Bố Đã Từng Yêu

Chương 11



Tôi cuối cùng cũng mở lời.
– Pierre?
– Sao?
– Bố sẽ nghĩ là con hơi quá, nhưng cuối cùng thì giờ con lại muốn uống một cốc nước thuốc sắc…
Ông vừa đứng dậy vừa càu nhàu để che giấu sự biết ơn của mình.
– Ô là là! Các con chẳng bao giờ biết mình muốn gì nữa, rốt cuộc thì các con thật là khó chiều quá…

Tôi đi theo ông vào bếp và ngồi xuống phía bên kia bàn trong lúc ông đặt một nồi nước lên đun. Ánh đèn làm tôi chộn rộn. Tôi điều chỉnh bộ đèn treo xuống mức ít sáng nhất có thể trong khi ông mở tất cả các cánh tủ bếp.

– Con có thể hỏi bố một câu được không?
– Nếu con nói cho bố biết cái thứ bố đang tìm nằm ở chỗ nào.
– Đó, ở trước mặt bố đấy, trong cái hộp màu đỏ.
– Cái hộp này hả? Trước đây, nó đâu có được cho vào trong đó, hình như là… à xin lỗi, bố nghe đây.
– Hai người đã gặp nhau trong bao lâu?

– Với Mathilde hả?
– Vâng.
– Giữa buổi đầu ở Hồng Kông và lần nói chuyện cuối cùng là năm năm và bảy tháng.
– Và bố và cô ấy đã có nhiều thời gian ở bên nhau không?
– Không, bố đã nói với con rồi. Vài giờ, vài ngày…
– Và với bố thế là đủ ư?
– …
– Với bố thế là đủ à?
– Không, tất nhiên rồi. Mà thật ra thì cũng đúng, vì bố chẳng làm điều gì để thay đổi mọi chuyện cả. Đó là điều bố tự nhủ sau này. Có lẽ là như vậy phù hợp với bố. “Phù hợp”… cái từ này mới xấu xí làm sao. Có lẽ với bố thật tiện lợi khi có người vợ làm mình yên tâm ở một bên và một bên là sự rung động mạnh mẽ. Mỗi tối khi về nhà, cơm canh được dọn sẵn và thỉnh thoảng, có chút cảm giác đang hư hỏng… Dạ dày được nhét đầy và da bụng căng ra. Thật thuận tiện, thật thoải mái…
– Bố gọi cô ấy khi bố cần đến cô ấy ư?
– Ừ, gần như vậy…
Ông đặt một cái bát trước mặt tôi.
– Thực ra thì không… Chuyện không diễn ra như thế… Có một hôm, ngay từ hồi đầu, cô ấy đã viết cho bố một bức thư. Vả lại đó cũng là bức thư duy nhất mà cô ấy từng gửi cho bố. Cô ấy nói:
Em đã suy nghĩ, em không tự tạo cho mình ảo tưởng, em yêu anh nhưng em không có lòng tin ở anh. Vì rằng chuyện của chúng ta không có thực, vậy thì nó là một trò chơi. Vì nó là một trò chơi, nên cần phải có luật chơi. Em không muốn gặp anh ở Paris nữa. Không ở Paris mà cũng chẳng ở bất kỳ một nơi nào làm anh sợ. Khi em ở bên anh, em muốn có thể nắm tay anh trên phố và hôn anh trong nhà hàng, nếu không như vậy thì thôi. Em không còn ở tuổi chơi với mèo nữa. Vậy nên, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở nơi nào xa nhất, ở những đất nước khác. Khi anh biết mình sẽ đi đâu, anh viết thư cho em đến địa chỉ này, đó là nhà chị gái em ở Luân Đôn, chị ấy sẽ biết phải chuyển thư đến đâu. Đừng có nhọc sức viết những lời tử tế làm gì, chỉ cần báo trước thôi. Nếu em có thể đến gặp anh, em sẽ đến, còn nếu không thì đành vậy. Đừng tìm cách gọi điện cho em, hay tìm hiểu xem em đang ở đâu, sống thế nào, em tin là cái đó không thành vấn đề nữa. Em đã suy nghĩ, em cho rằng giải pháp tốt nhất là làm giống như anh, sống cuộc sống của riêng mình đồng thời yêu anh nhiều nhưng từ rất xa. Em không muốn chờ các cú điện thoại của anh, em không muốn cản ngăn mình phải lòng ai đó, em muốn có thể ngủ với người nào mình muốn và không có đắn đo gì cả, như thế… it’s more convenient[8]. Trước đây em không nhìn mọi việc theo cách đó, nhưng tại sao lại không nhỉ? Em rất muốn thử. Cuối cùng thì em có gì để mất đây? Một người đàn ông nhu nhược ư? Và được gì nhỉ? Niềm sung sướng khi được ngủ trong vòng tay anh đôi lần… Em đã nghĩ rồi, em rất muốn thử. Hoặc là anh theo như vậy hoặc là thôi chấm dứt…
Có chuyện gì thế?
– Không có gì đâu ạ. Thật thú vị khi thấy rằng bố đã tìm được một đối thủ xứng tầm của mình.
– Ờ tiếc là không. Cô ấy tự kiêu và lấy cái vẻ của một người phụ nữ thích làm đàn ông đau khổ trong khi thực chất lại là một người cực kỳ dịu dàng. Khi chấp nhận những điều kiện của cô ấy, bố còn chưa biết điều đó, rất lâu sau đó bố mới hiểu ra… Năm năm và bảy tháng sau đó…
Đúng ra thì có biết. Bố nói dối con đấy. Bố đã đoán được qua những dòng thư của cô ấy, bố đoán cô ấy khổ tâm lắm khi viết những câu như thế nhưng bố sẽ không làm cho mình nặng gánh thêm bởi vì, với bố, các điều kiện đó thật là tốt. Rất, rất tốt là đằng khác. Bố sẽ tăng cường thêm mảng xuất-nhập khẩu và làm quen với những chuyến bay, thế thôi. Một bức thư tương tự là trên cả sự mong đợi đối với một gã muốn phản bội vợ mà không hề bị vướng víu. Tất nhiên, chuyện vui thú giường chiếu và phải lòng mà cô ấy nói đến cũng khiến bố băn khoăn đôi chút, nhưng còn chưa đến lúc đó mà…
Ông ngồi xuống đầu bàn, tại vị trí quen thuộc của mình.
– Bố khôn thật, đúng không? Phải rồi, hồi đó, bố là một tên cực kỳ khôn lỏi… Nhất là chuyện này lại làm bố kiếm thêm không ít tiền nữa… Bố trước đó vẫn luôn có chiều hướng xem nhẹ mảng quốc tế…
– Tại sao lại miệt thị thế?
– Chính con, con đã trả lời rất tốt cho câu hỏi này lúc nãy rồi… Tôi cúi xuống lấy cái chao.
– Hơn nữa, rất lãng mạn nhé… Bố xuống máy bay tim đập rộn ràng, tới khách sạn trong lòng hy vọng rằng chìa khóa phòng mình sẽ không còn ở đó nữa, đặt hành lý trong những căn phòng lạ lẫm mà lại lục lọi khắp nơi để xem cô ấy đã qua đó chưa, quay ra đi làm và buổi tối trên đường trở về thì cầu xin trời đất sao cho cô ấy ở trong giường mình rồi. Một vài lần, cô ấy có ở đó, một vài lần không. Cô ấy đến gặp bố giữa đêm khuya và hai người hòa quyện vào nhau mà không trao đổi lấy một lời. Dưới lớp chăn ga, chúng tôi cười, ngây ngất vì gặp lại nhau. Rốt cuộc. Xa đến thế. Gần đến vậy. Đôi khi, cô ấy hôm sau mới tới và bố ngồi cả đêm ròng tại quầy rượu, rình tiếng bước chân ở sảnh khách sạn. Đôi khi, cô ấy lấy một phòng khác và ra lệnh cho bố phải đến gặp cô ấy vào sáng sớm. Đôi khi cô ấy không đến và bố căm ghét cô ấy. Bố quàu quạu quay trở lại Paris. Ban đầu thì bố còn thật sự đi vì có công có việc còn về sau thì càng ngày càng it… Bố nghĩ ra bất kỳ lý do gì để có thể đi. Một vài lần, bố còn thấy đất nước mình đến và một vài lần, bố chẳng thấy gì khác ngoài cái căn phòng khách sạn của mình. Thậm chí, có lần hai người còn chỉ ở lại trong khu vực sân bay… Thật nực cười. Điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Có những lần bố và cô ấy nói chuyện không ngừng và có những lần khác lại chẳng có gì để nói với nhau cả. Trung thành với lời hứa của mình, Mathilde hầu như không bao giờ nói về đời sống tình cảm của cô ấy. Hoặc nếu có thì là vào những lúc ở trên giường. Cô ấy nói đến những người đàn ông và những tình huống làm bố phát điên lên, nhưng đó, đó là để phục vụ cho chuyện chăn gối… Bố phó mặc cho người phụ nữ này định đoạt, phó mặc cái vẻ ranh mãnh của cô ấy khi cô ấy giả gọi nhầm tên người khác trong bóng tối. Bố tỏ vẻ hơi tự ái nhưng thật ra là bất lực. Bố đè nghiến cô ấy ra một cách thô bạo hơn trong khi thực tế bố lại mơ ước được ôm siết cô ấy trong vòng tay mình.
Khi một trong hai người đóng kịch, thì người kia đau khổ. Thật hoàn toàn phi lý. Bố mơ ước được túm lấy cô ấy và lắc cô ấy cho đến khi cô ấy phải khạc nó ra, khạc cái nọc độc của cô ấy. Cho đến khi cô ấy nói với bố là cô ấy yêu bố. Cho đến khi cô ấy nói điều đó với bố, trời ạ. Nhưng bố không thể, bố mới là thằng đểu cáng. Mọi chuyện là do lỗi ở bố…
Ông đứng lên để lấy cái cốc của mình.
– Mà bố tin gì chứ? Rằng chuyện này sẽ kéo dài nhiều năm như vậy sao? Hết năm này sang năm khác ư? Không, bố không tin điều đó. Hai người luôn chia tay nhau một cách vội vã, buồn rầu và vụng về mà không bao giờ nói đến lần sau. Không, thật quá sức chịu đựng… Và càng bực bội, bố lại càng yêu cô ấy, và càng yêu cô ấy, bố lại càng ít tin vào điều đó hơn. Bố cảm thấy mình chán nản, bất lực, bị trói buộc trong cái lưới của mình. Bất động, cam chịu.

