Thám Tử Kinh Tế

9 – BIA, THỊT RÁN VÀ TOÀN CẦU HÓA



Ngày xửa ngày xưa, có một thị tứ buôn bán phát đạt có tên Bruges nép mình bên cửa sông Zwin trên lãnh thổ mà giờ đây là nước Bỉ. Bruges phát triển phồn thịnh bên một lâu đài được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bởi những người sáng lập ra Công quốc Flanders36. Một thế kỷ sau Bruges trở thành thủ đô của nước Flanders và nó bắt đầu thịnh vượng khi ngành thương mại mở rộng khắp phía Bắc châu Âu. Bruges là trung tâm sản xuất vải vóc, các chuyến tàu ngược lên cửa sông Zwin để mua vải, mang theo các khoáng chất, len và pho mát Anh cùng với rượu vang Tây Ban Nha, lông thú của Nga, thịt lợn Đan Mạch, lụa là cùng các hương liệu từ phương Đông, được trao đổi buôn bán qua thành Venice và Genoa hùng mạnh của Italia. Nữ hoàng của Pháp thời bấy giờ đã từng đến thăm Bruges vào năm 1301 và tương truyền bà đã phải thốt lên rằng: “Tôi từng cho rằng mình là Nữ hoàng độc nhất, nhưng xem ra tôi còn có đến sáu trăm đối thủ tại đây.”

Mặc dù bị Pháp và các Công tước xứ Burgundy xâm lược, nhưng sự hưng thịnh của Bruges vẫn tiếp tục cho đến 250 năm sau nữa. Dù bị cai trị bởi nhà cầm quyền nào đi chăng nữa thì Bruges vẫn không ngừng giàu mạnh. Đây là lực hút trung tâm của liên minh Hanseatic League37, của những thành thị mua bán. Nghệ thuật trang trí của vùng nở rộ và phát triển hàng loạt những ngành mới như cắt kim cương từ Ấn Độ với dân số của nó gấp đôi dân số của London. Các mặt hàng có chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới được bày bán tại cửa hàng của một gia đình thương nhân giàu có tên là Van der Beurs. Có thể điều này làm cho bạn tin được rằng tại sao, cho đến ngày nay, thị trường chứng khoán được gọi là “bourses”. Những cột buồm cao và những cánh buồm trải rộng đã tô điểm thêm cho cửa sông Zwin.

Nhưng vào thế kỷ XV, một chuyện gì đó kỳ lạ đã xảy ra. Con sông Zwin tự nhiên bị nghẽn dòng. Những con tàu lớn không thể cập bến tại Bruges. Liên minh Hanseatic League chuyển tới vùng duyên hải thành phố Antwerp. Bruges nhanh chóng trở thành chốn ao tù nước đọng. Nó dần dần mất đi sự sống đến mức người ta gọi nó là “Bruges-La- Morte”. Ngày nay, nó là một nơi cũ kỹ. Được bảo tồn cẩn thận, giờ đây chốn này là một chốn cho các du khách hiếu kỳ tấp nập kéo tới thăm quan một phi thuyền thời gian: một thành thị thương mại xinh đẹp và sầm uất của thế kỷ XV để rồi sự hưng thịnh và phát triển của nó đã khô cạn và biến mất cùng với con sông Zwin.

Trong khi đó, thành phố Antwerp vẫn nối kết với thế giới qua sông Scheldt, thừa kế ngôi vị của Bruges, trở thành trung tâm kinh tế mạnh nhất Tây Âu. Sự phồn thịnh ngày ấy vẫn còn hiện rõ cho tới bây giờ như Đại Thánh đường của Antwerp vẫn in hình lên cả một khoảng trời lớn. Và điều còn gây ấn tượng hơn cho vị khách đầu tiên là một dãy nhà lớn của Grote Markt cao đến năm, sáu, bảy tầng trên những lớp đá cuội. Thậm chí chúng còn cao hơn bởi lối kiến trúc mảnh khảnh theo hình xoắn ốc cùng những ô cửa sổ thiết kế theo kiểu hình bút chì vươn lên trời cao. Mặc dù sự xuất hiện của đường hàng không, xe lửa cùng những phương tiện chuyên chở gắn động cơ đã làm giảm bớt những lợi thế địa lý của nó song Antwerp vẫn còn là một người hùng đầy quyền lực về kinh tế. Nó vẫn là thủ đô kim cương của thế giới, bến cảng giàu mạnh trên dòng sông Scheldt vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Những câu chuyện đối lập của Bruges và Antwerp gợi mở một thông điệp đơn giản: nếu bạn muốn trở nên giàu có thì việc tăng cường sợi dây liên kết với thế giới bên ngoài là một điều khôn ngoan. Nếu bạn không thích thay đổi gì hết thì tốt nhất là bạn nên muốn một bến cảng tù đọng. Nếu bạn muốn được giàu có mà lại không muốn phải thay đổi điều gì thì bạn sẽ phải thất vọng đấy.

Có một vài thú vui tôi thích hơn là việc chỉ ngồi ngấu nghiến những miếng thịt chiên giòn nóng hổi chấm ngập cùng nước sốt mayonnaise và hạ nhiệt bằng một cốc bia sủi bọt lâng lâng bốc lên đến tận đầu. Tất nhiên, là một nhà kinh tế, tôi có thiên hướng suy ngẫm về hệ thống thương mại của thế giới như tôi vẫn thường làm như vậy hơn. Thịt chiên giòn của nhà hàng Frituur Số 1 đơn giản không thể tìm thấy ở một cửa hàng thứ hai nào trên thế giới. Nhưng một ly bia Duvel để làm tan đi hương vị của nó thì bạn chẳng khó khăn gì mà không mua được ở thủ đô Washington cả. Có thể giá của nó sẽ đắt gấp đôi nhưng hương vị của nó thì vẫn quyến rũ trong từng giọt và tất nhiên nó vẫn chiếm uy lực mạnh mẽ không kém. Vì vậy, khi tôi đang ở Antwerp, ngồi ngoài Grote Markt và nhâm nhi một ly Duvel, tôi vẫn không thể không cảm thấy thoáng chút buồn vì cảm giác say chếnh choáng này đã bị sự sẵn có nơi thành phố quê nhà của tôi làm cho giảm giá trị đi. Tất nhiên, khi ở Washington và tỉnh táo, tôi chỉ có thể tán tụng những thương nhân tài ba dám nghĩ dám làm đã mang loại bia từ phương xa như Duvel, Chimay và Maredsous 10 đến tận cửa nhà tôi, tôi còn mong chờ tới lúc họ nhập khẩu cả bia Westmalle Trippel38 nữa cơ. Sự biểu hiện rõ ràng nhất của sự liên kết ngày càng tăng giữa các nền kinh tế trên thế giới là sự sẵn có của những sản phẩm nhập ngoại ở những nơi rất quen thuộc. Nó vừa là phúc, vừa là hoạ: là phúc bởi giờ đây, người ta có thể thưởng thức nhiều loại hương vị của các loại đồ ăn thức uống mà không phải lê bước đi đâu xa xôi cả. Nó là họa là bởi khi bạn đi du lịch bạn có thể tìm thấy những đất nước xa xôi lại có vẻ gì đó rất thân quen. Từ cửa hàng ăn nhanh McDonalds ở Matxcơva cho tới quán cà phê Starbucks ở Thượng Hải, chúng không phải là giống hệt nhau hay sao? Cả thế giới trở nên một đống cao ngất những thứ gọi là quốc tế hóa. Việc buôn bán với những vùng đất của các lãnh thổ khác một thời là đặc quyền của Florence, Venice và Bruges giờ đây đã lan ra khắp mọi ngõ ngách trên hành tinh này.

Nếu bạn mất quá nhiều thời gian ở sân bay, các khách sạn hay các thủ đô thì bạn sẽ dễ dàng cảm thấy như thế; nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới lớn và đa dạng. Bạn có thể ghé qua quán Starbucks ở Thượng Hải, nhưng Starbucks không phải là tất cả của Thượng Hải và Thượng Hải không phải là tất cả của Trung Quốc. Thế giới còn phải đi một con đường dài trước khi nó được thực sự “toàn cầu hóa”, nếu chúng ta hiểu từ này là “giống nhau ở mọi nơi”. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang trong quá trình đó. Nghiên cứu nhà sinh học Edward O. Wilson, tôi khám phá ra rằng trong vài chục thế hệ nữa thôi, tất cả loài người rồi sẽ đều “giống nhau” theo nghĩa là dù có ở London hay Thượng Hải hay Matxcơva hay Lagos thì bạn cũng đều tìm thấy sự pha trộn về sắc tộc. Hay nhìn theo một quan điểm khác, sự đa dạng của con người sẽ là điều chưa từng bao giờ xảy ra: khi quá trình này diễn ra nhanh hơn, “nhiều sự pha trộn màu da, đặc điểm chủng tộc, tài năng hoặc những dấu hiệu khác do gen quy định giờ đây đang xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết.” Riêng bản thân tôi thấy cả hai dự đoán đều rất đáng được khuyến khích, trong khi những người khác lại thấy rằng chúng thật nguy hiểm.

Điều tương tự cũng đúng với những nền văn hóa, công nghệ, hệ thống kinh tế và hàng loạt những sản phẩm sẵn có. Một mặt, chúng sẽ ngày càng giống nhau trên toàn thế giới; mặt khác, ở một nơi nào đó, chúng sẽ biểu hiện những khác biệt đa dạng và kích thích những sự pha trộn mới, như ai đó thích món xào Ethiopia ở thủ đô Washington, món sashimi Nhật Bản ở Antwerp hay món thịt cà ri Bangladesh ở London sẽ sẵn sàng làm chứng. Giống như việc hòa hợp chủng tộc, quá trình hội nhập kinh tế và văn hóa không phải công việc một sớm một chiều đã có thể giải quyết được. Hơn nữa, những ý tưởng mới cùng bao công nghệ tiên tiến đang đến với chúng ta hàng ngày hàng giờ. Toàn cầu hóa sẽ không bao giờ đồng nhất những gì chúng ta có, càng không như vậy khi những sáng kiến mới luôn xuất hiện và đang thêm những gia vị tươi mới vào quá trình pha trộn hội nhập kinh tế từ từ này. Những ai lo sợ về sự giống nhau như đúc trên toàn cầu phải nhớ rằng các ý tưởng mới, dù được hoan nghênh hay không thì chúng cũng luôn xuất hiện nhanh hơn quá trình hòa trộn.

Nhưng có lẽ bằng cách bàn về vấn đề văn hóa và chủng tộc dường như tôi đang vượt ra khỏi chuyên môn của tôi thì phải. Do vậy, tôi sẽ quay trở lại phạm vi kinh tế học, nơi tôi có “lợi thế so sánh”.

Lợi thế so sánh là nền tảng tư duy của các nhà kinh tế học về thương mại. Hãy nhìn nhận nó như thế này: ai viết về kinh tế hay hơn, tôi hay E. O. Wilson39? Giáo sư Wilson là “một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ XX” và “được coi như một trong những nhà bác học vĩ đại nhất thế giới hiện còn sống” theo bìa cuốn sách Consilience (Sự trùng hợp) của ông. Chương về khoa học xã hội được ông viết sau khi phỏng vấn những nhà kinh tế nổi tiếng nhất trên thế giới. Kết quả là ông đã thu được những giải thích chuyên môn rất sâu sắc và đa chiều và chúng đã hé mở cho tôi bao điều tôi còn bỡ ngỡ về bộ môn này. Sự thật là E. O. Wilson là một nhà kinh tế giỏi hơn tôi.

