Trước Ngày Em Đến

Chương 2



Tôi không ngu độn. Tôi chỉ muốn thoát khỏi ý nghĩ mình là đứa ngu độn.

Nhưng thật khó mà không cảm thấy mình hơi thiếu tế bào não khi lớn lên bên một cô em gái không chỉ nhảy cóc một bậc vào lớp của tôi, mà rồi sau đó còn vượt lên học trước một lớp.

Tất cả những gì đòi hỏi sự nhạy cảm hoặc trí thông minh, Katrina đều làm trước, dù con bé thua tôi mười tám tháng tuổi. Tất cả sách tôi từng đọc nó đều đọc trước, mọi chuyện tôi kể lể bên bàn ăn tối nó đều biết tỏng cả rồi. Nó là người duy nhất trên đời mà tôi biết thực sự thích làm bài kiểm tra. Đôi khi tôi nghĩ tôi chọn cách ăn mặc hiện nay là vì thứ duy nhất Treena không thể làm là kết hợp quần áo. Nó là kiểu con gái chuyên quần jean, áo phông. Sáng kiến của nó là ủi quần jean trước.

Bố tôi bảo tôi là “cá biệt,” vì tôi thường nghĩ tới đâu nói tới đó. Ông hay bảo tôi giống cô Lily, một người tôi chưa từng biết. Kể cũng hơi lạ lùng khi cứ bị so sánh với một người mình chưa gặp bao giờ. Nếu tôi đi đôi bốt tím xuống gác, bố sẽ hất đầu với mẹ rồi nói, “Em có nhớ cô Lily với đôi bốt tím của cô ấy không hả?”, mẹ sẽ khùng khục trong cổ họng rồi cười phá lên như thể có trò đùa gì bí mật lắm. Mẹ bảo tôi là “cá tính”, một cách lịch sự cho biết bà chẳng hiểu nổi cách ăn mặc của tôi.

Nhưng ngoại trừ một giai đoạn ngắn thời tuổi teen, tôi không bao giờ muốn giống Treena, hay bất cứ bạn gái nào ở trường; tới năm mười bốn tuổi tôi vẫn thích quần áo con trai hơn, còn giờ tôi thường chiều ý mình – tùy theo tâm trạng ngày hôm ấy của tôi ra sao. Tôi không bận tâm tới chuyện phải cố khoác lên mình dáng dấp truyền thống. Tôi mi nhon, tóc đen, và theo bố tôi thì tôi có khuôn mặt tiểu yêu. Không phải giống như trong “nữ yêu xinh đẹp”. Tôi ưa nhìn, nhưng tôi không nghĩ có ai lại bảo tôi là xinh đẹp. Tôi không có vẻ duyên dáng yêu kiều. Patrick khen tôi tuyệt đẹp mỗi khi anh muốn làm tình, nhưng anh là kiểu người khá dễ hiểu như thế. Chúng tôi quen nhau đã gần bảy năm.

Tôi hai mươi sáu tuổi, tôi không thực sự hiểu rõ về cuộc đời mình. Tôi nghĩ rồi đây mình sẽ cưới Patrick, sinh ra mấy đứa con, sống cách nơi tôi ở suốt từ nhỏ tới giờ chỉ vài con phố. Ngoài chuyện ăn mặc hơi kỳ lạ và có chiều cao hơi khiêm tốn, không có gì nhiều phân biệt tôi với bất kỳ cô gái nào lướt qua trên phố. Có lẽ chẳng ai ngoái lại nhìn tôi lần nữa. Một cô gái bình thường, sống một cuộc sống bình thường. Điều đó thực sự rất phù hợp với tôi.

“Đi phỏng vấn thì con phải mặc vest chứ,” mẹ tôi khăng khăng. “Bây giờ ai cũng ăn mặc thoải mái quá thể.”

“Bởi vì mặc đồ sọc tăm sẽ hết sức cần thiết nếu con phải bón cơm cho một cụ già.”

“Đừng có tinh tướng.”

“Con không đủ tiền mua vest. Nếu con không nhận được việc đó thì sao?”

“Con có thể mặc đồ của mẹ, mẹ sẽ ủi cái áo choàng dễ coi cho con, và ít nhất một lần này thôi, đừng có buộc tóc bằng những thứ kiểu…” bà chỉ nên mái tóc tôi, nó thường được buộc hai bên bằng hai cái nơ sẫm màu “… Công chúa Leia như thế. Thử cố trông như người bình thường một chút đi.”

