Cô thường nghĩ ngợi về con mèo õng ẹo. Cậu Percival, chủ cửa hàng tổng hợp kẹo, bánh và thuốc lá, người dễ mến nhất trong số những người họ Hurlingford, đã tặng Missy một con mèo mun hung hăng nhân dịp sinh nhật thứ mười một của cô. Nhưng mẹ cô vội giằng con mèo khỏi tay cô và lập tức nhờ người dìm chết con mèo vô tội ấy, bà trưng ra một lập luận khó ai có thể chối cãi rằng không cách chi nuôi thêm một miệng ăn nữa, dù miệng ăn ấy nhỏ như miệng mèo; việc ấy được tiến hành không phải không có sự phản đối của lòng trắc ẩn của cô con gái kèm theo sự tiếc rẻ; nhưng dù sao người ta cũng đã giải quyết xong xuôi mọi thứ. Missy đã không chống cự lại quyết định của mẹ và cũng không khóc, ngoại trừ lúc đã chui vào giường. Bằng cách này cách khác con mèo con vẫn không đủ sức gây ra tai họa cho Missy. Nhưng hai bàn tay cô vẫn nhớ, suốt nhiều năm dài sống trong đơn lẻ… vẫn nhớ hoài cảm giác ấm mịn của lớp lông nhung và sự thổn thức yếu ớt của tấm thân bé bỏng khi được vuốt ve. Chỉ có bàn tay cô là được phép nhớ. Mọi tri giác khác ở trong cô đều phải quên đi tất cả.
Cô vẫn ao ước được đi dạo trong khu rừng nhỏ dọc theo thung lũng song song với Missalonghi, và chính lúc thơ thẩn trong rừng giấc mơ thường dày vò lòng cô như trôi êm ả vào trong giấc mộng mơ màng mà cô chẳng bao giờ được hưởng. Nếu thích lội qua suối Missy chẳng hề ngần ngại bị ướt áo hoặc làm vấy bẩn y phục vì cô đã có thể tẩy chất bẩn dính vào áo cô từ những tảng đá rong rêu; và mọi thứ trong rừng đều chẳng có, không bao giờ có màu nâu. Những con chim đeo chuông bay lượn leng keng trên đầu cô, bướm lung linh bay lượn chập chờn bên các tảng đá dương xỉ khổng lồ làm cho bầu trời giống như một dải xa-tanh có viền ren; cảnh thanh bình trải khắp cánh rừng, không có một con người nào khác xâm phạm thiên nhiên.
Sau đó cô bắt đầu nghĩ đến cái chết, về sự kết thúc một kiếp người… càng lúc càng ám ảnh cô nhiều hơn như một cái đích tất yếu phải bắt buộc từng người đi đến. Thần chết đã có mặt khắp mọi nơi, thăm viếng người còn trẻ tuổi và người đứng tuổi đều đặn như đối với người già. Sự hủy diệt, những cơn đau, bệnh bạch hầu thanh quản, bệnh bạch hầu, khối u, chứng viêm thanh quản, ngộ độc máu, bịnh nhồi máu, rối loạn tim, chứng đột quỵ. Vậy tại sao cô vẫn chưa được Thần Chết gọi đến? Thần Chết không phải là điều đáng sợ, dù chẳng ai thích đến gần, đối với những kẻ chỉ cố để tồn tại hơn là thật sự sống.
Và để chấm dứt cuộc hành hương đêm nay cô trở về với cánh rừng nhỏ một lần nữa với cuộc dạo chơi trong thung lũng, người ấy cùng sánh vai với cô đi lang thang… cho đến khi ngủ thiếp đi.
°°
Sự cùng khổ ngự trị Missalonghi một cách khắc nghiệt đến tàn ác chính là do sự nhầm lẫn của Ngài William Thứ Nhất, kẻ đã có công sinh hạ bảy con trai và chín con gái, hầu hết đều sống sót để duy trì dòng họ bằng các sinh con đẻ cái. Chủ trương của Ngài William là chỉ chia của cải cho con trai và phần cho mỗi cô gái món hồi môn vẻn vẹn gồm một căn nhà và năm mẫu đất tốt. Thoạt nhìn phớt qua thì chủ trương này có vẻ hợp lý vì nó làm nản lòng những kẻ có dụng tâm săn đuổi của hồi môn và duy trì các thiếu nữ ở cương vị điền chủ cũng như bảo đảm sự độc lập của các cô. Cánh con trai thì cực lực ủng hộ biện pháp đó (vì nó đem thêm của cải cho họ nhiều hơn nữa), và họ cũng áp dụng y như vậy với con cái. Sau nhiều thập niên, các ngôi nhà dần dần mất tiện nghi, trở nên xộc xệch, và năm mẫu đất phì nhiêu cũng biến thành cằn cỗi.
