Trước Ngày Em Đến

Chương 17



Điều tồi tệ nhất trong việc làm người chăm sóc không phải là những điều bạn nghĩ đâu. Đó không phải là nâng đặt hay dọn dẹp, không phải chuyện thuốc thang hay lau chùi, hay mùi thuốc tẩy trùng dù chỉ thoang thoảng nhưng không hiểu sao lúc nào cũng hiện hữu. Thậm chí cũng chẳng phải chuyện mọi người cho rằng bạn làm việc đó chỉ vì bạn thực sự không đủ thông minh để làm việc gì khác. Mà là thực tế khi bạn thật sự gần gũi ai đó suốt cả ngày, bạn sẽ không có cách nào thoát khỏi tâm trạng của họ. Hay đúng hơn là của chính bạn.

Suốt buổi sáng kể từ lúc tôi nói ra kế hoạch của mình, Will luôn tỏ ra xa lánh tôi. Đó là một thái độ mà người ngoài cuộc không dễ gì hiểu được, nhưng quả thực anh ít nói đùa hơn, bớt đi những lời trò chuyện ngẫu nhiên. Anh chẳng hỏi han gì tôi về nội dung của báo ra hôm nay.

“Đó là… điều cô muốn làm?” Mắt anh chớp chớp, nhưng mặt anh chẳng biểu lộ điều gì.

Tôi nhún vai. Rồi tôi gật đầu thật mạnh. Tôi cảm thấy cách phản ứng của mình có vẻ thoái thác một cách trẻ con. “Thật sự tới lúc rồi,” tôi nói. “Tôi đã hai bảy.”

Anh nhìn mặt tôi chăm chú. Cằm anh nghiến lại.

Đột nhiên tôi cảm thấy mệt mỏi không tả nổi. Tôi cảm thấy một khao khát kỳ lạ muốn nói lời xin lỗi mà chẳng hiểu vì điều gì.

Anh khẽ gật đầu, trưng lên một nụ cười. “Chúc mừng cô đã nghĩ thông mọi sự,” anh nói, rồi lăn xe vào nhà bếp.

Tôi bắt đầu cảm thấy thực sự bực anh. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị ai phán xét như tôi cảm thấy bị Will phán xét lúc này. Cứ như thể tôi trở nên kém thú vị đối với anh khi tôi quyết định ổn định với bạn trai. Kiểu như tôi không còn là dự án phụ ưa thích của anh nữa. Tất nhiên tôi chẳng thể nói ra những điều này, nhưng tôi cũng tỏ thái độ lạnh nhạt với anh như anh đang lạnh nhạt với tôi.

Nhưng nói thật, điều này quả là mệt mỏi.

Buổi chiều, có người gõ cửa sau. Tôi vội vã đi xuống hành lang, tay còn ướt nước xà phòng, và mở cửa ra thì thấy một ông mặc suit đen đứng đó, tay xách ca táp.

“Ồ không. Chúng tôi là Phật tử,” tôi nói quả quyết, rồi đóng sầm cửa lại thì ông ta cất tiếng phản đối.

Hai tuần trước đó, hai người theo đạo Chứng nhân Jehovah đã giữ Will ở cửa sau gần mười lăm phút, trong khi anh cố quay xe trở qua tấm thảm chùi chân.

Khi cuối cùng tôi cũng đóng cửa được, họ đã mở hòm thư để viết lại rằng “hơn bất kỳ ai khác Will” nên hiểu điều gì đang chờ đợi ở kiếp sau.

“À… Tôi tới để gặp ông Traynor, được chứ?” ông ta nói, và tôi thận trọng mở cửa ra. Suốt thời gian tôi làm việc ở dinh thự Granta, chưa từng có ai tới thăm Will qua cửa sau.

“Để ông ấy vào,” Will lên tiếng từ phía sau tôi. “Tôi mời ông ấy tới đấy.”

Khi thấy tôi vẫn không nhúc nhích, anh nói tiếp, “Không sao đâu, Clark… ông ấy là bạn.”

Ông ta bước qua bậc cửa, đưa tay ra bắt tay tôi. “Michael Lawler,” ông nói.

Ông định nói thêm điều gì thì Will đã lăn xe vào giữa hai chúng tôi, cắt đứt cuộc trò chuyện để nó không thể tiến xa hơn. “Chúng tôi sẽ ở trong phòng khách. Cô có thể pha cà-phê rồi cho chúng tôi ở riêng một lát được không?”

“Ờ… được.”

Ông Lawler mỉm cười với tôi, một cách hơi kỳ quặc, rồi theo Will đi vào phòng khách. Mấy phút sau, khi tôi mang khay cà-phê vào, họ đang trò chuyện về cricket. Cuộc trò chuyện về chân cẳng, về tốc độ tiếp diễn cho tới khi tôi không còn lý do gì để nấn ná nữa.

Phủi đám bụi vô hình trên váy, tôi đứng thẳng lên rồi nói, “Được rồi. Tôi sẽ để hai người lại với nhau nhé.”

“Cảm ơn Louisa.”

“Anh chắc anh không muốn thêm gì chứ? Bánh quy chăng?”

“Không đâu, cảm ơn Louisa.”

Will chẳng bao giờ gọi tôi là Louisa. Anh chưa bao giờ xua tôi khỏi bất cứ điều gì trước đó.

Ông Lawler lưu lại khoảng một giờ. Tôi làm việc nhà, rồi quanh quẩn trong bếp, tự hỏi mình có đủ dũng cảm đi nghe lén không. Không. Tôi ngồi xuống, ăn hai cái bánh quy bơ Bourbon, cắn móng tay, nghe tiếng họ rì rầm, tự hỏi tới mười lăm lần là tại sao Will đề nghị ông này không đi cửa trước.

Ông ấy không giống một bác sĩ hay người tư vấn. Ông ấy có thể là một cố vấn tài chính, nhưng chẳng hiểu sao cảm giác cũng không phải thế. Hiển nhiên ông ấy không giống một nhà vật lý trị liệu, nhà trị liệu hoạt động hay chuyên gia về dinh dưỡng – hoặc một trong những kẻ do chính quyền địa phương thuê ghé qua để tiếp nhận những nhu cầu bất thường của Will. Những người như thế thì có đứng xa cả dặm cũng nhận ra. Trông họ luôn mệt mỏi, nhưng cứ cố tỏ ra hết sức vui tươi. Họ mặc đồ len tối màu, đi giày lười, lái những chiếc xe đóng bụi chở đầy giấy tờ và hộp thiết bị. Ông Lawler thì đi xe BMW màu xanh hải quân.

Chiếc xe dòng số 5 láng coóng của ông không phải kiểu xe của chính quyền địa phương.

Cuối cùng ông Lawler cũng ra về. Ông đóng ca táp, vắt áo khoác lên tay. Vẻ mặt ông không còn tỏ ra lạ lùng nữa.

Tôi lưu lại trong sảnh vài giây.

“À. Cô có thể chỉ cho tôi nhà vệ sinh được không?”

Tôi lặng lẽ chỉ cho ông, rồi đứng đó bồn chồn lo lắng, cho tới khi ông xuất hiện trở lại.

“Rồi. Mọi việc xong xuôi cả rồi.”

“Cảm ơn Michael.” Will không nhìn tôi. “Tôi chờ nghe phản hồi từ ông.”

“Tôi sẽ liên lạc lại muộn nhất là tuần sau,” ông Lawler nói.

“Email sẽ tốt hơn là thư tay đấy… ít nhất là thời điểm này.”

“Vâng. Tất nhiên rồi.”

Tôi mở cửa sau cho ông đi ra. Rồi khi Will biến mất trở vào phòng khách, tôi theo ông đi ra sân và nói khẽ, “Thế… ông có phải đi xa không?”

