Thám Tử Kinh Tế
8 – TẠI SAO CÁC NƯỚC NGHÈO LẠI NGHÈO?
Người ta gọi Douala là “cái nách của châu Phi”. Sự ví von này quả không sai. Nằm ở vị trí thấp chỗ bờ vai nhô ra phía tây lục địa châu Phi, thành phố bị nạn sốt rét hoành hành Douala thật ẩm ướt, kém hấp dẫn, và nhộn nhạo. Nhưng nếu bạn sống ở Cameroon, Douala là nơi sôi động nhất. Thực sự Cameroon là một quốc gia rất nghèo; trung bình người dân Cameroon nghèo hơn tám lần so với mức trung bình của thế giới và 50 lần so với mức của một người Mỹ điển hình. Vào cuối năm 2001, tôi đến Douala để tìm hiểu tại sao lại như vậy.
Tôi không chắc ai là người đầu tiên đặt cái biệt hiệu “cái nách” này nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đó là Bộ Du lịch của Cameroon. Tất cả chúng ta đều biết rằng ở hầu hết các quốc gia, Bộ Quốc phòng phụ trách việc tấn công các nước khác và Bộ Lao động chỉ huy dòng người thất nghiệp. Bộ Du lịch của Cameroon cũng nằm trong “truyền thống cao quý” đó. Công việc của bộ này là ngăn cản khách du lịch đến với quốc gia này.
Một đồng nghiệp đã cảnh báo tôi rằng Sứ quán Cameroon ở London sẽ gây trở ngại lớn đến mức tôi sẽ phải sang Pháp để lấy thị thực dành cho khách du lịch. Cuối cùng, tôi cũng gặp ít khó khăn hơn nhờ một người bạn làm “chân trong”: một người bạn ở Cameroon đã trả một nửa ngày lương của mình để kiếm cho tôi một con dấu chính thức mời du lịch. Với con dấu trong tay, tôi phải trả thêm 5 ngày lương Cameroon để lấy thị thực, quá trình này chỉ cần có 3 chuyến đi tới đại sứ quán và vài lần hạ mình xin xỏ. Thật kỳ quặc, tôi và những người bạn chẳng gặp nhiều khách du lịch trong 3 tuần ở Cameroon.
Nhưng tôi không muốn tin tưởng quá nhiều vào Bộ Du lịch. Ngăn cản khách du lịch là một trong những cố gắng thực sự của họ. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Cameroon là một trong những nước tham nhũng nhiều nhất trên thế giới. Vào năm 1999, đây là quốc gia bị điều tra tham nhũng nhiều nhất. Khi tôi đến đây năm 2001, Cameroon đang xếp thứ 5 trong số các nước tham nhũng nhiều nhất thế giới, một sự cải thiện đáng kể được chính phủ biểu dương. Sự phản ánh đó cũng cho thấy việc “đạt được” danh hiệu “Quốc gia có tệ tham nhũng nhiều nhất thế giới” là không dễ dàng chút nào. Bởi vì Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng các nước dựa trên mức độ tham nhũng mà tổ chức phát hiện được, chiến lược hay thành công là chiến lược tập trung vào việc bắt những thương nhân ngoại quốc phải hối lộ, ví dụ như ở sân bay chẳng hạn. Nhưng chính quyền Cameroon phải trải ra quá mỏng vì ở Cameroon việc tham nhũng diễn ra ở khắp các cấp chính quyền và không chỉ nhắm vào người nước ngoài. Có lẽ sự thiếu tập trung trong quản lý chính là nguyên nhân của việc họ bị trượt dài vào tốp các nước “có vết” nhất.
Nói như thế không có nghĩa sân bay quốc tế Douala là một nơi béo bở. Ngược lại là khác: nó là một nơi ẩm ướt, hỗn độn và bạn phải vất vả lắm mới lách nổi mình qua đám đông dù sự thật là đó chỉ là một sân bay nhỏ với ba hay bốn chuyến bay mỗi ngày. May thay, vào một buổi tối nóng như thiêu như đốt, chúng tôi được một người bạn là Andrew và tài xế của anh ta dẫn ra ngoài chơi, và nếu như từ Douala có thể dễ dàng đi bất cứ đâu thì họ đã dẫn chúng tôi đi đến một nơi mát mẻ hơn là thị trấn Buea trên sườn đồi rồi. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Douala, thành phố có 2 triệu cư dân, không có nổi một con con đường tử tế.
Một con phố thường gặp ở Douala rộng khoảng 50 thước Anh khoảng 45 mét, tính từ nhà bên này tới nhà bên kia. Khoảng cách này không phải dành chỗ cho hàng cây như ở các đại lộ. Nó được nêm chặt bởi những người bán hàng rong, luộm thuộm bên cạnh khay lạc rang, một khoanh thịt nướng được bọc tạm trong những chiếc lá chuối; và một vài nhóm người tụ tập, đứng bên những chiếc xe máy hoặc uống bia, đùn đẩy nhau những chén rượu, một số thì nấu nướng bên những đống lửa nhỏ. Có một số lượng lớn gạch vụn và vô số lỗ thủng là minh chứng của những công trình xây dựng dang dở và sự tàn phá. Giữa con đường là những dải nứt, ổ gà mà hai mươi năm trước nó đã từng là một con đường. Dưới những dải nứt nẻ là bốn luồng giao thông, chủ yếu là xe taxi. Những luồng phía ngoài thường được tạo nên bởi các xe đò chạy ổn định hoặc chỉ gần ổn định để kiếm thêm khách dọc đường, trong khi những xe taxi ở phía trong len lỏi trong những ổ gà và những xe con khác, vật lộn với sự may rủi của số phận. Chẳng có luật lệ nào đủ tính răn đe. Thỉnh thoảng một chiếc taxi với đầy chật người ngồi bên trong đang đi ở sát lề đường sẽ chòng chành và lạng lách giữa dòng xe cộ đang tắc nghẽn trái phép; thường thì lề đường luôn “ngon” hơn đường chính. Tiếng ồn thì thật khó có thể tin được, vì có vẻ như không chỉ mỗi người đàn ông, đàn bà và trẻ em ở đây mang một chiếc hộp khuếch đại âm thanh với công suất lớn nhất, mà thậm chí tiếng còi ô tô cũng trở thành phương tiện liên lạc được dùng rộng rãi. Tôi đã nhận ra có những câu hay được nói nhất:
BÍP – “Mày không thấy à, tao còn ghế trống trên xe đấy”
BÍP – “Tao thấy mày rồi, nhưng tao không còn chỗ trống nào nữa”
BÍP – “Tao không thể lấy vé cho mày được vì tao không đi cùng đường với mày”
BÍP – “Tao sẽ đưa mày đi… lên xe đi”
BÍP – “Tao đang phải vòng qua cái ổ gà, tao húc cho mày một cái bây giờ. Tránh ra!”
Douala đã từng có xe buýt, nhưng dần dần xe buýt không còn đương đầu được với các con đường đang xuống cấp trầm trọng. Vì thế, chỉ còn xe taxi trụ lại. Những chiếc xe đò thực chất là những chiếc xe Toyota cũ nát, chở bốn người ở băng ghế sau và ba người ở băng ghế trước, chúng được xịt nước sơn màu vàng giống xe đò ở New York, mỗi xe có những dòng khẩu hiệu riêng: ví dụ, Chúa Vĩ đại (God is Great), Chúng ta tin vào Chúa (In God We Trust), Được Chúa ban Sức mạnh (Powered by God), hay Đấng Tối cao (Toss Man).
Không ai nhìn quang cảnh đường phố ở Douala mà có thể kết luận rằng Cameroon là một nước nghèo do thiếu tinh thần kinh doanh. Nhưng đây thực sự là một quốc gia nghèo, và càng ngày càng nghèo. Phải làm cái gì đó để có thể đảo ngược tình hình suy tàn này và giúp Cameroon trở nên giàu hơn? Đó không phải là một câu hỏi nhỏ. Như nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel, Robert Lucas, đã nói:
Hệ quả của việc trợ cấp liên quan tới những câu hỏi rất gây sửng sốt: Một khi đã bắt đầu nghĩ về chúng, thật khó để nghĩ về những cái khác.
Miếng ghép còn thiếu
Các nhà kinh tế thường nghĩ rằng sự giàu có về mặt kinh tế được tạo nên bởi sự kết hợp của những nguồn tài nguyên nhân tạo (đường sá, nhà máy, máy móc, hệ thống điện thoại), nguồn lực con người (người lao động chăm chỉ và được đào tạo tốt) và tài nguyên công nghệ (các kỹ thuật, các bí quyết sản xuất hay đơn giản là máy móc công nghệ cao). Thế thì hiển nhiên các nước nghèo sẽ trở nên giàu có bằng cách đầu tư tiền bạc vào cơ sở hạ tầng cùng với việc cải thiện nguồn lực con người và công nghệ kết hợp với những chương trình chuyển giao công nghệ và giáo dục.
