Trước Ngày Em Đến
Chương 6
Tuyết rơi đột ngột tới nỗi khi tôi rời khỏi nhà trời còn trong xanh thế mà chưa đầy nửa tiếng sau tôi đã lướt qua một tòa lâu đài trông chẳng khác gì cái bánh cưới, phủ xung quanh là một lớp kem trắng dày ịch.
Tôi lê bước vào ngõ, bước chân tôi nặng nề và những ngón chân đã tấy đỏ, tôi run cầm cập dưới cái áo khoác lụa Tàu quá mỏng. Một luồng tuyết trắng cuộn lên từ không gian xám ngắt vô tận, gần như che khuất dinh thự Granta, phủ lấp thanh âm, và làm thế gian chậm lại với một nhịp độ lạ kỳ. Bên kia bờ giậu cắt tỉa gọn gàng, xe cộ lướt qua cẩn trọng chưa từng có, khách bộ hành chệnh choạng rên rỉ trên vỉa hè. Tôi kéo khăn choàng qua mũi, thầm ước mình đã ăn mặc thứ gì đó hợp lý hơn đôi giày búp bê và chiếc váy ngắn vải nhung.
Tôi quá ngạc nhiên khi người mở cửa không phải là Nathan mà là bố Will.
“Nó đang nằm trên giường,” ông nói, ngước nhìn lên từ dưới vòm. “Nó không ổn lắm. Tôi đang nghĩ có nên gọi bác sĩ không.”
“Nathan đâu ạ?”
“Sáng nay nghỉ. Tất nhiên là nghỉ ca ngày. Gã y tá đó đến rồi đi chỉ trong tích tắc. Nếu tuyết cứ rơi thế này thì tôi không chắc lát nữa chúng ta sẽ làm gì.”
Ông ta nhún vai, như thể những chuyện này là vô phương cứu chữa, rồi mất hút xuống cuối hành lang, rõ ràng là nhẹ nhõm khi không phải gánh trách nhiệm nữa. “Cô biết nó cần gì, phải không?” ông ta nói với qua vai.
Tôi cởi áo khoác và giày, và vì biết bà Traynor đang ở tòa (bà đánh dấu những ngày có hẹn lên một cuốn lịch ghi nhớ để trong gian bếp của Will), tôi cho đôi tất ướt lên lò sưởi để sấy khô. Có một đôi tất của Will trong giỏ đồ đã giặt, thế là tôi đi vào. Đôi tất
rộng đến nực cười so với chân tôi, nhưng thật tuyệt vời khi có đôi chân khô ráo ấm áp. Will không đáp khi tôi gọi, thế nên một lát sau tôi pha cho anh một cốc nước, khẽ gõ cửa rồi thò đầu vào phòng. Trong bóng tối lờ mờ tôi chỉ nhìn thấy hình hài anh dưới chiếc chăn lông vịt. Anh đang say ngủ.
Tôi lùi ra một bước, đóng cửa lại sau lưng, rồi bắt tay vào những công việc buổi sáng của mình.
Mẹ tôi dường như luôn gom góp được niềm thỏa mãn thể chất từ một ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ. Giờ đây tôi đã phải hút bụi và quét nhà hằng ngày suốt một tháng ròng, thế mà tôi vẫn không cảm nhận được sự quyến rũ đó. Tôi ngờ rằng sẽ không có lúc nào trong đời mà tôi không muốn có người khác làm việc này hơn là phải tự làm.
Nhưng trong một ngày như hôm nay, khi Will nằm bệt trên giường, và thế giới bên ngoài kia dường như đã đóng băng, tôi có thể thấy có một dạng niềm vui thiền định trong trò đi tới đi lui từ đầu này tới đầu kia khu nhà phụ này.
Trong khi tôi hút bụi và đánh bóng, tôi mang chiếc đài từ phòng này qua phòng khác cùng mình, mở tiếng nhỏ để không làm phiền Will. Chốc chốc tôi lại ló cổ qua cửa, lần nào cũng thấy anh thở đều đều, thế rồi chỉ tới khi đã một giờ trưa mà anh vẫn chưa tỉnh, tôi mới bắt đầu cảm thấy hơi lo lắng.
Tôi xếp đầy giỏ củi, để ý thấy tuyết đã phủ chừng năm phân trên mặt đất. Tôi pha cho Will một ly nước mới, rồi gõ cửa. Khi gõ lần nữa, tôi gõ thật mạnh.
“Sao?” Giọng anh khàn khàn, như thể tôi vừa đánh thức anh.
“Tôi đây.” Khi thấy anh không đáp, tôi nói, “Louisa ấy mà. Tôi vào được không?”
“Tôi khó mà nhảy nhót gì được.”
Căn phòng âm u, rèm cửa chưa kéo lên. Tôi bước vào trong, để mắt làm quen với ánh sáng lờ mờ. Will nằm nghiêng, một tay khoanh trước ngực như thể để giúp anh trụ
thẳng người, vẫn giữ nguyên tư thế từ nãy tới giờ. Đôi khi tôi dễ quên mất là anh không thể tự mình trở người. Một bên tóc anh dựng lên, chiếc chăn lông vịt quấn chặt quanh người. Mùi da thịt đàn ông chưa tắm, âm ấm phủ khắp căn phòng – sự mở đầu của một ngày lao động như vậy kể ra thì không khó chịu, nhưng vẫn hơi đáng ngạc nhiên.
