Bố Đã Từng Yêu

Chương 9



– Thế thôi ạ?
– Ừ.
– Bố không muốn kể cho con phần tiếp theo, phải không? Phần này bị cấm ạ?
– Không hề! Không hề, con ạ… Cô ấy đi còn bố lại ngồi xuống ghế.
Bố trải qua phần đêm còn lại để mơ mộng trong lúc đọc mẩu giấy nhỏ của cô ấy đặt trên đùi bố. Con thấy đấy, chẳng có gì đặc biệt cả…
– Ồ! Có chứ… Cái đùi của bố…
– Con quá ngớ ngẩn, con gái ạ. Tôi cười ngượng nghịu.
– Nhưng vậy thì tại sao cô ấy lại quay lại nhỉ?
– Đó là chính là câu hỏi mà bố tự đặt ra cho mình đêm hôm đó và sáng hôm sau và ngày hôm sau nữa và tất cả mọi ngày cho đến khi bố gặp lại cô ấy…
– Bố gặp lại cô ấy khi nào?
– Hai tháng sau đó. Một buổi tối giữa tháng Tám, cô ấy bất thần đến văn phòng bố. Lúc đó bố chẳng chờ đợi ai cả. Bố đi nghỉ hè về sớm hơn một chút để yên tĩnh làm việc. Cánh cửa mở ra và đó là cô ấy. Cô ấy ngẫu nhiên đi qua. Vô tình thôi. Cô ấy vừa ở Normandie về và đang chờ cú điện thoại của một cô bạn để đi tiếp. Cô ấy tìm bố trong niêm giám điện thoại và thế là…
Cô ấy mang lại cho bố cái bút mà bố đã để quên ở phía bên kia thế giới. Cô ấy đã quên không đưa cho bố khi ở quầy rượu, nhưng lần này, cô ấy nghĩ ngay đến nó và lập tức lục tìm trong túi xách của mình.
Cô ấy không thay đổi. Ý bố là, bố đã không hề lý tưởng hoá cô ấy, bố hỏi cô ấy:
“Nhưng… Cô đến chỉ vì việc này thôi sao? Vì cái bút à?
– Vâng, tất nhiên. Nó là một cái bút đẹp. Tôi đã nghĩ rằng ông tha thiết muốn có nó.”
Cô ấy trả nó lại cho bố cùng với một nụ cười. Đó là một chiếc bút bi.
Một chiếc Bic màu đỏ.
Bố không biết phải làm gì nữa. Bố… Cô ấy đã choàng tay ôm lấy bố và bố để mặc cho mình bị bất ngờ. Thế giới đang thuộc về bố.

