Nhảy, nhảy, nhảy
Chương 21 phần 1
Bọn họ xuất hiện hơn ba giờ một chút. Tôi đang trong buồng tắm thì chuông cửa reo. Khi tôi ra đến cửa, chuông đã reo đến hồi thứ tám. Tôi mở cửa, có hai người đàn ông đứng bên ngoài.
Một người trạc bốn mươi, người kia khoảng ba mươi. Người lớn tuổi hơn dong dỏng cao, trên mũi có một vết sẹo. Màu da hơi quá rám nắng so với mùa này trong năm, nước da màu đồng rắn rỏi mạnh mẽ như của một ngư dân chứ không phải thứ màu cầu kỳ có được nhờ các kỳ nghỉ ở biển hay trượt tuyết trên núi. Mái tóc rễ tre, bàn tay to và thô, áo khoác màu xám. Người trẻ thì thấp hơn, mái tóc hơi dài, cặp mắt nhỏ và sắc. Một thế hệ trước, hẳn anh ta đã bị gọi là đồ mọt sách. Cái loại mà ở các buổi gặp mặt của tạp chí văn học, vừa vuốt tóc vừa tuyên bố, “Mishima là người hùng của chúng ta”. Anh ta bận áo khoác có khóa kéo màu xanh đậm. Cả hai đi giày đen loại thường, rẻ tiền và rách nát. Loại ta sẽ chẳng bao giờ ngoái lại lần thứ hai nếu thấy chúng nằm bên vệ đường. Mà cả hai thằng cha này đều không phải loại muốn kết bạn.
Chẳng buồn giới thiệu, Mọt Sách rút ngay thẻ cảnh sát ra. Giống y như trong phim. Thực ra tôi chưa bao giờ nhìn thấy thẻ cảnh sát, nhưng chỉ một cái nhìn cũng đủ thuyết phục tôi đó là thẻ thật. Nó hợp với đôi giày rách rưới của họ. Có gì đó trong cách anh ta rút tấm thẻ ra khỏi túi, chắc hẳn anh ta từng đi bán tạp chí văn học từ nhà này sang nhà khác.
“Cảnh sát khu vực Akasaka,” Mọt Sách nói, rồi anh ta hỏi tôi xem tôi có phải là tôi không.
“À vâng”.
Ngư Dân im lặng đứng bên cạnh, hai tay đút túi áo khoác, thờ ơ đưa chân ra chặn cửa. Giống hệt trong phim. Tuyệt thật.
Mọt Sách cất thẻ cảnh sát rồi nhìn tôi một lượt từ đầu tới chân. Tôi đang mặc áo choàng tắm, tóc ướt nhẹp.
Mọt Sách mào đầu, “Chúng tôi cần anh đến trụ sở để hỗ trợ điều tra.”
“Thấm vấn à? Về chuyện gì thế?”
“Đến lúc cần anh sẽ biết,” anh ta nói. “Chúng tôi phải tuân theo một số thủ tục khi thực hiện những công việc kiểu này, sao chúng ta không đi ngay bây giờ nhỉ?”
“Vậy à? Thôi được, các anh có phiền không nếu tôi mặc thêm ít quần áo?”
“Ồ không, tất nhiên.” Mọt Sách hờ hững, sắc diện không hề thay đổi. Nếu Gotanda đóng vai cảnh sát, chắc cậu ta sẽ làm tốt hơn thế. Còn hiện thực thì chỉ thế này thôi. Bọn họ chờ ở cửa trong lúc tôi thay quần áo và tắt công tắc điện. Sau đó tôi xỏ chân vào đôi giày vải màu da trời của mình, cả hai tay cảnh sát cứ nhìn chằm chằm như thể đó là thứ mốt nhất trên thị trường vậy.
Một chiếc xe tuần tra đỗ gần lối vào khu nhà nơi tôi ở, một cảnh sát mặc đồng phục ngồi sau vô lăng. Ngư Dân ngồi vào ghế sau, sau đó đến tôi và cuối cùng là Mọt Sách. Lại giống như trong phim. Mọt Sách sập cửa và xe lăn bánh.
