90 Giây Để Thu Hút Bất Kỳ Ai
6. Hiểu giác quan của mình
Ở một mức độ nào đó, con người về căn bản là một bộ xử lý các giác quan. Chúng ta nhìn, nghe, cảm nhận, ngửi và nếm. Những thông tin từ các giác quan được chuyển thành từ ngữ, rồi ý thức, tư tưởng, hành động rồi thói quen. Mỗi ngày, chúng ta trải nghiệm thế giới thông qua các giác quan, rồi giải thích những trải nghiệm đó với chính mình và với người khác. Thế đấy. Chúng ta đi ngủ và thức dậy vào sáng hôm sau, rồi lại tiếp diễn quy trình ấy. Chúng ta đã tiến hóa như thế. Hẳn là cách nhìn này quá giản lược, nhưng hãy bắt đầu từ những điều ấy.
Có hai cách cơ bản, hay hai phong cách điển hình, để trình bày trải nghiệm bằng ngôn từ. Một cách tích cực, cách còn lại tiêu cực. Khi thức dậy vào buổi sáng và nhìn ra trời mưa, một người với đầu óc tiêu cực sẽ nói: “Khốn nạn thật, lại mưa, một ngày tồi tệ”, trong khi một người tích cực sẽ nói, “Hay đấy, thế là xe được rửa miễn phí mà mình khỏi phải tưới vườn”. Nhận được cùng một thông tin, một số người cho đó là vấn đề, những người khác lại cho đấy là cơ hội. Như thế, thái độ hữu ích hay vô ích đều khởi sự từ hình ảnh, âm thanh và cảm nhận.
Vào những năm 1970, Richard Bandler và John Grinder, sáng lập viên Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (Neuro Linguistic Programming) nói rằng có thể phân chia xu hướng cảm nhận của con người thành ba loại, tùy theo cách mà họ sàng lọc thế giới qua cảm giác của họ. Họ gọi ba loại này là: Thị giác, Thính giác và Xúc giác. Giả sử có ba sinh viên thuộc ba loại người như thế đến một buổi biểu diễn nhạc rock. Judy là loại Thị giác, Phyllis là loại Thính giác và Alex thuộc loại Xúc giác. Khi họ nói với nhau về buổi biểu diễn, Judy sẽ phác họa lại nó trong cảm nhận của mình như sau: “Chà, phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết được độ tuyệt của nó. Tất cả mọi người nhảy lên, ca sĩ xé toạc quần và mái tóc giả bay lên”. Phyllis sẽ nói: “Âm nhạc không thể tin nổi. Nhạc beat inh tai; tất cả cùng hò hét và hát theo. Phải đến tận nơi mà nghe. Đó là hét chứ không phải hát”. Alex, một người thiên về cảm nhận và xúc giác, sẽ tả lại: “Ôi trời, cứ như có một nguồn năng lượng vậy. Toàn bộ khu đó đặc kín người. Không thể di chuyển nổi, và khi họ hát ‘Blue Rodeo’ thì toàn bộ nơi đó bùng vỡ”.
Nói cách khác, người thiên về thị giác thích sử dụng hình ảnh, người thiên về thính giác miêu tả bằng từ tượng thanh và người thiên về xúc giác thích dùng những từ thuộc về vật chất.
Chúng ta đang nói ở đây một chiều kích mới của sự đồng bộ và kết giao. Chương này không đề cập đến thái độ, ngôn ngữ cơ thể và giọng nói như những chương trước nữa, mà là một cách cảm và hiểu thế giới quanh ta rất khác.
Thị giác, Thính giác hay Xúc giác?
Vì chúng ta cơ bản thu nhận thông tin bên ngoài qua hình ảnh, âm thanh và cảm nhận, cho nên có ba cách thu hút ta: những gì ta nhìn thấy từ bên ngoài, hay được phản chiếu trong mắt ta như một hình dung hay tưởng tượng; những gì ta nghe thấy từ bên ngoài hay âm thanh khe khẽ phát ra bên trong; hoặc tất cả những gì ta cảm nhận hoặc sờ mó được. Tất nhiên luôn có sự kết hợp những trải nghiệm này, nhờ thế ta mới có thể thấu đạt thế giới quanh ta, nhưng ở mỗi người luôn có sự ưu trội của một trong ba loại giác quan – nhìn, nghe hay sờ mó – so với hai giác quan còn lại.
