cánh trắng và hỏi khẽ.

Thưa ông, ở đây xem bao nhiêu một quẻ?

A, có ba hạng. Nếu ông xem một quẻ chỉ sự hỏi một việc thôi thì có hai hào rưỡi…

Có hai hào rưỡi!… Hắn mở đôi mắt hơi to một chút. Bởi vì đó chính là một sự ngạc nhiên. Nhưng anh chàng kia vẫn nói tiếp. Y pha vào lời nói rất nhiều chữ Nho, hắn không hiểu rõ nên không nhớ kịp.

Nhưng hắn cũng lờ mờ rằng: sau cái hạng hai hào rưỡi, còn một hạng năm hào để xem cả một đời người, (hắn biết vậy nhờ hai tiếng chung thân) và một hạn một đồng để hỏi han đến việc của an hem, bố mẹ… Ờ! Nếu vậy thì rẻ lắm. Hắn sẽ xem một quẻ vào hạng giữa. Hắn ghé ngồi vào cạnh ghế phía trong, có ý để khuất mình vào cánh cửa, để ở ngoài không trông thấy. Người áo trắng nhắc cái đĩa trên mặt trap đặt ngay trước mặt hắn:

– Ông đặt quẻ.

Hắn móc túi, bỏ vào đấy năm hào. Y lại nhắc cái đĩa đặt về chỗ cũ cho ông thầy bói, rồi đứng lên, ra ngoài. Lão thầy bói mù rút một nén hương, nhờ hắn thắp giùm. Lão mở tráp mấy miếng cau và một xếp độ ba bốn lá giầu không để vào cái đĩa đựng cái giấy năm hào của hắn. Lão đặt nén hương mới thắp nằm ngang ở trên cùng. Rồi sau khi đã hỏi tên, tuổi, làng, tổng, huyện, tỉnh của khách hàng, lão nâng cao cái đĩa lên ngang mặt, và khấn to như một thầy cúng đọc sớ:

– A-di-đà-phật! A-di-đà-phật! A-di-đà-phật!…

Hắn chỉ nghe được ba tiếng, nhắc đi nhắc lại ba lần, trên đầu bài khấn. Rồi đến một hàng chữ Nho, trong đó có tên, tuổi, nơi ở của hắn. Kể rõ ràng như trong một lá đơn. Lão thầy bói mù tịt, nên trong khi lão khấn, hắn có thể nhìn tròng trọc vào cái mặt da thiết bì và béo như phù của lão. Khấn xong, lão gieo tiền, vừa gieo vừa lẩm bẩm đọc những lời bí mật gì. Rồi lão ngồi ngẩn mặt ra một lúc như tính toán. Hắn nhìn đăm đăm vào đôi môi mập mạp và thâm như một miếng thịt trâu luộc chín. Đôi môi ấy chợt mở ra:

Ông có nhớ giờ sinh không?

Thưa cụ không biết rõ, chỉ biết vào buổi chiều khoảng chín, mười giờ gì đó.

Thế thì giờ Tị.

Lão lại lẩm bẩm một lát, rồi mới cao giọng bảo:

Cứ như cái tuổi của ông, nếu sinh vào giờ Tị, phụ mẫu không còn được song toàn, nghĩa là bố mất mẹ còn hoặc bố còn mẹ mất.

Không phải thế: bố mẹ cháu khuất cả rồi.

Thế thì không phải ông sinh vào lúc mười giờ. Chắc là mười một giờ, sang giờ ngọ.

Lão lại lẩm bẩm tính…

Phải rồi! Giờ Ngọ… Giờ Ngọ thì cha mẹ đều mất sớm. Mà ông tuy không phải là con cả nhưng lại là con cả đấy.

Thưa cụ, sao lại thế?

Ấy, ông cứ nghĩ kỹ xem!