Vậy tôi biết rằng tôi đã thua ông. Tại sao lại còn viết sách về kinh tế khi giáo sư Wilson có thể cho ra một quyển sách hay hơn nữa? Câu trả lời là lợi thế so sánh. Do lợi thế so sánh là Giáo sư Wilson chưa viết quyển sách nào về kinh tế, và tôi khá tự tin mà cho rằng ông sẽ không bao giờ viết cả.

Chúng ta có được ý tưởng về lợi thế so sánh là nhờ “ngôi sao” của Chương 1, đó là David Ricardo. Nếu Wilson và tôi đều coi Ricardo như một nhân viên đặc vụ thì có thể ông ấy sẽ khuyên chúng tôi như sau: “Tim, nếu anh viết sách về sinh học thì anh sẽ không thể bán được quá một quyển một năm, mà quyển duy nhất ấy cũng là do vợ anh mua chứ ai”. Chuyên ngành kinh tế của anh cũng tạm ổn và chúng tôi dự đoán anh sẽ tiêu thụ được khoảng 25.000 bản mỗi năm. Giáo sư Wilson, ông sẽ chỉ bán được 500.000 cuốn sách về kinh tế mỗi năm mà thôi, vậy tại sao không chuyển sang đề tài sinh học để tẩu tán 10 triệu bản?” E.O Wilson là một cây bút kinh tế giỏi hơn tôi đến hàng chục lần nhưng theo lời khuyên của Ricardo, nếu ông chuyên về sinh học ông sẽ thành công hơn tôi gấp mười triệu lần. Ở mức độ cá nhân, lời khuyên của Ricardo là điều mà ai cũng hiểu được: E. O. Wilson nên chọn lựa nghề nghiệp mà không tính xem ông giỏi hơn tôi trong lĩnh vực gì, thay vào đó nên quan tâm đến việc ông làm gì là tốt nhất. Trong khi đó, tôi cũng được khuyên là nên kiếm cơm bằng việc viết sách về kinh tế, không phải bởi tôi là nhà kinh tế học tài ba nhất trên thế giới mà bởi đó là công việc mà tôi có thể làm tốt nhất.

Lời khuyên của Ricardo trở nên gây tranh cãi nhiều hơn khi chúng ta bàn đến việc thương mại mua bán với Trung Quốc. Các nhà bảo hộ thốt lên: “Lương của người dân Trung Quốc thấp hơn của chúng ta rất nhiều”. “Họ có thể làm ra ti vi, đồ chơi, quần áo và tất cả mọi thứ hàng hóa khác rẻ hơn chúng ta nhiều. Chúng ta nên bảo hộ những nhà sản xuất trong nước bằng cách đánh thuế lên sản phẩm của Trung Quốc – hoặc có lẽ là ra lệnh cấm nhập khẩu.” Và chúng ta đã làm như vậy. Hoa Kỳ bảo vệ lợi ích cho các công ty Hoa Kỳ (nhưng không phải là người Mỹ) bằng cách ngăn chặn nhập khẩu thông qua luật “chống phá giá”. Theo luật này thì phá giá là việc bán rẻ hàng hóa. Nhưng sự thật là đó không phải là phá giá, mà là cạnh tranh. Ví dụ, ai là người được lợi khi hàng hóa của Trung Quốc bị cấm bởi nó có giá thấp “một cách không công bằng”? Có lẽ là các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Tất nhiên là không phải những người tiêu dùng Hoa Kỳ rồi. Trong khi đó, rất nhiều người dân châu Âu không đủ tiền để mua những chiếc ti vi lớn với hình ảnh sắc nét, âm thanh trung thực bởi Liên minh châu Âu đang ra sức ngăn chặn sự xâm nhập của cơn bão hàng Trung Quốc. Thép, hiện nay đang được Trung Quốc sản xuất nhiều hơn cả Hoa Kỳ và Nhật Bản cộng lại, là mặt hàng bị Hoa Kỳ đánh thuế bất hợp pháp. Thậm chí họ còn bảo hộ nông nghiệp của họ nhiều hơn nữa.

Việc ngăn chặn các sản phẩm mà lẽ ra đã là một cơn lũ hàng hóa nước ngoài với giá rẻ làm cho ngành công nghiệp trong nước của chúng ta bị nhấn chìm thì có cần thiết không? Không hề. Hoa Kỳ nên sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ bằng cách đừng phí thời gian băn khoăn xem mình có thể đưa ra những sản phẩm nào rẻ hơn Trung Quốc mà hãy tập trung vào những gì mình có thể làm tốt nhất.

Ricardo hiểu rằng các rào cản thương mại – cho dù chúng là tiền hỗ trợ cho các nông dân của chúng ta, quy định về ngành dệt may hay thuế đánh vào ti vi thì chúng cũng đều làm cho cả chúng ta lẫn Trung Quốc bị thiệt. Cũng chẳng thành vấn đề nếu Trung Quốc thực sự cừ hơn chúng ta trong việc làm ra mọi thứ: họ nên sản xuất những gì xuất khẩu đem lại hiệu quả nhất cho nền kinh tế của họ. Trong khi đó, chúng ta, mặc dù (rất rõ ràng) bị thiệt đủ đường thì cũng nên sản xuất những gì mà chúng ta có điểm yếu ít nhất. Lý luận cũng tương tự như khi bộ óc Ricardo nói cho tôi và E. O. Wilson: tôi có thể kém hơn trong mọi lĩnh vực, nhưng tôi vẫn nên trung thành với các cuốn sách về kinh tế trong khi E. O. Wilson thì chọn ngành sinh học. Song, các rào cản đối với thương mại cũng là những rào cản đối với sự sắp xếp theo lẽ thường này.

Một ví dụ có thể giúp thuyết phục những người chưa đồng tình. Hãy thử tưởng tượng một công nhân Mỹ có thể làm ra một chiếc máy khoan trong nửa giờ, hoặc một chiếc ti vi màn hình phẳng trong một giờ. Một công nhân Trung Quốc có thể làm ra chiếc máy khoan trong 10 phút và ti vi màn hình phẳng trong 20 phút. Người công nhân Trung Quốc rõ ràng là “E. O. Wilson trong ngành sản xuất”. (Cũng phải nói thêm rằng con số năng suất lao động trong ví dụ này không những được hư cấu mà còn hoàn là không tưởng. Thật đáng buồn cho người Trung Quốc, những công nhân ở những nước đang phát triển có năng suất lao động kém hơn nhiều so với những công nhân ở các nước phát triển. Sở dĩ họ có thể cạnh tranh được là vì họ bị trả lương thấp hơn nhiều mà thôi; thực tế, mối quan hệ giữa mức lương thấp và năng suất lao động không cao là rất gần.)

Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ không trao đổi thương mại thì ở Hoa Kỳ sẽ mất 90 phút để sản xuất ra một chiếc ti vi màn hình phẳng và một chiếc máy khoan để treo nó lên tường. Còn ở Trung Quốc, ti vi và máy khoan có thể làm ra trong nửa giờ đồng hồ.

Nếu các nhà bảo hộ ra tay thì mọi thứ vẫn sẽ y nguyên như vậy.

Nếu không có các rào cản thương mại thì chúng ta có thể làm ăn với nhau và đem lại lợi nhuận cho cả hai bên. Công nhân Trung Quốc làm ra hai chiếc ti vi trong 20 phút, và công nhân Mỹ làm ra hai chiếc máy khoan trong một giờ. Đổi một chiếc máy khoan lấy một chiếc ti vi và cả hai chúng ta đều được lợi hơn là khi họ bắt đầu làm, giúp họ tiết kiệm 1/3 thời gian. Tất nhiên, vì năng suất hơn nên công nhân Trung Quốc có thể kết thúc công việc sớm hơn và kiếm được nhiều tiền hơn; nhưng điều đó không có nghĩa là công nhân Mỹ bị lỗ trong thương mại. Hoàn toàn ngược lại.

Đúng là nếu công nhân Trung Quốc xin làm thêm giờ thì cô ấy có thể làm hết công việc của mình cộng với cùng số lượng công việc mà công nhân Mỹ sẽ làm trong cả tuần. Nhưng tại sao cô ấy lại “hào phóng” quá đáng như vậy? Trung Quốc không xuất khẩu ti vi sang Mỹ do lòng tốt của họ mà bởi chúng ta có sự trao đổi – thậm chí, với trường hợp những chiếc máy khoan giả định của chúng ta thì người Trung Quốc cũng giỏi hơn chúng ta trong việc chế tạo ra chúng.

Ngược lại với quan niệm của nhiều người, đơn giản là không thể trao đổi thương mại để làm mất tất cả việc làm của chúng ta để nhập khẩu mọi thứ từ bên ngoài vào mà chẳng xuất khẩu đi cái gì. Nếu chúng ta làm thế thì chúng ta lấy đâu ra tiền để mua những thứ hàng nhập khẩu đó chứ. Để mua được hàng nhập khẩu, ai đó ở Mỹ phải làm ra cái gì đó để bán ra thế giới bên ngoài.

Lẽ ra điều này phải rõ như ban ngày, nhưng vì một lý do nào đấy nó lại không như vậy. Hãy nghĩ tới những công nhân Mỹ. Giả dụ ở Pittsburgh sản xuất ra những chiếc máy khoan đó. Họ được trả lương bằng đô-la. Nhà máy được thuê bằng đô-la. Hóa đơn điện thoại, điện cho thắp sáng và chạy động cơ cũng được yêu cầu phải trả bằng đô-la. Nhưng những chiếc máy khoan được xuất sang Trung Quốc và được bán ở trong nước hoặc được sử dụng để tạo ra hàng hóa trên đất Trung Quốc, bằng đơn vị nhân dân tệ của Trung Quốc. Chi phí sản xuất được tính bằng đô-la, doanh thu cũng bằng đô-la. Ở đâu đó, người ta phải đổi nhân dân tệ thành đô-la để trả lương cho các công nhân ở Pittsburgh, nhưng tất nhiên chẳng có quá trình màu nhiệm nào có thể đổi ngược đô-la sang nhân dân tệ. Điều duy nhất có thể thực hiện là cho một nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ đưa ra đô-la để đổi lấy nhân dân tệ và anh ta sẽ dùng chúng để mua hàng nhập khẩu. Xuất khẩu trả cho nhập khẩu.

Điều khá ngạc nhiên cho một số người là kinh tế học lại là về sự liên kết qua lại của mọi thứ: hàng hóa và tiền bạc không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi.

Không ai sống ngoài nước Mỹ lại chấp nhận sự chi trả bằng đô-la nếu Hoa Kỳ không xuất khẩu hàng hóa mà người ta có thể mua được bằng đô-la.