Quần áo ông được cắt may rất đẹp mắt; nó mang đường cắt sắc sảo của thợ may thành phố, mỗi đường kim mũi chỉ là cả một đống tiền.

“London, khổ thế đấy. Dù sao cũng mong là giao thông không quá tệ vào giờ này buổi chiều.”

Tôi bước ra theo sau ông. Mặt trời lên cao thế nên tôi phải nheo mắt mới nhìn được ông. “Thế… à… ông sống ở đâu trên London.”

“Phố Regent.”

“Phố Regent ấy hả? Hay nhỉ.”

“Phải. Không phải là một nơi tệ đâu. Đúng thế đấy. Cảm ơn về cà-phê, cô…”

“Clark. Louisa Clark.”

Khi đó ông dừng khựng lại nhìn tôi một lát, tôi tự hỏi phải chăng ông đã đoán ra tôi đang nỗ lực một cách vô lý dò xét xem ông là ai.

“À. Cô Clark,” ông nói, nụ cười chuyên nghiệp của ông lại nhanh chóng trưng lên. “Cảm ơn cô nhé.”

Ông cẩn thật đặt ca táp lên ghế sau, trèo vào xe rồi đi mất.

Tối hôm đó, trên đường từ nhà tôi sang nhà Patrick, tôi ghé vào thư viện. Tôi có thể sử dụng máy tính của anh, nhưng tôi vẫn cảm thấy tôi nên xin phép trước, thế nên cách này có vẻ dễ dàng hơn. Tôi ngồi xuống trước một chiếc máy tính, gõ “Michael Lawler” và “Phố Regent, London” vào công cụ tìm kiếm. Tri thức là sức mạnh, Will, tôi thầm nói với anh trong đầu.

Có 3290 kết quả, ba kết quả đầu tiên tiết lộ một “Michael Lawler, hành nghề luật sư, chuyên gia về di chúc, thanh toán di sản và ủy quyền luật sư” sống ở trên đúng con phố đó. Tôi nhìn màn hình trân trân mấy phút, rồi tôi gõ lại tên ông, lần này lên công cụ tìm kiếm hình ảnh, và kia là ông, tại một hội nghị bàn tròn nào đó, mặc bộ suit đen

– Michael Lawler, chuyên gia về di chúc và thanh toán di sản, đúng người đàn ông đã ngồi nói chuyện một giờ với Will.

Tối đó tôi chuyển đồ tới nhà Patrick, trong khoảng một tiếng rưỡi từ khi tôi xong việc cho tới khi anh đi chạy. Tôi mang theo mọi thứ trừ cái giường và cái rèm cửa mới. Anh lái xe tới, chúng tôi chất đồ vào bịch ni-lông. Chỉ đi hai chuyến là hết đồ, trừ sách vở hồi học sinh tôi để lại trên gác xép.

Mẹ khóc; mẹ nghĩ bà đã ép tôi phải đi.

“Vì Chúa, em yêu. Đã đến lúc con bước đi rồi. Nó đã hai bảy tuổi,” bố nói với mẹ.

“Nó vẫn là con của em,” mẹ nói, ấn hai hộp bánh trái cây và một giỏ đựng đồ phòng tắm vào tay tôi.

Tôi chẳng biết phải nói gì với mẹ. Tôi thậm chí không thích bánh trái cây.

Xếp đặt đồ đạc của tôi vào nhà Patrick dễ đến kỳ lạ. Nói cho cùng, anh hầu như chẳng có đồ đạc gì, và tôi cũng chẳng có là bao sau chừng ấy năm sống trên gác lửng. Thứ duy nhất chúng tôi tranh cãi là bộ sưu tập CD của tôi, rõ ràng nó chỉ có thể để chung với bộ sưu tập của anh một khi tôi đã dán nhãn lên bìa sau và sắp xếp theo alphabet.

“Tự nhiên như ở nhà nhé,” anh luôn miệng nói, như thể tôi là khách. Chúng tôi căng thẳng, ngượng nghịu với nhau một cách kỳ lạ, giống như hai người mới hẹn hò lần đầu. Khi tôi mở đồ, anh mang tới cho tôi một tách trà rồi nói, “Anh nghĩ đây sẽ là tách của em.” Anh chỉ cho tôi chỗ để mọi thứ trong bếp rồi nói đi nói lại, “Tất nhiên em thích để đồ đạc sao thì để. Anh không thấy phiền gì đâu.”

Anh đã dọn hai tủ ngăn kéo và tủ quần áo trong phòng ngủ phụ. Hai tủ ngăn kéo còn lại đựng đầy đồ tập của anh. Tôi không biết anh có nhiều đồ tập hãng Lycra và áo nỉ tới vậy. Đống đồ sắc màu rực rỡ của tôi chỉ chiếm một khoảng nhỏ trong tủ ngăn kéo, và đám móc sắt trống trơn ủ dột đu đưa trong tủ áo.

Tôi vừa nhìn tủ đồ vừa nói, “Em phải mua thêm quần áo thì mới mong lấp đầy được.”

Anh cười căng thẳng. “Cái gì đó?”

Anh nhìn tờ lịch của tôi treo trên tường trong phòng ngủ phụ, với những ý tưởng ghi bằng mực xanh và những việc đã lên kế hoạch chỉn chu ghi bằng mực đen. Với những việc đã hoàn thành (nghe nhạc, nếm rượu), tôi vẽ một mặt cười bên cạnh. Với những việc thất bại (xem đua ngựa, khu triển lãm tranh), nó vẫn trống trơn. Hai tuần tiếp theo chỉ có mấy ngày được đánh dấu – Will đã chán ngấy những nơi lân cận, mà tôi vẫn chưa thuyết phục được anh đi đâu xa xa. Tôi liếc sang Patrick. Tôi thấy anh đang săm soi ngày 12 tháng Tám, lúc này nó được gạch chân cùng một loạt dấu chấm cảm màu đen.

“À… chỉ là để nhắc nhở em về công việc thôi mà.”

“Em không nghĩ họ sẽ ký tiếp hợp đồng với em à?”

“Em không biết, Patrick.”

Patrick lấy cây bút trong hộp ra, nhìn sang tháng tiếp theo, rồi nguệch ngoạc xuống dưới tuần 28: “Tới lúc bắt đầu tìm việc.”

“Như thế em sẽ chuẩn bị được tinh thần cho dù có điều gì xảy ra,” anh nói.

Anh hôn tôi rồi bỏ tôi lại một mình.

Tôi đặt đồ vào phòng tắm thật cẩn thận, để dao cạo, kem dưỡng ẩm, tampon vào tủ gương của anh. Tôi xếp mấy cuốn sách thành hàng gọn ghẽ dọc sàn nhà bên dưới cửa sổ phòng ngủ phụ, kể cả những cuốn mới tinh mà Will vừa đặt hàng trên Amazon cho tôi. Patrick hứa sẽ đặt mua giá sách khi có chút thời gian rỗi.

Thế rồi khi anh đi chạy, tôi ngồi xuống, nhìn qua khu công nghiệp, về phía tòa lâu đài, luyện tập nói từ nhà thật khẽ.

Tôi chẳng bao giờ biết giữ bí mật. Treena luôn bảo tôi vừa toan nói dối thì đã lộ hết rồi. Bố mẹ tôi tới giờ vẫn còn châm chọc lần tôi viết đơn xin nghỉ học cho chính mình sau khi cúp giờ. “Thưa Cô Trowbridge,” bố mẹ đọc. “Xin phép cô cho Louisa Clark nghỉ phép hôm nay vì em đang vô cùng khổ sở với vấn đề phụ nữ.” Hôm đó bố đã phải cố giữ nét mặt đạo mạo dù trong lòng ông rất muốn mắng cho tôi một trận.

