VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE

CHƯƠNG 18 : BỮA TRÀ Ở NHÀ BÁC SĨ REILLY



Trước khi đi, Poirot đảo một vòng quanh khu nhà ở và cả các khu phụ. Ông cũng hỏi chuyện vài người phục vụ thông qua bác sĩ Reilly, ông này dịch các câu hói từ tiếng Anh sang tiếng Ả rập, và ngược lại.
Các câu hỏi tập trung vào hình dáng bên ngoài của người lạ mặt mà bà Leidner và tôi đã bắt gặp nhòm vào cửa sổ, và hôm sau lại thấy cha Lavigny nói chuyện với hắn.
Trong lúc chúng tôi ngồi trên xe xóc nẩy người đi Hassanich, bác sĩ Reilly hỏi:
– Ông nghĩ rằng người đó thật sự dính đến vụ này?
– Tôi thích thu thập mọi thông tin có thể – Poirot đáp.
Điều này là rất tiêu biểu cho cách làm của nhà thám tử Bỉ. Sau này tôi cảm, thấy là dưới mắt ông, không chi tiết nào được bỏ sót. Dù là chuyện tào lao, ông cũng để ý ghi chép.
Thú thật là về đến nhà bác sĩ Reilly, tôi thật sung sướng được uống chén trà nóng. Ông Poirot bỏ tới năm cục đường vào tách của mình, khuấy rất kỹ, và nói:
– Nào, giờ chúng ta lại nói thoải mái để tìm ra ai có thể là kẻ giết bà Leidner?
– Lavigny, Mercado, Emmott hay Reiter? – bác sĩ Reilly hỏi lại.
– Không, không. Danh sách đó lập nên theo giả thuyết số 3. Nay ta nên xét giả thuyết số 2… để sang một bên ông chồng bí hiểm hoặc cậu em chồng bỗng từ quá khứ hiện về. Giờ ta tìm xem ai là người có phương tiện và cơ hội để thủ tiêu bà Leidner, và ai có thể làm việc đó?
– Ý này, hình như lúc nãy ông không quan tâm lắm.
– Quan tâm chứ, nhưng tôi phải giữ ý – Poirot đáp – Trước mặt ông Leidner, lẽ nào tôi lại thảo luận về động cơ thúc đẩy một người nào trong đoàn giết vợ ông ta? Như vậy, là thiếu tế nhị. Cứ để cho ông ta ôm cái ảo tưởng là vợ ông tuyệt vời và tất cả thiên hạ đều ngưỡng mộ bà ấy! Nhưng rõ ràng sự thực không phải như vậy. Ở vấn đề này, sự trợ giúp của cô Leatheran là rất quý. Tôi tin là cô có khiếu nhận xét sắc sảo.
– Ồ! Tôi không đáng được khen thế đâu – tôi chống chế.
Bác sĩ Reilly đưa tôi một đĩa bánh nóng rất ngon:
– Cô ăn đi để lấy can đảm.
Porot tuyên bố:
– Bây giờ, ta đi vào vấn đề. Cô y tá, cô hãy trình bày xem tình cảm của mỗi người trong đoàn đối với bà Leidner như thế nào.
– Nhưng tôi chỉ mới ở một tuần với họ.
– Với người thông minh như cô, ngần ấy là quá đủ. Các cô y tá đánh giá mọi người rất nhanh để tùy theo từng bệnh nhân mà đối xử. Nào, ta bắt đầu từ cha Lavigny có được không?
– Ông làm tôi tất khó nói. Cha Lavigny và bà Leidner thường chuyện trò với nhau có vẻ ăn ý, nhưng họ nói bằng tiếng Pháp, mà tôi tuy có học ở trường nhưng nghe rất lõm bõm. Theo tôi, họ thường nói chuyện văn chương là chính.
– Nói cách khác, họ có vẻ hòa hợp?
– Nói thế cũng được, nhưng tính cách của bà Leidner khiến cha Lavigny có vẻ ngỡ ngàng… và hơi ngài ngại. Tôi nói vậy, không biết ông có hiểu không.
Tôi liền kể lại câu chuyện giữa tôi với ông tu sĩ ngay hôm đầu đi thăm khu khai quật. Hôm đó cha Lavigny đã gọi bà Leidner là “đàn bà nguy hiểm”.
– Nhận xét hay đấy – Porot nói – Còn bà… Ý kiến của bà về ông cha này thế nào?