“Tôi có thể làm gì đây? Anh muốn uống nước không?”
“Tôi cần thay đổi tư thế.”
Tôi đặt ly nước xuống mặt tủ kéo rồi đi tới bên giường. “Anh… anh muốn tôi làm gì?”
Anh nuốt vào từ tốn, như thể làm thế đau lắm. “Nhấc rồi trở tôi, rồi điều chỉnh thành giường cao lên. Đây…” Anh hất đầu bảo tôi lại gần hơn. “Đặt cánh tay cô dưới cánh tay tôi, vòng hai tay sau lưng tôi rồi kéo ra sau. Cứ ngồi trên giường, như thế mới không bị trẹo thắt lưng.”
Tôi không thể coi như chuyện này không có chút nào kỳ quặc. Tôi vòng tay quanh anh, hương cơ thể anh phả đầy cánh mũi tôi, da anh ấm áp cọ vào da tôi.
Trừ gặm tai anh, chẳng còn cách nào đưa tôi gần sát anh hơn được nữa. Ý nghĩ đó hơi kích thích tôi, tôi phải cố hết sức giữ vững tinh thần.
“Sao thế?”
“Không có gì.” Tôi hít một hơi, đan hai tay vào nhau và điều chỉnh vị trí cho tới khi tôi cảm thấy đã ôm được anh vững chãi. Anh to hơn tôi nghĩ, chẳng hiểu sao cả nặng hơn nữa. Thế rồi, đếm từ một đến ba, tôi kéo mạnh ra sau.
“Chúa ơi,” anh càm ràm vào vai tôi.
“Sao?” Tôi suýt thả rơi anh.
“Tay cô lạnh kinh khủng.”
“Vâng. À, nếu anh mà thèm ra khỏi giường, anh sẽ biết ngoài trời tuyết rơi thật rồi đấy.”
Tôi chỉ nửa đùa, nhưng giờ tôi nhận ra da anh nóng hổi dưới lần áo phông – cái nóng ran chừng như tỏa ra từ sâu trong cơ thể anh. Anh rên khẽ khi tôi điều chỉnh cho anh dựa vào gối, tôi cố thao tác nhẹ nhàng chậm rãi hết sức. Anh chỉ cái điều khiển từ xa có thể nâng đầu và vai anh lên một chút. “Nhưng đừng cao quá,” anh lẩm bẩm. “Hơi chóng mặt.”
Tôi bật đèn ngủ lên, mặc kệ anh phản đối yếu ớt, để tôi nhìn rõ được mặt anh. “Will – anh ổn không?” Tôi phải nói câu đó hai lần anh mới trả lời tôi.
“Không phải ngày tốt nhất của tôi.”
“Anh cần thuốc giảm đau không?”
“Có… loại mạnh nhé.”
“Có lẽ paracetamol nhỉ?”
Anh dựa lưng vào chiếc gối lạnh ngắt rồi thở dài.
Tôi đưa cái cốc bê-se cho anh, nhìn anh nuốt.
“Cảm ơn,” sau đó anh nói, và đột nhiên tôi cảm thấy không thoải mái.
Will chưa bao giờ cảm ơn tôi về điều gì.
Anh nhắm mắt, trong một lát tôi cứ đứng ở cửa quan sát anh, ngực anh phập phồng dưới áo, miệng anh hơi mở ra. Hơi thở anh ngắn, và có lẽ hơi nặng nhọc hơn mọi ngày. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh không ngồi trên xe lăn, và tôi không chắc có phải anh nằm thế là để ổn định huyết áp hay không.
“Đi đi,” anh lẩm bẩm.
Tôi đi ra.
Tôi đọc tạp chí, chỉ thỉnh thoảng ngóc đầu lên để xem tuyết phủ dày quanh ngôi nhà, giăng lên bậu cửa sổ tạo nên khung cảnh trắng xóa như rải bột. Tới 12.30 trưa, mẹ nhắn tin cho tôi bảo rằng bố không thể chạy xe xuống đường.
“Về nhà thì phải gọi điện báo trước cho bố mẹ nhé,” bà chỉ bảo. Tôi không hiểu nổi mẹ nghĩ mẹ đang làm gì nữa – tiễn bố ra đường với một chiếc xe trượt tuyết và chú chó kéo xe giống St Bernard ư?
Tôi nghe tin tức địa phương trên đài, xa lộ ùn tắc, tàu hoãn chuyến, trường học tạm thời đóng cửa là những gì trận mưa tuyết bất thần kéo theo. Tôi trở vào phòng Will, nhìn lại anh. Tôi không thích màu da của anh. Anh tái nhợt, bên má nào cũng có nhiều điểm trắng bợt.
“Will?” tôi gọi khẽ.
Anh không nhúc nhích.
“Will?”
Tôi thoáng trào lên cảm giác sợ hãi. Tôi gọi tên anh thật to hai lần nữa.
Không có tiếng đáp. Cuối cùng, tôi cúi xuống bên anh. Mặt anh chẳng có cử động nào lộ rõ, ngực anh tôi không thấy phập phồng. Hơi thở của anh. Lẽ ra tôi phải cảm nhận được hơi thở của anh chứ nhỉ. Tôi cúi mặt xuống sát mặt anh, cố tìm một hơi thở ra. Khi không tìm được, tôi với tay ra chạm nhẹ vào mặt anh.