– Cam chịu gì ạ?
– Mất cô ấy một ngày nào đó…
– Con không hiểu nổi bố.
– Có… Đương nhiên là con có hiểu bố… Con muốn bố làm gì nào, hả?
Con không trả lời à?
– Không.
– Không, tất nhiên là con không thể trả lời rồi… Con là người ít thích hợp nhất trên thế giới để trả lời cho câu hỏi này…
– Chính xác thì bố hứa với cô ấy điều gì?
– Bố không nhớ nữa… Bố đoán chắc chẳng có gì đáng kể, hoặc nếu không thì là điều không tưởng. Không, không có gì đáng kể… Bố có được sự trung thực khi luôn nhắm mắt lại lúc cô ấy đặt câu hỏi và hôn cô ấy khi cô ấy đợi câu trả lời. Lúc đó, bố gần năm mươi tuổi và bố thấy mình già. Bố nghĩ đó là giai đoạn kết thúc của cuộc phiêu lưu. Một kết thúc huy hoàng… Bố tự nhủ: “Đừng hối thúc gì cả, cô ấy trẻ như vậy, chính cô ấy sẽ là người ra đi đầu tiên,” và, mỗi lần bố gặp lại cô ấy, bố ngây ngất nhưng đồng thời cũng rất ngạc nhiên. Sao cơ? Cô ấy vẫn còn đó à? Nhưng tại sao nhỉ? Bố khó có thể hiểu cô ấy thấy có gì đáng yêu mến ở bố, bố tự nhủ: “Tại sao lại phải làm xáo trộn mọi thứ nếu như chính cô ấy sẽ là người rời xa mình?” Bắt buộc là như vậy, không thể tránh được. Không có lý do gì mà cô ấy lại có mặt lần tiếp theo, không có lý do gì hết… Cuối cùng, bố thậm chí còn hy vọng rằng cô ấy không đến. Cho đến bây giờ, cuộc sống vẫn tự quyết định mọi việc thay bố rất tốt, tại sao giờ lại phải làm khác đi? Tại sao? Dù sao thì bố cũng đã từng chứng tỏ với cô ấy là mình không có khả năng nhận trách nhiệm… Trong công việc thì có, nhưng đó là một trò chơi và bố là người giỏi nhất, nhưng còn về mặt khác thì sao? Bố thích chịu đựng hơn, bố thích an ủi mình bằng việc tự nhắc mình rằng mình là người phải chịu đựng. Bố thích mơ mộng hoặc tiếc nuối hơn. Như vậy đơn giản hơn biết chừng nào… Bà bác bên nội của bố, một phụ nữ Nga, thường nói đi nói lại với bố: “Cháu, cháu giống như bố của ta, hay luyến nhớ những dãy núi thời thơ ấu.
– Dãy núi nào hả Mouchka? bố hỏi bà ấy.
– Những dãy núi mà cháu không biết, đương nhiên rồi!”