Đường phố đông nghịt, nhưng liệu họ có bật còi hụ lên không nhỉ? Không, họ làm như thể chúng tôi đang đi taxi. Chỉ không có đồng hồ cây số thôi. Chúng tôi dừng lại do tắc đường nhiều hơn là di chuyển, điều này tạo cơ hội cho những người ngồi trong xe khác và người đi bộ nhìn tôi chằm chằm. Không ai nói gì. Ngư Dân nhìn thẳng về phía trước, hai tay khoanh trước ngực. Mọt Sách nhìn ra ngoài cửa sổ, nhăn nhó như đang phải vắt óc nghĩ một bài tập làm văn. Trường phái ẩn dụ tăm tối và sôi nổi. Mùa xuân như một khái niệm trào dâng trong chúng ta, một cơn thủy triều ảm đạm của nỗi mong chờ. Sự hiện diện của mùa xuân đã khuấy động niềm đam mê trong lòng người ở khắp các ngõ ngách của thành phố, âm thầm quét sạch chúng tới những vũng lầy cát của sự phù phiếm.
Tôi muốn xóa cả đoạn văn trên khỏi đầu mình. Cái quái gì mà “mùa xuân như một khái niệm?” Còn “những vũng lầy cát của sự phù phiếm” là từ đâu ra? Tôi cảm thấy tiếc vì mình đã sa vào dòng suy nghĩ ngớ ngẩn này.
Shibuya nhan nhảm học sinh cấp II đầu rỗng ăn mặc như lũ hề, tất cả đều giống hệt nhau. Không niềm đam mê, cũng chẳng có vũng lầy cát.
Tại đồn cảnh sát, tôi được đưa lên phòng thẩm vấn ở trên tầng. Căn phòng chỉ rộng chừng ba mét vuông với một cửa sổ nhỏ xíu. Một cái bàn, hai cái ghế văn phòng bằng thép, hai cái ghế đẩu bọc nhựa, đồng hồ treo tường. Tất cả chỉ có thế. Trên bàn có một điện thoại, một cái gạt tàn, một tập hồ sơ. Không bình hoa. Hai tay cảnh sát tiến vào phòng và mời tôi ngồi xuống một trong hai cái ghế thép. Ngư Dân ngồi đối diện tôi, Mọt Sách đứng cạnh, sổ tay mở sẵn. Dường như họ đang giao tiếp ngầm với nhau.
“Vậy, đêm qua anh đã làm những gì?” cuối cùng Ngư Dân cũng lên tiếng sau một hồi lâu chờ đợi. Đó là những lời đầu tiên tôi nghe được từ miệng anh ta.
Đêm qua? Tôi đã làm gì nhỉ? Tôi chẳng thấy có sự khác biệt nào giữa đêm qua và các đêm khác. Thật buồn nhưng đúng là như vậy. Tôi nói với họ là tôi cần nghĩ lại xem đã.
“Nghe này,” Ngư Dân nói, húng hắng ho, “cứ theo quy trình hợp pháp thì rất lằng nhằng tốn thời gian. Chúng tôi đang hỏi anh một câu rất đơn giản: Từ tối hôm qua đến sáng nay, anh đã làm gì? Chẳng khó khăn gì, đúng không? Hại gì đâu nếu anh trả lời, phải không nào?”
“Tôi bảo anh rồi, tôi phải nghĩ đã,” tôi nói.
“Anh không thế nhớ nổi nếu không nghĩ sao? Chỉ là ngày hôm qua thôi mà. Chúng tôi không hỏi anh về tháng Tám năm ngoái, mà chắc là anh cũng chẳng nhớ gì,” Ngư Dân nhếch mép.
Tôi đã bảo là phải nghĩ mà, tôi đã định nói thế, nhưng sau đó lại cân nhắc. Tôi ngờ rằng họ chẳng biết chứng mất trí tạm thời là gì. Họ có thể cho rằng tôi bị ‘chập’ ở đâu đó cũng nên.
“Chúng tôi sẽ đợi,” Ngư Dân nói. “Anh cứ nghĩ đi, bao lâu tùy anh.” Anh ta lôi trong túi áo khoác ra bao thuốc và châm lửa bằng một chiếc Bic. “Hút thuốc không?”
“Không, cảm ơn,” tôi nói. Theo tạp chí Brutus, hiện nay, tầng lớp thị dân mới không hút thuốc. Có vẻ như hai anh chàng này không biết đến điều đó, Ngư Dân hút Seven Stars, Mọt Sách hút thuốc lá hiệu Hopes, liên tục.