Giữ kín kế hoạch của Will với gia đình tôi là một chuyện – tôi giỏi giữ bí mật với bố mẹ tôi (nói cho cùng đó là kỹ năng ai cũng học được từ những năm thiếu thời) – nhưng che giấu nỗi lo lắng trong lòng lại là một điều hoàn toàn khác.

Mấy đêm sau đó, tôi cố nghĩ xem Will đang định làm gì, và tôi phải làm gì để ngăn

anh, đầu óc tôi căng ra ngay cả khi Patrick và tôi đang nói chuyện, hay đang nấu ăn với nhau trong gian bếp nhỏ. (Tôi đã khám phá ra một số điều mới về anh – ví như, anh thực sự đã biết hàng trăm cách chế biến ức gà tây khác nhau.) Tới đêm, chúng tôi làm tình – việc này gần như là cưỡng ép, như thể chúng tôi phải tận dụng cho hết mọi tiện ích khi được tự do. Nhưng ngay khi anh chìm vào giấc ngủ, tôi lại đắm trong những suy nghĩ của riêng mình.

Chỉ còn lại bảy tuần nữa thôi.

Và Will đang lên kế hoạch, dù tôi chẳng có kế hoạch gì.

Tuần tiếp theo, không rõ Will có để ý thấy tôi đang lo lắng không, nhưng anh chẳng nói gì. Chúng tôi nhịp nhàng làm những công việc thường ngày – tôi chở anh dạo quanh đồng quê, nấu ăn cho anh, trông coi anh khi chúng tôi ở nhà.

Anh không bao giờ trêu đùa về Ông Chạy nữa.

Tôi nói với anh về những cuốn sách anh mới giới thiệu lần gần đây nhất: chúng tôi đã đọc The English Patient (Bệnh nhân người Anh) (tôi mê cuốn này), và một cuốn trinh thám của Thụy Điển (tôi không thích nó). Chúng tôi quan tâm tới nhau theo kiểu cực kỳ lịch sự. Tôi nhớ những lời nói khó nghe, nhớ tính gắt gỏng của anh – sự vắng mặt của những điều này chỉ làm gia tăng thêm cảm giác đe dọa đang treo lù lù trên đầu tôi.

Nathan quan sát cả hai chúng tôi, như thể ông đang quan sát một loài sinh vật mới lạ.

“Hai người cãi nhau đấy à?” một hôm ông hỏi tôi trong bếp, khi tôi đang gỡ hàng tạp phẩm mới mua.

“Tốt nhất ông nên hỏi anh ấy,” tôi nói.

“Cậu ấy nói y như vậy.”

Ông nhìn nghiêng sang tôi, rồi đi vào phòng tắm mở tủ thuốc của Will.

Trong khi đó, tôi trù trừ ba ngày sau chuyến viếng thăm của ông Michael Lawler rồi mới gọi cho bà Traynor. Tôi hỏi liệu tôi có thể gặp bà ở đâu đó ngoài ngôi nhà này không, và chúng tôi thỏa thuận gặp nhau tại quán cà-phê nhỏ mở ở sân lâu đài. Mỉa mai thay, đó chính là quán cà-phê đã cướp đi công việc của tôi.

Quán này sang trọng hơn quán Bánh Bơ nhiều – tất cả bàn ghế đều làm bằng gỗ sồi ép và gỗ trắng. Họ phục vụ súp đặc sản nấu bằng rau tươi, còn bánh ngọt thì tuyệt ngon.

Ở đây không có cà-phê thường, chỉ có latte, cappuccino và macchiato. Khách hàng chẳng có ai là thợ xây hay những cô gái ở tiệm làm đầu.

Tôi ngồi nhấm nháp tách trà, thầm nghĩ về Quý bà Bồ công anh, tự hỏi không biết bà có thấy thoải mái không nếu ngồi đọc báo ở đây mọi buổi sáng.

“Louisa, xin lỗi tôi tới muộn.” Camilla Traynor bước nhanh vào, túi xách cắp dưới tay, mặc áo lụa xám và quần xanh hải quân.

Tôi chống lại ý định đứng lên. Xưa nay chưa có khi nào nói chuyện với bà mà tôi không cảm thấy giống như mình đang đi phỏng vấn.

“Tôi bận bịu ở tòa quá.”

“Xin lỗi. Vì đã làm bà mất công mất buổi, ý tôi là thế. Tôi chỉ… à, tôi nghĩ việc này không chần chừ được.”

Bà đưa tay lên, nói gì đó với cô phục vụ, ngay lập tức cô mang tới một ly cappuccino. Rồi bà ngồi xuống đối diện với tôi. Tôi cảm thấy bà cứ nhìn chằm chằm như thể tôi trong suốt.

“Will đã mời một luật sư tới nhà,” tôi nói. “Tôi tìm hiểu ra ông ấy là chuyên gia trong vấn đề di chúc và thanh toán di sản.” Tôi chẳng nghĩ được cách nào nhẹ nhàng hơn để mào đầu.

Trông bà như thể vừa bị ăn bạt tai. Tôi nhận ra một cách muộn màng rằng có thể thực tình bà ấy đã nghĩ tôi có điều gì đó tốt đẹp cần kể.

“Một luật sư? Cô chắc chứ?”

“Tôi đã tìm hiểu về ông ấy trên internet. Ông ấy sống ở phố Regent. Ở

London,” tôi nói thêm một cách không cần thiết. “Tên ông ấy là Michael Lawler.”

Bà chớp mắt liên hồi, như thể cố để tiêu hóa chuyện này. “Will nói với cô chuyện này à?”

“Không. Tôi không nghĩ anh ấy muốn tôi biết. Tôi… tôi biết tên ông ấy, rồi tìm kiếm thông tin thôi.”

Cà-phê của bà tới. Cô phục vụ đặt tách cà-phê lên bàn trước mặt bà, nhưng bà chừng như không để ý thấy.

“Bà có muốn gì nữa không ạ?” cô gái hỏi.

“Không, cảm ơn.”

“Hôm nay chúng tôi có món đặc biệt là bánh cà-rốt. Chúng tôi tự làm tại đây. Nó được phủ kem tươi rất ngon…”

“Không.” Bà Traynor gắt. “Cảm ơn cô.”

Cô gái đứng đó đủ lâu để cho chúng tôi biết rằng cô bực mình, rồi cô bỏ đi, cuốn sổ tung tẩy liên hồi trên tay.

“Tôi xin lỗi,” tôi nói. “Bà đã bảo từ trước là tôi nên kể cho bà bất cứ chuyện gì quan trọng. Tôi thức suốt nửa đêm cố nghĩ xem mình có nên nói gì không.”

Mặt bà cắt không ra giọt máu.

Tôi biết bà cảm thấy thế nào.

“Nó cảm thấy trong người thế nào? Cô đã… cô đã nghĩ được thêm ý tưởng gì chưa? Đi chơi ấy?”

“Anh ấy không thích.” Tôi kể với bà về chuyện Paris, về danh sách những thứ tôi đã soạn ra.

Trong suốt quá trình tôi kể, tôi thấy trí óc bà luôn làm việc nhanh hơn tôi, tính toán, ước định.

“Bất cứ nơi nào,” cuối cùng bà nói. “Tôi sẽ chi trả. Cô muốn đi đâu cũng được. Tôi sẽ trả cho cô. Cả Nathan nữa. Chỉ cần… chỉ cần xem cô có thể làm nó đồng ý không thôi.”

Tôi gật đầu.

“Có điều này cô có thể suy nghĩ… hãy tìm cách cho chúng tôi thêm thời gian.

Tôi sẽ trả lương cho cô trước sáu tháng, chắc chắn đấy.”