Tôi biết tốt nhất là không nên tranh luận với mẹ. Và tôi biết chắc bố đã được phím trước là không được bình luận gì về quần áo của tôi khi tôi bước ra khỏi nhà, về dáng đi kỳ cục của tôi trong chiếc váy quá chật.

“Tạm biệt con yêu,” ông nói, khóe miệng cau lại. “Chúc may mắn nhé.

Trông con rất có dáng… công sở.”

Điều gây khó xử không phải là chuyện tôi đang mặc bộ vest của mẹ, cũng không phải vì nó là mốt sau cùng của cuối thập niên 1980, mà là nó thực sự quá bé so với tôi. Tôi cảm thấy thắt lưng chiếc váy siết chặt lấy cơ hoành của mình, thế nên tôi kéo chiếc áo khoác đúp ngực sát vào người. Như bố tôi thường nói với mẹ, chỉ béo hơn có cái kẹp tăm.

Tôi ngồi suốt chặng xe buýt ngắn, cảm thấy hơi mệt mỏi. Tôi chưa bao giờ đi phỏng vấn xin việc đúng nghĩa. Tôi vào làm ở quán Bánh Bơ sau khi nghe Treena đánh cá là tôi không thể tìm được việc trong vòng một ngày. Tôi đi vào quán và hỏi thẳng Frank xem ông có cần một đôi tay còn rảnh rang không. Đó là ngày đầu tiên ông mở quán nên ông biết ơn chẳng để đâu cho hết.

Giờ nghĩ lại, tôi thậm chí không nhớ nổi mình có thảo luận về tiền bạc với ông hay không. Ông đề nghị trả lương theo tuần, tôi đồng ý, và mỗi năm một lần, ông bảo tôi là ông đã tăng ít lương cho tôi, thường là nhiều hơn một chút so với mức tôi định yêu cầu.

Tóm lại thì người ta hỏi gì khi phỏng vấn nhỉ? Và nếu họ yêu cầu tôi làm một việc gì đó thực tế với ông già này, kiểu như cho ông ta ăn hoặc tắm cho ông ta thì sao? Syed đã nói là có một người đàn ông chăm sóc đảm nhiệm “những yêu cầu tế nhị” (tôi để trong ngoặc kép). Anh ta bảo công việc của người chăm sóc thứ hai là “ở đây mô tả hơi mù mờ”. Tôi tưởng tượng ra cảnh mình chùi nước dãi khỏi miệng ông già, có thể còn hỏi thật to, “ÔNG TA CÓ MUỐN UỐNG TRÀ KHÔNG?”

Khi ông ngoại lần đầu hơi hồi tỉnh sau khi bị tai biến, ông không thể tự mình làm được việc gì. Mẹ tôi làm tất tật. “Mẹ con là một vị thánh,” bố nói, điều đó với tôi có nghĩa là bà chùi đít cho ông ngoại mà không phải lao ra khỏi nhà vừa chạy vừa la. Tôi khá chắc là sẽ không bao giờ có ai mô tả về tôi như thế. Tôi có thể cắt nhỏ đồ ăn và pha trà cho ông, nhưng còn tất cả những việc khác tôi không chắc mình có thể làm cho ra hồn.

Dinh thự Granta nằm phía bên kia lâu đài Stortfold, gần những bức tường thành xây từ thời trung đại, trên đoạn đường dài không lát đá chỉ mọc lên bốn ngôi nhà và cửa hàng National Trust, nằm ngay giữa khu du lịch. Tôi đã đi qua ngôi nhà này cả triệu lần mà chưa từng nhìn kỹ nó. Lúc này đây, khi bước ngang qua bãi đỗ xe và đường ray nhỏ, cả hai đều vắng bóng người và đều hoang lương như một nét quyến rũ của mùa hè xuất hiện giữa tháng Hai, tôi thấy nó lớn hơn hình dung, gạch đỏ với hai chái, kiểu nhà ta thường thấy trong những số cũ của tạp chí Country Life trong khi chờ đợi ở phòng khám.