Hậu quả của cách phân chia như vậy sau hai đời là con cháu của dòng họ Hurlingford được phân thành các phe phái rõ rệt: cánh con trai giàu sụ đồng loạt, một phe phụ nữ khác sung túc nhờ những cuộc hôn nhân may mắn, và một nhóm phụ nữ hoặc là phải bỏ đất mà đi hoặc là phải bán thốc tháo với giá rẻ mạt hoặc phải cố mà bám vào mảnh đất được thừa hưởng ấy như trường hợp của Drusilla Hurlingford Wright.
Bà kết hôn với một người thừa kế mắc bệnh lao phổi của một công ty kế toán có lợi nhuận cao ở một vài cơ sở sản xuất tên là Eustace Wright; điều hiển nhiên là bà trước thời gian chuẩn bị hôn lễ, đã không nghi ngờ gì việc Eustace mắc bịnh lao còn rõ hơn cả bản thân Eustace. Nhưng sau khi Eustace qua đời, hai năm sau hôn lễ, cha của ông, sống dai hơn ông, đã quyết định giao toàn bộ tài sản cho người con trai thứ hai mà không hề quan tâm đến người goá phụ chẳng có gì hơn ngoài đứa con gái nhỏ ốm đau quặt quẹo. Thế là mọi niềm tin khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng hạnh phúc đã chấm dứt một cách ảm đạm từ mọi phía. Ông cụ Wright đưa ra quyết định đó phần nào dựa trên cơ sở Drusilla đã có hẳn một ngôi nhà và năm mẫu đất, xuất thân từ một gia đình giàu có lẫy lừng sẽ lo liệu cho bà nếu có chuyện bất trắc xảy ra. Điều sai lầm trong tiên đoán của cụ Wright chính là không ngờ được thái độ thờ ơ của phe phái Hurlingford đối với những người cùng thân tộc là đàn bà, đơn độc và chẳng chút quyền lực gì trong tay.
Dĩ nhiên là không thể nào tưởng tượng nổi là có một phụ nữ thuộc dòng họ Hurlingford lại dám phó thác tài sản cho một người ở ngoài dòng họ, và cũng chẳng thể chấp nhận kiểu họ đi làm việc cho người khác trừ phi công việc đó do anh em trong thân tộc tổ chức với lý do để bảo vệ người phụ nữ ấy. Vì vậy Drusilla, Octavia và Missy đành phải ngồi nhà, vốn liếng nhỏ mọn của họ đã ngăn cấm họ khỏi công việc mưu sinh là phải đặt nền tảng trên việc làm chủ mọi dịch vụ, năng lực kém cỏi khi phải tính toán những gì có tính chất thực dụng đồng nghĩa với việc đại gia đình coi họ là những người vô tích sự.
Mọi ý nghĩ viển vông mà Drusilla thường theo đuổi về sự trưởng thành của Missy vẫn đè nặng tâm hồn những người phụ nữ ở Missalonghi từ cảnh khốn khó là một đám cưới đàng hoàng đã tiêu tan thành mây khói từ lúc Missy mới lên mười; đứa bé luôn luôn tỏ ra quê kệch và chẳng gợi được chút thiện cảm nào ở người khác. Khi Missy được hai mươi tuổi mẹ và dì cô đã phải tự hoà hợp với tình trạng túng quẫn ghê gớm có lẽ sẽ tiếp diễn cho tới ngày họ nằm trong ngôi mộ tương xứng với địa vị của họ. Đã đến lúc Missy được thừa hưởng ngôi nhà và năm mẫu đất của mẹ nhưng do chẳng có người nào có thể đứng ra khuếch trương tài sản ấy và vì cô chỉ thuộc dòng dõi Hurlingford về phía họ ngoại, cô không được thừa nhận quyền thừa hưởng.
Họ không thiếu thực phẩm nhưng tiền là thứ mà họ luôn cảm thấy bất lực. Để khỏi phải đi làm thuê và bị lừa đảo bởi những kẻ có quyền trở thành người cứu trợ của họ, những người đàn bà ở Missalonghi dùng tiền bán cừu hay bê hay cả lứa heo con để mua sắm quần áo, vật dụng trong nhà, thuốc men, và cả ngói lợp nhà; đừng hòng tính gì tới việc giải trí trong điều kiện báo động tài chánh thường xuyên. Cô bé Missy được nuông chiều nhất nhà nên được hai bà lão chứng tỏ tình thương bằng cách cho cô được phung phí tiền bạc theo kiểu duy nhất: sử dụng tiền bán trứng và bơ để thuê sách.
