VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE
CHƯƠNG 28 : ĐIỂM KẾT THÚC CUỘC HÀNH TRÌNH
Poirot nhìn quanh một lượt. Mọi con mắt dồn về nhà thám tử bé nhỏ người Bỉ. Trong cử tọa có một thoáng thư giãn. Nhưng rồi sự căng thẳng trở lại, ai nấy chờ đợi lời giải cuối cùng.
Giọng Poirot vẫn đều, đơn điệu:
– Thư, sân thượng, cửa sổ… Vâng, mọi việc sáng rõ, đâu vào đấy.
Lúc nãy tôi nói có ba người có bằng chứng ngoại phạm lúc án mạng xảy ra. Tôi đã chứng minh hai trong số ba bằng chứng ấy là chưa thuyết phục. Giờ, tôi nhận là mình sai… Cái bằng chứng thứ ba cũng không giá trị gì hơn. Không những giáo sư Leidner có thể đã giết vợ, mà tôi còn tin chắc là như vậv.
Cả phòng yên lặng một cách lạ lùng. Giáo sư Leidner không lên tiếng, ông có vẻ như chìm đắm vào một thế giới xa xăm. Tuy nhiên, David Emmott cựa quậy, vẻ khó chịu, cất tiếng:
– Ông nói gì lạ, ông Poirot? Tôi chẳng bảo là giáo sư không rời sân thượng cho đến ba giờ kém mười lăm? Tôi nói lại: đó là sự thật hoàn toàn. Xin thề không nói sai! Nếu không, tôi phải trông thấy ông ấy đi xuống chứ?
Poirot nghiêng mình:
– Tôi hoàn toàn tin lời ông. Giáo sư Leidner không rời sân thượng: chuyện đó là rõ. Nhưng tôi hiểu, và cô Johnson đã đoán ra, là: giáo sư Leidner có thể giết vợ mà không rời sân thượng!
Tất cả chúng tôi đều trố mắt.
Bà Leidner! Và tôi hiểu… như cô Johnson đã hiểu. Cửa sổ phòng bà Leidner ở ngay bên dưới, không phải bên phía sân, mà bên phía trông ra ngoài. Và giáo sư Leidner đã phục sẵn trên sân thượng một mình không có ai. Các cối đá đặt sẵn trên đó, trong tầm tay… Mọi việc thật đơn giản… với điều kiện kẻ sát nhân có thời gian di chuyển xác nạn nhân, trước khi mọi người biết… Ôi! Thật hoàn hảo… mà đơn giản không thể ngờ!
– Xin chú ý nghe… vụ giết người đã tiến hành như sau:
Giáo sư Leidner làm việc kiểm kê, sắp xếp các đồ gốm trên sân thượng. Ông ta gọi ông, ông Emmott, và trong khi trao đổi với ông, nhận thấy thằng bồi thường lợi dụng lúc ông đi lên để bỏ việc, chạy ra cổng. Ông Leidner giữ ông lại chừng mười phút, rồi ông xuống. Ông xuống, đang gọi thằng bé, thì ông Leidner thực thi kế hoạch đã định.
Ông rút trong túi chiếc mặt nạ chất dẻo từng dùng để dọa vợ, lao nó qua lan can để cho nó lủng lẳng trước cửa sổ của vợ.
Cửa sổ này, xin nhớ là mở ra bên ngoài đồng ruộng, chứ không nhìn ra sân.
Bà Leidner nằm trên giường, thiu thiu ngủ. Đột nhiên chiếc mặt nạ đập vào cửa sổ, làm bà chú ý. Nhưng lúc đó là ban ngày, trời không tối, nên bà không sợ. Bà cho là có ai giở trò đùa vớ vẩn. Như bất kỳ ai trong trường hợp ấy, bà bực mình chồm dậy, mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài, nhìn ngước lên sân thượng để xem ai.
Giáo sư chỉ chờ có thế. Trong tay ông đã cầm sẵn chiếc cối nặng, thả đúng lúc thích hợp.
Bà kêu một tiếng khẽ (mà cô Johnson nghe thấy), gục xuống tấm thảm da dê đặt trước cửa sổ.
Ông Leidner đã luồn một sợi thông qua lỗ cối, ông chỉ việc kéo nó lên, đặt vào chỗ cũ, chú ý để mặt cối vấy máu xuống dưới.
