Mưu hèn kế bẩn nơi công sở
KẾ BẨN SỐ 6
“TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU ĐI!”
Mánh lới làm trì hoãn những quyết định hoặc tiết lộ sự thật bằng cách yêu cầu nạn nhân làm thêm công việc, thực hiện các nghiên cứu hoặc xử lý dữ liệu đòi hỏi phải có sự cố gắng của những người khác nữa.
Tất nhiên, chúng ta phải thực hiện những nghiên cứu phù hợp trước khi đưa ra quyết định quan trọng và quyết định này phải dựa trên dữ liệu chắc chắn và những bằng chứng xác đáng. Sự thật là có nhiều nhà quản lý cố gắng né tránh rủi ro khi đương đầu với các phức tạp mà cuộc sống công sở ném vào mặt họ. Kết quả là họ đã yêu cầu một núi dữ liệu để họ dựa vào đó mà đưa ra quyết định của mình.
“Tiếp tục nghiên cứu đi?” chỉ trở thành trò bẩn khi nhà quản lý không có mối quan tâm thực sự đến việc đề xuất ý tưởng lên cấp trên, và còn thiếu chính trực hay quả quyết để giải trình lý do rộng rãi và trung thực. Họ thấy mình không có thời gian để giải thích nguyên do tại sao họ không thể hỗ trợ ý tưởng của kẻ khốn khổ kia được. Có thể họ lo rằng anh ta không đủ khả năng chịu đựng sự từ chối. Hoặc họ đang bận rộn xây dựng nền tảng cho trò “Ác là đạo chích” bằng cách yêu cầu bạn thu thập thông tin trước khi họ ra tay. Điều cốt yếu là, thay vì trung thực trong suy nghĩ và nêu rõ nguyên nhân, họ lại chọn cách đứng ở thế trông có vẻ như đang sẵn sàng hỗ trợ nhưng thực tế thì lại không làm gì. Họ dùng những yêu cầu chuyên môn rõ ràng về các dữ liệu để từ chối, trì hoãn, làm chệch hướng hoặc ngầm phá hoại ý tưởng.
Họ từ chối bằng cách đòi hỏi nhiều thông tin hơn nữa cũng như thực tế để hỗ trợ cho đề án. Nhà quản lý đưa ra ý kiến là chưa đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định. Sự thật có thể sẽ chẳng bao giờ có đủ thông tin cần thiết để thuyết phục họ đâu, dù bạn có đưa ra bao nhiêu thông tin đi nữa. Họ hy vọng đề nghị đó sẽ chìm vào quên lãng, rằng bên kia sẽ quên bẵng hoặc xao nhãng việc phải trình ra ý tưởng của mình do có nhiều mối ưu tiên áp lực hơn, hoặc họ sẽ bảo rằng cấp trên không quan tâm.
Trong câu chuyện đầu chương, Jerry đang có nhiều vấn đề phức tạp khác cần quan tâm hơn. Lão chẳng có vẻ gì là để tâm hay chú ý tới những gì Lewis trình bày. Còn Lewis cơ hội thì cũng quá chăm chú vào ý tưởng nên đã không nhận ra những dấu hiệu cảnh báo.
Thay vì hành động liêm chính, các sếp lại thích dựng lên một màn sương mù và chờ những quyết định bỏ đi. Kết quả cuối cùng của việc này là một lượng lớn thời gian và nguồn lực bị tiêu hao vào những việc vô bổ.
KẾ BẨN NÀY ĐE DỌA GÌ ĐẾN TỔ CHỨC
Cảnh báo về lợi nhuận – điều này đe dọa thế nào tới lợi ích của tổ chức?
Chuyện này ảnh hưởng tới hiệu suất quản lý, chắc chắn, nó còn kết hợp với những bất lợi cạnh tranh, theo thời gian sẽ đe dọa đến sự sống còn của tổ chức. Tuy nhiên, về cơ bản, những ý kiến quan trọng cũng sẽ được thi hành.
Độ mẫn cảm của tổ chức – công ty sẽ điêu đứng ra sao với những hành vi này?
Trò bẩn này cũng dễ chơi do được khoác lên tấm áo “nghiên cứu công việc”. Tất nhiên, tình huống phải đúng và sự thật phải được chứng minh. Với những tay quản lý thiển cận, xem ra đây là cách nhanh nhất để chuyển sang những mối quan tâm khác của họ, đúng hơn là đá lại quả bóng cho kẻ vừa chuyền sang, chứ không chịu tốn thời gian vào giải thích tại sao câu trả lời lại là “Không!”
Đe dọa văn hóa – điều này ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp và tinh thần nhân viên như thế nào?
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, văn hóa cũng bị gắn vào trò này, và thực sự trở thành “cách chúng ta ứng xử với mọi người xung quanh”. Thường trò này không bị phản đối và còn được thừa nhận như một phần cuộc sống. Tuy nhiên, trong những công ty nhỏ, phát triển nhanh có thể sẽ cần các quy trình khắc nghiệt để hỗ trợ cho sự phát triển. Chính điều này làm công ty hay sa vào văn hóa của “Tiếp tục nghiên cứu đi!”
Tỷ lệ rủi ro của kẻ chơi bẩn – mức độ rủi ro và khả năng bị vạch trần là bao nhiêu?