– Bà ấy nói với bố thế á?

– Ừ. Bác ấy nhắc lại như vậy mỗi lần bố nhìn qua cửa sổ…
– Thế bố nhìn gì?
– Xe buýt! Ông cười.
– Lại một nhân vật nữa chắc có thể làm con thích thú… Một ngày thứ Sáu nào đó, bố sẽ nói cho con nghe.
– Vậy thì chúng ta sẽ đi đến tiệm ăn Chez Dominique…
– Chúng ta sẽ đi đến nơi mà con muốn, bố đã nói với con rồi. Ông đã đổ nước thuốc sắc đầy bát của tôi.
– Nhưng còn cô ấy, cô ấy làm gì trong suốt quãng thời gian đó?
– Bố không biết… Cô ấy làm việc. Cô ấy đã tìm được một chỗ tại Unesco và đã rời bỏ nó ít lâu sau. Cô ấy không thích dịch những câu chữ quá mức lịch sự của họ. Cô ấy không chịu đựng được việc phải nhốt mình nhiều ngày trời để nhại lại bài phát biểu như giảng đạo của các nhà chính trị. Cô ấy thích môi trường kinh doanh hơn, nơi nhiều căng thẳng nhất. Cô ấy ngao du, đi thăm các anh trai, chị gái và bạn bè sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Cô ấy ở một thời gian ở Na Uy nhưng cũng không thích những con người mắt màu sáng này, với lại cô ấy luôn thấy lạnh… Và khi cô ấy chán chuyện chênh lệch giờ, cô ấy ở lại Luân Đôn và dịch những bản chỉ dẫn kỹ thuật. Cô ấy rất quý mấy đứa cháu của mình.
– Nhưng ngoài công việc ra thì sao?
– A, cái đó thì… Bí mật hoàn toàn. Có Chúa chứng giám, bố đã cố thử khéo léo dò hỏi cô ấy tuy nhiên… Cô ấy ngậm tăm, quanh co, luồn lách giữa các câu hỏi của bố. “Chí ít thì cũng chừa điều đó ra, cô ấy nói với bố, chí ít thì cũng để em giữ cái thể diện đó. Thể diện của những cô gái làm Back Street. Chắc như vậy không phải là đòi hỏi anh quá nhiều đấy chứ?” Hoặc không thì cô ấy ăn miếng trả miếng, vừa cười vừa tra tấn bố. “Hóa ra, em chưa nói với anh là em đã lấy chồng tháng trước rồi à? Chán thật, em muốn cho anh xem ảnh mà lại để quên mất. Anh ấy tên là Billy, anh ấy không khôn ranh lắm nhưng rất quan tâm đến em, anh biết không…”
– Có làm bố cười không?
– Không. Không đáng kể.
– Bố yêu cô ấy chứ?
– Ừ.
– Bố yêu cô ấy như thế nào?
– Bố yêu cô ấy.
– Và giờ thì bố còn giữ lại hình ảnh gì về những năm tháng ấy?
– Một cuộc sống đứt quãng… Không gì hết. Có cái gì đó. Rồi lại không có gì. Rồi lại có cái gì đó. Rồi lại chẳng có gì… Thành ra, nó trôi qua rất nhanh… Nghĩ lại, bố có cảm tưởng như câu chuyện này chỉ kéo dài trong một mùa… Thậm chí không được một mùa, một hơi thở. Một dạng ảo ảnh… Bố và cô ấy thiếu mất cuộc sống thường nhật. Chính điều này làm Mathilde đau khổ nhất, bố nghĩ vậy… Bố đoán như vậy, nhưng một buổi tối, sau một ngày dài làm việc, bố đã có được bằng chứng.
Khi bố trở về, cô ấy ngồi trước chiếc bàn làm việc nhỏ, đang viết cái gì đó trên tờ giấy viết thư của khách sạn. Cô ấy đã viết đầy một chục trang với chữ viết nhỏ xíu và dày đặc của mình.
“Em viết cho ai thế? bố hỏi khi cúi xuống bên cổ cô ấy.
– Cho anh.
– Cho anh ư?”
Cô ấy rời xa mình, bố chợt nghĩ và chỉ mới thế, bố đã cảm thấy không được khỏe như trước đó rồi.
“Anh làm sao thế? Mặt xanh tái lại. Không ổn sao?
– Sao em lại viết cho anh?
– Ồ, thật ra, em không thật sự viết cho anh đâu, em chỉ viết những điều em muốn làm với anh thôi…”
Những tờ giấy nằm vương vãi khắp nơi. Xung quanh cô ấy, dưới chân cô ấy, trên giường. Bố cầm đại một tờ lên đọc:
…cắm trại, ngủ trưa bên bờ một con sông, ăn đào, tôm, bánh sừng bò, cơm nếp, bơi, khiêu vũ, mua cho mình giày dép, đồ lót, nước hoa, đọc báo, đi ngó các cửa hiệu, đi xe điện ngầm, theo dõi giờ giấc, đẩy anh khi anh chiếm hết chỗ, phơi quần áo, đi đến nhà hát Opéra, đi Bayreuth, Viên, đi mua sắm, đi siêu thị, làm món thịt nướng, cằn nhằn vì anh quên mất than, đánh răng cùng một lúc với anh, mua cho anh mấy cái quần đùi, cắt cỏ, đọc báo trên vai anh, ngăn không cho anh ăn quá nhiều đậu phộng, thăm những hầm rượu của vùng sông Loire và của vùng Hunter Valley, làm trò ngu xuẩn, lảm nhảm, giới thiệu anh với Martha và Tino, hái quả, nấu ăn, quay lại Việt Nam, mặc một chiếc sari của Ấn Độ, làm vườn, đánh thức anh tiếp bởi vì anh ngáy, đi vườn thú, chợ trời, Paris, Luân Đôn, Melrose, Piccadilly, hát cho anh nghe những bài hát, ngừng hút thuốc, nhờ anh cắt móng tay, mua bát đĩa, đồ linh tinh, những thứ chẳng để làm gì, ăn kem, nhìn mọi người, chơi cờ tường thắng anh, nghe nhạc jazz, nhạc reggae, nhảy điệu mambo và cha cha cha, buồn chán, làm trò đỏng đảnh, dỗi hờn, cười, tìm một ngôi nhà có cửa nhìn ra những con bò, sơn lại trần nhà, may rèm cửa, ngồi hàng giờ đồng hồ tại bàn ăn để tranh luận với những người thú vị, nắm chòm râu của anh, cắt tóc cho anh, nhổ cỏ dại, rửa xe, ngắm biển, gọi anh tiếp, nói với anh những từ sỗ sàng, học đan len, đan cho anh một cái khăn, tháo cái món kinh dị đó ra, đón nhận những con mèo, chó, quạ, voi, thuê xe đạp, không dùng đến chúng, nằm trong một chiếc võng, đọc lại những cuốn sách của bà em, xem lại những chiếc váy của Suzy, uống những ly cocktail margaritas trong bóng râm, ăn gian, học cách dùng bàn là, ném cái bàn là qua cửa sổ, hát dưới mưa, tránh khách du lịch, say sưa, nói với anh sự thật, nghe anh nói, chìa tay ra với anh, lấy lại cái bàn là, nghe lời các bài hát, đặt đồng hồ báo thức, quên vali, thôi không chạy, đem rác đi đổ, hỏi anh xem anh có còn yêu em không, nói chuyện với các cô hàng xóm, kể cho anh nghe về tuổi thơ của em ở Bahrein, về những chiếc nhẫn của bà vú nuôi của em, về mùi của cây lá móng, làm nhãn mác cho những chiếc hộp đựng mứt…