Trong một thế giới phức tạp hơn, đồng đô-la, nhân dân tệ, máy khoan và ti vi sẽ không được trao đổi trực tiếp cho nhau. Chúng ta bán máy khoan cho Ả Rập, người Ả Rập lại bán dầu lửa cho Nhật Bản, Nhật Bản bán robot cho Trung Quốc, và Trung Quốc bán ti vi cho chúng ta. Chúng ta có thể tạm thời vay tiền – hiện Hoa Kỳ đang làm như vậy – hoặc chúng ta sản xuất những tài sản cố định như nhà máy sản xuất máy khoan và bán những nhà máy này thay vì bán máy khoan. Nhưng dòng lưu thông của đơn vị tiền tệ cuối cùng rồi cũng sẽ cân bằng. Hoa Kỳ chỉ có thể mua được hàng nhập khẩu nếu rốt cuộc chúng ta cũng sản xuất ra hàng xuất khẩu để có tiền trả cho chúng; điều này đúng với bất kỳ quốc gia nào.

Một ví dụ mạnh hơn có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề hơn nữa. Hãy nghĩ tới một quốc gia có chính phủ rất thích chế độ tự cung tự cấp. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp tuyên bố: “Chúng ta cần phải khuyến khích nền kinh tế trong nước”. Vì vậy, chính phủ nghiêm cấm tất cả hàng nhập khẩu và tổ chức tuần hành dọc các vùng duyên hải để chống buôn lậu. Một hiệu ứng sẽ là người ta đã hết sức nỗ lực để sản xuất ra những mặt hàng mà trước đây được nhập khẩu. Tất nhiên, điều này là sự khích lệ đối với nền kinh tế trong nước. Nhưng một hiệu ứng khác nữa sẽ là tất cả các ngành phục vụ xuất khẩu sẽ nhanh chóng tàn lụi và biến mất. Tại sao? Bởi vì ai còn muốn sử dụng thời gian và tiền bạc để sản xuất ra hàng xuất khẩu để đổi lấy đơn vị ngoại tệ nếu họ không được phép dùng ngoại tệ mua hàng nhập khẩu nữa? Trong khi một phần của ngành kinh tế trong nước được khuyến khích thì phần còn lại lại bị làm cho què cụt đi. Chính sách “không nhập khẩu” cũng chính là chính sách “không xuất khẩu”. Thực ra, một trong những định lý quan trọng nhất của lý thuyết thương mại, định lý Lerner, được đặt theo tên của nhà kinh tế Abba Lerner, đã được chứng minh vào năm 1936 rằng thuế đánh vào hàng nhập khẩu đúng bằng với thuế đánh vào hàng xuất khẩu. Định lý của Lerner cho chúng ta biết rằng việc hạn chế ti vi nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ việc làm cho những người dân Mỹ trong ngành sản xuất này cũng tương tự việc hạn chế xuất khẩu máy khoan của Mỹ để bảo vệ việc làm cho những người dân Mỹ trong ngành sản sự không hề tranh giành với ngành tương tự của Trung Quốc; mà là nó cạnh tranh với chính ngành máy khoan của nước mình. Nếu ngành công nghiệp sản xuất máy khoan hoạt động hiệu quả hơn thì ngành công nghiệp ti vi sẽ không thể sống sót nổi. Cũng giống như trường hợp nghề nghiệp rất hứa hẹn của E.O. Wilson là phóng viên kinh tế sẽ không bao giờ có thể trở thành sự thực trước tài năng vượt trội khi làm một nhà bác học của ông.

Tất nhiên, điều này làm cho chúng ta nhìn nhận vấn đề rào cản thương mại dưới một góc độ khác. Nhưng nó cũng không chứng minh rằng rào cản thương mại tạo nên sự bất lợi. Suy cho cùng, chả nhẽ lợi ích của chúng đối với ngành công nghiệp sản xuất ti vi Hoa Kỳ lại không lớn hơn sự đe dọa đối với ngành sản xuất máy khoan của đất nước này hay sao? Lý thuyết của Ricardo về lợi thế so sánh cho chúng ta biết rằng câu trả lời là không. Như chúng ta đã biết, dưới chế độ thương mại tự do, cả công nhân Trung Quốc lẫn công nhân Mỹ đều có thể ngừng làm việc sớm hơn dưới chế độ thương mại hạn định mà vẫn sản xuất ra một lượng hàng hóa như thế.

Câu trả lời theo lẽ thường dựa trên những kinh nghiệm thực tế cũng là không: hãy so sánh Triều Tiên với Hàn Quốc, hoặc Áo với Hungary. Trên con đường khó khăn để chứng minh việc mở cửa thông thoáng nền kinh tế thì tốt hơn nhiều là đóng cửa hạn chế nó. Đơn giản chúng ta chỉ cần nhắc lại rằng năm 1990, ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, trung bình một người Áo giàu gấp hai cho đến sáu lần một người Hungary (tuỳ vào việc bạn dựa trên những tiêu chí so sánh nào). Nói chung, người Hàn Quốc đều giàu có trong khi nói chung người Triều Tiên thì gần như chết đói. Triều Tiên trở nên cô lập và cách biệt đến nỗi chẳng biết được họ nghèo đến đâu vì thật khó để tiếp xúc và tiến hành đo đạc và nghiên cứu.

Các rào cản thương mại sẽ luôn luôn gây hại nhiều hơn là đem lợi ích đến, không chỉ cho nước là đối tượng của rào cản thương mại mà còn cho chính quốc gia áp dụng chúng. Dù những quốc gia khác có hạn chế thương mại với chính họ thì chúng ta cũng chẳng được lợi lộc gì. Nhà kinh tế vĩ đại Joan Robinson đã từng một lần châm biếm rằng bởi những người khác đã ném đá vào cảng của họ rồi nên chẳng có lý do gì mà họ lại ném đá vào cảng của chúng ta nữa. Khi con sông Zwin không còn chảy nữa thì các cư dân của Bruges chắc chắn đã nhận ra được sự thật tương tự hàng nhiều thế kỷ nay rồi.

Song, tất cả những điều này cũng không nhằm mục đích nói rằng thương mại tự do là tốt cho tất cả mọi người. Sự cạnh tranh của những sản phẩm rẻ hơn và tốt hơn không thể làm cho mọi ngành công nghiệp trong nước của chúng ta rơi vào phá sản, bởi nếu thế thì chúng ta đã chẳng có tiền mà mua hàng nhập khẩu về. Nhưng thương mại tự do có thể làm thay đổi trạng thái cân bằng của nền kinh tế. Trở lại ví dụ về ti vi và máy khoan, mặc dù người Trung Quốc giỏi hơn trong việc sản xuất cả máy khoan và ti vi thì chúng ta vẫn sản xuất máy khoan khi trao đổi thương mại với Trung Quốc. Thực ra, chúng ta sản xuất gấp đôi số lượng máy khoan so với trước đây, nhưng ngành công nghiệp sản xuất ti vi thì thực sự đã bị đánh bại. Tốt cho ngành công nghiệp máy khoan và hại cho ngành công nghiệp ti vi. Nhiều người sẽ bị mất việc. Họ sẽ cố gắng học các kỹ năng mới để có được thuê làm việc trong ngành sản xuất máy khoan, điều mà nói thì dễ hơn là làm. Nói chung, Hoa Kỳ sẽ được lợi, nhưng một số người sẽ bị đẩy ra, những người thua cuộc này sẽ nguyền rủa thương mại tự do và yêu cầu sự hạn chế nhập khẩu ti vi từ nước ngoài vào, mặc dù giờ đây chúng ta biết rằng họ có thể làm tương tự bằng cách đòi hạn chế việc xuất khẩu máy khoan ra nước ngoài.

Thậm chí nhà sử học đãng trí nhất cũng sẽ không quên được cuộc nổi loạn Luddite ở Anh quốc. Phong trào này bắt đầu vào năm 1811 từ miền Trung nước Anh, một sự phản đối kịch liệt của những công nhân nhà máy dệt có tay nghề cao đối với sự cạnh tranh của những công nghệ mới nhất: máy dệt tự động và máy xén tự động. Những người nổi loạn đã tổ chức rất bài bản, sau đó họ đập phá nhà xưởng và máy móc (còn gọi là “phong trào phá máy”) và biểu tình chống lại hệ thống mới rất kinh tế này. Ngược lại với những mẫu côn đồ hung hãn thời hiện đại đến mức không thể tưởng tượng nổi, những công nhân Luddite này đã phản ứng đúng đắn trước sự đe dọa thực sự đến kế sinh nhai của họ.

Vậy, có phải sự biến đổi về công nghệ đã làm hại đến con người không? Không nghi ngờ gì về điều này. Nó có làm cho nước Anh nói chung trở nên nghèo đi không? Một quan điểm thật buồn cười. Không cần giảm thiểu những mất mát thực tế của những người bị mất việc, thì rõ ràng những tiến bộ về công nghệ cũng đã mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích hơn.

Thương mại có thể coi như là một dạng khác của công nghệ. Ví dụ, nhà kinh tế học Milton Friedman đã thấy rằng có hai cách cho nước Mỹ sản xuất ô tô: họ có thể sản xuất chúng ở Detroit hoặc Iowa. Làm ra chúng ở Iowa sẽ tận dụng một loại công nghệ đặc biệt có thể biến lúa mì thành những chiếc Toyota. Đó là đơn giản hãy chất lúa mì lên thuyền và chở chúng ra Thái Bình Dương. Không lâu sau đó, nó sẽ trở về và mang theo trên mình những chiếc Toyota. Công nghệ được sử dụng để biến lúa mì thành ô tô từ Thái Bình Dương đó có tên gọi là “Nhật Bản”, nhưng nó cũng chỉ giống như một nhà máy sinh học trong tương lai nổi trên đảo Hawai mà thôi. Nhưng dù được sản xuất bằng cách nào đi chăng nữa thì những công nhân tự động hóa ở Detroit đều đang cạnh tranh trực tiếp với những nông dân ở Iowa. Sự hạn chế nhập khẩu ô tô Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho những công nhân kia nhưng lại làm hại những nông dân này: chúng chính là điều tương tự như “phong trào phá máy” xưa kia.

Trong một xã hội văn minh song luôn thay đổi này thì phương án giải quyết là không ngăn cấm những công nghệ mới và hạn chế thương mại. Chúng ta cũng không nên thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn của những người bị mất việc làm do công nghệ mới, thương mại hay bất kỳ lý do nào khác. Mà hãy cho phép những tiến bộ được tiếp tục và cố gắng giúp đỡ và đào tạo lại những công nhân phải chịu thiệt thòi bởi quá trình này.

Có lẽ điều này nghe cũng hơi tàn nhẫn. Suy cho cùng thậm chí một người muốn có việc làm và không thể tìm được việc làm cũng đều đang phải chịu một bi kịch của riêng mình rồi. Nhưng những nhóm người có cùng lợi ích trong xã hội – những người chống lại thương mại tự do vì lợi nhuận của chính họ đã thổi phồng quá đáng những hiệu ứng của thương mại. Từ năm 1993 đến 2002, gần 310 triệu người ở Mỹ đã bị mất việc làm. Cùng thời gian này, cũng có hơn 327 triệu người có thêm việc làm. Như vậy, năm 2002 so với năm 1993 có thêm gần 18 triệu người có việc làm. Mỗi một người trong số 310 triệu người mất việc đều cần sự cảm thông và giúp đỡ dù điều này có liên quan đến cạnh tranh nước ngoài hay không. Thương mại hay không thương mại thì lúc nào một nền kinh tế cũng vừa đồng thời làm biến mất lại vừa tạo ra công việc. Nhưng toàn cầu hóa có phải là một điều tốt không?