Hắn nghĩ… và bỗng gật mạnh đầu một cái. Ờ! Thánh thật! Lão nói vậy là đúng đấy. Tuy hắn có một người anh, nhưng người anh ấy đi tha phương cầu thực mấy năm nay chẳng có thư từ, tin tức gì. Chẳng biết phiêu bạt nơi đâu, còn sống hay đã chết. Việc cúng giỗ ở nhà, hắn phải thay anh mà cáng đáng tất cả, thế chẳng phải là tuy không cả, mà cả ư… ? Lão thầy bói hỏi:

– Có phải thế không ca?

Hắn chịu. Và hắn nói rõ điều ấy cho lão nghe. Lão toét miệng cười!

– Ấy đấy…

Lão lại nghiêm mặt, tiếp:

Cái số ông, từ bé đến giờ gian truân đã nhiều đây. Nhưng được cung thê thiếp tốt. Bà ấy chắc đảm đang. Nhưng phiền nỗi vợ chồng xung khắc, ngồi nói với nhau được ba câu là cãi nhau…

Trời ơi! Đúng quá!… Câu này thì rất đúng!… Hắn gần như muốn kêu lên như vậy. Nhưng lão còn nói nữa:

– Nhưng hay giận hay lành, cãi nhau xong chỉ một lúc lại đâu vào đấy…

Thì đã hẳn! Ai mà giận được con mẹ ấy! Nó nói nghe tức thật: thật cứ ngang như cua, nhưng cái nết làm, cách ăn ở với chồng con, với hàng xóm láng giềng thì thật không chê trách được. Không có nó hết lòng chạy chữa, nó đã chết tám đời rồi, đâu còn sống được đến bây giờ? Và tuy nhà túng lắm, một hào cũng khó, nhưng chẳng lần nào hắn đi xin việc, nó không đưa cho đồng bạc. Ấy! Sáng ngày cũng thế:

Nó vừa đưa tiền vừa căn dặn cho dù hắn có xin được việc hay không, cũng đi ăn uống gì đó rồi hãy về, kẻo đói bụng, cảm một cái là không bõ… Nó lạy giời lạy đất! Hắn được con vợ có thể nói là khá
thật!… Hắn thích chí được người ta khen vợ, kể lể rất dài dòng với lão thầy như vậy. Hắn khen lão thầy bắt sát, và tin ở tài lão lắm. Hắn bắt đầu hỏi về hậu vận…

Ông còn long đong năm nay, sang năm nữa. Đến năm băm mốt thì mới khá. Công việc tự nhiên mà gặp. Tài lộc dồi dào…

Lão nói rất nhiều, đại khái tốt nhiều xấu ít, và lão quả quyết đến năm bốn mươi mốt thì hắn giàu bạc vạn…

Chà! Thích quá!… Giàu bạc vạn! Hắn ra về hể hả. Bụng hắn không đói nữa. Người hắn không mệt nữa. Ảo tưởng lóa mắt hắn. Hy vọng nâng chân hắn. Mắt hắn sáng ngời, hí hửng. Hắn lẫng cẫng, mỉm cười một mình, mắt lóng lánh nhìn tương lai rực rỡ, như một thí sinh vừa mới thấy tên mình trúng bảng. Hắn đi thoăn thoắt… Bỗng hắn giật nẩy mình, há hốc mồm ra, rồi tối tăm mặt mũi. Hắn thấy như mình vừa lăn từ trên đỉnh núi xuống tung lên, vật xuống, lắc bên nọ, bên kia nhanh chóng quá, đến nỗi sự đau đớn không kịp hiện ở chỗ nào rõ rệt. Chỉ biết mình sợ quá. Rồi hắn rơi thụt xuống cái hố sâu, đen nghịt. Trên miệng hố, những tiếng xôn xao nhốn nháo. Hắn văng vẳng như lúc nằm ngủ, bị bóng đè. Rồi hắn lịm đi, chẳng còn biết gì nữa.

Ấy là một cái tai nạn xe hơi khủng khiếp. Nạn nhân gần tắt thở. Máu ra nhiều quá, khó còn phương cứu chữa. Nhưng người ta vẫn mải mốt đưa xác hắn vào nhà thương.

Tiểu thuyết thứ Bảy

Số 479, Ngày 18-9-1943


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.