Dạy Con Làm Giàu – Tập 10

CHƯƠNG 7



Làm thế nào để từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp tầm cỡ

“Tại sao hầu hết các doanh nghiệp nhỏ vẫn cứ nhỏ mãi?” tôi hỏi.

“Câu hỏi hay. Họ cứ nhỏ mãi bởi vì có những điểm yếu trong Tam giác C-Đ của họ” người cha giàu trả lời. “Nếu Tam giác C-Đ không mạnh, sẽ rất khó chuyển từ nhóm T sang nhóm C.”
NƯỚC MỸ: ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG DOANH NGHIỆP NHỎ

Nước Mỹ vào năm 2005 có xấp xỉ 16 triệu công ty. 80% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ – có khoảng 9 nhân viên hoặc ít hơn. 85% lực lượng lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ. Những công ty nhỏ này làm ra 53% Tổng sản lượng quốc nội (GDP). Mỗi tháng, có khoảng 150.000 doanh nghiệp được thành lập và cũng một con số doanh nghiệp như thế biến mất.
SAU THẤT BẠI

Có câu đại ý rằng đã dại rồi mới rõ cần làm gì. Đúng là vậy, nhưng không phải sai lầm đã qua nào cũng rõ mười mươi cả. Những phương tiện trực quan như Tam giác C-Đ và Kim tứ đồ không chỉ giúp tôi nhìn về tương lai khi thành lập công ty mà còn giúp tôi nhìn lại phía sau. Sau khi công ty sản xuất ví nylon phá sản, Kim tứ đồ và Tam giác C-Đ giống như mắt kính hay chiếc kính lúp để tôi đào bới xem những sai lầm trong kinh doanh.

Rõ ràng là sự thành công và thiếu kinh nghiêm đã đánh bại chúng tôi. Nhưng ẩn chứa đằng sau thành công còn những nguyên nhân sâu xa hơn đã làm chúng tôi thất bại. Thành thật với chính mình và nhìn vào Kim tứ đồ, tôi dễ dàng nhận ra vì sao chúng tôi thất bại. Nguyên nhân chính là sự ngạo mạn của tuổi trẻ. Thành công đến sớm khi còn quá trẻ sẽ giống như khi ta đưa cho một đứa trẻ chiếc xe Corvette cùng 6 lon bia và dặn dò “Lái xe cẩn thận nhé.”

Nhìn vào Kim tứ đồ dưới đây, bạn có thể dễ dàng thấy được sự hiếu thắng của tôi.

Năm 1976, Larry Clark, anh bạn thân của tôi và tôi thuộc nhóm L, làm nhân viên bán hàng cho Xerox. Luôn dẫn đầu về doanh số nên chúng tôi nghĩ mình biết tất cả. Trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi nghĩ mình có thể như Evel Knievel cỡi môtô bay qua Grand Canyon (Hẻm núi lớn – một địa danh ở Mỹ – ND). Có nghĩa chúng tôi nghĩ mình có thể đi đường tắt để gia nhập nhóm C. Thay vì đi từ nhóm L qụa nhóm T, chúng tôi lại lên kế hoạch tăng tốc và nhảy từ nhóm L đến nhóm C. Thay vì leo xuống hẻm núi từ nhóm L qua T, và sau đó, leo lên phía kia, từ T qua C, chúng tôi lại quyết định nhảy qua hẻm núi đó. Ngay cả Evel Knievel cũng đủ thông minh để buộc cái dù vào sau xe của anh ta khi nhảy qua. Còn chúng tôi thì không.

Thay vì là Evel Knievel, chúng tôi lại giống nhân vật Wile E. Coyote đuổi theo Road Runner trên vách núi cheo leo và rớt ra ngoài khoảng không trước khi kịp nhận ra dưới chân chú chàng không có gì ngoài không khí. Thời gian giữa năm 1978 và 1979, chúng tôi nhận ra rằng dưới chân mình, chẳng có gì cả. Chúng tôi gần như thuộc vào nhóm C. Thực ra là chúng tôi đã chạm vào rìa của nhóm C, nhưng chính nhược điểm trong Tam giác C -Đ đã khiến chúng tôi thất bại. Điều này không hề dễ chịu chút nào, trái lại nó thật đau đớn. Giờ đây, mỗi khi tôi coi phim hoạt hình Road Runner và Wile E. Coyote, tôi thấm thìa cảm giác của Coyote. Bíp! Bíp!
THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG NẾU BẠN SỐNG SÓT
Từ năm 1979 đến 1981, tôi có cảm giác mình như ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB), đang kiểm tra từng mảnh vỡ máy bay. Những cộng sự của tôi đã chuyển qua kinh doanh mặt hàng khác và hai người mới vào thay họ. Người đầu tiên là Jon, anh trai tôi, anh ấy là một cộng sự tốt cũng như là nguồn động viên tinh thần lớn của tôi. Chung vai sát cánh, chúng tôi bước đi từ đống đổ nát và gầy dựng lại một doanh nghiệp mới, nhưng nhỏ hơn. Chúng tôi từ nhóm C trở ngược lại nhóm T.

Năm 1981, công ty nhỏ của chúng tôi liên doanh với một đài phát thanh địa phương dựng ra một chương trình mà cho đến nay vẫn được công nhận là chương trình bán hàng thành công nhất trong lịch sử phát thanh. Cùng với đài phát thanh địa phương, chúng tôi thực hiện chương trình, bán hàng có tên 98 Rock. Sản phẩm nổi tiếng nhất là chiếc áo thun màu đen có logo màu đỏ và trắng bằng sơn, biểu tường 98 Rock FM Honolulu. Tại Honolulu, ở cửa hàng 98 Rock, hàng ngàn khách hàng trẻ xếp hàng để mua áo thun và những món phụ trang khác.

Sản phẩm của chúng tôi nhanh chóng thâm nhập thị trường thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Nhìn hàng ngàn khách hàng trẻ xếp hàng mua đồ tại cửa hàng 98 Rock ở

Tokyo, chúng tôi lại mỉm cười, nụ cười mà đã vài năm rồi chúng tôi không biết đến. Khi tôi kể với người cha giàu về thành công của chúng tôi trên thế giới, ông nhắc tôi rằng “Quá trình sẽ cho con nhìn thoáng qua tương lai của con, nhưng con phải trung thành với quá trình đó.” Mặc dù không phải là tôi không còn gặp khó khăn nữa, nhưng tôi biết mình đang đến gần hơn mục tiêu của mình. Quá trình đó, cho dù khó khăn, nhưng thật xứng đáng.

Cơn sốt 98 Rock kéo dài khoảng 18 tháng, đem về cho tôi khá nhiều tiền. Nhờ có chiến dịch marketing đó mà tôi có thể trả hết khoản nợ hơn 700.000 đôla và các khoản thuế. Đến cuối cơn sốt 98 Rock, tài khoản của tôi từ âm trở về con số không. Mặc dù vẫn trong tình trạng không tiền, những kiến thức về Tam giác C -Đ của tôi vững vàng hơn, sự tự tin đã trở lại, tôi đã xoay chuyển cái rủi thành cái may, tôi không phải tuyên bố phá sản, và một lần nữa, tôi có cái nhìn tích cực về cuộc sống tốt đẹp – tương lai của tôi ở cuối quá trình.

Năm 1981, người đại diện của ban nhạc rock Pink Floyd gọi cho tôi. Anh ta biết được thành công của chúng tôi qua thương vụ 98 Rock và muốn chúng tôi hợp tác trong việc tung ra lại album The Wall của họ. Hiển nhiên là chúng tôi chớp ngay cơ hội này. Một lần nữa, công ty nhỏ của chúng tôi phát triển thành công ty lớn. Cùng sự phát triển này, một lần nữa sức mạnh của Tam giác C-Đ của chúng tôi lại được thử thách.

Lần hợp tác với Pink Floyd thành công. Ngay lập tức, các ban nhạc khác cũng tìm đến chúng tôi và dù thực sự không có kế hoạch trước nhưng công ty ở Honolulu của chúng tôi đã trở nên chuyên về lĩnh vực rock ‘n roll. Khi nhóm Duran Duran và Van Halen tham gia vào danh sách của chúng tôi, việc kinh doanh bùng phát. Cũng thời điểm đó, khoảng năm 1982, MTV ra đời. Điều đó có nghĩa là rock ‘n roll lại lên đời. Disco thì chết, và một lần nữa, chúng tôi ngập trong công việc. Chúng tôi đã ở đúng nơi, đúng lúc và đúng ngành. Vấn đề là chúng tôi không đáp ứng kịp nhu cầu. Chúng tôi cũng biết là không thể sản xuất tại Mỹ nữa. Chi phí cho mọi thứ trở nên quá lớn so với một công ty nhỏ. Để mở rộng thì việc dời xưởng sản xuất sang châu Á sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Cả ba làm việc ngày đêm để mở rộng sang châu Á. Đó là khoảng thời gian sáu tháng ròng vất vả, không đến nỗi 24/7 nhưng ít nhất cũng là 20/7. Gần như tôi chỉ sống ở New York hay San Francisco; Dave, một cộng sự khác, sống ở Đài Loan và Hàn Quốc; còn anh trai tôi vẫn điều hành ở Honolulu. Quản lý công việc ở những múi giờ cách nhau nửa vòng trái đất, chúng tôi phải liên tục liên lạc bằng điện thoại (trước khi điện thoại di dộng và email ra đời) để xây dựng Tam giác C-Đ lớn hơn. Với Tam giác C-Đ được mở rộng, một lần nữa tiền lại đổ về.