Một điều cần phải nói rằng là thương mại làm cho Hoa Kỳ ngày càng trở nên giàu có hơn. Tiếp theo là toàn cầu hóa là một điều tốt. Muốn xem xét tất cả những lý luận về toàn cầu hóa cho công bằng thì có lẽ phải cần đến cả một quyển sách. Trong một chương ngắn như thế này thì chỉ đủ thời gian để giải quyết hai sự phàn nàn thông thường về toàn cầu hóa mà thôi. Thứ nhất là toàn cầu hóa gây ảnh hưởng xấu cho hành tinh này; thứ hai, toàn cầu hóa không tốt cho những người nghèo. Đầu tiên chúng ta nên nói rõ ràng hơn về khái niệm toàn cầu hóa mà không bàn đến khía cạnh chuyên môn, thậm chí gạt những hiện tượng phi kinh tế như sự lan tràn ti vi Mỹ, ẩm thực Ấn Độ hay võ đạo Nhật Bản sang một bên thì cũng có rất nhiều hiện tượng hội nhập kinh tế quốc tế ngoài hiện tượng thương mại ra. Tôi sẽ liệt kê ít nhất là năm vấn đề đặc trưng: thương mại hàng hóa và dịch vụ; dân nhập cư; sự trao đổi kiến thức kỹ thuật; “đầu tư trực tiếp nước ngoài”; hoặc xây dựng hoặc mua lại những nhà máy hoặc công ty ở nước ngoài và đầu tư xuyên biên giới vào những tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu. Nhiều cuộc thảo luận về toàn cầu hóa đã nhầm lẫn những hiện tượng này. Trước nguy cơ đơn giản chúng quá đáng, hãy để riêng ba khái niệm sau sang một bên: nhập cư, trao đổi công nghệ và đầu tư xuyên biên giới các tài sản tài chính. Không phải bởi những hiện tượng này không quan trọng mà vì chúng không phải là những gì người ta có xu hướng nghĩ đến khi bàn về vấn đề toàn cầu hóa. Nhập cư là một đề tài gây tranh cãi với nhiều lý do mà nói chung là do sự bài ngoại và tính ích kỷ. Mặt khác, một số ít người phản đối sự lan tràn của những bí quyết khoa học và kỹ thuật hòa bình. Đầu tư xuyên biên giới vào những tài sản tài chính là một chủ đề gây khá nhiều tranh luận về chuyên môn giữa các nhà kinh tế. Chúng là cơ hội lớn cho cả người giàu và người nghèo nhưng cũng đồng thời là thời cơ đem đến mối nguy hiểm. Để tiết kiệm “đất”, chúng ta sẽ không bàn gì thêm về ba xu hướng này.

Đối với hầu hết các mục đích, khi người ta tranh luận về toàn cầu hóa, họ thường nói về hai xu hướng tồn tại: nhiều thương mại hơn và nhiều đầu tư trực tiếp hơn từ những công ty của các quốc gia giàu có, ví BIA, THỊT RÁN VÀ TOÀN CẦU HÓA | 291 dụ như việc xây dựng những nhà máy tại các nước kém phát triển. Một tỷ lệ lớn đầu tư trực tiếp cho những nước nghèo được tính toán nhằm tạo ra của cải vật chất đem về cho các nước giàu. Trong khi điều này vẫn luôn là sự thật thì cả thương mại và đầu tư nước ngoài vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Người ta đều nhận thấy rằng đầu tư nước ngoài là có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của những nước nghèo. Đó là cách lý tưởng để họ tạo ra việc làm, học hỏi được những kỹ thuật đột phá mà không phải dùng đến những đồng tiền hiếm hoi của mình. Không giống như đầu tư vào cổ phiếu, tiền tệ, hay trái phiếu, đầu tư nước ngoài trực tiếp không thể nhanh chóng bị thu hồi bất ngờ được. Theo như phóng viên kinh tế Martin Wolf từng nói, đó là “những nhà máy không biết đi”. Mặc dù thương mại cùng với đầu tư ở những nước nghèo đã tăng nhanh trong những năm vừa qua nhưng chúng ta nên nhấn mạnh rằng cả thương mại và đầu tư nước ngoài đều chủ yếu diễn ra giữa các nước giàu với nhau chứ không phải giữa nước giàu và nước nghèo. Có lẽ mọi người sau khi nhìn vào những đôi giầy Nike sẽ thừa nhận rằng mọi quá trình sản xuất đều được tiến hành ở Indonesia và Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta còn dùng nhiều tiền hơn thế để nhập khẩu rượu vang từ Australia, thịt lợn từ Đan Mạch, bia từ Bỉ, bảo hiểm từ Thuỵ Sĩ, các trò chơi trên máy tính từ Anh, xe hơi từ Nhật Bản và máy tính từ Đài Loan, tất cả đều được chuyên chở trên những con tàu đóng tại Hàn Quốc. Những quốc gia giàu có này hầu như đều chỉ buôn bán trao đổi với nhau mà thôi. Trung Quốc hùng mạnh, với quy mô chiếm 1/4 dân số thế giới lại chỉ chiếm chưa đầy 4% tổng hàng xuất khẩu của thế giới. Mexico, một quốc gia với hơn 100 triệu dân, với hiệp định thương mại tự do với cường quốc mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ, và trong tình thế thương mại đang phát triển nhanh chóng khi nền kinh tế Hoa Kỳ đang phát triển nóng vào năm 2000, nhưng mức xuất khẩu vẫn không hơn nổi “gã trai phong lưu” là quốc gia Bỉ nhỏ bé. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chưa đi đến đâu cả, với hơn 1 tỷ dân mà chỉ đạt con số xuất khẩu khiêm tốn là dưới 1% của thế giới. Tất cả những con số này đều đề cập những hàng hóa hữu hình: nếu bạn nhìn vào những dịch vụ thương mại, mặc dù tính cả dịch vụ “xa bờ” thì thậm chí các nước phát triển còn ít tham gia hơn nữa.

Thế còn các nước nghèo thì sao? Thật đáng buồn cho họ, những nước giàu làm ăn với họ quá ít, trong khi thương mại đang không ngừng mở rộng ở mọi nơi trên thế giới thì những nước nghèo nhất bị bỏ rơi lại đằng sau. Số hàng khu vực Bắc Mỹ nhập từ những nước kém phát triển nhất chỉ chiếm có 0,6% tổng số hàng xuất khẩu vào năm 2000, giảm 0,8% vào năm 1980. Nhưng còn tệ hơn nữa, con số nhập khẩu của các nước Tây Âu từ những quốc gia kém phát triển nhất là 0,5% năm 2000, giảm một nửa so với 1% vào năm 1980. Đối với Nhật Bản, con số này là 0,3% và 1%. Và cộng tất cả những cường quốc trên thế giới lại với nhau thì tổng sản phẩm nhập khẩu của họ từ những quốc gia kém phát triển nhất là 0,6%, giảm so với con số 0,9% so với 20 năm trước đây. Đối với những nước nghèo thực sự thì tất nhiên vấn đề của họ không phải là sự tham gia quá đà của họ vào hệ thống thương mại thế giới. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với đầu tư nước ngoài.

Lý thuyết về lợi thế cạnh tranh, lẽ thường và cả kinh nghiệm, đều mách bảo chúng ta rằng thương mại có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế. Đầu tư nước ngoài trực tiếp lại có mối liên hệ chặt chẽ với thương mại và nó cũng góp phần làm tăng trưởng kinh tế.

Những quốc gia nghèo nhất đã mất cơ hội được hưởng những lợi ích này. Đây là một sự đơn giản hóa nhưng cũng là một điều công bằng. Mặc dù, trong cả hai trường hợp vẫn tồn tại những câu hỏi còn bỏ ngỏ: tác động của thương mại và đầu tư nước ngoài lên môi trường là gì? Tác động của đầu tư nước ngoài trực tiếp ở những nước nghèo đối với những người bị buộc phải chấp nhận những công việc bóc lột sức lao động, với đồng lương ít ỏi không đáng kể và điều kiện làm việc hết sức khắc nghiệt là gì?

Toàn cầu hóa là bảo vệ môi trường

Hãy đặt môi trường lên hàng đầu. Ở Chương 4 chúng ta đã thấy rằng khái niệm những tác động ngoại vi mà các nhà kinh tế đưa ra đã cho chúng ta một công cụ hiệu quả để đánh giá những đe dọa về sự tàn phá môi trường và phí phạt ngoại vi chính là giải pháp cho vấn đề này. Rất nhiều nhà kinh tế, mà có lẽ là hầu hết các nhà kinh tế, đều hiểu được những sự đe dọa này và muốn ra tay hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Song mối quan hệ giữa thương mại và sự phá huỷ môi trường không thể đứng vững trước sự khảo sát tường tận. Có ba nguyên nhân cần quan tâm. Thứ nhất là “một cuộc chạy đua đến cùng”: các công ty đua nhau, đua nhau vươn ra nước ngoài để sản xuất hàng hóa dưới những luật lệ “dễ thở” hơn với chi phí rẻ hơn, trong khi nhiều chính phủ xui xẻo lại còn giúp đỡ họ bằng cách tạo ra những bộ luật “nhân đạo” đó nữa. Thứ hai là sự vận chuyển hàng hóa qua lại tiêu thụ những nguồn lực và gây ra ô nhiễm. Mối lo ngại thứ ba là nếu thương mại khuyến khích tăng trưởng kinh tế thì nó cũng gây hại cho cả hành tinh này. Trong khi mỗi người đều có lý lẽ của riêng mình thì ý kiến cho rằng thương mại chỉ có tác động xấu cho môi trường là dựa trên lối tư duy ấu trĩ và thiếu cơ sở.

Nỗi lo ngại đầu tiên rằng thương mại tự do tạo nên những vấn đề cho môi trường bởi hàng hóa sản xuất ở nước ngoài được tuân theo những tiêu chuẩn về môi trường “khoan dung” hơn, hoặc thậm chí chẳng có tiêu chuẩn gì, nên được kiểm định chất lượng đầu tiên bằng cách chúng ta tự nhắc lại với chính mình rằng phần lớn trao đổi thương mại đều được thực hiện giữa các nước giàu có với nhau, những kẻ có những tiêu chuẩn tương tự về môi trường. Còn môi trường ở những nước nghèo thì sao? Nhà môi trường học Vandana Shiva đã biện hộ cho nhiều quốc gia như thế khi bà tuyên bố rằng “ô nhiễm chuyển từ người giàu sang người nghèo. Kết quả là một sự phân biệt chủng tộc về môi trường trên toàn cầu.” Sự lên án gay gắt – nhưng có đúng như thế không?

Theo lý thuyết thì đúng. Các công ty có thể sản xuất hàng hóa với giá rẻ hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh. Họ có thể đi lại lấn sân dễ dàng hơn trong thế giới với chế độ thương mại tự do này. Vì vậy, “cuộc chạy đua đến cùng” có thể là một khả năng.