“Chúng tôi sẽ cho anh năm phút,” Mọt Sách nói, mặt tỏ vẻ nghiêm trọng. “Sau đó, anh sẽ cho chúng tôi biết vài chuyện đơn giản, chẳng hạn như anh đã ở đâu đêm qua và anh làm gì ở đó.”
“Đừng vội vàng thế. Anh ta là trí thức.” Ngư Dân nói với Mọt Sách. “Theo hồ sơ, đây không phải là lần đầu tiên anh ta dính đến luật pháp. Từng là sinh viên cấp tiến, gây trở ngại cho chính quyền. Chúng ta có dấu vân tay của anh ta rồi. Cả hồ sơ từng được gửi đến văn phòng của bên công tố. Anh ta đã quen với cách thẩm vấn lịch sự rồi. Tinh-thần-thép, ở đây ghi như vậy. Anh ta có vẻ không thích cảnh sát chúng ta lắm. Tôi cá là anh ta biết tất cả quyền lợi của mình như trong hiến pháp đã ghi. Có nghĩ là anh ta sẽ đòi gọi luật sư luôn bây giờ không?”
“Nhưng anh ta tự nguyện đi với chúng ta cơ mà, vả lại ta chỉ hỏi chúng một câu đơn giản,” Mọt Sách nói với Ngư Dân. “Tôi chưa nghe nói gì đến việc bắt giữ, anh thì sao? Tôi nghĩ chẳng có lý do nào để anh ta phải gọi luật sư cả. Như thế không hợp lý lắm.”
“Ồ, còn tôi thì tôi cho rằng đó không chỉ đơn thuần là một trường hợp kỳ thị cảnh sát. Quý ông đây có thái độ tiêu cực đối với những gì liên can đến nhà cầm quyền. Anh ta thà chịu khổ chứ không chịu hợp tác,” Ngư Dân tiếp tục.
“Nhưng nếu anh ta không trả lời những câu hỏi của chúng ta, thì ta có thể làm gì khác ngoài việc chờ đến khi anh ta trả lời? Trả lời rồi anh ta có thể về. Chẳng luật sư nào lại đến đây chỉ vì chúng ta hỏi anh ta đã làm gì tối qua. Luật sư là người bận rộn. Trí thức thì phải hiểu điều đó chứ.”
“Ồ, tôi cho rằng,” Ngư Dân nói, “nếu quý ông đây hiểu được nguyên tắc đó thì tất cả chúng ta có thể tiết kiệm được khối thời gian. Chúng ta rất bận, anh ta cũng thế. Là người chín chắn, chúng ta biết lãng phí thời gian quý báu thật sự là vô ích. Quả là phiền hà. Chúng ta đều không muốn vắt sức mình vô ích.”
Bộ đôi cứ thế tiếp tục màn kịch của họ trong khoảng năm phút nữa.
“Hết thời gian rồi đấy,” Ngư Dân cười. “Thế nào? Anh có nhớ ra được gì không?”
Tôi vẫn chưa nhớ nổi. Thực ra, tôi cũng chẳng cố nhớ. Ngoài tình trạng hiện thời, tôi quả là chẳng nhớ gì hết. Tảng đá chặn ở đó chẳng thể lay chuyển. “Trước tiên, tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra,” tôi lên tiếng. “Trừ khi các anh cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra, còn không thì tôi sẽ không nói gì cả. Tôi không muốn nói điều gì không thích hợp. Ngoài ra, giải thích tình huống trước khi đặt câu hỏi là phép lịch sự thông thường. Làm như các anh là vi phạm phép tắc cư xử.”
“Anh ta không muốn nói điều gì có thể không thích hợp.” Mọt Sách nói kháy. “Phép lịch sự thông thường của chúng ta đâu rồi? Chúng tôi không muốn – anh gọi là gì ấy nhỉ – vi phạm phép tắc cư xử.”
“Tôi đã bảo quý ông này là trí thức mà,” Ngư Dân nói. “Anh ta có thành kiến. Anh ta ghét cảnh sát. Anh ta đặt mua Asashi Shimbun(28) và đọc tạp chí Sekai.”
28. Tờ báo có số lượng phát hành lớn thứ hai tại Nhật Bản.
“Tôi không đặt mua tờ báo đó và cũng không đọc tạp chí Sekai,” tôi ngắt lời. Cần phải thể hiện gì chứ. “Chừng nào các anh không nói cho tôi biết lý do tôi ở đây, tôi cũng sẽ không nói gì cả. Các anh muốn hạ nhục tôi thì cứ việc. Tôi cũng như các anh có rất nhiều thời gian rỗi để ngồi đây tán dóc.”