Để đỡ trống trải trong chuỗi ngày vô vị, những người đàn bà ở Missalonghi đan và quấn ren và thêu móc và khâu không ngừng nghỉ với lòng biết ơn những món quà Giáng Sinh hay sinh nhựt, và sau khi hoàn tất các công trình, họ có thể đem tặng lại những món quà của họ vào các dịp kể trên, vì vậy mà những món như thế lại được dự trữ rất nhiều trong những căn phòng cất đồ.
Việc họ ưng thuận một cách nhẫn nhục đến như vậy về mọi quan hệ, quy tắc chi phối bởi những người chẳng hề có chút ý niệm về nỗi cô đơn, sự cam chịu một cách đắng cay điều bần hàn với vẻ nhã nhặn không phải là biểu hiện của sự thiếu ý chí hoặc lòng can đảm. Vấn đề chỉ đơn giản là họ đã sinh ra và biểu hiện đang sống trong giai đoạn trước khi cuộc biến động lớn lao xảy ra để hoàn thiện cuộc cách mạng kỹ nghệ, thời kỳ mà việc làm thuê và sự huấn luyện kỹ thuật vẫn còn là một sự phản bội những khái niệm về cuộc sống, gia đình và nữ tính.
Sự cùng túng thanh cao chưa bao giờ làm Drusilla cảm thấy tổn thương bằng lúc mỗi sáng chúa nhật phải đi bộ vào Byron, đi băng qua thành phố và sau đó lại phải trở ra bằng các con đường mà những tay giàu có nhất dòng họ Hurlingford cư trú: lối dọc theo các sườn đồi tráng lệ nằm giữa thành phố và ven thung lũng Jamieson. Bà đến uống trà tại nhà người chị là Aurelia, không làm sao quên được rằng hồi cả hai chị em còn là thiếu nữ và đang ở thời kỳ đính hôn thì bà, bản thân Drusilla, đã được gia đình ngả giá như một món hàng rất nên mặc cả cẩn thận tại thị trường hôn nhân. Và bây giờ, mệt nhọc lê bước đến nhà chị, bà bùi ngùi nhớ lại mọi chuyện trong cuộc hành hương đơn độc. Octavia cũng phải khập khiễng lội bộ cả bảy lăm dặm đường, và sự tương phản giữa Missy và cô con gái Aurelia cũng là điều phải được chịu đựng hết sức nặng nề. Biện pháp nuôi ngựa thì không ai dám đặt ra rồi, bởi vì ngựa là giống cỏ ngốn dữ dội nhất mà năm mẫu đất ở Hurlingford thì phải luôn luôn nằm trong tình trạng đề phòng việc thiếu cỏ. Nếu không đủ sức cuốc bộ các phụ nữ ở Missalonghi đành ngồi nhà vậy.
Aurelia cũng có một con gái, và cô con gái ấy có tất cả những gì mà con gái của Drusilla không có được. Chỉ có hai chi tiết trùng lặp ở hai cô gái ấy: cùng ba ba tuổi và cùng chưa chồng. Nhưng trường hợp độc thân của Missy là do không có chàng trai nào đến cầu hôn để chấm dứt tình trạng phòng không chiếc bóng của cô trong khi Alicia chưa thể lấy chồng là vì những nguyên nhân do đau lòng và khá hấp dẫn. Vị hôn phu mà Alicia đính ước năm mười chín tuổi bị một con voi, do làm việc quá sức mà phát điên, húc chết trước ngày cưới một tuần, và Alicia phải sống ẩn dật một thời gian để hồi phục sau biến cố đó. Montgomery Massey là con trai duy nhất của một nhà kinh doanh trà nổi tiếng ở Ceylon, giàu không sao kể siết. Alicia đành phải để tang hôn phu đúng theo quy định tương xứng với giai cấp nhà chồng.