Nhưng một lần nữa, có những lý do để chúng ta hoài nghi rằng đó chỉ là điều tưởng tượng mà thôi. Những quy định về môi trường không phải điều đáng quan tâm, mà nhân công mới là vấn đề. Nếu như những tiêu chuẩn về môi trường của Hoa Kỳ thực sự nghiêm ngặt đến thế thì tại sao hầu hết những công ty gây ra nhiều ô nhiễm của họ lại chỉ dùng có 2% tổng doanh thu để giải quyết vấn đề ô nhiễm? Thậm chí hầu hết các công ty còn chi chưa đến con số ít ỏi ấy nữa kia. Khi các công ty bành trướng sang các nước khác là họ đang tìm kiếm nhân công rẻ chứ không phải là nơi ẩn náu cho sự ô nhiễm. Và các công ty không phải gây ra ô nhiễm cho vui; những kỹ thuật sản xuất hiện đại nhất thường có giá rẻ hơn và đồng thời ít gây ô nhiễm hơn. Ví dụ, việc sử dụng năng lượng hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí vừa làm giảm ô nhiễm. Đây là lý do tại sao ở nhiều công ty hoạt động môi trường là một phần của việc kiểm duyệt chất lượng nói chung và sản xuất hiệu quả. Cho dù có thể giảm bớt một phần chi phí bằng cách cắt giảm một số khoản đầu tư nào đó cho môi trường, nhưng nhiều công ty vẫn xây dựng những nhà máy ở khắp nơi trên thế giới sử dụng những công nghệ sạch nhất, tiên tiến nhất từ các nước phát triển, chỉ bởi vì loại tiêu chuẩn đó tự nó đã có thể tiết kiệm được nhiều chi phí rồi. Như một sự tương đồng: nếu những con chíp của một chiếc máy tính đã sử dụng 10 năm vẫn được sản xuất với số lượng lớn thì sẽ đơn giản hơn và rẻ hơn là làm mới những con chíp khác, nhưng chẳng có ai quan tâm nữa. Giờ đây dù bạn muốn thì cũng khó mà mua được một chiếc máy tính cũ. Và tất cả những lý luận này đã loại bỏ khả năng các công ty muốn đưa ra các tiêu chuẩn cao về môi trường chỉ để làm hài lòng những công nhân và khách hàng của họ mà thôi.

Vậy, “một cuộc chạy đua đến cùng” có thể chỉ là trên lý thuyết; nhưng vẫn có những cơ sở để nghi ngờ về sự tồn tại của nó. Vì vậy, bỏ vấn đề lý thuyết sang một bên thì thực tế là gì? Đầu tiên, đầu tư nước ngoài ở những nước giàu còn có thể dẫn tới nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm hơn ở các nước nghèo. Thứ hai, đầu tư nước ngoài trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm là mảng phát triển nhanh nhất trong những lĩnh vực đầu tư ở nước ngoài vào Hoa Kỳ. Ngược lại, đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghiệp sạch lại là mảng phát triển nhanh nhất trong những khoản đầu tư của Hoa Kỳ cho các nước khác. Nói cách khác, các công ty nước ngoài đang đem những ngành công nghiệp ô nhiễm vào Hoa Kỳ, còn Hoa Kỳ lại mang những ngành công nghiệp sạch ra thế giới.

Có lẽ bạn sẽ chớp mắt liên tục khi đọc những dòng vừa rồi. Đối với những người được giáo dục cẩn thận về ý thức bảo vệ môi trường thì có lẽ những thống kê trên đây dường như không được sáng suốt. Nhưng không phải như thế khi bạn biết được rằng các nước nghèo sản xuất những mặt hàng như quần áo, đồ chơi trẻ em và cà phê trong khi những ngành gây ô nhiễm nhiều như ngành công nghiệp hóa chất đòi hỏi những kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng tin cậy và rất nhiều vốn đầu tư cùng sự ổn định về chính trị nữa. Tại sao lại vứt bỏ điều này bằng cách chuyển nhà máy tới Ethiopia để tiết kiệm được vài đô-la chi phí về môi trường?

Một dấu hiệu nữa của việc hoạt động vì môi trường của đầu tư nước ngoài ở những quốc gia nghèo tới từ những số liệu đo đạc mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc, Brazil và Mexico. 60% đầu tư nước ngoài cho các nước nghèo có đích đến là các quốc gia nghèo. Hình đầu tiên ở trang 296 cho thấy khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển thì ô nhiễm không khí ở các thành thị đã được giảm xuống. Đồng thời, đầu tư nước ngoài cũng bùng nổ khi các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy ở đây, dù là để phục vụ cho thị trường Trung Quốc hay tận dụng lợi thế nhân công rẻ và xuất khẩu sang những nước còn lại. Brazil và Mexico cũng trong tình trạng tương tự như vậy.

Điều này không tạo nên sự tin cậy hoàn toàn cho đầu tư nước ngoài. Khi Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có hơn thì chính phủ đã áp dụng hàng loạt những quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn về môi trường cùng lúc có dòng đầu tư nước ngoài chảy tới quốc gia này. Nói chung, thật khó ráp những câu chuyện “chạy đua đến cùng” vào bức tranh này. Những câu chuyện như thế là những câu chuyện hiếm hoi tiện lợi cho những nhà bảo hộ tìm kiếm các cách thức mới tiếp cận những ngành công nghiệp được ưu tiên mà sự chịu đựng sẽ dành cho khách hàng và những nước đang phát triển tương tự.

Toàn cầu hóa có gây ra ô nhiễm hay không?

Trung Quốc: chất lượng không khí tại các thành phố và ₫ầu tư trực tiếp

Sự thật là tự chế độ bảo hộ cũng đã tiêu tốn một khoản chi phí khổng lồ về môi trường. Trường hợp rõ ràng nhất là Chính sách Nông nghiệp chung “đa chức năng” tuyệt hảo của Liên minh châu Âu, gồm một loạt những rào cản thương mại và các khoản hỗ trợ được soạn thảo để nhằm bảo vệ những nông dân châu Âu. Đối với những người bảo hộ thì sự đa chức năng có nhiệm vụ mang đến chế độ tự cung tự cấp, an ninh, sự bảo vệ môi trường và sự công bằng trong mậu dịch cho những nông dân nghèo. Nhưng thay vào đó, chính sách này chỉ hỗ trợ cho những nông dân trong Liên minh châu Âu bằng một nửa quỹ của Liên minh, trong đó 1/4 những nông trang lớn nhất đã chiếm đến 2/3 con số này rồi – người giàu nhất nước Anh, Công tước vùng Westminster, đã nhận được 448.000 bảng (tương đương với gần 14 tỷ đồng Việt Nam) trong đợt hỗ trợ năm 2003-2004. Chính sách này đã khuyến khích việc trồng trọt tràn lan với những kết quả sụt giảm rõ ràng về chất lượng sản phẩm cùng nồng độ thuốc trừ sâu và phân bón quá nhiều và tất cả những loại rau quả này lại được đổ sang các nước đang phát triển và làm ép giá sản phẩm của những nông dân ở các nước nghèo. Hơn nữa, nó còn đang làm trật quỹ đạo tự do hóa thương mại toàn cầu. Theo như Martin Wolf đã từng nhận xét trên tờ Finance Time: “Chính sách đa chức năng thật ra vừa đi thụt lùi, vừa lãng phí, vừa làm giảm chất lượng thực phẩm lại phá huỷ môi trường và là rào cản cho tự do hóa thương mại ở mọi nơi trên thế giới”.

Những nước giàu, như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng ưu tiên nông dân của họ giống như Liên minh châu Âu: một phần ba nguồn thu từ các nông trang của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là do viện trợ của chính phủ, và như Hình 2 trang 298 cho thấy nông nghiệp càng được hỗ trợ bao nhiêu thì người dân càng sử dụng phân bón nhiều bấy nhiêu. Nếu Chính sách Nông nghiệp chung và những ví dụ khác của chế độ bảo hộ nông nghiệp được bãi bỏ thì chúng ta có thể chắc chắn rằng môi trường của chúng ta sẽ được cải thiện đáng kể do việc sản xuất nông nghiệp quá mức bị hạn chế. Đồng thời, những người tiêu dùng châu Âu và 1/3 nông dân trên thế giới cũng sẽ được lợi hơn trong mua bán giao dịch.

Nông nghiệp ₫ược bảo hộ khá nhiều

Sự bảo hộ nông nghiệp và việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ ít hơn cho nông dân của mình, nhưng quốc gia này vẫn có thể thực hiện bảo hộ thương mại và phá huỷ môi trường khi cần. Năm 1998, các nhà sản xuất đường của Hoa Kỳ đã hưởng một tỷ đô-la tiền hỗ trợ, song một nửa trong số đó chỉ tới được có 17 nông trang. (Do những méo mó gây nên bởi chế độ bảo hộ nên nó lấy mất của người tiêu dùng gần 2 tỷ đô-la và một nửa trong số này là hoàn toàn lãng phí.) Bảo hộ đã làm hại những doanh nghiệp sản xuất đường ở Colombia, những người vì thế đã phải chuyển sang sản xuất cocain. Tất nhiên, sự vận động môi trường vẫn có thể tán thành nếu môi trường được lợi, nhưng lại không phải như thế: các chất hóa học thải ra từ các nông trại lớn ở Florida đang tàn phá khu vực Everglades.

Khai thác nông nghiệp quá đà rõ ràng là một việc không bình thường. Không phải tất cả các vấn đề về môi trường sẽ đều được tự động giải quyết bởi tự do thương mại. Một ví dụ là xu hướng độc canh: chỉ trồng hoặc lúa, hoặc cà phê hoặc lúa mì. Sự thiếu đa dạng sinh học này làm cho các loại cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công cũng như bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết.

Điều này nghe như một luận điệu chống lại chế độ thương mại tự do, do việc thương mại đang ngày một nâng cao đã khuyến khích các quốc gia chuyên canh một loại cây trồng nào đó để họ có được lợi thế so sánh. Song, rào cản thương mại là một cách không hề dễ chịu chút nào để giải quyết vấn đề khai thác nông nghiệp tràn lan. Đa dạng sinh học địa phương và đa dạng sinh học toàn cầu đều quan trọng, nhưng đa dạng sinh học của một quốc gia là không thích đáng: các vấn đề môi trường không phân ranh giới chính trị. Đến một mức độ mà sự đa dạng sinh học trở thành một vấn đề thì giải pháp ở đây sẽ là sự điều tiết môi trường trực tiếp: kinh tế học lỗ khoá ở Chương 5. Việc hy vọng rằng một rào cản thương mại đơn thuần sẽ giải quyết được vấn đề là một điều khôi hài.

Đây là một trường hợp đặc biệt của một mảng quan trọng khác trong lý thuyết thương mại. Sẽ luôn luôn (theo lý thuyết) hoặc thường xuyên (theo thực tế) có một chính sách thay thế để giải quyết vấn đề môi trường trực tiếp hơn và hiệu quả hơn bất kỳ rào cản thương mại nào. Jagdish Bhagwati, một lý thuyết gia thương mại xuất sắc đã từng nói về vấn đề này rằng “Bạn không thể giết cả hai con chim chỉ bằng một hòn đá”. Các rào cản thương mại là một cách thức vừa không khôn ngoan, vừa gây hại để theo đuổi những mục tiêu quan trọng, ví dụ như một môi trường trong sạch không ô nhiễm.

