Thám tử rời sân khấu
Chương 3
Tối đó, tôi xuống phòng ăn với cảm giác cuộc sống bỗng trở nên hư ảo. Trong lúc mặc quần áo, đôi lần tôi nghĩ chẳng lẽ Poirot đã bịa ra câu chuyện nọ. Nói cho cùng, bây giờ Poirot đã là một ông già, sức khỏe kém sút. Ông nói trí óc vẫn hoàn hảo, nhưng có thật như vậy không? Suốt đời ông chỉ làm việc truy lùng hung thủ, vậy nay tưởng tượng chỗ nào cũng có tội phạm. Phải ngồi yên một chỗ không hoạt động gì, buồn lắm. Vì thế mà ông nghĩ ra trò truy bắt này chăng? Ông chắp nối vài vụ án vặt rồi tưởng mình đã tìm ra ở đó một nhân vật mờ ám, một tên giết người điên loạn. Còn nghi ngờ gì nữa, mụ Etherington đã giết chồng, tên Riggs đã thủ tiêu vợ, đứa con gái đã cho bà cô uống liều moóc-phin chết người, mụ vợ ghen tuông đã dọa giết chồng rồi làm thật, và một cô gái khốn khổ khác đã giết cha rồi ra tự thú. Thực tế, những tội ác đó đã xảy ra đúng như nó phải vậy, không hơn.
Tôi có thể đem ý kiến đó – mà tôi cho là hợp lẽ nhất – để đối lại với Poirot, và không tin lời ông nói rằng một vụ giết người nữa sắp xảy ra. Một lần nữa Styles lại là nơi xảy ra bi kịch. Thời gian sẽ chứng minh hoặc bác bỏ lời khẳng định đó. Nhưng nếu điều đó là thật thì chúng tôi có trách nhiệm phải ngăn ngừa. Tôi không biết kẻ giết người là ai, nhưng Poirot nói là biết.
Càng nghĩ, tôi càng phiền lòng. Thực thà mà nói, bạn tôi lại chơi trò ấy với tôi ư! Muốn tôi cộng tác nhưng không tin cậy nói hết. Tại sao? Lý do ông đưa ra không thuyết phục. Tôi không hài lòng chút nào về lời nói rằng tôi có “bộ mặt lộ liễu”. Tôi cũng biết giữ bí mật như ai chứ. Poirot vẫn có định kiến là bản chất tôi “lộ liễu” tôi nghĩ gì đều lộ ra nét mặt. Tất nhiên ông có giảm nhẹ lời nói xúc phạm ấy, cho rằng sở dĩ vậy là do tình tôi thẳng thắn, không biết trí trá. Song nếu tất cả những chuyện trên chỉ do ông tưởng tượng bày đặt ra, thì thái độ đó là dễ hiểu. Tôi chưa biết tính sao thì tiếng cồng báo giờ ăn vang lên. Tôi đi xuống, trí óc và con mắt thật cảnh giác, quyết tâm khám phá tên X bí ẩn kia là ai. Trước mắt hãy tạm coi những gì Poirot nói là đúng. Vậy trong ngôi nhà này, có một kẻ đã năm lần giết người và đang chuẩn bị giết lần nữa. Kẻ đó là ai?
Trong phòng khách, trước giờ ăn, tôi được giới thiệu với cô Cole và thiếu tá Allerton. Cô Cole chừng băm ba băm tư còn rất đẹp, nhưng với thiếu tá Allerton thì tôi mất cảm tình ngay. Đó là một người đàn ông chừng bốn mươi, vai rộng, nước da rám nắng tuấn tú nhưng ăn nói vẻ bất cần, thở ra những lời đôi khi có ý nghĩa hai mặt. Dưới đôi mắt, có quầng thâm, thường là dấu hiệu của kẻ phóng đãng. Tôi xếp ngay anh ta vào loại người ăn chơi, rượu chè, cờ bạc, tán gái.
Hình như đại tá Luttrell cũng không ưa gì anh ta lắm, còn Boyd Carrington giữ thái độ lạnh nhạt. Sự thực Allerton chỉ thành công với phái yếu. Bà Luttrell vui thích ra mặt khi anh ta nói những lời nịnh bợ trắng trợn. Tôi khá buồn nhận ra là cả Judith cũng có vẻ thích gần anh ta và tìm cách bắt chuyện, mà tính nết nó xưa nay đâu có thế. Thật lạ tại sao những tên đàn ông mạt hạng lại được phụ nữ đứng đắn ưa thích. Linh tính báo cho tôi biết ngay Allerton là một thằng tồi, hỏi mười người đàn ông thì chắc chín người đều đồng ý. Nhưng hỏi mười phụ nữ, thì chín – có khi cả mười – lại không nghĩ như vậy.
