VỤ ÁN MẠNG Ở VÙNG MESOPOTAMIE
CHƯƠNG 25 : TỰ VẪN HAY BỊ GIẾT?
Tôi không kịp hỏi thêm Poirot, vì đúng lúc đó đại úy Maitland đứng bên dưới gọi chúng tôi xuống, cần gặp ngay.
Chúng tôi xuống thang, nhảy mấy bậc một. Đại úy mở đầu:
– Ông Poirot này, lại một chuyện rắc rối nữa: ông thầy tu đã biến mất.
– Cha Lavigny?
– Phải. Không ai để ý, mãi mới đây có người nói không thấy ông cha đâu. Chúng tôi vào phòng tìm, thấy giường vẫn nguyên vẹn, mà ông cha không để lại dấu tích.
Tôi tưởng như đang mơ: vụ đầu độc cô Johnson, nay là cha Lavigny bỏ trốn.
Bọn gia nhân được gọi lên để truy hỏi, nhưng họ đều nói không biết gì. Tối qua lúc tám giờ, ông ta nói đi dạo chơi một lát trước khi về ngủ.
Và không ai thấy ông ta quay về.
Như thường lệ, chiếc cổng lớn đã đóng và khóa lúc chín giờ. Sáng nay, không ai nói mình đã ra mở cổng. Hai tên bồi trẻ thì đứa này tưởng đứa kia làm việc đó.
Vậy tối qua, cha Lavigny có về nhà không? Hay trong khi đi dạo, ông ta đã phát hiện ra điều gì và muốn đi sâu tìm hiểu? Hay phải coi ông là nạn nhân thứ ba?
Đại úy quay về lúc bác sĩ Reilly cùng ông Mercado đi tới.
– Thế nào, ông Reilly, có gì mới?
– Đã xong, tôi vừa cùng ông Mercado soát lại. Đúng là axit clorydric lấy của phòng thí nghiệm.
– Phòng thí nghiệm? Phòng có khóa không?
Ông Mercado lắc đầu. Tay ông run run, mặt ông tái mét. Ông lắp bắp:
– Phòng ít khi khóa… vì mọi người có việc ra vào luôn. Tôi… nào có ai ngờ…
– Ban đêm có khóa không?
– Ban đêm thì có, cũng như tất cả các phòng khác. Các chìa khóa đều treo trên đinh, trong phòng chung.
– Nghĩa là ai giữ chìa khóa phòng ấy có thể lấy tất cả các chìa khóa khác?
– Vâng.
– Một chìa khóa bình thường?
– Bình thường.
Đại úy Maitland hỏi:
– Không có gì chứng tỏ cô Johnson tự tay lấy axit trong phòng thí nghiệm?
– Cô ấy không lấy! – tôi vội kêu một cách khẳng định.
Có một bàn tay khẽ đặt lên cánh tay tôi, Poirot đứng đằng sau tôi.
Lúc đó, một sự việc trớ trêu xẩy ra.
Trớ trêu không phải vì bản thân sự việc… mà là do hoàn cảnh, không đúng lúc.
Một chiếc xe hơi tiến vào sân, và một người bé nhỏ, đội chiếc mũ thuộc địa, khoác áo “tanh-cốt” dày, thong thả bước xuống, reo lên:
– A, ông đây rồi! Rất vui mừng gặp ông. Tôi qua đây chiều thứ bảy, trên đường đi đến chỗ người Ý ở Fugima. Tôi đã thăm khu khai quật của các ông, nhưng không gặp một ai là người da trắng. Mà tôi không biết tiếng A rập và không có thì giờ để ghé qua khu trụ sở. Sáng sớm nay tôi từ Fugima trở về, sẽ ở lại đây hai tiếng cùng ông. Thế nào! Công việc ra sao?
Thật mỉa mai.
Giọng vui vẻ, tác phong tự nhiên của một người từ thế giới bình thường tới, làm chúng tôi sững sờ. Ông ta không biết gì về thảm kịch, nhảy xuống chúng tôi với vẻ hồ hởi tràn trề.
Giáo sự Leidner ấp úng câu gì không rõ, rồi đưa mắt về bác sĩ Reilly, khẩn cầu bác sĩ giúp giải quyết hộ vị khách.
Bác sĩ liền kéo người nọ ra chỗ khuất và cho biết sự thật.
Sau này tôi biết vị khách nọ là một nhà khảo cổ người Pháp tên là Verrier đang khai quật ở các đảo thuộc Hy lạp. Verrier sửng sốt, vội vã xin lỗi và chia buồn. Ông lao tới giáo sư Leidner, bắt tay nồng nhiệt.
– Ôi đau buồn! Trời! Tôi không biết nói gì hơn…
Ông khách ân hận lắc đầu, bất lực không thể giãi bày ý nghĩ, xin cáo từ, lên xe mà đi.