Hai gã cảnh sát nhìn nhau.
Ngư Dân: “Anh nói rằng nếu chúng tôi tỏ ra lịch sự và giải thích cho anh mọi chuyện đang xảy ra, anh sẽ hợp tác và trả lời câu hỏi của chúng tôi?”
Tôi trả lời: “Có thể.”
Mọt Sách, khoanh tay trước ngực và ngước lên tường: “Anh chàng này thật là có khiếu hài hước.”
Ngư Dân vuốt vết sẹo dọc sống mũi. Xét qua cái kiểu vết sẹo kéo nhăn vùng da xung quanh, có lẽ đó là một vết dao cắt, tương đối sâu. “Nghe này,” anh ta trở nên nghiêm túc. “Chúng tôi rất bận, và đây không phải trò đùa. Chúng ta đều muốn kết thúc mọi việc để về nhà đúng giờ ăn tối với gia đình. Chúng tôi không có gì chống lại anh, và cũng không có gì để phàn nàn ở đây. Vậy nên, nếu anh chịu nói cho chúng tôi biết anh đã làm gì đêm hôm qua, sẽ không còn yêu cầu nào khác. Còn nếu anh cứ khăng khăng theo ý mình, thì tôi muốn biết việc nói ra cho chúng tôi biết có hại gì cho anh? Hay anh có cảm giác tội lỗi về cái gì đó?”
Tôi chăm chú nhìn cái gạt tàn.
Mọt Sách đóng phắt quyển sổ tay lại đút vào túi. Khoảng ba mươi giây sau đó, không ai nói lời nào. Ngư Dân thì kịp đốt thêm một điếu Seven Stars.
“Ý chí sắt đá đấy,” Ngư Dân nói.
Mọt Sách hỏi: “Có muốn gọi cho Ủy ban Nhân quyền nào không?”
“Xin anh,” Ngư Dân và đồng sự của anh ta lại lải nhải, “đây không phải vấn đề nhân quyền. Đây là nghĩa vụ công dân. Nó được viết ngay trong cuốn Những tượng đài luật pháp yêu thích của anh, người ta viết rằng các công dân có nghĩa vụ phải hoàn toàn hợp tác với hoạt động điều tra của cảnh sát. Vậy tại sao anh lại chống lại những quan chức luật pháp như chúng tôi? Chúng tôi rất có ích khi các anh bị lạc và muốn hỏi đường, chúng tôi cũng có ích khi các anh bị ăn trộm viếng thăm, nhưng chúng tôi lại chẳng đáng để các anh hợp tác chỉ một chút thôi ư? Giờ thử lại xem nào. Anh đã ở đâu đêm hôm qua và anh đã làm gì?”
“Tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra,” tôi nhắc lại.
Mọt Sách xì mũi một tiếng rõ to. Ngư Dân lấy một cái thước kẻ nhựa ra khỏi ngăn kéo và tự quất thật mạnh vào lòng bàn tay.
“Nghe đây, chàng trai,” Mọt Sách tuyên bố, ném mẩu giấy ăn bẩn vào sọt rác, “anh có nhận thấy rằng tình thế của mình ngày càng xấu thêm không?”
“Nên nhớ đây không phải thập kỷ sáu mươi. Anh không thể tiếp tục thái độ chống đối chế độ này được,” Ngư Dân bực tức nói. “Những ngày đó đã qua rồi. Anh và tôi, chúng ta bị trói buộc tại đây trong cái xã hội này. Chẳng còn cái gì gọi là chống đối với cả ủng hộ chế độ nữa. Đã qua hết rồi. Hệ thống này đã được thành hình. Nếu anh không thích nó, anh có thể ngồi im một chỗ và đợi một trận động đất lớn xảy ra. Anh có thể đào một cái hố mà đợi cũng được. Nhưng tỏ thái độ bất mãn với chúng tôi sẽ chẳng đi đến đâu cả. Đó là những nỗ lực vô ích. Anh có hiểu không?”