Đôi khi tôi dừng lại và quan sát người cha giàu. Trong suốt thời gian này, mối quan hệ giữa chúng tôi không được tốt lắm. Ông vẫn còn giận vì nghĩ tôi không nghe theo lời khuyên của ông chỉ trước thời điểm phá sản của nhà máy sản xuất ví nylon. Mặc dù không hài lòng với tôi, ông vẫn dành thời gian và những lời khuyên cho tôi. Ngay cả khi tôi cho ông biết chúng tôi đã gầy dựng lại công ty ví mới và tôi đã học rất nhiều từ quá trình đó, ông vẫn còn khó chịu chút ít.

Với những gì đã xảy ra, việc gầy dựng lại công ty là một kinh nghiệm vô giá. Cả hai cộng sự mới và tôi đều học được rất nhiều và cũng đã trưởng thành rất nhiều. Chúng tôi bớt yếu đuối hơn. Chúng tôi là những ông chủ khôn khéo hơn và lưu lượng tiền mặt đã chứng minh điều đó. Tam giác C-Đ mới của chúng tôi không còn loạng choạng và dễ sụp đổ – tự nó đã có thể đứng vững được.

Một hôm, Dave đề nghị tôi đi cùng anh qua Hàn Quốc và Đài Loan để xem cơ sở của chúng tôi. Trong thời gian mở rộng kinh doanh, tôi chỉ quanh quẩn ở New York và San Francisco, chưa bao giờ đi châu Á để thăm nhà máy cả. Như đã nói ở một chương trước, chính trong chuyến đi châu Á này, tôi chứng kiến cảnh những đứa trẻ bị bóc lột sức lao động tàn tệ và sự nghiệp làm chủ sản xuất của tôi cũng kết thúc từ đó.
SỨ MỆNH HOÀN THÀNH

Trên chuyến bay từ châu Á trở về Hawaii, tôi nhận ra rằng sứ mệnh của mình đã hoàn thành. Ngồi trên ghế máy bay, tôi bắt đầu nhìn lại quá trình. Như thể mới ngày hôm qua, tôi nhớ lại quyết định gia nhập tập đoàn Xerox để học kỹ năng bán hàng vào năm 1974. Tôi cũng hồi tưởng lại năm 1976, khi tôi và anh bạn thân Larry quyết định bắt đầu công việc bán thời gian kinh doanh ví nylon cho người lướt ván. Năm 1978, cùng một lúc, tôi dẫn đầu doanh số bán hàng tại Xerox và công ty sản xuất ví nylon được giới thiệu trên tạp chí GQ, Runners World và PlayBoy.

Larry và tôi rời khỏi Xerox để tập trung điều hành công ty nhỏ xíu của chúng tôi. Tôi nhớ lại những đỉnh cao và những thất bại. Cảm xúc của tôi ngưng đọng khi nhớ lại cảm giác đau đớn lúc tôi nói với gia đình, chủ nợ và cục thuế rằng chúng tôi chuẩn bị đóng cửa công ty. Tôi nhớ lại những bài học từ người cha giàu trong suốt thời gian này. Và tôi mỉm cười khi nhớ đến anh tôi, Dave, và tôi đã đồng ý gầy dựng lại việc kinh doanh của mình và thành công với 98 Rock, và rồi MTV và rock

‘n roll. Giờ đây, việc kinh doanh vững mạnh, và đã đến lúc tôi phải thay đổi. Lý trí của tôi bảo “Đừng dừng lại, giờ là lúc cậu kiếm thật nhiều tiền. Cậu đã thành công. Tại sao lại rời bỏ? Cậu sắp giàu to. Gian nan vất vả đã qua. Giấc mơ của cậu sẽ thành hiện thực.” Nhưng trong lòng tôi, tôi biết đã đến lúc phải thay đổi.

Quyết định thay đổi của tôi khá khó khăn, đặc biệt là khi tiền bắt đầu đổ về. Tôi đã đấu tranh với những xung đột giữa lý trí và tình cảm hàng tháng trời. Rất nhiều lần, khi nhận lương và lợi nhuận thì tôi lại muốn ở lại. Nhưng tôi biết sứ mệnh học hỏi những nguyên tắc cơ bản của Tam Giác C -Đ đã hoàn tất. Giờ đây, tôi đã có thể cạnh tranh trên thương trường, vấn đề là tôi không thích những gì tôi đã phải làm để tiếp tục cạnh tranh. Tôi không muốn thuê trẻ em làm việc trong những điều kiện tồi tệ, những điều kiện có thể tạo vết sẹo trong chúng suốt cả cuộc đời. Cuối năm 1983, tôi cho Dave và anh trai Jon biết mình sẽ rời công ty. Tôi không đòi hỏi đền bù tài chính, tôi đã có nhiều hơn những gì mình muốn.
GẶP KIM

Lúc tôi đang chuẩn bị cho những thay đổi thì tôi gặp Kim. Trước đó vài tháng, tôi đã gặp cô với điệu nhảy disco ở Waikiki, nhưng cô không thu hút gì tôi cả. Có lẽ là vì chiếc sơ mi cổ cao và đôi ủng disco. Chúng làm tôi làm lơ vì ở Waikiki luôn có nhiều phụ nữ trẻ đẹp.

Vì lý do nào đó mà sau lần trở về từ châu Á, tôi lại suy nghĩ về Kim. Tôi lại mời cô đi chơi và cô nàng từ chối. Chuyện cứ thế suốt sáu tháng. Tôi đến chỗ cô, nói chuyện và mời cô đi chơi, cô lại từ chối. Tôi gởi hoa và cô ấy từ chối. Hết lần này đến lần khác, cô ấy cứ từ chối tôi. Tôi cố gắng áp dụng những chiêu thức trong bán hàng đã học được. Tôi thử tiếp cận theo cách bán chó con, cách Colombo, và cả cách giả sử đã bán được hàng nhưng không cách nào thành công.

Cuối cùng, hết các chiêu trong kinh nghiệm bán hàng, tôi thôi vai bán hàng và chuyển sang áp dụng những gì dã học được từ các lớp marketing buổi tối. Trong marketing, nguyên tắc là phải nghiên cứu thị trường trước. Với vai trò marketing thay vì bán hàng, tôi bắt đầu tìm hiểu người phụ nữ tên Kim thực ra là ai. Trong marketing nó được gọi là “Biết khách hàng của bạn.”

Người đầu tiên tôi tìm hiểu là một anh chàng biết cô ấy qua công việc. Khi tôi bắt đầu hỏi, anh ta bật cười. “Anh không có cửa đâu” anh ta nói. “Anh có biết là bao nhiêu ngưởi theo đuổi cô ấy không? Cô nàng nhận hàng đống thiệp, hoa và điện thoại từ những anh chàng như anh suốt cả ngày. Có lẽ cô ấy còn không biết anh là ai nữa.”

Anh ta không giúp gì được nên tôi tiếp tục tìm hiểu. Cuối cùng, tôi ăn trưa với một người bạn gái và thú thật không thể tiến xa với dự án nghiên cứu thị trường có tên là Kim. Phyllis thốt lên khi nghe câu chuyện của tôi, “Cậu không biết ai là bạn thân của cô ấy sao?”

“Không. Mình không biết.”

Phá lên cười, Phyllis nói, “Bạn thân nhất của cô ây chính là bồ cũ của cậu đó, là Karen.”

“Cái gì?” tôi la lên “Cậu nói chơi hả?”

“Không hề.” Phyllis cười.

Ôm chầm Phyllis và hôn thật kêu, tôi chạy bắn trở về văn phòng. Tôi cần phải gọi điện thoại cho Karen.

Chuyện chia tay của tôi và Karen không vui vẻ gì cho lắm, nên tôi phải giải quyết vấn đề trước. Sau khi tôi nói những lời xin lỗi muộn màng, Karen nghe câu chuyện sáu tháng theo đuổi Kim của tôi. Cô ấy cũng phá lên cười.