Ông tiếp tục làm việc khoảng một tiếng nữa, cho đến khi ông thấy cần phải làm động tác thứ hai. Ông xuống thang, nói vài câu với ông Emmott và cô Leatheran, đi qua sân, vào phòng vợ. Và đây là những việc ông làm trong phòng, theo chính lời ông nói:
Tôi thấy xác vợ tôi gục dưới chân giường. Trong một lát tôi đứng tê liệt, không động đậy. Tôi quỳ xuống bên nàng, nâng đầu nàng lên. Nàng đã chết… Cuối cùng, tôi đứng lên… Tôi lảo đảo người như say rượu. Tôi ra đến cửa và hô hoán.
Lời kể rất hợp lý của một người đau khổ đến cùng cực. Bây giờ tôi xin nói sự thật như thế nào. Giáo sư bước vào phòng, chạy tới cửa sổ, cẩn thận đeo găng tay và đóng cửa sổ lại, rồi kéo xác vợ đặt giữa giường và cửa ra vào. Ông nhận thấy có vết máu nhẹ trên tấm da dê cạnh cửa sổ. Không thể láy tấm thảm thứ hai thay được vì hai tấm kích thước khác nhau, ông làm cách khác: lấy tấm da có máu đặt trước bàn rửa mặt, và tấm của bàn rửa mặt chuyển ra cạnh cửa sổ. Ai thấy vết máu sẽ nghĩ đến bàn rửa mặt, chứ không nghĩ tới cửa sổ… điểm này rất quan trọng. Bằng mọi cách, không để ai ngờ là cái cửa sổ đã đóng vai trò chủ yếu trong thảm họa. Rồi ông ra cửa, đóng vai người chồng thương khóc vợ, điều này dễ thôi, vì ông yêu vợ thật.
Bác sĩ Reilly sốt ruột, lúc này mới hỏi:
– Thưa ông Poirot, nếu yêu vợ, sao ông ấy lại bức hại vợ? Vì lý do gì? Nào! Leidner, ông tự bào chữa đi! Nói với thám tử rằng ông ta điên.
Giáo sư Leidner không đáp, ngồi yên như tượng.
Poirot tiếp:
– Thì tôi đã nói ngay từ đầu đây là một vụ án tình! Tại sao người chồng trước của bà Leidner dọa giết bà? Vì hắn ta yêu bà… và các vị thấy đấy, hắn đã giữ lời hứa…
Phải, phải… Ngay khi hiểu giáo sư Leidner là hung thủ, thì mọi thứ được sắp xếp đúng vào chỗ của nó…
Một lần nữa, ta lại trở lại khái niêm cuộc hành trình… Cuộc hôn nhân thứ nhất của bà Leidner, những thư đe dọa, cuộc hôn nhân thứ hai. Thư đe dọa ngăn cản bà không được lấy người khác, nhưng khi bà lấy giáo sư Leidner thì không ai quấy rối. Thật đơn giản… nếu giáo sư Leidner chính là Frederick Bosner.
Ta hãy đi lại cuộc hành trình… nhưng lần này cùng với Frederick Bosner.
Trước hết, hắn yêu Louise bằng một tình yêu cháy bỏng. Nhưng nàng tố cáo hắn là gián điệp. Bị án tử hình, nhưng hắn trốn thoát. Người ta tưởng nhầm hắn đã chết trong tai nạn xe lửa, nên hắn xuất hiện lại với lai lịch mới, trở thành Eric Leidner, nhà khảo cổ trẻ tuổi người Thụy Điển. Giáo sư Leidner chính cống mới là người bị nạn thật, mặt mũi bị nát, được chôn cất dưới cái tên Frederick Bosner.
Thái độ của chàng Eric Leidner mới này với người vợ đã không ngần ngại tố cáo hắn, ra sao?
Trước hết, đây là điểm chủ yếu, hắn vẫn yêu, và cố gắng để làm lại cuộc đời mới. Hắn thông minh có thừa, học nghề gì cũng được, và đã thành công. Nhưng hắn không quên mối tình say đắm nhất đời hắn. Hắn theo dõi mọi hành động, cử chỉ của vợ. Hắn đã quyết, bằng quyết tâm không gì lay chuyển (hãy nhớ lời tâm sự của bà Leidner với cô Leatheran: Anh ấy tốt và hiền, nhưng thô bạo): không để nàng lọt vào tay người khác! Mỗi lần thấy cần thiết, hắn lại gửi một lá thư. Hắn còn cẩn thận bắt chước một số đặc điểm chữ viết của vợ, phòng trường hợp bà trình cảnh sát. Nhiều phụ nữ thường hay tự gửi thư nặc danh cho mình, nên cảnh sát dễ cho bà Leidner là tác giả, khi so chữ.