Chi phí vận chuyển là một ví dụ khác trong nguyên lý của Bhagwati. Một lần nữa, dường như chỉ hấp dẫn bề ngoài khi hạn chế thương mại quốc tế nhằm giảm ô nhiễm gây ra bởi các loại máy bay và tàu chở hàng lớn. Song một lần nữa, sự điều tiết trực tiếp dưới hình thức phạt biên lại là một giải pháp. Các rào cản thương mại tấn công vào việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới: nhưng chỉ đưa qua biên giới không thôi thì không có gì là phá huỷ môi trường nghiêm trọng cả. Chi phí mang một đầu đọc CD từ cảng Osaka tới cảng Los Angeles còn ít hơn chi phí chuyển nó từ cảng Los Angeles sang Arizona, hoặc thậm chí tới một chi nhánh của Best Buy ở ngay Los Angeles thôi. Chi phí vận chuyển của một người nào đó lái xe đến Best Buy và mang chiếc đầu đọc CD đó về nhà thậm chí còn cao hơn nữa, khi những chi phí môi trường của việc tắc nghẽn và ô nhiễm được tính toán đúng đắn. Chỉ bởi vì hàng hóa được vận chuyển trong một quốc gia hoặc thậm chí từ vùng này đến vùng khác không có nghĩa rằng những chi phí về môi trường của chúng là nhỏ. Một lần nữa, Thám tử Kinh tế phải đưa ra những chính sách giải quyết vấn đề trực tiếp: phí phạt biên sẽ khuyến khích việc sử dụng những phương tiện chuyên chở ít gây ô nhiễm hơn cả ở trong nước hoặc từ nước này sang nước khác.

Sau đó, mối lo ngại cuối cùng, chính là việc thương mại tự nó không xấu mà bởi vì nó dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế mà điều này lại gây hại cho môi trường. Đó là thương mại làm cho người ta trở nên giàu có hơn, từ đó phá huỷ môi trường. Lời kêu gọi này cần phải được chú ý. Vấn đề môi trường cụ thể nhất và nguy hiểm nhất ngày nay – và cũng có thể là mai sau nữa, thậm chí cả sự đe dọa biến đổi khí hậu, là những nguy cơ tấn công những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Một ví dụ là những chiếc bếp lò đốt củi là điều kiện gây nên bệnh mù mắt và các bệnh liên quan đến đường hô hấp có thể dẫn tới tử vong. Một ví dụ khác là nguồn nước ô nhiễm đã giết chết hàng triệu người. Cách giải quyết cho những vấn đề về môi trường là sự tăng trưởng kinh tế và thương mại có thể giúp đạt được điều này.

Những tác nhân gây ô nhiễm khác, như các hạt vật chất trôi nổi trong không khí được thải ra từ những chiếc ô tô càng trở nên nhiều hơn khi mọi người sống sung túc hơn. Đặc biệt, sự ô nhiễm này sẽ ít nghiêm trọng hơn khi thu nhập bình quân của người dân khoảng 5.000 đô-la/đầu người (như ở Mexico), bởi ở ngưỡng này họ sẽ có đủ tiền để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn mới về môi trường và họ cũng sẽ yêu cầu những tiêu chuẩn này. Thương mại đem đến lợi ích cả gián tiếp, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng, và trực tiếp, bởi thương mại tự do ở những quốc gia nghèo hơn đồng nghĩa với các khoản hỗ trợ cho những ngành công nghiệp lớn gây ô nhiễm như các ngành hóa dầu, thép cũng như việc xuất khẩu các công nghệ mới và sạch hơn.

Đúng là việc tiêu thụ năng lượng và cùng với đó là sự thải ra khí CO2, sự đe dọa biến đổi khí hậu đã làm tăng lên sau khi người dân đạt mức thu nhập 5.000 đô-la/đầu người. Mặc dù chúng ta không biết chắc chắn, nhưng dường như các nước giàu nhất trên thế giới đang chỉ đạt đến ngưỡng mà tại đó thậm chí mức tiêu thụ năng lượng/đầu người chuẩn bị không tăng nữa. Suy cho cùng, những chiếc ô tô cùng các thiết bị gia dụng của chúng ta mỗi năm lại thêm hiệu quả hơn và khi chúng ta có hai chiếc xe hơi cùng một ngôi nhà lớn có lắp máy điều hòa không khí thì không hiểu những nhu cầu dùng thêm năng lượng sẽ đến từ đâu. Nếu chúng ta trung thực thì lý luận rằng thương mại dẫn tới tăng trưởng kinh tế. Điều này lại dẫn tới sự biến đổi khí hậu sẽ làm cho chúng ta đi đến một kết luận rõ ràng: chúng ta nên cắt giảm mối quan hệ thương mại để bảo đảm rằng Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Phi vẫn luôn nghèo. Câu hỏi đặt ra là những thảm họa về môi trường, thậm chí sự biến đổi của khí hậu có gây nên những thiệt hại khủng khiếp cho con người như khi chúng ta để ba hoặc bốn triệu dân chúng sống trong nghèo đói hay không. Đưa ra câu hỏi này tức là đã trả lời nó rồi.

Điều này có nghĩa là chúng ta thất bại trong việc chọn giữa nạn chết đói hàng loạt và thảm họa tận thế về môi trường. Không hề. Chúng ta có thể làm nhiều điều cứu vãn môi trường mà không phải sử dụng những phương pháp hạn chế thương mại gây ra tác động ngược lại. Các khoản thuế ngoại vi đã làm giảm lượng khí lưu huỳnh thải ra tại Hoa Kỳ (và cũng sẽ như thế tại Trung Quốc). Chúng cũng có thể được sử dụng để hạn chế sự thải khí C02 xuống thấp hơn và chống lại sự biến đổi khí hậu; nếu chúng ta đòi hỏi sự cam kết từ phía các nhà lãnh đạo của chúng ta thì điều này không phải là không thể thực hiện được. Thậm chí sẽ không hề tốn kém. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc ngừng hỗ trợ các nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức Đức, một quốc gia rất ủng hộ cam kết môi trường của mình và cũng là một nhà ủng hộ nhiệt tình cho Hiệp ước Kyoto về sự biến đổi khí hậu, đã sử dụng 86.000 đô-la cho mỗi mỏ than đá để bảo hộ cho ngành công nghiệp của mình khỏi cạnh tranh quốc tế. Chúng ta sẽ hiểu sự tấn công của những nhà hoạt động vì môi trường lên thương mại thực sự là gì? Chúng ta đã thấy rằng cuộc chạy đua đến cùng là không tồn tại; rằng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm vẫn còn được tiếp tục ở các nước giàu hơn là ở các nước nghèo; rằng các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng cao hơn ở Trung Quốc, Brazil và Mexico và các đích đến chủ yếu của các khoản đầu tư nước ngoài là các nước nghèo; rằng các biện pháp bảo hộ lên các ngành nông nghiệp, ngành sản xuất thép và than đá, những ngành thỉnh thoảng được chứng minh là gây ra sự tàn phá khủng khiếp cho môi trường; rằng thuế đánh vào việc vận chuyển nhiên liệu là phù hợp với thương mại tự do và tốt hơn cho môi trường hơn là việc hạn chế thương mại; và những vấn đề nguy cấp nhất của môi trường, ít ra thì cũng ở hiện tại, bị gây ra bởi sự nghèo đói chứ không phải do sự giàu có. Phong trào của các nhà hoạt động vì môi trường nên làm thành bức rào chắn để yêu cầu thương mại được tự do hóa trên toàn cầu ngay lập tức. Một ngày nào đó, chắc chắn sẽ như vậy.

Cái gì tốt hơn cho người nghèo: Các công xưởng bóc lột sức lao động hay thương mại?

Một đôi giầy thế thao đẹp mắt! Nhưng nó không làm cho bạn cảm thấy đôi chút tội lỗi.

Những công nhân tại các nước đang phát triển buộc tội hàng loạt các công ty đa quốc gia rằng những công ty này đã để cho họ làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Trong đó Nike là cái tên được nhắc đến thường xuyên và là mục tiêu của không ít các cuộc biểu tình. Chúng ta hãy cùng xem xét một ví dụ rất ấn tượng, một sinh viên chuyên ngành kinh tế thuộc Đại học MIT có tên Jonah Peretti đã lợi dụng lời chào hàng của Nike rằng họ sẽ cung cấp sản phẩm thiết kế riêng theo ý muốn của khách hàng. Dưới đây là những lời mà Jonah đã nói:

Trước lễ kỷ niệm tự do của Nike và cam kết của họ rằng nếu bạn muốn điều gì đó được thực hiện đúng thì hãy tự làm đi, tôi không thể không nghĩ đến những công nhân tại những nhà máy đông đúc tại châu Á và khu vực Nam Mỹ – chính là những người thực sự làm ra các đôi giầy Nike. Như một thách thức đối với Nike, tôi đã đặt hàng một đôi giầy có thêu chữ “sweatshop” (nhà máy bóc lột sức lao động).

Thậm chí các nhà kinh tế cũng nghĩ rằng điều này khá khôi hài. Nhưng Nike thì không; và Jonah đã không có được đôi giầy như ý mình. Jonah Peretti và những người ủng hộ anh đã chú ý đúng đắn tới một thực tế là ở những nước đang phát triển, các công nhân phải làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Giờ lao động vất vả thì dài. Lương thì rẻ mạt. Nhưng các nhà máy bóc lột sức lao động chỉ là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo đói đến đáng sợ trên toàn cầu như thế này. Các công nhân tự nguyện đến đó. Điều này thật khó có thể tin được. Có nghĩa là dù họ có bất kỳ sự lựa chọn nào khác thì cũng chẳng có cái nào hơn được tình thế hiện tại. Họ vẫn sẽ ở đó; tỷ lệ vốn quay vòng của các nhà máy đa quốc gia rất thấp, bởi các điều kiện và mức lương, dù tồi tệ thì vẫn còn tốt hơn tại những nhà máy trong nước. Và thậm chí một công ty trong nước có thể trả lương khá hơn việc cố gắng kiếm tiền không thông qua một công việc nào đó như mở những cửa hàng buôn bán các mặt hàng cấm, làm gái mại dâm, bới rác tại những bãi rác hôi thối tại những thành phố như Manila để tìm những thứ có thể tái chế được. Bãi rác nổi tiếng nhất của thành phố Manila, có tên là Smokey Mountain (Ngọn núi khói), đã bị đóng cửa từ những năm 1990 bởi nó đã trở thành một biểu tượng khó coi của sự nghèo nàn. Nhưng những bãi rác khác vẫn tiếp tục giúp cho những người nhặt nhạnh tới 5 đô-la một ngày. Khoảng 130 người đã bị thiệt mạng trong một vụ sụt đất ở Payatas, một bãi rác của Manila vào tháng Bảy năm 2000. Thậm chí những cách kiếm sống này ở nơi đô thị còn hấp dẫn hơn so với kiểu mưu sinh tại nông thôn. Ví dụ ở châu Mỹ Latin, trong khi tình trạng nghèo cùng cực là khá hiếm ở các thành phố thì tại các vùng đồng quê điều này lại rất phổ biến. Bất kỳ ai còn một chút quan tâm đến đồng loài của mình nên cảm thấy bất bình trước thực tế này, nhưng họ cũng nên nhận ra rằng Nike và những công ty đa quốc gia khác không phải là nguyên nhân.