“Đó… đó thật tình không phải vấn đề.”

Chúng tôi lặng lẽ uống nốt tách cà-phê, cả hai cùng chìm trong những suy nghĩ riêng tư. Khi lén quan sát bà, tôi để ý thấy mái tóc hoàn mỹ của bà giờ đã ngả hoa râm, đôi mắt bà cũng thâm quầng như mắt tôi. Tôi nhận ra tôi chẳng hề cảm thấy dễ chịu hơn sau khi kể chuyện với bà, sau khi trút nỗi lo âu chất ngất trong lòng tôi sang bà – nhưng tôi có lựa chọn nào khác đâu? Bức tường thành ngày qua ngày lại cao lên. Tiếng đồng hồ điểm đúng hai giờ dường như lôi bà ra khỏi cảm giác chết lặng.

“Tôi phải quay lại đi làm đây. Hãy nói cho tôi biết bất cứ điều gì mà cô… cô có thể nghĩ ra, Louisa. Chắc sẽ tốt hơn nếu chúng ta nói những chuyện này bên ngoài khu nhà phụ ấy.”

Tôi đứng dậy. “À,” tôi nói, “bà cần lấy số mới của tôi. Tôi vừa chuyển nhà.”

Khi bà thò tay vào túi lấy bút, tôi nói thêm, “Tôi chuyển sang ở với Patrick… bạn trai tôi.”

Tôi không biết tại sao tin này khiến bà vô cùng ngạc nhiên. Bà tỏ vẻ kinh ngạc, mãi mới đưa cây bút cho tôi.

“Tôi không biết cô có bạn trai đấy.”

“Tôi không biết tôi cần nói với bà.”

Bà đứng đó, một tay đặt trên bàn. “Hôm trước Will bảo với tôi rằng cô… nó nghĩ cô sẽ chuyển tới sống ở khu nhà phụ. Vào dịp cuối tuần.”

Tôi nguệch ngoạc số nhà Patrick.

“À, tôi nghĩ mọi người sẽ thấy dễ hiểu hơn khi tôi chuyển tới sống cùng Patrick.” Tôi đưa cho bà mảnh giấy. “Nhưng tôi ở không xa đâu. Ngay bên cạnh khu công nghiệp thôi. Chuyện này không ảnh hưởng gì tới thời gian làm việc.

Cả chuyện đi làm đúng giờ nữa.”

Chúng tôi đứng im lặng. Bà Traynor có vẻ rất bối rối, tay vuốt tóc liên hồi, rồi lướt xuống chiếc dây chuyền trên cổ. Cuối cùng chừng như chẳng đặng đừng, bà thốt ra lời, “Cô có phiền hà gì không nếu chờ đợi một chút? Chỉ mấy tuần thôi?”

“Sao cơ ạ?”

“Will… Tôi nghĩ Will rất thích cô.” Bà cắn môi. “Tôi thấy… tôi thấy chuyện này khiến mọi chuyện xấu đi.”

“Khoan đã. Bà đang nói rằng lẽ ra tôi không nên chuyển tới sống cùng bạn trai?”

“Tôi chỉ nói rằng thời điểm này là không lý tưởng. Will đang trong trạng thái hết sức dễ tổn thương. Tất cả chúng ta đang làm hết sức để khiến nó lạc quan… thế mà cô…”

“Tôi làm sao cơ?” Tôi thấy cô phục vụ đang quan sát chúng tôi, cuốn sổ vẫn còn trên tay. “Tôi làm sao chứ? Dám có một cuộc sống khác ngoài công việc ư?”

Bà hạ giọng. “Tôi đang làm mọi thứ có thể, Louisa, để ngăn… chuyện này.

Cô biết nhiệm vụ chúng ta đang đối diện rồi đấy. Và tôi chỉ nói rằng dựa trên thực tế là nó rất thích cô, tôi ước gì cô chờ đợi thêm một chút nữa trước khi cô quẳng… niềm hạnh phúc của cô vào mặt nó.”

Tôi không tin nổi vào tai mình nữa. Tôi thấy mặt mình nóng bừng, tôi phải hít một hơi thật sâu rồi mới nói tiếp được.

“Sao bà dám bảo tôi có thể làm việc gì đó làm tổn thương tình cảm của Will.

Tôi đã làm hết khả năng,” tôi rít lên. “Tôi đã làm mọi việc tôi có thể nghĩ ra. Tôi đã nghĩ bao ý tưởng, đưa anh ấy ra ngoài, nói chuyện với anh ấy, đọc cho anh ấy nghe, chăm sóc anh ấy.” Những lời cuối cùng như bùng nổ trong ngực tôi.

“Tôi đã chùi rửa cho anh ấy. Tôi đã thay ống thông tiểu cho anh ấy. Tôi làm anh ấy cười. Tôi làm nhiều hơn cả gia đình chết giẫm nhà bà làm.”

Bà Traynor đứng sững sờ. Bà kéo người thẳng thớm lại, cắp túi xách vào tay.

“Tôi nghĩ có lẽ cuộc nói chuyện này kết thúc rồi, cô Clark.”

“Phải. Phải đấy bà Traynor. Tôi nghĩ có lẽ là thế thật.”

Bà quay đi, bước nhanh ra khỏi quán cà-phê.

Khi cánh cửa đóng sầm lại, tôi nhận ra mình đang run lẩy bẩy.

Cuộc nói chuyện với bà Traynor cứ đeo bám tôi suốt mấy ngày sau. Tôi cứ nghe văng vẳng bên tai lời bà nói, cái ý tưởng rằng tôi đã ném hạnh phúc của mình vào mặt anh. Tôi không nghĩ Will có thể thấy tổn thương trước bất cứ việc gì tôi làm. Khi anh không tán thành quyết định chuyển tới sống cùng Patrick của tôi, tôi đã nghĩ đó là vì anh không thích Patrick chứ không phải vì tình cảm nào đó anh dành cho tôi. Quan trọng hơn, tôi nghĩ mình chẳng tỏ ra sung sướng chút nào.

Ở nhà, tôi không thể xóa bỏ cảm giác lo âu. Nó giống như một một dòng suối nhỏ róc rách chảy qua tôi, lan tỏa vào mọi thứ tôi làm. Tôi hỏi Patrick, “Chúng ta có sống thế này không nếu em gái em không cần phòng của em nhỉ?”

Anh nhìn tôi như thể tôi là đứa mất trí. Anh vươn người tới kéo tôi vào lòng, hôn lên đỉnh đầu tôi. Rồi anh liếc xuống. “Em có nhất thiết phải mặc pyjama không? Anh chẳng thích em mặc pyjama.”

“Nó thoải mái mà.”

“Trông nó như quần của mẹ anh vậy.”

“Không có chuyện đêm nào em cũng mặc áo nịt chỉ để làm anh hài lòng đâu nhé. Anh chưa trả lời câu hỏi của em.”

“Anh không biết. Có lẽ. Có.”

“Nhưng chúng ta chưa bao giờ nói về chuyện này, phải không?”

“Lou, hầu hết mọi người tới sống cùng nhau vì đó là chuyện hiển nhiên. Đó là vì ta yêu ai đó và vì những lợi ích tài chính và thực tế.”

“Em chỉ… không muốn anh nghĩ em làm nên chuyện này. Em không muốn cảm thấy như thể em làm ra chuyện này.”

Anh thở dài, thẳng người dựa lưng vào ghế. “Sao phụ nữ cứ phải nói đi nói lại một chuyện cho tới khi nó trở thành vấn đề trầm trọng thế nhỉ. Anh yêu em, em yêu anh, chúng ta đã ở bên nhau gần bảy năm, nhà bố mẹ em lại không có phòng ngủ. Mọi chuyện đơn giản có thế thôi.”

