Thám Tử Kinh Tế

7 – NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA BẤT CỨ THỨ GÌ



Người biết giá của mọi thứ sẽ chẳng biết giá trị của bất cứ thứ gì. Về người hay hoài nghi, bây giờ thường được chỉ các nhà kinh tế.

Định nghĩa của Oscar Wilde

Thử tưởng tượng bạn thuê một nhà kinh tế bán hộ bạn căn nhà. Ông ta thiết kế một vụ bán đấu giá có vẻ khá ổn và quả quyết với bạn rằng bạn nên ra giá 300.000 đô-la cho ngôi nhà của bạn. Nhưng cuộc đấu giá diễn ra và trước vẻ kinh hoàng của bạn cùng sự lúng túng của nhà kinh tế, cái giá cuối cùng của căn nhà chỉ còn dưới 3.000 đô-la. Bạn trở thành người vô gia cư và gần như không còn một xu dính túi, vợ bạn ly dị bạn và bạn sống những tháng ngày còn lại trong một căn hầm ẩm thấp.

Trong khi đó, người hàng xóm cũng quyết định bán ngôi nhà và thuê một nhà kinh tế khác thiết kế một kế hoạch bán đấu giá có vẻ rất khôn ngoan. Anh hàng xóm cũng mong chờ bán được giá 300.000 đô-la như bạn, nhưng các mức trả giá đưa ra liên tục tăng và anh ta kết thúc vụ bán nhà với giá 2,3 triệu đô-la.

Có cường điệu quá không? Không cường điệu chút nào. Có vài trường hợp tương tự đã xảy ra, không phải với những người muốn bán nhà, mà là với chính phủ các nước. Tài sản thực sự trong trường hợp này không phải được tạo nên từ gạch và vôi vữa mà là từ những thứ vô hình, các sóng radio được các hãng điện thoại di động mua để vận hành hệ thống mạng thông tin của họ. Vài năm trước đây, chính phủ các nước trên thế giới đã bán quyền sử dụng các dải sóng vô tuyến cho các công ty viễn thông. Vì số lượng các dải sóng vô tuyến có hạn và như chúng ta đều đã biết, ở đâu có sự khan hiếm, ở đó có thể kiếm được tiền. Thật không may, không phải mọi nhà kinh tế được thuê làm cố vấn đều biết cách thiết kế phiên đấu giá mang lại một mức giá tốt. Có phiên đấu giá thực sự chỉ đưa ra được mức giá chưa đến 1% so với sự mong đợi, trong khi có phiên lại đưa ra được mức giá lớn hơn tới 10 lần so với mức giá mong muốn.

Điều này có được không nhờ sự may mắn mà là sự khôn khéo, đôi khi trong một số trường hợp lại là sự ngớ ngẩn đã làm nên chuyện. Không khí của phiên bán đấu giá cũng như ván bài poker, trò chơi đòi hỏi nhiều kỹ năng cũng như có tỷ lệ rủi ro rất cao.

Tình yêu, chiến tranh và ván bài poker

Rất nhiều người biết đến nhà toán học John Von Neumann26 đã coi ông như là “bộ não hoàn hảo nhất thế giới” và họ cũng có cơ hội để so sánh ông với một “đối thủ” mạnh, đó là người đồng nghiệp của Von Neumann ở Princeton, Albert Einstein. Von Neumann là một thiên tài, người đã tạo nên câu chuyện thần thoại về trí thông minh gần như siêu nhân. Có một câu chuyện kể rằng Von Neumann được đề nghị giúp đỡ thiết kế một siêu máy tính mới, song việc này đòi hỏi phải giải quyết được một vấn đề toán học mới và quan trọng, công việc khó vượt ra ngoài khả năng của những siêu máy tính hiện có. Ông yêu cầu giải thích đầu đề bài toán rồi giải quyết nó trong chốc lát chỉ với cây bút và mảnh giấy, sau đó từ chối lời đề nghị này.

Von Neumann đã có những bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực logic, lý thuyết tập hợp, hình học, khí tượng học và những mảng khác của lĩnh vực toán học, ông còn đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển kỹ thuật lượng tử, vũ khí hạt nhân và khoa học máy tính. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét vai trò của Von Neumann là người sáng lập ra lý thuyết trò chơi mà rất hấp dẫn chúng ta.

Một trò chơi, theo nhà lý thuyết về trò chơi, là bất kỳ một hoạt động nào trong đó những dự đoán của bạn về những điều người khác sẽ làm ảnh hưởng tới những quyết định hành động của bạn. Những “trò chơi” đó bao gồm trò chơi bài poker, chiến tranh hạt nhân, tình yêu hay việc ra giá trong một phiên bán đấu giá. Lý thuyết về trò chơi có thể có vẻ dễ hiểu nhưng không chắc đã như thế: ví dụ, trò chơi “lái xe” nghe có vẻ hoàn toàn dễ hiểu. Trong trò chơi “lái xe”, tôi nhận được kết quả xứng đáng nếu tôi lái xe bên phải và bạn cũng lái xe bên phải. Tôi cũng nhận được kết quả xứng đáng nếu tôi lái xe bên trái và bạn cũng lái xe bên trái. Nếu một trong số chúng ta làm ngược lại, tôi sẽ nhận được một kết cục rất tệ – một chuyến đi bằng xe cứu thương. (Bạn cũng sẽ nhận được kết cục tương tự tệ hại khi hai ô tô đâm vào nhau, nhưng trong lý thuyết trò chơi, vì lợi ích của chính mình tôi thường không quan tâm tới sự trả giá của bạn. Tôi chỉ quan tâm đến những kết cục mà bạn nhận được mà thôi bởi vì qua chúng tôi có thể đoán được hành vi của bạn.)

Các trò chơi thường được mô tả theo cách như vậy, sử dụng những câu chuyện nhỏ và các giai thoại, nhưng chúng lại che đậy một sự thật là với những nhà lý thuyết trò chơi, các cuộc chơi đều được coi là các thách thức toán học. Những nhà lý thuyết trò chơi giỏi nhất lại chính là những nhà toán học lừng danh, như chính Von Neumann, hay người đoạt Giải Nobel John Nash – ông chính là nhân vật có thật ngoài đời để các đạo diễn Hollywood xây dựng bộ phim Một tâm hồn đẹp (A Beautiful Mind). Như trong trường hợp của mọi lý thuyết trò chơi, phương pháp mới để đoán kết quả của cuộc chơi mang tính cách mạng của Nash thực sự là những ứng dụng sáng tạo của những hiểu biết sâu sắc về toán học. Von Neumann đã bị các ván bài poker mê hoặc và khi ông chuyển hướng suy nghĩ sang trò chơi, ông đã phát triển những công cụ toán học không chỉ tiện dụng trong lĩnh vực kinh tế mà còn dành cho những người muốn hiểu mọi thứ, từ hẹn hò cho đến quá trình tiến hóa sinh vật học hay thậm chí là chiến tranh lạnh.

Những quy tắc căn bản khi chơi poker là khá đơn giản: những người chơi giấu các quân bài của mình cho đến lúc hạ bài. Khi đó người có những quân bài mạnh nhất sẽ thắng và được tất cả khoản tiền đánh cược tích luỹ. Để được tiếp tục cuộc chơi, những người chơi phải liên tục đặt cược, nhưng một vài người sẽ bỏ dở cuộc chơi, dập bài giữa chừng, thà chịu thiệt một ít tiền còn hơn phải chịu rủi ro mất rất nhiều tiền khi hạ bài. Nếu tất cả những người chơi khác đều dập bài, bạn sẽ nghiễm nhiên thắng tiền cược mà chẳng cần phải ngửa bài của mình.

Nếu bạn chơi bài poker, thử thách cơ bản của bạn chính là việc tính toán xem có đáng đặt tiền để tiếp tục chơi đến cùng hay không. Lý thuyết xác suất sẽ không thể giúp bạn tiến xa. Nó không đủ để tính toán những lợi thế từ ván bài của bạn để bạn ăn được những quân chưa biết của những đối thủ khác. Bạn cần phải phân tích các nước đi của đối thủ, xem đó là dấu hiện của sự yếu thế, hay là một mánh khoé để dụ bạn đặt tiền cược cho ván bài ẩn giấu các quân bài rất mạnh. Và một khoản tiền đặt cược lớn có đồng nghĩa với việc họ đang thực sự sở hữu những quân bài mạnh nhất không – hay là một sự bịp bợm? Cùng một lúc bạn phải nhận ra những đối thủ của mình đang cố gắng “đọc hiểu” ý đồ đằng sau khoản tiền cược của chính bạn và bạn còn phải cẩn thận để không bị bắt bài.