Anh chùn lại, mắt bật mở, chỉ cách mắt tôi chừng dăm phân.
“Tôi xin lỗi,” tôi nói, nhảy bật ra sau.
Anh chớp mắt, liếc nhìn quanh phòng, như thể anh vừa ở nơi nào rất xa nhà.
“Lou đây mà,” tôi nói, khi không dám chắc anh có nhận ra mình không.
Vẻ mặt anh hơi ngơ ngác. “Tôi biết.”
“Anh ăn chút súp nhé?”
“Không. Cảm ơn.” Anh nhắm mắt lại.
“Thêm thuốc giảm đau nhé?”
Gò má anh hơi bóng mồ hôi. Tôi đưa tay ra, chiếc chăn của anh cảm giác khá nóng và ướt đẫm. Điều đó khiến tôi lo lắng.
“Có việc gì tôi nên làm không? Ý tôi là, nếu Nathan không thể tới đây?”
“Không… Tôi ổn,” anh lẩm bẩm, rồi nhắm mắt lại.
Tôi xem qua tập tài liệu, cố tìm hiểu xem liệu tôi có bỏ sót điều gì. Tôi mở tủ thuốc, hộp đựng găng tay cao su và băng dán vết thương, tôi nhận ra mình không hề biết phải làm gì với những thứ này. Tôi gọi điện thoại nội bộ để nói chuyện với bố Will, nhưng tiếng chuông điện thoại chừng như đã mất hút vào một gian phòng trống rỗng. Tôi nghe thấy nó dội lại vào cánh cửa khu nhà phụ.
Tôi định gọi cho bà Traynor thì cánh cửa sau bật mở, Nathan bước vào, người ông bọc trong lớp lớp áo quần dày sụ, chiếc khăn len và cái mũ hầu như bịt kín cả đầu ông. Ông mang theo một luồng gió lạnh ngắt và một cơn mưa tuyết nhỏ.
“Chào,” ông nói, rũ tuyết ra khỏi giày và đóng sầm cánh cửa lại sau lưng.
Cảm giác như căn nhà đột ngột bừng tỉnh sau cơn mộng mị.
“Ôi ơn Chúa ông tới rồi,” tôi nói. “Anh ấy không khỏe. Anh ấy đã ngủ gần hết cả buổi sáng mà hầu như chẳng uống gì. Tôi không biết phải làm gì nữa.”
Nathan trút vội áo khoác. “Phải đi bộ cả đoạn đường tới đây. Xe buýt ngừng chạy cả.”
Tôi đi pha trà cho ông, khi ông vào kiểm tra Will.
“Cậu ấy nóng rẫy,” ông nói. “Cậu ấy thế này lâu chưa?”
“Cả buổi sáng. Tôi đã nghĩ anh ấy sốt, nhưng anh ấy nói chỉ muốn ngủ thôi.”
“Chúa ơi. Cả buổi sáng? Cô không biết cậu ấy không thể tự điều hòa nhiệt độ bản thân sao?” Ông lướt qua tôi, bắt đầu sục sạo khắp tủ thuốc. “Kháng sinh.
Loại mạnh.” Ông giơ một cái lọ lên, dốc một viên vào cái cối rồi dùng chày nghiền nát với vẻ giận dữ.
Tôi tiến lại phía sau ông. “Tôi đã cho anh ấy một viên paracetamol.”
“Thế thì khác gì cho cậu ấy ăn kẹo trái cây.”
“Tôi không biết gì cả. Có ai nói cho đâu. Tôi đã mặc ấm cho anh ấy.”
“Nó ở ngay trong tập tài liệu chết tiệt đó thôi. Nghe này, Will không đổ mồ hôi giống chúng ta đâu. Thực tế từ khi bị tai nạn tới giờ cậu ấy không hề đổ mồ hôi nữa. Điều đó có nghĩa nếu hơi bị lạnh, đồng hồ nhiệt độ của cậu ấy hoạt động không chuẩn nữa. Đi lấy cái quạt lại đây. Chúng ta sẽ đưa nó vào đó cho tới khi cậu ấy mát xuống. Một cái khăn tắm nữa, để đặt dưới gáy cậu ấy. Chừng nào tuyết chưa ngừng rơi thì chúng ta không thể đưa cậu ấy đi khám được. Gã bác sĩ phải gió ấy. Sáng mai thì họ liệu liệu mà lo vụ này.”
Tôi chưa bao giờ thấy Nathan tức giận tới vậy. Ông thậm chí không còn nói chuyện trực tiếp với tôi nữa.
Tôi chạy đi lấy cái quạt.
Gần bốn mươi phút sau nhiệt độ của Will mới trở về mức chấp nhận được.
Trong khi chúng tôi chờ đợi thuốc giảm sốt cực mạnh phát huy tác dụng, tôi đặt một
chiếc khăn lên trán anh và một chiếc khác quanh cổ đúng như Nathan hướng dẫn. Chúng tôi cởi áo cho anh, đắp ngang ngực anh một tấm chăn cotton dễ chịu và để quạt thổi qua nó. Không bị che khuất bởi ống tay áo, những vết sẹo trên cánh tay anh lộ ra rõ rệt. Tất cả chúng tôi vờ như tôi chẳng nhìn thấy chúng.