– Làm sao tôi biết được bà Leidner nghĩ gì về mọi người? Có lúc, tôi nghĩ bà Leidner cũng hơi lạ về cha Lavigny. Một lần tôi nghe bà nói với chồng trông ông ta không giống bất cứ một thầy tu nào đã gặp.
– Cô có vẻ khắc nghiệt quá đối với ông thầy tu tội nghiệp đó – bác sĩ Reilly nói, giọng bông lơn.
Poirot bỗng hỏi:
– Ông bạn này, liệu ông có phải đi thăm người bệnh nào không? Tôi không muốn ông mất thì giờ quá nhiều lạm vào trách nhiệm nghề nghiệp của ông.
– Bệnh nhân lúc nào cũng có. Đầy cả một nhà thương – bác sĩ nói, vừa cười vừa đi ra.
– Thế cũng dễ chịu – Poirot nói – Giờ ta nói chuyện tay đôi, thú vị hơn và bổ ích hơn. Nhưng cô uống trà đi chứ.
Ông đẩy một đĩa đầy bánh trước mặt tôi, rót cho tôi chén trà thứ hai. Quả thực ông rất quan tâm và muốn làm tôi vui lòng.
– Bây giờ, ta trở lại vấn đề, và cô hãy nói cảm tưởng của mình. Theo cô, ai trong đoàn không ưa bà Leidner?
– Tôi chỉ phát biểu ý kiến rất cá nhân, ông không được nói lại với người khác.
– Hãy tin ở tôi.
– Vâng, theo ý tôi, bà Mercado là người không thích thú gì bà Leidner!
– A! Thế còn ông Mercado?
– Có lẽ ông ta cũng hơi say bà Leidner. Thực ra ngoài vợ ông ra, phụ nữ chẳng ai để ý đến ông, Nhưng bà Leidner là người rất khéo, biết làm ra vẻ quan tâm mọi người, nghe mọi người tâm sự! Do đó anh chàng có phần ngộ nhận.
– Và bà Mercado chẳng thích gì chuyện đó?
– Bà ấy ghen… nói thẳng ra là thế. Người ta phải luôn luôn cảnh giác khi sống với những người đã có gia đình. Tôi đã có kinh nghiệm. Ông không thể ngờ phụ nữ nghĩ gì khi có ai động đến chồng mình.
– Ồ! Tôi hiểu lắm chứ. Vậy là bà Mercado ghen và rất ghét bà Leidner?
– Tôi đã thấy bà ta lườm nguýt chồng bằng con mắt sắc như dao… Ồ! Xin lỗi ông, tôi không định nói vậy… Không, tôi không nghĩ…
– Không! Không! Tôi rất hiểu. Cô đã buột miệng nói ra, nhưng thế là tôi hiểu. Bà Leidner có nhận thấy và e ngại gì sự ác cảm của bà Mercado?
Tôi suy nghĩ trước khi trả lời:
– Bà ấy có vẻ không quan tâm. Với lại, tôi cũng không rõ bà có biết hay không. Một lần, tôi có nói bóng gió… nhưng rồi lại thấy hối tiếc. Lẽ ra nên ngậm miệng thì hơn.
– Cô thử kể vài ví dụ bà Mercado để lộ tình cảm trước mặt cô?
Tôi kể lại cuộc chuyện trò giữa chúng tôi trên sân thượng.
– Vậy là bà ta có nói đến lần kết hôn đầu tiên của bà Leidner. Lúc đó bà ta có nhìn cô để xem cô có biết gì khác hơn?
– Ông có cho là bà ta biết rõ sự thật không?
– Rất có thể. Bà ta có thể là người viết các thư và bịa chuyện bàn tay gõ cửa, vân vân.
– Tôi cũng đã nghĩ thế. Bà ta hoàn toàn có khả năng hành động trả thù hèn hạ đến mức ấy.
– Phải. Tôi tin là bà ta tàn bạo, nhưng không đủ gan để giết người, trừ phi…
Ngừng một lát, ông tiếp:
– Tôi nghĩ đến câu nói lạ lùng của bà ta với cô: “Tôi biết vì sao cô đến đây”. Định bóng gió gì vậy?
– Tôi cũng không rõ.
– Bà ta ngờ là cô đến nhằm mục đích khác. Mục đích gì? Và sao bà ta lại vận mục đích ấy vào mình? Tại sao nhìn chòng chọc vào cô trong bữa trà hôm cô mới đến?
– Ồ! Bà Mercado không tinh tế lắm trong xử thế – tôi vội đáp
– Điều đó chỉ để thanh minh, không phải lời giải thích.