Và tiếp tục như vậy trong nhiều trang, nhiều trang khác. Nhiều, nhiều trang… Đây là bố mới nói con nghe những gì thoáng qua trong đầu bố, những gì bố nhớ được. Thật không thể tin được.
“Em viết cái này từ bao lâu rồi?
– Từ khi anh đi.
– Nhưng tại sao?
– Bởi vì em thấy buồn chán, cô ấy trả lời bố với một giọng vui vẻ, em chán muốn chết lên được, anh biết không!”

Bố thu nhặt tất cả cái đống linh tinh ấy lại và ngồi xuống cạnh giường để xem lại một cách kỹ lưỡng hơn. Bố mỉm cười nhưng sự thật thì, bấy nhiêu ham muốn, bấy nhiêu năng lượng làm bố tê tái. Nhưng bố vẫn mỉm cười. Cô ấy biết nói mọi điều theo cách quá hài hước, quá mang tính tinh thần và cô ấy đang rình xem phản ứng của bố. Trên một trong số các trang, nằm kẹp giữa “bắt đầu lại từ con số không” và “dán ảnh”, có “một đứa con”, thế thôi, không bình luận gì thêm. Bố tiếp tục tra cái danh sách vô hạn đó mà không nói một câu trong khi cô ấy tự cắn má.
“Thế nào? cô ấy nín thở. Anh nghĩ thế nào?
– Martha và Tino là ai thế? bố hỏi.”

Nhìn hình dáng cái miệng của cô ấy, nhìn cái cách mà đôi vai cô ấy rũ xuống, bàn tay cô ấy buông thõng, bố biết là mình sắp mất cô ấy. Rằng với việc đặt câu hỏi ngu xuẩn đó, bố đã đưa đầu mình lên thớt. Cô ấy bỏ đi vào nhà tắm và trả lời “Những người tốt” trước khi đóng cửa lại. Và thay vì đi đến bên cô ấy, thay vì sụp xuống dưới chân cô ấy nói với cô ấy rằng, đồng ý, với mọi điều cô ấy muốn, bới vì rằng đúng thế, bố ở trên đời này là để làm cho cô ấy hạnh phúc, thì bố lại ra ban công hút một điếu thuốc.
– Rồi sao nữa ạ?
– Rồi chẳng gì hết. Mùi vị thuốc chẳng ra gì. Hai người đi xuống ăn tối. Mathilde thật đẹp. Dường như đẹp hơn bao giờ hết. Vừa hoạt bát, vừa vui vẻ. Tất cả mọi người nhìn cô ấy. Phụ nữ thì ngoái đầu nhìn còn cánh đàn ông thì mỉm cười với bố. Cô ấy… nói thế nào với con nhỉ… cô ấy rạng ngời… Làn da, khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, cử chỉ, mọi thứ trong cô ấy đều hấp thu ánh sáng và tỏa sáng lại một cách duyên dáng. Một sự hòa quyện của sức sống và sự dịu dàng không ngừng làm bố ngạc nhiên. “Em đẹp quá,” bố thú thực với cô ấy, cô ấy nhún vai, “Đấy là trong mắt anh thôi.” “Ừ, bố gật đầu, trong mắt anh…”
Và khi bây giờ bố nghĩ về cô ấy, sau tất cả những năm tháng này, đấy là hình ảnh đầu tiên đến trong đầu bố: cô ấy, cái cổ dài, đôi mắt sẫm màu và chiếc váy màu nâu xinh xắn đang nhún vai trong cái phòng ăn ở nước Áo đó.