Will hầu như im lặng khi chịu đựng tất cả sự chăm sóc, chỉ trả lời có hoặc không trước những câu hỏi của Nathan, nói yếu tới mức tôi không chắc anh có biết mình đang nói gì không. Giờ đây khi nhìn anh trong ánh sáng, tôi nhận ra anh quả là đang ốm nặng và cảm thấy thật tệ khi không phát hiện ra điều đó. Tôi cứ nói xin lỗi mãi cho tới khi Nathan bảo tôi rằng ông nghe đến bực mình rồi.
“Được rồi,” ông nói. “Cô cần quan sát những gì tôi đang làm đây. Biết đâu về sau có khi cô cần làm việc này một mình.”
Tôi cảm thấy mình không có quyền phản đối nhưng vẫn khó tránh khỏi cảm giác khó
ở khi Nathan kéo lưng quần Will xuống, để lộ vùng bụng trần xanh xao, rồi cẩn trọng gỡ miếng băng dán quanh cái ống nhỏ ở bụng anh ra, lau chùi nhẹ nhàng rồi thay miếng băng. Ông chỉ cho tôi cách thay túi đựng nước tiểu trên giường, giải thích tại sao nó luôn phải để dưới thấp hơn người Will, và tôi bối rối khi quả thực sắp phải mang túi chất lỏng âm ấm đó ra khỏi phòng. Tôi mừng vì lúc này Will không nhìn tôi – không chỉ vì có thể anh sẽ buông một lời bình luận nhức tai, mà vì tôi cảm thấy về mặt nào đó việc tôi chứng kiến một phần sinh hoạt riêng tư này sẽ khiến anh xấu hổ.
“Mọi việc như thế đó,” Nathan nói. Cuối cùng, một tiếng sau, Will nằm lơ mơ, trải lưng trên tấm ga cotton mới, trông anh nếu không thực sự bình ổn thì cũng không còn ốm kịch liệt nữa.
“Để cậu ấy ngủ. Nhưng nhớ đánh thức cậu ấy hai tiếng một lần và phải đảm bảo là cô rót được vào bụng cậu ấy phần lớn cốc nước dinh dưỡng. Năm giờ thì cho thêm thuốc hạ sốt nhé? Có thể khoảng bốn giờ cậu ấy lại tăng nhiệt, nhưng không cho uống thêm gì trước năm giờ đâu.”
Tôi nguệch ngoạc mọi thứ xuống một tờ giấy nhớ. Tôi sợ làm sai bất cứ điều gì.
“Giờ cô sẽ phải làm lại những gì chúng ta vừa làm đấy, chiều tối nay. Cô làm được cả chứ?” Nathan lại chất quần áo lên mình như người Inuit rồi đi thẳng ra trời tuyết “Đọc tập tài liệu di. Đừng có hoảng hốt. Có vấn đề gì cứ gọi tôi. Tôi sẽ nói rõ cho cô tất cả. Tôi sẽ quay trở lại đây nếu thực sự cần phải thế.”
Tôi ở lại trong phòng Will sau khi Nathan đi. Quá sợ hãi không dám ở đâu khác. Trong góc phòng có một chiếc ghế bành da cũ với một ngọn đèn đọc sách, có lẽ đã có từ cuộc đời trước đây của Will, và tôi cuộn người trên đó với một tập truyện ngắn lôi xuống từ giá sách.
Căn phòng này cho cảm giác bình yên lạ thường. Qua khe hở của rèm cửa, tôi có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài, phủ một màn trắng xóa, ngưng đọng mà tuyệt đẹp. Trong phòng rất ấm và tĩnh lặng, chỉ có tiếng rì rầm kỳ lạ của lò sưởi trung tâm ngắt quãng những ý nghĩ của tôi. Tôi đọc, thỉnh thoảng liếc lên kiểm tra thì thấy Will vẫn ngủ yên, khi đó tôi chợt nhận ra chưa có lúc nào trong đời mình, tôi chỉ ngồi trong lặng im, không làm gì cả như lúc này. Trong một ngôi nhà như nhà tôi thì con cái lớn lên không quen nổi với sự yên tĩnh, bởi liên tu bất tận là tiếng máy hút bụi ầm ĩ, tiếng ti-vi om sòm, tiếng hò hét. Trong những lúc hiếm hoi tắt ti-vi, bố tôi sẽ bật những bản thu âm cũ của Elvis và mở tiếng to hết cỡ. Ở quán cà-phê thì lúc nào cũng rì rầm tiếng chuyện trò.
Ở đây tôi có thể nghe được những suy tư của mình. Tôi hầu như còn nghe được cả tiếng tim đập. Tôi nhận ra, ngạc nhiên làm sao, tôi rất thích nơi này.
Tới năm giờ, điện thoại di động của tôi báo hiệu có tin nhắn. Will rục rịch, tôi bò ra khỏi ghế, lo sợ mình không kịp tới cái điện thoại trước khi nó quấy rầy anh.
Không có tàu. Có khả năng nào cô ngủ lại qua đêm được không? Nathan khôn thể ngủ lại. Camilla Traynor.
Tôi không nghĩ ngợi gì đã nhắn trả lời.
Không sao ạ.
Tôi gọi cho bố mẹ để nói với họ rằng tôi sẽ ngủ lại. Mẹ tôi nghe chừng nhẹ nhõm. Khi tôi bảo với mẹ là tôi sẽ được trả tiền để ngủ lại, giọng mẹ càng vui sướng.