Cuối cùng, sau nhiều năm dài, hắn thấy đã đến lúc phải ra tay: xuất hiện lại trong cuộc đời của Leidner. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, vợ hắn không nghi ngờ gì về lai lịch thật của hắn. Giờ đây hắn đã nổi danh, chàng thanh niên đẹp trai nay là một người đứng tuổi và để râu. Và lịch sử lặp lại. Như trước đây, Frederick vẫn có uy thế lớn với Louise. Lần thứ hai, nàng đồng ý lấy hắn… và không có thư nào gửi đến ngăn trở.
Nhưng rồi sau đó nàng lại nhận một thư. Tại sao?
Có gì đâu, giáo sư Leidner muốn tránh nguy cơ lộ mặt. Sống gần gũi bên nhau dễ gợi nhớ những kỷ niệm. Ông ta muốn vợ khẳng định rằng Eric Leidner và Frederick Bosner rõ rệt là hai người khác nhau. Thì vẫn có thư của Frederick gửi đó thôi. Rồi đến cái trò trẻ con giả suýt bị ngạt vì khí đốt… do ông Leidner tạo ra… cũng nhằm ý đồ ấy.
Tiếp đó, thấy vậy là đủ, ông không gửi tiếp thư khác. Cuộc hôn nhân của họ từ nay có thể êm đềm trôi đi trong hạnh phúc.
Rồi, khoảng hai năm sau, các bức thư lại xuất hiện.
Vì sao? Tôi đoán được lý do. Vì những lời đe dọa chứa trong các bức thư không phải là chuyện chơi. (Cho nên ta thấy bà Leidner luôn phấp phỏng lo sợ – bà biết tính hiền, nhưng cục và tàn bạo của Frederick của bà mà có thể bà đã nghi chính là Leidner, nhưng chưa dám nói ra. Nếu nàng về tay một người khác, hắn sẽ giết. Mà nàng chẳng phải là người tình của Richard Carey đó sao?
Phát hiện ra sự không chung thuỷ của vợ, giáo sư Leidner bình tĩnh, lạnh lùng tính đến việc giết vợ.
Bây giờ các vị đã hiểu vai trò quan trọng của cô Leatheran như thế nào chưa? Mới đầu tôi thấy lạ là ông Leidner có ý kỳ cục mượn một cô y tá để trông nom bà vợ. Điều cốt yếu là cần một nhân chứng có chuyên môn tin cậy để xác nhận không chối cãi rằng bà Leidner đã chết được hơn một tiếng, khi phát hiện ra xác. Nói cách khác, bà bị giết trong lúc ai cũng thấy là ông đang làm việc trên sân thượng. Người ta có thể nghi là lúc ông vào phòng và nói là thấy xác chết, chính là lúc ông giết bà… Nhưng sẽ không ai nghi ngờ nếu một cô y tá có bằng cấp khẳng định rằng bà Leidner chết từ một giờ trước đó.
Bây giờ tôi hiểu tại sao có bầu không khí căng thẳng, ngượng ngập bao trùm các thành viên của đoàn. Tôi không hề tin là chỉ vì ảnh hưởng của bà Leidner. Theo tôi, tinh thần, tâm trạng của một tập thể bao giờ cũng trực tiếp phụ thuộc vào uy tín, bản lĩnh của người cầm đầu. Giáo sư Leidner, ngoài sự hiền hậu, có một cá tính mạnh mẽ. Nhờ sự khéo léo, tế nhị, cung cách chỉ huy của ông, không khí trong đoàn từ trước tới nay vẫn thân ái, vui vẻ.
Vậy nếu có sự thay đổi, thì lỗi ấy là do người chỉ huy, tức giáo sư Leidner. Ông Leidner, chứ không phải bà, chịu trách nhiệm về sự mất ổn định ấy. Nhân viên của đoàn chịu sự tác động của tình hình ấy mà không thể hiểu lý do. Ông Leidner, bề ngoài vẫn hiền từ, dễ mến, song thực ra chỉ là đóng kịch. Bên trong là một kẻ cuồng si nhăm nhăm tính kế giết vợ.
Giờ ta sang đến vụ thứ hai, mà cô Johnson là nạn nhân. Khi sắp xếp giấy tờ trong phòng giáo sư Leidner (cô thường làm việc này trong lúc rỗi rãi) hẳn cô đã tình cờ thấy bản nháp của một thư nặc danh viết dở.