Bác sĩ Reilly nói giọng kiên quyết:
– Bây giờ ta phải nghĩ đến bữa ăn. Leidner, tôi yêu cầu ông phải giữ gìn sức khỏe.
Ông giáo sư nay chỉ còn là cái thân tàn, theo chúng tôi vào phòng ăn. Chẳng ai thiết ăn uống, tuy nhiên tách cà phê nóng và món trứng rán cũng làm mọi người hồi phục phần nào. Giáo sư Leidner nhấp chút cà phê và ít bánh. Mặt ông xám màu tro, thể hiện sự khổ đau cùng cực.
Sau bữa ăn sớm, đại úy Maitland lần lượt hỏi mọi người.
Tôi nói là nghe tiếng động nên thức dậy và chạy sang phòng cô Johnson.
– Và cô nói thấy một cái cốc lăn dưới đất?
– Vâng, chắc uống xong thì cô buông rơi.
– Cốc có vỡ không?
– Không, nó lăn theo chiếc vải trải giường. Tôi nhặt lên, đặt trên bàn.
– Cám ơn cô đã cung cấp chi tiết. Chúng tôi chỉ tìm thấy hai loại vân tay, một rõ ràng của cô Johnson, và một của cô.
Ông yêu cầu tôi khai tiếp.
Tôi tả tỉ mỉ những việc đã làm với cô Johnson, đưa mắt nhìn bác sĩ Reilly. Bác sĩ gật đầu:
– Trường hợp ấy, cô làm những việc đó là đúng.
Lời bác sĩ Reilly làm tôi thanh thản, mặc dù trước đó tôi nghĩ đã không bỏ sót việc gì có thể làm để cứu cô Johnson.
– Lúc bấy giờ cô có biết cô ấy uống gì? – đại úy hỏi tôi.
– Không… nhưng tôi biết ngay đó là một chất axit mạnh.
Đại úy nghiêm trang hói:
– Cô có cho là cô Johnson đã chủ động uống?
– Ồ! Không! Không đời nào tôi thoáng có ý nghĩ ấy.
Không hiểu tại sao tôi dám khẳng định vậy. Có thể tôi đã bị câu nói của ông Poirot ảnh hưởng: “Giết người trở thành thói quen”. Hơn nữa, không ai lại chọn kết liễu cuộc đời bằng cái chết đau đớn thế.
Tôi nói ý nghĩ đó với đại úy, và đại úy tỏ vẻ tán thành:
– Thật vậy, thường không ai chọn cách chết ấy, trừ khi trong lúc tuyệt vọng, trong tay không có cách nào khác.
– Cô ấy tuyệt vọng đến mức ấy sao? – tôi hỏi.
Bà Mercado cho là như thế. Bà ấy nói tối qua, cô Johnson rất bối rối đến mức không buồn trả lời ai gợi chuyện. Bà Mercado khẳng định cô ấy đã bị những ý nghĩ đen tối ám ảnh, và đã nghĩ đến chuyện tự vẫn từ lúc đó.
– Không, tôi không tin chút nào! – tôi kiên quyết bác bỏ.
– A! Cái bà Mercado! Thật độc mồm độc miệng.
– Vậy, quan điểm của cô thế nào.
– Cô ấy bị người ta đầu độc!
Đại úy hỏi câu tiếp theo bằng giọng nghiêm nghị như hỏi người dưới quyền.
– Vì sao cô tin như vậy?
– Tôi không thấy lý do nào khác.
– Đó chỉ là ý kiến cá nhân của cô. Tại sao phải thủ tiêu cô ấy? Tôi không thấy động cơ nào…
– Xin lỗi. Có động cơ. Cô Johnson đã vén một góc màn bí mật.
– Cô ấy đã phát hiện điều gì?
Tôi nhắc lại, từng lời một, câu chuyện trên sân thượng.
– Cô ấy không chịu nói rõ hơn?
– Có, nhưng cô nói để còn suy nghĩ.
– Cô ấy có vẻ xao xuyến?
– Có.
– “Có một cách đột nhập từ ngoài vào” – đại úy cau mày nhắc lại – Cô ấy định nói gì nhỉ?
– Không biết. Tôi cũng đã nghĩ nát óc.
– Còn ông, ông Poirot, ông nghĩ sao? – đại úy hỏi.
Poirot đáp:
– Ông thấy đấy, đó là một động cơ rất thuyết phục.
– Đủ để giết một người?
– Đủ để giết một người.
Đại úy Maitland càng chau mày dữ:
– Trước khi chết cô ấy nói được gì?
– Có. Cô lắp bắp được ba từ.
– Những từ gì?
– “Cái cửa sổ”.
– “Cái cửa sổ”? – đại úy Maitland nhắc lại – Và cô có hiểu cô ấy muốn nói gì?