Bố và cô ấy đã tay trong tay đi ngang qua Paris. Từ Trocadéro đến đảo Cité, men theo bờ sông Seine. Đó là một buổi tối tuyệt đẹp. Trời nóng. Áng sáng rất dịu. Mặt trời vẫn chưa lặn hẳn. Bố và cô ấy giống như hai người khách du lịch, không âu lo, ngây ngất, chiếc áo vét vắt vai và những ngón tay đan xen vào nhau. Bố làm người hướng dẫn. Bố đã không đi bộ như vậy từ nhiều năm rồi. Bố đang khám phá lại thành phố của mình. Rồi hai người đã ăn tối ở quảng trường Dauphine và trải qua những ngày tiếp theo trong căn phòng khách sạn của cô ấy. Bố nhớ buổi tối hôm đầu tiên. Đến cái vị mặn của cô ấy. Chắc hẳn cô ấy đã tắm biển trước khi lên tàu. Nửa đêm bố phải dậy vì khát nước. Bố … Thật tuyệt vời.
Thật tuyệt vời và hoàn toàn giả tạo. Mọi thứ đều giả tạo. Đó không phải là cuộc sống. Không phải là Paris. Mà là tháng Tám. Bố không phải là khách du lịch. Không phải là người độc thân. Bố nói dối. Bố tự dối bản thân. Nói dối cô ấy, nói dối gia đình mình. Cô ấy không dễ bị lừa và đến giai đoạn của những lời nói bao biện, của những cuộc gọi điện thoại riêng và những lời nói dối phải thú nhận, cô ấy ra đi.
Trước cánh cửa vào khu vực lên máy bay, cô ấy tuyên bố:
“Em sẽ cố gắng sống mà không có ông. Hy vọng là em sẽ làm được điều đó…”
Bố không có can đảm ôm hôn cô ấy.
Tối đó, bố đi ăn ở Drugstore. Bố đau khổ. Đau như thể là thân mình bị thiếu một bộ phận gì đó, như thể người ta đã cắt mất một cánh tay hay một cẳng chân của mình. Cái cảm giác đó thật kỳ lạ. Bố không hiểu điều gì đang diễn ra với mình. Bố nhớ là đã vẽ hai hình người trên chiếc khăn trải bàn bằng giấy. Hình bên trái, đó là cô ấy khi nhìn trực diện còn hình bên phải, là cô ấy nhìn từ phía sau lưng. Bố cố nhớ lại vị trí chính xác của các nốt ruồi của cô ấy và khi người bồi bàn tiến lại gần, nhìn thấy những cái dấu chấm nhỏ đó, anh ta hỏi bố có phải bố là người làm nghề châm cứu hay không. Bố không hiểu chuyện gì đang đến với mình nhưng chí ít, bố cũng có linh cảm rằng nó rất nghiêm trọng! Trong vòng vài ngày đó, bố đã là chính mình.
Không hơn, không kém chính mình. Khi bố ở bên cô ấy, bố cảm tưởng mình là một gã tốt… Chỉ đơn giản thế thôi. Bố không biết rằng mình có thể là một gã tốt.
“Bố yêu người phụ nữ này. Bố yêu Mathilde này. Bố yêu giọng nói của cô ấy, tinh thần của cô ấy, tiếng cười của cô ấy, thế giới quan của cô ấy, một dạng thuyết định mệnh của những người đã từng ngao du rất nhiều. Bố yêu tiếng cười, sự tò mò, sự kín đáo, cái cột sống lưng, hai bên hông hơi nhô ra, những phút im lặng, sự dịu dàng và… tất cả những thứ khác của cô ấy.
Tất cả… Tất cả. Bố cầu trời cho cô ấy không thể tiếp tục sống thiếu bố. Bố không nghĩ đến những hậu quả của chuyện giữa hai người. Bố mới vừa khám phá ra rằng cuộc sống vui vẻ hơn nhiều khi người ta hạnh phúc. Bố phải mất đến bốn mươi hai năm mới nhận ra được điều đó và bố ngây ngất đến mức tự cấm mình làm hỏng mọi việc khi bới lông tìm vết. Bố là con giống Ravi trang trí trong những mô hình miêu tả nơi Đức Chúa sinh ra… +