“Thôi được rồi, xin đầu hàng. Chúng tôi đã không tôn trọng anh đúng mức. Nếu đúng là như thế, tôi rất tiếc. Tôi xin lỗi.” Lại đến lượt Mọt Sách, anh ta lại mở cuốn sổ ra. “Chúng tôi cũng đang làm một vụ khác và đã không ngủ suốt ngày hôm qua. Năm ngày rồi tôi không gặp các con mình. Và mặc dù anh có thể không tôn trọng tôi, tôi vẫn là một viên chức nhà nước. Tôi cần phải đảm bảo an ninh xã hội. Khi anh từ chối trả lời một câu hỏi đơn giản, anh phải biết rằng nó sẽ khiến chúng tôi gặp khó khăn. Và khi tôi nói là mọi việc đang có chiều hướng xấu cho anh, đó là bởi càng mệt chúng tôi càng dễ bực tức. Một việc đơn giản vì thế mà rất có thể trở nên phức tạp. Tất nhiên là anh có quyền, luật pháp đứng về phía anh, nhưng đôi khi luật pháp cũng cần thời gian mới có thể can thiệp, và trong trường hợp đó, nó sẽ nằm trong tay những kẻ thi hành nhiệm vụ đang uể oải như chúng tôi. Anh hiểu ý tôi chứ?”
“Đừng hiểu nhầm, chúng tôi không dọa anh đâu,” Ngư Dân chen vào. “Anh ấy chỉ cảnh báo thân thiện thôi. Anh ấy không muốn có chuyện không hay xảy đến cho anh.”
Tôi im lặng nhìn vào cái gạt tàn. Một cái gạt tàn bằng thủy tinh đơn giản, cũ mèm và không có nhãn hiệu. Nó đã ở trên cái bàn này bao nhiêu thập kỷ rồi nhỉ?
Ngư Dân không ngừng tự quất thước kẻ nhựa vào tay. “Được thôi,” anh ta nhượng bộ. “Tôi sẽ giải thích nguyên do. Bước này không có trong thủ tục hỏi cung, nhưng vì chúng tôi cần sự tôn trọng của anh, nên chúng tôi sẽ tiến hành mọi việc theo ý anh.”
Anh ta nhấc một cái cặp tài liệu lên, bỏ phong bì ra và lấy ba cái ảnh cỡ lớn. Những bức ảnh đen trắng, không có vẻ gì là ảnh nghệ thuật cả. Nhìn qua một cái là biết ngay. Bức ảnh đầu tiên là ảnh một phụ nữ khỏa thân nằm úp mặt xuống giường. Chân dài, eo nhỏ, tóc xõa ra như cái quạt. Đùi cô gái hé mở đủ để có thể thấy giữa chúng là gì. Hai cánh tay cô dang ra hai bên. Có lẽ cô đang ngủ.
Bức ảnh thứ hai sinh động hơn. Cô gái quay lại, vùng lông mu, ngực và khuôn mặt mặt lộ rõ. Chân và tay cô đặt ở tư thế không tự nhiên lắm. Mắt cô mở to và đờ đẫn, miệng cô méo mó. Cô gái không ngủ. Cô đã chết.
Đó là Mei.
Bức ảnh thứ ba chụp cận cảnh khuôn mặt Mei. Mei. Không còn xinh đẹp nữa. Trông lạnh lẽo, như băng đá. Vết dây thừng hằn quanh cổ cô.
Miệng tôi khô khốc, tôi không nuốt nổi nước bọt. Lòng bàn tay tôi ngứa ran. Mei. Đầy sức sống và đam mê. Bây giờ lạnh ngắt và đã chết.
Tôi cố kiềm chế không lắc đầu và biểu lộ bất cứ cảm xúc nào. Tôi biết hai anh chàng kia đang theo dõi nhất cử nhất động của tôi. Tôi xếp ba bức ảnh lại trả cho Ngư Dân. Tôi cố tỏ ra thản nhiên.
“Anh có biết cô gái trong ảnh không?” Ngư Dân hỏi.
“Không.” Tôi có thể đã nói có, nhưng như vậy tôi sẽ lại phải kể với họ cả về Gotanda, người đã giới thiệu tôi với Mei, và cuộc sống của cậu ta có thể sẽ bị hủy hoại nếu tin này được đưa lên phương tiện đại chúng. Rất có thể chính cậu ta là người đã ho ra tên tôi. Nhưng tôi không biết chắc. Phải mạo hiểm thôi. Họ có vẻ như không định nhắc đến tên Gotanda.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.