Nhưng cảm giác lại chẳng đơn giản chút nào.

Cảm giác như tôi đang sống một cuộc đời mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới.

Thứ Sáu đó trời mưa cả ngày – những màn mưa nặng hạt ấm áp như thể chúng tôi đang ở miền nhiệt đới, làm cho máng nước chảy ồng ộc và thổi dạt những cánh hoa yếu ớt như đang nghiêng ngả cầu xin. Will nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ như chú cún chẳng chịu đi chơi. Nathan đến rồi đi, một chiếc túi nhựa che trên đầu. Will xem một bộ phim tài liệu về chim cánh cụt, rồi sau đó, khi anh vào máy tính, tôi cũng cố làm ra vẻ bận rộn để chúng tôi không phải nói chuyện với nhau. Cảm giác khó chịu giữa chúng tôi thật nặng nề, và việc hai đứa cứ phải ở trong một gian phòng suốt ngày khiến điều đó càng tệ hại hơn.

Cuối cùng tôi cũng đã bắt đầu hiểu được cảm giác khuây khỏa mà việc lau chùi mang lại. Tôi quét dọn, lau cửa sổ, thay chăn màn. Tôi luôn tay luôn chân.

Không có hạt bụi nào thoát khỏi mắt tôi, không mẩu rác nào lọt qua được phân tích pháp y của tôi. Tôi đang dùng bọt tuyết nhúng dấm (mẹ tôi chỉ) để cọ vết gỉ trên vòi nước trong phòng tắm thì nghe thấy Will dừng xe sau lưng tôi.

“Cô đang làm gì thế?”

Tôi cúi thấp xuống bồn tắm. Tôi không quay lại. “Tôi đang cọ vòi nước nhà anh.”

Tôi cảm giác anh đang quan sát tôi.

Sau một lát, anh nói, “Nói lại xem nào.”

“Gì cơ?”

“Nói lại điều đó.”

Tôi ngồi thẳng dậy. “Sao, tai anh có vấn đề à? Tôi đang cọ vòi nước nhà anh.”

“Tôi chẳng làm sao cả, tôi chỉ muốn tự cô nghe lại những gì cô nói thôi.

Chẳng có lý do gì phải cọ vòi nước nhà tôi cả, Clark. Mẹ tôi không để ý chuyện đó, tôi không bận tâm, mà nó chỉ làm cho phòng tắm tanh như ở cửa hàng cá và khoai tây chiên thôi. Vả lại, giờ tôi muốn đi ra ngoài.”

Tôi hất một lọn tóc ra khỏi mặt. Đúng thật. Không khí rõ là nghe như có mùi cá tuyết.

“Thôi nào. Cuối cùng trời cũng tạnh mưa rồi. Tôi vừa nói chuyện với bố tôi.

Ông bảo ông sẽ đưa chìa khóa cho chúng ta vào lâu đài sau năm giờ, khi du khách đã về hết.”

Tôi không cảm thấy ý tưởng hai chúng tôi nói chuyện phải phép với nhau suốt chặng đường đi dạo quanh sân lâu đài có gì thú vị. Nhưng ý nghĩ được ra khỏi khu nhà phụ này thì quả là hấp dẫn.

“Được rồi. Cho tôi năm phút. Tôi phải cố tẩy mùi dấm khỏi tay đã.”

Điểm khác nhau giữa một người lớn lên như tôi và một người lớn lên như

Will là ít nhiều anh luôn mang ý thức quyền uy. Tôi nghĩ với một người sinh trưởng như anh, có bố mẹ giàu sang, sống trong ngôi nhà lộng lẫy, được đi học ở những trường danh giá, đi ăn ở nhà hàng hạng sang thì người đó luôn có cảm quan rằng mọi thứ tốt đẹp sẽ tới tay mình, rằng vị trí của người đó trên thế gian hiển nhiên là vị trí cao quý.

Will kể suốt thời thơ ấu anh hay lỉnh vào những khoảng sân trống trơn của tòa lâu đài. Bố anh cho anh nhởn nha ở đó, miễn là không được chạm vào bất cứ thứ gì. Sau 5.30 chiều, khi du khách cuối cùng đã ra về, khi những người làm vườn bắt đầu tỉa cây dọn lá, lao công đi gom rác, quét dọn hộp giấy đồ uống rỗng và vụn kẹo bơ lạc, nó trở thành sân chơi bí mật của riêng anh.

Khi nghe anh kể chuyện này, tôi tưởng tượng rằng nếu Treena và tôi được tự do trong lâu đài, chỉ riêng hai đứa, thì chúng tôi sướng điên người vì không tin nổi chuyện đó và sẽ xới tung cả chỗ này lên.

“Tôi đã hôn cô gái đầu tiên trên cây cầu treo kia,” anh nói, chậm lại để nhìn cây cầu khi chúng tôi đi dọc lối đi trải sỏi.

“Khi ấy anh có nói với cô ta nơi này thuộc về anh không?”

“Không. Có lẽ đáng ra tôi nên nói. Một tuần sau đó cô ấy đã bỏ rơi tôi để chạy theo một anh chàng làm việc trong minimart.”

Tôi quay sang ngạc nhiên nhìn anh. “Không phải Terry Rowlands đấy chứ?

Anh chàng có mái tóc đen vuốt keo bóng mượt, có hình xăm trên khuỷu tay ấy?”

Anh nhướng mày. “Đúng anh ta đấy.”

“Anh ấy vẫn làm ở đó, anh biết không. Ở minimart. Nếu điều đó khiến anh cảm thấy dễ chịu hơn.”

“Tôi không chắc anh ta có ghen tị gì không với kết cục của tôi,” Will nói, và tôi lại thôi không nói gì nữa.

Thật kỳ lạ khi nhìn tòa lâu đài như thế này, trong lặng lẽ, hai chúng tôi là những người duy nhất ở đó ngoại trừ một người làm vườn lập dị đang ở phía xa xa. Thay vì nhìn chăm chú những vị du khách, bị sao nhãng bởi tiếng nói và đời sống lạ kỳ của họ, tôi thấy có lẽ đây là lần đầu tiên mình nhìn vào chính tòa lâu đài, lần đầu tiên biết đam mê một phần lịch sử của nó. Những bức tường sừng sững đã đứng đó hơn 800 năm. Bao thế hệ đã sinh ra rồi chết đi, bao trái tim đong đầy và mất mát. Giờ đây trong yên lặng, ta hầu như có thể nghe thấy tiếng nói của họ, tiếng bước chân của chính họ trên lối mòn này.

“Nào, tới lúc tự thú rồi,” tôi nói. “Anh đã bao giờ đi bộ quanh đây và giả vờ như mình là một hoàng tử chiến binh chưa?”

Will nhìn nghiêng sang tôi. “Nói thực ư?”

“Tất nhiên rồi.”

“Có chứ. Thậm chí có lần tôi còn mượn một thanh gươm treo trên tường tòa thị chính. Nó nặng cả tấn. Tôi nhớ mình đã sợ chết khiếp rằng tôi sẽ không thể nhấc nó đặt lại lên giá.”

Chúng tôi đã tới mỏm đồi, và từ đây, phía trước con hào, chúng tôi có thể nhìn xuống dải cỏ dài tới tận bức tường phế tích, nơi đánh dấu ranh giới của khuôn viên lâu đài. Phía bên kia mốc ấy là thị trấn, những bảng hiệu sáng đèn neon, xe cộ nối đuôi nhau, tiếng rì rầm báo hiệu thị trấn nhỏ đang vào giờ cao điểm. Trên này không gian vô cùng tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim chóc và tiếng rì rì khe khẽ phát ra từ xe của Will.