Những ván bài poker đầy ắp suy đoán hình xoắn ốc: “Nếu anh ta nghĩ rằng mình nghĩ rằng anh ta nghĩ rằng mình có bốn quân K thì…”. Đánh bài poker là một trò chơi của cả sự may mắn và kỹ năng, và quan trọng nhất đó là trò chơi của bí mật: mỗi người chơi có những cách để có được các thông tin ẩn giấu của các đối thủ khác. Trong cờ vua, trò chơi hoàn toàn đơn thuần về kỹ năng, trận đấu diễn ra rõ ràng trước mắt tất cả mọi người. Nhưng trong ván bài poker, không ai có thể biết được toàn bộ sự thật.

Đây chính là điểm cần đến lý thuyết trò chơi. Von Neumann tin rằng nếu ông có thể phân tích ván bài poker bằng cách sử dụng toán học, ông có thể làm sáng tỏ mọi hình thức tương tác lẫn nhau giữa người với người. Poker là trò chơi mà một số ít người chơi cố gắng đánh lừa những người khác nhờ vận may, những bí quyết và kỹ năng tính toán. Nhưng ván bài poker không chỉ là thứ duy nhất phù hợp với những mô tả trên đây. Hãy nghĩ đến những vị tướng đánh trận, hay thậm chí nếu bạn là một người hoài nghi như tôi, hãy liên tưởng tới trò chơi tình ái giữa nam và nữ. Nhiều mối quan hệ giữa người với người có thể hiểu như cuộc chiến của trí thông minh và nhanh trí, như ván bài poker vậy. Tất cả những quan hệ này có thể được nhà lý thuyết mô tả như những “trò chơi” và được khám phá bằng việc sử dụng lý thuyết trò chơi.

Và đời sống kinh tế cũng không phải là một ngoại lệ. Von Neumann đã làm việc cùng nhà kinh tế học Oskar Morgentern để viết cuốn “kinh thánh” triết lý trò chơi, Lý thuyết trò chơi và hành vi kinh tế (Theory of Games and Economic Behavior) được xuất bản ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chưa bao giờ lý thuyết trò chơi và kinh tế lại có mối quan hệ gần gũi đến như vậy: lý thuyết trò chơi được giảng dạy cho hầu hết các sinh viên đang theo học kinh tế, và một vài nhà lý thuyết trò chơi còn đoạt Giải Nobel về khoa học kinh tế.

Nếu bạn muốn một ví dụ thực tế về “trò chơi kinh tế”, hãy nghĩ đến cuộc mặc cả thương lượng giữa chủ nhà và người thuê nhà, giữa chính phủ và nghiệp đoàn, giữa người bán và người mua ô tô cũ. Hãy nghĩ đến những nước xuất khẩu dầu mỏ đang quyết định xem có nên tuân theo các quy định của OPEC để tăng giá dầu không, hay sản xuất thả cửa và tận dụng mức giá cao mà những tay chơi khác đã tạo ra.

Hoặc, hãy lấy một ví dụ mà chúng ta sẽ xem xét kỹ càng nhất trong chương này, thử nghĩ đến trường hợp một loạt các hãng viễn thông nóng lòng yêu cầu chính phủ cấp đăng ký sử dụng dải tần radio cho họ trong khi số lượng dải tần là có hạn. Mỗi hãng tham gia mua đấu giá đều ít nhiều có những đánh giá về lợi ích khi có được quyền sở hữu dải tần này (và cũng ước lượng được đăng ký đó đáng giá bao nhiêu), nhưng không ai biết chính xác nó sẽ có lợi đến đâu. Thách thức của chính phủ là việc khám phá ra một số bí mật: xác định được công ty viễn thông nào có thể sử dụng quyền sở hữu dải tần hiệu quả nhất cũng như việc sẽ bán cho họ với giá là bao nhiêu. Một cách lý tưởng thì chính phủ muốn trao quyền sử dụng dải tần cho hãng nào sẽ sử dụng chúng tốt nhất. Do chính phủ chuẩn bị chia sẻ một loại tài sản công cộng có giá trị nên họ cũng muốn làm sao để những người đóng thuế có được lợi ích nhiều nhất.

Đối với Von Neumann thì ván bài poker và những vấn đề về bản quyền sở hữu dải tần chỉ là những trò chơi. Thậm chí ở đây còn có sự tương đồng lớn: trong cả hai trường hợp, việc tung ra một lượng tiền lớn vào đúng thời khắc quyết định đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không có tiền đặt cọc, những ván bài poker sẽ trở nên vô nghĩa. Với dân cờ bạc, bất cứ trò chơi nào cũng sẽ được xem là “hấp dẫn hơn” nếu có tiền cược trong cuộc chơi, nhưng với những ván bài poker thì tiền còn được xem là trung tâm của trò chơi, phải có tiền để chơi trò chơi này. Vì ở đây tiền cá cược sẽ biểu lộ các quân bài yếu hay mạnh trong ván bài poker – nếu người chơi không cược bằng tiền thật thì sự “biểu lộ” này là vô nghĩa. Và như đến giờ chúng ta biết, nói suông thì không làm được gì. Bạn chỉ bịp được kẻ khác nếu bạn dám cá bằng tiền thật. Và điều tương tự cũng đúng với quyền sở hữu dải tần. Những nhà kinh tế học nghiên cứu về lý thuyết trò chơi cho rằng việc phân phối các tài sản công, từ quyền khai thác dầu mỏ cho đến quyền sở hữu các dải tần radio, nên được quyết định theo cách tương tự như việc quyết định trong các ván bài poker. Để sàng lọc được những đối thủ cạnh tranh chỉ biết nói suông và hứa hão, chính phủ đã phải áp đặt mức tiền đặt cọc rất cao và bắt các bên đàm phán, theo như cách nói thông dụng là “phải có tiền thật rồi hãy nói”.

Trò chơi trong trò chơi: Làm sao để bán ngôi nhà trị giá 300.000 đô-la với giá 3.000 đô-la

Trong suốt nửa sau của những năm 1990, chính phủ Hoa Kỳ đã thuê những nhà lý thuyết trò chơi để giúp họ bán quyền sở hữu dải tần. Đây không phải là một công việc dễ dàng: một công ty đang muốn bỏ thầu mua quyền sử dụng dải tần tại Los Angeles và San Diego có thể muốn cả hai, có thể không muốn dải tần nào trong hai dải tần này, bởi vì việc tận dụng những mạng có sẵn sẽ rẻ hơn. Nhưng làm sao để bỏ thầu cho dải tần ở Los Angeles khôn ngoan trước khi biết được ai sẽ trúng thầu dải tần ở San Diego? Đây là một vấn đề phức tạp được trình bày trong một mảng nhỏ cũng khá phức tạp của lý thuyết trò chơi. Những nhà lý thuyết trò chơi đã kịp thời thiết kế một hệ thống phức tạp các cuộc bán đấu giá song song.

Những thương vụ đầu tiên đã thành công mỹ mãn (và đem về khá nhiều lợi nhuận cho chính phủ), nhưng sau vài phiên bán đấu giá, mọi chuyện trở nên xấu đi. Những nhà lý thuyết trò chơi đã xử lý được những vấn đề phức tạp nhưng lại phạm những sai lầm sơ đẳng, như việc công khai công bố giá bỏ thầu mà không làm tròn tới con số gần nhất là vài nghìn đô-la. Các hãng viễn thông lợi dụng ngay cơ hội bằng cách bỏ thầu theo mã vùng. Việc này cho phép họ báo hiệu cho các hãng khác biết đâu là dải tần họ đang nhắm tới và điều này giúp phân chia thị trường viễn thông Hoa Kỳ mà không phải dùng những biện pháp cạnh tranh gay gắt. Chiến lược này thậm chí không đòi hỏi những thỏa thuận bất hợp pháp, bởi cuộc đấu giá này cho phép những tín hiệu rõ ràng như vậy. Nó có vẻ là ăn gian, nhưng chẳng ai chứng minh được cả. Ba năm sau những cuộc bán đấu giá đầu tiên diễn ra, vào cuộc bán đấu giá vào tháng Tư năm 1997, người ta đã đưa ra mức giá thấp hơn 1% so với mức mong đợi, và theo giới chuyên môn nhận định, các hãng viễn thông đã biết cách gian lận bằng việc tránh cạnh tranh lẫn nhau trong quá trình bỏ thầu.