Ông rót thêm đồ uống cho chúng tôi.
– Cũng chính từ lúc đó mà bố đã trở thành một workoholic, như người Mỹ nói. Hầu hết thời gian trong ngày bố ở trong văn phòng. Bố đến trước người khác và ra về cuối cùng. Bố làm việc thứ Bảy và giậm chân cả ngày Chủ nhật. Bố dùng mọi cớ để ở phòng làm việc. Cuối cùng, bố đã nhận được hợp đồng với Đài Loan và có thể hành động tự do hơn nữa. Bố tận dụng việc đó để dựng thêm các dự án khác. Ít nhiều có suy tính đúng đắn. Và tất cả những điều, tất cả những ngày và những giờ điên rồ này là vì một lý do duy nhất: vì bố hy vọng nhận được điện thoại của cô ấy.
Một người phụ nữ đang ở nơi nào đó trên hành tinh này, có thể là cách đây vài bước, có thể xa cả chục ngàn cây số nhưng có một điều duy nhất cần được tính đến, đó là cô ấy có thể gặp lại mình.
Bố rất vững tin. Bố tràn trề năng lượng. Bố nghĩ mình khá hạnh phúc vào giai đoạn đó vì dù bố không có cô ấy bên cạnh, nhưng bố biết là cô ấy đang tồn tại. Thế đã là quá mức mong đợi rồi.
Bố nhận được tin của cô ấy vài ngày trước Noel. Cô ấy sắp đến Pháp và hỏi bố liệu bố có rảnh để ăn trưa cùng cô ấy tuần sau đó không. Hai người hẹn gặp tại chính quán bar nhỏ lần trước, nhưng giờ không còn là mùa hè nữa và khi cô ấy muốn cầm tay bố, bố lẹ làng rụt tay lại. “Ở đây có nhiều người biết ông à?”, cô ấy tự ái hỏi bố.
Bố đã làm cô ấy tổn thương. Bố rất khổ sở. Bố đưa tay lại cho cô ấy, nhưng cô ấy không động đến. Thời gian trôi qua trong khi bố và cô ấy còn chưa tìm lại được nhau. Bố đến gặp lại cô ấy ngay buổi tối hôm đó tại một căn phòng khách sạn khác và khi, cuối cùng, bố có thể lùa những ngón tay mình vào mái tóc cô ấy, bố lại bắt đầu sống.
Bố… Bố thích làm tình với cô ấy.
Chiều ngày hôm sau, hai người gặp lại nhau vẫn tại nơi đó và ngày hôm sau nữa cũng vậy… Đó là hay ngày trước Noel, sắp xa nhau, bố muốn hỏi cô ấy xem dự định của cô ấy thế nào nhưng không dám mở miệng. Nỗi sợ đang ở đó. Nó ngăn không cho bố mỉm cười với cô ấy.
Cô ấy ngồi trên giường. Bố đến trước mặt và gục đầu lên đùi cô ấy. “Chúng ta sẽ như thế nào đây?” cô ấy hỏi.
Bố im lặng.
“Ông biết không, hôm qua khi ông đi bỏ lại em trong căn phòng này vào chính giữa buổi chiều như vậy, em tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ sống lại cái cảnh này nữa. Không bao giờ, ông nghe thấy không? Không bao giờ nữa… Em mặc lại quần áo và ra ngoài. Em không biết đi đâu. Em không muốn sống cái cảnh đó nữa, không muốn nằm bên ông trong một căn phòng và nhìn ông ra đi sau đó. Thật quá mức chịu đựng.”
Cô ấy nói một cách khó khăn.
“Em đã tự hứa với mình là sẽ không bao giờ chung sống lại mới một người đàn ông từng làm cho mình đau khổ. Em tin là em không đáng phải chịu như vậy, ông hiểu không? Em không đáng bị như thế. Vì vậy, đó là lý do tại sao em hỏi ông: Chúng ta sẽ như thế nào đây?”
Bố vẫn lặng câm.
“Ông không nói gì cả à? Em đã nghi là như vậy. Dù sao thì ông có thể nói gì được chứ? Ông có vợ và các con ông. Còn em, em là cái thá gì? Em gần như chẳng là gì cả trong cuộc sống của ông. Em sống quá xa… Quá xa và quá lạ… Em không biết làm thứ gì giống như người ta cả. Em không có nhà, không có đồ đạc, không có mèo, không có sách dạy nấu ăn và không có dự định. Em tưởng mình là người không ranh nhất, rằng mình đã hiểu cuộc sống rõ hơn người khác, và tự chúc tụng mình vì không bị mắc bẫy. Và rồi giờ với ông, em cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng.
Bây giờ, em rất muốn ngừng chạy đây chạy đó một chút bởi vì em thấy rằng cuộc sống thật đẹp khi ở bên ông. Em đã từng nói với ông là em sẽ cố gắng sống mà không cần ông… Em đang cố, đang cố, nhưng em không được kiên cường cho lắm, em vẫn luôn luôn nghĩ về ông. Cho nên em hỏi ông điều này bây giờ và có lẽ là lần cuối cùng, ông định làm gì với em?
– Yêu cô.
– Còn gì nữa?
– Tôi hứa với cô là sẽ không bao giờ bỏ lại cô trong một căn phòng khách sạn nữa. Tôi hứa đấy.

Và bố quay lại vùi mặt vào giữa hai chân có ấy. Cô ấy nắm tóc nâng đầu bố dậy.
– Nhưng còn gì nữa?
– Tôi yêu cô. Tôi chỉ hạnh phúc khi ở bên cô. Tôi chỉ yêu mình cô.
Tôi… Tôi… Hãy tin tưởng ở tôi…
Cô ấy buông đầu bố ra và cuộc đối thoại dừng ở đó. Bố âu yếm ôm cô ấy nhưng cô ấy không thả lòng mình, mà cô ấy để mặc. Hoàn toàn khác nhau là ở chỗ đó.