Suốt một năm cô phải mặc toàn đen, và hai năm sau đó phải mặc màu xám hoặc hoa cà, hai màu xám và tím nhạt đó thích hợp cho thời kỳ tiểu tang; rồi đến năm hai mươi tuổi cô tuyên bố sẽ sống biệt lập với mọi cuộc gặp gỡ, thăm viếng bằng cách mở một cửa hàng bán y phục phụ nữ. Cha Alicia mua lại một gian hàng bán trang phục đàn ông và thế là tiệm bán đồ diệt kim của Herbert Hurlingford trở thành dư thừa khi Alicia tỏ rõ năng lực điều hành cùng khả năng thay thế. Thủ tục đòi hỏi cửa hàng phải được mang tên mẹ của chủ nhân nhưng không một ai kể cả mẹ Alicia đều chẳng biết gì về việc kinh doanh đó. Tiệm bán nón. Nhà Bán Nón của Alicia, nổi tiếng nhờ tài khéo léo thêm thắt nón rơm, nón vải tuyn và nón lụa của Alicia. Cô thuê hai người bà con không đất đai, không của hồi môn làm việc trong xưởng nón và người dì không chồng con của cô là dì Cornelia làm nhân viên bán hàng, hạn chế việc chia sẻ kiểu mẫu và gởi vào ngân hàng mọi khoản lợi nhuận.
Vì thế mà Drusilla chẳng thấy chút vui thú gì khi phải đi dài theo con đường trải sỏi được quét dọn cẩn thận của Mon Repos để sửa soạn gõ cửa nhà chị với sức lực xuất phát từ lòng ganh tỵ pha lẫn nỗi thất vọng. Người quản gia trả lời bà bằng giọng nói rướn cao, cho biết bà Marshall đang ở trong phòng khách gia đình và điềm đạm hướng dẫn bà đến đó.
Nội thất của lâu đài Mon Repos cũng lộng lẫy giống như mặt tiền và vườn hoa; tường lót gỗ quý màu sáng, hoặc dán giấy nhung và lụa, trướng thêu kim tuyến, thảm mua từ Axminster, đồ gỗ hiệu Regency, mọi thứ đều được sắp xếp hoàn chỉnh nhằm phô trương những ưu thế của từng bộ phận trang nhã của mỗi gian phòng. Không cần sử dụng sơn màu nâu ở đây, một khi sự tiết kiệm và tính dè dặt một cách kín đáo chẳng được quyền lộ diện.
Hai chị em hôn nhau, giống hết như họ đối xử với Octavia hay Julia hay Cornelia hay Augusta hay Antonia; bởi vì cả hai đều thuộc dòng dõi có tính kiêu hãnh đến lạnh lùng nên nụ cười của họ y hệt nhau. Mặc dù có sự chênh lệch địa vị xã hội cả hai đều cảm thấy hãnh diện về nhau hơn tất cả những người khác; và chỉ vì lòng tự ái không cách chi lay chuyển nổi của Drusilla mà Aurelia không thể giúp đỡ tiền bạc gì cho Drusilla.
Sau phần chào hỏi hai chị em ngồi vào hai bên của chiếc bàn nhỏ bằng gỗ, trên chiếc ghế phủ nhung chờ người hầu gái bưng trà và bánh ngọt tới trước khi bàn đến công việc.
– Bây giờ không phải là lúc để tự ái đâu Drusilla à, chị biết là em đang cần tiền lắm kia mà, vậy em hãy liệu mà nói cho chị biết lý do nào mà những khăn, màn, vải trải giường quý báu lại cứ chất đống trong nhà em mà không phải là của hồi môn của Alicia? Em đừng biện minh rằng mình tính để giành những thứ đó cho ngày cưới của Missy vì cả hai chúng ta đều hiểu rõ nguyện vọng của Missy từ lâu rồi kia mà. Alicia muốn mua những thứ khăn phủ bàn, vải trải giường, áo gối… đó và chị hoàn toàn ủng hộ nó – Aurelia nói với vẻ kiên quyết.
– Em rất vui mừng khi biết ý định đó của cháu, điều đó là lẽ đương nhiên – Drusilla đáp nhanh – nhưng em không thể nào bán món gì cho chị được, Aurelia à! Cháu Alicia sẽ được những thứ cháu thích với danh nghĩa quà tặng của dì cháu.
– Vô lý! Bà chủ của trang viên phản đối – Một trăm pao thôi và cứ để cho cháu chọn lựa.
– Cháu có quyền chọn lựa tùy thích nhưng phải là quà mừng cưới.
– Hoặc là một trăm pao hoặc là Alicia sẽ phải tốn gấp mấy lần như vậy để mua những thứ đó ở tiệm Mark Foy; bởi vì chị sẽ chẳng cho phép nó lấy bất cứ món gì nó cần nếu em nhất định cho nó.