Có điều gì không ổn với bức tranh này? Trong một chừng mực nào đó thì chưa có gì cả. Nền giáo dục, nhà máy xí nghiệp, cơ sở hạ tầng, công nghệ và bí quyết sản xuất rất dồi dào ở các nước giàu có nhưng lại thực sự thiếu thốn trầm trọng ở những nước nghèo. Bức tranh không hoàn thiện: trò chơi xếp hình với rất nhiều miếng ghép quan trọng bị thiếu.
Đầu mối đầu tiên là có gì đó không còn phù hợp với câu chuyện cũ với ngụ ý là các nước nghèo nên bắt kịp các nước giàu ngay từ thế kỷ trước và rằng càng bị bỏ xa phía sau, các nước nghèo càng phải cố gắng bắt kịp nhanh hơn. Các nước nghèo hơn nên bắt kịp các nước giàu khẩn trương vì ở một nước có rất ít tài nguyên về cơ sở hạ tầng và nền giáo dục thì các phát minh mới được thưởng nhiều nhất. Những nước giàu không có lợi nhiều lắm dù có những phát minh thêm nữa: điều này gọi là “lợi suất giảm dần”. Ví dụ, một vài con đường ở các nước nghèo có thể mở ra cả một vùng mới cho giao lưu thương mại; còn ở một nước giàu, thêm một vài con đường chỉ giúp giảm ách tắc giao thông hơn một chút. Một vài cái điện thoại đầu tiên ở một nước nghèo có thể có tầm quan trọng cực lớn; còn ở một nước phát triển, điện thoại có thể được trẻ con sử dụng để nhắn tin trong lớp học. Được đào tạo tốt hơn một chút ở các nước kém phát triển có thể tạo nên sự khác biệt lớn; còn ở một nước phát triển có những người có nhiều bằng cấp mà vẫn không kiếm nổi việc làm. Và tất nhiên, các nước nghèo có thể sao chép công nghệ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc một nước phát triển phát minh ra nó: những công dân Douala vẫn có thể được đi xe taxi mà chẳng cần phải đợi có ông “Gottlieb Daimler29 người Cameroon” phát minh lại động cơ đốt trong.
Khi bạn nhìn vào nơi khác như Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc, những quốc gia đã tăng gấp đôi thu nhập sau mỗi một thập kỷ hoặc thậm chí còn nhanh hơn, thì lý thuyết bắt kịp có vẻ có lý. Nhưng nhiều nước nghèo hiện nay không phát triển nhanh hơn các nước giàu. Trên thực tế, họ đang phát triển chậm chạp hay như Cameroon, họ còn ngày một nghèo hơn. Để tạm thời giải quyết câu chuyện cũ mèm này, các nhà kinh tế đã kết hợp mô hình “lợi suất giảm dần” của họ với một mô hình cũng tính đến cả “lợi suất tăng dần”. Lý thuyết mới nói rằng trong một số trường hợp nếu bạn có càng nhiều, bạn phát triển càng nhanh: điện thoại sẽ hữu ích hơn nếu những người khác cũng có điện thoại; các con đường cũng sẽ có ích hơn nếu mọi người đều có xe hơi; công nghệ cũng dễ phát minh hơn nếu bạn đã từng có nhiều phát minh trước đó.
Câu chuyện giải thích được tại sao những nước giàu ngày càng giàu còn những nước nghèo lại càng ngày càng tụt hậu, nhưng nó không giải thích được tại sao Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc – không kể Botswana, Chile, Ấn Độ, Mauritius và Singapore – đang bắt kịp được các nước phát triển. Chính là những quốc gia năng động này, mà không phải Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Thuỵ Sỹ đang trở thành những nền kinh tế phát triển nhanh nhất hành tinh. 50 năm trước, họ phải ở trong tình trạng bần cùng – thiếu nguồn lực nhân tạo, thiếu nhân lực, kỹ thuật và thỉnh thoảng còn thiếu cả tài nguyên thiên nhiên – nhưng sau đó họ đã phát triển giàu có hơn nhiều. Cùng với quá trình phát triển, họ đã cải thiện nền giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Và sao lại không nhỉ? Khi mà công nghệ giờ đã có mặt ở khắp mọi nơi và dễ dàng phát triển với chi phí ngày càng rẻ, đó thực sự là những điều mà các nhà kinh tế nên mong đợi ở các nước đang phát triển. Trong một thế giới mà tỷ suất lợi nhuận luôn giảm thì các nước nghèo nhất kiếm lợi nhiều nhất từ những công nghệ mới, cơ sở hạ tầng và nền giáo dục. Thí dụ là Hàn Quốc, một nước giành được công nghệ bằng việc khuyến khích các công ty nước ngoài vào đầu tư hay mua lại các bản quyền sáng chế. Việc làm này không vô bổ chút nào: cùng với tiền phí chuyển giao công nghệ, các công ty đến đầu tư sẽ chuyển lợi nhuận về nước. Nhưng trong nền kinh tế phát triển với cách thức như vậy, những lợi ích mà các nhà sáng chế và công nhân Hàn Quốc có được lớn hơn gấp 50 lần chi phí và lợi nhuận bị các nhà đầu tư nước ngoài lấy đi. Như với giáo dục và cơ sở hạ tầng, vì những giá trị mang lại xem ra là khá lớn, nên sẽ không thiếu gì nhà đầu tư sẵn lòng cấp tiền cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cho sinh viên vay tiền hay cung cấp tài chính cho chính phủ phát triển các dịch vụ giáo dục miễn phí. Các ngân hàng trong và ngoài nước, nối đuôi nhau cho mọi người vay tiền để hoàn thành việc học tập, mở một con đường mới hay xây dựng một nhà máy điện mới. Lần lượt những người dân nghèo hay những quốc gia nghèo sẽ rất vui mừng nhận về những khoản tiền cho vay đó và tin rằng những giá trị đem lại từ các khoản đầu tư sẽ rất lớn do vậy việc trả nợ sẽ không quá khó. Thậm chí vì một lý do nào đó mà điều đó không xảy ra thì Ngân hàng Thế giới, thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai với nhiệm vụ đặc biệt là cung cấp khoản vay để các nước tái thiết và phát triển lại sau chiến tranh, vẫn cho các nước đang phát triển vay hàng tỷ đô-la mỗi năm. Vốn đầu tư rõ ràng không phải là vấn đề, dù người ta có không đầu tư hay các khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận như những mô hình truyền thống đã dự báo.
Thậm chí mô hình “tỷ suất lợi nhuận gia tăng” gợi ý rằng các nước nghèo có thể trở nên giàu có hơn chừng nào họ thực hiện xong một số dự án đầu tư cùng một lúc, chẳng hạn như đầu tư các nhà máy, đường sá, điện lực và các cảng biển để cho phép hàng hóa được sản xuất và xuất khẩu. Lý thuyết “cú hích mạnh” về việc đầu tư này đã được phát triển bởi nhà kinh tế Paul Rosenstein – Rodan30, người từng làm việc ở Ngân hàng Thế giới vào những năm đầu thành lập. Dù là nhờ “cú huých mạnh” hay cách nào khác thì nhiều nước nghèo đã cố gắng rất nhiều để phát triển nhanh từ vài thập kỷ trước, thế nhưng tại sao có nhiều nước khác bị bỏ lại đằng sau?
Lý thuyết về một chính phủ kẻ cướp
Khi xe của chúng tôi luồn lách vào đám đông, tôi cố gắng để lý giải được tất cả những vấn đề đó bằng cách hỏi Sam, người lái xe, về đất nước này.
“Sam này, lần cuối cùng con đường này được sửa là khi nào?”
“Các con đường à, chúng đã không được sửa chữa 19 năm nay rồi.”
(Tổng thống Paul Biya đã nắm quyền vào tháng Mười một năm 1982 và đã được 19 năm tính tới thời điểm tôi đến Cameroon. Bốn năm sau đó, vào năm 2005, ông ta vẫn còn nắm quyền. Gần đây, ông ta gọi những đối thủ của mình là “những chính khách nghiệp dư” – họ hiển nhiên là không có thực tế điều hành vì chưa từng nắm chính quyền.)
“Người ta không than phiền gì về con đường sao?”
“Họ có kêu ca, nhưng chẳng ai làm gì cả. Chính phủ bảo với chúng tôi là không có tiền. Nhưng thực ra có rất nhiều tiền từ Ngân hàng Thế giới, từ Pháp, Anh và cả Hoa Kỳ – nhưng họ đã bỏ túi những khoản tiền đó. Họ không dùng tiền để tu sửa đường sá.”
“Ở Cameroon có tổ chức bầu cử không?”
“Có chứ! Có các cuộc bầu cử. Tổng thống Biya luôn luôn tái đắc cử với 90% số phiếu”.
“90% đó là do người ta bầu cho Tổng thống Biya à?”
“Không, họ không bầu. Chẳng ai biết ông ta cả. Thế nhưng vẫn có được 90% đa số phiếu.”
Bạn không cần phải ở Cameroon quá lâu để có thể nhận ra rằng người dân ở đây rất không bằng lòng với chính phủ. Tất cả các hoạt động của chính phủ đều có vẻ như được thiết kế ra cốt để móc túi nhân dân Cameroon. Tôi được cảnh báo gay gắt về tệ tham nhũng của chính quyền ở đây và có lẽ họ nói đúng khi các viên chức ở sân bay đã cố gắng “trấn lột” của tôi một xấp franc Pháp, việc mà tôi còn cảm thấy hoảng sợ hơn cả nguy cơ bị mắc bệnh sốt rét hay bị chĩa súng vào lưng trên các con phố ở Douala.