Không quá mạo hiểm cho kẻ tung đòn bẩn vì rất dễ dàng đưa ra lời biện hộ xác đáng còn nạn nhân thì cũng khó xác định được tổn thất. Nếu bị vạch mặt, kẻ ra đòn vẫn né được mà không gặp nhiều rủi ro. Có thể rủi ro lớn nhất ở đây chính là sự cạn kiệt nguồn lực cần có để đạt được kết quả như yêu cầu.
Điều này làm việc biện minh cho hoàn cảnh thêm nhiều khó khăn do họ đã phung phí quá nhiều thời gian của cấp dưới.
Cảnh báo về an nguy cho nạn nhân – nạn nhân có thể gặp phải những rủi ro nào khi kế bẩn được tung ra?
Có thể sẽ rất đau đớn khi phải nghe điều này. Nếu bạn đang phải gánh chịu kế bẩn này, hãy nhớ lại những khoảng thời gian, năng lượng và nguồn lực bạn tiêu phí trước khi nhận ra ý tưởng của mình sẽ chẳng bao giờ được thực thi. Bạn phải đấu tranh để dự án được chấp nhận, đồng thời cũng phải quan tâm đến những mục tiêu khác nữa. Và cuối cùng, có thể dự án sẽ tan tành mây khói nếu bạn để việc này kéo dài.
THUỐC GIẢI CHO KẾ BẨN SỐ 6
Mỗi nhà quản lý có cách làm việc và điều hành riêng của mình. Đôi khi, người quản lý có cách ra quyết định rất chậm, dựa trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng. Khi làm việc với họ, chúng ta có thể bối rối, nhưng đấy không phải họ định “chơi” ta, mà chỉ là cách giải quyết vấn đề của họ thôi. Thách thức là ở chỗ xác định ngay ở màn đầu tiên khi chuyển từ yêu cầu về chuyên môn thực sự sang trò đưa đẩy, tốn thời gian, chẳng có gì được tiến hành để tình hình đi lên cả.
Nếu nghi ngờ quản lý đang chơi trò này, hãy thử những câu hỏi dưới đây xem sao. Câu trả lời nhận được sẽ cho bạn kha khá manh mối về phạm vi hỗ trợ thực sự của người quản lý với ý tưởng và dự án của bạn đấy.
– Cần thêm những điều gì để hoàn toàn thuyết phục được sếp đây là một dự án ngon lành?
– Khả năng dự án bị từ chối vì sao? Sếp có thể giải thích rõ hơn không?
– Tôi cần phải đạt những tiêu chuẩn cụ thể nào?
– Tôi cần bao nhiêu thời gian và nguồn lực để thực hiện dự án này?
– Theo sếp, lợi ích/trở ngại trước mắt của dự án này là gì?
– Nếu dự án này được tiến hành, sếp có thể gặp phải những ảnh hưởng nào?
– Sếp đã chuẩn bị cho những vấn đề liên quan và có đóng góp cá nhân nào?
– Tại sao sếp không nói rõ phản ứng của sếp với đề xuất này?
– Tôi nên tham khảo thêm ý kiến của ai nữa ở thời điểm này?
– Những bộ phận khác phản ứng ra sao trước dự án này?
– Sếp cảm thấy thế nào về những ý kiến tôi đề xuất?
Bạn sẽ thấy rằng, hầu hết những câu hỏi trên đều tập trung vào dự án, do đó, nhớ nghe ngóng dư luận bên ngoài về dự án để có thêm manh mối. Ví dụ như:
– Còn dự án nào khác đang cạnh tranh với mình không?
– Đề án này như thế nào nếu so sánh với chúng?
– Mình nên dừng việc nào để dành thời gian cho những nghiên cứu thêm này?
Tất cả những câu hỏi nêu trên đều phải được nói với giọng lịch sự và quả quyết nếu ta muốn khích lệ nhà quản lý tham gia vào một cuộc chuyện trò hiệu quả. Kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể và điệu bộ rất quan trọng nếu ta muốn cho họ thấy thiện ý của mình, chứ không phải thể hiện thái độ thù nghịch.
Chúng tôi muốn cổ vũ bạn đối đầu với kế bẩn này vì nó có thể sẽ là một cú đánh chí mạng vào giá trị cốt yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công việc và năng suất kinh doanh, hủy hoại sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa mọi người trong tổ chức. Bằng cách can thiệp vào trò này, ít nhất, bạn cũng thể hiện được mình có nhận thức và hiểu biết về chính trị nơi công sở và đưa ra thông điệp rõ ràng rằng bạn không dễ bị xỏ mũi. Nhớ hành động điềm tĩnh và dứt khoát nhé!
Mẹo vặt
MẠN ĐÀM QUANH VIỆC BUỘC TỘI
Bạn cần làm nhiều hơn là nghe ngóng và thấu hiểu khi đối mặt với kẻ thù. Bạn phải có phương án hiệu quả đảm bảo tiến triển. Bạn phải chắc chắn khi lập chiến lược hành động, bạn phải có thật nhiều ý tưởng để dù cho xoay chuyển tình thế cách nào thì mọi việc vẫn đi lên. Sáng tạo và linh hoạt chính là chìa khóa của vấn đề. Giúp những người khác nhìn thấy sự tiến bộ của bạn sẽ giúp tăng thêm cơ hội thành công, hãy đưa ra nhiều suy nghĩ và nhiều cuộc chuyện trò hiệu quả, tăng khả năng tìm ra phương án mới được cả đôi bên đồng thuận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.