– Chuyện sau đó thế nào?
– Sau đó, bố và cô ấy chia tay nhau lần đầu tiên… Bố nói “lần đầu toên” là bởi vì hai người còn chia tay nhau biết bao nhiêu lần… Rồi bố gọi lại cho cô ấy… Bố van xin cô ấy… Bố đã tìm được một cái cớ để quay lại Trung Quốc. Bố đã thấy phòng ngủ của cô ấy và gặp bà chủ nhà của cô ấy…
Bố ở lại đó một tuần và trong khi cô ấy làm việc thì bố đóng vai thợ sử ống nước, thợ điện, thợ xậy. Bố dau gãy lưng vì cái cô Li suốt ngày chỉ biết hát và vuốt ve mấy con chim đó. Cô ấy đã đưa bố đi thăm cảng Hồng Kông và dẫn bố đến nhà một quý bà già nua người Anh, bà này tưởng rằng bố là Công tước Mountbatten? Con có tin không, bố đã vào vai luôn…
– Con có hiểu mọi chuyện này có ý nghĩa như thế nào đối với bố không? Đối với một cậu bé không dám trèo lên tầng bảy? Cả cuộc đời của bố diễn ra ở giữa hau quận của Paris và một căn nhà vùng nông thôn. Bố chưa từng thấy cha mẹ mình hạnh phúc, người anh duy nhất của bố đã chết vì ngạt thờ và bố đã cưới người đầu tiên bố tán tỉnh, em gái của một trong những người bạn, chỉ vì bố không biết rút ra kịp thời…
Đúng, cuộc đời bố là như thế đó…
Con có hiểu được không? Bố có cảm tưởng được sinh ra lần thứ hai.

Bố có cảm tưởng là mọi chuyện được bắt đầu lại từ ngày hôm qua đó, trong vòng tay của cô ấy, dưới nguồn nước không hẳn sạch, trong cái căn phòng hẹp của cô Li…
Ông ngừng nói.

– Là Christine ạ?
– Không, trước Christine… Lần đó bị sẩy thai.
– Con không biết chuyện này.
– Chẳng ai biết cả. Biết để làm gì? Bố đã cuối một cô gái trẻ mà bố yêu, như người ta yêu một cô gái vậy. Một mối tình lãng mạn và trong sáng. Những rung động đầu đời… Lễ cưới hơi buồn. Bố có cảm tưởng đang làm lễ ban thánh thể làn thứ hai.
Suzanne cũng vậy. chắc cũng không tưởng tượng được mọi chuyện lại diễn ra nhanh chóng đến thế… Bà ấy một lúc mất luôn cả tuổi trẻ lẫn những ảo tưởng của mình. Bố và bà ấy mất hết những thứ đó trong khi ông bố vợ bố lại kiếm được một cậu con rể hoàn hảo. Bố vừa tốt nghiệp trường Mỏ và ông ấy không thể mơ ước hơn thế bởi vì các con trai ông ấy là những người… theo văn học. Ông ấy lẩm nhẩm khi phát âm cái từ đó.
Suzanne và bố không yêu nhau mãnh liệt nhưng cả hai đều ngoan ngoãn dễ bảo. Hồi đó, cái này bù trừ cho cái kia là đủ.
Bố kể cho con tất cả những điều này, nhưng bố không tin chắc là con có thể hiểu rõ được. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều… Lúc đó cách đây bốn mươi năm mà như thể cả hau thế kỷ vậy. Đó là một thời kỳ mà những cô gái trẻ lấy chồng khi bị mất trinh. Đối với các con bây giờ, thì đó là thời tiền sử.
Ông xoa xoa mặt.
– Bố đang kể đến đâu nhỉ? À ừ… Bố đang nói là bố ở bên kia Trái Đất với một người phụ nữ kiếm sống bằng việc chạy nhảy từ châu lục này sang châu lục khác và có vẻ yêu bố vì con người vốn có của bố, vì những cái có ở bên trong, ở nội tâm. Một người phụ nữ yêu bố, bố có thể nói: một cách âu yếm. Đúng, tất cả chuyện này thật mới mẻ. Rất lạ lẫm. Một người phụ nữa tuyệt vời nín thở nhìn bố ăn súp rắn hổ mang nấu với hoa cúc.
– Có ngon không ạ?
– Hơi giống keo theo khẩu vị của bố… Ông cười.

– Và khi bố lên lại máy bay, lần đầu tiên trong đời, bố không thấy sợ.
Bố tự nhủ: Nó có thể nổ tung, có thể rơi như một cục đá và lao xuống đất, như vậy cũng chẳng thành vấn đề.
– Vì sao bố lại nói thế?
– Vì sao á?
– Thì vân… Nếu là con, con sẽ tự nhủ ngược lại… Con sẽ nói với mình: “Bây giờ mình biết tại sao mình sợ và cái máy bay chết tiệt này chớ có mà rơi đấy!”
– Ừ, con có lý. Như thế khôn hơn… Nhưng đây rồi, chúng ta đang động đến mấu chốt của vấn đề, bố đã không nói với mình như thế. Có lẽ bố gần như đã hy vọng là nó rơi cơ… Cuộc sống của bố như vậy sẽ đơn giãn hơn biết bao nhiêu…
– Bố vừa gặp người phụ nữ của đời bố mà bố lại dự kiến chết ư?
– Bố đây có nói với con là bố muốn chết!
– Không, con cũng không nói vậy. Con nói là bố “dự kiến” chết?
– Bố nghĩ là bố dự kiến chết mỗi ngày, con thì không à?
– Không.