Anh thoáng dừng xe lại, quay xe để chúng tôi cùng nhìn xuống sân. “Tôi ngạc nhiên là chúng ta chưa từng gặp nhau đấy,” anh nói. “Ý tôi là dạo tôi còn nhỏ ấy mà. Lối đi của chúng ta phải giao nhau chứ nhỉ.”

“Sao lại phải thế? Tôi và anh không sống cùng cộng đồng. Và khi anh tha lôi thanh gươm đi qua chiếc xe đẩy, thì tôi mới là đứa trẻ nằm trong đó.”

“À nhỉ. Tôi quên mất – so với cô thì tôi đã già cóc đế rồi.”

“Tám năm cách biệt xứng đáng để tôi gọi anh là ‘chú’ rồi,” tôi nói. “Ngay từ thời niên thiếu bố tôi đã không bao giờ cho phép tôi đi chơi với một ông chú.”

“Ngay cả khi ông chú ấy sở hữu một tòa lâu đài ư?”

“Ồ, hẳn nhiên điều đó sẽ thay đổi mọi thứ chứ.”

Mùi cỏ ngọt ngào dâng lên xung quanh khi chúng tôi tản bộ, bánh xe lăn kin kít qua những vũng nước nhỏ trên lối đi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi không được như trước đây, nhưng có lẽ như thế cũng là ngoài mong đợi rồi. Bà Traynor nói đúng – Will luôn cảm thấy thật khó khăn khi chứng kiến người khác bước

tiếp đời mình. Tôi lưu ý mình phải suy nghĩ cẩn thận hơn về chuyện những hành động của tôi có thể ảnh hưởng thế nào tới cuộc đời anh. Tôi không muốn tức giận nữa.

“Tìm đường trong mê cung đi. Bao nhiêu năm rồi tôi chưa đi vào đó.”

Tôi bị lôi tuột lại những ý nghĩ ngày xưa. “Ôi. Không đâu, cám ơn.” Tôi liếc nhìn, đột nhiên nhận ra chúng tôi đang ở đâu.

“Sao chứ, cô sợ lạc à? Thôi nào, Clark. Đó là một thử thách dành cho cô.

Thử xem liệu cô có nhớ nổi con đường cô đi vào không, rồi chọn một con đường đi ngược trở lại. Tôi sẽ tính thời gian cho cô. Hồi trước tôi hay chơi trò này lắm.”

Tôi ngoái cổ liếc nhìn lại ngôi nhà. “Thật tình tốt hơn tôi không nên vào.”

Chỉ nghĩ tới mê cung thôi cũng đủ khiến ruột tôi thắt lại rồi.

“À. Lại sợ làm liều chứ gì.”

“Không phải thế.”

“Không sao. Chúng ta sẽ tiếp tục chặng đường nho nhỏ buồn tẻ rồi trở về khu nhà phụ bé tí buồn tẻ.”

Tôi biết anh đang nói đùa. Nhưng có điều gì đó trong giọng nói của anh thực sự chạm vào tim tôi. Tôi nghĩ tới cô Deirdre trên xe buýt, lời bình luận rằng thật tốt khi một trong hai chị em tôi ở lại gia đình. Cuộc đời của tôi luôn nhỏ bé, tham vọng của tôi luôn tầm thường.

Tôi liếc sang mê cung, bóng tối phủ dày và bờ rào rậm rạp. Tôi đang sống rất lố bịch.

Có lẽ bao năm nay tôi đã cư xử một cách lố bịch. Rốt cuộc mọi chuyện cũng qua rồi.

Và tôi đang bước tiếp.

“Chỉ cần nhớ cô rẽ ở đâu, rồi khi ra thì đi ngược lại. Không khó như có vẻ thế đâu. Thật đấy.”

Tôi rời khỏi lối mòn trước khi kịp nghĩ kỹ điều gì. Tôi hít một hơi, bước qua tấm biển cảnh báo “Không dẫn theo trẻ em”, bước nhanh vào giữa những bờ giậu tối đen ướt đẫm vẫn còn lưu lại những giọt mưa.

Chuyện này không quá khó đâu, chuyện này không quá khó đâu, tôi nghe tiếng mình thì thào. Nó chỉ là một dãy hàng rào cũ kỹ. Tôi rẽ phải, rồi rẽ trái qua một ngõ cụt. Tôi lại rẽ phải rồi rẽ trái, và vừa đi tôi vừa nhẩm trong đầu chiều ngược lại của góc tôi vừa rẽ. Phải. Trái. Ngõ cụt. Phải. Trái.

Tim tôi bắt đầu đập nhanh lên một chút, tôi có thể nghe thấy tiếng mạch máu thùm thụp trong tai. Tôi bắt mình nghĩ tới Will ở phía bên kia hàng rào đang liếc nhìn đồng hồ. Đây là một bài kiểm tra ngu ngốc. Tôi không còn là cô gái ngây thơ ngày ấy nữa. Tôi đã hai bảy tuổi. Tôi sống cùng bạn trai. Tôi có một công việc có trách nhiệm. Tôi là một con người hoàn toàn khác.

Tôi rẽ, đi thẳng, rồi lại rẽ.

Thế rồi đột ngột, nỗi sợ hãi trào dâng trong tôi. Tôi nghĩ tôi thấy một ông chạy vụt qua cuối hàng rào. Dù tự nhủ đó chỉ là tưởng tượng, khoảnh khắc trấn an bản thân ấy khiến tôi quên mất lời chỉ dẫn đảo ngược của mình. Phải. Trái.

Ngõ cụt. Phải. Phải? Có phải tôi nhớ sai rồi không? Hơi thở tôi thắt lại trong cổ họng. Tôi ép mình đi tiếp, chỉ để nhận ra rằng tôi đã hoàn toàn mất phương hướng. Tôi dừng lại, liếc nhìn bóng đổ xung quanh, cố nghĩ xem hướng tây nằm đâu.

Khi đứng đó, tôi sực nhận ra rằng tôi không thể làm thế. Tôi không thể cứ đứng yên như vậy. Tôi nhìn quanh, rồi bắt đầu đi vào lối mà tôi nghĩ dẫn về hướng nam. Tôi sẽ ra được. Tôi hai mươi bảy tuổi rồi. Mọi chuyện sẽ ổn.

Nhưng rồi tôi nghe thấy giọng họ, tiếng huýt sáo, tiếng cười đùa châm chọc. Tôi thấy họ, chạy vù vù tới lui ở những khúc cua bờ rào, thấy chân mình chao đảo vì say xỉn trên đôi dép cao gót, cảm giác nhói đau không lẫn vào đâu được khi ngã vào hàng rào, chới với cố đứng cho ngay ngắn.

“Tôi muốn ra ngoài ngay,” tôi đã bảo với họ như vậy, giọng tôi khàn đặc, run rẩy. “Tôi thấy đủ lắm rồi, các cậu.”

Thế rồi họ biến mất cả. Mê cung im lìm, chỉ còn tiếng thì thầm xa xa, có lẽ là tiếng họ ở phía bên kia hàng rào – mà cũng có thể là tiếng gió xào xạc lá.

“Tôi muốn ra ngoài ngay,” tôi đã nói thế, giọng tôi nghe lạ lùng ngay cả với tai tôi. Tôi đã nhìn lên trời cao, đột nhiên choáng váng trước không gian đen ngòm bao la sâu thẳm trên đầu. Rồi tôi giật nảy mình khi một người ôm lấy eo tôi – anh chàng tóc đen. Giờ cậu ta đã đi tới châu Phi.

“Em chưa được đi,” anh ta nói. “Em sẽ làm hỏng trò chơi mất.”