Rất nhiều người có cái nhìn lạc quan về các chính trị gia và những công chức nhà nước – rằng tất cả bọn họ đều phục vụ nhân dân và nỗ lực hết mình để chăm lo lợi ích cho đất nước. Những người khác thì hoài nghi hơn, cho rằng nhiều nhà chính trị thực sự bất tài và thường hay dùng lợi ích của cộng đồng để thỏa hiệp cho cơ hội tranh cử của bản thân họ.
Một nhà kinh tế tên là Mancur Olson31 đã gợi ý một giả thuyết có thể chấp nhận được, đó là động lực của chính phủ còn đen tối hơn. Và ông đưa ra một lý thuyết đơn giản và đáng lưu ý về việc tại sao nền độc tài ổn định lại không tốt cho sự tăng trưởng của nền kinh tế như nền dân chủ nhưng vẫn còn tốt hơn tình trạng vô chính phủ. Olson cho rằng chính phủ chỉ đơn giản là những tên cướp, những kẻ có quyền lực nhất sẽ xuất hiện và lấy đi mọi thứ. Đó chính là điểm bắt đầu trong bài phân tích của ông – luận điểm mà bạn cũng sẽ đồng ý ngay mà không thấy có vấn đề gì nếu như bạn thử dừng lại 5 phút để nhìn ra xung quanh bạn ở đất nước Cameroon này. Như Sam nói, “Có vô số tiền… nhưng họ đã bỏ túi chúng làm của riêng”.
Thử tưởng tượng một nhà độc tài với nhiệm kỳ kéo dài một tuần: hay đúng hơn là một tên cướp với đội quân lưu động tràn tới, lấy đi tất cả những gì hắn muốn và lại bỏ đi. Cứ cho rằng hắn không độc ác, cũng chẳng tốt bụng, mà chỉ là kẻ có tính tư lợi, chẳng tội gì mà hắn không cướp hết trừ khi hắn dự định sẽ quay lại vào năm sau.
Nhưng hãy tưởng tượng rằng tên cướp lang thang đó thích khí hậu nơi này và quyết định sẽ ở lại, xây dựng cung điện và khuyến khích quân đội của mình lợi dụng những người dân địa phương. Mặc dù thật không công bằng nhưng bây giờ những người dân địa phương đã trở nên giàu có đến nỗi tên độc tài đã quyết định ở lại nơi đây. Một tên độc tài chỉ có tính tư lợi sẽ nhận ra rằng hắn không thể huỷ hoại nền kinh tế và bỏ đói người dân nếu hắn ta còn có ý định quẩn quanh khu vực đó, vì như thế hắn sẽ làm cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên và không còn gì để lấy vào năm sau nữa. Vậy nên một nhà độc tài tuyên bố quyền thống trị của mình trên một vùng đất sẽ dễ được chấp nhận hơn là một tên cướp liên tục đi khắp mọi nơi tìm những nạn nhân để cướp bóc.
Dù có vẻ chẳng liên quan gì, nhưng sinh học lại đưa ra những mô hình hữu ích cho những nhà kinh tế chính trị: những con vi-rút và vi khuẩn có khuynh hướng ngày càng bớt nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi vì những loại vi-rút nguy hiểm nhất đã nhanh chóng biến mất. Khi bệnh giang mai được ghi nhận lần đầu tiên ở châu Âu vào cuối thế kỷ XV, nó được mô tả là căn bệnh khủng khiếp, thứ bệnh nhanh chóng giết chết nạn nhân. Đây không phải là một chiến lược thực sự thành công nhưng nếu con vi-rút cho nạn nhân của nó được sống, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn, để có thể phát tán bệnh dịch thì sẽ tốt hơn nhiều. Vì thế mà loại vi-rút gây bệnh giang mai biến đổi không giết người nhanh chóng lại thành công hơn và làm cho nó có thể tồn tại lâu hơn những bệnh dịch khác.
Khi tôi nghĩ tới Tổng thống Biya, đầu óc tôi lại bị mắc kẹt với những ý nghĩ về sự phát triển của bệnh dịch. Tôi không thể xác nhận được liệu ông ta có khớp với những mô tả của Olson về một nhà độc tài tư lợi hay không. Nhưng nếu như ông tổng thống này giống những mô tả đó thì ông ta cũng không thích lấy quá nhiều từ những người dân Cameroon, bởi vì nếu làm như vậy, năm sau sẽ không còn gì để lấy. Chừng nào mà ông ta còn cảm thấy yên tâm với nhiệm kỳ của mình thì ông ta sẽ không đời nào lại giết mất con ngỗng đẻ trứng vàng. Cũng giống như là bệnh tật mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào thân thể của người bệnh mà nó đang hành hạ, Biya cần phải giữ cho nền kinh tế Cameroon hoạt động để tiếp tục bòn rút. Điều này cho thấy một nhà lãnh đạo tự tin muốn nắm quyền lực trong 20 năm sẽ làm nhiều việc để nuôi dưỡng nền kinh tế hơn là một người muốn chạy trốn, bỏ lại tổ quốc sau 20 tuần nắm quyền. 20 năm của “một nhà độc tài đắc cử” có lẽ còn tốt hơn 20 năm thay hết vị lãnh đạo này tới vị lãnh đạo khác. Tổng thống Biya có là tổng thống suốt đời được không? Điều này không nói rằng lý thuyết của Mancur Olson dự báo rằng những chế độ độc tài ổn định sẽ đem đến những điều tốt đẹp cho đất nước của chúng, đơn giản chúng sẽ huỷ hoại nền kinh tế ít hơn các chế độ độc tài kém ổn định khác. Nhưng những nhà lãnh đạo như ông Biya, những người luôn tự tin rằng họ sẽ luôn chiến thắng trong các cuộc bầu cử, vẫn là những nhà lãnh đạo gây thiệt hại lớn cho người dân và nền kinh tế. Với giả định đơn giản rằng Biya có quyền lực tuyệt đối trong việc phân phối nguồn thu nhập của Cameroon, ông ta có thể quyết định bòn rút từ đó, cứ cho là một nửa số thu nhập đó mỗi năm thông qua hình thức “thu thuế” và tiền kiếm được sẽ đổ vào tài khoản cá nhân của ông ta. Đó tất nhiên là tin xấu cho những nạn nhân của ông ta, nhưng cũng là điều chả hay ho gì cho sự tăng trưởng lâu dài của Cameroon. Hãy thử nghĩ xem một nhà kinh doanh nhỏ xem xét việc đầu tư khoảng 1.000 đôla vào máy phát điện mới cho xưởng của anh ta. Khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ đem về 100 đô-la lợi nhuận mỗi năm, tức là 10%, một con số lợi nhuận khá ổn. Nhưng vì Tổng thống Biya có thể lấy mất một nửa số lợi nhuận đó, nên tiền lãi sẽ giảm xuống con số kém hấp dẫn hơn nhiều là 5%. Cuối cùng, doanh nhân đó quyết định không đầu tư nữa, thế là cả anh ta và Biya đều mất cơ hội được lợi từ khoản đầu tư. Đó là một ví dụ rất điển hình về hiện tượng kỳ lạ mà chúng ta đã khám phá ở Chương 3: thuế gây nên sự thiếu hiệu quả. Chính sách thuế của Biya thì chuyên quyền và càng ngày càng tăng, song về bản chất thì ảnh hưởng cơ bản của nó thì cũng tương tự mà thôi.
Tất nhiên, Tổng thống Biya cũng có thể tự mình đầu tư, ví dụ như xây dựng cầu cống, đường sá để khuyến khích đầu tư thương mại. Trong khi những khoản đầu tư này có vẻ là khá tốn kém trong gian đoạn đầu, nhưng chúng sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển phồn thịnh và đem đến cho Tổng thống Biya cơ hội để bòn rút sau này. Song, mặt trái của cùng một vấn đề bắt đầu phát huy tác dụng: Tổng thống Biya sẽ lấy đi một nửa số lợi nhuận, không đủ để khuyến khích ông ta cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho Cameroon. Khi Tổng thống Biya nắm quyền vào năm 1982, ông ta được kế thừa những con đường từ thời thuộc địa để lại, những con đường chưa hoàn toàn hỏng hẳn. Nếu như ông ta nắm quyền điều hành đất nước mà chẳng được thừa hưởng chút cơ sở hạ tầng nào thì có lẽ ông ta đã quan tâm hơn tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Bởi vì cơ sở hạ tầng đã có sẵn ở đó, Tổng thống Biya cần phải toan tính xem liệu có đáng để tu sửa, hay đơn giản là sống ăn bám vào những di sản quá khứ để lại. Vào năm 1982, ông ta có thể đã nghĩ rằng những con đường đó sẽ tồn tại được tới những năm 1990, miễn là ông ta có lý do để hy vọng sẽ giữ được quyền cai trị của mình cho tới lúc đó. Và ông ta đã quyết định sống dựa dẫm vào những nguồn vốn trong quá khứ và chẳng bao giờ bận tâm tới việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người dân. Chừng nào mà chúng vẫn còn đủ để ông ta thành công với những luật lệ của mình thì tại sao lại phải bận tâm tới việc chi tiền cho người dân trong khi khoản tiền đó có thể chạy thẳng vào túi cá nhân ông ta?