Tôi bước trên con ngõ dài, cố không nghĩ xem liệu có ai đang quan sát mình từ cửa sổ hay không. Bước trên con ngõ dài hay đẩy người ta vào thế kẹt; tự nhiên nó khiến người ta cảm thấy mình thấp kém thế nào. Tôi đang tập trung nghĩ xem có nên vén tóc mái lên không thì cánh cửa bật mở khiến tôi giật nảy người.

Một phụ nữ, không lớn hơn tôi là bao, bước ra thềm. Cô mặc quần đen, áo thụng trông giống áo bác sĩ, dưới nách cặp một cái áo khoác và một xấp giấy tờ.

Khi bước qua tôi, cô mỉm cười lịch sự.

“Và cảm ơn rất nhiều vì đã tới,” một giọng nói từ trong vẳng ra. “Chúng tôi sẽ liên lạc lại. A, chào.” Một phụ nữ xuất hiện, gương mặt đã tuổi trung niên nhưng còn rất đẹp ẩn dưới mái tóc cắt tỉa khéo léo xa xỉ. Bà mặc một bộ đồ tây mà tôi đoán là có giá cao hơn số tiền bố tôi kiếm được trong một tháng.

“Chắc cô là cô Clark.”

“Louisa ạ.” Tôi đưa tay ra, đúng như mẹ tôi đã ép tôi phải làm. Giới trẻ thời nay chẳng bao giờ đưa tay ra bắt nữa, bố mẹ tôi cùng có ý kiến đó. Thời xưa thì đừng có mơ có người dám nói “chào!”, hoặc tệ hơn là hôn phớt. Người phụ nữ này có vẻ không phải là kiểu người chào đón một cái hôn phớt.

“Phải. Đúng rồi. Cô vào đi.” Bà rút bàn tay khỏi tay tôi nhanh nhất trong chừng mực của phép giao tế, nhưng tôi cảm thấy ánh mắt bà còn nấn ná nhìn, như thể bà đang đánh giá tôi.

“Mời cô vào trong này. Chúng ta sẽ nói chuyện ở phòng khách. Tôi là Camilla Traynor.” Trông bà có vẻ chán nản, như thể ngày hôm nay bà đã thốt ra cùng những từ đó nhiều lần lắm rồi.

Tôi theo bà vào một căn phòng rộng bát ngát với những khung cửa sổ kiểu Pháp kéo từ trần xuống sàn nhà. Những tấm rèm nặng trịch trang nhã rủ xuống từ những thanh treo rèm to tướng bằng gỗ gụ, còn sàn nhà trải thảm Ba Tư trang trí cầu kỳ. Căn phòng mang mùi sáp ong và đồ nội thất cổ. Khắp phòng là những chiếc bàn nhỏ sang trọng, bề mặt bóng loáng của chúng đặt đầy những chiếc hộp trang trí. Trong một thoáng tôi tự hỏi chẳng biết nhà Traynor còn đặt tách trà vào đâu được.

“Cô tới đây thông qua tư vấn của Trung tâm giới thiệu việc làm phải không?

Cô ngồi đi.”

Trong khi bà lật tập hồ sơ, tôi lén nhìn quanh phòng. Lúc trước tôi cứ nghĩ có lẽ ngôi nhà mình sắp tới sẽ hơi giống viện dưỡng lão, với hàng loạt máy cẩu và mọi bề mặt đều trống trơn. Nhưng ngôi nhà này trông giống một trong những khách sạn đắt đỏ kinh hoàng, tắm trong tiền của giới đại gia lâu đời, với những thứ đồ tuyệt diệu thoạt trông đã biết rất giá trị. Có nhiều khung ảnh bằng bạc trên tủ ly, nhưng tôi ngồi quá xa để có thể nhìn rõ mặt người trong ảnh. Trong khi bà chủ lướt qua từng trang hồ sơ, tôi cựa người trên ghế, cố tạo dáng ưa nhìn hơn.

Đúng lúc đó tôi nghe thấy nó – âm thanh không lẫn vào đâu được của tiếng toạc chỉ. Tôi liếc xuống thì thấy hai vạt váy bên phải đã nứt toác ra, những mảnh xơ vải lụa xù lên lởm chởm ở một bên mép vải. Tôi thấy mặt mình đỏ bừng bừng.

“Thế. Cô Clark… cô có kinh nghiệm chăm sóc người bị liệt không?”