Điều này tương đương với việc bán ngôi nhà trị giá 300.000 đô-la với mức giá thấp hơn 3.000 đô-la. Nó có vẻ khó hiểu là làm sao điều này lại có thể xảy ra, nhưng thật ra thì rất đơn giản. Nếu chỉ có một số lượng nhỏ những khách hàng tiềm năng muốn mua ngôi nhà của bạn thì họ có thể thỏa thuận để không trả giá cạnh tranh lẫn nhau. Người mua được nhà với giá rẻ sẽ cần phải tìm cách “đền bù” cho những người khác. Kiểu đền bù dễ thấy nhất là thỏa thuận sẽ không cạnh tranh với họ trong những cuộc đấu giá tiếp theo trong tương lai. Một cách tương tự, các hãng viễn thông có vẻ như đã thực hiện bỏ thầu theo cách không đối đầu với nhau trong các vùng dải tần khác nhau. Đây là một sự sỉ nhục cho lý thuyết trò chơi, có lẽ chỉ khá khẩm hơn việc cho không các dải tần. Một cách khác để xem xét vấn đề của các cuộc bán đấu giá tại Mỹ là việc các nhà lý thuyết trò chơi đã không thể thấy được rằng những gì mà họ đã phân tích chỉ là một phần nhỏ của một cuộc chơi lớn hơn thế nhiều. Chính phủ chỉ như một tay chơi poker đang hả hê mà không nhận ra rằng có những chiếc camera bí mật ở trong phòng; không biết rằng những tay chơi khác, qua những cái gật đầu và nháy mắt với nhau đang chiếm lượt và ăn tiền của anh ta. Trò mà anh ta nghĩ rằng mình đang chơi không phải là một cuộc chơi thực sự.

Lý thuyết trò chơi cho những kẻ bù nhìn

Dù được áp dụng vào các cuộc bán đấu giá hay để ăn gian với những ván bài, giờ đây rõ rằng là lý thuyết trò chơi cũng có nhiều yếu tố nghệ thuật chẳng kém yếu tố toán học ở trong đó. Mọi cuộc chơi đều cần có một số giả định được đơn giản hóa trước khi nó được mô phỏng theo; nếu những nhà lý thuyết trò chơi sử dụng sai giả định (ví dụ, giả định rằng những nhà thầu sẽ không sử dụng mã vùng để phối hợp sự phân chia) thì họ sẽ đưa ra một giải pháp hoàn hảo song lại giải quyết không đúng vấn đề.

Một trong những thách thức lớn nhất bắt nguồn từ nguồn gốc của lý thuyết trò chơi: nó được phát triển bởi những người gần như có đầu óc của siêu nhân như Nash và Von Neumann. Điều này là thế mạnh lớn, song đồng thời lại chính là điểm yếu tai hại của nó bởi vì để một lý thuyết trò chơi thành công, nó phải làm cho những con người bình thường hiểu được nó sâu sắc. Lý thuyết trò chơi cho thấy cách người ta sẽ giải quyết một đẳng thức toán học như thế nào. Nó thừa nhận những tay chơi siêu việt – những người có thể xử lý mỗi vấn đề hóc búa ngay lập tức – và sự miêu tả này bắt đầu trở nên thiếu thực tế vì lý thuyết trò chơi là một công cụ thiết thực cho việc giải thích cho những hành vi của những con người thật trong cuộc sống. Nash và Von Neumann đã có thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề đó. Còn tất cả chúng ta thì không.

Ví dụ, lý thuyết trò chơi cho ta biết rằng không đáng để đặt cược vào một ván cờ vua vì trên lý thuyết kết quả có thể được định trước: một bên chơi có thể dàn xếp kết quả. Tuy nhiên, chúng ta không biết được quân đen hay quân trắng có khả năng quyết định kết quả, không biết được kết quả được dàn xếp đó là một trận thắng hay hòa và tất nhiên là chúng ta cũng chẳng biết ván cờ sẽ được chơi như thế nào. Chúng ta chỉ biết được rằng theo lý thuyết thì việc dàn xếp kết quả có thể xảy ra. Trong thực tế thậm chí những người chơi giỏi nhất (là máy tính hoặc con người) cũng không biết được chiến lược tối ưu này và người ta còn lâu mới biết trước được kết quả của ván cờ. Vậy thì lý thuyết bảo chúng ta rằng chơi cờ là việc nhỏ dùng để làm gì nếu tất cả chúng ta đủ thông minh để biết cách chơi nó?

Không phải tất cả chúng ta đều có thể tư duy như thiên tài. Hầu hết chúng ta khi chơi bài poker sẽ cố gắng lừa đối thủ chỉ với một nửa quân bài thực sự mạnh; Von Neumann đã chỉ ra rằng cách chơi đúng ở đây là phải bịp được những tay chơi khác với những quân bài xấu nhất có thể có. Chris “Jesus” Ferguson, học trò của Von Neumann, đã chứng minh được điều đó khi ông đoạt danh hiệu vô địch Giải poker thế giới năm 2000. Song ván bài poker mà bạn vui thú cùng bạn bè mình trong gara ô tô sẽ không giống như ván bài poker trong cuộc thi lớn này; lý thuyết trò chơi sẽ giải quyết ra sao với những người chơi say mèm và ăn gian tùm lum?

Đây không phải là một luận điểm chống lại lý thuyết trò chơi. Ta có thể mô phỏng những sai sót, tính đãng trí, hiểu nhầm thông tin, hay bất cứ sự thất bại nào từ phía người chơi để có thể theo được những tiêu chuẩn quá cao đến mức không thể đạt được của John Von Neumann.

Vấn đề ở đây là càng nhiều sai sót cần được tính đến, lý thuyết trò chơi càng trở nên phức tạp và giảm đi sự hiệu quả. Sẽ rất luôn hữu ích đối với những nhà lý thuyết trò chơi khi họ dựa vào kinh nghiệm và lý thuyết, bởi vì nếu trò chơi quá phức tạp để người chơi có thể hiểu thì lý thuyết trò chơi sẽ trở nên gần như vô dụng khi áp dụng trên thực tế khi mà nó chẳng cho ta biết nó sẽ thực sự hoạt động ra sao.

Về những nhà tổ chức bán đấu giá

Vào cuối năm 1996, tôi tình cờ được xem một nhà lý thuyết bán đấu giá hàng đầu quốc gia minh họa luận điểm này trong một hội nghị chuyên đề về việc áp dụng lý thuyết trò chơi cho các cuộc bán đấu giá. Trong bài phát biểu của mình, Paul Klemperer đã “tịch thu” ví của hai người tham dự, đếm số tiền trong ví và đem chào bán đấu giá tổng số tiền (chưa biết) trong hai cái ví cho chính những nạn nhân, ai trả giá cao nhất sẽ thắng. Hai người này lúc đó khá bất lực trong việc tìm ra chiến lược tối ưu để đặt cược trong cuộc đấu giá này.