“Anh nghe gì chưa Bernard?” mẹ nói, tay bà che hờ ống nghe. “Họ sẽ trả cho nó ngủ lại đấy.”
Tôi nghe bố cảm thán. “Tạ ơn Chúa. Nó đã tìm được công việc trong mơ của nó.”
Tôi gửi tin nhắn cho Patrick, bảo anh rằng người ta yêu cầu tôi ở lại chỗ làm và tôi sẽ gọi cho anh sau. Tin nhắn trả lời đến trong vài giây.
Tối nay chạy dọc cánh đồng tuyết. Tập luyện ra trò để tới Na Uy! XP.
Tôi tự hỏi sao người ta có thể phấn chấn tới vậy với ý nghĩ mặc quần tây áo chẽn chạy giữa nhiệt độ âm.
Will ngủ. Tôi nấu thức ăn cho mình, hâm lại ít súp phòng khi lát nữa anh muốn ăn rồi đỏ lò sưởi phòng khi anh cảm thấy đủ khỏe để ra phòng khách. Tôi đọc một cuốn truyện ngắn nữa và tự hỏi đã bao lâu rồi mình không mua sách cho mình. Hồi nhỏ tôi rất mê đọc sách, nhưng từ khi lớn lên tôi không nhớ mình có đọc gì ngoài tạp chí không. Treen thì nghiện sách. Khi cầm một cuốn sách lên, tôi gần như có cảm giác mình đang xâm lược địa bàn của nó. Tôi nghĩ về em gái và Thomas đi mất vào trường đại học, nhận ra mình vẫn chưa biết chuyện đó khiến tôi vui hay buồn – hay một cảm giác lẫn lộn khá phức tạp.
Tới bảy giờ Nathan gọi điện. Ông có vẻ thở phào khi biết tôi ngủ lại.
“Tôi không gọi được cho ông Traynor. Tôi đã gọi cả vào điện thoại cố định nhà họ, nhưng cuộc gọi chuyển thẳng vào máy trả lời tự động.”
“Ừ. À. ông ấy phải đi.”
“Đi?”
Đột nhiên theo bản năng tôi cảm thấy hoảng sợ với ý nghĩ rằng chỉ có Will và tôi trong căn nhà đó suốt đêm. Tôi sợ lại làm điều gì đó sai cơ bản, gây nguy hiểm cho sức khỏe của Will. “Thế tôi có nên gọi cho bà Traynor không?”
Đầu dây bên kia im lặng một lát. “Không. Tốt nhất là không.”
“Nhưng…”
“Nghe này, Lou, ông ấy thường… ông ấy thường đi tới một chỗ khác khi bà T ngủ lại trong thị trấn.”
Phải mất một hai phút tôi mới hiểu được ông đang nói gì.
“Ồ.”
“Cô ở đó là tốt lắm rồi, thế là đủ. Nếu cô chắc Will đã khá hơn thì tôi sẽ trở lại ngay đầu sáng mai.”
Có những giờ bình thường, rồi lại có những giờ vô dụng, khi thời gian ngưng đọng rồi chảy trôi, ở đó cuộc đời – đời thực – dường như tồn tại ở một nơi xa cách. Tôi xem ti-
vi một lát, ăn, lau chùi nhà bếp, lặng lẽ đi lại dật dờ quanh khu nhà phụ. Cuối cùng, tôi trở lại phòng Will.
Anh rục rịch khi tôi đóng cửa, hơi nhấc đầu lên. “Mấy giờ rồi Clark?” Giọng anh hơi nghèn nghẹn vì cái gối.
“Tám giờ mười lăm.”
Anh buông đầu xuống, suy nghĩ về điều này. “Cho tôi chút nước được không?”
Lúc này anh không còn chút nào vẻ ngang ngạnh, sắc bén. Như thể trận ốm cuối cùng đã khiến anh trở nên dễ tổn thương. Tôi mang đồ uống cho anh, rồi bật đèn ngủ lên.
Tôi ngồi xuống bên mép giường, đặt tay lên trán anh, như mẹ tôi thường làm khi tôi còn nhỏ. Anh vẫn hơi ấm, nhưng không còn như hồi sáng nữa.
“Tay lạnh.”
“Lúc nãy anh càm ràm về nó rồi.”
“Thế ư?” Giọng anh nghe thật sự ngạc nhiên.
“Anh muốn ít súp không?”
“Không.”
“Anh thấy dễ chịu không?”
Tôi chưa bao giờ biết anh cảm thấy thiếu thoải mái tới mức nào, nhưng tôi ngờ là nặng nề hơn anh tỏ ra.
“Nằm nghiêng thì tốt. Lăn tôi thôi. Tôi không cần ngồi dậy.”
Tôi trèo qua giường rồi lật anh sang bên, nhẹ nhàng hết sức. Anh không tỏa nhiệt như cái lò nung nữa, chỉ là cái ấm bình thường của một cơ thể nằm lâu dưới chăn.
“Tôi có thể làm gì khác không?”
“Cô không về nhà đi à?”
“Không sao,” tôi nói. “Tôi ngủ lại.”
Ngoài kia, ánh sáng trời cuối cùng đã tắt từ lâu. Tuyết vẫn rơi. Qua cửa sổ, dưới ánh đèn thềm, tuyết tắm đẫm thứ ánh sáng vàng nhạt u sầu. Chúng tôi ngồi đó trong bình yên lặng lẽ, ngắm tuyết rơi như thôi miên.