Với một đôi mắt (hay đôi tai) thông thường, mọi cái nhìn hay thanh âm và cảm nhận đều rất bình thường; thế nhưng, với những người thường xuyên tập luyện, họ sẽ khám phá ra những khác biệt tinh tế quan trọng. Bạn có thể hình dung thế này, người nào cho rằng tầm quan trọng cơ bản của một vật là nhìn hình dáng của nó, người đó sẽ luôn chịu ảnh hưởng của bề ngoài. Tương tự, người nào cho rằng âm thanh là quan trọng sẽ luôn để tâm tới âm thanh của mọi thứ. Cũng vậy, người nào cảm nhận thế giới thông qua cảm giác vật lý sẽ chỉ để ý tới cách cảm nhận mọi thứ, cả nội tâm lẫn bề ngoài, thông qua tiếp xúc.
Năm ngoái tôi nghe thấy hai chính trị gia trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh. Họ đều chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng. Khi người phỏng vấn yêu cầu họ “phát biểu về những kế hoạch”, một người nói, “tôi nghiêng mạnh về phía cho rằng cần bắn một phát súng vào hiện tại”. Người đàn ông kia trả lời còn nhanh hơn, “Giờ đây chúng ta đã có một cái nhìn sáng sủa hơn về tương lai, và tôi có thể thấy nhiều điều có thể đang chờ đợi”. Người phỏng vấn đáp lại, “Nghe có vẻ cả hai ông đều sẵn sàng để công bố mục đích của mình”.
Bạn nghĩ gì? Có phân biệt được ngay kiểu người nào không? Người phỏng vấn sử dụng các từ như “phát biểu các kế hoạch” và “công bố mục đích”, rất gần với kiểu người Thính giác. (Dĩ nhiên khách quan mà nói, đó có thể là thứ ngôn ngữ đặc trưng cho những người làm phát thanh, nhưng vẫn có một số lượng đáng ngạc nhiên những người phát thanh viên thuộc kiểu người Thính giác). Nhà lãnh đạo tiềm năng thứ nhất sử dụng thứ ngôn ngữ vật chất – “nghiêng mạnh”, “bắn một phát” – và trình bày một cách rõ ràng, biểu thị rõ ràng của loại người Xúc giác. Ứng cử viên sáng giá thứ hai thì nói “một cái nhìn sáng sủa” và có thể “thấy nhiều điều đang chờ đợi”, vì thế có thể xem như loại người Thị giác.
Chắc chắn là, không ai hoàn toàn là kiểu người Thị giác, Thính giác hay Xúc giác. Một cách tự nhiên, chúng ta đều là dạng hỗn hợp của cả ba. Hẳn thế, trong mỗi người, (cũng giống như người thuận tay phải và thuận tay trái), một trong ba hệ thống đó sẽ chi phối hai loại còn lại.
Các nghiên cứu cho thấy có đến 55% lượng người trên thế giới là loại người bị ảnh hưởng bởi những gì họ nhìn thấy (loại Thị giác), 15% ảnh hưởng từ những gì họ nghe thấy (loại Thính giác) và 30% là từ cảm giác vật chất (loại Xúc giác).
Hãy thử tự làm trắc nghiệm sau đây, rồi bạn sẽ hiểu vì sao có người ngay lần đầu gặp mặt, bạn đã kết nối được với họ, mà có những người bạn không thể; và tại sao nhiều khi bạn thấy cứ như mình đã gặp họ từ lâu dù đây đúng là lần đầu tiên bạn gặp họ.
Điều này xuất phát từ sự hài hòa giác quan. Khi hai người Thị giác gặp nhau, họ thấy thân quen vì họ đều nhìn mọi thứ theo cùng một cách (không có nghĩa là họ đồng tình với nhau) và diễn giải thế giới theo cùng kiểu. Chuyện này cũng đúng với người Thính giác và Xúc giác. Nói cách khác, nếu người bạn gặp lần đầu nghe, thấy và cảm nhận thế giới khác với cách của bạn, bạn phải xem xem họ ghi nhận thực tại theo cách nào và nhanh chóng thích nghi, đồng điệu với bước sóng của họ để có được sự tương hợp, như thế mới có được một tình bạn hay mối quan hệ có ý nghĩa.