Sau khi cố nín cười, cô hỏi, “Vậy giờ anh muốn em làm gì?”

Cởi chiếc nón marketing, tôi đội vào chiếc nón bán hàng và hỏi điều mà tất cả nhân viên bán hàng được dạy phải hỏi từ một khách hàng hài lòng. Tôi hỏi xin một lời giới thiệu.

“Anh muốn gì?” Karen la lên. “Anh muốn em giới thiệu anh? Anh muốn em khuyên cô ấy đi chơi với anh? Anh có điên không.”

“À, đó là lý do vì sao anh luôn dẫn đầu trong bán hàng,” tôi đùa.

Karen không cười nữa. “Được rồi,” cô ấy nói. “Em sẽ nói chuyện với cô ấy. Nhưng cũng nói trước, đó là tất cả những gì em sẽ làm. Em sẽ không giúp hơn nữa đâu.”

Karen đã nói chuyện với Kim và ca ngợi tôi hết lời. Khoảng sáu tuần sau, cả hai

đã sẵn sàng và chúng tôi hẹn hò lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 2 năm 1984.

MỘT QUÁ TRÌNH MỚI BẮT ĐẦU
Cuộc hẹn hò của chúng tôi là một chiếc bàn nhìn ra bãi biển và đi dạo dọc theo bãi cát trắng cùng một chai sâm banh. Tôi không có nhiều tiền, nên đó là tất cả cho buổi hẹn hò lãng mạn mà tôi có thể nghĩ ra với giá cả phải chăng. Ngồi trên bờ biển dưới chân Diamond Head, Kim và tôi nói chuyên gần suốt đêm. Chúng tôi có rất nhiều điều để nói với nhau.

Đêm hôm đó, cô kể về cuộc đời mình và tôi kể về cuộc đời tôi. Khi nói đến kinh doanh, tôi kể cho cô nghe chuyện người cha giàu và những bài học của ông. Vì học chuyên ngành kinh tế nên Kim rất thích Tam giác C -Đ và quá trình trở thành chủ doanh nghiệp của người cha giàu. Ngồi trên bãi cát sát mép nước, dưới ánh trăng, nói chuyện kinh doanh với người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng biết thật giống như đang ở thiên đường. Hầu hết phụ nữ ở sàn disco khi hẹn hò đều không nói về chuyện kinh doanh. Kim thì khác. Cô thật thú vị.

Khi nghe tôi kể chuyện về công ty sản xuất ví nylon, cô lắc đầu. Tôi nói về những thành công và tiếp đó là những thất bại. Khi tôi kể về những đứa trẻ ở châu Á, đứa này sát đứa kia, bốn dãy nhân công trên diện tích của chỉ một dãy, hít khói độc từ những loại sơn chúng tôi sử dụng, cô ấy gần như khóc. Sau đó, tôi nói về việc rời khỏi công ty, vì sứ mệnh của tôi đã hoàn thành.

Ngay lúc đó, cô ấy chuyển đề tài, “Em rất vui vì anh chuyển hướng. Nhưng anh sẽ làm gì?”

Tôi lắc đầu, “Anh không biết. Những gì anh biết là đôi khi cần phải dừng lại trước khi bắt đầu lại một việc gì. Vậy nên bây giờ những gì anh làm là dừng lại.”

Và tôi kể về người cha ruột đang thất nghiệp, làm những việc linh tinh mà ông có thể tìm được. Tôi nói với cô ấy suy nghĩ của mình về nền giáo dục – một nền giáo dục không hoàn chỉnh, không chuẩn bị cho lớp trẻ về thế giới thực, chỉ chuẩn bị cho chúng trở thành nhân viên mà không phải thành ngưởi chủ, dạy chúng trông chờ vào sự quan tâm chăm sóc của một công ty hay Chính phủ khi hết tuổi lao động. Và chúng tôi bàn luận về tương lai, viễn cảnh người cha giàu hình dung về một cuộc khủng hoảng an sinh xã hội, khủng hoảng y tế và khủng hoảng tài chính trên thị trường chứng khoán đang ngày càng lớn dần khi thế hệ bùng nổ dân số già đi.

“Vì sao anh lại băn khoăn?” cô ấy hỏi. “Vì sao anh nghĩ khủng hoảng tài chính xảy ra là vấn đề của anh?”

“Anh không nói được” tôi trả lời. “Anh biết thế giới có rất nhiều vấn đề như môi trường, bệnh tật, thực phẩm, chỗ ở và còn nhiều nữa. Nhưng đối với anh thì vấn đề tiền bạc, sự nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo thu hút anh hơn cả. Anh cảm nhận được vấn đề đó trong cơ thể và trái tim anh.”

Câu chuyện chuyển qua tiến sĩ Buckminster Fuller và những bài học của tôi với ông và cách ông chia sẻ những suy nghĩ về hệ thống tài chính như người cha giàu của tôi. Tôi cố gắng giải thích cho Kim cách tiến sĩ Fuller nói về người giàu và người có quyền lực chơi trò chơi với tiền, luôn đặt người nghèo và trung lưu trên bờ vực của khủng hoảng tài chính. Tôi cũng nói với Kim những lời của Fuller rằng mỗi chúng ta đều có mục đích cho cuộc đời mình. Rằng mỗi chúng ta đều giữ một mảnh quan trọng trong trò chơi đố chữ và công việc của chúng ta không chỉ làm ra tiền, mà còn làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.

“Có vẻ như anh đang tìm cách giúp những người như cha anh và những đứa trẻ trong nhà máy” Kim nói.

Tôi trả lời, “Đúng thế. Khi ở trong nhà máy, anh quyết định bây giờ là lúc anh làm việc cho những đứa trẻ đó, thay vì để chúng làm việc cho anh. Đã đến lúc anh làm cho những đứa trẻ đó giàu có hơn là làm giàu cho bản thân anh.”

Mặt trời đã ló dạng trên biển. Những người đi dạo đang đùa với những con sóng nhỏ trong vắt. Đã đến giờ chuẩn bị đi làm. Chúng tôi thức suốt đêm nhưng tràn đầy năng lượng. Chúng tôi luôn ở bên nhau kể từ ngày đó.
TÌM THẤY NIỀM ĐAM MÊ CỦA MÌNH

Tháng 12 năm 1984, Kim và tôi chuyển đến California. Như tôi có đề cập nhiều lần trong các quyển sách, lúc này bắt đầu thời kỳ khó khăn nhất trong cuộc đời cả hai chúng tôi. Cơ hội kinh doanh mà chúng tôi nghĩ sẽ tham gia không mang lại kết quả. Chúng tôi không còn tiền, phải ngủ ngoài xe mất vài đêm. Đây là thời điểm thử thách tình cảm của nhau và lời cam kết của chúng tôi về kế hoạch kinh doanh mới.

California là tâm điểm của những mô hình giáo dục mới. Những người thuộc thế hệ hippy giờ đã lớn và giảng dạy những chuyên đề với những chủ đề rất lạ và thú vị. Những đề tài chung là: suy nghĩ cởi mở, thay đổi bản thân, phá bỏ những thực tế giới hạn của bạn. Kim và tôi tham gia tất cả các chuyên đề mà chúng tôi có thể, thu nhận những ý tưởng mới mẻ và quan sát các phương pháp giảng dạy khác nhau.

Ở phần đầu cuốn sách này, tôi đã kể khóa học ở trường dạy lái xe Bob Bondurant cũng như làm việc cùng Tony Robbins và dạy cách băng qua than hồng nóng 2000 độ. Như các bạn đã biết, tôi không thích hệ thống giáo dục cổ điển. Tôi không thích được dạy phải sợ thất bại, học thuộc các câu trả lời đúng và sợ mắc lỗi. Ở trường, tôi luôn nghĩ mình được lập trình để chỉ làm điều đúng và sống trong nỗi sợ hãi về cuộc sống. Ở trường, tôi luôn cảm thấy mình giống như con bướm bị vướng vào mạng nhện, và con nhện thì cứ cuốn cái mạng của nó quanh tôi cho đến khi tôi không thể nào bay được nữa.

Nền giáo dục tôi đang tìm kiếm là một phương pháp giáo dục mà ở đó, người ta được dạy cách chiến thắng nỗi sợ hãi. Một nền giáo dục giúp họ khám phá sức mạnh bản thân, để họ có thể đi trên lửa hay lái với tốc độ xe đua Thể thức 1. Càng học những kỹ thuật này, khám phá ra phương pháp tất cả chúng tôi học, cách kết hợp lý trí với cảm xúc và tác động của nó lên những khả năng của cơ thể, tôi càng muốn học nhiều hơn. Tôi trở nên say mê những đề tài về cách chúng ta, những con người, học hỏi.