Tôi không hiểu ông định nói gì thì ông lại tiếp:
– Còn những người khác trong đoàn?
Tôi suy nghĩ.
– Cô Johnson cũng không có cảm tình lắm với bà Leidner, nhưng cô không giấu giếm và nói thẳng điều đó trước mặt tôi. Cô vốn rất tận tụy phục vụ ông Leidner, đã làm việc nhiều năm với ông. Và bây giờ ông có vợ, tất nhiên nhiều thứ đã đổi khác.
– Phải rồi – Poirot nói – và theo quan điểm cô Johnson, cuộc hôn nhân đó là dở. Đáng lẽ ông phải lấy cô ta…
– Đúng, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng đàn ông bao giờ vẫn là đàn ông, khi chọn vợ có ai nghe theo lý trí. Chúng ta không thể trách giáo sư Leidner. Cô Johnson tội nghiệp xinh đẹp làm sao bằng bà Leidner… dù bà không còn trẻ… Ôi, nếu ông nhìn thấy bà ấy! Bà có sức mạnh quyến rũ… Ông Coleman có lần đã ví bà như thần nữ rừng xanh. Ông sẽ cười tôi, nhưng tôi cũng công nhận bà Leidner có dáng bộ… thiên thần.
– Tóm lại. là một phụ nữ có thiên phú bẩm sinh làm cho người khác phải yêu mình. Tôi hiểu rồi.
– Mặt khác, ông Carey với bà cũng không hợp nhau – tôi nói tiếp – Tôi thấy ông ta cũng ganh ghét theo kiểu cô Johnson. Hai người nói với nhau toàn bằng giọng khô khốc. Khi bà chuyển đĩa thức ăn cho ông ta; bà tỏ ra trịnh trọng, một điều ông, hai điều ông. Tất nhiên, ông ta là cộng sự lâu năm của chồng bà, và một số phụ nữ lại không thích có người nào khác thân với chồng mình trước cả mình… Ông hiểu tôi muốn nói gì.
– Hiểu, hiểu, tôi hiểu. Còn ba người đàn ông nữa? Cô vừa nói Coleman bỗng trở thành nhà thơ khi nói về bà Leidner?
Tôi bấm bụng để khỏi cười thành tiếng:
– Cũng kỳ thật đấy: một anh chàng thực dụng như thế…
– Còn hai chàng kia?
– Ông Emmott thì tôi chưa hiểu lắm, ông ta kín tiếng, bình thản. Bà Leidner đối xử với ông rất nhẹ nhàng: gọi tên thân mật là David và trêu chọc, ghép ông với con gái bác sĩ Reilly.
– À, thế ư? Ông ta có thích những trò đùa ấy không?
– Tôi không biết. Ông ta chỉ nhìn lại bà một cách ngỡ ngàng, không thể biết ông nghĩ gì trong óc.
– Còn ông Reiter?
– Với ông này, bà không nhẹ nhàng. Hình như bà còn khó chịu vì ông ta. Mỗi lần nói với ông, bà đều có giọng châm chọc.
– Thế ông ta có khó chịu không?
– Ông ta đỏ mặt tía tai lên. Thực ra bà Leidner không hẳn có ý gì xấu với ông.
Rồi đột nhiên, sự khoan dung của tôi với Reiter tiêu tan, và tôi tin là anh chàng này rất có thể là hung thủ, và tất cả thái độ từ trước đến nay chỉ là đóng kịch. Tôi thốt lên:
– Ồ! Ông Poirot! Vậy sự thật là như thế nào?
Ông suy ngẫm và lắc đầu:
– Tôi hỏi thật nhé: đêm nay cô trở lại ngủ ở đây có được không?
– Ồ không! Tôi chưa quên lời ông, nhưng ai muốn giết tôi?
– Không ai cả, tất nhiên. Chính vì thế mà tôi muốn nghe ý kiến của cô về từng người. Bây giờ, tôi chắc chắn là cô không có gì phải sợ.
– Nếu lúc ở Bát-đa, có ai nói với tôi…
Tôi ngừng bặt. Poirot hỏi:
– Trước khi đến đây, cô đã nghe những lời đồn đại về vợ chồng Leidner và những người trong đoàn khảo cổ?
Tôi kể lại những điều đã nghe, nhất là lời của bà Kelsey.
Cửa mở, cô Reilly đi vào. Cô vừa chơi quần vợt, chiếc vợt còn cầm ở tay. Tôi biết là Poirot đã được giới thiệu với cô khi ông đến Hassanich.