Giải pháp cho tình trạng nghèo đói không phải là việc tẩy chay các loại giầy dép, quần áo sản xuất tại các nước đang phát triển. Ngược lại, các quốc gia như Hàn Quốc đã lập ra các công ty đa quốc gia, dù chậm nhưng chắc chắn là họ đã trở nên giàu có hơn.

Khi có nhiều các công ty đa quốc gia thành lập các nhà máy hơn thì họ càng cạnh tranh với nhau để có được những công nhân giỏi nhất. Mức lương tăng lên, nhưng không phải các công ty hào phóng mà bởi họ không có cách nào khác để thu hút các công nhân lành nghề. Các công ty trong nước cũng học hỏi được những kỹ thuật sản xuất tiên tiến nhất và cũng trở thành những đại gia lớn. Cơ hội được làm việc trong nhà máy và thu được những kỹ năng cần thiết càng ngày càng trở nên hấp dẫn và thế là giáo dục được cải thiện. Mọi người dời dần các làng quê và làm tăng thu nhập của những người ở lại đây tới một mức dễ chấp nhận hơn. Việc lao động chính thức cũng làm cho việc đánh thuế được dễ dàng hơn nên ngân sách chính phủ cũng tăng và các cơ sở hạ tầng, các cơ sở y tế và trường học cũng được nâng cấp. Tình trạng nghèo đói giảm xuống, và mức lương thì không ngừng tăng lên. Sau khi trừ đi mức lạm phát, trung bình một công nhân Hàn Quốc đã kiếm được gấp bốn lần so với mức thu nhập của cha anh ta cách đó 25 năm. Giờ đây, Hàn Quốc là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ của thế giới và họ đủ tiền để có thể hỗ trợ cho ngành nông nghiệp của mình như những quốc gia giàu có còn lại. Các công trường bóc lột sức lao động đã dịch chuyển vị trí sang những nơi khác mất rồi.

Thật khó mà không động lòng trước những điều kiện làm việc trong các nhà máy bóc lột sức lao động của công nhân. Câu hỏi đặt ra là loại bỏ chúng bằng cách nào. Hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng những nhà máy này là những tin tức tốt lành với hai lý do: chúng còn tốt hơn so với những sự lựa chọn trước mắt và chúng cũng là một nấc thang tiến đến một điều gì đó tốt đẹp hơn.

Nhưng có rất nhiều người lại nghĩ khác. William Greider, một nhà phê bình chính trị cánh tả, đã khen ngợi hội đồng thành phố New York về việc đã thông qua đạo luật vào năm 2001 yêu cầu rằng thành phố phải từ chối không được mua đồng phục cảnh sát và nhân viên cứu hoả trừ khi chúng được sản xuất tại “những nhà máy có điều kiện làm việc và mức lương hợp lý cho công nhân”. Song, đạo luật này chỉ có hại cho những công nhân tại những nhà máy bóc lột: họ sẽ bị bóc lột và dĩ nhiên theo lẽ thường, đối với những người dân ở Manila, họ sẽ phải trở về nghề bới rác của mình. Tất nhiên, đây sẽ là tin tốt cho các công nhân ở những quốc gia giàu, những người vì lẽ đó sẽ có việc làm nhiều hơn. Tôi nghi ngờ nó là một sự trùng hợp khi đạo luật của hội đồng thành phố được phác thảo bởi UNITE (Công đoàn ngành Dệt may và Công nghiệp Hoa Kỳ), chính là những người sẽ được hưởng những lợi ích nếu hàng hóa dệt may xuất khẩu giảm xuống. (Nếu bạn thấy câu chuyện của tôi là không thuyết phục và muốn có được lương tâm trong sạch hơn khi mua quần áo thì tại sao không ghé thăm trang web của UNITE và đặt hàng “quần áo do liên minh sản xuất, không bóc lột sức lao động” tại địa chỉ www.uniteunion.org.)

Quyền lực của các nhóm lợi ích đặc biệt

Harry Truman được coi là người đưa ra yêu cầu về một nhà kinh tế “một phía”, người sẽ không đưa ra những lời khuyên và sau đó nói, “nhưng mặt khác”, còn Ronald Reagan, người luôn luôn có những cây bút viết diễn văn xuất sắc, từng nói nên có một cuộc thi nho nhỏ cho các nhà kinh tế, “với một trăm câu hỏi thì có tới ba nghìn câu trả lời”. Đúng là các nhà kinh tế không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau.

Nhưng nhà kinh tế nào mà lại không nhiệt tình đối với những lợi ích của thương mại tự do thì có lẽ hơi hiếm. Quan điểm gần như phổ biến giữa các nhà kinh tế là thương mại tự do toàn cầu sẽ là một thành tựu lớn và cho dù những quốc gia khác có từ chối giảm bớt các rào cản thương mại thì chúng ta sẽ là những thằng ngốc nếu chúng ta cũng làm như thế. Các nhà kinh tế ước lượng rằng những lợi ích mà thương mại tự do mang đến là rất lớn. Ví dụ, sau khi Nhật Bản bị Hoa Kỳ bắt phải mở cửa cảng của họ cho thương mại tràn vào vào những năm 50 của thế kỷ XIX, thì sau những thập kỷ bị cô lập, nó đã bắt đầu xuất khẩu lụa và chè ra thị trường quốc tế đang hau háu chờ đợi để đổi lấy quần áo bằng chất liệu len và cotton – những mặt hàng rất rẻ trên thế giới nhưng lại đắt ở Nhật Bản. Kết quả là thu nhập quốc dân của Nhật Bản đã tăng lên hai phần ba.

Gần đây hơn, người ta tính toán rằng Vòng đàm phán thương mại Uruguay giúp giảm bớt các rào cản thương mại trên thế giới từ năm 1994 đã làm tăng thu nhập trên thế giới lên xấp xỉ 100 tỷ đô-la. Nếu các loại thuế đánh vào nông nghiệp và các dịch vụ và sản phẩm công nghiệp được giảm xuống 1/3 thì chúng ta sẽ có thêm 600 tỷ đô-la nữa, tức là khoảng 2% thu nhập trên toàn thế giới. Sự dỡ bỏ mọi rào cản thương mại sẽ mang lại trên 6% của mức thu nhập nói trên. Những con số này chắc chắn là những đánh giá lợi ích rất khiêm tốn, bởi chúng chỉ bao gồm những thu thập cơ bản nhất từ việc mang những hàng hóa rẻ hơn từ thị trường thế giới tới những thị trường được bảo hộ: vậy thì, chúng là sự áp dụng thẳng thừng nguyên lý về lợi thế so sánh của David Ricardo. Do vậy, những lợi thế khác nữa rất có thể đối ngược với quan niệm chung cho rằng thương mại là người bạn của chế độ đa quốc gia, và tự do thương mại cũng huỷ hoại lợi thế khan hiếm của các công ty lớn vì chúng phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế. Nó khuyến khích việc sử dụng những phương pháp làm việc mới cùng những công nghệ hiện đại hơn. Thậm chí một số người còn nghĩ rằng nó thúc đẩy hòa bình bằng cách cho các quốc gia trao đổi thương mại với nhau những lý do khiến họ không thể quay ra đánh nhau được.

Nếu thương mại tự do thực sự có nhiều lợi ích như thế thì tại sao đến giờ thế giới vẫn còn lắm rào cản thương mại đến vậy? Tại sao các chính khách không dễ dàng được ủng hộ bằng cách giảm bớt các rào cản này xuống? Tại sao người Nhật Bản do ép buộc mới thực hiện một chính sách làm tăng thu nhập của quốc gia này lên đến hai lần? Thật không may, ở hầu hết các nước, cả giàu lẫn nghèo, các nhóm có cùng lợi ích với những tầm ảnh hưởng không cân xứng có những lý do để phản đối thương mại tự do.

Các loại thuế có xu hướng áp đặt một loại phí nhỏ và được nguỵ trang lên cả quốc gia dưới hình thức hàng hóa có giá cao hơn và loại phí này đối với những người nước ngoài, những người không có quyền bỏ phiếu, thậm chí còn nhiều hơn. Những lợi ích của thuế là rất nhiều cho một số nhóm người rất hạn chế, thường là những ngành với các liên minh có tổ chức và những doanh nghiệp lớn. Nếu những người đi bỏ phiếu biết được đầy đủ các thông tin và hiểu rõ lý thuyết kinh tế thì trong một nền dân chủ như thế này, chế độ bảo hộ sẽ không được tán thành. Nhưng nếu mọi người không hay biết gì về những cái giá của thuế má gây nên cho họ và với những hiệu ứng không đáng kể lên bất kỳ một cử tri ủng hộ cho bất kỳ một loại thuế nào đó thì loại thuế đó thậm chí còn chẳng bao giờ đi vào suy nghĩ của họ ấy chứ, đặc biệt nếu chiến dịch ủng hộ hạn chế thương mại được nguỵ trang như một chiến dịch về những nhà máy bóc lột công nhân. Những nỗ lực cải cách cũng có thể bị ngăn cản bởi sự căng thẳng và tính bảo thủ của những cử tri thiếu thông tin này, trong khi các nhóm lợi ích đặc biệt nhận thức rõ rằng họ đứng ra là để thu được lợi ích từ việc bảo hộ và họ thấy rất đáng khi cống hiến nhiều tiền bạc cùng những nỗ lực vận động để bảo vệ những lợi ích của riêng họ.

Trong một nền dân chủ lành mạnh các nhóm lợi ích đặc biệt nên có ít quyền lực hơn một nền dân chủ mỏng manh hay tại một quốc gia không có dân chủ, ví dụ như Cameroon. Nếu các nhóm có chung lợi ích đặc biệt là một phần giải thích đằng sau cho các rào cản thương mại thì chúng ta có thể hy vọng các quốc gia có nền dân chủ được thiết lập tốt hơn sẽ giảm bớt những rào cản này đi.

Các con số cho chúng ta biết chính xác điều đó. Vào năm 1999, mức thuế trung bình ở Hoa Kỳ là 2,8%. Ở EU, mức thuế trung bình là 2,7%. Hàn Quốc, “con hổ đang trỗi dậy”, đạt 5,9%. Tại Argentina, quốc gia được coi là một mẫu hình của sự cải cách kinh tế, đạt 10,7%. Ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, con số tương ứng là 15,7% và 29,5%. Chúng ta đã từng nghe thấy rằng nạn nghèo đói và tham nhũng đáng tiếc của quốc gia nhỏ bé Cameroon vẫn không hề giảm đi trước mức thuế trung bình cao đến mức đáng ngạc nhiên là 61,4%. Dường như là cho dù chúng ta có thể gây áp lực buộc các nhà chính trị phải hành động đúng vì lợi ích của tất cả mọi người bằng cách giảm thuế thì một trách nhiệm tương tự cũng sẽ đổ lên đầu chính phủ của các nước nghèo. Tại sao họ vẫn duy trì các loại thuế gây hại cho các công dân của họ? Có lẽ bởi sự cô lập quốc tế có lợi cho sự ổn định về chính trị. Nhà lãnh đạo ngồi lâu nhất trên chính trường của thế giới, Fidel Castro, đã trở thành chủ tịch suốt đời sau hàng loạt các chính sách cấm vận của Hoa Kỳ, điều đã có tác động ngược lại đối với mong muốn đó. Luật lệ của Saddam Hussein dường như càng trở nên mạnh hơn sau một thập kỷ cấm vận và chính là ngoại lực chứ không phải sự biến đổi bên trong đã lật đổ ông ta. Myanmar và Triều Tiên là những nước bị quốc tế ruồng bỏ song lại có được những chính phủ ổn định đến mức đáng ghen tị.