Tôi khám phá ra tại sao mình lại yêu thích Hải quân nhiều đến thế. Tôi yêu thích khóa huấn luyện trong Hải quân và trường hàng không vì nó giúp vượt ra khỏi sự sợ hãi và những suy nghĩ giới hạn. Hải quân là môi trường học tập hoàn hảo cho tôi. Đó là môi trường học tập khó khăn và khắc nghiệt, đòi hỏi tập trung cả thân thể, đầu óc, cảm xúc và tâm hồn để có thể vượt qua cả chương trình. Trong Hải quân, ghi nhớ những câu trả lời đúng vẫn chưa đủ. Cũng như trong môi trường kinh doanh, Hải quân chú trọng đến kết quả chứ không phải nguyên nhân, chú trọng đến hành động chứ không phải lời nói. Đó là môi trường học tập nhấn mạnh đến thứ nhất là sứ mệnh, thứ nhì là ê- kíp và cuối cùng mới là cá nhân. Môi trường đó dạy tôi bay chứ không phải buộc chặt đôi cánh của tôi.
NHỮNG BÀI HỌC ĐỘT PHÁ

Rõ ràng đối với tôi, những gì tôi đang học có thể xem là phương pháp đột phá, cách học có hiệu quả đủ để tạo nên sự thay đổi, sự chuyển đổi mô hình của hiện thực, giống cảm giác của chú gà con khi cuối cùng thì nó cũng đập bể lớp vỏ trứng bao bọc nó.

Trong một buổi hội thảo mà tôi tham gia, tôi được học về Ilya Prigogine, một người từng đạt giải Nobel cho những khám phá của ông.

Ông được trao giải Nobel cho nghiên cứu về cấu trúc tan biến. Để đưa ra một ví dụ đơn giản nhất, ông chứng minh tại sao một đứa trẻ leo lên xe đạp, ngã xuống, lại leo lên, lại ngã xuống và sau đó, đột nhiên chạy xe được. Nói một cách đơn giản nhất, tác động mạnh mẽ của việc bị ngã xuống và đứng dậy liên tục, đã bắt buộc não của đứa trẻ phải thực hiện lại việc đó. Kết quả là từ việc không biết đi xe, đứa trẻ biết đi suốt đời.

Đối với tôi, nghiên cứu của ông làm rõ vì sao có những người học trong trường rất giỏi lại không thành công khi ra đời. Có nhiều người biết họ phải làm gì nhưng lại không thể thực hiện được điều họ biết. Giống cha ruột tôi, một khi vấp ngã, họ không gượng dậy được và thường nói, “Mình sẽ không bao giờ làm nữa.” Thay vì tiếp tục tiến về phía trước với cùng những áp lực và thất bại, họ dừng lại để giảm áp lực. Điều đó cũng giống như chú gà con cứ trốn hoài trong lớp vỏ bảo vệ vững chắc.

Prigogine đã tóm lược, “Áp lực là cách làm tăng trí thông minh.” Hay như người cha giàu vẫn nói, “Đừng bỏ cuộc.”
CHÚNG TA CÓ THỂ HỌC NHANH ĐẾN MỨC NÀO?
Tôi cũng nghiên cứu công trình của một người nữa, đó là Georgi Lozanov (Bulgaria), nhà tiên phong của phương pháp mà hiện nay được gọi là Siêu tiếp thu. Mặc dù tôi chưa tham gia khóa học nào của ông, người ta nói rằng ông có thể dạy một ngôn ngữ hoàn chỉnh chỉ trong vòng một hay hai ngày. Rõ ràng giới học giả truyền thống nghi ngờ ông và công trình của ông. Tôi bắt đầu thử nghiệm các kỹ thuật của ông và thấy rằng chúng thật sự hiệu quả.

Một lý do mà tôi không thích trường học lắm cũng khá đơn giản, đó là tốc độ quá chậm. Học thì lâu mà cái tiếp thu được lại quá ít. Việc kết hợp những phương pháp giáo dục khác nhau sẽ làm tốc độ dạy học nhanh hơn, giảm sự buồn chán, và kết quả là tăng cường khả năng ghi nhớ. Tôi bắt đầu thích thú với giáo dục – một cách giáo dục mới. Điều làm tôi thích nhất trong những điều tôi khám phá ra là bạn là sinh viên hạng A hay F không quan trọng. Với phương pháp giảng dạy này, tất cả những gì cần có là lòng khát khao học tập.
TÌM THẤY NIỀM ĐAM MÊ

Mấy năm trước, người cha giàu có nói với tôi rằng một khi con hoàn tất một quá trình, hãy đem theo những gì tốt nhất và bỏ sau lưng những gì còn lại. Sau đó con hãy tiếp tục một quá trình khác. Và rồi khi quá trình đó kết thúc, con lại lấy những gì tốt nhất bỏ hết phần còn lại.

Khi Kim và tôi tham gia những khóa học này, những lời của người cha giàu bắt đầu có ý nghĩa. Bỗng nhiên, tôi nhận ra rằng mình đang bắt đầu quá trình tốt nhất của cuộc đời mình. Tôi đã có kinh nghiệm từ quá trình học ở trường mà tôi rất ghét. Tiếp theo là những kinh nghiệm từ quá trình trở thành phi công. Sau đó là những kinh nghiệm học được từ lúc làm chủ doanh nghiệp sản xuất ví nylon. Quá trình kinh doanh ví nylon đầy vất vả nhưng tôi lại có được những kinh nghiệm tuyệt vời cho chính mình. Và bây giờ, khi tôi thật sự là một sinh viên đi học cách mọi người học, những kinh nghiệm trước kia lại cùng trở về. Cuộc sống vốn dĩ thường lộn xộn của tôi trở nên có ý nghĩa.

Khoảng tháng Tám năm 1985, tôi tìm ra niềm đam mê của mình. Việc kinh doanh tiếp theo đã hình thành trong dầu tôi. Từ năm 1986 đến 1994, Kim và tôi điều hành Trường kinh doanh cho Chủ doanh nghiệp và Trường kinh doanh cho Nhà đầu tư. Khác với những trường kinh doanh truyền thống, trường này không có điều kiện gì cả. Chúng tôi không yêu cầu bảng điểm học tập. Điều cần thiết là khát khao học hỏi, thời gian và học phí.

Áp dụng những kỹ thuật học được, chúng tôi có thể dạy mọi người kiến thức cơ bản về kế toán và đầu tư – thường được thiết kế thành một khóa học sáu tháng – chỉ trong một ngày. Thay vì nói chuyện về kinh doanh, thật sự lớp học sẽ xây dựng một doanh nghiệp gồm tất cả các phần trong Tam giác C-Đ. Thay vì nói về cách xây dựng ê- kíp, mỗi nhóm kinh doanh được huấn luyện ba môn phối hợp. Thay vì từng cá nhân về trước sẽ chiến thắng, nhóm nào về trước sẽ chiến thắng. Tôi không biết bạn có biết việc đó khó khăn thế nào không, để làm cho mười lăm con người, ở độ tuổi khác nhau, giới tính khác nhau, hình thức khác nhau, suy nghĩ khác nhau, cùng đua tài bơi lội, đua xe đạp và chạy theo từng đội. Dĩ nhiên để là trường dạy kinh doanh thực sự, chúng tôi tổ chức cược tiền. Mỗi người tham gia bỏ tiền vào một cái bình, và người chiến thắng sẽ được tất cả. Đội chiến thắng gồm mười lăm người sẽ có được khoảng 50.000 đôla tiền thưởng.

Ở Trường kinh doanh cho Nhà đầu tư, thay vì nói chuyện về đầu tư, chúng tôi xây dựng một sàn giao dịch chứng khoán. Các nhóm chia nhau đóng vai những nhà quản lý tiền và quỹ hỗ tương. Khi các điều kiện của thị trường thay đổi, họ cũng phải điều chỉnh các chiến lược đầu tư. Khi kết thúc khóa học, đội chiến thắng cũng sẽ được tiền thưởng.

Năm 1993, mặc dù kinh doanh rất thành công và thu nhiều lợi nhuận, tôi biết một lần nữa đã đến lúc phải chuyển hướng. Mùa hè năm 1994, Kim và tôi bán cổ phần cho các cộng sự và về hưu. Thu nhập thụ động của tôi có được từ các khoản đầu tư giờ đã lớn hơn chi phí sinh hoạt. Chúng tôi rốt cuộc cũng thoát ra khỏi việc cạnh tranh kiếm tiền. Chúng tôi không giàu nhưng tự do về tiền bạc. Nếu bạn có đọc cuốn Dạy con làm giàu (tập 4), bạn sẽ biết chúng tôi đi đến một hòn đảo nhỏ ở Fiji – phần thưởng cho việc nghỉ hưu sớm. Kim lúc đó ba mươi bảy tuổi và tôi bốn mươi bảy tuổi.
BIẾT KHI NÀO THÌ DỪNG

Trong cuốn Từ Giỏi đến Xuất sắc, Jim Collins viết rất kỹ chuyện biết khi nào thì dừng lại. Khi đọc cuốn sách của ông năm 2004, tôi nhớ lại những thời điểm mình đã dừng, năm 1984 và 1994. Không có những thông báo, tín hiệu rõ ràng nào nói cho tôi biết rằng, “Đã đến lúc dừng lại.” Đơn giản chỉ là lúc đó tôi biết quá trình của mình đã đến hồi kết thúc. Đã đến lúc dừng lại và chờ đợi sự khởi đầu một quá trình mới.