Trắc nghiệm
Giác quan yêu thích của bạn là gì?
Bạn là kiểu người nào trong ba loại: Thị giác, Thính giác và Xúc giác? Nhiều người sẽ nói, “Ô tôi là loại Thị giác, đương nhiên”. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên đấy, cứ theo bài trắc nghiệm này để thấy bạn là loại nào nhé. Mỗi câu hỏi chỉ chọn một đáp án và khoanh lại, rồi trả lời câu tiếp.
1. Nếu chỉ có ba căn phòng còn lại ở nhà nghỉ cạnh biển, tôi sẽ chọn: a. Phòng nhìn ra biển dù hơi ồn.
b. Nghe thấy tiếng sóng biển nhưng không nhìn được.
c. Tiện nghi dù nhiều tiếng ồn và không nhìn được cảnh.
2. Khi có một vấn đề gì đó:
a. Tôi chuyển sang vấn đề khác.
b. Tôi nói về nó.
c. Tôi xem xét lại từng thứ diễn ra trong đó.
3. Khi lái xe hơi, tôi muốn động cơ xe phải: a. Trông đẹp mắt.
b. Chạy êm hoặc khỏe . c. Thoải mái và an toàn.
4. Khi nói về buổi hòa nhạc hoặc một sự kiện tôi đến dự, đầu tiên tôi sẽ: a. Miêu tả xem trông nó thế nào.
b. Nói cho mọi người biết nó nghe ra sao. c. Truyền đạt cảm giác về nó.
5. Trong thời gian rảnh, tôi thích nhất là:
a. Xem TV hoặc đến rạp chiếu phim.
b. Nghe nhạc hoặc đọc sách.
c. Làm gì đó có tính vận động (làm thủ công/ làm vườn) hay chơi thể thao.
6. Một việc mà tôi cho rằng người khác nên trải nghiệm trong cuộc sống là: a. Nhìn ngắm.
b. Nghe.
c. Cảm nhận.
7. Trong những hoạt động sau, tôi dành thời gian nhiều nhất để:
a. Mơ mộng.
b. Lắng nghe ý nghĩ của mình.
c. Xem mình có cảm giác gì.
8. Khi ai đó thuyết phục tôi điều gì: a. Tôi muốn thấy bằng cớ.
b. Tôi nói từ đầu đến cuối.
c. Tôi tin vào trực giác của mình
9. Tôi thường nói và nghĩ:
a. Rất nhanh.
b. Bình thường.
c. Chậm.
10. Tôi thường thở từ: a. Phần cao của ngực. b. Phần thấp của ngực. c. Từ thắt lưng.
11. Khi tôi tìm đường quanh một thành phố lạ: a. Tôi dùng bản đồ. b. Hỏi đường. c. Tin vào trực giác.
12. Khi chọn một bộ đồ, quan trọng nhất là: a. Trông tôi phải hoàn hảo.
b. Biểu hiện cá tính của riêng mình. c. Thấy thoải mái.
13. Khi chọn một nhà hàng, tôi chủ yếu: a. Chọn vì nó ấn tượng
b. Đủ yên lặng để nói chuyện c. Thấy thoải mái
14. Tôi ra quyết định
a. Rất nhanh b. Bình thường c. Chậm chạp
Tổng lại:
Số các câu a là…..; b là …., c là….
a/ Thuộc về Thị giác; b, thuộc về Thính giác; c, Thuộc về Xúc giác. Số lượng các câu càng nhiều, thì khuynh hướng theo đó càng mạnh.
Bằng cách làm bài trắc nghiệm này, bạn không chỉ thấy được khuynh hướng của mình trong ba kiểu đã nêu, mà còn bắt đầu hiểu được quyền ưu tiên khác nhau của mỗi kiểu người. Dù sao, vẫn có rất nhiều biến số ở đây, nhất là khi bạn biết trước ý nghĩa của câu trả lời. Trong các buổi hội thảo, tôi thường đưa ra bài trắc nghiệm mà không nói trước ý nghĩa.
Thử với vài người bạn của bạn rồi xem kết quả thế nào. Bạn sẽ nhận ra giác quan ưu trội của họ là gì.