Có lẽ tôi có hơi bất công với Tổng thống Byia? Vào đợt tuyển cử năm 2004, diễn ra sau khi tôi đến thăm Cameroon, ông Biya vững chắc với 75% số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử mà theo các quan sát viên đánh giá là đạt yêu cầu về tính minh bạch. Theo lý thuyết của Olson, một nhà lãnh đạo nếu muốn đảm bảo các chính sách của mình được ủng hộ rộng rãi cần phải chi nhiều tiền hơn từ các khoản ngân khố quốc gia vào việc sản xuất nhiều hàng hóa và cung cấp các dịch vụ như xây dựng đường phố và nhà chung cư, giảm bớt những khoản chi tiêu cho bản thân và gia đình, bạn bè. Thực tế là ông Biya đã thất bại trong việc thực hiện điều đó nhưng vẫn có thể giữ được ghế của mình, điều đó làm nảy ra hai câu hỏi: Thứ nhất, liệu có khả năng các cuộc bầu cử đã không được dân chủ như những nhà quan sát nhận định? Thứ hai, liệu ông Biya có thể chi tiền cho nhân dân nếu ông ta muốn làm điều đó không?
Những tên cướp ở khắp mọi nơi
Có vẻ như Tổng thống Biya không thực sự nắm quyền lực nhiều như lúc đầu ta vẫn tưởng. Nếu bạn muốn lái xe từ thị trấn Buea đến Bameda, xa hơn về hướng bắc, thì cách phổ biến nhất là đi xe buýt, loại xe buýt nhỏ chạy trên khắp các tuyến đường dài ở Cameroon. Được thiết kế để chở 10 người, nhưng chúng sẽ khởi hành ngay khi có đủ 13 khách lên xe. Vì thế, chỗ ngồi khá rộng rãi bên cạnh lái xe cũng đáng để các hành khách tranh giành nhau. Đó là những chiếc xe hơi cũ và ọp ẹp, nhưng hệ thống này vẫn hoạt động khá tốt.
Nó sẽ còn hoạt động tốt hơn nữa nếu như không có những tác động xấu từ chính phủ. Thỉnh thoảng vấn đề chỉ đơn giản là do sự cẩu thả, thiếu quan tâm. Chẳng hạn như tuyến nhanh nhất, tất nhiên là không phải hầu hết các tuyến, từ Buea tới Bamenda băng qua khu vực nói tiếng Pháp của Cameroon, nơi có những con đường tốt hơn. Đơn giản là lái xe về hướng đông trong 2 tiếng đồng hồ, hướng bắc trong 2 tiếng và sau đó lái về hướng tây trong 2 tiếng nữa. Cách này nhanh hơn nhiều so với việc lái trực tiếp về hướng bắc trên những con đường kinh hoàng băng qua vùng nói tiếng Anh của Cameroon. Chính phủ của ông Biya có vẻ lờ đi những quyền lợi của vùng nói tiếng Anh đang còn khó khăn này. Những người thiểu số nói tiếng Anh ở đây than phiền rằng khi có những nhà tài trợ cho những con đường vành đai ở Cameroon thì chính phủ chỉ gửi cho họ “giấy biên nhận tiền” mà thực sự chẳng bận tâm tới việc xây dựng vùng này. Cản trở thứ hai, hiểu theo nghĩa đen, là vô số hàng rào cảnh sát.
Những tên lính hay bắt nạt người dân, thường thì say xỉn, chặn tất cả các xe buýt và cố gắng lấy tiền mãi lộ của hành khách. Chúng thường thất bại nhưng thỉnh thoảng rất kiên quyết. Anh bạn Andrew của tôi đã từng bị kéo ra khỏi xe buýt và bị quấy rối hàng giờ liền. Lý do cuối cùng để bắt anh bạn tôi phải đút lót là việc thiếu giấy chứng nhận không bị bệnh sốt vàng, nhưng lọai giấy này chỉ cần thiết khi bạn làm thủ tục nhập cảnh chứ không cần thiết khi đi lại bằng xe buýt. Tên lính kiên nhẫn giải thích rằng Cameroon cần phải được bảo vệ trước nạn dịch bệnh. Một khoản tiền đủ cho hai vại bia đã thuyết phục hắn bệnh dịch đã được ngăn chặn và Andrew bắt chuyến xe tiếp theo 3 giờ sau đó.
Điều này thậm chí kém hiệu quả hơn mô hình của Mancur Olson tiên đoán. Bản thân Olson cũng thừa nhận rằng lý thuyết của ông ấy dù đã ở mức khắt khe nhất cũng vẫn đánh giá chưa đúng về những tác hại do một chính phủ yếu kém gây ra cho người dân. Tổng thống Biya cần phải làm cho hàng trăm nghìn cảnh sát vũ trang và các sỹ quan quân đội cảm thấy thỏa mãn, cùng với nhiều nhân viên tuỳ tùng và những người ủng hộ chính phủ khác. Trong một chế độ độc tài “hoàn hảo”, ông ta sẽ đơn giản là áp dụng một chính sách thuế má ít thiệt hại nhất có thể đủ đảm bảo số lợi nhuận để phân phối cho những phe cánh của mình. Cách giải quyết này của chính phủ hóa ra lại phi thực tế vì nó đòi hỏi quá nhiều thông tin và khả năng quản lý nền kinh tế hơn mức một chính phủ nghèo khó có thể đáp ứng. Giải pháp thay thế là chính phủ phải chấp nhận tình trạng tham nhũng trên diện rộng.
Sự tham nhũng không chỉ là hành động sai trái mà còn hết sức lãng phí. Những tên lính dùng thời gian của mình vào việc nhũng nhiễu hành khách và thu về những khoản lợi nhuận cũng chẳng thấm vào đâu. Còn những gì bị lãng phí thì thật khổng lồ. Toàn bộ hệ thống cảnh sát quá bận bịu với việc ăn hối lộ đến nỗi không để ý gì tới việc bắt tội phạm. Một chuyến hành trình lẽ ra chỉ 4 tiếng sẽ mất tới 5 tiếng. Những hành khách sẽ phải có thêm các hành động tốn kém để tự bảo vệ mình: mang theo người ít tiền hơn, đi lại ít hơn hoặc đi vào những giờ cao điểm của ngày, mang theo thêm giấy tờ chứng nhận công việc để giúp họ tránh bị buộc phải hối lộ.
Sự bao vây phong toả và những viên cảnh sát không ngay thẳng tạo nên một hình thức tham nhũng đặc biệt trắng trợn, nhưng cũng còn có những rào cản không dễ thấy trên khắp nền kinh tế Cameroon. Ngân hàng Thế giới đã làm sáng tỏ chúng khi gần đây họ bắt đầu thu thập các thông tin về các quy định kinh doanh cơ bản. Họ phát hiện ra rằng để đăng ký thành lập một doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, một doanh nhân ở Cameroon phải chi ra một khoản tiền lệ phí chính thức nhiều gần bằng số tiền trung bình một người dân Cameroon làm trong hai năm. (So với số tiền này, chi phí của tôi bỏ ra để có được thị thực du lịch chẳng thấm vào đâu.) Khi mua hoặc bán một tài sản thì phải chi gần bằng 1/5 giá trị tài sản. Muốn tòa án giải quyết một vụ nợ đọng nào đấy bạn phải mất gần hai năm cùng số chi phí tương đương 1/3 giá trị số tiền bạn cần đòi, đấy là chưa kể bạn còn bị hạch sách phải hoàn thành 58 thủ tục pháp lý khác nữa. Những quy định khôi hài đó là tin tốt cho những quan chức thực hiện chúng. Mỗi một thủ tục hành chính là một cơ hội để ăn hối lộ. Quá trình giải quyết các thủ tục hành chính càng chậm chạp thì các khoản “tiền bôi trơn” phải trả càng lớn. Kết quả là Tổng thống Biya có được sự ủng hộ của những công chức để có thể vững chắc trên chiếc ghế quyền lực.
Đó vẫn chưa phải kết quả duy nhất. Những quy định thiếu linh hoạt của luật lao động đảm bảo rằng chỉ những người lao động có kinh nghiệm và chuyên nghiệp mới được ký hợp đồng lao động chính thức; còn phụ nữ và những lao động trẻ phải tự lo liệu xoay sở trong những thị trường ảm đạm. Các thủ tục hành chính làm cản trở những doanh nghiệp mới. Sự can thiệp chậm chạp của tòa án rõ ràng làm cho các nhà buôn buộc lòng phải huỷ bỏ các cơ hội hấp dẫn với các khách hàng mới, bởi vì họ biết sẽ không thể tự bảo vệ mình nếu họ bị lừa đảo. Các quốc gia nghèo có những ví dụ tồi tệ nhất về những quy định, thủ tục kiểu đó và đó là một trong những lý do chính khiến họ luôn nghèo. Chính quyền ở các nước giàu thường thực hiện những công việc hành chính cơ bản nhanh chóng với chi phí thấp, trong khi đó chính phủ ở các nước nghèo tô vẽ thêm những thủ tục để hy vọng bỏ túi được nhiều tiền hơn.