“Tôi hỏi anh một chuyện được không?” cuối cùng tôi lên tiếng. Tôi có thể thấy đôi tay anh trên tấm chăn. Chừng như vô cùng kỳ lạ khi trông đôi tay ấy quá bình thường,
quá khỏe mạnh, mà lại thật vô dụng.
“Tôi nghĩ được thôi.”
“Chuyện gì xảy ra vậy?” Tôi không thôi thắc mắc về những vết rạch trên cổ tay anh.
Đó là một câu tôi không thể nào hỏi thẳng.
Khi tôi gật đầu, anh lại nhắm cả hai mắt lại. “Tai nạn xe máy. Không phải do tôi. Tôi là kẻ bộ hành vô tội.”
“Tôi cứ tưởng là do trượt tuyết hay nhay bungee hay đại loại thế.”
“Ai cũng nghĩ vậy. Trò đùa nho nhỏ của Chúa trời. Tôi đang băng qua con đường bên ngoài nhà tôi. Không phải chỗ này,” anh nói. “Nhà ở London cơ.”
Tôi nhìn chăm chú vào sách trên giá của anh. Giữa đống tiểu thuyết – sách bìa mềm của nhà xuất bản Penguin đã lật giở nhiều lần – là những cuốn sách kinh doanh có nhan đề: Luật Doanh nghiệp, Tiếp quản, hàng loạt những cái tên lạ hoắc với tôi.
“Chẳng có cách nào để anh tiếp tục công việc của mình à?”
“Không. Không thể tiếp tục với cả căn hộ, những kỳ nghỉ, cuộc đời… Tôi tin là cô đã gặp bạn gái cũ của tôi.” Khoảng lặng trong giọng anh không giấu nổi vẻ cay đắng. “Nhưng hẳn là tôi nên thấy biết ơn, vì nhiều khi họ còn không hề nghĩ tôi đang sống nữa.”
“Anh có ghét điều này không? Ý tôi là sống ở đây ấy.”
“Có.”
“Có cách nào để anh có thể trở lại sống ở London không?”
“Không phải thế này, không đâu.”
“Nhưng biết đâu anh sẽ tiến triển. Ý tôi là, Nathan đã nói là có rất nhiều tiến bộ với
loại chấn thương này.”
Will lại nhắm mắt.
Tôi chờ đợi, rồi tôi điều chỉnh gối dưới đầu anh, và tấm chăn quanh ngực anh. “Xin lỗi,” tôi nói, ngồi thẳng dậy. “Nếu tôi đã hỏi quá nhiều. Anh muốn tôi ra ngoài không?”
“Không. Ở lại một chút. Nói chuyện với tôi.” Anh nuốt khan. Anh lại mở mắt ra, và cái nhìn chăm chú của anh gặp ánh mắt tôi. Trông anh mệt mỏi tới không chịu nổi. “Kể tôi nghe chuyện gì vui vui.”
Tôi chần chừ một lát, rồi tôi dựa lên đống gối bên cạnh anh. Chúng tôi ngồi đó trong không gian tranh tối tranh sáng, nhìn những bông tuyết sáng lòa trong thoáng chốc biến mất vào màn đêm đen kịt.
“Anh biết không… Tôi thường nói câu đó với bố tôi,” cuối cùng tôi lên tiếng.
“Nhưng nếu tôi bảo anh ông thường đáp lại thế nào, anh sẽ nghĩ tôi bị điên mất thôi.”
“Điên hơn tôi đang nghĩ bây giờ nữa à?”
“Khi tôi gặp ác mộng hoặc buồn hoặc sợ hãi điều gì, ông thường hát cho tôi nghe…” Tôi phì cười. “Ôi… Tôi không thể.”
“Tiếp đi.”
“Ông thường hát cho tôi bài ‘Bài hát Molahonkey’.”
“Bài gì cơ?”
“Bài ‘Bài hát Molahonkey’. Hồi trước tôi cứ nghĩ ai cũng biết bài đó chứ.”
“Tin tôi nhé, Clark,” anh lẩm bẩm, “Với Bài hát Molahonkey, tôi còn trinh nguyên.”
Tôi hít một hơi thật sâu, nhắm mắt lại rồi bắt đầu hát.
Tôi lư-lơ-ước tôi lố-lố-sống ở lê-lê-quê Malahonkey Miền lê-lê-quê nơi tôi-lôi-lôi li-lí-li-lì-li-li-sinh Để tôi-lôi-lôi được lơi-lới-chơi cây banzô-lô-lô cũ-lu-lủ
Cây banzô-lô-lô cũ-lu-lủ không kêu-lêu-lí-lêu “Chúa ơi.”
Tôi hít một hơi nữa.
Tôi đưa-lưa-lưa nó ra-lí-la hiệu-lí-liêu sửa-lữa-chữa Nhìn-lìn-lìn xem-lem-lem họ-lọ-lọ làm gì-lí-lỉ-lì-li Họ nói-lói-lói dây-lây-lây đàn lí-lứt-đứt cả-lá-la
Nó-ló-lo không-lí-lông còn kêu-lêu-lí-lêu Tiếp theo là một khoảng im lặng ngắn.
“Cô điên rồi. Cả nhà cô đều điên.”
“Nhưng nó có tác dụng.”
“Và cô có giọng ca đến Thượng đế cũng phải khóc. Tôi hy vọng bố cô khá hơn.”