Nhiều lần tôi chứng kiến có những chủ doanh nghiệp muốn dừng lại nhưng không làm được. Họ không thể dừng vì có nhiều lý do. Lý do chung là Tam giác C-Đ của họ còn yếu. Để khắc phục những điểm yếu đó, họ cần làm việc nhiều hơn và chăm chỉ hơn để điều chỉnh chúng. Một lý do khác là có người chủ không thể dừng lại. Đó cũng là dấu hiệu yếu kém trong Tam giác C – Đ. Một lý do phổ biến nữa là người chủ, mặc dù thành công, vẫn tiếp tục làm việc bởi vì họ không biết sẽ làm gì sau đó. Theo Jim Collins, trước hết anh ta cần dừng lại, nghỉ ngơi một thời gian rồi sau đó tìm kiếm việc tiếp theo. Trong trường hợp của tôi, đó là những gì tôi đã làm. Đơn giản là tôi dừng lại, để mọi thứ lắng xuống, chờ đợi một vài năm xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
CHUYỂN TỪ NHÓM T SANG NHÓM C

Từ năm 1984 đến 1994, tôi vững vàng ở trong nhóm T. Tôi vẫn chưa vội vàng bước qua nhóm C. Như đã biết thì càng thành công, chúng ta sẽ càng bị kiệt sức. Tình trạng kiệt sức thường xảy ra với những người thành công trong nhóm T. Vì cá nhân người trong nhóm T thường tự làm việc cho mình, thành công hơn có nghĩa là nhiều việc hơn. Một người nhóm T thường làm việc cho những dự án có thù lao tính theo giờ. Và bạn cũng biết là mỗi ngày, chúng ta có bao nhiêu giờ đồng hồ.

Khi Kim và tôi dừng lại, lý do không nằm ở chỗ công việc nặng nhọc hay phải làm việc nhiều. Điều làm tôi băn khoăn là công việc của chúng tôi tiếp cận được quá ít người. Xét cho cùng, có quá ít người trả tiền để tham gia các buổi học. Mà các khóa học của chúng tôi không chỉ đắt, nó còn khó như những yêu cầu trong Hải quân. Chúng tôi yêu cầu họ phải dành trọn mười ngày hoặc hơn để tham gia bất kỳ khóa học kinh doanh nào của trường.

Tiến sĩ Buckminister Fuller, người thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời tôi thường nói, “Anh phục vụ càng nhiều người, anh càng trở nên hiệu quả.” Ông không nói đến tiền, ông nói đến sự phục vụ. Người cha giàu nói, “Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa một người ở nhóm T và người ở nhóm C là số lượng khách hàng mà họ phục vụ.” Ông nói thêm, “Nếu con muốn giàu có, hãy phục vụ nhiều người hơn nữa.”

Năm 1994, trường dạy kinh doanh mà tôi có phần hùn có hơn 350 người tham gia các lớp học với chi phí 5.000 đôla mỗi người. Vậy nên, nếu làm phép tính, sẽ thấy chuyện tiền bạc khá tốt. Điều không tốt là chỉ có 350 người. Tôi biết nếu thực sự muốn giúp đỡ những đứa trẻ ở châu Á mà cứ làm theo cách tôi đang làm thì không thể thực hiện được. Nói cách khác, tôi biết đây là lúc dừng lại và suy tính làm sao để chuyển sang nhóm C từ nhóm T. Thay vì cố nhảy qua hẻm núi sâu, Kim và tôi sẵn sàng để leo lên sườn dốc bên kia. Đây chính là thời điểm phải đi qua cái mà người cha giàu gọi là “lỗ kim.”
XUYÊN QUA LỖ KIM

Như các bạn đều biết, một trong những vấn đề xảy ra với việc làm tư (tự làm thuê) trong nhóm T chính là từ tự. Trong nhiều trường hợp, người làm tư là sản phẩm, là người được thuê mướn để làm việc. Khi bạn nhìn vào Tam giác C- Đ, bắt đầu từ lưu lượng tiền mặt đến sản phẩm, người làm tư phải chịu trách nhiệm tất cả. Hầu hết các trường hợp, việc làm tư khiến họ gặp khó khăn khi chuyển sang nhóm C. Rất khó để bạn tách tự ra khỏi quá trình.

Giữa những năm 1984 và 1994, tôi chính là người như vậy. Tôi tự thuê mình làm việc. Mặc dù tôi chủ ý làm vậy, sự thật vẫn làm tôi băn khoăn. Tôi thường tự hỏi, “Làm sao có thể dạy học viên những gì tôi đã dạy ở trường kinh doanh mà không phải đích thân mình đứng lớp?” Chúng tôi cố gắng huấn luyện những giáo viên khác, nhưng đó là cả quá trình dài, chông gai và mệt mỏi. Rất khó kiếm được người như Blair Singer và một người bạn khác, Wayne Morgan, hoàn thành quá trình huấn luyện để trở thành giáo viên. Mặc dù họ cũng là chủ doanh nghiệp, nhưng rất khó đào tạo họ dạy theo phương pháp của chúng tôi. Phải rất tài năng mới dẫn dắt được một lớp hơn trăm người học kế toán và đầu tư trong vòng một ngày. Điều này cũng khó như dạy họ đi trên than hồng vậy.

Sau khi bán công ty năm 1994, tôi có thời gian quay lại với câu hỏi của mình, “Làm sao có thể dạy học viên những gì tôi đã dạy ở trường kinh doanh mà không phải đích thân mình đứng lớp?” Khi chuyển đến sông ở vùng núi gần Bisbee, Arizorta, tôi có đủ yên tĩnh để đi tìm lời giải cho câu hỏi đó. Trong hai năm, tôi tiếp tục đặt câu hỏi và khi rời khỏi Bisbee, tôi đã có bản thảo Dạy con làm giàu (tập 1) trong máy tính của mình và phác thảo sơ lược cho trò chơi CASHFLOW 101. Tôi đã đi xuyên qua lỗ kim và chuyển từ nhóm T qua nhóm C.

Người cha giàu học được câu chuyện lỗ kim ở một buổi giảng đạo ngày Chủ nhật. Ông kể, “Có một câu người ta hay nói trong nhà thờ: ‘Một con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu qua được cổng thiên đường,” Người cha giàu đã sửa câu nói đó thành, “Quên con lạc đà đi. Nếu một người chui qua lỗ kim được thì người đó sẽ bước vào thế giới của sự giàu có.”

Giờ thì người cha giàu rất sùng đạo và không còn chế nhạo những bài học tôn giáo nữa. Ông dùng những bài giáo lý đó sửa đổi thành bài học cho chính mình. Câu nói của ông trong kinh doanh có ý rằng một chủ doanh nghiệp muốn đi xuyên qua lỗ kim thì phải để bản thân họ lại phía sau. Những gì xuyên qua được lỗ kim chính, là tài sản trí tuệ của chủ doanh nghiệp đó. Hãy nhìn vào hình dưới đây, bạn sẽ hiểu rõ hơn những gì người cha giàu muốn nói.

Trong lịch sử, có rất nhiều ví dụ về những chủ doanh nghiệp đi xuyên qua lỗ kim. Trong đó có:

1. Khi Henry Ford thiết kế dây chuyền sản xuất xe ô tô hàng loạt, ông đã đi xuyên qua lỗ kim. Trước đó, hầu hết xe hơi đều sản xuất theo đơn đặt hàng và làm theo cách thủ công.

2. Khi Steve Jobs và nhóm của anh ta ở Apple Computers sáng tạo ra iPod, họ đã đi xuyên qua lỗ kim.

3. Khi một người như Steven Spielberg hay George Lucas làm ra một bộ phim, họ cũng đã đi xuyên qua lỗ kim.

4. McDonald’s đã đi xuyên qua lỗ kim bằng cách bán nhượng quyền kinh doanh hamburger trên khắp thế giới.

5. Khi một người bán hàng đa cấp xây dựng cấp bên dưới là những chủ doanh nghiệp khác, anh ta cũng đã xuyên qua lỗ kim.

6. Khi nhà đầu tư mua một tài sản, một khu căn hộ chẳng hạn, và tiền thì cứ chảy vào túi họ hàng tháng, đó là họ đã đi xuyên qua lỗ kim.

