Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)

Chương. – 9



Ở trạm gác của Piotr được giải đến, viên sĩ quan và mấy người lính đã bắt giam Piotr, đối xử với chàng một cách thù địch nhưng đồng thời cũng có ý kính nể chàng. Trong thái độ của họ vẫn còn có thể cảm thấy rằng họ vừa hồ nghi không biết chàng là ai (là một nhân vật rất trọng yếu chăng) vừa tức tối nhớ lại cuộc ẩu đả vừa qua với chàng.

Nhưng sáng hôm sau, khi đến giờ đổi gác, Piotr nhận thấy rằng, đối với đội quân canh mới đến, – Sĩ quan cũng như binh lính, chàng đã không còn quan trọng như đối với những người đã bắt chàng. Và quả nhiên, trong con người to béo mặc áo kaftan, nông dân này, đội lính canh ngày hôm ấy không hề thấy con người linh hoạt đã đánh nhau chí tử với nhiều tên lính ăn cướp và với đội áp giải, và đã từng nói cái câu trang trọng về việc cứu sống đứa bé, mà chỉ thấy đó là người thứ mười bảy trong số những người Nga bị bắt giữ vị một lý do nào đó, theo lệnh của cấp trên. Vả chăng nếu Piotr có một cái gì đặc biệt chăng nữa, thì đó chỉ là cái vẻ đăm chiêu tư lự chẳng hề sợ sệt của chàng, hoặc giả là cái tiếng Pháp điêu luyện của chàng mà người Pháp rất lấy làm lạ. Tuy vậy, ngay hôm ấy, Piotr cũng được đưa sang giam cùng buồng với những người khả nghi khác, vì gian phòng dành riêng để giam chàng nay có một viên sĩ quan Pháp cần đến.

Tất cả những người Nga cũng bị giam với Piotr đều là những người thuộc lớp cùng dân. Và khi nhận ra rằng Piotr là một người thượng lưu, họ đều xa lánh chàng, huống hồ chàng lại nói tiếng Pháp nữa. Piotr buồn rầu nghe những lời chế giễu của họ nhằm vào chàng.

Đến tối ngày hôm sau, Piotr được biết rằng tất cả những người bị giam ở đây (và hình như trong số đó có cả chàng) đều sẽ bị đưa ra xử về tội đốt nhà. Đến ngày thứ ba, Piotr cùng với những người bị giam khác bị dẫn sang một ngôi nhà có một viên tướng Pháp để bộ ria mép bạc trắng, hai viên trung tá và mấy người Pháp nữa có đeo băng hiệu ở ống tay áo quân phục. Họ hỏi Piotr, cũng như những người khác, những câu mà người ta vẫn thường dùng để hỏi những bị cáo, những câu hỏi mà người ra vẫn xác được coi như vượt lên trên những sự yếu đuối của con người: Anh là ai? Trước đây anh ở đâu? Vì mục đích gì? v.v…

Những câu hỏi này gạt nội dung của sự việc ra một bên và loại trừ mọi khả năng phát hiện ra cái nội dung đó, cũng như tất cả những câu hỏi dùng ở tòa án, mục đích của nó là đưa ra trước người bị cáo một cái ống máng để cho những câu trả lời của họ chảy theo hướng những người xét xử mong muốn, nghĩa là để dẫn đến việc buộc tội. Hễ người bị cáo bắt đầu nói một điều gì không ăn nhập với mục đích buộc tội thì người ta rút ống máng đi, và nước muốn chảy đi đâu thì chảy. Ngoài ra, Piotr còn có cái cảm giác mà người bị cáo vẫn thường có khi đứng trước bất cứ tòa án nào: cảm giác ngỡ ngàng không hiểu người ta hỏi những câu ấy để làm gì. Chàng cảm thấy rằng chỉ vì muốn làm ra vẻ khoan dung hay lễ độ mà người dùng cái thủ tục ống máng ấy. Chàng biết rằng mình đang nằm trong tay những người này, rằng chỉ có bạo lực dẫn chàng đến đây, rằng chỉ có bạo lực cho họ cái quyền bắt chàng trả lời những câu hỏi ấy, rằng mục đích duy nhất của cuộc họp mặt này là để buộc tội chàng. Cho nên, một khi đã có quyền lực và có ý muốn buộc tội, lẽ ra không cần dùng đến những câu hỏi cạm bẫy như vậy, mà cũng không xét xử làm gì. Có thể thấy rõ rằng tất cả những câu hỏi ấy đều nhàm đưa đễn chỗ buộc tội. Khi họ hỏi chàng đang làm gì khi bị bắt, Piotr trả lời với một giọng hơi bi đát, rằng chàng đang bế một đứa bé mà chàng vừa cứu trong đống lửa ra để mang trả lại cho cha mẹ nó.

– Tại sao lại đánh nhau với tên lính ăn cướp?

Piotr đáp rằng chàng bênh vực một người đàn bà, rằng bênh vực một người đàn bà bị xúc phạm là nhiệm vụ của mọi người, rằng… Họ ngăn chàng lại: những cái đó không dính dáng đến việc này. Vì sao chàng lại đứng trong sân một ngôi nhà đang cháy, như một số người làm chứng đã nói? Chàng đáp rằng chàng đang đi xem thử ở Moskva đang xảy ra những việc gì. Họ lại ngắt lời chàng: Đây không ai hỏi chàng đi đâu, mà hỏi chàng đứng gần đám cháy để làm gì. Chàng là ai? Họ lại hỏi câu hỏi đầu tiên, mà lúc nãy chàng đã đáp rằng chàng sẽ không trả lời. Bây giờ chàng lại nhắc lại một lần nữa rằng chàng không thể nói điều đó ra được.

– Ghi lấy: như thế không tốt. Rất là không tốt, – viên tướng có bộ ria bạc trắng và khuôn mặt đỏ gay nói với chàng một cách nghiêm khắc.

Đến ngày thứ tư, các đám cháy lan đều bức tường thành Zubovxki. Piotr cùng với mười ba người khác bị giải đến Krymxki Brod, giam vào một cái kho để xe của một nhà buôn. Trong khi đi qua các phố, Piotr ngạt thở vì làn khói bấy giờ hình như đang bao trùm khắp thành Moskva. Bốn phía đều rừng rực ánh lửa cháy nhà. Lúc bấy giờ Piotr chưa hiểu tầm quan trọng của việc Moskva bốc cháy, chàng kinh hãi nhìn ánh lửa.

Trong gian nhà kho ở Krymxki Brod, Piotr bị giam bốn ngày nữa, và trong thời gian đó, qua những câu chuyện trò của bọn lính Pháp nói với nhau chàng được biết rằng tất cả những người bị giam giữ ở đây phải đợi quyết định nay mai của nguyên soái. Nghe những mẩu chuyện ấy Piotr không thể biết rõ nguyên soái đây là nguyên soái nào. Đối với những người lính ấy, chức nguyên soái hẳn là một cái khâu cao cấp và khá bí ẩn của quyền lực.

Những ngày đầu tiên này. – Kể cho đến mồng tám tháng chín, ngày các phạm nhân bị đưa đi hỏi cung lần thứ hai, là những ngày khổ sở nhất đối với Piotr.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.