Vả lại, đó là cố tình, tất cả cái vẻ đẹp đó, tất cả sự duyên dáng đó. Cô ấy biết rất rõ mình đang làm gì tối hôm đó: cô ấy làm cho mình trở nên khó quên. Có thể là bố lầm nhưng bố không tin vậy… Đó là tiếng hát của con thiên nga, lời từ biệt của cô ấy, chiếc khăn của cô ấy bên cửa sổ. Cô ấy tinh tế thế, cô ấy phải cảm nhận điều đó… Ngay cả làn da cô ấy cũng mềm mại hơn. Cô ấy liệu có ý thức được điều đó không nhỉ? Cô ấy hào phóng hay chỉ đơn thuần là tàn nhẫn? Cả hai, bố nghĩ… Cả hai.
Và đêm hôm đó, sau những cái vuốt ve và tiếng rên rỉ, cô ấy nói với bố:

“Em có thể hỏi anh một điều không?
– Ừ.
– Anh sẽ trả lời em chứ?
– Ừ.”
Bố mở mắt ra.
“Anh không thấy là mình hợp nhau à?
Thật đáng thất vọng, bố đang chờ đợi một câu hỏi… ờ… hóc búa hơn. “Có chứ.
– Anh cũng thấy vậy à?
– Ừ.
– Em thì em thấy rằng chúng mình rất hợp nhau…
Em thích ở bên anh bởi vì em không bao giờ cảm thấy buồn chán.

Ngay cả khi mình không nói chuyện với nhau, ngay cả khi mình không động đến nhau, ngay cả khi mình không ở trong cùng một phòng, em cũng không thấy buồn chán. Em chẳng bao giờ thấy buồn chán cả. Em tin rằng đó là bởi vì em có lòng tin ở anh, em tin tưởng vào những suy nghĩ của anh. Anh có thể hiểu được điều đó không? Mọi thứ em nhìn thấy và mọi thứ em không nhìn thấy ở anh, em đều yêu hết. Tuy vậy, em biết những khiếm khuyết của anh. Nhưng chính thế, em có cảm tưởng rằng những khiếm khuyết của anh rất hợp với những phẩm chất của em. Những thứ chúng ta sợ không giống nhau. Ngay cả những nét quỷ sứ của chúng ta cũng hợp nhau! Anh, anh đáng giá hơn cái mà anh thể hiện và em, thì ngược lại. Em, em cần có ánh mắt của anh để có… chất hơn? Trong tiếng Pháp nói thế nào nhỉ? Khi người ta nói ai đó có nội tâm rất thú vị?
– Chiều sâu à?
– Đúng rồi! Em, em giống như một con diều, nếu không có ai nắm ống dây, vù, em bay ngay… Còn anh, thật buồn cười, em thường tự nhủ là anh đủ khỏe để giữ em lại và đủ thông minh để cho em bay đi…
– Tại sao em nói với anh về tất cả những điều này?
– Em muốn anh biết.
– Tại sao lại là bây giờ?
– Em không biết… Liệu có khó tin khi gặp ai đó và tự nhủ: với người này, mình thật thoải mái.
– Nhưng tại sao em lại nói với anh điều này bây giờ?
– Bởi vì đôi lúc em có cảm tưởng anh không nhận ra sự may mắn mà chúng ta đang có…
– Mathilde?
– Vâng.
– Em sẽ rời xa anh hả?
– Không.
– Em không hạnh phúc sao?

– Không nhiều lắm.” Và cả hai im lặng.

Ngày hôm sau, bố và cô ấy đi lên núi và ngày hôm sau nữa, mỗi người lại đi một ngả.

Bát nước thuốc sắc của tôi nguội dần.
– Hết rồi hả?
– Gần hết ạ.

– Vài tuần sau đó, cô ấy đến Paris và đề nghị bố dành cho cô ấy một lúc. Bố vừa vui sướng vừa bối rối. Hai người đã đi bộ rất lâu mà chẳng nói chuyện bao nhiêu và rồi bố đưa cô ấy đi ăn ở vòng xoay đại lộ Champs- Elysées.
Khi bố mạnh dạn cầm tay cô ấy, cô ấy làm bố cứng họng: ”Pierre, em có thai.
– Với ai? Bố tái mặt đáp lại.”
Cô ấy đứng dậy vẻ mặt rạng ngời. “Chẳng với ai hết.”
Cô ấy mặc áo khoác và đẩy ghế. Một nụ cười tuyệt vời hiện lên trên khuôn mặt cô ấy.
”Em cám ơn anh, anh đã phát ra những từ mà bấy lâu em chờ đợi. Vâng, em đã đi từng ấy quãng đường là để nghe anh nói với em hai từ đó. Kể cũng hơi mạo hiểm.”
Bố lúng túng, bố muốn đứng lên nhưng cái chân bàn nó… Cô ấy ra hiệu:
“ Đừng nhúc nhích.”

Mắt cô ấy long lanh.
“ Em đã có cái em muốn. Em đã không thể chia tay với anh. Em không thể trải qua cả cuộc đời mình để đợi anh nhưng em… Không có gì. Em cần phải nghe thấy anh nói hai từ này. Em cần phải nhìn thấy nó, sự nhu nhược của anh. Em cần phải chạm được nó bằng ngón tay của mình, anh hiểu không? Không, đừng nhúc nhích… đừng nhúc nhích, em bảo anh đấy! Đừng nhúc nhích! Giờ thì em phải đi. Em quá mệt… Giá mà anh biết được em mệt mỏi đến mức nào, Pierre… Em… Em chịu hết nổi rồi…”
Bố đứng lên.
“Nói đi, anh sẽ để em ra đi chứ? Anh để em chứ hả? Anh cần phải để em đi bây giờ, anh cần phải để em… Cô ấy nghẹn ngào. Anh sẽ để em ra đi, đúng không?”
Bố gật đầu.
“Nhưng em biết là anh yêu em, em biết điều đó, phải không? cuối cùng bố cũng buông lời.”
Cô ấy dần xa và ngoảnh lại một lần trước khi bước qua cửa. Cô ấy đã nhìn thẳng vào bố và lắc đầu từ trái qua phải.