Cuộc cò kè tiếp tục một hồi nữa nhưng cuối cùng Drusilla khốn khổ đành phải nhượng bộ, lòng kiêu hãnh bị xúc phạm cộng thêm niềm vui kín đáo rồi cũng thuyết phục được tính tự ái. Sau khi uống ba tách trà Lapsang Souchong thơm phưng phức và ăn hết sạch đĩa bánh làm bằng bột trắng và bắt chỉ hồng, Drusilla và chị đã thảo luận từ những phức tạp của các mối chênh lệch trong xã hội đến sự thoải mái của quan hệ thân tộc của xã hội.
– Ở Byron nầy ư? Lạy Chúa, làm sao Billy lại để chuyện đó xảy ra?
– Anh ấy chẳng thể làm gì hơn để ngăn cản việc đó, em à! Chắc em cũng như chị đều hiểu rất rõ là chuyện dòng họ Hurlingford sở hữu những mẫu đất ở Leura và Lawson chỉ là chuyện hoang đường. Nếu y muốn mua đất, chuyện này thì đã rành rành ra rồi còn chối cãi gì được nữa, y đã mua được; và nếu như y đánh thuế đầy đủ, thì y cũng đã thi hành điều quy định, thử hỏi còn lý do gì mà Billy hoặc bất cứ ai dám đuổi y ra khỏi thung lũng.
– Nhưng chuyện mua bán ấy xảy ra hồi nào?
– Theo Billy thì mọi chuyện xong xuôi hồi tuần rồi. Cái thung lũng chưa bao giờ thuộc về dòng họ Hurlingford cả, đúng quá rồi còn gì. Billy đặt giả thuyết rằng đó là đất của hoàng gia, sự lẫn lộn này xuất phát từ thời William thứ nhất, dường như là như thế, vì vậy chẳng một ai trong gia đình nghĩ đến việc, làm rõ vụ việc, đó mới là điều còn đáng tiếc hơn. Nếu có chỉ mình chúng ta biết là có lẽ một người nào đó thuộc dòng họ Hurlingford đã mua miếng đất đó… nhưng từ lâu lắm rồi. Thật ra thung lũng ấy là bất động sản của Lunacy từ những năm đảng Dân Chủ còn cầm quyền và sau đó thằng cha kia đã mua được đất ở cuộc bán đấu giá tại Sydney tuần rồi mà chúng ta chẳng hay biết gì. Cả thung lũng được mua bằng giá rẻ mạt. Billy đang bầm gan tím ruột vì chuyện ấy.
– Bằng cách nào chị lại biết được chuyện ấy? Drusilla hỏi.
– Thì chính người đã đến cửa hàng của Maxwell chiều hôm qua lúc gần đóng cửa; cả Missy cũng có mặt ở đó kia mà.
Gương mặt Drusilla trở nên thoải mái:
– Ra hắn ta là người như thế đấy!
– Đúng thế.
– Coi như chị em mình biết mọi chuyện từ chỗ Maxwell. Anh Maxwell moi được tin tức từ một người hoàn toàn dửng dưng với mọi thứ.
– Nhưng, ờ, anh chàng đó không hề tỏ vẻ ngại ngần mà đã thật tình khai hết mọi việc, hết sức thực tình, theo Maxwell nhận định. Mà như em biết đó Maxwell luôn cho rằng chỉ có kẻ nào điên rồ lắm mới công bố việc mình làm với người khác.
– Điều em không thể nào hiểu nổi là tại sao một kẻ không phải người Hurlingford lại muốn mua thung lũng đó! Ý em thắc mắc là vùng đất đó chỉ có thể thuộc về người Hurlingford thôi vì nó nằm trong địa phận Byron. Người nọ chẳng thể canh tác thung lũng được đâu. Phải đổ công sức cả chục năm mới phát quang nổi để bắt đầu cày nhưng đất đai ẩm thấp ghê gớm khó mà phát quang dễ dàng như mọi người lầm tưởng. Mà anh ta cũng không cách chi trụ lại thung lũng vì đường sá đi lại vô cùng nguy hiểm. Vậy thì tại sao?
– Theo lời Maxwell kể lại thì anh ta bảo anh ta ưa sống một mình trong rừng và thích sự tĩnh mịch. Chà, nếu anh ta thật sự không phải là côn đồ thì em nên coi anh ta là người muốn chơi trội.
– Nhưng cụ thể là chuyện gì đã khiến Billy nghĩ rằng anh ta là tên lưu manh?