Để giúp bạn hình dung giác quan ưu trội tác động đến đời sống thường nhật thế nào, tôi sẽ kể cho bạn về chính những gì tôi gặp phải. Tôi thuộc mẫu người Thính giác và vợ tôi là người Xúc giác. Nếu tôi có gì đó nhầm lẫn, Wendy biết rằng cần nói chuyện với tôi bằng “ngôn ngữ” của tôi, với những từ Thính giác. Cô ấy lập tức khiến tôi chú ý: “Nick, anh đang không nghe em. Anh không chịu nghe những gì em nói”. Nếu cô ấy nói, “Anh không hiểu những gì em nói”, hay tệ hơn, “Anh không biết điều đó làm em cảm thấy thế nào phải không?”; thì sự thật là, không, tôi không thể.
Chắc chắn, chúng tôi đã tạo ra được một kết nối trí tuệ dễ thấy, nhưng vợ tôi cũng đã phải dừng lại và nghĩ cách; trí óc cô ấy phải phiên dịch ngôn ngữ Xúc giác của mình sang ngôn ngữ Thính giác của tôi. Khi gửi đi một thông điệp theo bước sóng Thính giác, cô ấy kết nối trực tiếp với tôi – như thế nhanh hơn nhiều.
Ngược lại, nếu tôi muốn kết nối trực tiếp với cảm giác của cô ấy, tôi sẽ nói, “Anh hiểu cảm giác của em về những gì đang xảy ra”. Nghĩa là, tôi sử dụng cách tiếp cận Xúc giác. Đơn giản, nhưng hiệu quả thật khác thường.
Hòa điệu với các Giác quan
Biết được ba kiểu người như trên sẽ giúp bạn có cách hành xử để giành được lòng cảm mến của người khác trong vòng chưa đầy 90 giây thế nào? Chắc chắn kết quả còn hơn cả tưởng tượng của bạn. Khi luận ra được giác quan ưu trội của người khác, bạn có thể bắt sóng được ngay với họ. Nếu bạn muốn có quan hệ thuận ái hơn với bạn đời của mình, luôn giành được phần thắng khi tranh luận, bán được hàng, giành được công việc bạn muốn hay tạo ấn tượng với ai đó trong bữa tiệc – thì việc nhận ra mẫu người Thính giác, Thị giác hay Xúc giác là vô giá.
Cách nói Ẩn dụ
Những câu “tôi đã đi khắp bốn phương trời” thì giá trị hơn là nói “tôi đã đi khắp nơi”; Nó khiến người nghe chăm chú hơn, sốt sắng hơn, khiến cách nói của bạn trở nên chi tiết hơn, xác quyết hơn… Những câu như thế thường đưa ra nhiều hình ảnh, âm thanh và cảm nhận hơn thông thường, đó cũng là lý do tại sao phép ẩn dụ lại lập tức thu hút cả những người Thính giác, Thị giác và Xúc giác. Những người Thị giác có thể tưởng tượng nó bằng hình ảnh, những người Thính giác có thể nghe thấy và những người Xúc giác có thể cảm thấy những gì đang diễn ra.
Phép ẩn dụ là hộp chứa các ý tưởng. Nó kết nối những tưởng tượng trong ta với hiện thực bên ngoài. Ta thường sử dụng ẩn dụ, nhiều khi vô thức, để giải thích ý nghĩ của mình. Ta cũng có thể dùng nó để khiến mọi thứ thú vị hơn. Truyện cổ tích, ngụ ngôn và giai thoại là những công cụ giao tiếp cổ xưa mạnh mẽ nhất mà loài người từng có, và phép ẩn dụ của thể loại đó đã ảnh hưởng cực kỳ lớn lên mọi mặt của đời sống. Phép ẩn dụ đó làm bừng sáng trí tưởng tượng và hấp dẫn mọi cảm giác.
Nói tóm lại, ẩn dụ giúp ta hiểu dễ hơn, nhanh hơn và phong phú hơn.
Một ngày sau buổi hội thảo của tôi, tôi nhận được một cuộc gọi đầy hào hứng từ một phụ nữ tham dự. Cô ấy là Barbara, chủ một cửa hàng nguyên vật liệu làm sàn.