Điều khó khăn ở đây là việc hai nạn nhân không biết giá trị thực sự của vật họ đang đặt cược là bao nhiêu – đây cũng chính là thách thức cho những nhà đấu thầu trong nhiều phiên bán đấu giá khác, bao gồm cả các cuộc bán đấu giá dải tần số. Tất nhiên họ biết một phần giá trị, bởi vì họ biết có bao nhiêu tiền trong ví của họ. Nhưng mỗi người lại không biết những thứ chứa trong cái ví của người kia. Trong cuộc bán đấu giá dải tần số, vấn đề cũng tương tự: mỗi nhà thầu có những dự đoán của riêng mình và những dự định về công nghệ, nhưng mỗi nhà thầu đều biết rằng các nhà thầu khác có thể sẽ có những dự đoán và công nghệ khác. Chiến lược tối ưu có thể sẽ khai thác được những sơ hở của đối phương – nhưng điều này không dễ chút nào. (Trong trò chơi “cái ví”, một giải pháp cho mỗi người chơi là tiếp tục ra giá cho đến khi số tiền chào giá mua đã gấp đôi số tiền có trong ví của họ. Người nào có cái ví dày hơn sẽ thắng cuộc nhưng sẽ trả số tiền ít hơn tổng số tiền trong hai chiếc ví. Càng hăng say đấu thầu càng dễ bị mất nhiều tiền.)

Sự thất bại đến chết lặng của hai “tình nguyện viên” trong việc tìm ra cách để ra giá trong cuộc bán đấu giá lại càng trở nên đáng lưu ý hơn bao giờ hết vì họ là Ken Binmore và Tilman Borgers, vốn là những chuyên gia trong lĩnh vực lý thuyết trò chơi về bán đấu giá. Klemperer, Binmore và Borgers đang dự định tham gia vào một nhóm thiết kế kỹ thuật cho dự án phân phối quyền sử dụng dải tần ở Vương Quốc Anh cho dịch vụ di động thế hệ thứ ba.

Họ phải vật lộn với hai vấn đề rất khó khăn. Thứ nhất, để tránh giành lợi thế bằng cách sử dụng mánh lới với những nhà thầu như với giới cầm quyền Hoa Kỳ đã từng làm. Thứ hai, thậm chí nếu họ không thể tìm được chiến lược tối ưu cho cuộc đấu giá ngay lúc đó, làm sao họ có thể mong đợi một nhóm các doanh nhân sẽ hành động giống như lý thuyết trò chơi dự đoán? Và nếu những doanh nhân đó hành động không thể đoán trước được thì ai là người có thể nói điều gì sẽ xảy ra? John Maynard Keynes, nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX, mong đợi có ngày những nhà kinh tế không còn là những nhà đại lý thuyết mà thay vào đó là “người nào đó hơi giống nha sỹ”, những người có thể đưa ra những lời tư vấn giúp giải quyết biết bao vấn đề hàng ngày và có thể cho mọi người những lời khuyên thẳng thắn. Không có chỗ cho kinh tế học ở đó và bất kỳ nhà kinh tế nào mong mình trở nên có ích dù chỉ bằng một nửa ông nha sỹ thì đều phải làm “dịu bớt” những lý thuyết kinh tế của mình bằng những viên thuốc liều cao – trong trường hợp này những viên thuốc liều cao chính là những bài học khắc nghiệt của cuộc sống: người chơi thì ăn gian; nhà thầu phạm sai lầm; hay thậm chí hình thức cũng là một vấn đề. Các cuộc bán đấu giá, cũng giống như chơi bài poker hay chơi cờ vua, không phải bao giờ cũng sẽ diễn ra như lý thuyết trò chơi đã dự đoán.

Ngay từ những năm 1990, chính phủ New Zealand đã tiến hành cho bán đấu giá quyền sử dụng dải tần radio với sự cố vấn của một số nhà kinh tế, những người có vẻ như có kinh nghiệm thực tế ít ỏi và họ đã hiểu ra bài học đó khó khăn. Những cuộc bán đấu giá đó đã được tổ chức mà không có sự đảm bảo chắc chắn sẽ thu được lợi nhuận từ các nhà thầu, không có giá sàn tối thiểu và còn sử dụng một lý thuyết gây tò mò mang tên “cuộc bán đấu giá Vickrey”, điều đó đã dẫn tới khá nhiều khó khăn. (Cuộc bán đấu giá được đặt tên theo tên của người phát minh ra nó, người từng đoạt Giải Nobel, William Vickrey, người đã có những cải tiến rất sớm và quan trọng trong việc áp dụng lý thuyết trò chơi vào các cuộc bán đấu giá.)

Bán đấu giá Vickrey là một cuộc bán đấu giá theo kiểu “bỏ thầu kín – trả thầu cao thứ hai”. “Bỏ thầu kín” tức là mỗi nhà thầu sẽ viết giá bỏ thầu của mình và bỏ vào phong bì kín. Khi các phong bì được mở, nhà thầu nào bỏ thầu cao nhất sẽ chiến thắng. “Trả thầu cao thứ hai”, một luật chơi khá kỳ lạ là người chiến thắng sẽ không phải trả tiền cho số tiền mình đã bỏ thầu mà chỉ phải trả số tiền bằng với số tiền bỏ thầu cao thứ hai. Lý do “tao nhã” đằng sau cuộc bán đấu giá này là không nhà thầu nào lại có động cơ giảm mức giá bỏ thầu của mình xuống một chút để hòng kiếm thêm lợi nhuận; việc bỏ thầu thấp ảnh hưởng tới cơ hội chiến thắng của họ nhưng không ảnh hưởng tới giá thầu. Đối với những lý thuyết gia, điều này không kỳ quặc chút nào: cuối cùng thì trong một cuộc bán đấu giá truyền thống ở Sotheby27 hay Christies28, giá bỏ thầu cuối cùng bao giờ cũng được thiết lập bằng với số tiền trả cao thứ hai, bởi vì việc đấu giá sẽ kết thúc khi nhà thầu bỏ giá cao thứ hai bỏ cuộc giữa chừng. Với cánh báo chí và nhiều người khác, cuộc đấu giá Vickrey này đúng là một sự điên rồ. Vấn đề với cuộc đấu giá Vickrey không lớn nhưng lại liên quan tới “nghệ thuật”: trong một cuộc bán đấu giá truyền thống không ai biết được mức giá lớn nhất mà nhà thầu bỏ giá cao nhất sẽ sẵn lòng trả tiếp (trong trường hợp vẫn chưa thắng thầu), nhưng trong cuộc bán đấu giá Vickrey mức giá đó lại được đưa ra công bố rộng rãi. Hoàn toàn chính đáng, những người dân New Zealand muốn biết tại sao một nhà thầu lại đề nghị 100.000 đô-la New Zealand (khoảng 72.000 đô-la Mỹ) cho quyền sở hữu dải tần đáng ra chỉ phải trả 6 đô-la New Zealand hay vì sao có người bỏ thầu tới 7 triệu đô-la New Zealand cuối cùng chỉ phải bỏ ra có 5.000 đô-la New Zealand. Những con số này làm chúng ta chẳng còn hiểu mọi chuyện ra sao nữa. Những nhà lý thuyết biết rõ rằng trung bình cuộc bán đấu giá Vickrey cũng thu về được nhiều tiền như những cuộc bán đấu giá khác, bởi vì do không yêu cầu phải trả số tiền bỏ thầu cao nhất, họ đã khuyến khích được các nhà thầu bỏ thầu cao hơn. Nhưng những gì mà những nhà lý thuyết này biết lại không có ý nghĩa với báo giới và công chúng. Thực tế cay nghiệt là cuộc bán đấu giá Vickrey đã bị xem là sự thất bại của chính phủ New Zealand.

Lý thuyết trò chơi có thể giúp tiên đoán một số vấn đề, như việc ăn gian trong các vụ bán đấu giá ở Hoa Kỳ. Những cái khác, như việc việc phản ứng của công chúng tại New Zealand, đơn giản là không có mặt trong những phân tích nặng về lý thuyết.

Những nhà kinh tế có tham vọng có được sự ảnh hưởng như ông nha sỹ cần phải suy nghĩ cẩn thận và cần học thêm nhiều từ những sai lầm: để tiếp tục tìm ra những sai lầm này có thể người ta sẽ phải trả bằng những cái giá không hề rẻ chút nào. Tại sao lại phải bán đấu giá?