– Con nghĩ là cuộc sống của con đáng giá không?
– Ờ… Có… Chí ít là cũng có một chút… Với lại còn có hai con bé…
– Đó là một lý do chính đáng.
Ông đầm mình vào trong chiếc ghế bành và khuôn mặt lại biến mất.
– Ừ. Bố đồng ý với con, thật là phi lý. Nhưng bố vừa mới được hạnh phúc đến thế. Quá hạnh phúc… Điều đó làm bố phải suy nghĩ và hơi lo sợ? Hạnh phúc đến mức đó thì có bình thường không? Có đúng mực không? Bố sẽ phải trả giá như thế nào vì việc đó?
Bởi vì… Liệu có phải là do gánh nặng của nền giáo dục mà bố được nhận hay là do sự chỉ dẫn của các ông cha đạo tử tế? Hay đó là ở tính cách của bố? Bố có thể không biết tách bạch mọi thứ nhưng có điều chắc chắn là bố luôn luôn so sánh mình với một con vật làm đồng áng. Hàm thiếc, dây cương, lá che mắt, càng xe, lưỡi cày, cái ách, xe bò, rãnh cày… Tất cả những thứ truyền thống đó… Từ khi còn là một cậu bé, bố bước trên phố đầu cúi gằm và nhìn chằm chằm xuống đất như thể nó là một lớp vở phải xẻ, một cái bỏ quá khô cứng.
Hôn nhân, gia đình, công việc, những lắt léo của đời sống xã hội, tất cả. Bố đã cúi đầu, nghiến răng trải qua hết. Tiếp nhận hết một cách bất chấp. Vả lại, bố chơi, đúng hơn là bố từng, chơi bóng squash rất tốt và đó không phải là điều ngẫu nhiên; bố thích cảm thấy mình bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp va đánh hết sức vào một quả bóng để nó quay trở lại tay bố mạnh như một viên đại bác. Bố rất mê cái trò đó.
“Anh thì thích chơi bóng squash còn em thích chơi môn đập bóng Jokari, tất cả là ở đó…”, một buổi tối Mathilde tóm tắt trong khi xoa bóp cái vai đau của bố. Cô ấy im bặt một lúc rồi nói thêm: “Anh nên suy nghĩ vể điều em vừa nói, nó khônh hề ngớ ngẩn chút nào đâu. Những người quá cứng nhắc ở bên trong khi va chạm với cuộc sống luôn luôn làm mình đau, còn những người mềm yếu… không, không quá mềm yếu, mềm dẻo thì đúng hơn, họ thì, khi chịu những cú sốc của cuộc sốn, họ ít đau khổ hơn… Em nghĩ là anh nên chuyển sang môn Jokari đi, thú vị hơn nhiều. Anh đánh vào trái bóng, anh không biết là nó sẽ quay lại ở chỗ nào nhưng anh biết là nó sẽ quay lại vì có sợi dây ràng buộc, và như vậy là một cảm giác hồi hộp tuyệt diệu. Anh thấy, em chẳng hạn, em thường có cảm giác đó… Rằng em là trái bóng Jokari của anh…”
Bố không phản ứng và cô ấy tiếp tục xoa vai bố trong im lặng.