Cô chào tôi một cách dửng dưng, tay vớ chiếc bánh, nói:
– Thế nào, ông Poirot, vụ án của ông đi đến đâu rồi?
– Thưa cô, chưa đâu vào đâu.
– Tôi nhận thấy ông đã kịp cứu cô Leatheran khỏi con tàu chìm.
– Cô đây vừa cung cấp cho tôi những thông tin quý giá về những người trong đoàn khảo cổ. Do đó tôi biết được nhiều chi tiết về nạn nhân… mà nạn nhân đôi khi nắm được chìa khóa cửa bí mật.
– Chúc mừng sự sắc sảo của ông. Dù sao, cho phép tôi được nói rằng nếu có một phụ nữ nào đáng gặp kết cục bi thảm ấy, người đó chính là bà Leidner!
– Cô Reilly! – Tôi công phẫn, kêu lên.
Cô ta mỉm nụ cười ác:
– A! Tôi biết ngay là người ta chưa nói với ông sự thật chính xác. Giống mọi người khác, cô Leatheran cũng bị đưa vào tròng. Thưa ông Poirot, tôi mong người nào giết Louise Leidner sẽ tuột khỏi tay ông. Tôi rất có cảm tình với người đó, vì xin thú thật là chính tôi, tôi cũng sẵn sàng thủ tiêu bà ta mà không hối tiếc. Con rắn độc này làm tôi thực sự kinh hãi.
Ông Poirot nghe mà không tỏ thái độ, ông nghiêng mình, giọng vẫn nhẹ nhàng:
– Trường hợp này hy vọng là quý cô đã có sẵn một bằng chứng ngoại phạm, và cho biết chiều qua cô ở đâu, làm gì?
Một phút im lặng, và cây vợt của cô Reilly rơi xuống sàn. Cô không buồn nhặt, nói hối hả:
– Tôi chơi quần vợt ở câu lạc bộ. Nhưng tôi hỏi thực ông Poirot, không biết ông có hiểu bà Leidner là loại đàn bà nào hay không.
Ông lại nghiêng mình đáp:
– Là loại đàn bà nào, mong cô cho biết.
Cô ta ngập ngừng một lát, rồi phát biểu bằng giọng khô khốc ráo hoảnh:
– Có một định kiến cho rằng không nên nói xấu người chết. Thật vớ vẩn, sự thật là sự thật. Và nghĩ cho cùng, không nói xấu người sống mới đứng, để khỏi làm hại họ. Người chết thì còn cần gì nữa. Ấy vậy nhưng hậu quả cái xấu họ gây ra lúc còn sống di hại mãi về sau. Cô Leatheran có nói với ông về bầu không khí nặng nề bao phủ Tell Yarimjah? Có nói rằng tất cả mọi người đều có vẻ ngờ vực, không yên? Tất cả chỉ tại Louise Leidner. Ba năm trước, lúc đó tôi còn nhỏ, tôi rất thích đến chơi đoàn khảo sát, ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc. Ngay năm ngoái, mọi việc còn tốt đẹp. Nhưng đợt này, thì mây đen bao phủ. Vì bà ta. Bà ta thuộc loại đàn bà không muốn cho người khác được yên ấm, thích gây rối, tạo mâu thuẫn, chỉ vì bà ta thích thế hoặc thích ngồi lên trên tất cả… hoặc đơn giản bản chất bà ta như thế. Hơn nữa, muốn chinh phục tất cả đàn ông quanh mình.
– Cô Reilly – tôi la lên – cô lầm rồi. Tôi phản đối!
Cô ta không thèm đếm xỉa, nói tiếp:
– Đã có chồng chiều chuộng mình rồi, còn định chài cả anh chàng Mercado ngu ngốc. Rồi lại vươn sang Bill Coleman, ông này thì nghiêm chỉnh, nhưng dù sao cũng bị bà ta làm lóa mắt. Còn Carl Reiter, cũng bị bà ta hành cho khốn khổ! Anh này nhút nhát, hơi tí thì đỏ mặt như con gái. Nhưng trò ấy với David Emmott lại ít kết quả. Anh này công nhận bà ta hấp dẫn, nhưng cưỡng lại được. Anh ta hiểu bà ta chẳng tình cảm gì, chỉ lấy trái tim đàn ông ra làm trò đùa, gây mâu thuẫn giữa họ với nhau. Việc đó thì bà ta rất tài! Bà ta không mâu thuẫn với ai, nhưng biết bao mâu thuẫn nảy sinh là do bà gây ra. Nấp trong bóng tối, bà giật dây tất cả rồi cười cợt khi người ta đau khổ. Ông hiểu chứ, ông Poirot?