Khi chính phủ Vương quốc Anh bắt đầu xem xét tới việc sử dụng một cuộc bán đấu giá để bán quyền sử dụng các dải tần số, họ đang đi một bước đi táo bạo. Sau khi khởi đầu khá thành công, các cuộc đấu giá ở Hoa Kỳ đã hoàn toàn thất bại bởi vì lý thuyết trò chơi được dùng để tạo nên các cuộc bán đấu giá này đã được hiểu theo cách quá hạn hẹp. Chính phủ New Zealand đã làm cho nó trở thành một trò hề. Và họ không phải là những người duy nhất: Australia cũng đã tổ chức bán đấu giá bản quyền truyền hình và để nhiều kẽ hở trong luật tham gia đấu giá, những sơ hở này đã bị lợi dụng triệt để và vị bộ trưởng chịu trách nhiệm cho vấn đề này đã phải từ chức để nhận trách nhiệm. Vậy tại sao nước Anh vẫn nghĩ tới việc sử dụng việc bán đấu giá với nhiều rủi ro như vậy?

Cũng như chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Anh muốn bán quyền sử dụng tần số cho những công ty có khả năng khai thác chúng tốt nhất và chính phủ cũng muốn kiếm được tiền từ vụ này. Tất nhiên là còn có một mục đích không được nói ra khác: đó là tránh không để công chức và những nhà chính trị bị mất mặt. Với những người đóng thuế ở New Zealand và ở Hoa Kỳ, cuộc đấu giá dù thu về được một ít tiền vẫn tốt hơn là cho không quyền sử dụng dải tần, nhưng với một nhà chính trị thì việc “biếu không” tài sản công là một cách rất tốt để kết bạn và mở rộng mối quan hệ với các đồng minh. Do đó, những lý thuyết gia bán đấu giá đã phải chuẩn bị cho trường hợp đặc biệt này trong quá trình tổ chức bán đấu giá.

Tình huống này dựa trên lý thuyết trò chơi, nó giải thích rõ ràng sức mạnh của các cuộc bán đấu giá đơn giản. Một trong những vấn đề đòi hỏi phải khéo léo và tinh tế nhất đó là việc làm sao để chắc chắn những quyền sở hữu sẽ được trao đúng đối tượng. Với số lượng có hạn của quyền sở hữu thì sẽ thật là quá lãng phí nếu để một trong số chúng rơi vào tay timharford.com, một công ty Internet “bong bóng” không có kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực viễn thông và không có khả năng khai thác tài sản công có giá trị đó. Thay vào đó, quyền sở hữu cần phải được trao cho những công ty sẽ sử dụng nó để đem đến những dịch vụ chất lượng tốt nhất với giá thấp nhất. Việc cạnh tranh giữa các nhà thầu sẽ thiết lập giá bán quyền sở hữu.

Vậy cách nào tốt nhất để nhận ra đâu là công ty có khả năng nhất? Một phương án đơn giản là hãy hỏi họ, nhưng các công ty sẽ khoác lác ầm ĩ về khả năng của họ. Một vài công ty sẽ khoe khoang về kinh nghiệm, số khác là những công nghệ mới nhất của họ. Liệu có ai thực sự nói thật không? Chỉ nói không thì không có ý nghĩa gì.

Một ý tưởng khác có vẻ hứa hẹn hơn là thuê các chuyên gia để quyết định công ty nào là xứng đáng nhất. Nhưng trong thế giới của thị trường di động phát triển như vũ bão ngày nay thì hầu hết các chuyên gia đều có một chút lợi ích về tài chính từ công ty này hay công ty khác, vậy thì ai còn có thể là chuyên gia thực sự công minh trong lĩnh vực này? Thậm chí nếu có tìm được một chuyên gia thực sự vô tư thì người này cũng khó mà thành công trong việc thâm nhập vào những bí mật thương mại và đánh giá được tiềm năng thực sự của các đối thủ công nghệ. Lý thuyết trò chơi cho thấy cách để một phiên đấu giá đơn giản có thể cắt xén hết tất cả sự phức tạp và giải quyết vấn đề đó nhanh chóng và khéo léo. Để cho đơn giản, hãy tưởng tượng một cuộc bán đấu giá minh bạch về việc giành quyền sở hữu, nó giống như một cuộc bán đấu giá truyền thống khi những nhà thầu hò nhau bỏ thầu cao hơn nữa, cao hơn nữa, với một điều khác biệt: những người còn ở lại trong phòng được coi như cũng sẽ sẵn lòng trả khoản tiền bỏ thầu hiện hành đang ở mức rất cao. Bất cứ ai bỏ dở giữa chừng phải rời khỏi phòng và không được phép trở lại. Cuộc bán đấu giá với một chút khác biệt nho nhỏ này không những giúp lý thuyết trò chơi dễ phân tích hơn mà còn phản ánh chính xác hơn các cuộc bán đấu giá quyền sở hữu dải tần di động trong thực tế.

Mỗi nhà thầu giờ đây phải đánh giá đúng giá trị của bản quyền sở hữu dải tần. Càng có nhiều ý tưởng sáng tạo và công nghệ có giá phải chăng, họ càng có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu họ thắng quyền khai thác dải tần. Tất nhiên không có công ty nào có khả năng dự đoán hoàn hảo những lợi nhuận trong tương lai mà quyền sở hữu dải tần đó đem lại, nhưng bản thân mỗi công ty sẽ phù hợp hơn với việc đánh giá tiềm năng hơn là một chuyên gia ở bên ngoài.

Khi cuộc bán đấu giá bắt đầu và giá bỏ thầu bắt đầu tăng lên, các nhà thầu sẽ bỏ cuộc khi giá chào thầu đã vượt quá con số mà họ ước lượng về giá trị của gói thầu. Những công ty không có đủ tự tin về những chiến lược kinh doanh và công nghệ của mình sẽ là những người đầu tiên phải bỏ cuộc chơi. Nếu giá chào thầu vẫn tiếp tục tăng trong một khoảng thời gian dài mà không có ai chịu bỏ cuộc, mỗi nhà thầu biết rằng những nhà thầu khác cũng đang rất tự tin vào viễn cảnh của thị trường. (Điều này đem lại sự khác biệt giữa cuộc bán đấu giá này với một cuộc bán đấu giá theo kiểu truyền thống ở Sotheby – khi mà một cuộc bán đấu giá truyền thống Sotheby đang diễn ra bạn không bao giờ biết được ai là những nhà thầu tiềm năng và ai là những người chỉ đến xem đấu giá.) Nếu một vài nhà thầu bỏ cuộc sớm, những nhà thầu còn lại sẽ thận trọng xem xét lại những giả định của riêng họ. Phiên bán đấu giá tổng hợp tất cả sự thông thái của các nhà thầu.

Trong lúc đó, không ai trong phiên đấu giá có thể nói dối. Nói khoác thì không mất gì nhưng đấu thầu thì phải trả giá đắt. Không công ty nào chịu bỏ cuộc khi họ thấy mức giá chào thầu vẫn thấp hơn những dự đoán của họ về trị giá của gói thầu và không công ty nào tiếp tục trả thầu sau khi mức giá chào thầu đã tăng quá cao. Về một phương diện nào đó, cuộc bán đấu giá khá giống với ván bài poker của Von Neumann: vì tiền của họ đang được đặt cược, nên những nhà thầu sẽ rất thận trọng. Với cách nhìn khác, nó chẳng giống ván bài poker chút nào, bởi vì trong cuộc bán đấu giá không thể có sự lừa bịp gian lận.

Cuộc bán đấu giá này ép các nhà thầu phải công bố những đánh giá riêng của họ về giá trị của gói thầu. Cùng lúc đó, nó cũng công bố rộng rãi những quan điểm thu thập được từ các nhà thầu cho tất cả mọi người, để các nhà thầu khác có thể cập nhật những quan điểm của riêng họ cho phù hợp hơn. Thêm nữa, nó còn thu được tiền khi làm việc đó.

Lý thuyết trò chơi cũng cho thấy rằng cuộc bán đấu giá đơn giản này là một cái máy kiếm tiền tốt hơn phương pháp mặc cả, điều đình trong mua bán. Điều này không rõ ràng. Một cách là người bán sẽ tổ chức một cuộc bán đấu giá với một mức giá dự trữ (công khai hoặc bí mật) mà nếu dưới mức giá này thì anh ta sẽ không bán. Một cách khác là bí mật thương lượng với một vài người mua trong khi nói dối về việc các cuộc mặc cả đó thực sự đã diễn ra như thế nào. Hoặc người bán hàng có thể lần lượt chơi bài ngửa “hoặc bạn lấy nó hoặc không” với lần lượt từng người mua. Hay một vài cách khác. Với một danh sách dài những khả năng phức tạp như vậy, làm sao một người bán hàng có thể chọn cho mình một cách bán hàng có lợi nhất được?