Tôi quay sang nhìn bà Traynor, nhoài người để chiếc áo khoác che được chiếc váy càng nhiều càng tốt.

“Không.”

“Cô làm công việc chăm sóc được lâu chưa?”

“À… Thực ra tôi chưa bao giờ làm việc đó,” tôi đáp, rồi nói tiếp, như thể đang nghe thấy tiếng Syed văng vẳng bên tai, “nhưng tôi chắc tôi có thể học.”

“Cô có biết một người bị liệt là thế nào không?”

Tôi nao núng. “Là khi… người đó ngồi rịt trên xe lăn phải không ạ?”

“Tôi nghĩ đó cũng là một cách định nghĩa. Có nhiều cấp độ khác nhau, nhưng trong trường hợp này chúng ta đang nói về tình trạng hoàn toàn mất khả năng điều khiển chân, và chỉ còn rất ít khả năng điều khiển bàn tay và cánh tay.

Chuyện đó có gây phiền cho cô không?”

“Chắc chắn là không bằng nó gây phiền cho ông ấy.” Tôi cố mỉm cười, nhưng gương mặt của bà Traynor vô cảm. “Xin lỗi… tôi không có ý…”

“Cô biết lái xe không, cô Clark?”

“Có.”

“Bằng lái sạch chưa phạm luật chứ?”

Tôi gật đầu.

Camilla Traynor đánh dấu gì đó vào tờ danh sách.

Khoảng rách mỗi lúc một lớn. Tôi có thể thấy nó lấn lên đùi một cách không thể cưỡng lại. Cứ thế này thì tới lúc đứng lên tôi sẽ chẳng khác gì một cô nàng múa phụ họa ở Vegas.

“Cô ổn chứ?” Bà Traynor nhìn tôi chằm chằm.

“Tôi chỉ thấy hơi ấm. Tôi cởi áo khoác ra có được không ạ?” Bà chưa kịp nói gì, tôi đã

kéo tuột áo khoác ra rồi buộc quanh hông, che giấu vết rách trên váy.

“Nóng thật đấy,” tôi nói, mỉm cười với bà, “đi từ ngoài trời vào mà. Bà biết đấy.”

Sau chỉ một thoáng ngập ngừng, bà Traynor nhìn lại tập hồ sơ. “Cô bao nhiêu tuổi?”

“Tôi hai mươi sáu.”

“Và cô đã làm công việc cũ trong sáu năm.”

“Vâng. Bà có bản photo thư giới thiệu của tôi đấy ạ.”

“Ừm…” Bà Traynor giơ nó lên rồi nheo mắt. “Người chủ trước của cô bảo rằng cô ‘ấm áp, nhanh miệng và làm đẹp cho cuộc sống’.”

“Vâng, tôi đã trả tiền để ông ấy ghi thế.”

Lại cái khuôn mặt lạnh như tiền đó.

Ôi trời ơi, tôi thầm kêu lên trong lòng.

Cứ như thể tôi đang bị dò xét ấy. Không hẳn là theo nghĩa tích cực. Chiếc sơ-mi của mẹ tôi đột nhiên trở nên thật rẻ tiền, sợi vải tổng hợp lóe lên trong ánh sáng lờ mờ. Thà tôi mặc bất cứ thứ gì còn hơn là bộ đồ này.

“Thế tại sao cô lại bỏ công việc đó, nơi mà rõ ràng là cô được đánh giá rất cao.”

“Ông chủ Frank đã bán quán cà-phê. Cái quán đang ở dưới chân tòa lâu đài đấy ạ. Quán Bánh Bơ. Đã,” tôi tự sửa lại. “Nếu còn được làm ở đó thì tôi mừng lắm.”

Bà Traynor gật đầu, hoặc vì bà cảm thấy chẳng cần nói thêm gì nữa về chuyện này, hoặc vì bà cũng thấy thật mừng cho tôi nếu tôi còn được làm ở đó.

“Thế chính xác thì cô muốn làm gì với cuộc đời mình?”

“Gì cơ ạ?”

“Cô có khao khát làm công việc nào không? Đây có phải là bước đệm cho một việc gì khác? Có giấc mơ sự nghiệp nào mà cô ao ước theo đuổi không?”

Tôi nhìn bà vẻ mặt ngơ ngác.

Đây có phải là một dạng câu hỏi đánh đố không?