– Có lẽ đó là tên riêng. – Drusilla nói, có vẻ vô tư.
– Phù! Ai trong chúng ta đều có thể đọc nhiều tác phẩm nói về anh chàng John Smith nhưng em có bao giờ thực sự gặp kẻ nào là John Smith chưa? Billy nghĩ rằng cái tay John Smith này chỉ là một… một… chị chẳng hiểu phải gọi là gì nữa kìa.
– Em chưa có một khái niệm nào về chuyện đó cả.
– A, cũng không thành vấn đề đâu, chẳng có từ nào chính xác để gọi tên. Dù sao đó cũng là một cái tên giả. Cuộc dò la của Billy cho biết là anh chàng nọ chẳng hề làm việc cho một cơ quan nào cả. Anh ta đã dùng vàng mua thung lũng, và người ta đồn là anh ta có nhiều vô kể.
– Có thể anh ta là tay săn vàng may mắn ở Sofala hay Bendigo gì chăng?
– Không phải đâu. Mọi khu đất có mỏ vàng đều thuộc quyền khai thác của các công ty đã từ lâu rồi, và theo Billy cho biết hiện nay chẳng có chủ thầu tư nhân nào được đào vàng nữa.
– Lạ lùng quá, phải không chị! Drusilla kêu lên và với tay lấy hụt chiếc bánh ngọt cuối cùng của đĩa thứ hai – Rồi anh Maxwell và Billy có nói thêm gì nữa không?
– À, John Smith đã mua một lượng thực phẩm khá lớn, và hắn ta đã trả bằng vàng. Hắn đeo cả một túi tiền to tướng dưới sơ-mi mà chẳng buồn mặc áo lót. Bởi vì Maxwell thề là sau khi Missy đi khỏi hắn ta cũng đã phanh áo sơ-mi ra. Anh ta đã báng bổ thánh thần trước mặt Missy, và anh ta đã phát biểu đôi điều đại khái rằng ám chỉ Missy không phải là phụ nữ. Chị chỉ lưu ý em điều đó thôi chớ chẳng có ý định khiêu khích ác cảm ở em.
– Em biết – Drusilla nói cộc lốc, với tay lấy cái bánh cuối cùng còn lại trong dĩa.
Ngay lúc đó Alicia Marshall bước vào phòng. Mẹ cô hãnh diện ngó cô và dì cô mỉm cười một cách gượng gạo. Ồ, tại sao Missy lại không được giống Alicia?
Đúng là một cô gái cực kỳ khả ái: Alicia Marshall. Dong dỏng cao hoà hợp tất cả với những đường nét vừa gợi cảm vừa đoan trang, cô có làn da trắng như tuyết, tóc và mắt màu nâu đen, tay chân thon thả, cô cao thanh mảnh. Như thông lệ, cô mặc y phục trang nhã và chiếc áo dài lụa màu xanh nước biển (thêu đục với chiếc váy ngắn khoác ngoài thời trang nhất) tinh xảo và thanh lịch khó có ai sánh kịp. Cô đội một chiếc nón do chính cửa hàng của cô chế tạo: cả một đống rối nùi gồm ren màu xanh nước biển nhạt và lụa màu xanh lá cây có sắc trắng nhô cao lên nhằm trang điểm cho mái tóc dầy vàng óng ánh. Nhưng lạ lùng làm sao, mắt và lông mày của cô lại nâu nhạt! Nhưng rõ ràng là mắt và lông mày của cô thì không cách nào đen bằng mắt và lông mày của Una rồi.
– Alicia nè, Drusilla chịu xuất kho cho con khăn trải giường, khăn bàn và mùng mền rồi đó – Aurelia nói với vẻ đắc thắng.
– Dì tử tế với cháu quá!
– Chẳng có lòng tử tế nào xen được vô chỗ này đâu, cháu à! Bởi vì má cháu đã nhứt quyết trả tiền cho dì – Drusilla nói khó nhọc – Cháu nên đến Missalonghi vào sáng chúa nhật tuần sau và tự do lựa chọn những món nào cháu thích. Dì cũng sẽ mời cháu uống trà.
– Cháu cảm ơn dì.
– Để má kêu đem trà tươi lên cho con nhé – Arelia lo lắng hỏi ý cô con gái, bà cũng phần nào hơi sợ cô con gái to lớn, có năng lực, đầy tham vọng và thích chỉ huy này.