Trong lúc mọi người ngồi vào bàn ăn, tôi đưa mắt nhìn một lượt, đánh giá mọi khả năng. Nếu Poirot nói đúng, nếu trí óc ông còn sáng suốt, thì một trong số những người này là kẻ giết người nguy hiểm. Tuy Poirot không nói rõ, tội đồ X phải là đàn ông. Ai trong số họ có vẻ có khả năng là tội phạm?
Chắc chắn không phải là lão đại tá Luttrell già, vốn tính mềm yếu không dám quyết định điều gì.
Cũng không phải Norton, cái anh chàng tôi gặp lúc nãy mới đến, luôn cầm ống nhòm trong tay. Anh ta trông dễ thương, mặc dù có vẻ là một con người vô bổ, thiếu sức sống. Đành rằng khối tên tội phạm chỉ là những kẻ bình thường không tầm cỡ và chính vì thế lại làm càn để tự khẳng định mình. Norton thuộc loại người ấy chăng, nhưng theo tôi, hắn lại mê chim và hoa, mà đã là người yêu thiên nhiên thì không thể là người tàn ác.
Boyd Carrington chăng? Không thể. Ông ta là người có tên tuổi trên thế giới, một người quản lý tài ba được mọi người yêu quý và kính nể, người đó không thể là tội phạm.
Tôi cũng loại trừ Franklin, người mà tôi biết con gái tôi, Judith luôn kính trọng, ngưỡng mộ.
Tôi xét tới trường hợp thiếu tá Allerton. Một kẻ rất mất cảm tính, loại người nếu cần có thể cứa cổ cả bà nội mình. Hắn đang kể một chuyện gì đó làm mọi người cười vang. Nếu hắn là X?
Song Poirot không hề nói rõ X là đàn ông, vì vậy tôi xét sang cô Cole. Người phụ nữ này có vẻ bình thường, nhưng luôn ngọ nguậy, rõ ràng tính tình nóng nảy. Quanh bàn ăn nay chỉ có mặt bà Luttrell, Judith và cô Cole. bà Franklin ăn trên phòng mình, và cô y tá chăm sóc bà nên sẽ ăn sau.
Ăn xong, tôi đang đứng trước cửa sổ ngẫm nghĩ, bỗng giật mình vì Judith chợt đến khoác tay tôi, kéo ra ngoài thềm.
– Có chuyện gì vậy, ba? Nó hỏi.
Tôi chột dạ:
– Chuyện gì? Ý con muốn nói sao?
– Ba cứ ngây ngô suốt buổi tối. Trong bữa ăn, sao ba cứ nhìn mọi người chòng chọc.
Tôi hơi lúng túng, không ngờ việc đó bị con gái để ý.
– À. Vì ba nghĩ đến quá khứ.
– Lúc trẻ, ba đã có một lần ở đây, phải không? Và đã có một bà bị giết, phải không?
– Đúng thế. Bị đầu độc bằng strích-nin.
– Bà ấy là người thế nào?
– Một bà rất tốt bụng, hay làm việc từ thiện…
– Ồ! Cái kiểu làm phúc ấy…
Judith nói với giọng coi thường; nó lại hỏi một câu nữa làm tôi ngạc nhiên:
– Hồi đó, mọi người ở đây có hạnh phúc không?
– Không, tôi đáp.
– Tại sao?
– Vì họ cảm thấy như bị cầm tù. Này nhé, bà Ingelthrop nắm giữ toàn bộ tiền bạc, và… chỉ chi ra từng tí một. Các con chồng của bà không có đời sống riêng.
Judith nhún vai, tay bíu chặt cánh tay tôi, nói:
– Không tốt. Rất không tốt. Không được phép lạm quyền như thế. Người già, người bệnh tật không có quyền ngăn trở cuộc sống của người trẻ, người khỏe, bắt họ phụ thuộc vào mình.
Tôi ngắt ngay:
– Đâu chỉ có người già mới ích kỷ.
– Con biết. Ba nghĩ lớp trẻ cũng ích kỷ. Có thể đúng, nhưng đó là thứ ích kỷ sạch sẽ. Chúng con chỉ muốn làm những gì mình thích, chứ không muốn để người khác làm thay. Chúng con không muốn bắt người khác làm nô lệ.