Lý thuyết trò chơi chính cốt lõi của vấn đề. Vào giữa thập niên 1990, Klemperer và Jeremy Bulow (người này cũng trở thành một thành viên khác của đội thiết kế phiên bán đấu giá) công bố một bài thuyết trình cho thấy rằng nếu sự đơn giản của một phiên bán đấu giá thu hút thêm được một nhà thầu có ý định nghiêm túc thì cuộc bán đấu giá không vòng vo đó sẽ thu về được nhiều tiền hơn bất cứ một hình thức thương lượng nào khác.

Ngoài ý kiến trung tâm cho rằng các cuộc bán đấu giá thực sự thu được nhiều tiền hơn, bài thuyết trình cuối cùng tập trung sự chú ý của các lý thuyết gia đấu giá vào một điều lẽ ra rất hiển nhiên: nếu bạn muốn có một cuộc bán đấu giá thành công, bạn cần thật nhiều nhà thầu có ý định nghiêm túc.

Đấu giá ở Anh vào cuộc

Ban tổ chức bán đấu giá ở Anh tất nhiên đã cố gắng hết sức để đảm bảo những nhà thầu lớn đó sẽ xuất hiện. Đến tháng Ba năm 2000, vụ bán đấu giá ở Anh đã sẵn sàng để bắt đầu với 13 nhà thầu đăng ký đấu thầu, những nhà thầu này đã phải đặt cọc 50 triệu bảng Anh và phải kết nối vào mạng Internet để bỏ thầu từ xa. Ban tổ chức đã quảng cáo cho cuộc đấu giá này hàng năm trời trước đó và đảm bảo đây là quốc gia đầu tiên của châu Âu tổ chức một cuộc bán đấu giá cho công nghệ di động thế hệ thứ ba. Kết quả hứa hẹn có một cuộc bán đấu giá đầy cạnh tranh. Ban tổ chức đã rất tập trung vào từng chi tiết. Họ thử kiểm tra thiết kế của phiên bán đấu giá bằng cách giả lập trên máy tính điện tử và chạy thử hệ thống với các sinh viên London đóng vai trò như là các nhà thầu viễn thông. Họ dò từng bước trên bức tranh toàn cảnh của cuộc đấu giá và cố gắng loại bỏ những kẽ hở có thể bị khai thác. Họ thậm chí còn tự cho phép mình hoãn cuộc bán đấu giá lại nếu có điều gì đáng nghi ngờ xuất hiện trong quá trình bán đấu giá. Nhưng bất chấp mọi sự chuẩn bị này, không ai có thể biết chắc cuộc bán đấu giá có diễn ra tốt đẹp hay lại có sai sót cẩu thả khác của những nhà kinh tế. Cuộc bán đấu giá được tiến hành qua nhiều vòng ngắn – mỗi vòng kéo dài khoảng nửa tiếng – trong thời gian đó những nhà thầu sẽ báo số tiền họ bỏ thầu hoặc quyết định rút lui. Những nhà thầu nào quyết định không tiếp tục bỏ thầu phải rời khỏi cuộc chơi nhưng mỗi nhà thầu được phép “bỏ qua” ba lần trước khi thực sự rút lui. Mỗi ngày sẽ có khoảng đôi ba vòng, có thể nhiều hơn trong trường hợp nhà thầu cảm thấy hài lòng với quá trình đấu thầu. Mỗi vòng sẽ ngay lập tức được đưa lên mạng Internet và cuộc bán đấu giá diễn ra dưới sự chứng kiến của toàn thế giới.

Ban đầu, người ta mong đợi cuộc bán đấu giá này có thể giúp tăng số tiền kiếm được lên nhiều lần: 2 hay 3 tỷ bảng Anh, đủ để vượt qua số tiền thu từ thuế thu nhập ở Anh trong hàng năm trời. Trong khi đó, ban tổ chức tỏ ra lo lắng và khá “run” khi có thêm chín công ty mới tham gia cùng với bốn công ty lớn có uy tín lâu năm, và họ mong đợi cuộc bán đấu giá sẽ thành công.

Họ cho rằng sự quan tâm của những công ty mới một phần là do có tới năm bản quyền sở hữu sẵn sàng được chào bán. Ban đầu, những kỹ sư cho rằng những dải sóng chỉ đủ cung cấp bốn bản quyền sở hữu, hoạt động trên các bước sóng kề nhau của dải sóng radio và mỗi dải tần đó sẽ bao phủ cả đất nước. Nhưng với bốn “đại gia” tham dự đấu thầu, cuộc bán đấu giá bốn bản quyền sở hữu dải tần này xem như hiển nhiên đã có hãng thắng thầu và các công ty mới tham gia thị trường viễn thông sẽ không xuất hiện đơn giản vì họ nản chí. Vì thế, những nhà kinh tế của dự án này đã yên lòng hơn rất nhiều khi những kỹ sư thông báo có đủ dải tần để cung cấp thêm một bản quyền khai thác. Quyền sở hữu này gọi là “quyền sở hữu dải tần A” dành cho các công ty hiện đang không hoạt động trên thị trường di động Anh.

Ý tưởng của cuộc bán đấu giá này là việc cạnh tranh cho bản quyền A sẽ kéo theo việc giá của bốn bản quyền khác tăng lên. Bất cứ hãng nào hiện không dẫn đầu trong việc đấu thầu cần tiếp tục bỏ thầu hoặc rút lui; nhưng chừng nào mà các hãng vẫn còn tiếp tục theo thầu họ cũng có thể chuyển việc đấu thầu từ gói thầu này sang gói thầu khác. Các hãng hiển nhiên sẽ chọn bỏ thầu cho quyền sở hữu nào chào giá tốt nhất tại thời điểm đó. Điều này có nghĩa là việc cạnh tranh sôi động cho bản quyền A sẽ làm cho giá các gói thầu khác “sôi sục” theo – mỗi khi giá gói thầu A tăng lên nhiều hơn những gói thầu còn lại, những gói thầu này lại có vẻ là những món hời. Những công ty còn chân ướt chân ráo sẽ xuất đầu lộ diện và thách thức quyền sở hữu dải tần mà các “đại gia” kia đã khoanh phần từ trước. Khi những “ông lớn” này tăng giá bỏ thầu, bên thua sẽ quay lại bỏ thầu cho bản quyền A.

Mặc dù việc đấu thầu đồng thời cùng một lúc năm bản quyền sở hữu dải tần thật phức tạp và khó có thể giải thích, nhưng lại khá đơn giản để các nhà thầu có thể tìm ra được chiến lược tốt nhất. Vì những nhà thầu không bao giờ biết khi nào thì phiên bán đấu giá kết thúc, họ cần phải chắc chắn rằng họ đang hài lòng với vị trí trong sàn đấu giá của họ. Chiến lược tốt nhất là xem xét tất cả các gói thầu và bỏ thầu cho gói thầu mới khi nó có vẻ là có giá hợp lý nhất. Nếu không có gói thầu nào có giá hợp lý vào thời điểm đó thì hành động đúng đắn là rút lui. Tính đơn giản của cuộc bán đấu giá có thể giải thích cho việc tại sao có nhiều công ty quyết định đấu thầu đến thế, và không giống như giải vô địch bài Poker thế giới hay trò chơi cái ví, chỉ cần bạn không quá ngốc là được.

