Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4)

Phần XV – Chương. – 1



Con người hoảng sợ khi nhìn thấy một con vật đang hấp hối, cái làm thành anh ta cái thực chất của anh ta. – Đang huỷ diệt trước mắt mình, đang thôi tồn tại. Nhưng khi con vật đang hấp hối ấy lại là một con người và là một người mình yêu dấu, thì ngoài sự kinh hãi trước cảnh huỷ diệt của sự sống, còn có thêm một cảm giác tan vỡ và một vết thương tinh thần, vết thương này cũng như một vết thương về thể xác, đôi khi làm cho người ta chết đi, đôi khi đâm da non và khỏi hẳn, nhưng bao giờ cũng đau đớn và sợ những sự động chạm từ ngoài vào khiến cho nó nhức buốt thêm.

Sau khi công tước Andrey mất, Natasa và công tước tiểu thư Maria đều cùng cảm thấy như vậy. Tinh thần họ cúi rạp xuống và nhắm mắt lại trước đám mây hung dữ của cái chết đang lơ lửng trên đáu họ, họ không dám nhìn thẳng vào cuộc sống. Họ thận trọng gìn giữ cho những vết thương rớm máu của họ khỏi bị những động chạm đau đớn, tủi cực. Tất cả: một cỗ xe kiệu vút nhanh qua phố, một lời nhắc nhở đến bữa tiệc chiều nay, một câu hỏi của người thị tỳ về chiếc áo dài phải soạn sửa, và tệ hơn nữa, một lời chia buồn không được thành thật và thiết tha. – Tất cả những cái đó đều làm cho vết thương thêm đau buốt đều có vẻ là một sự lăng mạ và phá vỡ cõi im lặng mà hai người đang cần đến để lắng nghe điệu hợp ca nghiêm trang và kinh hoàng vẫn chưa tắt hẳn trong tâm hồn họ, và đều cản trở họ đi sâu vào cõi xa xăm vô tận và huyền bí đã mở ra trước mắt họ trong một khoẳnh khắc.

Chỉ khi nào hai người ngồi riêng với nhau, họ mới không thấy tủi cực và đau đớn. Họ ít nói chuyện với nhau. Có nói chăng thì cũng chỉ nói về những chuyện không đâu. Cả hai người đều tránh nhắc đến cái gì có liên quan đến tương lai.

Đối với họ, thừa nhận rằng họ còn có thể có tương lai có vẻ như một điều lăng mạ đối với hương hồn chàng. Trong khi nói chuyện, họ lại càng cố tránh một cách thận trọng hơn nữa tất cả những gì có thể có liên quan đến người đã khuất. Họ có cảm giác là những điều họ đã trải qua và đã cảm nghĩ đến không thể nào diễn đạt bằng lời nói được. Họ có cảm tưởng là hễ dùng lời nào nhắc đến bất cứ chi tiết nào trong đời sống của chàng là đã xúc phạm đến sự cao cả và thiêng liêng của cái sự việc huyền bí đã diễn ra trước mắt họ.

Vì họ luôn luôn giữ gin từng lời nói, luôn luôn cố gắng tránh tất cả những gì có thể dẫn đến một lời nhắc nhở về chàng: vì họ cứ dừng lại chung quanh đường biên giới của lĩnh vực được nói đến, cho nên những điều họ cảm thấy lại càng hiện lên trong tưởng tượng của họ một cách thuần khiết và rõ ràng hơn nữa.

Nhưng không thể nào có một nỗi buồn thuần tuý và trọn vẹn cũng như không thể nào có một niềm vui thuần tuý trọn vẹn. Công tước tiểu thư Maria bây giờ đã sống trong tình cảnh của người chủ độc lập và duy nhất của số phận mình, của người che chở và dạy dỗ đứa cháu trai, cho nên cũng là người đầu tiên được cuộc sống kêu gọi ra khỏi cái thế giới sâu thẳm mà nàng đã sống trong hai tuần. Nàng nhận được những bức thư của họ hàng mà nàng phải trả lời; căn phòng dành cho Nikoluska ở ẩm thấp quá, cậu bé bắt đầu ho. Alpatyts đến Yaroxlav báo về công việc và bàn bạc khuyên răn nên dọn về Moskva ở tòa nhà phố Vodvizenka hãy còn nguyên vẹn, chỉ cần tu sửa đôi chút. Cuộc sống không thể ngừng lại, và đằng nào cũng phải sống. Dù nữ công tước Maria hết sức khổ tâm khi phải ra khỏi cái thế giới tĩnh tâm cô độc mà nàng đã sống cho đến nay, dù nàng thấy ái ngại và dường như xấu hổ khi phải để Natasa ở lại một mình, song những lo âu, bận rộn của cuộc sống cũng đỏi hỏi nàng phải góp một tay vào, và nàng bất giác tuân theo sự đòi hỏi đó. Nàng soát lại sổ sách tiền nong với Alpatyts, bàn bạc với ông Dexal về đứa cháu trai và sai bảo người nhà sửa soạn cho nàng dọn lên Moskva.