Thể chế là nhân tố quyết định
Chính quyền ăn cướp, lãng phí xảy ra phổ biến và những quy định hành chính nặng nề được sinh ra để làm cho việc tham nhũng dễ dàng hơn. Tất cả đều là những mảnh còn thiếu trong trò chơi xếp hình về sự tăng trưởng và phát triển. Mười năm trước đây hoặc xa hơn, các nhà kinh tế nỗ lực cải thiện các vấn đề phát triển đã có cùng một câu thần chú là “thể chế là nhân tố quyết định”. Tất nhiên là thật khó để mô tả một “thể chế” thực sự là cái gì; thậm chí việc chuyển đổi một thể chế không tốt thành một thể chế tốt còn khó hơn.
Nhưng nó vẫn đang vận hành. Lý thuyết của Mancur Olson về chính quyền ăn cướp giúp chúng ta hiểu được, theo cách đơn giản, các kiểu nhà nước khác nhau có thể tác động tới những động lực của người dân quốc gia đó như thế nào, mặc dù nó không chỉ cho chúng ta chi tiết cách cải thiện tình hình.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về tệ quan liêu cho chúng ta một cảm nhận rất rõ về một loại thể chế: Các quy định kinh doanh cơ bản. Dự án cũng cho thấy sự công khai minh bạch có thể cải thiện được những thể chế này. Ví dụ, sau khi Ngân hàng Thế giới thông báo một thực tế rằng những doanh nhân ở Ethiopia không được phép bắt đầu việc kinh doanh hợp pháp của mình nếu không trả một khoản tiền tương đương với lương làm việc trong bốn năm để đăng thông báo chính thức trên các tờ báo của chính phủ, chính quyền Ethiopia đã “thông cảm” và quyết định bãi bỏ quy định này. Ngay lập tức, số lượng đăng ký kinh doanh mới nhảy vọt lên gần 50%.
Đáng tiếc là không phải lúc nào cũng dễ dàng khiến những chính quyền tham nhũng có thể thay đổi đường lối làm việc của họ. Mặc dù càng ngày càng rõ ràng rằng những thể chế hoạt động không bình thường chính là những nhân tố chính giải thích cho sự nghèo đói ở các nước đang phát triển, hầu hết các thể chế đều không thể mô tả được với mô hình “tao nhã” như của Mancur Olson, hay thậm chí những dữ liệu thu thập được của Ngân hàng Thế giới. Gần như tất cả những thể chế đáng buồn đó đều đáng buồn theo cách riêng của chúng.
Thư viện tồi tệ nhất thế giới
Chính việc thiết lập thể chế mang lại kết quả ngược lại mong đợi đó phải chịu trách nhiệm cho cái thư viện tồi nhất thế giới này. Một vài ngày sau khi tôi tới Cameroon, tôi đến thăm một trong những trường tư thục nổi tiếng nhất đất nước này, một trường tư thục của Cameroon vào loại tầm cỡ như trường Eton32 của Anh quốc. Ngôi trường cách thành phố Bamenda không xa. Nó là một sự hòa trộn của sự thân thuộc và lạc lõng: những phòng học thấp, được xây dựng với giá rẻ bao quanh sân chơi làm tôi rất nhớ về ngôi trường cũ của mình ở Anh. Nhưng một con đường lớn có trồng cây được lát gạch theo kiểu quái đản (kiểu như Tim Burton33 gặp Born Free34) mà dọc theo nó là những dãy nhà ở của toàn bộ giáo viên thì chẳng gợi tôi nhớ đến cái gì.
Chúng tôi được người thủ thư dẫn đi xem quanh trường. Đó là một thành viên của tổ chức VSO35 của Anh, với mục đích là cử những người tình nguyện có kinh nghiệm tới những nơi cần họ nhất ở những nước nghèo. Ngôi trường lấy làm kiêu hãnh với hai tòa nhà thư viện khác nhau, nhưng người thủ thư trông lại có vẻ không vui và tôi nhanh chóng hiểu lý do tại sao.
Mới nhìn qua thì thư viện này trông khá ấn tượng. Không kể ngôi nhà nguy nga của bà Hiệu trưởng thì nó là dãy nhà hai tầng duy nhất trong khuôn viên trường. Thiết kế của nó thật sáng tạo: nhà hát Opera ở Sydney của một gã nghèo khó. Cái mái dốc đứng của ngôi nhà, thay vì chạy từ trên nóc nhà xuống thì lại kéo vút lên theo hình chữ V từ khe mái trung tâm trông giống như các trang sách của một quyển sách dựng đứng gáy, đang mở.
Bất chấp thiết kế sáng tạo của nó, tôi chắc chắn rằng những ký ức về cái thư viện mới rất đẹp mắt kia sẽ tồn tại lâu hơn nhiều so với tòa nhà đó. Nếu bạn đứng dưới cái nắng khủng khiếp của mùa khô Cameroon thì khó mà thấy ngay được cái mái nhà trông giống như một quyển sách khổng lồ đang mở kia sẽ gặp phải vấn đề gì. Nhưng đó là khi bạn quên mất, giống như các kiến trúc sư xây dựng công trình này, rằng Cameroon cũng có một mùa mưa. Khi mùa mưa đến, trời mưa tầm tã trong năm tháng và mưa to tới mức hầu hết các mương sẽ nhanh chóng bị tràn. Khi những cơn mưa kiểu như vậy dội vào chiếc mái không nhiều lắm, thế mà cái mái này, thực ra là một chiếc máng nước, lại dội thẳng vào tiền sảnh có mái bằng, bạn biết đấy, đó là lúc các quyển sách bị phá nát.
Lý do duy nhất mà những quyển sách của trường vẫn còn tồn tại là bởi vì chúng chưa bao giờ ở gần tòa nhà mới đó; người thủ thư đã từ chối những những lời yêu cầu liên tiếp của bà Hiệu trưởng về việc chuyển đống sách từ thư viện cũ sang tòa nhà mới. Tôi đã buộc phải kết luận rằng người thủ thư đó đã có lối tư duy cực kỳ tân tiến khi từ chối những đề nghị như vậy khi tôi bước vào trong thư viện mới để chứng kiến tận mắt sự đổ nát. Thư viện đang ở trong tình trạng hư hại nghiêm trọng. Sàn nhà có vô số những vết bẩn do những vũng nước mưa động lại. Không khí đầy mùi ẩm mốc giống như mùi của một hang động ẩm thấp ở châu Âu, không giống như một ngôi nhà hiện đại nằm ở xích đạo chút nào. Những mảng vữa thì bị bong ra từng mảng trông như những bức tranh vẽ trên tường hàng ngàn năm tuổi của thời kỳ Byzantine Trung Cổ. Vậy mà thư viện này mới chỉ được bốn năm tuổi.
Thật là một sự lãng phí đến sửng sốt. Thay vì xây dựng cái thư viện này, lãnh đạo nhà trường có thể mua 40 nghìn đầu sách tốt, hoặc máy vi tính có nối mạng Internet, hay họ đã có thể tài trợ các suất học bổng cho trẻ em nghèo. Tất cả những giải pháp thay thế trên đều tốt hơn nhiều so với việc xây dựng cái thư viện mới nhưng không sử dụng được. Điều này cho thấy trên thực tế ngay từ đầu nhà trường chưa bao giờ cần một thư viện mới – cái thư viện cũ hoạt động quá tốt, có thể dễ dàng chứa một lượng sách nhiều gấp ba lần lượng sách mà nhà trường hiện có và có thể chịu được mùa mưa.
Thực tế việc thư viện không cần thiết phần nào lý giải cho thiết kế nghèo nàn của nó. Rốt cuộc thì chẳng ai quan tâm nhiều lắm tới chức năng của tòa nhà khi mà những chức năng đó là dư thừa. Nhưng nếu như thư viện đó là một hành động vô nghĩa như thế thì tại sao rốt cuộc nó lại được xây dựng?
Người ta thường nói rằng Napoleon từng nói: “Đừng bao giờ bao biện cho một tội ác rằng chúng chỉ là do sự ngu dốt”. Đó là một phản ứng tự nhiên: sự ngu dốt dễ dàng là một lý do biện hộ. Tất cả những điều đó rất dễ để những vị khách đặt chân tới Cameroon nhún vai và giải thích sự cái nghèo ở Cameroon là do người dân Cameroon là những kẻ dốt nát. Cái thư viện kia có vẻ là một minh chứng sống động, nhưng những người dân Cameroon không thông minh hơn cũng chẳng dốt nát gì hơn những người còn lại trong số chúng ta. Có vẻ những sai lầm ngu xuẩn có thể bắt gặp quá nhiều ở khắp mọi nơi trên đất nước Cameroon đến nỗi nó không thể là sự giải thích thỏa đáng cho sự yếu kém nói chung. Trên thực tế còn có điều gì đó có tính hệ thống hơn. Một lần nữa, chúng ta cần phải xem xét đến những động lực của những người có quyền quyết định.
