Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)

Chương. – 15



Kể từ ngày hai mươi tám tháng mười, khi trời bắt đầu giá rét, cuộc bỏ chạy của quân lính Pháp chỉ thêm bi đát vì cảnh những người chết cóng hoặc chết bỏng ở các bếp lửa, và cảnh hoàng đế, các quốc vương và các quận công mặc áo choàng ấm tiếp tục ngồi xe kiệu cùng với nhiều của cải cướp được; vì thực chất thì quá trình trốn chạy và tan rã của quân đội Pháp. Kể từ khi ở Moskva, ra đi cũng không hề mảy may thay đổi.

Từ Moskva đến Vyazma, quân đội Pháp từ bảy vạn ba nghìn người, không kể quân cấm vệ (đạo quân này trong suốt cuộc chiến tranh chẳng làm gì ngoài việc cướp bóc) từ bảy vạn ba nghìn người ấy chỉ còn ba vạn sáu nghìn (trong số này chỉ có năm nghìn người bị chết trong các trận đánh). Đó là vế đầu của cấp số quyết định các cấp số sau khi cách tính chính xác như toán học.

Quân đội Pháp vẫn theo tỉ số ấy mà tan rã và bị tiêu diệt từ Moskva đến Vyazma, từ Vyazma đến Smolensk. Từ Xmoleaxk đến Betrya, Berezina, từ Berezina đến Vilna, không kể trời lạnh đến mức như thế nào, bất chấp những cuộc truy kích, những cuộc chặn đường và những điều kiện khác xét riêng từng cái. Sau Vyazma quân Pháp không đi thành ba đạo nữa mà nhập lại thành một lũ và cứ thế mà đi cho đến cùng. Bertie có viết cho vua ông ta như sau (ta đã biết rõ các nhà chỉ huy quân sự thường cho phép mình đi xa sự thật đến nhường nào khi mô tả tình hình quân đội).

“Tôi thấy cần phải tâu để bệ hạ rõ tình hình của quân đội bệ hạ trong các quan đoàn mà tôi đã có dịp quan sát trong hai ba ngày nay ở nhiều chặng hành quân khác nhau. Quân đội đã hoàn toàn tan rã. Trong hầu hết các trung đoàn số binh sĩ đi theo các quân kỵ giỏi lắm chỉ còn một phần tư, còn lại thì đi lẻ ra nhiều hướng vì nhiều mục đính riêng tư, hy vọng tìm lương ăn và thoát khỏi bị kỷ luật.

Nói chung, họ xem Smolensk như nơi họ nghỉ cho lại sức. Mấy ngày gần đây nhưng người ta thấy nhìn thấy nhiều binh sĩ vứt đạn vứt súng đi. Trong tình trạng này thì dù ý định của bệ hạ có thế nào chăng nữa, quyền lợi quân sự của bệ hạ cũng yêu cầu tập hợp lại quân đội ở Smolensk, bắt đầu bằng việc thanh toán những phần tử không chiến đấu như những kỵ binh mất ngựa, những hành lý và những đồ đạc của pháo binh không còn cân xứng với lực lượng hiện nay nữa, ngoài những ngày nghỉ ngơi ra, lương thực cũng rất cần cho binh sĩ đã kiệt sức vì đói và mệt.

Mấy ngày gần đây đã có nhiều người chết dọc đường hay ở các trại lộ chiến.

Tình hình mỗi ngày một thêm trầm trọng và khiến ta phải nghĩ rằng nếu không có phương sách gì để cấp tốc để bổ cứu, tôi sợ đến khi có chiến tranh ta không còn làm chủ được quân đội nữa. Ngày mùng tám tháng mười một, cách Smolensk 30 dặm Nga”.

Sau khi ùa vào Smolensk là nơi họ xem như cõi đất hứa hẹn, quân Pháp giết nhau để tranh giành lương thực, cướp phá cả các kho lương thực của họ, và khi đã cướp đi hết sạch, họ lại tiếp tục chạy trốn.

Mọi người đều đi mà chẳng biết mình đi đâu và để làm gì.

Napoléon với cái thiên tài của ông ta, còn biết điều đó ít hơn ai hết, vì không có ai ra mệnh lệnh cho ông ta cả. Tuy thế ông ta và những người thân cận vẫn giữ những tập quán cũ: viết mệnh lệnh, thứ tự, báo cáo, nhật lệnh; gọi nhau là “Bệ hạ, hiền huynh, công tước Ecmuun, quốc vương Napoli v.v…” Nhưng những mệnh lệnh và báo cáo đều chỉ có thể trên giấy tờ, không có việc gì được thực hiện theo những mệnh lệnh đó cả, vì không nào thực hiện được, và tuy họ gọi nhau bằng những chức tước long trọng và xưng hô như anh em cùng họ, mọi người đều cảm thấy mình là những con người thảm hại và xấu xa đã làm nhiều điều ác mà nay họ phải trả nợ. Và tuy họ giả vờ lo lắng đến quân đội, mỗi người chỉ nghĩ đến cái thân mình và nghĩ cách làm sao trốn thoát cho nhanh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.