– Không, cảm ơn má. Con chỉ đến để coi có ai khám phá thêm điều gì về người lạ mặt ở giữa chung ta theo kiểu Willie đặt tên cho ông ta hay không – Đôi môi xinh đẹp của cô cong cớn lên.
Do vậy mà tin tức của người lạ mặt lại được đem ra thảo luận lần nữa rồi lại lần nữa; sau đó Drusilla đứng dậy cáo từ.
– Sáng chúa nhật tuần sau, tại Missalonghi, nhớ nhé! Bà khẩn khoản mời chị và cháu rồi đi theo người quản gia trở ra.
Suốt dọc đường về nhà bà thầm soát lại mọi thứ trong các phòng dự trữ và các tủ kệ, lo lắng rằng tất cả những gì bà đang có sẽ chẳng thể trị giá được một trăm pao trong cuộc mua bán lương thiện nhất. Một trăm pao! Quả là một món tiền kếch sù từ trên trời rớt xuống! Nhưng đương nhiên là không được xài món tiền đó rồi. Tiền ấy sẽ được gởi hết vô ngân hàng để bắt đầu tích luỹ từng đồng lời nhỏ nhất, và sẽ nằm tại ngân hàng khi có chuyện bất trắc xảy ra. Bất trắc gì thì Drusilla chưa thể lường trước được nhưng ở mỗi góc tối của đường đời lúc nào cũng sẵn dành bất trắc – bịnh hoạn, của cải bị thất thoát, sửa cửa sửa nhà, mức tiêu xài và thuế má tăng vọt, chết chóc. Một khoản chi tiêu cần đặt ra là tiền lợp nhà, điều đó thì rõ rồi, nhưng cũng chưa đến nỗi phải bán con bò cái Jersey để lấy tiền chi vào chuyện lợp nhà vì tương lai hứa hẹn cả đàn bò con sắp sửa được chào đời làm cho con bò mẹ Jersey giá trị hơn năm chục pao nhiều đối với những người phụ nữ ở Missalonghi. Percival Hurlingford, con người hết sức tử tế với bà vợ phúc hậu của ông đã đồng ý cho họ sử dụng đến con bò đực Jersey quý báu của hai vợ chồng mà không đòi khoản thù lao nào ngoài việc tặng lại Percival và vợ một con bò con.
Ồ, vâng, quả là vô cùng may mắn! Biết đâu Alicia, người nổi danh là kẻ chế tạo “mốt”, lại chẳng mở đầu một phong trào mới cho các cô gái thuộc chi tộc Hurlingford; có thể một ngày gần đây các cô dâu tương lai lại đổ dồn đến Missalonghi để mua sắm những đồ tơ vải dùng trong nhà chưa biết chừng. Công việc thủ công này chắc sẽ tiến hành được vì nó thuộc hình thức thích hợp với phụ nữ có thể chấp nhận được trong khi may quần áo thì cần hỏi ý kiến từng người trong gia đình và còn phải chiều ý tất cả mọi người nữa.
Sau khi cảm thấy hài lòng về những loại bánh dự định đãi khách, Drusilla chuyển sang một chủ đề khá hóm hỉnh, sự có mặt của John Smith tại thung lũng. Bởi vì các mẩu đối thoại hấp dẫn Missy hơn là nội dung sách nên Missy phải giả vờ tiếp tục đọc sách, và sau đó khi lên giường cô đã mang theo một số thông tin mới nhằm tổng hợp và liên kết với những gì mà Una đã nói với cô.
Tại sao tên thật của người ấy không phải là John Smith? Dĩ nhiên là mọi sự hồ nghi và hoang mang của những người Hurlingford đều bắt nguồn từ việc người ấy đã chiếm lĩnh được thung lũng trong vùng đất của họ. Ồ, John Smith, tốt lắm, Missy thầm nghĩ. Đã đến lúc phải có một người nào đó làm rung chuyển dòng họ Hurlingford này. Cô ngủ thiếp đi trên môi phảng phất nụ cười.
Tất cả sự nhắng nhít chuẩn bị cho cuộc thăm viếng của mẹ con bà Marshall đều hoàn toàn không hề cần thiết, ba người phụ nữ ở Missalonghi nhận thức rất rõ điều đó. Tuy vậy, chẳng ai quan tâm đến tình huống này vì những đồ trang sức mới của khách và sự bối rối của chủ. Chỉ có cô đầu bếp Missy là cảm thấy bồn chồn và tiếc rẻ; sự bồn chồn xuất phát do việc cô không có sách đọc và sợ Una hiểu lầm rằng cô đã quên trả tiền thuê quyển tiểu thuyết mượn từ thứ sáu tuần vừa rồi.