Trước hết, phần lớn những quan chức trong ngành giáo dục phổ thông phía tây bắc Cameroon đến từ một thị trấn nhỏ ở Bafut. Còn được biết tới với cái tên “Băng đảng Bafut”, những quan chức trong ngành giáo dục này quản lý việc xem xét cấp ngân sách cho hệ thống giáo dục, họ phân phát ngân sách giáo dục dựa trên các mối quan hệ cá nhân thay vì nhu cầu thực tế. Chẳng ngạc nhiên gì khi Hiệu trưởng của trường tư thục có tiếng này là một thành viên của “Băng đảng Bafut”. Vì muốn nâng cấp ngôi trường của mình thành một trường đại học, bà Hiệu trưởng cần phải xây một thư viện với kích cỡ và có chất lượng của một trường đại học. Việc thư viện hiện tại thừa khả năng cũng như số tiền của những người đóng thuế đã có thể được sử dụng theo một cách khác hay để xây dựng những ngôi trường mới chẳng liên quan gì đến bà. Thứ hai, không ai quản lý Hiệu trưởng và giám sát những chi tiêu của bà ta. Những thành viên trong hội đồng của nhà trường được trả lương và thăng chức không phải bởi thành tích của họ mà là do mệnh lệnh của bà ta. Đây là một trường tư thục có tiếng với những trang thiết bị, điều kiện làm việc tốt cho các giáo viên, vì thế mà những nhân viên ở đây đều mong muốn giữ được vị trí của mình, cũng có nghĩa là họ phải giữ mối quan hệ tốt với Hiệu trưởng. Trên thực tế, chỉ có một người duy nhất có khả năng không tuân theo Hiệu trưởng, đó là người thủ thư, người chỉ có tránh nhiệm báo cáo với trụ sở chính của VSO ở London. Cô có mặt ở đây sau khi thư viện đã được xây xong rồi nhưng ít nhất cũng kịp để ngăn chặn không cho bộ sách bị chuyển sang thư viện mới và rồi mục nát ở đó. Cũng có thể là hiệu trưởng quá ngu muội đến mức bà ta không nhận ra được nước mưa sẽ làm hỏng sách, hay là bà ta chẳng quan tâm lắm tới chúng và đơn giản chỉ muốn chứng minh là thư viện có chứa một ít sách. Lý giải thứ hai có vẻ đúng hơn.
Với những khoản tiền trong tay và không có ai phản đối sự lãng phí của việc xây dựng tòa nhà thư viện thứ hai, bà Hiệu trưởng có toàn quyền điều khiển dự án. Bà ta chọn ra một người trước đây từng là học sinh của trường để thiết kế thư viện, có lẽ để minh chứng cho chất lượng giáo dục mà nhà trường cung cấp; bà ta đã chứng minh một điều, mặc dù có lẽ điều đó chẳng phải là dự định thật sự của bà ta. Dù người kiến trúc sư có kém năng lực đến thế nào đi chăng nữa thì những sai sót trong bản thiết kế cũng đã có thể được phát hiện ra nếu bất kỳ ai liên quan đến dự án quan tâm đến việc bảo đảm rằng thư viện này sẽ hoạt động đúng chức năng của một thư viện. Nhưng điều này không bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ vị lãnh đạo có quyền có chức nào. Những người nắm quyền lực thì đơn giản là quan tâm tới việc dựng lên một cái gì đó để có thể làm cho ngôi trường có đủ tiêu chuẩn như một trường đại học.
Hãy xem xét tình huống: tiền được cung cấp do các mối quan hệ xã hội hơn là nhu cầu; một dự án được thiết kế để kiếm danh tiếng hơn là để sử dụng; thiếu giám sát và quản lý; và một kiến trúc sư được giao nhiệm vụ bởi một người nào đó chẳng quan tâm lắm tới chất lượng công việc. Kết quả chẳng ngạc nhiên: một dự án không bao giờ nên xây dựng lại được xây dựng và xây rất dở.
Bài học của câu chuyện có lẽ là những người có tính tư lợi và có lòng tham nhưng lại nắm quyền lực thường gây ra sự lãng phí cho các nước đang phát triển. Thực tế còn đáng buồn hơn thế. Những kẻ tư lợi và tham lam lại nắm quyền lực, từ cao tới thấp, trên toàn thế giới. Ở rất nhiều nơi, những người này bị ngăn trở bởi luật pháp, báo chí và sự phản đối một cách dân chủ. Bi kịch của Cameroon là chẳng có thế lực gì có thể kiểm soát được những người có tính tư lợi này.
Câu chuyện trở nên ly kỳ – các động cơ và sự phát triển ở Nepal
Hệ thống giáo dục của Cameroon cho những nhà quản lý những động cơ sai lầm rằng giáo dục trẻ em là cái cuối cùng mọi người được hưởng lợi và vì thế mà đó là điều cuối cùng các nhà giáo dục quan tâm tới. Các dự án phát triển khác kéo theo một mớ bòng bong những động cơ bất thường và xảo quyệt. Một ví dụ được nhà kinh tế học Elinor Ostrom, người đã tìm hiểu rất kỹ về những thiết kế dự án tưới tiêu rất phức tạp và khó hiểu ở Nepal, khám phá ra Nepal cũng có cả những con đập và kênh đào hiện đại bằng bê tông, được những kỹ sư chuyên nghiệp thiết kế và được một tổ chức quốc tế lớn tài trợ. Vậy hệ thống này có hoạt động tốt nhất không và tại sao?
Khi tôi được nghe nói đến nghiên cứu này tôi nghĩ mình đã đoán được điểm mấu chốt của vấn đề. Kết luận không thể chối cãi là công trình với việc đầu tư kỹ thuật, nguyên liệu và thiết kế hoàn hảo nhất cùng với số vốn rót vào không nhỏ thì lẽ ra phải đem lại một hệ thống tưới tiêu tốt hơn những công cụ thô sơ trước đây chứ, đúng không nào? Thế mà sai bét.
Bây giờ thì chúng ta đã biết tỏng ra rồi. Chúng ta biết rằng những dự án xây đập lớn thường không mấy phù hợp với các điều kiện của địa phương và thực tế thì “nhỏ thì tốt hơn” – những phương pháp địa phương cùng kinh nghiệm từ đời xưa để lại lại tỏ ra hữu ích hơn. Có đúng không nào? Một lần nữa lại sai bét.
Hoá ra câu chuyện thực sự ở Nepal còn hấp dẫn hơn nhiều so với bất kỳ những dự đoán giản đơn nào. Elinor Ostrom đã chỉ ra một sự nghịch lý rõ ràng. Vế đầu của sự nghịch lý là những chiếc đập hiện đại được thiết kế và xây dựng chuyên nghiệp dường như lại làm giảm hiệu quả của hệ thống tưới tiêu. Nhưng vế thứ hai của nghịch lý này là khi các nhà tài trợ để xây dựng các kênh tưới tiêu hoặc gia cố lại bằng những vật liệu hiện đại thì họ lại cả thiện được hệ thống tưới tiêu này và cung cấp ổn định nhiều nước hơn cho nhiều người hơn.
Tại sao những nhà tài trợ có thể cung cấp những kênh tưới tiêu hiệu quả mà lại không phải là những con đập hiệu quả? Rõ ràng là có cái gì đó tinh tế đang diễn ra hơn là một cuộc tranh cãi mệt mỏi giữa một bên là những kỹ thuật hiện đại và một bên là những kinh nghiệm truyền thống. Sự thật này còn rõ ràng hơn đối với những người đang cố gắng tính toán được những động cơ liên quan.
Bắt đầu với một điều khá rõ ràng là bất kỳ một dự án nào cũng sẽ có khả năng thành công nhất nếu như những người được hưởng lợi từ sự thành công của nó cũng chính là những người thực hiện nó. Điều này ngay lập tức lý giải vì sao những phương pháp tưới tiêu hiện tại có thể có một lợi thế, không phải vì chúng dựa hoàn toàn theo những kinh nghiệm dân gian (tất nhiên là có thể), mà bởi vì chúng được thiết kế, xây dựng và duy trì bởi chính những người nông dân sử dụng chúng. Ngược lại, những con đập và kênh đào hiện đại được thiết kế bởi những kỹ sư, những người chẳng bị chết đói nếu như những con đập thất bại, được thực hiện bởi những viên chức nhà nước mà công việc của họ chẳng phụ thuộc vào sự thành công của chúng, họ được trả tiền bởi các nhà tài trợ, những người được đánh giá qua các thủ tục hơn là kết quả công việc. Ngay lập tức chúng ta có thể thấy được tại sao những nguyên liệu tốt và những nguồn vốn phong phú hơn không phải là những điều kiện cần thiết để dẫn tới thành công.