Cô bàng hoàng đến cực điểm. Vậy là giáo sư Leidner là người đã viết thư khủng bố tinh thần chính vợ mình! Cô không thể tin… Đúng lúc sững sờ như thế thì cô Leatheran vào và bắt gặp: cô đang đầm đìa nước mắt.
Lúc đó, chắc cô cũng chưa nghĩ là giáo sư Leidner giết vợ, song những thí nghiệm mà tôi làm trong phòng bà Leidner và cha Lavigny không hẳn là không có ích với cô. Cô hiểu ra là, sở dĩ cô nghe thấy tiếng kêu của bà Leidner, là vì cửa sổ phòng bà để mở. Cô chưa để ý đến tầm quan trọng của chi tiết này, nhưng rồi sẽ nhớ ra. Cô tiếp tục suy nghĩ… để đi tìm sự thật. Cớ thể cô đã nói bóng gió về các thư với ông Leidner, ông này hiểu, hoảng sợ và thay đổi thái độ với cô.
Nhưng người giết bà Leidner không thể là giáo sư ông ở trên sân thượng kia mà!
Và rồi cái hôm cô đứng một mình trên đó để ngẫm nghĩ, sự thật bỗng lóe lên trong óc: bà Leidner bị hại từ trên sân thượng, qua cửa sổ mở.
Đúng lúc ấy, cô Leatheran tới. Lập tức, cô Johnson lại hành động như một người quý trọng, trung thành với thủ trưởng. Phải bảo vệ thủ trưởng không để cô y tá đoán biết những gì cô vừa phát hiện. Cô liền nhìn về phía ngược lại (nhìn ra sân), nói một câu bất chợt, nhận thấy cha Lavigny đi ngang qua sân. Cô không chịu cho biết gì hơn, nói là cần suy nghĩ đã.
Và giáo sư Leidner, vẫn không ngừng lo lắng dò xét, nhận ra là cô đã biết sự thật. Chẳng bao lâu cô sẽ nói lên nỗi kinh hoàng âu lo của mình. Đành rằng đến lúc này, cô chưa tố cáo ông… nhưng liệu có thể tin vào sự im lặng của cô đến bao giờ?
Giết người trở thành thói quen. Đêm ấy, ông đánh tráo cốc axít thay cốc nước của cô Johnson, hy vọng làm cho mọi người tin là cô tự vẫn. Có thể người ta còn kết tội cô là đã giết bà Leidner, nay kết liễu đời mình do hối hận. Để tăng thêm chứng cớ buộc tội cô, ông lấy cái thớt cối xay đặt dưới giường cô Johnson.
Cho nên không lấy làm lạ, lúc hấp hối, cô đã cố nói lên những gì cô đã phát hiện và phải trả giá bằng cả tính mệnh: cái cửa sổ qua đó bà Leidner bị ám sát.
Mọi việc đã được giải thích… mọi thứ đã tìm đúng chỗ của nó. Về mặt tâm lý mà nói, đây là một vụ án hoàn hảo.
Nhưng ta không có chứng cớ…
Không ai động đậy. Tất cả đều kinh hoàng. Không chỉ kinh hoàng… còn có cả sự thương hại.
Giáo sư Leidner, vẻ già xọm, mệt mỏi, không cử động, không nói một lời. Mãi rồi ông mới nhìn Poirot bằng đôi mắt lờ đờ và nói:
– Đúng, đến giờ ông không đưa được ra bằng chứng cụ thể. Song không sao, ông thừa biết là tôi sẽ không chối cãi. Tôi không bao giờ lùi bước trước sự thật. Có lẽ… tôi lại thấy cất được gánh nặng… Tôi mệt…
Rồi nói thêm:
– Tôi tự trách là đã giết Anne Johnson. Một tội ác ngớ ngẩn và vô lý, nhưng tôi không làm chủ được mình nữa! Tội nghiệp, tôi đã làm cô đau đớn! Tôi không còn là tôi… chỉ vì sợ hãi quá hóa mù quáng.
Nụ cười gượng gạo thoáng trên cái miệng méo xệch vì đau khổ:
– Ông Poirot, ông có thể trở thành một nhà khảo cổ kiệt xuất. Ông phục hiện quá khứ rất tài.
– Hờ… Tôi đã cố gắng hết sức mình.
– Tôi đã yêu Louise và đã giết nàng… Nếu ông biết rõ nàng, ông sẽ hiểu tôi… Mà có lẽ, ông đã hiểu tôi rồi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.