“Tôi nghĩ điều anh muốn nói là, ‘Cảm ơn cô Clark, vì đã cố giải khuây cho tôi.’”
“Tôi nghĩ nó có giá trị không thua gì phần lớn hỗ trợ vật lý trị liệu mà tôi từng nhận. Nào, Clark,” anh nói, “kể tôi nghe chuyện gì nữa đi. Chuyện gì đó không liên quan tới hát nhé.”
Tôi nghĩ một chút.
“À… được rồi, ừm… anh có thấy đôi giày của tôi hôm nọ không?”
“Khó mà không thấy.”
“Ừm, mẹ tôi cho rằng thói quen đi giày kỳ cục của tôi có từ khi tôi lên ba.
Hồi đó mẹ mua cho tôi một đôi ủng màu xanh ngọc sáng lấp lánh – khi ấy một đôi
ủng như vậy là khá lạ lùng – trẻ con thường chỉ đi ủng màu xanh lá cây, hoặc màu đỏ nếu gặp may. Mẹ kể từ hôm bà mang đôi ủng đó về là tôi chẳng bao giờ chịu cởi ra. Tôi đi ủng khi đi ngủ, đi tắm, tới nhà trẻ trong suốt cả mùa hè ấy. Trang phục yêu thích của tôi là đôi ủng lóng lánh đó và chiếc quần bó ong nghệ.”
“Quần bó ong nghệ ư?”
“Sọc vàng sọc đen ấy mà.”
“Hay gớm.”
“Nó hơi nhám.”
“À, phải thôi. Nghe đã thấy sợ rồi.”
“Có thể với anh thì nghe sợ đấy, nhưng Will Traynor ạ, điều ngạc nhiên là không phải cô gái nào cũng ăn mặc chỉ để làm hài lòng đàn ông.”
“Vớ vẩn.”
“Không, không hề.”
“Phụ nữ làm gì cũng nghĩ tới đàn ông cả. Con người ta làm gì cũng nghĩ tới tình dục. Cô đọc The Red Queen (Nữ hoàng Đỏ)chưa?”
“Tôi chẳng biết anh đang nói về cái gì cả. Nhưng tôi có thể đảm bảo là tôi không ngồi trên giường anh hát bài ‘Bài hát Molahonkey’ để cố kiếm tình dục.
Và năm lên ba, tôi vô cùng, vô cùng thích có đôi chân vằn.”
Tôi nhận ra rằng nỗi căng thẳng siết lấy tôi suốt ngày hôm đó đã từ từ giảm xuống cùng với từng lời bình luận của Will. Tôi không còn là kẻ một mình đảm trách một người bị liệt đáng thương nữa. Tôi lại là chính tôi, ngồi cạnh một gã ưa châm biếm, nói chuyện phiếm cùng nhau.
“Thôi tiếp nào, thế chuyện gì đã xảy ra với đôi ủng lấp lánh tuyệt trần đó?”
“Mẹ tôi phải liệng nó đi. Chân tôi lở loét kinh lắm.”
“Thú vị thật.”
“Rồi mẹ cũng quẳng luôn chiếc quần bó.”
“Tại sao?”
“Tôi chẳng bao giờ hiểu được. Nhưng chuyện đó khiến tôi sầu thảm. Tôi không khi nào tìm được một chiếc quần bó khiến mình yêu thích tới thế nữa. Họ không sản xuất quần bó ong nghệ nữa. Mà nếu có làm, họ cũng đâu làm cho phụ nữ trưởng thành.”
“Lạ ghê.”
“Ôi, anh cứ việc châm biếm. Anh đã bao giờ yêu thứ gì tới vậy chưa?”
Giờ đây tôi gần như không thấy mặt anh, căn phòng chìm trong bóng tối nhờ nhờ. Lẽ ra tôi phải bật ngọn đèn trên đầu lên, nhưng có điều gì đó ngăn tôi lại.
Và ngay khi nhận ra mình vừa nói gì, tôi ước mình không nói thế.
“Có,” anh nói lặng lẽ. “Có chứ.”
Chúng tôi nói chuyện thêm một lát nữa, rồi Will lại thiếp đi. Tôi nằm đó, ngắm anh thở, thỉnh thoảng tự hỏi anh sẽ nói gì nếu tỉnh dậy mà thấy tôi đang nhìn anh chăm chú, nhìn mái tóc quá dài, đôi mắt mệt mỏi, và bộ râu quai nón nhú lên lởm chởm. Nhưng tôi không nhúc nhích. Những giờ vừa rồi đã trở nên không thực, một hòn đảo phi thời gian. Tôi là người duy nhất ở trong ngôi nhà này ngoài anh, tôi vẫn sợ bỏ anh lại một mình.
Sau mười một giờ một chút, tôi thấy anh lại bắt đầu đổ mồ hôi, hơi thở trở nên nặng nề hơn, thế nên tôi đánh thức anh rồi làm cho anh một liều thuốc giảm sốt. Anh chẳng
nói gì, chỉ ậm ừ cảm ơn. Tôi thay mền đắp ngực và vỏ gối cho anh, rồi khi anh ngủ lại, tôi nằm xuống cách anh ba mươi phân, và một lúc lâu sau, tôi cũng ngủ.