Nhìn sâu xa hơn, các hệ thống tưới tiêu phải được duy trì cho bất cứ mục đích sử dụng nào. Nhưng ai sẽ là người duy trì chúng? Không phải những nhà tài trợ, cũng chẳng phải những công chức những người mà lẽ ra nên quan tâm nhiều đến việc duy tu cho hệ thống. Những công chức Nepal được thăng chức chủ yếu nhờ vào thâm niên công tác và một phần nhờ tới những dự án xây dựng “có danh tiếng”. Duy tu bảo dưỡng là công việc bí bách lắm mới phải làm, bất chấp việc nó có đem lại lợi ích cho nông dân hay không. Liệu có ai muốn làm cái việc theo dõi bất tận như của một nô lệ, phải rời xa Kathmandu, nơi vợ con mình vẫn đang sống? Hơn hết, của đút lót luôn là nguồn thu nhập chính mà những công chức này nhắm vào, nên một hợp đồng xây dựng lớn đem lại các cơ hội ăn hối lộ lớn hơn nhiều so với việc đi làm các công việc bảo trì, duy tu. Giống như dịch vụ dân sự, đại diện của các nhà tài trợ cũng làm việc với nhiều ràng buộc, thích ưu tiên các dự án xây dựng lớn. Tất cả họ đều cần những dự án tốn kém bởi vì nếu họ không thể giải ngân, họ không chắc có thể xin thêm tiền tài trợ. Hơn nữa, rất nhiều các tổ chức hỗ trợ song phương quốc tế, như Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bị trói buộc bởi những cách thức hỗ trợ đặc trưng của Mỹ:
USAID thường phải sử dụng các trang thiết bị mua từ Mỹ, những thiết bị thường là to nặng và hiện đại. Vì thế mà những chiếc xe ủi to lớn được dùng nhiều vào việc xây dựng con đập hơn là việc bảo trì nó, kết quả lại vẫn là ưu tiên các dự án xây dựng lớn. Dù rằng đại diện nhà tài trợ không có thành kiến với các dự án lớn, thì họ vẫn phải dựa vào những thông tin cung cấp bởi những nhà tư vấn và quan chức địa phương, những người thường có cùng động cơ giống như các công chức nhà nước.
Tất cả những điều này bắt đầu giải thích tại sao những người thực hiện các dự án xây dựng không quan tâm nhiều lắm tới việc xây dựng các hệ thống có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao giống như những người nông dân. Nhưng nó lại không giải thích được những kết quả Ostrom đã tìm ra, rằng trên thực tế các con đập được xây dựng bằng vốn tài trợ lại làm cho mọi việc tồi thêm và nó cũng không giải thích được tại sao những con kênh tưới tiêu được xây dựng từ nguồn tài trợ kia lại hoạt động khá tốt bất chấp việc những người thực hiện dự án không quan tâm nhiều lắm tới hiệu quả của chúng. Để hiểu được lý do tại sao, chúng ta cần xem xét lại chính những người nông dân.
Không ai ngoại trừ những người nông dân có vẻ quan tâm nhiều tới việc bảo trì tu bổ hệ thống tưới tiêu sau khi nó đã được xây dựng xong. Đây có lẽ không phải là vấn đề. Trước khi có bất cứ một hệ thống tưới tiêu hiện đại nào được xây dựng thì những người nông dân đã phải làm công việc duy tu cho những hệ thống truyền thống có từ bao đời nay của họ rồi. Nếu họ có thể duy tu cho những hệ thống tưới tiêu cũ đó thì tại sao họ lại không thể duy tu những hệ thống tưới tiêu hiện đại bây giờ? Công việc duy tu yêu cầu hai công việc lớn: giữ cho con đập được an toàn và khơi thông những con kênh bị tắc. Có rất nhiều việc phải làm. Những người nông dân sẽ không bận tâm tới việc này trừ khi họ thấy được lợi ích và điều này thường dẫn tới một vấn đề. Vấn đề là trong khi tất cả những người nông dân đều cần những con đập được giữ an toàn thì những người nông dân sinh sống ở gần con đập không quan tâm lắm tới những vấn đề có thể xảy ra với những con kênh tiêu nước đằng xa quả đồi. Vậy, tại sao họ lại phải quan tâm tới việc giúp đỡ mọi người duy tu những con kênh tiêu nước làm gì? May thay, hầu hết cộng đồng nông nghiệp ở Nepal làm việc có hệ thống hợp tác chặt chẽ. Dù công việc cụ thể có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là những nông dân ở cuối nguồn vẫn giúp đỡ những nông dân trên thượng nguồn duy tu con đập đổi lại họ sẽ được giúp đỡ trong việc duy tu các con kênh. Từ trước tới nay mọi việc vẫn tốt đẹp như vậy.
Nếu một nhà tài trợ hỗ trợ để xây dựng các con đập mới bằng bê tông, thì tình hình sẽ được cải thiện – các con kênh mới tốt hơn, có khả năng dẫn được nhiều nước tưới hơn và sẽ ít phải duy tu hơn. Nhưng nếu có nhà tài trợ bỏ tiền xây một con đập mới, thì mọi chuyện lại trở nên rất tệ. Điều này không phải vì bản thân con đập: hoàn toàn ngược lại. Bởi vì con đập bằng bê tông yêu cầu bảo trì ít hơn rất nhiều so với một con đập truyền thống nên những thỏa thuận hợp tác trong việc bảo trì toàn bộ hệ thống không còn áp dụng nữa. Giao kèo xưa trong việc hợp tác bảo trì hệ thống tưới tiêu bị phá bỏ. Những nông dân trên thượng nguồn không còn giúp đỡ những người nông dân ở hạ nguồn khơi thông những con kênh để đổi lại việc những nông dân hạ nguồn sẽ giúp họ duy tu con đập. Những người nông dân thượng nguồn không còn cần sự giúp đỡ, vì thế mà những người nông dân phía hạ nguồn không còn có gì để đem ra thỏa thuận hợp tác nữa.
Rất nhiều hệ thống tưới tiêu ở Nepal kết thúc trong thất bại bởi vì dù những đặc tính kỹ thuật của hệ thống đã được nắm bắt và cải thiện, nhưng những yếu tố con người lại chưa được để ý đến chút nào.
Ví dụ về hệ thống tưới tiêu ở Nepal lại một lần nữa chứng minh rằng nếu một xã hội không thể đem lại những sự động viên khích lệ đúng đắn để có thể hoạt động hiệu quả thì chẳng có cơ sở hạ tầng kỹ thuật nào có thể cứu nó khỏi cảnh nghèo đói. Các dự án phát triển thường được thực hiện bởi những người không quan tâm nhiều lắm tới thành công của dự án nhưng lại “rất quan tâm” tới việc đục khoét tiền của cũng như sự thăng tiến của bản thân. Nếu hiệu quả của dự án chỉ là sự quan tâm thứ yếu thì cũng khó có thể lấy làm ngạc nhiên nếu như dự án không đem lại được những mục tiêu như đã công bố, hay thậm chí nếu nó đem lại mục đích thực sự là làm cho các quan chức này ngày càng giàu có hơn. Và cho dù có một dự án nào đó được thực hiện với mục đích phát triển thật sự thì của đút lót và những khoản chi tiêu không minh bạch khác vẫn có thể làm hỏng mọi chuyện.
Liệu có cơ hội phát triển không?
Các chuyên gia phát triển thường tập trung vào việc giúp đỡ các nước nghèo trở nên giàu có hơn bằng cách phát triển hệ thống giáo dục phổ cập và hệ thống cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống điện thoại, đó chắc chắn là những hành động khôn ngoan. Không may là đó mới chỉ là một phần nhỏ của vấn đề. Các nhà kinh tế, những người đã chia nhỏ các số liệu thống kê, hoặc nghiên cứu những dữ liệu khác thường như thu nhập của người dân Cameroon ở Cameroon và thu nhập của người Cameroon ở Mỹ, đã phát hiện ra rằng giáo dục, cơ sở hạ tầng và các nhà máy xí nghiệp mới chỉ là bước đầu trong việc giải thích được khoảng cách giữa giàu và nghèo. Do nền giáo dục quá tồi tệ của mình, Cameroon có lẽ phải nghèo thêm hai lần mức có thể. Và với cơ sở hạ tầng quá tồi như vậy, nó chắc chắn phải nghèo gấp đôi như thế nữa. Vậy là chúng ta cho rằng Cameroon nghèo hơn bốn lần so với Mỹ, nhưng người dân Cameroon lại không thể làm gì trước tình hình đó? Phải chăng cộng đồng người Cameroon không thể cải thiện những ngôi trường của mình? Hay những lợi nhuận đem lại không nhiều hơn những chi phí phải trả? Hay những doanh nhân Cameroon không thể xây dựng nhà máy, cấp đăng ký bản quyền công nghệ, tìm kiếm đối tác nước ngoài… và làm giàu?
Hiển nhiên là không. Mancur Olson đã chỉ ra rằng những kẻ độc tài nắm quyền lực chuyên ăn cắp sẽ làm chậm sự phát triển của các nước nghèo. Có một kẻ cắp làm tổng thống cũng nhất thiết đồng nghĩa với sự chấm hết; có lẽ tổng thống thích đẩy nền kinh tế đi lên để rồi sau đó kiếm được miếng bánh từ chiếc bánh lớn hơn. Nhưng nhìn chung, nạn cướp bóc vẫn sẽ lan tràn vì nhà độc tài không tự tin vào nhiệm kỳ của mình, hoặc bởi vì ông ta cần phải làm ngơ trước tình trạng những kẻ khác cũng ăn trộm tài sản công để tranh thủ sự ủng hộ của chúng.