– Vâng, có lẽ hiểu hơn cả cô mong đợi.
Ông thám tử không tỏ vẻ bất bình, nhưng giọng nói ông có một cái gì… cái gì? Tôi không thể mô tả.
Tuy nhiên, Sheila Reilly hiểu điều đó hơn tôi, vì mặt cô ta bỗng ửng đỏ.
– Ông nghĩ thế nào thì tùy – cô ta nói tiếp – Ttôi cứ nói đúng như sự thật. Con người ấy thông minh nhưng buồn tình, vì thế giải trí bằng cách lấy con người làm vật thí nghiệm, chẳng khác gì người khác thí nghiệm trên các chất hóa học. Tội nghiệp cô Johnson, cô ấy bị bà ta khiêu khích, nhưng mỗi lần bị mắc bẫy, đã tự kiềm chế được.
Bà ta cũng kích động bà Mercado, làm bà này tức điên. Bà ta chọc cả tôi, và thú thật tôi cũng bị lôi cuốn vào vòng! Bà ta nắm được điểm yếu của mỗi người, để lợi dụng khi cần thiết. Gọi là tống tiền thì không hẳn: bà chỉ hé cho mọi người biết mình đã nắm được thóp, còn bà sẽ làm gì ta chưa biết… A! con người này thật là điệu nghệ, thi hành thủ đoạn rất tài tình!
– Thế chồng bà ta? – Poirot hỏi.
– Bà ta rất tôn trọng và dịu hiền – cô Reilly thong thả nói – Có vẻ yêu chồng lắm. Ông là người tốt, dễ thương, luôn luôn chuyên tâm vào công việc. Ông mê vợ, đặt vợ lên bệ thờ. Hoàn toàn mê mẩn, coi vợ là lý tưởng. Mặt khác, rất khó dung hòa sự tin cậy ấy với…
– Xin cô cứ nói tiếp – Poirot gặng.
Cô Reilly bỗng quay về phía tôi:
– Cô đã nói gì với ông Poirot về Richard Carey?
– Về ông Carey? – tôi ngạc nhiên, hỏi lại.
– Phải, về bà Leidner và ông Carey?
– Hừ, tôi nói là hai người không hợp ý nhau.
Cô phá lên cười:
– Không hợp ý nhau! Quá ngây thơ! Ông ta mê bà ấy đến phát rồ và rất đau khổ, vì ông ta vốn là bạn thân ông Leidner. Chỉ lý do ấy đủ làm bà ta gián cách giữa hai người. Tuy nhiên tôi cho rằng…
– Làm sao?
– Tôi nghĩ, lần này đi quá xa, nên bà lại mắc vào bẫy do mình giương ra! Carey là đàn ông rất hấp dẫn… Thường bà ta cứ quyến rũ một cách lạnh lùng, nhưng với ông ta thì bà bốc lửa thực sự.
Tôi phản đối:
– Những lời nói của cô có tính nhục mạ quá đáng. Cô nói thế mà nghe được. Họ có chuyện trò với nhau mấy khi!
– A! thực thế ư? Vậy là cô chẳng hiểu gì. Trong nhà, thì một điều “ông Carey”, một điều “bà Leidner” nhưng họ hẹn nhau bên ngoài cơ. Bà ấy xuống tận sông Tigre. Cùng lúc, chàng kia cũng bỏ công trường đi đâu mất, một giờ sau mới về. Một hôm, tôi bắt gặp chàng từ biệt nàng và vội vã về khu khai quật, còn nàng đứng trông theo. Cô kết tôi tội gì cũng được, nhưng tôi có ống nhòm trong túi nhé, tôi theo dõi quan sát nét mặt của nàng. Tin tôi đi: bà mê ông Richard Carey rồi…
Cô ta quay lại nói với Poirot:
– Xin lỗi đã lạm vào chức trách của ông, song ông phải cảm ơn tôi vì tôi đã cho ông những tin tức chính hiệu.
Rồi cô đùng đùng ra khỏi phòng ăn. Tôi nói:
– Ông Poirot! Tôi không tin một lời nào của cô ta.
Ông nhìn tôi mỉm cười, nói bằng một giọng lạ lùng:
– Song không thể chối cãi được là, cách nhìn của cô Reilly cũng soi thêm chút ánh sáng vào vụ này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.