Thử tưởng tượng bạn bán ngôi nhà bằng một cuộc bán đấu giá kéo dài hết tuần này đến tuần khác. Bạn cũng từng nghe nói đến các cuộc bán đấu giá khác và bạn e rằng thay vì kiếm được 300.000 đô-la như mong đợi, bạn sẽ kết thúc vụ bán nhà giống như người hàng xóm không may mắn, phải ly dị và trắng tay. Tuần đầu tiên là một sự chịu đựng. Nhưng sau đó, giá bắt đầu nhích lên chậm chạp và huyết áp của bạn đã bắt đầu giảm xuống. Cuối cùng vụ bán đấu giá đạt đến con số 250.000 đô-la – bạn nhận ra rằng dù điều gì có xảy ra đi nữa thì bạn cũng đang làm không tệ chút nào. Vài ngày sau đó, phiên đấu giá đã đạt đến mức 300.000 đô-la và bạn đang mỉm cười. Từ đây trở đi, mỗi con số tăng lên là phần lãi dành cho bạn; có lẽ bạn sẽ kiếm được 310.000 đô-la, 320.000 đô-la hay thậm chí 350.000 đô-la. Ai mà biết được? Sau đó giá vẫn tiếp tục tăng. Nó đạt con số 320.000, 350.000, 400.000 rồi 500.000. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Bạn khó mà tin được đó lại là sự thật.

Những sự kiện lần lượt xảy ra bất ngờ cũng tương tự như trong cuộc bán đấu giá quyền sở hữu dải tần tại Anh, chỉ có điều mức tiền cược cao hơn gấp 10.000 lần: không phải 300.000 bảng Anh mà là 3 tỷ bảng Anh. Trong vòng một tuần, cuộc bán đấu giá đã diễn ra rất êm đẹp; với luật bỏ thầu liên tục giúp cho lợi nhuận liên tục tăng đều đặn. Sau khoảng 25 vòng đấu giá, các nhà thầu đã cam kết trả khoảng 400 triệu bảng cho mỗi bản quyền. Sau 50 vòng đấu thầu, tổng số tiền đấu thầu đã lên tới 3 tỷ bảng: đúng bằng con số mà chính phủ hy vọng đạt được. (So với khoản tiền đặt cọc, dù họ đã tăng tiền đặt cọc lên 100 triệu bảng thì con số này chẳng thấm vào đâu.) Nhưng có một vài điều bất thường đang xảy ra. Những nhà thầu vẫn tiếp tục đấu thầu. Tất cả 13 hãng viễn thông tiếp tục bỏ thầu bình thường và giá chào thầu các bản quyền tiếp tục tăng mà không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ giảm xuống.

Khi các vòng đấu giá trôi đi, báo chí bắt đầu quan tâm đặc biệt. Ảnh của ban tổ chức phiên đấu giá bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo. Các nhà báo cố gắng giải thích những cố gắng mà họ đã làm, nhưng mọi người cũng bắt đầu nhận ra có gì đó rất khác thường đang xảy ra. Phiên đấu giá đã bước sang vòng thứ 60 (tổng số tiền đã là 4 tỷ bảng). Vòng thứ 70 là 5 tỷ bảng. Vòng thứ 80 là 7 tỷ bảng. Tháng Ba đã hết, giá vẫn tiếp tục tăng.

Những nhà tổ chức cuộc bán đấu giá giữ bí mật những gì mà họ suy tính cho tất cả chuyện này, nhưng sau những cánh cửa khép chặt ấy, họ vừa hồi hộp lại vừa căng thẳng. Cuộc bán đấu giá đang trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó: nó đã kéo dài quá lâu. Có chút bồn chồn lo lắng từ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ – điều gì sẽ xảy ra nếu sự sụp đổ của thị trường chứng khoán này lan đến Anh, huỷ bỏ sự tự tin của các nhà thầu và làm cho toàn bộ cuộc bán đấu giá bất ngờ dừng lại? Khi đó, khoản tiền đặt cọc 100 triệu bảng mới nhỏ bé làm sao. Có lẽ những nhà thầu sẽ bỏ đi. Vậy thì có lẽ những nhà thầu nên khẩn trương hơn? hóa ra lại chả có gì đáng lo ngại.

Vào sáng ngày mùng 3 tháng Tư, sau gần một tháng kể từ ngày bắt đầu phiên bán đấu giá, với việc tăng giá đến hơn 10 tỷ bảng (bình quân 200 bảng hay gần 400 đô-la trên mỗi đầu người ở Anh), cuối cùng mọi chuyện cũng đến hồi kết. Sau khi kết thúc vòng đấu giá thứ 94, người ta thông báo một trong số các nhà thầu, Cresxu, đã bỏ cuộc. Các phiên bán đấu giá sau đó bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Chiều hôm đó, vào vòng đấu giá thứ 95, nhà thầu thứ hai, công ty 3G-UK, bỏ cuộc. Sáng hôm sau, vào vòng đấu giá thứ 97, nhà thầu thứ ba, Spectrum, cũng rời khỏi cuộc chơi. Một vài nhà thầu khác tạm ngừng việc đấu thầu bằng cách sử dụng nốt quyền bỏ lượt của họ để được ở lại mà không phải bỏ thầu. Vào vòng 98, hãng Epsilon rút lui. Ngày tiếp theo, vào trưa ngày 5 tháng Tư, hãng OneTel cũng xin rút lui.

Sau 93 vòng không có nhà thầu nào bỏ cuộc, nhưng chỉ trong ba ngày với tám vòng đấu giá họ đã mất tới năm nhà thầu. Lúc này, chỉ còn có tám nhà thầu còn lại. Tại sao cuộc bán đấu giá lại thay đổi nhanh chóng như vậy? Có lẽ là do sự kiêu hãnh: không ai muốn trở thành người đầu tiên phải bỏ cuộc, nhưng một khi Cresxu đã rút lui, những hãng đang chờ cơ hội để rút lui cũng sẽ sớm bỏ cuộc.

Các nhà lý thuyết trò chơi có một cách lý giải khác: những nhà thầu căn cứ vào các mức chào thầu của các nhà thầu khác để đánh giá giá trị bản quyền sở hữu dải tần của mạng di động thế hệ thứ ba này. Đây là một trong những lợi thế của việc thiết kế phiên đấu giá minh bạch sáng sủa. Một cách giải quyết khác thường dùng là sử dụng phiên đấu giá kín, nơi mọi người sẽ bỏ thầu với những phong bì chứa con số bỏ thầu. Nhưng kiểu bán đấu giá này sẽ để các nhà thầu phải tính toán, mò mẫm trong bóng tối, có khi lại dẫn tới việc các nhà thầu quá thận trọng trong việc đấu thầu và kết quả là lợi nhuận thu về cho chính phủ từ phiên đấu giá cũng ít hơn nhiều. Với một cuộc bán đấu giá công khai rõ ràng, dù giá bỏ thầu có tăng cao hơn mức mọi người trông đợi, thì mỗi nhà thầu cũng thấy được 12 đối thủ khác cũng đang chào thầu rất cao và họ có thể chia sẻ sự tự tin vào các gói thầu, tin rằng chúng sẽ chứng minh được giá trị lớn của mình. Mỗi công ty đều có kế hoạch kinh doanh, những công nghệ của các công ty đối tác và những dự án bán hàng của riêng mình. Tất cả những thứ đó đều có tính rủi ro, nhưng cuộc bán đấu giá minh bạch đã kết hợp các tín hiệu từ những dự án đó với nhau và cung cấp thông tin mong muốn cho mọi nhà thầu. (Những nhà tổ chức các cuộc bán đấu giá cũng bán thông tin cho chính phủ và đồng thời thu thêm lợi nhuận từ việc làm này – thật là tinh quái.)

Sự rút lui của Cresxu đã gửi một thông điệp cho các nhà thầu khác rằng công ty này đã nhận định các gói thầu không đáng giá cao như vậy. Khi xem xét những nghi ngờ của Cresxu, các nhà thầu khác cũng đang cân nhắc lại giá thầu đã đi đến quyết định là nên rút khỏi cuộc chơi.

Cresxu đã tạo nên một dòng xoáy: mỗi nhà thầu mới rút lui lại càng củng cố thêm thông tin cho rằng giá bỏ thầu đang ở mức quá cao. Tất nhiên, các công ty bỏ cuộc cũng chỉ đang hành động nối đuôi nhau, nhưng nhớ rằng việc các nhóm công ty hoạt động cùng nhau vì nhiều lý do có lợi. Cuộc bán đấu giá minh bạch được thiết kế để có thể cung cấp thông tin rộng rãi cho mọi người nên cũng thật là khó có thể ngạc nhiên khi các nhà thầu cùng nhìn vào một thực tế và cùng có quyết định giống nhau.