“Tôi… tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ xa tới thế. Kể từ khi tôi bị mất việc. Tôi chỉ…” Tôi nuốt khan. “Tôi chỉ muốn lại được làm việc.”

Nghe thật lãng nhách. Kiểu người gì đi phỏng vấn mà thậm chí còn chẳng biết mình muốn làm gì? Vẻ mặt của bà Traynor cho thấy bà cũng nghĩ thế.

Bà đặt cây viết xuống. “Thế, cô Clark, tại sao tôi lại nên thuê cô mà không thuê người khác, ví như người xin việc liền trước cô với năm năm kinh nghiệm chăm sóc người bị liệt?”

Tôi nhìn bà. “Ừm… thật lòng ạ? Tôi không biết nữa.” Sau câu nói đó là một sự im lặng, thế nên tôi nói thêm, “Tôi nghĩ đó bà quyền của bà.”

“Cô không thể đưa ra lấy một lý do tại sao tôi nên thuê cô ư?”

Gương mặt mẹ tôi đột nhiên hiện ra trước mắt. Ý nghĩ trở về nhà với bộ váy rách và một cuộc phỏng vấn nữa thất bại thật quá sức chịu đựng của tôi. Mà công việc này được trả tới hơn 9 bảng một giờ.

Tôi hơi thẳng người lên. “À… Tôi học rất nhanh, tôi không ốm bao giờ, tôi sống ngay bên kia lâu đài, tôi khỏe mạnh hơn vẻ bề ngoài… có thể đủ khỏe để hỗ trợ đẩy chồng bà đi vòng vòng…”

“Chồng tôi? Cô sẽ không làm việc với chồng tôi. Đó là con trai tôi.”

“Con trai bà?” tôi chớp mắt. “Ừm… Tôi không sợ làm việc nặng. Tôi giỏi làm việc với mọi kiểu người và tôi pha trà ngon.” Tôi bắt đầu nói lảm nhảm lung tung. Ý nghĩ đó là con trai bà khiến tôi rối bời. “Ý tôi là, bố tôi thì nghĩ đó không phải chuyện gì vĩ đại mà phải kể ra. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì trên đời này không có nhiều thứ không thể thu xếp được bằng một tách trà ngon…”

Cách bà Traynor nhìn tôi có vẻ gì đó hơi lạ.

“Xin lỗi,” tôi lắp bắp khi nhận ra điều mình vừa nói. “Tôi không định nói tới thứ đó… bệnh liệt hai chân… liệt tứ chi… với… con trai bà… có thể giải quyết bằng một tách trà.”

“Tôi phải nói thế này, cô Clark, đây không phải một hợp đồng lâu dài. Lâu nhất cũng chỉ sáu tháng thôi. Vì thế nên mới có mức lương… cạnh tranh. Chúng tôi muốn thu hút người phù hợp.”

“Hãy tin tôi, khi đã làm mấy ca ở lò giết mổ gà, thì phải làm việc ở vịnh Guantánamo sáu tháng liền nghe vẫn hấp dẫn.” Ôi, im ngay, Louisa. Tôi cắn môi.

Nhưng bà Traynor dường như không để ý. Bà đóng hồ sơ lại. “Con trai tôi –

Will – bị thương trong một tai nạn giao thông xảy ra gần hai năm trước. Nó cần được chăm sóc hai tư trên hai tư, phần lớn những công việc đó đã được một y tá có nghề thực hiện. Tôi mới đi làm trở lại, thế nên yêu cầu đối với người chăm sóc là ở đây suốt ngày để cận kề nó, giúp nó ăn uống, nói chung là thêm chân thêm tay, và đảm bảo nó không gặp nguy hiểm gì.” Camilla Traynor nhìn xuống lòng. “Điều quan trọng nhất là Will có một người ở bên cạnh hiểu rõ nhiệm vụ đó.”

Mọi điều bà nói, thậm chí cả cách bà nhấn mạnh từng từ, dường như bóng gió ám chỉ tới bản tính có phần ngờ nghệch của tôi.

“Tôi hiểu rồi ạ.” Tôi bắt đầu cầm túi lên.

“Thế cô có muốn làm công việc này không?”

Câu nói đó quá bất ngờ tới nỗi thoạt tiên tôi nghĩ mình đã nghe nhầm. “Sao cơ ạ?”