Bố chồng tôi đứng lên giết một con bọ đậu trên chiếc đèn bàn. Ông dốc nốt chỗ rượu còn lại trong chai vào cốc của mình.
– Giờ thì kết thúc rồi ạ?
– Ừ.
– Bố không kéo cô ấy lại à?
– Như trong phim ư?
– Vâng. Quay chậm hơn…
– Không. Bố đã đi ngủ.

– Đi ngủ á?
– Ừ.
– Nhưng ở đâu?
– Ở nhà, tất nhiên!
– Vì sao?
– Một sự yếu đuối quá độ, một sự chán nản tột cùng… Đã từ nhiều tháng rồi, bố bị ám ảnh bởi một cái cây chết. Vào bất kỳ thời gian nào của ngày cũng như đêm, bố đều mơ thấy mình đang leo lên một cái cây chết và bố để mình trượt vào trong cái thân rỗng của nó. Và cú rơi rất nhẹ, rất nhẹ… như thể bố bật lên trên cái tán của một chiếc ô vậy. Bố nảy lên, rồi rơi xuống sâu hơn, rồi lại nảy lên. Bố thường xuyên nghĩ về điều đó. Trong cuộc họp, ở bàn ăn, trong xe hơi, khi cố ngủ. Bố leo lên cái cây của mình và để cho mình sụt xuống.
– Suy sụp tinh thần ư?
– Đừng dùng từ to tát, xin con đấy, đừng dùng từ to tát… Con biết rõ ở trong gia đình nhà Dippel thì thế nào rồi, ông cười khẩy, con đã nói điều đó lúc nãy. Không tâm trạng, không lo lắng, không cáu giận. Không, bố không thể đương nhiên tự tặng cho mình cái sự thay đổi thất thường kiểu đó. Bố bị mắc bệnh viêm gan, cái lý do này thích hợp hơn. Ngày hôm sau, bố thức dậy, lòng trắng mắt chuyển thành màu vàng chanh, lợm giọng trước mọi thứ và nước tiểu thì đục màu và như vậy, một vố chơi khăm đã diễn ra. Căn bệnh viêm gan nặng với một người đàn ông thường xuyên đi xa, đó là một chuyện hiển nhiên.
Hôm đó, chính Christine đã thay quần áo cho bố.
Bố không cử động nổi nữa… Trong suốt một tháng, bố nằm lại trên giường, buồn nôn và kiệt sức. Khi bố khát nước, bố đợi ai đó tới và chìa cho bố một cốc nước và khi bố lạnh, bố không có đủ sức để kéo nổi cái chăn lên.

Bố không nói chuyện được nữa. Bố cấm mọi người mở cửa sổ. Bố trở thành một cụ già. Sự tử tế của Suzanne, sự bất lực của bố, những tiếng thì thào của con cái, tất cả đều làm bố mệt mỏi. Người ta không thể đóng cái cửa lại một lần luôn và để tôi lại một mình với nỗi bất hạnh của mình hay sao? Liệu Mathilde có đến không nếu… Liệu… Ồ… Bố quá ư là mệt. Và những kỷ niệm, những hối tiếc và sự nhu nhược của bố lại quật ngã bố thêm. Mắt hé mở và miệng muốn nôn, bố nghĩ về cuộc sống thảm bại của mình. Hạnh phúc đã ở đó và bố đã để nó đi qua chỉ vì không muốn phức tạp hóa sự tồn tại của mình. Ấy vậy mà thực ra lại đơn giản biết bao. Chỉ cần chìa tay ra.
Phần còn lại sẽ được thu xếp chu toàn bằng cách này hay cách khác. Mọi việc cuối cùng sẽ đâu vào đó khi người ta hạnh phúc, con không nghĩ thế sao?
– Con không biết.
– Đúng thế, bố biết vậy. Con có thể tin ở bố, Chloé. Bố không biết gì mấy nhưng điều này thì bố biết. Bố không sáng dạ hơn người khác đâu, chỉ là vì bố đã gấp đôi tuổi con. Gấp đôi tuổi con, con có để ý không? Cuộc sống, ngay cả khi con phủ nhận nó, ngay cả khi con sao nhãng nó, ngay cả khi con từ chối công nhận nó, vẫn mạnh hơn con. Mạnh hơn tất cả. Những người trở về từ trại tập trung và đã lại sinh con đẻ cái. Những người đàn ông và những người phụ nữ đã bị người ta tra tấn, đã chứng kiến cảnh người thân bị giết chết và nhà mình bị đốt cháy, đã lại bắt đầu chạy theo xe buýt, bình luận về thời tiết và gả chồng cho con gái họ. Thật khó tưởng tượng nhưng thực tế là như thế. Cuộc sống mạnh hơn tất cả. Hơn nữa, chúng ta là ai mà lại tự cho mình là quan trọng đến thế? Chúng ta phấn khích, chúng ta to tiếng vậy thì sao chứ? Và tại sao? Và sau đó là gì?
Cái cô Sylvie đã trở thành cái gì khi Paul vì cô ấy mà chết ở phòng bên. Cô ấy trở nên như thế nào?

Lửa sắp tắt…

Ông đứng dậy bỏ thêm một thanh củi vào lò.

Còn tôi, tôi đang nghĩ, mình ở đâu trong đó? Mình ở đâu chứ?