– Không, các con chỉ muốn chà đạp họ nếu họ tình cờ ở trên đường đi.
Judith giật tay tôi:
– Bà đừng chua chát thế. Con chẳng chà đạp ai. Vả lại, con công nhận ba không hề ép chúng con phải làm gì. Chị con, các anh con và con rất biết ơn vì điều đó.
Tôi đáp thẳng thắng:
– Nhiều khi ba cũng muốn làm như thế. Chính mẹ con mới là người muốn để các con tự chịu trách nhiệm hành vi của mình. Cả trách nhiệm về những sai lầm.
Tôi lại cảm thấy bàn tay Judith siết chặt cánh tay tôi.
– Con biết. Ba muốn ấp ủ các con như gà mẹ chăm sóc gà con từng tí. Con không thể chịu như thế. Nhưng chắc ba đồng ý với con là những kẻ vô dụng phải được hy sinh cho những người nào hữu ích.
– Chuyện ấy đôi khi xảy ra, không cần phải sử dụng những biện pháp hà khắc. Mỗi người cần biết tự lượng mình, tự rút lui…
– Vâng, nhưng có phải bao giờ cũng như thế đâu?
Giọng nói quá hung hăng làm tôi quay nhìn thẳng mặt con. Song trời tối, tôi không nhìn rõ. Judith nói tiếp, nho nhỏ nhưng sôi nổi:
– Có quá nhiều sự tính toán: tiền bạc… tinh thần trách nhiệm, ngại va chạm với người mình yêu… Và một số người thì không tự hiểu mình nữa. Họ bám dai như đỉa đói!
– Judith, con! – Tôi kêu.
Giọng bạo liệt của con làm tôi choáng váng. Có lẽ cũng hiểu là đã nói hơi quá, nên bỗng cất tiếng cười.
– Chắc ba cho là con quá dữ dội. Nhưng đây là vấn đề mà con quan tâm. Con biết một trường hợp… ồ! Đó là một kẻ vũ phu, và một người có cam đảm chống lại hắn để giải thoát người thân, thì thiên hạ lại bảo là điên. Điên ư? Thật ra đó là điều hợp lý nhất phải làm. Và dũng cảm nhất.
Tôi bỗng thấy cồn cào trong lòng. Chuyện này, dường như tôi đã nghe nói, mới đây thôi.
– Judith, con nói về ai vậy? – Tôi hỏi.
– Ồ! Chắc ba chả biết đâu. Họ là bạn của gia đình Franklin. Một lão tên là Licthfield. Giầu có, nhưng lại để các con gái gần như chết đói, không cho họ đi đâu, gặp gỡ bất kỳ ai… Thật là lão điên.
– Và đứa con gái đã giết bố, phải không?
– À, chắc ba đã đọc tin đó trên báo. Ba gọi đó là tội ác cũng được, song ba nhớ cho là cô ta làm việc đó không có chút động cơ cá nhân nào. Con cho rằng cô gái đó rất dũng cảm. Con chắc không có cái dũng khí ấy.
– Dũng khí tự ra đầu thú hay dũng khí giết người?
– Cả hai.
Tôi nghiêm nghị nói:
– ba không thích nghe con khẳng định là có những trường hợp giết người là chính đáng. Bác sĩ Franklin nghĩ thế nào về vấn đề đó.
– Rằng đánh kiếp cho tên vũ phu ấy. Ba biết không, có những kẻ thật đáng ghét, giết đi là phải?
– Ba không muốn con chủ trương cái thuyết lạ kỳ ấy. Ai dạy con vậy?
– Không ai cả.
– Vậy thì nghe ba đây, đó là những lý thuyết ngu ngốc và nguy hiểm.
– Thôi được, chúng ta dừng ở đây.
Judith yên lặng một lát, rồi nói nhẹ nhàng hơn:
– Thật ra, con gặp ba để chuyển lời mới của bà Franklin. Bà ấy muốn gặp ba, nếu ba vui lòng lên phòng bà.
– Ba không mong gì hơn. Thật buồn là bà mệt đến mức không xuống cùng ăn với mọi người.
Con gái tôi lạnh lùng đáp:
– Bà ấy chẳng sao cả, nhưng cứ thích làm ra nghiêm trọng.
Tôi rời khỏi cửa sổ, nghĩ thầm trong bụng: lớp trẻ ngày nay không còn biết thương xót ai cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.