“Thật không tin nổi!”, cô ấy nói. “Lúc đó là 9h30, tôi vừa mở cửa hàng được khoảng một tiếng mà đã bán hàng cho người khách thứ 5. Chưa bao giờ tôi làm được điều đó”.
“Quá hoàn hảo đối với việc làm ăn của tôi”, cô ấy tiếp tục nói về buổi giảng phân biệt loại người Thị giác, Thính giác và Xúc giác của tôi. “Bốn người mua đầu tiên thì rất bình thường, lúc đó tôi vẫn còn e ngại với những điều được học. Nhưng người thứ năm… Cô ấy đến cửa hàng, kéo theo cả chồng đi cùng nữa. Anh ta có vẻ không muốn đến cửa hàng lắm. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng anh ta thuộc loại người Xúc giác chỉ trong ba mươi giây. Tôi bảo anh ta thử cảm nhận tấm thảm bằng tay và đầu gối. Rồi họ mua luôn nó.
“Lúc đó tôi biết mình nên nói gì với anh ấy. Nếu tôi nói, ‘Anh thử hình dung xem, trong nhà anh chị có tấm thảm này thì đẹp biết mấy’, thì anh ta không làm thế vì anh ta không phải mẫu người Thị giác. Hay nếu tôi nói: ‘Anh chị sẽ thấy thật yên ắng biết bao nhiêu khi lũ trẻ chạy trên tấm thảm này’, anh ta sẽ không liên hệ điều gì cả, vì anh ta không nghĩ theo kiểu này – anh ta không phải mẫu người Thính giác. Tôi biết anh ta chắc chắn là kiểu người Xúc giác qua cách ăn mặc và di chuyển, nói năng của anh ta, nên tôi nói, ‘Anh hãy thử cảm nhận nó đi’. Và anh ta đã làm thế. Cứ như thế. Anh ta quỳ xuống sàn và cảm nhận nó”.
Hãy thử xem bạn tìm được điều gì. Bạn chỉ việc thay đổi những gì bạn làm cho đến khi có được điều mình muốn. Đó là ý nghĩa của “F” và “C” trong KFC. Tìm xem người ta dựa chủ yếu vào loại giác quan nào và thay đổi cách tiếp cận với họ để được họ chú ý đến.
Nếu lỡ bạn chẳng biết làm sao để nắm bắt một tình huống, đừng lo lắng. Hãy sẵn sàng để đối diện với cả ba kiểu người đó. Trông thật ổn đối với người Thị giác; sau rốt, vẻ ngoài sẽ giúp bạn có được tình cảm của phân nửa số người bạn gặp hàng ngày. Ăn nói thật tốt; luyện cho giọng điệu trôi chảy thoải mái đối với người Thính giác đề phòng phải nói chuyện với họ. Và hãy nhạy cảm, mềm dẻo với những người Xúc giác mà bạn va chạm. Và, đương nhiên, nếu bạn đang tiếp xúc với một nhóm, cứ áp dụng tất cả những điều đó. Một nhóm có thể được tạo nên từ cả ba kiểu người, và bạn có thể trở nên cuốn hút với tất cả họ.
Trên hết, hãy nhớ rằng khả năng hòa điệu với trải nghiệm thế giới của người khác cũng là một cách quan trọng để khám phá chính cuộc sống của bạn.
Vài tháng trước, tôi mở một cuộc hội thảo về xây dựng tổ ấm. Suốt buổi nói chuyện, tôi sử dụng cả ba cách nói chuyện với ba loại người để minh họa sự khác nhau về hành vi giao tiếp giữa ba loại người đó. Cuối buổi nói chuyện, một người trông to lớn, thô kệch nhưng ăn mặc chỉnh tề kéo tôi ra một chỗ. Anh ta trông rất kích động và trông như sắp khóc. Lắc đầu qua lại, rồi anh ta nói, “Tôi không biết nói gì nữa. Giờ tôi phải đến trường đón con trai tôi và ôm chặt nó vào lòng.” Anh ta gần như nghẹt thở. “Hàng năm trời rồi, tôi thường bực mình với nó.
Hình ảnh và âm thanh
Dù đã uống café Colombia tuyệt hảo và bánh sừng bò mới, vợ chồng O’Connor không thực sự hài lòng với bữa sáng.