Tôi lắc đầu.
– Trong phòng ngủ cô ấy có bao nhiêu cửa sổ?
– Chỉ có một.
– Nhìn ra sân?
– Phải.
– Cửa mở hay đóng? Nếu tôi nhớ không nhầm, thì cửa mở. Nhưng có thể một người nào đó đã mở ra?
– Không, nó luôn luôn mở. Tôi tự hỏi…
Tôi ngừng bặt.
– Cô nói tiếp đi!
– Tôi đã xem xét của sổ, không có gì bất thường. Tôi tự hỏi có sự đánh tráo cốc qua cái cửa này chăng.
– Đánh tráo cốc?
– Vâng. Cô Johnson có thói quen để sẵn cốc nước để dùng ban đêm. Có người đã lấy cốc đi, thay bằng cốc axit clorydric.
– Ông nghĩ sao, bác sĩ Reilly?
– Nếu là giết người, hung thủ chắc sẽ làm cách ấy. Nếu tỉnh, không ai ống thuốc độc thay nước. Nhưng nếu có thói quen uống nước lúc nửa đêm, người ta đưa tay ra như máy, vớ cái cốc ở chỗ đã để sẵn, rồi trong lúc ngái ngủ, có thể uống kha khá mới kịp nhận ra sự nhầm lẫn tai hại.
Đại úy Maitland suy nghĩ một lát.
– Tôi sẽ quay lại để xem cái cửa sổ. Nó cách đầu giường bao xa?
– Với tay ra thì tới chiếc bàn nhỏ kê đầu giường.
– Và cốc nước đặt trên bàn ấy?
– Phải.
– Cửa ra vào có khóa không?
– Không.
– Nếu vậy, muốn đánh tráo, có thể đi thẳng vào phòng.
– Tất nhiên.
– Nhưng như thế sẽ nguy hiểm hơn – bác sĩ Reilly nói – Người dù ngủ say vẫn có thể bất thần thức dậy. Thò tay qua cửa sổ để đánh tráo, vẫn an toàn hơn.
– Tôi không chỉ nghĩ riêng cái cốc… – đại úy Maitland nói lơ mơ.
Rồi ông như bừng tỉnh, lại hỏi:
– Theo cô, cô Johnson biết mình sắp chết, đã cố nói để cô biết là có người đã đánh tráo cốc axít thay cốc nước qua của sổ mở? Nhưng theo tôi, cô ấy phải nói ra tên thủ phạm thì mới đúng…
– Có thể cô không nhận ra người đánh tráo là ai – tôi nói.
– Hoặc cô ấy phải nói hôm trước đã phát hiện cái gì.
Bác sĩ Reilly chen vào:
– Lúc thập tử nhất sinh rồi, con người đâu có nhớ ra thứ tự các vấn đề cần nói. Một bàn tay thò qua cửa sổ, đó có thể là hình ảnh in hằn vào trí óc vào giờ phút cuối cùng của người đó. Cô Johnson cho điều đó là quan trọng nhất, cần thông báo. Theo tôi, như thế là đúng: vấn đề đó có tầm quan trọng đặc biệt, cô ấy không muốn để bị hiểu nhầm là mình tự tử. Nếu nói được bình thường, hẳn cô ấy sẽ nói như sau: “Tôi không tự tử. Có kẻ đã đặt chất độc gần giường qua cửa sổ”.
Đại úy Maitland không đáp, gõ tay lên bàn, rồi nói:
– Có hai cách giải thích cái chết này: tự tử, hay bị giết. Cách nào là khả năng hơn cả, thưa giáo sư.
Sau vài giây suy nghĩ, ông Leidner đáp, giọng bình tĩnh, dứt khoát:
– Bị giết. Anne Johnson không phải người tự hủy hoại đời mình.
– Không phải… Nhưng đó là trong hoàn cảnh bình thường. Trong những trường hợp nào đó, tự tử lại là một lối thoát thuận tiện – đại úy vặn vẹo.
– Ông nói rõ xem nào.
Đại úy cúi xuống nhặt một cái gói mà tôi thấy ông đặt dưới chân ghế từ nãy, ông bê nó đặt lên bàn, có vẻ khá nặng.
– Mọi người chưa biết gói này là cái gì, chắc thế. Tôi tìm thấy nó trong gầm giường cô Johnson.
Ông mở gói, để lộ ra một cái thớt cối xay.
Vật này với chúng tôi chẳng có gì lạ. Đoàn khai quật đã đào được hơn chục cái như thế.
Nhưng trên cái thớt này có một vết sẫm và mấy sợi tóc dính vào. Đại úy nói:
– Vết này là vết gì, bác sĩ Reilly sẽ cho ta rõ sau. Nhưng với tôi, không nghi ngờ gì nữa: Cái thớt bằng đá này là hung khí đã giết bà Leidner.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.