Lúc này tôi đã hiểu rồi, từ cảm giác bàn tay anh ta đặt trên eo tôi. Tôi nhận ra rằng có chút cân bằng đã chao đảo, chút cẩn trọng trong hành vi đã bắt đầu bốc hơi. Thế là tôi phá lên cười, đẩy tay anh ta ra như thể nó là trò đùa, không để lộ cho anh ta biết rằng tôi đã hiểu. Tôi nghe anh ta hú gọi bạn bè. Tôi vùng khỏi anh ta, đột ngột tháo chạy, cố hết sức tìm lối ra, chân tôi lún vào cỏ ướt. Tôi nghe thấy cả đám bọn họ ùa đến quanh tôi, giọng họ gào rú, cơ thể chập chờn, cổ họng tôi thít lại vì hoảng sợ. Tôi quá mất phương hướng, chẳng biết mình đang ở đâu nữa. Những dãy hàng rào cao vút cứ chao đảo, nghiêng ngả về phía tôi. Tôi tiếp tục chạy, lê mình quanh những góc cua, chệnh choạng, lao vào những khoảng trống, cố thoát khỏi tiếng họ. Nhưng chẳng bao giờ thấy được lối ra. Rẽ ở đâu tôi cũng chỉ thấy một hàng rào bất tận khác, một giọng chế giễu khác.

Tôi loạng choạng lao vào một khoảng trống, thoáng sung sướng vì đã gần tới tự do. Nhưng rồi tôi thấy mình đã trở lại trung tâm mê cung, quay lại đúng nơi mình bắt đầu bỏ chạy. Tôi choáng váng khi thấy tất cả bọn họ đang đứng đó, như thể họ đang chờ tôi.

“Em đây rồi,” một gã nói khi đưa tay chộp lấy tay tôi. “Tớ đã bảo các cậu là em ấy sẵn sàng lắm mà. Lại đây nào, Lou-lou, hôn anh một cái rồi anh chỉ đường ra cho.” Giọng gã õng ợt lè nhè.

“Hôn bọn anh mỗi thằng một cái rồi bọn anh sẽ chỉ đường ra cho.”

Mặt họ lờ mờ nhân ảnh.

“Tôi chỉ… tôi chỉ muốn các anh…”

“Thôi nào, Lou. Em thích anh phải không nào? Em đã ngồi trong lòng anh suốt cả buổi tối. Một nụ hôn thôi. Làm gì mà khó khăn thế?”

Tôi nghe một tiếng cười khẩy.

“Thế rồi anh sẽ chỉ cho tôi cách ra chứ?” Giọng tôi nghe thật đáng thương, ngay cả với lỗ tai tôi.

“Chỉ một nụ thôi.” Gã xích lại gần hơn.

Tôi cảm nhận thấy miệng gã trên miệng mình, một bàn tay bóp đùi tôi.

Gã lùi ra, tôi nghe thấy tiếng hơi thở gã quay đi. “Tới lượt Jake.”

Tôi chẳng nhớ lúc ấy mình nói gì nữa. Ai đó nắm cánh tay tôi. Tôi nghe tiếng cười, cảm thấy một bàn tay trên tóc mình, một khuôn miệng nữa trên môi, liên tục, xâm phạm, thế rồi…

“Will…”

Lúc này tôi đang khóc thổn thức, vòng tay ôm người. “Will,” tôi gọi tên anh, gọi mãi, giọng tôi lạc đi, thoát ra từ đâu đó trong lồng ngực. Tôi nghe giọng anh từ đâu đó xa xa, bên kia hàng rào.

“Louisa? Louisa, cô ở đâu? Có chuyện gì thế?”

Tôi đang ở trong góc, xa cái hàng rào ngày xưa ấy hết mức có thể. Nước mắt nhạt nhòa trên mi, vòng tay ôm chặt quanh mình. Tôi không ra ngoài được. Tôi sẽ mắc kẹt
ở đây mãi mãi. Sẽ chẳng ai tìm ra tôi. “Will…”

“Cô ở đâu?”

Anh xuất hiện ở đó, ngay trước mặt tôi.

“Tôi xin lỗi,” tôi nói, ngước lên, gương mặt tôi vẹo vọ. “Tôi xin lỗi. Tôi không… làm được.”

Anh nhấc cánh tay lên dăm phân – mức cao nhất mà anh xoay xở được. “Ôi Chúa ơi, có chuyện gì…? Lại đây, Clark.” Anh tiến tới, rồi liếc nhìn xuống cánh tay với ánh mắt tuyệt vọng.

“Thứ vô dụng này… Được rồi. Thở đi nào. Lại đây. Thở đi. Chậm thôi.”

Tôi lau mắt. Nhìn thấy anh, nỗi sợ hãi bắt đầu tan biến. Tôi lảo đảo đứng lên, cố tươi tỉnh lại. “Tôi xin lỗi. Tôi… không biết chuyện gì đã xảy ra nữa.”

“Cô bị chứng sợ không gian hẹp à?” Gương mặt anh gần sát bên mặt tôi, khắc khoải lo lắng. “Tôi đã thấy cô không muốn vào đây. Tôi chỉ… tôi chỉ nghĩ cô đang…”

Tôi nhắm mắt. “Giờ tôi chỉ muốn ra ngoài thôi.”

“Nắm tay tôi. Chúng ta cùng ra.”

Anh dẫn tôi ra trong ba phút. Anh biết mặt sau của mê cung, anh nói với tôi thế khi chúng tôi ra, giọng anh điềm tĩnh, trấn an. Khi anh còn là một cậu bé, tìm cách ra khỏi mê cung là một thách thức. Tôi siết mấy ngón tay vào các ngón tay anh, cảm thấy hơi ấm của bàn tay anh như thứ gì đầy an ủi. Tôi thấy mình thật ngớ ngẩn khi nhận ra rằng lối đi vào mà tôi thường qua lại bấy nay thật sự rất gần.

Chúng tôi dừng lại bên cạnh một chiếc ghế dài ngay bên ngoài mê cung, tôi lục sau lưng ghế anh lấy một tờ khăn giấy. Chúng tôi ngồi im lặng, tôi ngồi ở mép ghế, bên cạnh anh, cả hai chúng tôi chờ đợi cho tôi hết nấc.

Anh ngồi đó, len lén nhìn tôi.

“Nào…?” cuối cùng anh lên tiếng, khi tôi đã tỏ ra có thể cất tiếng mà không òa khóc nữa. “Cô muốn kể cho tôi nghe có chuyện gì chứ?”

Tôi vò khăn giấy trong tay. “Tôi không thể.”

Anh mím môi.

Tôi nuốt vào. “Không phải vì anh đâu,” tôi vội nói. “Tôi chưa từng nói với ai về… Chuyện đó… chuyện đó thật ngu ngốc. Xảy ra lâu lắm rồi. Tôi đã không nghĩ… tôi sẽ…”

Tôi thấy anh nhìn mình chăm chú, và ước anh đừng nhìn nữa. Tay tôi sẽ không ngừng run lẩy bẩy, và ruột tôi như triệu lần thắt lại.

Tôi lắc đầu, cố nói với anh rằng có những điều tôi không thể kể ra. Tôi muốn lại được nắm tay anh, nhưng tôi không dám. Tôi cảm nhận được cái nhìn khắc khoải của anh, nghe được những câu hỏi không cất thành lời.

Phía dưới chúng tôi, hai chiếc xe tấp lại bên cổng. Hai người bước ra rồi ôm nhau, từ đây thì không thể nhìn ra họ là ai. Họ đứng đó vài phút, có lẽ chuyện trò với nhau, rồi ai lên xe nấy lái về hai hướng. Tôi quan sát họ nhưng chẳng nghĩ được gì. Tâm trí tôi như ngưng đọng. Tôi chẳng biết phải nói gì thêm nữa.