Điều này giải thích tại sao người Nhật Bản phải đợi đến khi bị bắt buộc mới mở cửa thương mại tự do và tăng đáng kể thu nhập cho quốc gia mình. Chính sách cô lập không được tạo ra vì lợi ích của người Nhật Bản mà vì lợi ích của giới cầm quyền Nhật Bản, dòng họ Tokugawa.

Nhà sử học Janet Hunter đã kết luận:

Các bộ máy cai trị được hậu thuẫn bởi một hệ thống quy định khắc nghiệt cố gắng hạn chế tới mức tối thiểu tất cả những thay đổi về mặt kinh tế, chính trị, xã hội đối với dân chúng… Những ảnh hưởng từ nước ngoài có nguy cơ phá hoại cũng được giảm tối đa từ sau năm 1640 bằng cách cắt đứt gần như mọi liên lạc của quốc gia này đối với thế giới bên ngoài. Trong khi những biện pháp hết sức cẩn trọng này thành công trong việc bảo vệ quy định của dòng họ Tokugawa trong khoảng hai thế kỷ rưỡi thì chúng cũng không bao giờ có thể ngăn chặn tất cả các thay đổi về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội được… Sự tái mở cửa cho những liên lạc với các nước khác như Hoa Kỳ và các đế quốc châu Âu đã làm cho những vấn đề này trở nên tồi tệ nhất… Từ năm 1853 (trong suốt) cuộc khủng hoảng do Hoa Kỳ yêu cầu những mối quan hệ chính thức… quyền lực của dòng họ Tokugawa đã nhanh chóng sụp đổ.

Các nhóm lợi ích đặc biệt trong xã hội đã cố gắng định nghĩa chính sách thương mại của Hoa Kỳ với những thành công khác nhau. Các rào cản thuế quan phải được quốc hội thông qua và các đại biểu quốc hội thì bảo vệ lợi ích cho những thành viên của họ nên đã yêu cầu sự bảo hộ nông nghiệp ở Iowa, bảo hộ thép ở Pennsylvania, bảo hộ đường ở Florida, hay ngành sản xuất ô tô ở Michigan. Bằng cách trao đổi phiếu ủng hộ cho nhau, họ đã có thể khiến cho hết loại thuế này đến loại thuế khác được thông qua và nếu ngài Tổng thống trở về từ một cuộc đàm phán thương mại với một hiệp ước giảm bớt các rào cản thương mại trong tay thì họ sẽ từ chối phê chuẩn nó.

Các tổng thống có xu hướng là những người ủng hộ nhiệt tình hơn cho chế độ thương mại tự do bởi họ cần các lá phiếu ủng hộ từ các cử tri trên cả nước và do đó, họ sẽ ít ủng hộ chế độ bảo hộ thương mại cho hàng hóa trong nước hơn. Kể từ năm 1934, tức là sau khi Tổng thống Rooservelt thuyết phục được quốc hội cho ông và những tổng thống trong tương lai có quyền tiền phê chuẩn định kỳ các hiệp ước thương mại thì tỷ lệ các loại thuế tại Hoa Kỳ đã giảm từ 45% xuống còn khoảng 10% trong hai thập kỷ. Giờ đây, Tổng thống Hoa Kỳ là người chịu trách nhiệm cho chính sách thương mại và chúng lại vẫn tiếp tục giảm xuống từ dạo đó đến nay.

Tất nhiên các tổng thống không phải hoàn toàn miễn nhiễm khỏi lợi ích đặc biệt của chính trị. Tầm quan trọng của những tấm phiếu ủng hộ ở Florida trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây đã bảo đảm cho sự bảo hộ những nhà sản xuất đường bằng ngân sách của quốc gia. Không có hệ thống chính trị nào là hoàn hảo cả, nhưng các nền chính trị dân chủ có xu hướng ủng hộ thương mại hơn những chế độ chính trị khác, bởi việc giảm bớt các rào cản thương mại có lợi cho những người dân thường.

Chúng ta có thể làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho người nghèo như thế nào?

Đọc từ đầu cuốn sách đến giờ có lẽ bạn sẽ nghĩ tôi là một người hâm mộ cả bia và cà phê. Loại cà phê yêu thích của tôi được trồng ở Timor. Loại bia yêu thích của tôi được sản xuất ở Bỉ. Cuộc sống của tôi trở nên hạnh phúc hơn nhiều là do những người hái cà phê ở Timor và những người lên men bia ở Bỉ. Tôi hy vọng tôi đã làm đủ để thuyết phục bạn rằng cuộc sống của họ sẽ vui vẻ hơn nhờ tôi. Một đặc điểm cơ bản của những kiểu tác động qua lại của xã hội mà các nhà kinh tế thường nghiên cứu là … mọi người đều có phần của mình.

Thật không may, một số người mang về cho mình nhiều hơn những người khác. Tôi thì khá ổn, những người Bỉ cũng vậy, còn những người dân Timor lại không. Họ sẽ còn rơi vào hoàn cảnh tệ hơn như thế nếu không có thương mại, nhưng điều này không đủ làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái và quên đi được nỗi ám ảnh này.

Những người trồng cà phê luôn nghèo là bởi họ không có lợi thế khan hiếm. Cà phê được trồng ở rất nhiều nơi. Việc trồng cà phê hàng loạt chỉ yêu cầu nhiều sức lực chứ ít đòi hỏi kỹ năng. Không có cá nhân trồng cà phê nào mà lại lũng đoạn được giá trên thị trường. Thậm chí các quốc gia có thể liên hiệp hành động thì họ cũng không có được lợi thế khan hiếm: khi các nhà sản xuất cà phê hàng đầu cố gắng thiết lập một tập đoàn thương mại quản lý 2/3 lượng cà phê trên thế giới mang tên Hiệp hội Các quốc gia Sản xuất Cà phê thì cũng sẽ thất bại và sụp đổ mà thôi. Bất kỳ khi nào tập đoàn thương mại này làm cho giá cà phê cao hơn thì những nông dân mới ở các quốc gia mới sẽ nhanh chóng thấy việc trồng cà phê thật hấp dẫn. Việt Nam là một ví dụ điển hình. Một vài năm về trước, cà phê chỉ được trồng ở một vài nơi tại quốc gia này, nhưng hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Một tập đoàn được lập ra để khai thác lợi thế khan hiếm chỉ có thể trụ vững nếu những tay chơi mới không thể dễ dàng chen chân vào thị trường.

Chúng ta không nên quên rằng một trong các lý do khiến cho những nông dân lại dễ dàng sản xuất cà phê là bởi cà phê không thể mọc được ở Pháp hay Florida. Vì vậy, những nông dân giàu có không hề quan tâm đến việc ủng hộ tăng mức thuế cao lên.

Cà phê chưa qua chế biến được miễn khỏi tương đối các rào cản thương mại, vì vậy một hiệu ứng xa hơn của những rào cản thương mại lên thịt bò, gạo và các loại ngũ cốc là việc nông dân ở các quốc gia nghèo bị dồn đến những thị trường thuận lợi như cà phê, nơi không thể duy trì được tất cả.

Bởi cà phê là một ngành kinh doanh dễ dàng như vậy nên tôi sẵn sàng đưa ra một dự đoán: những người dân trồng cà phê sẽ không bao giờ trở nên giàu có cho đến khi hầu hết mọi người đều trở thành các phú ông. Nếu những người dân trồng cà phê rủng rỉnh tiền tiêu nhưng những nông dân hay công nhân khác tại những nhà máy bóc lột sức lao động đều nghèo thì những người khác đã chuyển hết sang trồng cà phê rồi. Giá cà phê sẽ luôn luôn sụt xuống cho đến khi các công nhân khốn khổ này trở thành những công nhân cổ cồn xanh được trả công hậu hĩnh với những công việc đòi hỏi có kỹ năng, những người thậm chí còn không thấy ý tưởng làm một nông dân trồng cà phê giàu có là hay ho.

Chúng ta cần phải hiểu rằng những sáng kiến được tập trung trong một phạm vi hẹp về “cà phê mậu dịch tự do” hay “quần áo phi bóc lột” sẽ không bao giờ tạo nên một sự cải thiện đáng kể đối với cuộc sống của hàng triệu con người. Một số các sáng kiến, như chiến dịch cấm thành phố New York mua đồng phục từ các quốc gia nghèo, chắc chắn sẽ gây ra các thiệt hại. Còn những phương pháp khác, giống như hàng loạt các nhãn hiệu của “cà phê mậu dịch tự do”, thì rất có thể sẽ làm tăng thu nhập của một số nhà sản xuất cà phê mà không dẫn tới tổn thất. Nhưng chúng không thể giải quyết được vấn đề cơ bản là có quá nhiều cà phê đang được sản xuất. Tín hiệu nhẹ nhất là việc trồng cà phê sẽ trở thành một nghề hấp dẫn, nó sẽ luôn thu hút vô số những người nông dân tuyệt vọng không còn sự lựa chọn nào khác. Sự thực của vấn đề là chỉ có sự phát triển trên diện rộng của các quốc gia nghèo mới nâng cao mức sống của những người rất nghèo, tăng giá cà phê và cải thiện mức lương và các điều kiện làm việc cho công nhân trong những nhà máy sản xuất giầy.

Sự phát triển trên diện rộng như thế có thể xảy ra không? Không còn nghi ngờ gì nữa. Hàng tỷ người tại các nước đang phát triển đang giàu hơn nhiều so với thế hệ cha mẹ họ. Tuổi thọ và trình độ giáo dục đang tăng lên, thậm chí ở những quốc gia không hề hưng thịnh hơn. Điều này một phần là do thương mại tự do; thậm chí còn nhiều hơn những gì tôi đã mô tả. Để cho một nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng mạnh mẽ thì nhiều cuộc cải cách khác nhau cần phải được thực hiện. Trên thế giới chỉ có một quốc gia đã làm được điều này cho nhiều người hơn, nhanh hơn và từ một xuất phát điểm kém lợi thế hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Đó chính là nơi chúng ta sẽ kết thúc cuộc hành trình của mình.

Chú thích:

36 Flanders: một nước thời Trung Cổ ở phía Bắc châu Âu bao gồm các khu vực phía Bắc nước Pháp và Bỉ, phía Tây Nam Hà Lan ngày nay.

37 Hanseatic League là liên minh những thành thị buôn bán thiết lập và duy trì sự ₫ộc quyền thương mại trên vùng biển Bantic kéo dài lên biển Bắc và hầu hết phía Bắc châu Âu trong khoảng thời gian từ nửa sau thời Trung Cổ ₫ến nửa ₫ầu thời kỳ Cận Đại, tức là từ thế kỷ XIII ₫ến thế kỷ XVII.

38 Duvel, Chimay và Maredsous 10, Westmalle Trippel: các loại bia nổi tiếng có xuất xứ từ Bỉ.

39 E. O. Witson: Nhà bác học lỗi lạc, là nhà sinh vật học, lý luận học, nhà thiên nhiên học, nhà nghiên cứu, học giả. Hiện ông ₫ang là giáo sư giảng dạy tại Đại học Harvard.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.