Ông quỳ gối trước lò sưởi.
– Con tin bố chứ, Chloé? Con tin bố khi bố nói với con rằng cuộc sống mạnh hơn con chứ?
– Chắc chắn rồi…
– Con tin tưởng ở bố không?
– Tùy theo ngày thôi ạ.
– Thế còn hôm nay?
– Có.
– Thế thì con nên đi ngủ bây giờ đi.
– Bố đã không lần nào gặp lại cô ấy nữa à? Bố chưa từng thử tìm hiểu tin tức của cô ấy sao? Bố chưa từng gọi điện lại cho cô ấy à?
Ông thở dài.
– Con không thấy chán chuyện đó à?
– Không.
– Tất nhiên, bố có gọi điện đến nhà chị gái của cô ấy, bố thậm chí đã đến đó nhưng chẳng có ích lợi gì. Chim đã bay đi… Để tìm lại được cô ấy, bố trước hết cần phải biết đi tìm ở bán cầu nào của trái đất… Hơn nữa, bố đã hứa sẽ để cô ấy yên. Dù sao, đó cũng là một phẩm chất mà người ta có thể công nhận ở bố. Bố là một người luôn chơi đẹp.
– Cái điều bố vừa nói thật hoàn toàn ngu ngốc. Vấn đề không phải là đẹp hay chơi xấu. Vui vẻ thua cuộc hay không. Cái lập luận ấy hoàn toàn vớ vẩn, vớ vẩn và trẻ con. Đấy đâu phải là một trò chơi… Có ạ? Đó là một trò chơi thật ạ?
Ông sung sướng.
– Rõ ràng, bố không cần phải lo lắng cho con, cô con gái lớn của bố. Con không tưởng tượng được bố quý mến con đến mức nào đâu. Con là tất cả những gì mà bố không có, con là người khổng lồ của bố và thiện chí của con sẽ cứu tất cả chúng ta…
– Bố say rồi hả, đúng không?
– Con muốn cười ư? Bố chưa từng bao giờ cảm thấy dễ chịu như bây giờ.

Ông nắm cái lanh tô lò sưởi đứng dậy.
– Bây giờ chúng ta đi ngủ đi.
– Bố còn chưa nói hết…
– Con muốn nghe bố lải nhải nữa à?!
– Vâng.
– Vì sao?
– Vì con thích những câu chuyện đẹp.
– Con cho đó là một câu chuyện đẹp ư?
– Vâng.
– Bố cũng thế…

– Bố đã gặp lại cô ấy, đúng không? Ở cung Palais-Royal phải không?
– Sao con biết điều đó?
– Thì chính bố đã nói thế với con!
– Thật thế hả? Bố đã nói vậy sao?

Tôi gật đầu.
– Thế thì đây sẽ là đoạn cuối…
Hôm đó, bố mời khách hàng đến Grand Véfour. Chính Francoise đã lo mọi khâu tổ chức trước đó. Rượu thượng hạng, cung cách phục vụ trang trọng, những món ăn ngon. Bố đã chơi sang. Từ cái hồi mà bố phải dính đến việc đó… Một bữa ăn trưa vô vị. Bố luôn luôn ghét chuyện ấy. Ngồi hàng giờ đồng hồ ở bàn ăn để nói đùa với mấy gã mà bố hoàn toàn không quan tâm và nhồi nhét vào trong đầu mọi câu chuyện về công việc của họ… Hơn thế, bố lại bị xem là kẻ làm cả đám mất vui vì cái gan của mình. Trong một thời gian rất dài, bố không hề uống một giọt rượu và yêu cầu những người bồi bàn phải nói thật cụ thể những gì có trong mỗi món ăn. Tóm lại, con thấy bố phiền toái thế nào rồi đấy… Ngoài ra, bố lại không thích lắm khi ngồi với cánh đàn ông. Họ làm bố phát ngán. Không thay đổi chút nào so với những năm còn ở nội trú. Những kẻ vênh váo vẫn thế và những kẻ thích gây sự chú ý cũng vậy…
Bố đang đứng trước cánh cửa một nhà hàng lớn, bụng hơi nặng, mệt mỏi búng một điếu xì gà trong khi mở tưởng đến lúc mình cuối cùng có thể nới rộng thắt lưng thì bố nhìn thấy cô ấy. Cô ấy bước nhanh, gần như chạy và kéo theo đằng sau một cậu bé đang bực tức. “Mathilde?” bố thì thầm. Bố thấy cô ấy mặt tái xanh lại. Bố thấy như đất dưới chân cô ấy đang sụt xuống. Cô ấy không bước chậm lại. “Mathilde!” bố nhắc lại to hơn, “Mathilde!”. Và bố bám theo như một thằng kẻ cắp. “Mathiiiilde!” Bố gần như hét lên. Thằng nhỏ ngoái đầu lại.

Bố mời cô ấy uống cà phê dưới mái hiên vòm. Cô ấy không thể từ chối, cô ấy… Cô ấy còn quá đẹp. Bố gượng gạo. Bố hơi lóng ngóng, hơi ngớ ngẩn, hơi bông lơn. Thật khó khăn.

Bấy lâu nay cô ấy sống ở đâu? Vì sao cô ấy lại ở đây? Mong sao cô ấy kể cho mình về cô ấy. Nói cho anh biết em thế nào? Em sống ở đây ư?
Em sống ở Paris sao? Cô ấy trả lời một cách miễn cưỡng. Cô ấy không thoải mái và thường cắn cắn đầu cái thìa nhỏ của mình. Dù sao thì bố cũng đâu có nghe cô ấy nói, bố không nghe tiếng cô ấy nữa. Bố ngắm nhìn cậu bé tóc vàng ấy, nó nhặt tất cả các miếng bánh mì còn lại trên những bàn bên cạnh và ném vụn bánh mì cho chim ăn. Nó chia làm hai đống, một dành cho chim sẻ và một dành cho chim bồ câu và say sưa cai quản cái thế giới nhỏ đó. Các con chim bồ câu không được đến ăn vụn bánh mì của các con chim nhỏ
hơn. “Go away you!”[9] nó vừa kêu vừa giơ chân ra đá, “Go away you
stupid bird![10]” Vào đúng lúc bố quay về phía mẹ nó định mở miệng thì cô ấy đã cắt lời:
“Đừng có nhọc sức làm gì, Pierre, đừng nhọc sức. Nó chưa tới năm tuổi đâu… Nó chưa đến năm tuổi, anh hiểu chứ?
Bố ngậm miệng lại. “Nó tên là gì?
– Tom.
– Nó nói tiếng Anh à?
– Tiếng Anh và tiếng Pháp.
– Em còn có đứa con nào nữa không?
– Không.
– Em… Em… Anh muốn nói… em đang sống cùng ai không?” Cô ấy cạo đường ở đáy cốc và mỉm cười với bố.
“Bây giờ em phải đi đây. Người ta đang đợi.
– Đã đi ngay sao?” Cô ấy đứng lên.
“Anh có thể chở hai mẹ con đến chỗ nào đó, anh…”

