Thám Tử Kinh Tế
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi cảm ơn bạn vì đã mua cuốn sách này, nhưng nếu bạn có chút nào giống tôi, thì hẳn bạn không mua nó đâu. Thay vào đó, bạn sẽ mang nó tới quầy cà phê của tiệm sách3, thoải mái nhâm nhi tách cappuccino và quyết định xem liệu có đáng để mua không.
Đây là một cuốn sách chỉ cho bạn thấy cách những nhà kinh tế học nhìn nhận thế giới. Thực ra, ngay bây giờ, có thể bạn cũng đang ngồi cạnh một nhà kinh tế học chứ chẳng chơi. Có thể bạn chẳng nhận ra anh ta bởi người bình thường nhìn vào một nhà kinh tế thấy anh ta cũng chả có gì khác. Nhưng một người bình thường trong con mắt những nhà kinh tế thì có khác biệt đấy. Vậy những nhà kinh tế đã nhìn thấy những gì? Anh ta có thể cho bạn biết điều gì, tất nhiên nếu như bạn quan tâm và muốn biết? Và tại sao bạn lại nên quan tâm đến điều đó?
Có thể bạn nghĩ đơn thuần rằng bạn đang thưởng thức một tách cappuccino đầy bọt, nhưng nhà kinh tế học lại thấy bạn – cùng cốc cappuccino – là những người tham gia trong một cuộc chơi vô cùng phức tạp với những tín hiệu, những cuộc đàm phán hay thương lượng; những cuộc so tài đọ trí. Đó là một cuộc chơi đầy mạo hiểm: trong số những người đang làm việc như bạn, một số kiếm được rất nhiều tiền, một số thì kiếm được rất ít, còn một số thì đang nhăm nhe tìm cách lấy tiền từ túi bạn. Nhà kinh tế học có thể cho bạn biết ai sẽ kiếm được gì, như thế nào và tại sao. Tôi hy vọng rằng khi bạn đặt cuốn sách này xuống thì bạn cũng có thể nhận ra những điều tương tự. Nhưng trước tiên xin hãy mua cuốn sách này đã, trước khi người bán hàng mời bạn ra khỏi cửa.
Tách cà phê của bạn còn kích thích trí tò mò của nhà kinh tế học vì một lý do khác: anh ta không biết cách làm ra nó, và cũng chẳng có ai biết cả. Chẳng có ai dám vỗ ngực tự hào nói rằng chính tay họ đã trồng, thu hái, rang, xay cà phê sau đó nuôi bò, vắt sữa, luyện thép, đổ khuôn nhựa và lắp ráp chúng thành chiếc máy pha cà phê, và cuối cùng, nặn đất sét để cho ra đời một chiếc tách uống cà phê hết sức dễ thương? Tách cà phê của bạn phản ánh kết quả của một quá trình phức tạp đến ngạc nhiên. Chả có ai trên thế giới này lại có thể tự mình làm hết các công đoạn đó để làm ra một tách cappuccino như vậy cả.
Nhà kinh tế biết rằng tách cà phê cappuccino là sản phẩm có được do nỗ lực của nhiều người hợp lại. Không chỉ có thế, mà còn hơn thế nữa, đó là không có ai chỉ huy ai cả. Mọi người đều độc lập với nhau. Nhà kinh tế học Paul Seabright4 đã làm chúng ta nhớ tới lời kêu gọi của một sĩ quan Xô Viết trong việc cố gắng hiểu được hệ thống tư bản phương Tây: “Hãy nói cho tôi biết… ai là người chịu trách nhiệm cung cấp bánh mỳ cho thủ đô London?” Câu hỏi có vẻ hài hước, nhưng câu trả lời thì giờ đây chẳng ai còn lạ gì nữa. (Vì thị trường tự do vận hành mà không cần ai chỉ huy – HD) Khi nhà kinh tế học tạm thời bỏ qua tách cà phê của bạn và nhìn quanh hiệu sách, những khó khăn trong việc tổ chức ngành kinh doanh sách thậm chí còn lớn hơn. Sự phức tạp của hệ thống tham gia vận hành bộ máy cửa hàng thật khó để mà giải thích nổi: hãy nghĩ tới bao thế kỷ dồn tích lại của sự sáng tạo và phát triển, từ bột giấy để làm ra giấy của cuốn sách cho đến những chiếc đèn làm sáng bừng những giá sách cùng những phần mềm kiểm soát hàng hóa trong cửa hàng. Đấy là còn chưa kể tới bao điều kỳ diệu hàng ngày vẫn diễn ra để giúp cho cuốn sách được in ấn, đóng thành quyển, chất vào kho, giao hàng, sắp xếp và bày bán trong các cửa hiệu.
Đó là một hệ thống làm việc hiệu quả tới mức không ngờ. Khi bạn mua quyển sách này có lẽ bạn làm thế mà chẳng cần phải nói trước với cửa hàng một câu. Có thể thậm chí khi ra khỏi nhà vào sáng nay bạn cũng không biết là mình sẽ mua nó. Song, do một phép màu nào đó mà có bao nhiêu người đã bỏ công sức ra để những mong muốn bất ngờ này được thực hiện: tôi, biên tập viên, những người đọc và góp ý, người chạy máy in, người sản xuất giấy, những nhà cung cấp mực in và vô số những người khác nữa. Nhà kinh tế học có thể giải thích nguyên lý hoạt động của một hệ thống ra sao, những công ty khai thác hệ thống đó như thế nào và khách hàng có thể làm gì để phản công lại.