Natasa ở lại một mình, và từ khi công tước tiểu thư Maria bắt tay vào sửa soạn ra đi, nàng tránh mặt luôn cả tiểu thư.

Công tước tiểu thư Maria bàn với bá tước phu nhân để cho Natasa đi với nàng lên Moskva, và cả hai vợ chồng bà đều vui mừng ưng thuận, vì họ thấy con gái họ mỗi ngày một mòn mỏi đi và cho rằng nàng được đổi gió và được các bác sĩ Moskva săn sóc, thì sẽ có lợi hơn.

– Con không đi đâu hết, – Natasa đáp khi nghe cha mẻ bàn bạc việc ấy. Chỉ xin để cho con yên, – Nàng nói đoạn chạy ra khỏi phòng, khó lòng nén nổi những giọt nước mắt bực tức hằn học nhiều hơn là buồn tủi.

Sau khi cảm thấy mình bị tiểu thư Maria bỏ rơi phải sống cô độc với nỗi buồn của mình, Natasa phần lớn thời gian ngồi một mình trong phòng riêng, ở góc đi-văng, hai chân thu lên trên mặt ghế, mấy ngón tay thon nhỏ bứt rứt vò xé một vật gì, mắt đờ đẫn nhìn trừng trừng vào một chỗ. Cảnh cô đơn này làm cho nàng héo hon, nó giày vò nàng đau đớn; nhưng nàng rất cần đến nó. Có ai vào phòng là nàng vụt đứng dậy, đổi tư thế và vẻ mặt, với lấy một quyển sách hay một mẫu thêu, rõ ràng là sốt ruột đợi cho người đó đi ra, đừng làm phiền nàng nữa.

Nàng cứ có cảm giác mình sắp sửa hiểu thấu được điều mà cái nhìn nội tâm của nàng hướng tới với một nỗi băn khoăn khủng khiếp không sao chịu nổi.

Vào một buổi tháng chạp, mình mặc chiếc áo len đen, mái tóc quấn qua loa thành một cái búi, gầy gò và xanh xao, Natasa ngồi xếp chân ở góc đi-văng, tay bứt rứt hết vò lại gỡ hai đầu mối chiếc thắt lưng, mắt nhìn vào góc cửa.

Nàng nhìn về phía chàng đã ra đi, nhìn sang bên kia cuộc sống.

Và cái phía bên kia cuộc sống mà trước đây nàng không bao giờ nghĩ đến, và trước nàng có cảm tưởng là xa xăm và hư ảo vô cùng; thì nay lại gần gũi và thân thuộc hơn, dễ hiểu hơn phía bên này của cuộc sống, nơi mà tất cả đều là trống trải và đổ vỡ hoặc đều là đau đớn và tủi nhục Nàng nhìn về phía mà nàng biết là có chàng ở đấy, nhưng nàng không thể thấy chàng với một hình dáng nào khác hơn là khi chàng hãy còn ở bên này. Nàng lại thấy hình ảnh chàng như khi chàng ở Mytisi, ở Troisk, ở Yaroxlav. Nàng trông thấy mặt chàng, nghe giọng nói của chàng và nhắc lại những lời chàng đã nói và chính nàng đã nói với chàng, và đôi khi Natasa lại nghĩ thêm cho mình và cho chàng những lời khác mà lẽ ra hồi ấy hai người có thể nói với nhau.

Đây chàng nằm trên ghế bành, mình mặc chiếc áo khoác nhung, đầu tựa trên cánh tay gầy go, xanh xao. Ngực chàng lõm xuống một cách dễ sợ, vai chàng nhô lên, hai môi mím chặt, hai mắt sáng long lanh, và trên vầng trán xanh xao một nếp nhăn hiện lên rồi lại lặn đi. Một bên chân khẽ rung rung nhanh. Natasa biết rằng chàng đang vật lộn với một cơn đau dữ dội. “Cơn đau của chàng như thế nào? Tại sao lại đau? Cảm giác của chàng ra sao? Chàng đau như thế nào?” – Natasa nghĩ. Chàng nhận thấy nàng đang chú ý, chàng ngước mắt lên và cất tiếng nói, không mỉm cười.