7. Một chính trị gia sử dụng ti vi cho chiến dịch tranh cử cũng đi xuyên qua lỗ kim. Còn người nào đi gõ cửa từng nhà thì không.

8. Khi những nhà phát minh hay các tác giả bán những phát minh hay sách của họ cho những công ty lớn và hưởng tiền bản quyền, họ cũng đã đi qua lỗ kim.

9. Bằng cách lấy những bài học từ người cha giàu cùng những nghiên cứu trong quá trình học hỏi rồi sáng chế ra những trò chơi và viết sách, tôi đã đi qua lỗ kim. Tôi tự đưa mình ra khỏi thế cân bằng.

10. Khi tôi sáng chế ra ví nylon nằm trong giày cho người chạy bộ mà không đưa ý tưởng của mình ra đăng ký sở hữu trí tuệ, tôi đã không đi qua được lỗ kim. Tôi vô tư đưa ý tưởng của mình cho đối thủ cạnh tranh và giúp họ làm giàu. Họ đã đi xuyên qua lỗ kim còn tôi rơi xuống Grand Canyon (Hẻm núi lớn). Tôi đã có sản phẩm mới, nhưng không được pháp luật bảo vệ, Tam giác C-Đ của tôi đã không hoàn chỉnh.
GÀ CON ĐẬP BỂ VỎ TRỨNG
Khi trở về từ Phoenix với bản thảo quyển sách và trò chơi CASHFLOW trong tay, tôi biết rằng để qua được nhóm C, điều đầu tiên cần làm là tìm một ê-kíp mạnh. Có một ê- kíp mạnh là yếu tố cần thiết để chuyển từ nhóm T sang nhóm C. Và người cha giàu luôn nói, “Nếu con là người thông minh nhất trong nhóm, con sẽ gặp khó khăn.” Với sứ mệnh, đúng đắn và một ê-kíp mạnh, việc kinh doanh ở nhóm C của chúng tôi bắt đầu lớn mạnh.

Khi phát hiện ra Michael Lechter và bản quyền sản phẩm được bảo vệ, và Michael giới thiệu tôi với Sharon, tôi biết chúng tôi sẽ là một nhóm tuyệt vời. Sharon, Kim và tôi bắt tay vào thiết kế một doanh nghiệp theo Tam giác C – Đ. Thời điểm mà chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường, một thế giới giàu có đã mở ra. Dây chuyền sản xuất chính thức khánh thành vào sinh nhật thứ 50 của tôi, tháng 8 năm 1997, tại nhà của Sharon và Michael. Từ lúc khởi đầu Công ty Người cha giàu, chúng tôi đã không phải chật vật, không làm việc cật lực để tìm ý tưởng mới cho việc kinh doanh. Nỗi vất vả duy nhất của chúng tôi là chạy theo đáp ứng nhu cầu, đi vòng quanh thế giới để mở các thị trường mới, và đếm tiền. Tháng 6 năm 2000, tôi nhận cú điện thoại từ chương trình của Oprah và cổng thiên đường thực sự đã mở. Ba chúng tôi đã từ nhóm T chuyển sang nhóm C.
Lúc này tôi đã hiểu hơn những điều người cha giàu nói:
1. Chung thủy với quá trình

2. Quá trình cho bạn thoáng nhìn vào tương lai tươi đẹp, giúp bạn tiếp tục đi tới

3. Sức mạnh khi nắm vững Tam giác C-Đ

4. Khai thác sức mạnh của ba loại tiền: tiền cạnh tranh, tiền hợp tác và tiền tinh thần
5. Đi xuyên qua lỗ kim

Sau khi tham gia chương trình Oprah, tôi thật sự cảm thấy mình giống như chú gà con cuối cùng cũng phá vỡ được vỏ trứng. Trước chương trình Oprah, không ai biết tôi cả. Sau chương trình đó, dù tôi ở đâu trên thế giới, mọi người cũng chặn tôi trên đường và nói tôi biết là họ đã đọc cuốn Dạy con làm giàu (tập 1) hay đã chơi trò CASHFLOW.

Năm 2002, tôi vào một cửa hàng bán đồ cổ ở Stockholm, Thụy Điển. Người chủ, một người Thụy Điển tóc vàng, là một chuyên gia trong lĩnh vực đồ cổ Trung Quốc. Nhận ra tôi, ông nói, “Vài tháng trước tôi có đi qua Trung Quốc mua hàng. Khi đi thuyền trên sông Dương Tử, tôi nhìn vào một nhà vạn đò và thấy một gia đình người Trung Quốc đang chơi trò CASHFLOW của ông, bản Trung Quốc.”

Lúc đó, tôi nhận ra rằng mình đã thực hiện được lời hứa với những đứa trẻ ở xưởng sản xuất, những đứa trẻ làm việc cực nhọc để tôi được giàu có. Giờ đây, sản phẩm của tôi đã phục vụ cho những đứa trẻ như thế, hướng dẫn các gia đình,

những thanh niên và người lớn tuổi phương pháp để tiền phục vụ mình, hơn là làm lụng cả đời và hy vọng Chính phủ sẽ chăm sóc họ.

Tháng 2 năm 2004, tờ New York Times đã đăng nguyên một trang về trò chơi CASHFLOW và hàng trăm câu lạc bộ được thành lập trên khắp thế giới. Họ thành lập chỉ để chơi trò chơi và học hỏi những gì người cha giàu đã dạy tôi. Khi đọc bài báo, tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi không thể tin vào phép màu. Với tôi, được Nem York Times viết bài như thế này cũng tuyệt vời như khi xuất hiện trong chương trình Oprah.

Khi nhìn thấy bài báo, tôi biết rằng những gì đã học từ khi dạy ở Trường kinh doanh cho Chủ doanh nghiệp và Trường kinh doanh cho Nhà đầu tư đã được chuyển sang một sản phẩm một cách thành công, đó là CASHFLOW, trò chơi giúp dạy những bài học tôi từng đứng lớp. Bây giờ, mọi người biết được những khái niệm cơ bản về kế toán và đầu tư chỉ trong vòng một ngày. Hơn nữa, nhiều người chơi sẽ có những đột phá quan trọng trong cách họ nhìn nhận thế giới. Đối với họ, trò chơi đưa ra sự thay đổi hình mẫu, thay đổi từ việc nhìn thế giới tiền bạc như là một nơi kinh hoàng thành một nơi thú vị. Thay vì tìm kiếm những chuyên gia và trả tiền một cách mù quáng cho những người được gọi là chuyên gia đó, sau khi chơi trò chơi, nhiều người nhận ra họ có thể trở thành chuyên gia tài chính cho riêng mình – họ có thể quản lý được tương lai tài chính của bản thân họ. Và rất nhiều người trong số đó đã thành công.

Điều tốt hơn cả là thay vì phải đi dạy cho chỉ có 350 người cùng một lúc, họ phải đến chỗ tôi và trả học phí hàng ngàn đôla, trò chơi CASHFLOW giờ đây đến tận nơi của họ, hướng dẫn cho hàng ngàn người và nhiều người không phải trả khoản phí nào. Thay vì tôi phải hướng dẫn họ, giờ họ có thể tự học lấy, và còn chia sẻ, hướng dẫn cho người khác.

Khi tôi nhìn thấy bài báo trên New York Times, tôi biết khoảng thời gian 10 năm từ 1994 đến 2004 sắp đến lúc kết thúc. Nhưng dù quá trình mười năm này qua đi, chúng tôi hiểu sứ mệnh của mình vẫn tiếp tục.
TRƯỚC KHI BẠN THÔI VIỆC

Trước khi bạn thôi việc, hãy nhớ bài học của chương này. Đó là tầm mức của sứ mệnh xác định sản phẩm. Bạn rất khó kiếm được nhiều tiền hay phục vụ được nhiều người bằng cách làm việc cật lực hơn. Nếu muốn phục vụ nhiều người hay kiếm được nhiều tiền, bạn cần phải dừng lại và đi xuyên qua lỗ kim.

Trước khi rời bỏ công việc, có lẽ bạn cần xác định rằng bạn hài lòng nhất trong nhóm T hay trong nhóm C. Nếu muốn phát triển lên nhóm C, hãy nhớ rằng bạn phải có nền tảng vững mạnh hơn trong Tam giác C- Đ và cả một ê- kíp vững vàng hơn để bạn có thể đi xuyên qua lỗ kim.

Và trước khi thôi việc, có lẽ bạn cần một khoảnh khắc tĩnh lặng để hồi nhớ những công ty dot.com từng thất bại.