Hiện giờ, Thám tử Kinh tế5 đang ngó qua cửa sổ, nhìn ra những hàng xe cộ dài tắc nghẽn ngoài kia. Đối với nhiều người, sự ách tắc giao thông đó đơn thuần chỉ là vấn đề bực mình của cuộc sống. Còn dưới con mắt của nhà kinh tế học thì có hẳn cả một câu chuyện liên quan về sự trái ngược giữa tình trạng giao thông hỗn độn với guồng máy hoạt động rất trơn tru của hiệu sách. Chúng ta có thể học hỏi được điều gì đó từ cửa hiệu sách này để giúp cho chúng ta tránh được nạn ách tắc giao thông.
Trong khi những nhà kinh tế học đang nghĩ về những điều đang diễn ra xung quanh thì họ cũng không quên chú ý tới các vấn đề khác. Nếu bạn muốn mời ai tham gia vào cuộc nói chuyện này, bạn có thể nói về sự khác nhau giữa các hiệu sách ở các nước phát triển với những thư viện ở Cameroon, nơi có bao nhiêu người say mê đọc sách nhưng lại chẳng có sách để đọc. Bạn có thể chỉ ra rằng khoảng cách giữa các cường quốc giàu mạnh và những quốc gia nghèo đói là quá lớn và khủng khiếp. Nhà kinh tế học sẽ đồng ý với bạn về sự bất bình đẳng này – nhưng anh ta sẽ còn cho bạn biết tại sao những nước giàu lại giàu, còn những nước nghèo thì lại nghèo, và chúng ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này. Có vẻ như Thám tử Kinh tế nghe giống như một Giáo sư Biết tuốt, nhưng thực ra anh ta chỉ phản ánh tham vọng của bộ môn kinh tế học là việc hiểu được con người: dưới góc độ họ là những cá thể, những bạn hàng đối tác, đối thủ cạnh tranh, thành viên của những tổ chức xã hội quy mô mà chúng ta thường gọi là “những nền kinh tế”.
Mối quan tâm lớn này được phản ánh qua những khẩu vị rất khác nhau của hội đồng chấm Giải Nobel. Từ năm 1990, Giải Nobel kinh tế thường chỉ được trao cho những ai có những đóng góp mang tính chất hết sức “kinh tế”, ví dụ như lý thuyết tỷ giá hối đoái hay chu kỳ kinh tế. Hoặc thường thì bạn còn thấy cả những giải thưởng mà bạn cho là ít dính dáng đến kinh tế như: phát triển con người, tâm lý, lịch sử, bầu cử, luật pháp, thậm chí cả các khám phá về những điều khó hiểu như tại sao bạn lại không thể mua được một chiếc xe cũ mà vẫn còn chạy tốt. Mục đích mà tôi viết cuốn sách này là nhằm giúp bạn nhìn nhận thế giới này dưới góc độ của một nhà kinh tế học. Tôi sẽ không đả động gì về tỷ giá hối đoái hay chu kỳ kinh tế, nhưng tôi sẽ hé mở bí mật về những chiếc xe hơi cũ. Chúng ta sẽ đề cập những vấn đề lớn như việc tại sao cứ một tháng Trung Quốc lại có thể đưa một triệu dân thoát khỏi tình trạng nghèo đói và về những vấn đề nhỏ hơn như làm thế nào để không phải chi quá nhiều tiền trong siêu thị. Đó là cả một quá trình tìm hiểu lâu dài, nhưng tôi sẽ chỉ cho bạn cách sử dụng các công cụ khảo sát của nhà kinh tế học. Tôi hy vọng đến cuối cuốn sách bạn sẽ trở thành người tiêu dùng sành sỏi hơn – cũng như một cử tri bỏ phiếu sáng suốt hơn, có thể thấy được sự thật đằng sau những câu chuyện được các chính trị gia che đậy khéo léo hòng mị lòng dân. Cuộc sống mỗi ngày trôi qua với bao câu đố mà nhiều người thậm chí không nhận ra chúng là những câu đố. Vì vậy, trên hết tôi hy vọng rằng bạn sẽ thấy những điều thú vị đằng sau bao bí ẩn thường ngày đó. Hãy cùng nhau bắt đầu từ một vấn đề quen thuộc với chúng ta với câu hỏi, ai trả tiền cà phê cho bạn?
Chú thích:
3 Ở Mỹ, trong mỗi hiệu sách lớn, đều có một quán cà phê và người đi mua sách có thể mang những cuốn mà họ muốn xem ra đó đọc tuỳ thích trước khi quyết định mua.
4 Paul Seabright: Giáo sư Kinh tế tại Đại học Toulouse, Pháp. Ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Bruegel, Tổng biên tập tạp chí Economic Policy.
5 Thám tử Kinh tế: nguyên bản tiếng Anh, tác giả sử dụng là Undercover Economist, có nghĩa là một nhà kinh tế học khám phá, tìm tòi các ẩn khuất đằng sau các hiện tượng xã hội dưới góc nhìn kinh tế và chính Tim Harford tự ví mình là thám tử kinh tế khi nhìn nhận xã hội.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.