Những thứ bánh cao cấp mà Missy phải khổ công chuẩn bị đã không được quý bà động đến vì họ nhứt định: Alicia “phải giữ eo”, như cô tuyên bố, và mẹ cô cũng đang trong giai đoạn ”xuống cân” để có vóc dáng nhanh nhẩu vào ngày cưới của cô con gái. Nhưng những món bánh khéo đó cũng chẳng bị phí hoài trong máng heo vì sau đó Drusilla và Octavia đã ăn ngấu nghiến chúng. Dù cả hai đều thích của ngọt họ vẫn ít ăn vì mấy thứ để làm bánh thì rất mắc.
Khăn bàn, mền, áo gối, khăn trải giường… ở Missalonghi đã làm cho Aurelia và Alicia choáng váng sau một tiếng đồng hồ trầm trồ thảo luận để đi tới quyết định cuối cùng, Aurelia nhét không phải chỉ một mà là hai trăm pao vào bàn tay run rẩy của Drusilla.
– Đừng nói gì nữa cả, làm ơn giùm chị đi mà – Bà nói với giọng khẩn thiết – Chính Alicia ngả giá như vậy mà.
Sau khi hai người khách ra đi trên chiếc xe hơi có tài xế đưa rước, Drusilla nói:
Ồ, lạy Trời cho miễn đừng là màu nâu! Missy thì thầm van vái. Mình chỉ ao ước có được chiếc áo dài màu đỏ son. Ồ, áo dài màu đỏ có kết ren sẽ làm cho đôi mắt người ấy chìm ngập trong sắc màu tươi thắm mỗi khi người ấy ngắm mình, và đó chính là điều mình chủ tâm!
– … màu nâu – cuối cùng Drusilla cũng kết thúc được vấn đề kèm theo tiếng thở dài – Má biết ngay là con sẽ thất vọng lắm về chuyện này nhưng con cần phải thật hết sức khách quan con à, má thấy không có màu nào thích hợp với con bằng phân nửa màu nâu. Màu lam sẽ làm con có vẻ bịnh hoạn, mặc áo đen thì sẽ làm cho da con có màu vàng nghệ, còn màu xanh nước biển sẽ làm con tái xanh như xác chết và nếu may màu vàng thì con sẽ đỏ bóng như người da đỏ.
Missy không thốt nên một lời nào, bởi vì sự phân tích ấy chẳng thế chối cãi được, cũng không buồn để ý rằng sự ngoan ngoãn của mình đã làm Drusilla khổ tâm, bà vẫn chờ đợi một đề nghị nào đó mặc dù không phải màu đỏ son có thể dễ hoà nhập với bất cứ trường hợp nào. Đó là màu của bọn đàn bà hư hỏng và lũ gái điếm, giống như màu nâu là màu thuộc về những người nghèo biết tự trọng.
Tuy nhiên, chẳng có gì làm Drusilla buồn được lâu trong đêm nay.
– Thật ra… – bà vui mừng nói – Cả nhà cũng sẽ có ủng mới. Chà, chúng ta tha hồ mà bảnh bao tại đám cưới cho mà coi!
– Giày chớ! Missy đột ngột kêu lên.
Drusilla ngó cô, có vẻ sửng sốt:
– Giày?
– Đừng mua ủng, má ơi! Mua giày đi, má! Mua giày đèm đẹp, trang nhã có đóng đế sắt và dán nơ ở mũi giày, nghen!
Có thể Drusilla sẽ ngẫm nghĩ thêm về điều yêu cầu đó nhưng tiếng kêu van xuất phát từ đáy tim Missy đã vụt tắt ngay lập tức bởi Octavia, kẻ đã bằng phương pháp có vẻ chẳng hiệu lực cho lắm, đang chi phối rất nhiều mọi chế độ chi tiêu trong ngôi nhà mang tên Missalonghi.
Octavia khịt mũi:
– Sắm giày để đi tới đi lui trong tận cùng con đường Gordon này à?
Cháu thật chẳng biết tính toán gì cả! Bây giờ hãy thử liệu coi một đôi giày có thể tồn tại được bao lâu trong vũng bùn nầy? Thứ mà chúng ta cần lúc nầy là ủng chớ không phải giày, ủng thật bền với dây thật bền và đế thật bền. Ủng thì mới dùng lâu được. Giày đâu phải là thứ dùng cho việc cuốc bộ.
Và mọi việc lại đâu vào đấy.