“Chúng tôi cần cô bắt đầu càng sớm càng tốt. Lương trả theo tuần.”

Trong một thoáng tôi chẳng nói thành lời. “Bà muốn nhận tôi thay vì…” tôi mở miệng.

“Thời gian làm việc khá dài – tám giờ sáng tới năm giờ chiều, thỉnh thoảng muộn hơn. Không có nghỉ trưa, tuy nhiên vào giờ ăn trưa khi Nathan, y tá thường trực của nó tới chăm sóc cho nó, thì sẽ có nửa tiếng rảnh rang.”

“Bà không cần thứ gì liên quan tới… y tế?”

“Will có mọi chăm sóc y tế mà chúng tôi có thể dành cho nó rồi. Điều chúng tôi cần cho nó là một người khỏe mạnh… và vui vẻ. Cuộc sống của nó quá… khó khăn, thế nên điều quan trọng là nó được khích lệ để…” Bà bỏ dở câu, ánh mắt chăm chú vào đâu đó bên ngoài những ô cửa sổ kiểu Pháp. Cuối cùng, bà quay lại nhìn tôi. “Thôi, nói đơn giản là với chúng tôi sức khỏe tinh thần của nó cũng quan trọng không kém gì sức khỏe thể chất. Cô hiểu chứ?”

“Tôi hiểu rồi. Tôi có phải… mặc đồng phục không?”

“Không. Tuyệt đối không mặc đồng phục.” Bà liếc xuống chân tôi. “Tuy nhiên có lẽ cô nên mặc gì đó… bớt lộ hơn.”

Tôi liếc xuống chỗ chiếc áo khoác của tôi chệch ra, để lộ một mảng lớn đùi trần. “Nó… Tôi xin lỗi. Nó bị rách. Thật ra nó không phải của tôi.”

Nhưng có vẻ như bà Traynor không nghe nữa rồi. “Tôi sẽ giải thích những việc cần làm khi cô bắt đầu. Lúc này Will không phải người dễ tính nhất để ở bên cạnh đâu, cô Clark. Công việc này đòi hỏi thái độ tinh thần không thua gì bất kể… kỹ năng nghiệp vụ nào mà có thể cô có đâu. Thế nên. Ngày mai chúng tôi sẽ gặp cô chứ?”

“Ngày mai ư? Bà không muốn… bà không muốn tôi gặp anh ta sao?”

“Hôm nay tâm trạng Will không tốt. Tôi nghĩ tốt nhất chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu sau.”

Tôi đứng lên, nhận ra bà Traynor đã chờ thấy tôi đi về.

“Vâng,” tôi nói, giật cái áo khoác của mẹ ôm quanh người. “Ừm. Cảm ơn bà.

Tôi sẽ gặp bà vào tám giờ sáng ngày mai.”

Mẹ đang múc khoai tây vào vào đĩa của bố. Bà múc hai muỗng, ông gạt ra, múc muỗng thứ ba và thứ tư từ đĩa lớn. Mẹ chặn bố lại, xúc hai muỗng đó trở lại đĩa lớn, cuối cùng dùng muỗng gõ vào khớp tay bố khi ông đòi múc lại. quanh chiếc bàn nhỏ là bố mẹ tôi, em gái tôi và Thomas, ông ngoại tôi, và Patrick – tối thứ Tư nào anh cũng qua ăn.

“Bố ơi,” mẹ nói với ông ngoại. “Để ai đó cắt nhỏ thức ăn cho bố nhé?

Treena, con cắt nhỏ thức ăn cho ông được không?”

Treena vươn người tới bắt đầu cắt thức ăn trên đĩa của ông bằng những đường dao khéo léo. Sau đó nó cũng làm y như thế cho Thomas.

“Tình hình của anh chàng đó tệ tới mức nào hả Lou?”

“Chẳng thể kỳ vọng gì nhiều một khi người ta vui lòng để cho con gái chúng ta giải tỏa tinh thần cho cậu ta,” Bernard bình luận. Sau lưng tôi, ti-vi bật để bố và Patrick xem bóng đá. Thỉnh thoảng họ lại dừng, nhìn ló qua tôi, miệng ngừng nhai khi xem những pha qua người hoặc suýt vào.