Tôi tỉnh giấc khi có tiếng ai đó gọi mình. Tôi đang ở trong lớp, ngủ gật trên bàn học, và thầy giáo đang gõ vào bảng, nhắc đi nhắc lại tên tôi. Tôi biết đáng lẽ mình phải tập trung chú ý, biết rằng thầy giáo sẽ xem chuyện ngủ gật này là hành động phá hoại, nhưng tôi không nhấc đầu lên khỏi bàn được.
“Louisa.”
“Ưmmm.”
“Louisa.”
Cái bàn sao mà mềm thế. Tôi mở mắt. Tiếng nói văng vẳng ngay trên đầu tôi, khẽ thôi, nhưng nhấn nhá rất dữ. Louisa.
Tôi đang ở bên giường. Tôi chớp mắt, tập trung nhìn, rồi ngước lên thì thấy Camilla Traynor đang đứng bên cạnh. Bà mặc áo khoác len dày cộp, chiếc túi xách treo trên vai.
“Louisa.”
Tôi kéo người bật thẳng dậy. Bên cạnh tôi, Will vẫn say ngủ dưới chăn, miệng anh mở nhẹ, cùi chỏ anh tạo thành một góc vuông phía trước anh. Ánh sáng luồn qua cửa sổ, báo hiệu một buổi sáng lạnh lẽo nhưng sáng sủa.
“Ừm.”
“Cô đang làm gì vậy?”
Tôi cảm thấy như thể tôi vừa bị bắt gặp làm chuyện gì tồi tệ lắm. Tôi xoa mặt, cố trấn tĩnh đầu óc. Sao tôi lại ở đây nhỉ? Tôi có thể nói gì với bà đây?
“Cô đang làm gì trong phòng ngủ của Will thế?”
“Will…” tôi nói lặng lẽ. “Will đã không khỏe… Tôi chỉ nghĩ tôi nên để mắt…”
“Ý cô là sao, nó đã không khỏe ư? Nghe này, đi ra ngoài sảnh đi.” Bà sải bước ra khỏi phòng, rõ ràng là chờ tôi bắt kịp.
Tôi đi theo, cố vuốt phẳng quần áo. Tôi có cảm giác khủng khiếp là lớp trang điểm đã tèm lem khắp mặt tôi.
Bà đóng cửa phòng Will lại sau lưng tôi.
Tôi đứng trước mặt bà, cố vuốt thẳng tóc khi sắp xếp mọi ý nghĩ. “Will bị sốt. Khi Nathan tới thì ông ấy hạ sốt cho Will, nhưng tôi chưa biết việc điều chỉnh nhiệt này, nên tôi muốn để mắt tới anh ấy… Nathan bảo tôi nên để mắt tới anh ấy…” Giọng tôi nghe khàn khàn, không rõ ràng. Tôi không chắc mình có nói câu cú gãy gọn không.
“Sao cô không gọi tôi? Nếu Will ốm thì cô phải gọi tôi ngay chứ. Hoặc gọi ông Traynor.”
Não tôi bấy giờ như đột nhiên sáng ra. Ông Traynor. Ôi Chúa ơi. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Tám giờ kém mười lăm.
“Tôi không… Hình như Nathan…”
“Nghe này, Louisa. Đây thực sự không phải khoa học nghiên cứu phản lực đâu. Nếu Will ốm đủ nặng để cô phải ngủ trong phòng nó thì đó là việc cô nên liên hệ cho tôi hay.”
“Vâng.”
Tôi chớp mắt, nhìn chằm chằm xuống đất.
“Tôi không hiểu tại sao cô không gọi. Cô có thử gọi cho ông Traynor không?”
Nathan bảo không được nói gì.
“Tôi…”
Đúng lúc đó, cửa khu nhà phụ mở, và ông Traynor đứng đó, một tờ báo gập dưới cánh tay ông. “Em về rồi à!” ông nói với vợ, phủi tuyết khỏi vai. “Anh vừa ra đường mua tờ báo với ít sữa. Đường sá nguy hiểm kinh khủng. Anh phải đi mãi tới Hansford Corner để tránh những đoạn đường đóng băng.”
Bà nhìn ông, trong một thoáng tôi tự hỏi không biết bà có nhận ra ông vẫn mặc chiếc áo sơ-mi và áo khoác hôm trước.
“Anh có biết tối qua Will ốm không?”
Ông nhìn thẳng vào tôi. Tôi cúi nhìn xuống chân. Tôi không biết mình đã bao giờ cảm thấy lúng túng tới thế chưa.
“Cô có cố để gọi tôi không, Louisa? Xin lỗi nhé – tôi không nghe cuộc nào cả. Tôi e là điện thoại nội bộ hỏng rồi. Dạo gần đây thỉnh thoảng cũng có những lần tôi lỡ cuộc gọi. Với lại tối qua chính tôi cũng thấy không khỏe lắm. Ngủ say như chết.”
Tôi vẫn đang đi đôi tất của Will. Tôi nhìn nó chằm chằm, tự hỏi liệu bà Traynor có xử lý tôi cả chuyện đó không.
Nhưng dường như bà còn bận nghĩ chuyện khác. “Đường về nhà cũng khó đi lắm. Tôi nghĩ… tôi sẽ bỏ qua cho cô. Nhưng nếu có chuyện thế này xảy ra lần nữa, cô phải gọi tôi ngay. Cô hiểu chưa?”
Tôi không muốn nhìn thẳng ông Traynor. “Vâng,” tôi nói, rồi biến mất vào trong bếp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.