Tôi tin rằng, rất nhiều người thất bại chỉ vì họ cố gắng nhảy từ nhóm L sang nhóm C. Khi gặp khó khăn, họ cũng giống như Wile E. Coyote không còn gì dưới chân mình. Họ đã không xuyên được qua lỗ kim.

Bài học 7: Tầm mức của sứ mệnh xác định sản phẩm LỰA CHỌN SỨ MỆNH

Những doanh nghiệp thành công nhất thường làm một trong hai việc sau:
• Giải quyết một vấn đề

• Đáp ứng một nhu cầu

Có được một sứ mệnh liên quan đến giải pháp cho một vấn đề hay đáp ứng một nhu cầu, kết hợp với lòng khát khao phục vụ càng nhiều người càng tốt, chính là những viên gạch nền xây nên những doanh nghiệp thành công.

Khi Robert học trong Hải quân, sứ mệnh là đầu tiên, sau đó là ê-kíp, và cuối cùng mới là bản thân. Chẳng phải thế giới sẽ tốt hơn nếu tất cả chúng ta sống với những niềm tin giống như thế?

Trong quyển sách này chúng tôi chia sẻ rất nhiều về Công ty Người cha giàu và sứ mệnh chính của chúng tôi “làm mọi người cùng giàu có.” Khi chúng tôi ngồi xuống bàn bạc thành lập công ty, và Robert chia sẻ sứ mệnh này, tôi phải thừa nhận là mình bị thuyết phục.

Tôi cũng cảm thấy hài lòng vì sứ mệnh và quan điểm của bản thân hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cao đẹp đó. Bây giờ, tám năm sau, mỗi cuộc điện thoại, email, hay fax mà chúng tôi nhận được từ ai đó đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, hay đã trả hết nợ, hay đã đầu tư vào tài sản đầu tiên – tất cả những cách để trở thành người được tự do tài chính và không còn phải chật vật nữa – tôi hiểu sứ mệnh của chúng tôi đang và sẽ còn được hoàn thành. Và không phải bởi chúng tôi, mà bởi các bạn, những người đã hành động để nâng cao cuộc sống của chính mình.

Tôi tham gia Công ty Người cha giàu vì đó là sứ mệnh của tôi. Những sự kiện dẫn đến sự thành lập Công ty Người cha giàu sẽ được trình bày ở chương tiếp theo, nhưng lời giới thiệu sơ lược của tôi về Robert và trò chơi CASHFLOW minh họa cho điểm này. Lần đầu tiên tôi nghe nói về Robert và trò chơi CASHFLOW qua cuộc điện thoại của chồng. Tôi vẫn còn nhớ rõ cuộc điện thoại đó.

“Cưng ơi,” anh ấy nói. “Anh vừa tìm thấy một người có những thứ mà em đang tìm.”

Tôi nghẹt thở. Chồng tôi đang nói gì vậy? Anh ấy tìm được một người đàn ông có những thứ mà tôi đang tìm? Rõ ràng anh không có ý như trong câu chữ của mình. Anh tiếp tục trước khi tôi kịp hỏi anh giải thích rõ ràng.

“Một trong số” khách hàng của anh – tên Robert Kiyosaki có ý tưởng một trò chơi dạy kiến thức cơ bản về tài chính, phần nền tảng của cả kế toán và đầu tư. Anh nghĩ đó là thứ em muốn xem qua.”

Michael biết rất rõ tôi đam mê giáo dục về tài chính và hẳn rất hăm hở muốn xem trò chơi này. Tôi quả là bị cuốn hút và nói,

“Em thấy hấp dẫn đấy. Nó thật sự hiệu quả chứ?”

“Anh nghĩ vậy. Trò chơi rất logic. Cách trình bày rất hợp lý. Họ đã sẵn sàng để thử nghiệm.”

“Em rất muốn xem qua. Nói em nghe đi,” tôi trả lời. Một vài tuần sau con gái tôi Shelly và tôi đến nơi kiểm định để xem bản gốc của trò chơi trước khi nó được đưa vào sản xuất, và được giới thiệu với Robert, Kim và trò chơi CASHFLOW.

Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về những gì đã xảy ra ở nơi kiểm định và việc thành lập Công ty Người cha giàu ở chương kế tiếp. Còn giờ có thể nói gọn là việc kiểm định cho tôi thấy rằng trò chơi chính là một phương tiện để thực hiện sứ mệnh của bản thân tôi – khao khát mang kiến thức tài chính đến được với càng nhiều người càng tốt, đảm bảo rằng con cái chúng ta có cơ hội quý giá và không phải bắt đầu cuộc sống trưởng thành trong cảnh nợ nần vì thiếu hiểu biết. Hiểu biết về tiền là một kỹ năng sống mà con cái chúng ta cần được học để bước vào thế giới, vào cuộc sống mới.

Cuộc nói chuyện với Robert và Kim cho thấy rằng rõ ràng sứ mệnh bản thân tôi cũng giống như của họ. Sứ mệnh chung đó có thể thực hiện bằng cách làm cho trò chơi mang tính giáo dục CASHFLOW đến được với càng nhiều người càng tốt. Vậy thì cách tốt nhất để thực hiện điều đó là gì? Câu trả lời khá đơn giản – xây dựng một công ty thành công với trò chơi CASHFLOW. Kinh nghiệm của tôi về việc bắt đầu và xây dựng công ty trong lĩnh vực xuất bản và trò chơi rất có ích cho quá trình này. Lúc đầu, tôi chia sẻ kinh nghiệm của tôi với Robert và Kim và thảo luận những ý tưởng kinh doanh với họ, chẳng hạn việc gia công sản xuất trò chơi, và sau đó, tôi bắt đầu làm việc với Robert về cuốn sách Dạy con làm giàu (tập 1). Cuối cùng thì Robert, Kim và tôi thành lập Công ty Người cha giàu và tôi trở thành Giám đốc điều hành.

Động lực cho việc tham gia của tôi không phải là tiền. Tôi sẵn sàng làm việc không lương. Điều tôi cần là hoàn thành sứ mệnh. Thành thật mà nói, Michael và tôi không cần tiền. Michael là luật sư thành đạt và chúng tôi có một số khoản đầu tư mang lại lợi nhuận. Chúng tôi hoàn toàn thoải mái về tiền bạc. Những gì tôi tìm kiếm được đều mang ý nghĩa về tinh thần. Tất nhiên là sau khi chúng tôi thành lập Công ty Người cha giàu và trung thành với sứ mệnh của mình, tiền cứ tự nhiên mà đến.
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI CỨU RỖI CẢ THẾ GIỚI

Một điều quan trọng cần nhớ là một công ty có thể thành công mà không cần phải có một sứ mệnh mang tính toàn cầu như Công ty Người cha giàu. Một doanh nghiệp thành công thường là giải quyết một vấn đề hoặc đáp ứng một nhu cầu. Sứ mệnh của những doanh nghiệp đó là tìm ra giải pháp cho vấn đề hoặc đáp ứng nhu cầu cho những ai cần. Ví dụ, tôi có người bạn sở hữu một công ty giấy cạc tông chuyên sản xuất các thùng giấy chuyên dụng. Đó là một công ty rất thành công, họ vừa giải quyết vấn đề, vừa đáp ứng nhu cầu. Sứ mệnh của họ cũng quan trọng chẳng kém – đó là cung cấp các loại thùng chuyên dụng cho những ai cần.

Một ví dụ hoàn hảo khác của việc giải quyết một khó khăn hay chuyển khó khăn đó thành kinh doanh thành công, đó là Rob, bạn của con trai tôi, làm việc ở một nhà hàng Trung Quốc. Cậu ta nghe những người chủ than phiền rằng họ không tìm được nguồn cung cấp một loại gạo đặc biệt với giá phải chăng hay đủ số lượng cần. Cậu nảy ra một ý tưởng. Cậu tìm hiểu các nhà hàng khác trong vùng và thấy rằng họ cũng có cùng khó khăn đó. Vì vậy cậu liên lạc với một nhà nhập khẩu ở San Francisco và thu xếp mua loại gạo đó với số lượng lớn và giá rẻ hơn nhiều. Chỉ trong vòng vài tháng, cậu đã kinh doanh thành công. Rob đã giải quyết được vấn đề và đáp ứng được nhu cầu. Mục tiêu kinh doanh của cậu ta là cung cấp cho các nhà hàng ở Wiscon- sin và những thị trường khác ở Midwest một lượng gạo ổn định với giá rẻ hơn họ phải mua trước đây. Rob khởi đầu ở Wisconsin, và kiếm đủ tiền lời nhờ chênh lệch giữa giá mua và giá bán gạo để phát triển kinh doanh ra toàn khu vực Midwest. Cậu ta bắt đầu mở rộng sang nhập khẩu các mặt hàng khác.