– Bố chưa từng dự tính sẽ bắtt đầu lại cuộc đời mình với cô ấy à?
– Có, tất nhiên… Cả nghìn lần ấy chứ.
Nghìn lần bố đã muốn và nghìn lần bố lại thôi… Bố cứ tiến lại sát bờ vực, cúi xuống thì bố lại chạy trở lại. Bố cảm thấy mình có trách nhiệm với Sizanne, với các con.
Trách nhiệm về cái gì ư? Lại một câu hỏi gây bối rối… Bố đã cam kết. Bố đã ký, đã hứa, bố phải cáng đáng. Adrien mới mười sáu tuổi và chẳng có gì diễn ra tốt đẹp với nó cả. Nó thường xuyên chuyển trường trung học, viết No future trong thang máy và chỉ có mỗi một ý nghĩ trong đầu: đi Luân Đôn và trở lại với một con chuột trên vai. Suzanne bị suy sụp tinh thần. Có cái gì đó chống lại bà ấy. Ai đã làm thay đổi cậu con trai bé nhỏ của bà ấy? Lần đầu tiên, bố thấy bà ấy không còn vững vàng, và ngồi nhiều buổi tối liền mà không mở miệng nói một câu. Bố tưởng tượng tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn. Và sau đó, bố tự nhủ rằng… Bố tự nhủ rằng…
– Bố tự nhủ thế nào?
– Chờ đã, thật vô cùng lố bịch… Bố cần phải tìm được lại đúng những từ của hồi đó… Bố chắc đã tự nói với mình điều gì đó tựa như: “Mình là một hình mẫu của các con mình… Bây giờ chúng đang ở giai đoạn bình minh của cuộc đời chúng, sắp sửa bị dồn đến chân tường, đến cái tuổi mà chúng sẽ nghĩ đến chuyện tiến tới hôn nhân, sẽ là một tấm gương tai hại biết chừng nào cho chúng nếu bố chia tay mẹ chúng bây giờ…” Con để ý thấy cái kiểu ăn to nói lớn ở đó rồi chứ? “Sau đó chúng có thể sẽ đối mặt thế nào với hoàn cảnh ấy? Và mình đang gây ra những xáo trộn nào đây? Một điều vi phạm không thể sửa chữa nào đây? Mình không phải là một ông bố hoàn hào, thậm chí còn xa mới được như vậy, nhưng mình vẫn là một hình mẫu tham chiếu hiển nhiên nhất, gần gũi nhất, vậy thì… hừm hừm… mình phải giữ mình thôi.”
Ông nghiến răng.
– Thật đẹp đẽ, phải không? Hãy công nhận là thật cao cả, đúng không? Tôi im lặng.
– Bố nghĩ hơn cả là về Adrien… Về việc phải là một hình mẫu của sự cam kết cho con trai Adrien của bố… Con có quyển cười khẩy với bố, con biết rồi đấy. Đừng có tước đi của mình cái quyền đó. Không mấy khi mà người ta có cơ hội nghe một câu chuyện hay ho đâu.
Tôi lắc đầu.
– Ấy thế mà… Ồ… rồi có ích gì chứ? Chuyện đã quá xa rồi… Quá xa rồi…

– Thế mà gì?
– Chả là…Chỉ ít là một lần, bố đã tiến rất gần vực thẳm… Thực sự rất gần… Bố đã tiến hành những bước cần thiết để tìm một căn hộ một phòng, bố nghĩ đến việc đưa Christine đi nghỉ cuối tuần, bố suy tính chọn câu từ và diễn thử một vài cảnh trong ô tô. Bố thậm chí đã hẹn gặp người kế toán của mình và rồi một buổi sáng, hãy nhìn xem cuộc sống mới trớ trêu làm sao, Francoise tới văn phòng bố nước mắt đầm đìa…
– Francoise? Bà thư ký của bố á?
– Ừ.
– Chồng bà ấy vừa chia tay bà ấy… Bố không còn nhận ra bà ấy nữa. Bà ấy hăng hái là thế, cao ngạo là thế, một phụ nữ nhỏ bé làm chủ mình như làm chủ vũ trụ ấy, bố nhìn thấy bà ấy héo hắt đi từng ngày. Khóc lóc, gầy đi, va đập vào mọi thứ và đau khổ. Vô cùng đau khổ. Uống thuốc, gầy thêm, mang gửi bố cái giấy xin phép nghỉ ốm đầu tiên của đời mình. Khóc. Khóc ngay trước mặt bố. Và thế là, nghĩ lại lúc đấy mới thấy mình đáng ngưỡng mộ làm sao, bố đã dồn hết dũng khí và hùa theo. Đúng là đồ đểu cáng, bố tán thành, quá đểu cáng. Làm sao có thể như vậy với vợ mình như vậy chứ?
Đóng sầm cánh cửa và phủi tay. Bước ra khỏi đười bà ấy như bươc ra đi dạo vậy. Nhưng, nhưng, nhưng, thật quá dễ dàng! Quá dễ dàng!
Không, nhưng thật sự mà nói, đúng là một lão đểu. Lão đó đểu cáng quá! Tôi, thưa ông, tôi không giống như ông! Tôi không từ bỏ vợ mình đâu, ông ạ. Tôi không bỏ vợ và tôi khinh bỉ ông… Vâng, tôi khinh bỉ ông từ trong sau thẳm nhất của tâm hồn mình, thưa ông thân mến!
Bố nghĩ như thế đấy. Quá hạnh phúc vì đã thoát ra một cách ngon lành như thế. Quá hạnh phúc vì tự củng cố thêm lập trường và đánh bóng bản thân. Ồ đúng thế, bố ủng hộ Francoise của bố, bố cưng chiều bà ấy, bà thật không may mắn. Không may mắn…
Thật ra, bố phải thâm cầu phúc cho ông ta, cái ông Jarmet mà bố chẳng hề quen biết đó. Bố phải thầm cầu phúc cho ông ta. Ông ta đã đem cho bố giải pháp trên một cái khay bạc. Nhơ có ông ta, nhờ vào sự bỉ ổi của ông ta, bố có thể ngẩng cao đầu quay lại với cuộc sống tiện nghi của mình. Công việc ơi, Gia đình ơi, Tổ quôc ơi, tôi ở đây! Đầu ngẩng cao và chân đứng thẳng trong giày! Bố tự kiêu, con đoán đúng đấy, con biết bố rồi mà…