“Em nghĩ đây là một cơ hội lớn. Con bé sẽ làm việc trong một dinh thự. Một gia đình tốt. Họ có quyền quý không con yêu?”

Trong phố chúng tôi, “quyền quý” thường dùng để chỉ một người không có người thân trong gia đình có chân trong hội Chống đối xã hội.

“Con nghĩ là có.”

“Hy vọng là con đã tập cúi đầu chào.” Bố tôi cười nhăn nhở.

“Thật ra chị đã gặp anh ta chưa?” Treena vươn người kéo ly nước ép của Thomas vào kẻo nó huých đổ xuống sàn. “Anh chàng bị tàn tật ấy? Trông anh ta thế nào?”

“Nhưng cũng kỳ cục nhỉ. Ngày nào con cũng ở bên cậu ta suốt cả ngày. Chín tiếng đồng hồ. Con sẽ gặp cậu ta nhiều hơn gặp Patrick.”

“Có gì ghê gớm đâu,” tôi nói.

Dù ngồi đối diện tôi qua bàn, Patrick vờ như chẳng nghe thấy tôi nói gì.

“Nhưng con sẽ không phải lo lắng về trò quấy rối tình dục cũ mèm ấy, nhỉ?” bố tôi nói.

“Bernard!” mẹ tôi gắt.

“Anh chỉ nói lên điều ai cũng nghĩ thôi. Có lẽ là ông chủ tốt nhất cậu có thể tìm cho bạn gái, nhỉ, Patrick?”

Bên kia bàn, Patrick mỉm cười. Anh đang bận từ chối món khoai tây, dù mẹ ra sức mời. Tháng này anh không ăn món gì có các-bon để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc thi marathon vào đầu tháng Ba.

“Con biết không, mẹ đang nghĩ, con có phải học ngôn ngữ ám hiệu không nhỉ? Ý mẹ là, nếu cậu ta không thể giao tiếp, làm sao con biết được cậu ta muốn gì?”

“Bà ấy không bảo anh ta không nói được, mẹ ạ.” Tôi chẳng nhớ rõ những gì bà Traynor đã nói. Tôi hơi choáng váng vì thật sự được nhận vào làm.

“Có thể anh ta nói qua một trong mấy cái thiết bị đó. Giống như ông nhà khoa học nọ ấy mà. Ông xuất hiện trong phim hoạt hình Gia đình nhà Simson ấy.

“Chết tiệt,” Thomas lên tiếng.

“Không phải,” bố tôi đáp.

“Stephen Hawking,” Patrick nói.

“Cháu nói đúng đấy, chính là ông ta,” mẹ tôi nói, hết nhìn Thomas lại nhìn bố tôi bằng ánh mắt trách móc. Bà có thể cắt bít-tết bằng cái nhìn đó. “Dạy thằng bé những từ xằng bậy.”

“Đâu có. Anh không biết thằng bé lượm từ đó từ đâu.”

“Chết tiệt,” Thomas nói, nhìn thẳng vào ông ngoại nó.

Treena cau mặt. “Em nghĩ em sẽ chết khiếp nếu anh ta nói qua một trong những loại thiết bị phát tiếng nói đó. Chị tưởng tượng nổi không? Lấy-cho-tôi-ly-nước,” Treena giả giọng.

Thông minh – nhưng không đủ thông minh để giúp mình khỏi bị lừa, bố tôi thỉnh thoảng vẫn lầm bầm như thế về Treena. Nó là thành viên đầu tiên trong nhà đi học đại học, thế rồi Thomas ra đời khiến nó phải bỏ giữa chừng khi đang học năm cuối. Bố mẹ vẫn ôm mộng một ngày nào đó nó sẽ làm rạng danh gia đình. Có thể làm việc ở một nơi có bàn tiếp tân không có màn hình an ninh ở bên cạnh. Hoặc có.

“Tại sao ngồi trên xe lăn lại đồng nghĩa với việc anh ta phải nói chuyện như một quái vật ngoài hành tinh?” tôi đáp.

“Nhưng chị sẽ phải tiếp xúc gần gũi và thân mật với anh ta. Ít nhất chị sẽ phải lau miệng cho anh ta, đưa nước và các thứ.”

“Thế thì sao? Thế đâu có phải là ngành khoa học nghiên cứu phản lực.”