Cuộc bán đấu giá đã chứng kiến nhiều sự rút lui đột ngột của các nhà thầu nhưng còn lâu nó mới kết thúc. Đến giữa tháng Tư thì tổng số tiền thu được từ cuộc bán đấu giá đã ở mức đỉnh là 29 tỷ bảng Anh. Lợi nhuận của chính phủ đã gần đủ để giảm một nửa mức thuế thu nhập cơ bản trong một năm. Điều thực sự đã xảy ra là việc Bộ trưởng Tài chính Anh là Gordon Brown (hiện nay là Thủ tướng Anh – HD) đã phát động một vòng đấu giá rất hào phóng để vận động tranh cử bằng cách không tăng thuế hay tăng tiền cho vay. Công chúng Anh được hưởng một bữa trưa miễn phí, được lợi từ sự bùng nổ viễn thông và một quyết định khó khăn của những nhà tổ chức bán đấu giá để tận dụng nó.

Ba quyết định bỏ cuộc cuối cùng dần xảy ra trong tháng Tư. Chỉ sau giờ ăn sáng ngày 27 tháng Tư, hãng NTL Mobile tuyên bố bỏ cuộc và đột nhiên tất cả sự nhộn nhịp kết thúc. Một công ty tên là TIW – một hãng còn non trẻ trong lĩnh vực di động, đang trả 4.384.700.000 bảng cho bản quyền A. Hãng Vodafone chiến thắng chật vật trước đối thủ British Telecom để tự hào trở thành hãng sở hữu bản quyền B, ở mức giá gần 6 tỷ bảng. British Telecom kết thúc với việc sở hữu bản quyền ở mức giá thấp hơn. Cuộc bán đấu giá đã tăng lên mức 22.5 tỷ bảng Anh và vào thời điểm đó, nó đã trở thành cuộc bán đấu giá lớn nhất trong lịch sử cận đại.

Nếu bạn bán đấu giá ngôi nhà của mình với trị giá 300.000 đô-la, mà sau đó nó đã vượt qua cả con số mong đợi như trường hợp kể trên, cuối cùng kết thúc thỏa thuận với mức 2.25 triệu đô-la thì vào buổi sáng hôm sau bạn sẽ cần phải cấu thử xem mình có mơ nằm hay không.

Hãy ghi nhớ: Lợi thế có được từ sự khan hiếm

Những nhà phê bình phiên đấu giá cho rằng bởi vì các hãng viễn thông đã trả quá nhiều cho việc sở hữu các bản quyền, họ sẽ quay lại tính giá những người dùng dịch vụ thế hệ thứ ba rất cao. Nhưng cuộc bán đấu giá có quản lý việc vận hành của dịch vụ thế hệ ba không? Hãy xem xét câu sau:

Nếu bản quyền khai thác dịch vụ thế hệ thứ ba rất đắt thì các hãng sẽ tính tiền cho người sử dụng cao hơn.

Nghe có vẻ thuyết phục, nhưng hãy nghĩ như một nhà kinh tế một chút: nếu các bản quyền khai thác dịch vụ thế hệ thứ ba rất rẻ, liệu những hãng viễn thông có tính tiền người dùng ít hơn không? Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ cho không quyền khai thác dịch vụ, liệu những hãng đó có cung cấp miễn phí dịch vụ cho người dùng không? Và nếu chính phủ lại còn trả tiền cho các công ty ngoài việc biếu không họ các quyền khai thác dịch vụ thì liệu các hãng có thưởng tiền cho người dùng cùng với việc sử dụng miễn phí dịch vụ không dây không? Chúng ta hãy xem lại những bài học từ Chương 1 và 2 rằng các hãng sẽ tính tiền người dùng ở mức cao nhất có thể trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta cũng biết là khả năng của họ để đưa ra giá dịch vụ bị giới hạn bởi lợi thế khan hiếm của họ.

Với nước Anh, yếu tố quyết định là có năm bản quyền khai thác dải tần di động. Năm bản quyền này cho công ty đủ lợi thế khan hiếm để có thể tính tiền khách hàng khá cao. Nếu chỉ có hai bản quyền để bán, thì lợi thế khan hiếm này lại càng lớn hơn và giá sẽ cao hơn. Nếu có 20 bản quyền để bán, lợi thế khan hiếm giảm và giá sẽ thấp hơn. Chính lợi thế khan hiếm, chứ không phải là giá của các bản quyền sẽ quyết định giá dịch vụ cho người dùng.

Ở Anh có sự khan hiếm số lượng dải tần radio có thể bán: năm quyền sở hữu dải tần là số lượng nhiều nhất mà các nhà kỹ thuật có thể đưa ra. Các bản quyền này có giá bao nhiêu cũng chả ảnh hưởng gì tới các khách hàng nhưng lại là vấn đề đối với những người đóng thuế, những người mong muốn chính phủ kiếm được thật nhiều tiền từ những nguồn tài sản công rất giá trị này và với những cổ đông của các công ty viễn thông, những người muốn công ty của họ phải trả càng ít chi phí càng tốt.

Nhìn lại những gì đã qua

Ở chương trước, chúng ta đã nghe nói đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, điều bắt đầu xuất hiện trong khi diễn ra hàng loạt các cuộc đấu giá quyền khai thác dịch vụ thế hệ thứ ba của châu Âu. Các công ty viễn thông nằm trong số những người bị thiệt nhiều nhất và những khó khăn của họ được thông báo rộng rãi. Chỉ riêng ở châu Âu, các công ty viễn thông đã lỗ khoảng 700 tỷ đô-la vào thị trường chứng khoán trong vòng hai năm rưỡi sau phiên đấu giá dịch vụ thế hệ thứ ba đầu tiên. Rất nhiều người đã kết tội phiên bán đấu giá cho những tai họa mà các hãng viễn thông phải chịu và họ cho rằng ban tổ chức phiên bán đấu giá ở Anh đã kém thông minh để cho giá đấu thầu tăng quá nhiều như vậy, làm lụi bại lĩnh vực di động bằng việc tính tiền tàn bạo ngu ngốc.

Theo những nguồn tin không được công bố rộng rãi thì những hãng chịu thiệt hại nhiều nhất đều không giành được quyền khai thác dịch vụ thế hệ thứ ba – họ là những hãng của Hoa Kỳ không tham gia vào các cuộc bán đấu giá ở châu Âu, hoặc là những công ty cáp đang gặp khó khăn như NTL hay Telewest, những hãng đã rút lui khỏi các cuộc bán đấu giá quyền khai thác dịch vụ thế hệ thứ ba mà không mất một xu. Những hãng giành được các bản quyền 3G, chẳng hạn như Vodafone, vẫn là những hãng đang thành công, có lẽ cũng có đôi chút ảnh hưởng sau “quả bong bóng” viễn thông, song vẫn hoàn toàn đứng vững và phát triển. Ban quản trị các hãng viễn thông có thể chỉ trích các buộc bán đấu giá ở Anh vì dịch vụ thế hệ thứ ba vẫn còn chưa được chứng minh được tính lợi nhuận của nó và có thể là mối đe dọa của các dịch vụ cạnh tranh khác chẳng hạn như Wi-Fi, nhưng công chúng nên tôn vinh chúng. Tất cả các công ty đã tham gia đấu giá đều bị thuyết phục rằng dịch vụ thế hệ thứ ba đem lại giá trị khan hiếm to lớn và những phiên đấu giá đó đã thành công trong việc bảo đảm một mức giá công bằng cho cái giá trị rõ ràng đó. Những người kế nhiệm John Von Neumann đã sử dụng lý thuyết trò chơi để giành được những thắng lợi ngoạn mục nhất về chính sách (có thể điều này còn gây tranh cãi) mà kinh tế học từ xưa tới nay chưa từng chứng kiến. Những kẻ “chẳng biết giá trị của cái gì” đã cho thấy rằng những nhà kinh tế, giống như các nha sỹ, cuối cùng sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng cho công sức của mình.

Chú thích:

26 John Von Neumann (1903-1957): nhà toán học Mỹ gốc Hungary có đóng góp lớn vào lý thuyết trò chơi, cơ học lượng tử.

27 Sotheby: Trung tâm đấu giá ở Amsterdam, Hà Lan.

28 Christies: Hãng đấu giá nổi tiếng ở New York.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.