Bố đi đến một cái kết luận dễ chịu rằng… Bố không như những người khác. Bố ở trên họ một chút. Chỉ một chút thôi, nhưng vẫn là ở bên trên. Bố, bố không bỏ vợ mình…
– Chính lúc đó bố cắt đứt quan hệ với Mathilde ạ?
– Tại sao phải thế chứ? Không, không hề. Bố tiếp tục gặp cô ấy, chỉ có điều bố xếp lại cái kế hoạch vượt ngục của mình và thôi không mất thời gian vào việc đi xem những căn hộ một phòng nữa. Bởi vì con hiểu không, và vì bố vừa mới cho con thấy điều đó một cách xuất sắc, bố không phải là người có tinh thần như thế, bố không dại gì cho chân vào ổ kiến lửa. Cái đó chỉ dành cho những kẻ vô trách nhiệm thôi. Dành cho những kẻ vô trách nhiệm thôi. Dành cho những ông chồng của những cô nhân viên đánh máy chữ.
Ông nói mỉa mai và giọng run lên vì giận dữ.
– Không, bố không cắt đứt, bố tiếp tục âu yếm làm tình với cô ây trong lúc hứa hẹn với cô ấy những mãi mãi và những sau này.
– Thật vậy á?
– Ừ.
– Bố nói như trong các câu chuyện đê tiện vậy á?
– Ừ.
– Bố yêu cầu cô ấy phải kiên nhẫn và hứa hẹn với cô ấy hàng đống chuyện á?
– Ừ.
– Cô ấy làm thế nào mà chịu được chuyện đó nhỉ?
– Bố không biết. Thật sự, bố không biết…
– Có lẽ là vì cô ấy yêu bố?
– Có lẽ vậy.
Ông nốc cạn chiếc ly của mình.
– Rất có thể là như vậy…Rất có thể…