“Được rồi. Có một điều này,” cuối cùng anh nói. Tôi quay sang, nhưng anh không nhìn tôi. “Tôi sẽ kể với cô một điều mà tôi chưa bao giờ kể với ai. Được chưa?”

“Được.” Tôi vò tờ khăn giấy tròn xoe trong tay, chờ đợi.

Anh hít một hơi thật sâu.

“Tôi vô cùng, vô cùng sợ hãi khi nghĩ chuyện này sẽ đi tới đâu.” Anh để câu nói ấy lơ lửng trong không khí giữa chúng tôi, rồi với giọng trầm thấp, bình tĩnh, anh nói tiếp. “Tôi biết hầu hết mọi người đều nghĩ sống như tôi là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra rồi. Nhưng mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn. Sau này tôi có thể không tự mình thở được nữa, không nói được nữa. Tôi có thể gặp vấn đề lưu thông máu dẫn đến phải cắt cụt chân tay. Tôi có thể phải nằm viện vô thời hạn. Thế này chẳng thể gọi là sống được, Clark. Nhưng khi nghĩ mọi chuyện còn có thể tồi tệ hơn bao nhiêu – nhiều đêm nằm trên giường mà tôi không sao thở nổi.”

Anh nuốt vào. “Và cô biết không? Chẳng ai muốn nghe những điều này cả.

Chẳng ai muốn nghe người khác nói về nỗi lo âu, cơn đau, nỗi sợ chết trong một đợt nhiễm trùng ngớ ngẩn bất thần nào đó. Không ai muốn biết cảm giác thế nào khi biết ta không bao giờ làm tình được nữa, không bao giờ được ăn món ăn do chính tay mình nấu nữa, không bao giờ được ôm con cái trong tay. Không ai muốn biết đôi khi tôi cảm thấy chứng sợ không gian hẹp hành hạ khủng khiếp khi ngồi trong chiếc ghế này, tôi chỉ muốn tru lên như một gã điên khi nghĩ lại phải ngồi thêm một ngày nữa trên nó. Mẹ tôi thì rày nắng mai mưa, bà không thể tha thứ cho tôi vì tôi vẫn yêu bố. Em gái tôi căm thù tôi vì một lần nữa tôi lại phủ bóng lên cuộc đời nó – và vì bệnh tình của tôi khiến nó không thể ra mặt ghét tôi, như nó vẫn ghét từ hồi nhỏ. Bố tôi chỉ muốn mọi chuyện tan biến hết.

Rốt cuộc, họ muốn nhìn vào mặt tươi sáng. Họ cần tôi nhìn vào mặt tươi sáng.”

Anh ngừng lại. “Họ muốn tin rằng thật sự có một mặt tươi sáng.”

Tôi chớp mắt trước màn đêm. “Tôi có như thế không?” tôi nói khẽ.

“Cô, Clark,” anh nhìn xuống đôi tay, “là người duy nhất tôi có thể nói chuyện kể từ

khi tôi rơi vào chuyện khốn kiếp này.”

Thế là tôi kể với anh.

Tôi nắm tay anh, bàn tay đã đưa tôi ra khỏi mê cung, tôi nhìn xuống chân, hít một hơi, rồi kể với anh mọi chuyện đêm đó, kể rằng họ đã cười nhạo tôi, trêu chọc tôi vì quá say xỉn và phê thuốc, tôi không biết trời đất gì nữa và sau này em gái tôi nói có khi như thế lại tốt, tôi chẳng nhớ họ đã làm gì, nhưng nửa giờ đồng hồ vô thức ấy lại ám ảnh tôi mãi mãi. Tôi làm đầy nó, đúng thế. Tôi làm đầy khoảng thời gian ấy bằng tiếng cười của bọn họ, cơ thể và lời lẽ. Tôi làm đầy bằng nỗi xấu hổ của chính tôi. Tôi nói với anh rằng đi đâu trong thị trấn tôi cũng nhìn thấy mặt họ, rằng tôi thấy dễ chịu với Patrick và bố mẹ tôi cùng cuộc sống nhỏ bé này, bất chấp bao nhiêu vấn đề tồn đọng và giới hạn. Tất cả khiến tôi cảm thấy an toàn.

Khi chúng tôi ngừng lời, trời đã tối sẫm, có mười bốn tin nhắn trong điện thoại của tôi hỏi xem chúng tôi đang ở đâu.

“Cô không cần tôi phải bảo đó không phải lỗi của cô,” anh nói khẽ.

Trên cao, bầu trời trở nên bao la vô định.

Tôi vò khăn giấy trong tay. “Vâng. Ừm. Tôi vẫn cảm thấy… mình có trách nhiệm. Tôi uống quá nhiều để phô trương ra đám đông như thế. Tôi đã tán tỉnh thái quá. Tôi…”

“Không. Trách nhiệm thuộc về họ.”

Chưa một ai từng nói to những lời ấy với tôi. Ngay cả ánh mắt thương cảm của Treena cũng thầm ẩn chứa đôi lời trách móc. Ôi trời, nếu chị có thể say xỉn và lố bịch với những gã chẳng quen biết thì…

Mấy ngón tay anh siết chặt tay tôi. Một cử chỉ yếu ớt, nhưng lại rất rõ ràng.

“Louisa. Đó không phải lỗi của cô.”

Giờ tôi lại khóc. Nhưng lần này không phải tiếng thổn thức. Lần này nước mắt tôi rơi lặng lẽ, nhưng giọt nước mắt ấy nói cho tôi biết có điều gì nữa đang rời khỏi tôi. Tội lỗi. Nỗi sợ. Mấy điều nữa mà tôi chưa thể gọi tên. Tôi nhẹ nhàng ngả đầu lên vai anh và anh nghiêng đầu cho tới khi nó đặt được lên đầu tôi.

“Rồi. Cô đang nghe tôi đấy chứ?”

Tôi lầm bầm một chữ có.

“Thế tôi sẽ kể cho cô một chuyện vui,” anh nói, rồi chờ đợi, như thể anh muốn chắc tôi đã chú ý đến anh.

“Một số sai lầm… có hậu quả hơn những sai lầm khác. Nhưng cô không được để đêm ấy trở thành một thứ định hình con người mình.”

Tôi cảm nhận đầu anh tựa lên đầu tôi.

“Nếu được lựa chọn thì cô, Clark, sẽ không để điều đó xảy ra.”

Tôi thở hắt ra, run rẩy. Chúng tôi cùng ngồi yên lặng, để lời anh thấm vào lòng. Tôi có thể ngồi như thế suốt đêm, bên trên toàn thể thế gian, hơi ấm của tay Will trong tay tôi, cảm thấy phần tồi tệ nhất trong con người mình từ từ tan biến.

“Chúng ta nên về thôi,” cuối cùng anh nói. “Trước khi họ gọi một đội tìm kiếm.”

Tôi thả tay anh ra rồi đứng dậy, hơi miễn cưỡng, cảm thấy gió lạnh thổi qua da mình. Thế rồi, thật khoa trương, tôi giơ hai tay lên trời cao. Tôi để các ngón tay duỗi thẳng trong gió đêm, nỗi căng thẳng của bao tuần, bao tháng, có lẽ là bao năm, nhẹ đi phần nào, rồi tôi hít một hơi thật sâu.

Phía dưới tôi, ánh đèn thị trấn nhấp nháy, một vòng tròn sáng giữa bao la đồng quê đen thẫm bên dưới chúng tôi. Tôi quay lại phía anh. “Will này?”

“Sao cơ?”

Tôi chẳng thấy rõ anh trong ánh sáng mờ ảo, nhưng tôi biết anh đang nhìn tôi. “Cảm ơn anh. Cảm ơn anh vì đã đến tìm tôi.”

Anh lắc đầu rồi quay xe lên lối mòn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.