Và hơn nữa, theo như quy luật phân bố giàu nghèo hình tháp thì sự phát triển bị cản trở vì các luật lệ của cộng đồng không khuyến khích các dự án và công việc kinh doanh, những điều sẽ đem đến phúc lợi xã hội. Những doanh nhân không đăng ký kinh doanh chính thức (quá khó khi hệ thống hành chính nhũng nhiễu như vậy) và vì thế, họ không đóng thuế; những viên chức nhà nước thì đòi hỏi những dự án lố bịch để tạo thêm danh tiếng hay làm giàu cho cá nhân; trẻ em ở độ tuổi đến trường cũng chẳng quan tâm đến việc chúng đang phải chịu một nền giáo dục không phù hợp.
Các vấn đề về tham nhũng và những động cơ xấu là nguyên nhân chính của sự nghèo đói không còn là một điều gì đó xa lạ với chúng ta. Nhưng có lẽ cần phải biết rằng những vấn đề do thể chế và luật pháp bị bóp méo không chỉ giải thích một phần nhỏ của khoảng cách giàu nghèo giữa Cameroon và các nước giàu mà hầu như còn giải thích gần như tất cả. Các quốc gia giống như Cameroon bị tụt lại nhiều hơn so với mức lẽ ra họ vẫn có thể đạt được mặc dù đã tính đến hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tỷ lệ đầu tư thấp và hệ thống giáo dục rất nhỏ bé. Nhưng tồi tệ hơn cả là nạn tham nhũng có mặt ở khắp nơi, làm hỏng mọi nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư và cải thiện các chuẩn giáo dục.
Hệ thống giáo dục của Cameroon sẽ tốt hơn nếu như mọi người có được động lực để học tập tốt; nếu một thế hệ nhân tài cũng được đào tạo và có kỹ năng thực sự từ hệ thống giáo dục này – hơn là dựa trên các mối quan hệ cá nhân – kiếm được việc làm. Cameroon cũng sẽ có được công nghệ tốt hơn và có nhiều nhà máy hơn nếu như môi trường đầu tư đúng đắn, công bằng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước và lợi nhuận thì không bị bòn rút bởi quốc nạn hối lộ hay các thủ tục hành chính rườm rà.
Số lượng ít ỏi các cơ sở giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng mà Cameroon hiện có đã có thể được sử dụng hiệu quả hơn nhiều nếu như xã hội biết tôn vinh, phong thưởng xứng đáng cho những ý tưởng tốt, hữu ích. Nhưng đáng tiếc thực tế lại không được như vậy.
Dù đã đề cập nhiều như vậy nhưng chúng ta vẫn không thể diễn tả hết được những vấn đề còn thiếu sót ở Cameroon, hay sâu xa hơn, ở những nước nghèo trên khắp thế giới. Nhưng ít ra, chúng ta bắt đầu hiểu thực sự chúng là những gì. Một vài người gọi đó là “nguồn vốn xã hội” hoặc thậm chí “lòng tin”. Những người khác gọi là “pháp quyền”, hay “các thể chế”. Nhưng đó chỉ là những cái mác. Vấn đề ở đây là Cameroon, giống như các nước nghèo khác, là một thế giới cực kỳ hỗn loạn và rối ren mà trong đó hầu như tất cả hành động của mọi người đều trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại cho những người khác. Những động cơ để làm giàu bằng mọi giá đã xuất hiện ở những người lãnh đạo rõ ràng như trong trường hợp cái mái nhà của thư viện đã nêu ở trên.
Sự mục nát bắt đầu từ chính phủ nhưng nó làm khổ toàn xã hội. Thành lập kinh doanh cũng chả ích gì bởi chính phủ sẽ không bảo vệ bạn khỏi những tên trộm. (Vì thế có lẽ bạn cũng sẽ trở thành một tên trộm.) Chẳng ai bắt bạn phải trả hóa đơn điện thoại vì không ai có thể đưa bạn ra tòa được (thế nên cũng sẽ chẳng có công ty cung cấp dịch vụ điện thoại). Không có cơ hội cho sự nghiệp học hành của bạn bởi vì công việc sau này không được phân chia theo năng lực (và trong tình huống nào đi nữa thì bạn cũng không thể vay tiền để học vì ngân hàng không thể thu hồi được các nguồn vốn cho vay và chính phủ thì không cung cấp hệ thống giáo dục tốt). Cũng sẽ không có cơ hội cho các hoạt động kinh doanh hàng nhập khẩu vì các quan chức hải quan chính là những người được lợi (vì thế càng có ít các giao dịch thương mại, điều đó lại càng làm cho các nhân viên hải quan này “đói ăn” và lại tìm cách ăn hối lộ gay gắt hơn).
Bây giờ thì chúng ta bắt đầu hiểu điều này quan trọng tới mức nào và chúng ta có thể bắt đầu sửa đổi nó. Nhưng tính chất của vấn đề vốn cản trở các giải pháp, vì thế mà đây là một quá trình chậm và khó khăn. Chúng ta không tìm cách thiết lập nền dân chủ bằng vũ lực và chúng cũng thường chẳng tồn tại được khi chúng ta làm điều đó. Chúng ta không thích các chương trình hỗ trợ phát triển bị thất bại do tệ quan liêu, nhưng để đảm bảo tiền được chi tiêu đúng mục đích thì tốn rất nhiều thời gian.
Những vấn đề này không thể được giải quyết một sớm một chiều. Nhưng có thể có những sự sửa đổi đơn giản, những cái – sẽ chỉ có một chút dính dáng tới chính trị – có thể làm cho các nước nghèo như Cameroon đi đúng hướng. Một trong những biện pháp đơn giản là cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, hợp pháp hóa kinh doanh cá thể, kinh doanh nhỏ, những hình thức kinh doanh giúp các doanh nhân có thể dễ dàng mở rộng kinh doanh và vay vốn hơn. Những yêu cầu cải cách pháp luật thường là không đáng kể; khi mà hệ thống pháp luật vẫn còn phụ thuộc vào chính phủ biết xét đoán và biết thương dân, thì nó cần nhất một vị lãnh đạo độc lập với khối óc và trái tim đặt đúng chỗ, hơn là hy vọng toàn bộ dịch vụ công được cải cách lâu dài.
Một lựa chọn khác và là một giải pháp sống còn, đó là gia nhập tổ chức kinh tế thế giới để có được sự giúp đỡ. Hầu hết các nước nghèo cũng thường là những nền kinh tế rất nhỏ bé; toàn bộ nền kinh tế ở tiểu vùng Sahara châu Phi chỉ bằng cỡ nền kinh tế của Bỉ. Một quốc gia châu Phi nhỏ như Chad có nền kinh tế bé hơn cả vùng ngoại ô Bethesda của Washington và khu vực tài chính ngân hàng cũng nhỏ hơn cả Công ty Tín dụng Federal Union dành cho các nhân viên của Ngân hàng Thế giới. Những nước nhỏ như Chad và Cameroon không thể nào tự cung tự cấp: họ cần xăng dầu giá rẻ, nguyên liệu thô, các nguồn vốn vay từ các ngân hàng quốc tế, sản xuất trang thiết bị. Nhưng Cameroon cũng bị chặn lại phía sau những hàng rào thương mại cao ngất – những mức thuế xuất nhập khẩu cao nhất thế giới ở mức trên 60%. Những rào cản này đem lại thu nhập hàng năm cho chính phủ và giúp cho nó có khả năng bảo hộ cho các doanh nghiệp bạn cùng với việc chia chác lợi nhuận từ những bản quyền công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Một nước nhỏ không thể tồn tại nếu như không có nền kinh tế thế giới. Cùng với nền kinh tế thế giới, các nước nhỏ có thể phát triển nhanh hơn. Ở chương tiếp theo chúng ta sẽ đến thăm một nơi và tìm hiểu xem họ đã làm thế nào.
Chú thích:
29 Gottlieb Daimler (1834-1900): kỹ sư người Đức, nhà sản xuất tiên phong tạo ra ₫ộng cơ ₫ốt trong ₫ầu tiên năm 1885.
30 Paul Rosenstein-Rodan (1902-1985): nhà kinh tế học Ba Lan ₫ược ₫ào tạo theo chủ nghĩa kinh tế Áo. Ông có ₫óng góp to lớn cho kinh tế lý thuyết thuần tuý.
31 Mancur Olson, Jr. (1932 – 1998): nhà kinh tế học hàng đầu của Mỹ và cũng là một nhà khoa học xã hội.
32 Trường Eton ở Anh thành lập năm 1440 là một trường rất có uy tín, chỉ con cái những gia ₫ình rất giàu có mới có thể theo học tại ₫ây. Học phí của trường Eton lên tới 14.000 bảng Anh mỗi năm.
33 Một ₫ạo diễn lập dị nổi tiếng của Hollywood.
34 Một tác phẩm ₫iện ảnh về ₫ề tài ₫ộng vật hoang dã.
35 Tổ chức phục vụ tình nguyện hải ngoại của Anh (VSO là viết tắt của Voluntary Service Overseas).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.