– Thế là tại vì Francoise mà bố không ra đi à?
– Đúng thế. Chính xác hơn là tại ông Jean-Paul Jarmet. Ôi, bố nói với con thế thôi, nhưng nếu như không có ông ấy, thể nào bố chả tìm được một cái cớ khác. Những người không thực tâm thường rất giỏi tìm các cớ này cớ nọ. Rất giỏi.
– Thật không thể tin được…
– Cái gì?
– Câu chuyện này ấy…Khi những điều mà nó chứ đựng…Thật khó mà tin được…
– Không, chẳng khó tin đâu, Chloé của bố ạ…Không, không có gì là khó tin trong đó cả. Đó là cuộc sống. Đó là cuộc sống của hầu hết tất cả mọi người. Chúng ta quanh co, chúng ta sắp đặt, chúng ta ôm chút hèn nhát của mình trong tay như ôm một con vật nuôi vậy. Vuốt ve nó, huấn luyện nó, quyến luyến nó. Đó là cuộc sống. Có những người dũng cảm và có những người dũng cảm và có những người muốn thích nghi với hoàn cảnh. Thích nghi đỡ mệt mỏi hơn bao nhiêu… À này, đưa cho bố cái chai.
– Bố định sẽ say hả?
– Không. Bố không biết say rượu là gì. Chuyện đó chưa từng đến với bố. Càng uống, bố lại càng tỉnh táo…
– Khiếp thật!
– Khiếp thật như con nói… Bố rót cho con nhé?
– Không cảm ơn bố.
– Giờ thì con có muốn uống nước thuôc sắc không?
– Không, không ạ. Con đang… Con không biết mình thế nào nữa… Kinh ngạc, có lẽ vậy…
– Kinh ngạc về cái gì?
– Về bố chứ còn về cái gì nữa! Con chưa từng nghe tháy bố phát ra hơn hai câu liền một lúc, Không bao giờ có tâm trạng. Từ cái hồi mà con nhìn thấy bố trong bộ trang phục của vị Chánh án Tòa án Dị giáo…
– Bố làm làm con bị sốc hả?
– Không, không, không hề! không hề! Ngược lại! Ngược lại… Nhưng… Nhưng làm thế nào bố có thể đóng cái vai ấy suôt được thế?
– Vai nào?
– Thì, vai đó… Vai lão già ngu ngốc ấy.
– Nhưng bố đúng là một lão già ngu ngốc mà, Chloé! Bố là một lão già ngu ngốc. Đó chính là điều mà bố đang giải thích cho con từ nãy đến giờ đấy!
– Không đâu, Chính bởi vì bố nhận ra được điều đó nên bố chứng tỏ không phải là một người như thế. Những người thật sự ngu ngốc, họ nhận ra được điều gì hết!
– Ôi, chớ có tin như vậy… đây chẳng qua lại là một mánh khóe nữa của bố để thoát ra với cái tiếng tốt thôi. Bố rất giỏi…
Ông mỉm cười với tôi.
– Thật không thể tin được… Không thể tin được…
– Cái gì?
– Thì tất cả chuyện này… Tất cả những gì bố đã kể cho con…
– Không, không hề khó tin. Ngược lại, rất tầm thường.
Rất rất tầm thường… Hôm nay bố nói chuyện là bởi vì đó là con, Vì là ở đây, trong căn phòng này trong ngôi nhà này, bởi vì trời tối và bởi vì Adrien làm con đau khổ. Bởi vì sự lựa chọn của nó khiến bố tuyệt vọng và cũng khiến bố yên tâm. Bởi vì nó không thích nhìn con đau khổ, bản thân bố đã làm quá nhiều người đau khổ rồi… Và bởi vì bố muốn thây con đau khổ thật nhiều hôm nay hơn là thấy con hơi hơi đau khổ suốt cả cuộc đời.
Con biết không, bố thấy nhiều người hơi đau khổ, chỉ hơi thôi, một chút thôi nhưng cũng đã đủ làm hỏng hết mọi chuyện rồi… Đúng, ở tuổi bố, bố đã nhiều lần thấy như vậy… Những người vẫn còn ở bên nhau bởi vì họ đã bám trụ được trên đó, trên cái thứ bạc bẽo ấy, cái cuộc sông nhỏ bé không có gì nổi bật của họ. Mọi sự giàn xếp, mọi điều mâu thuẫn…Tất chỉ đẻ có kết cục như vậy…
Hoan hô, hoan hô, hoan hô! Chúng ta đã chôn vùi mọi thứ, bạn bè mơ ước và tình yêu, Rồi bây giờ, Là đến lượt bản thân chúng ta! Hoan hô, các ông bạn!
Ông vỗ tay.
– Những người về hưu… Mọi loại người về hưu. Bố ghét họ. Bố ghét họ, con có nghe thấy không? Bố ? Bố ghét họ bởi vì họ khiến bố thấy ở họ hình ảnh của chính mình. Họ ở đó đắm mình trong sự thỏa mãn của bản thân. Con tàu đã đứng vững, con tàu đã đứng vững! Họ có vernhuw muốn nói với chúng ta trong khi không hề tương trợ nhau. Nhưng trời ạ, với cái giá nào cơ chứ? Với cái giá nào? Có những sự hối tiếc, những điều ăn năn, nhưng rạn nứt, nhưng tổn thương không bao giờ liền sẹo. Không bao giờ, Con nghe rõ chứ ngay cả với những đứa chắt ngồi xung quanh trong bức ảnh. Ngay cả khi trả lời chính xác cùng một lúc một câu hỏi trong chương trình của Julien Lepers[6].

Tôi không biết liệu có đúng là ông chưa từng say rượu bao giờ không nhưng mà…
Ông đã ngừng nói và cảm động, chúng tôi ngồi như vậy một lúc lâu. Trong im lặng. Đếm những tiếng ngọn lửa reo.

Chú thích:

[6] Người dẫn chương trình nổi tiếng của Pháp trong game show “Questions pour un champion”. Trong mỗi chương trình, có bốn người tham gia trả lời câu hỏi về văn hóa, sau mỗi vòng thi, thí sinh thi được ít điểm nhất sẽ bị loại. Người ở lại sau cùng là nhà vô địch.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.