Xem xét Tam giác C- Đ, có lý do để sứ mệnh nằm ở đáy tam giác, và sản phẩm nằm ở đỉnh giữa tam giác. Đó là lý do tại sao chúng tôi cười khi có người đến nói với chúng tôi, “Tôi có ý tưởng hay cho một sản phẩm – quý vị có muốn mua nó hay đầu tư vào nó hay không?”

Điều đó có nghĩa là một doanh nghiệp không thể xây dựng từ sản phẩm? Không phải thế. Đôi khi “sản phẩm” thật sự là một giải pháp cho một vấn đề, một hình thức của sứ mệnh, và người sáng lập không nói rõ được điều đó. Đôi khi có sứ mệnh thật nhưng người sáng lập không thấy được nó (cho dù việc những người sáng lập không nhận ra và “ca tụng” sứ mệnh là một việc đáng lưu tâm). Đôi khi một sản phẩm (chẳng hạn là cải tiến một sản phẩm có sẵn) hỗ trợ sứ mệnh của người khác. Tuy nhiên, bản thân một sản phẩm mà không có nền tảng hỗ trợ của một sứ mệnh hiếm khi trở thành một xuất phát điểm vững mạnh cho việc kinh doanh. Sứ mệnh không nhất thiết phải vĩ đại, nhưng khi bạn phục vụ được càng nhiều người theo sứ mệnh đó thì tiềm năng phát triển kinh doanh của bạn sẽ càng lớn.

Thông thường, một công ty với sứ mệnh là “kiếm tiền” hoặc trở thành “nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ lớn nhất và tốt nhất” thay vì giải quyết một vấn đề hay đáp ứng một nhu cầu, thì nó sẽ không có nền tảng vững chắc để xây dựng Tam giác C -Đ thực sự mạnh. Dĩ nhiên kiếm tiền hay muốn trở thành “lớn nhất và tốt nhất” không có gì sai. Tuy nhiên, loại sứ mệnh đó không đưa ra được một phương

hướng hay trọng tâm thực sự cho công ty, cũng như không đưa ra được một ý tưởng đúng đắn cho việc xây dựng nên những yếu tố đó. Việc hoàn thành sứ mệnh chỉ phục vụ cho công ty chứ không phải cho nhiều người. Có lẽ công ty đó nên xác định lại định nghĩa lợi ích mà nó mang lại cho khách hàng.

Chúng tôi tin rằng nếu bạn tập trung vào việc thực hiện một sứ mệnh là giải quyết vấn đề hay đáp ứng một nhu cầu, tiền bạc sẽ tự đến. Như người cha giàu nói, “Con càng phục vụ nhiều người, con càng trở nên giàu có.”

Vì vậy khi lên kế hoạch kinh doanh, hãy bắt đầu với sứ mệnh của bạn. Mục tiêu của bạn là gì? vấn đề nào công ty bạn đang giải quyết? Những nhu cầu nào bạn đang đáp ứng? Khi đã có sứ mệnh, tập trung xây dựng những phần khác của Tam giác C-Đ. Nhưng quan trọng nhất là hành động và bắt đầu với việc kinh doanh mới của bạn.
Ê-kíp đánh đâu thắng đó

Thành công hay thất bại trong kinh doanh đều liên quan đến nguyên tắc làm việc, sự quyết tâm và lòng khát khao. Hầu hết những người đã thành đạt đều có đầy đủ ba yếu tố ấy. Nhưng yếu tố quyết định lớn nhất để giúp mọi doanh nghiệp thành công lại không nằm trong ba yếu tố quan trọng này.

Đầu tiên, để có thể dựng nên một công ty, bạn phải có khả năng bán hàng. Bởi vì “Bán hàng = Doanh thu”. Không có doanh thu thường là do người chủ doanh nghiệp không muốn bán hàng, không biết cách bán hàng, hoặc đơn giản chỉ là miễn cưỡng bán hàng. Có người còn tưởng tượng rằng bạn phải thật hung dữ mới bán được hàng. Sai hoàn toàn.

Thứ hai, để lập nên một doanh nghiệp thật sự hay một mạng lưới, hãy bước ra khỏi nhóm T, bạn phải có khả năng thu hút, thiết lập và thúc đẩy một ê-kíp vững mạnh. Và trong thế giới những doanh nghiệp nhỏ, mọi người trong nhóm đó phải sẵn sàng bán hàng, cho dù họ ở vị trí nào.

Để thực hiện được điều đó, yếu tố thứ ba trở nên quyết định. Đó là khả năng dạy những người khác trong công ty cách thức bán hàng, cách trở thành một thành viên xuất sắc và cách để thành công. Chính kỹ năng này sẽ bảo đảm sự phát triển, lợi nhuận và bền vững.

Một thực tế đáng buồn là hầu hết các chủ doanh nghiệp đều chưa bao giờ được dạy cách thức để thực hiện những điều đó. Thực tế, hầu hết chúng ta đều có cách

nghĩ rằng: 1. bán hàng là một công việc hạ cấp; 2. nếu bạn muốn việc gì theo đúng ý, bạn phải tự làm việc đó; 3. chuyện dạy dỗ chỉ xảy ra trong nhà trường.

Khi kinh doanh, việc đầu tiên chúng ta phải làm để tăng thu nhập là giúp mọi người thiết lập điều mà ta gọi là Quy tắc Lễ nghi. Đó là những nguyên tắc đơn giản có thể biến những người bình thường thành một ê-kíp đánh đâu thắng đó – một ê-kíp không chỉ bán hàng mà còn phải luôn khao khát học hỏi và đạt được một mức độ cao về trách nhiệm quản lý con người, năng lực làm việc và về những con số. Nó tạo ra cách xử sự quan trọng cho sự thành công, và nó đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên trong ê-kíp để làm được điều đó.

Hầu hết mọi người đều muôn trở thành giỏi hết mức. Là chủ doanh nghiệp, bạn phải tạo nên một môi trường để thực hiện điều đó. Đó không chỉ là điều bạn có thể học, mà còn giúp bạn thành công vượt bậc. Nhiều lúc trong kinh doanh, không phải những gì bạn đem lại mà cách bạn đem lại điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Chính sức mạnh và cam kết của ê- kíp cùng niềm đam mê của họ tiếp cận và phục vụ người khác sẽ quyết định danh tiếng, thành công và tiền bạc của bạn.

Blair Singer
Cố vấn của Công ty Người cha giàu và tác giả của
Salesdogs và The ABCs of Building
a Team That Wins

Lựa chọn một hình thức kinh doanh đúng

Không nhiều người đánh giá cao việc này, nhưng việc lựa chọn đúng hình thức kinh doanh cho doanh nghiệp của bạn cũng quan trọng như bạn chọn đúng đối tác.

Nếu bạn đi vào con đường kinh doanh với một cộng sự không phù hợp, những nỗ lực của bạn có thể thất bại ngay từ đầu. Người đó có thể vung tiền của bạn, có thể ký những hợp đồng công ty không thể kham nổi và có thể làm cho công nhân xa lánh trước cả khi hàng hóa hay dịch vụ thành hình. Một cộng sự không phù hợp có thể bỏ bạn lại trơ trọi và tất cả công sức và tài lực của bạn đổ sông đổ biển.

Cũng như thế, lựa chọn một loại hình pháp lý sai cũng có thể trực tiếp dẫn đến thất bại. Ngay từ đầu, hẳn bạn đã muốn có tài sản và được pháp luật bảo hộ càng

nhiều càng tốt. Nhưng lựa chọn là chủ sở hữu duy nhất hay hình thức hợp tác xã, các hình thức kinh doanh xấu không đem lại sự bảo đảm gì, bạn có nguy cơ mất hết những gì đã gầy dựng cùng những tài sản cá nhân nữa. Những người đi kiện và luật sư của họ rất thích gặp hình thức chủ sở hữu duy nhất hay hợp tác xã vì họ có thể đòi được cả công ty lẫn tài sản riêng khi khiếu kiện. Họ có thể lấy toàn bộ tài sản của bạn.

Vì thế, hãy thiết lập hình thức kinh doanh tốt, như tập đoàn c, tập đoàn s, công ty TNHH, hoặc hợp tác có giới hạn. Những hình thức này bảo vệ tài sản riêng của bạn không dính đến rắc rối do kinh doanh. Và cũng giống như có cộng sự phù hợp, hình thức kinh doanh đúng sẽ giúp bạn được bảo vệ và thành công trong tương lai.

Garret Sutton, Esq.
Cố vấn của Công ty Người cha giàu, tác giả của
Own Your Own Corporation, How to Buy and Sell a Business, The ABCs of Getting
Out of Debt, và The ABCs of Writing Winning Business Plan

Thành lập một công ty có thể làm điều mà không công ty nào làm được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.