“Có ai đã từng thay bỉm cho Thomas mà kêu lên như thế còn gì.”

“Chỉ có mỗi một lần thôi.”

“Hai lần. Mà chị mới thay cho thằng bé có ba lần cả thảy.”

Tôi múc ít đỗ xanh, cố tỏ ra lạc quan hơn cảm giác trong lòng.

Nhưng ngay từ khi ngồi trên chuyến xe buýt về nhà, những ý nghĩ tương tự cũng đã bắt đầu náo loạn trong đầu tôi. Chúng tôi sẽ nói gì đây? Sẽ ra sao nếu suốt ngày anh ta cứ nghẹo đầu nhìn tôi chăm chăm? Tôi có hoảng sợ không?

Nếu tôi không hiểu nổi anh ta muốn gì thì sao? Tôi đặc biệt kém trong khoản chăm sóc mọi thứ; ở nhà chúng tôi chẳng còn cây cối hay vật nuôi gì nữa sau thảm họa hamster, bọ que và cá vàng. Và bà mẹ băng giá của anh ta có thường xuyên lượn lờ qua lại không? Tôi không thích cái ý nghĩ suốt ngày bị giám sát.

Bà Traynor trông có vẻ là kiểu phụ nữ sẵn sàng nhúng tay vào mọi chuyện.

“Patrick, tóm lại thì cậu nghĩ gì về tất cả chuyện này?”

Patrick uống một hơi nước thật dài, rồi nhún vai. Bên ngoài, mưa đập trên ô cửa sổ, nghe rõ hơn cả tiếng thìa nĩa và chén đĩa.

“Công việc đó được trả nhiều tiền, chú Bernard. Dù sao thế còn tốt hơn làm ca đêm ở lò giết mổ gà.”

Mọi người quanh bàn đều lầm bầm đồng tình.

“À, thật buồn cười khi điều hay ho duy nhất anh có thể nói về công việc mới của em là nó tốt hơn việc vận chuyển lũ gà đã làm thịt lòng vòng trong cái lò giết mổ rộng như kho chứa máy bay,” tôi nói.

“Ồ, con có thể vừa làm vừa tập thể dục luôn rồi tới làm mấy việc huấn luyện thể hình

với Patrick đây này.”

“Tập thể dục. Cảm ơn, bố.” Tôi đã đưa tay ra định xúc thêm một thìa khoai tây, nhưng giờ lại đổi ý.

“Ồ, sao lại không nhỉ?” Mẹ trông như định ngồi xuống – mọi người ngừng lại một chốc, nhưng không, mẹ lại thẳng người lên, múc cho ông ngoại một ít nước xốt. “Chuyện đó cũng đáng suy nghĩ cho tương lai đấy. Con có khiếu nói chuyện mà.”

“Nó có khiếu tích mỡ thì có,” bố tôi đập lại.

“Con đã có cho mình một công việc,” tôi nói. “Được trả nhiều hơn việc cũ, thưa bố.”

“Nhưng đó chỉ là tạm thời thôi,” Patrick xen vào. “Bố em nói đúng đấy. Có khi em sẽ muốn bắt đầu có cơ thể thon gọn trong khi em làm việc đó. Em có thể trở thành một huấn luyện viên thể hình giỏi, nếu em chịu khó một chút.”

“Em không muốn trở thành huấn luyện viên thể hình. Em không có hứng… tất cả những trò đó… nhảy tưng tưng.” Tôi lầm bầm xúc phạm Patrick, anh chỉ cười khì khì.

“Điều Lou muốn là một công việc để chị ấy có thể thư giãn, được xem ti-vi buổi ngày trong khi cho ông tướng đó ăn uống qua ống hút,” Treena nói.

“Đúng đấy. Bởi vì cắm lại mấy bông thược dược ẻo lả vào xô nước đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của tinh thần và thể chất mà, phải không Treen?”

“Mọi người đang trêu con mà con yêu.” Bố nâng cốc trà lên. “Con có việc là tuyệt rồi. Mọi người rất tự hào về con. Và bố cá với con là một khi con đã đặt được chân vào dinh thự đó thì các vị đại gia ấy sẽ không muốn loại bỏ con đâu.”

“Chết tiệt,” Thomas bi bô.

“Không phải anh,” bố vừa nói vừa nhai, trước khi mẹ kịp nói gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.