“Một chiếc Maserati vàng bóng”, John la lên. “Thật kỳ diệu! Có thể chụp vợ chồng mình một bức ảnh thật rực rỡ dưới đường cao tốc ở bờ biển không?”
“Thật sự là khó lắm”, Lizzie lãnh đạm. “Tất cả những gì em nghe thấy là, các hóa đơn tháng của cái xe này đã được chuyển qua đường bưu điện. Chắc anh chưa nghe em nói là có nhiều việc cần chi tiền hơn à…”
John bước ra khỏi nhà với tâm trạng bực bội, nhưng chiều hôm đó, sau khi xong việc, anh mua một chiếc khăn quàng cổ sang trọng, nhiều màu cho Lizzie để cố làm cô vui lòng. Về đến nhà, anh thấy vợ mình trong phòng ngủ và đưa cho cô chiếc hộp được bọc thanh nhã.
“Vì gì đây?” Lizzie hỏi xa cách và xé cái bọc hộp ra. “Nhân dịp nào đây nhỉ?”
“Sao nhỉ, vì anh muốn em biết anh yêu em đến chừng nào”, John cảm thấy bị từ chối.
“Một cái khăn chẳng cho em biết bất cứ gì”. Lizzie chốt lại. Cô quả quyết bước khỏi căn phòng.
John buông mình xuống tràng kỷ, chậm chạp cuộn chặt chiếc khăn đắt tiền vào bàn tay cho đến khi những ngón tay tã ra vì đau.
Chuyện gì xảy ra ở đây? John là mẫu người Thị giác. Anh hiểu thế giới chủ yếu qua những gì anh nhìn thấy: chiếc Maserati màu vàng, “bức ảnh” chụp anh với chiếc xe, chiếc khăn nhiều màu. Lizzie là một người Thính giác. Cô nghe thấy hóa đơn rơi trong hòm thư, cô không nghĩ là John “lắng nghe” khi cô “nói” cho anh điều đó.
Cuộc hôn nhân này (hay ít nhất, hy vọng tậu chiếc Maserati) có thể được cứu vãn không? Bạn đoán đi. Một cặp vé đi nghe buổi hòa nhạc của ban nhạc mà Lizzie yêu thích sẽ tốt hơn là chiếc khăn. Bây giờ John có thể nắm bắt được điều này để xâm nhập vào thế giới cảm giác của Lizzie:
“Anh rất xin lỗi, Lizzie”, John nói bằng một giọng nhẹ nhàng, mùi mẫn (sau khi đưa cô đôi vé). Anh ta bắt đầu dùng những từ “thính giác” với vợ mình. “Anh muốn nói với em – mình hãy làm hòa và nói chuyện với nhau một chút nhé. Em nghe thế có được không?”
Lizzie gật đầu, tiếp nhận những từ dễ nghe đó và ý nghĩa truyền tải của nó.
“Chắc anh chưa nói với em là tiếng của chiếc Maserati vo vo như mèo con và nó di chuyển im ắng đến nỗi em gần như không thể biết chưa?” John hỏi ngọt ngào. “Đến lúc đó ta bàn luận về các hóa đơn vẫn còn kịp mà.”
“Cuối cùng em cũng hiểu bức tranh mà anh vẽ ra rồi đấy John ạ”, Lizzie nói, “Em thấy rất rõ rồi”.
Khi tôi nói chuyện, nó quay đầu đi và không thèm nhìn tôi. Điều đó khiến tôi điên tiết. Tôi hét lên với nó, nhìn thẳng vào bố khi bố đang nói. Nó hiếm khi nào nhìn thẳng vào tôi khi tôi bảo thế. Nhưng hôm nay, sau khi nghe anh nói chuyện, tôi mới nhận ra rằng thằng bé là mẫu người Thính giác, nó không thờ ơ ngay cả khi quay đầu đi. Nó hướng cái tai về phía tôi để nghe rõ hơn. Và tôi, một gã Thị giác, tôi lại cần nhìn vào mắt nhau”. Anh ta nắm chặt tay tôi rồi bước đi.
Thật thú vị. Mọi thứ rất thuận tiện trong tầm tay ta, mà chúng ta chưa bao giờ thực sự nhận ra, cho đến lúc này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.