“Chỉ có một điều đáng sợ, – Chàng nói. – Là vĩnh viễn trói buộc mình vào một con người đau khổ. Đó là một sự đọa đầy vô tận”. Và chàng nhìn nàng như muốn thử thách. Natasa chưa kịp suy nghĩ đã trả lời. – Xưa nay bao giờ nàng cũng vẫn thế và ngay lúc bấy giờ nữa nàng cũng vẫn thế – Nàng nói: “Không thể cứ như thế mãi được, rồi sẽ khác, anh sẽ khỏi, khỏi hẳn”.

Bây giờ nàng lại thấy chàng và sống lại tất cả những cảm xúc của nàng dạo ấy. Nàng nhớ lại cái nhìn dai dẳng buồn rầu, nghiêm nghị của chàng khi nghe thấy mấy lời này, và nàng hiểu ý nghĩa trách móc và tuyệt vọng của cái nhìn dai dẳng ấy.

“Ta đã thừa nhận, – Bây giờ Natasa tự nhủ, – rằng nếu chàng cứ sống đau đớn như vậy mãi thì sẽ khủng khiếp vô cùng. Dạo ấy ta chỉ nghĩ rằng điều đó là sẽ rất khủng khiếp cho chàng, nhưng chàng lại hiểu khác. Chàng nghĩ rằng khủng khiếp đó cho ta. Dạo ấy chàng hãy còn muốn sống, chàng sợ chết. Thế mà ta đã nói với chàng một cách thô lỗ và ngu xuẩn như vậy. Ta không nghĩ như thế. Ta nghĩ khác hẳn. Giá nói cho đúng điều ta nghĩ, thì lẽ ra ta phải nói: “Thôi chàng hãy cứ hấp hối đi, chàng cứ hấp hối mãi mãi trước mặt ta đi, ta vẫn sẽ sung sướng hơn so với bây giờ. Bây giờ, không còn gì nữa, không có ai hết. Lúc ấy chàng có biết không? Không! Lúc ấy chàng không biết, và sẽ không bao giờ biết được. Và đến nay thì không bao giờ còn có thể chữa lại điều đó nữa rồi!”. Và một lần nữa, chàng lại nói với nàng những lời ấy, nhưng bây giờ trong tưởng tượng của nàng, Natasa trả lời chàng một cách khác. Nàng ngắt lời chàng và nói: “Khủng khiếp là khủng khiếp cho anh chứ không phải cho em. Anh biết cho em rằng không có anh thì đời em chẳng còn gì nữa, và được đau khổ vì anh là hạnh phúc lớn nhất của em”. Thế rồi chàng cầm lấy tay nàng và siết chặt như trong buổi tối khủng khiếp bốn ngày trước khi chàng qua đời. Và trong tưởng tưởng nàng lại nói với chàng, những lời nọi âu yếm, chan chứa tình yêu mà lẽ ra nàng có thể nói vào dạo ấy: “Em yêu anh, yêu anh, em yêu quá”. – Nàng nói, hai tay co quắp xiết vào nhau, hàm răng nghiến chặt trong một sự cố gắng dữ dội.

Và một nỗi buồn dịu ngọt tràn ngập lòng nàng, và nước mắt đã trào lên mi nàng, nhưng bỗng nàng lại tự hỏi: nàng nói với ai vậy?

Bây giờ chàng ở đâu và chàng là thế nào? Và một lần nữa mọi vật lại mờ đi trong một cảm giác bàng hoàng khô khan, cứng nhắc, và một lần nữa, đôi mày cau lại, nàng nhìn về phía mà trước kia đã có chàng. Và nàng có cảm tưởng như chỉ một tí chút nữa thôi là nàng đã hiểu được thấu được điều bí ẩn ấy. Nhưng ngay khi điều bí ẩn ấy tưởng như đã sắp mở ra ngay trước mắt nàng, thì tiếng then gõ mạnh vào cánh cửa đập vào tai nàng nhức nhối. Chị hầu phòng Dunusia vẻ mặt hoảng hốt, hình như không để tâm đến nàng, bước nhanh vào phòng, không giữ gin ý tứ gì cả.

– Mời tiểu thư đến phòng cụ nhà, nhanh lên, – Dunusia nói, vẻ thoảng thốt khác thường. – Có tin chẳng lành, cậu Piotr IIyts… có thư… – Dunusia nói đoạn nấc lên một tiếng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.