Cô ấy cầm lấy túi xách. “Thôi Pierre, xin anh…”
Và thế là, bố hết chịu nổi. Bố không hề ngờ chuyện đó lại xảy ra. Bố bắt đầu khóc sướt mướt. Thằng nhỏ đó là dành cho mình. Chính mình là người chỉ cho nó cách đuổi chim bồ câu, chính mình là người phải nhặt áo cho nó và đội mũ cho nó. Chính mình phải làm điều ấy. Hơn nữa, bố biết là cô ấy nói dối. Thằng bé đó hơn bốn tuổi rồi. Dù gì thì bố cũng đâu phải người mù. Bố biết rõ là cô ấy nói dối. Vì sao cô ấy lại nói dối mình như vậy chứ?! Vì sao cô ấy lại nói dối mình? Người ta không có quyền nói dối như thế! Người ta… Bố thổn thức. Bố muốn nói với cô ấy rằng…
Cô ấy đẩy ghế.
“Em để anh ở lại đây. Em thì em đã khóc hết nước mắt rồi.”
– Và sau đó?
– Sau đó, bố đi về…
– Không, con muốn nói, chuyện với Mathilde, sau đó thế nào?
– Sau đó là hết.
– Hết, hết thật ư?
– Hết.

Hồi lâu im lặng.
– Cô ấy nói dối à?
– Không. Từ đó bố đã để ý. Bố đã so sánh với những đứa trẻ khác, với các con gái của con… không, bố tin là cô ấy không nói dối. Bon trẻ con bây giờ lớn lắm… Với tất cả những vitamin trong bình sữa của chúng… Đôi khi bố nghĩ đến nó. Nó bây giờ chắc phải mười lăm tuổi rồi… Chắc thằng bé đó nó phải cao lớn lắm.
– Bố không hề thử gặp lại cô ấy à?

– Không.
– Thế bây giờ? Có thể cô ấy…
– Bây giờ chấm hết rồi. Bây giờ bố… Bố thậm chí không biết liệu mình còn có khả năng…
Ông mở thiết bị phòng cháy trước cửa lò sưởi.
– Bố không muốn nói về chuyện này nữa.

Ông đi khóa cửa ra vào và tắt hết đèn. Tôi nằm yên trên tràng kỷ.

– Nào, Chloé… Con biết mấy giờ rồi không? Bây giờ đi ngủ đi. Tôi không đáp lại.
– Con nghe thấy bố nói không?
– Vậy thì chuyện tình yêu có thực chẳng qua chỉ là một điều ngu ngốc phải không? Đúng thế không ạ? Chẳng bao giờ tốt đẹp cả đúng không?
– Có chứ, nhưng phải đấu tranh…
– Đấu tranh như thế nào?
– Đấu tranh từng chút một. Mỗi ngày một chút, đủ dũng cảm để là chính mình, quyết định được hạnh…
– Ồ! Điều bố mới nói đẹp làm sao! Người ta sẽ nghĩ là của nhà văn người Brasil Paulo Coelho..
– Cứ chế giễu đi, cứ chế giễu đi…
– Là chính mình, có nghĩa là bỏ rơi vợ và các con sao?
– Ai nói là bỏ các con?
– Ồ! Thôi đi bố. Bố hiểu quá rõ con muốn nói gì rồi mà…
– Không.
Tôi lại bật khóc.

– Thôi! Giờ bố đi đi! Để con yên. Con hết chịu nổi những tình cảm tốt đẹp của bố rồi. Hết chịu nổi rồi. Bố làm con chán ngấy đến tận cổ rồi, con ngán đến tận cổ rồi…
– Bố đi đây, bố đi đây. Được yêu cầu một cách tử tế thế cơ mà…

Đúng lúc bước ra khỏi căn phòng, ông nói:
– Câu chuyện cuối cùng nhé, được không?

Tôi không muốn.
– Một ngày, cách đây lâu lắm rồi, bố đi đến tiệm bánh mì với cô con gái bé bỏng của mình. Thật hiếm khi bố đi đến đó với con gái. Hiếm khi bố chìa tay cho nó và càng hiếm khi bố một mình với nó. Lúc đó chắc hẳn là sáng Chủ nhật, có rất đông người trong tiệm bánh mì, mọi người mua bánh dâu tây hoặc bánh kem. Khi bước ra, con gái của bố hỏi xin bố mẩu đầu bánh mì. Bố đã từ chối. Không, bố trả lời nó, không. Khi nào chúng ta ngồi vào bàn ăn cơ. Hai bố con về nhà và cùng ngồi ăn trưa với mọi người. Một gia đình nhỏ tử tế. Chính bố đã cắt bánh mì. Bố muốn như vậy. Bố muốn giữ lời hứa của mình. Nhưng khi bố chìa mẩu đầu bánh mì cho con gái, nó đã đưa cho em trai mình.
– Nhưng sao con nói với bố lúc nãy là con muốn…
– Lúc nãy mới là lúc con muốn, nó đã trả lời trong khi mở khăn ăn ra.
– Nhưng, nó vẫn có mùi vị thế thôi, bố nài nỉ, cùng là một… Nó đã lắc đầu.
– Không, cám ơn bố ạ.
Bố sẽ đi ngủ, bố sẽ để con lại trong bóng tối nếu con muốn như vậy, nhưng trước khi tắt đèn, bố muốn hỏi một câu. Bố không hỏi con, không hỏi bản thân mình, bố hỏi những miếng gỗ lát tường:

– Liệu con bé con cứng cổ này có thấy thích hơn khi được sống với một người cha hạnh phúc hơn hay không?

Chú thích:

[8] Tiếng Anh trong nguyên bản: “Như thế tiện hơn.”

[9] Tiếng Anh trong nguyên bản: “Cút đi.”

[10] Tiếng Anh trong nguyên bản: “Cút đi, con chim ngu ngốc kia!.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.