Thứ hai, 17 tháng tư, những lời đầu tiên buổi sáng hôm ấy Pencroff nói với Gédéon Spilett:
– Thế nào, ông Spilett, hôm nay chúng ta làm gì?
– Chuyện ấy thì đã có ngài Cyrus lo. Ông ấy cần có một số dây dẫn kim loại. – nhà báo trả lời.
Hoá ra từ những người thợ làm gạch và thợ gốm, bây giờ họ trở thành thợ luyện kim.
Họ ở cách quần đảo Tuamotu quá xa – một ngàn hai trăm hải lí – khó mà có thể đến đó được. Vả lại, đóng một chiếc thuyền thông thường thôi cũng đâu có dễ, ngay cả khi có đủ những dụng cụ cần thiết. Nghĩa là, trước hết họ phải làm búa, rìu lớn, rìu nhỏ, cưa, khoan, bào… mà muốn vậy đòi hỏi phải có thời gian. Thế là họ quyết định trú đóng trên đảo và tìm một chỗ thuận tiện hơn Hang ngụ cư, để sống qua mùa đông giá lạnh.
Trước tiên phải bắt tay khai quặng sắt ở những mỏ mà kỹ sư đã phát hiện nơi phía Tây Bắc đảo. Họ dự trù sẽ nấu sắt, thậm chí luyện thép nữa…
Cyrus Smith đã mang về Hang ngụ cư hai mẫu quặng: Một mẫu là quặng nam châm, còn mẫu thứ hai là pirit sắt. Nấu loại quặng thứ nhất, một loại ôxit sắt, dễ dàng hơn chỉ việc đem nung nó lẫn với than để khử ôxi đi và được sắt nguyên chất… Trên đảo Lincoln, cách mỏ quặng sắt ấy không xa lắm, có cả những vỉa than đá mà những người ngụ cư đã sử dụng. Do đó, việc luyện quặng đỡ khó khăn hơn vì mọi thứ cần thiết cho việc sản xuất đều tập trung ở một nơi.
– Thưa ngài Cyrus, vậy là, chắc chắn bây giờ chúng ta sẽ luyện sắt? – Pencroff hỏi.
– Phải, anh bạn của tôi ạ! – viên kỹ sư đáp – Trước hết anh hãy cho phép chúng tôi cùng anh đi ra hòn đảo “Cứu thoát” để săn hải báo ở đó đã.
Những người đi săn thận trọng di chuyển về đầu phía Bắc của đảo. Cách bờ có những vệt đen lớn đang bơi trên mặt biển, tựa hồ như những tảng đá ngầm di động. Đó là những con hải báo. Những người thợ săn nấp sau các vách đá rải rác trên bờ và lặng thinh chờ lũ hải báo bò lên.
Một giờ trôi qua và bầy hải báo cuối cùng đã lên bờ phơi nắng. Bất thình lình cái thân hình cao lớn của Pencroff đứng bật dậy trên bờ và kêu to lên. Kỹ sư và hai người cùng đi, ba chân bốn cẳng phóng tới chặn không cho những con hải báo xuống biển. Họ dùng gậy phang chết được hai con.
Kỹ sư đã trù tính lấy da hải báo khâu lại để làm những ống bễ lò rèn và biết chúng cần thiết cho việc thổi lửa khi nấu chảy kim loại.
Thế là bắt đầu từ sáng ngày 20 tháng tư họ tiến hành “thời kì luyện kim”, như nhà báo đã viết trong các ghi chép của mình. Để cho tiện, những người ngụ cư đã sắp xếp công việc ở gần ngay nơi có các vỉa than và quặng sắt ở phía đông bắc núi Franklin, cách Hang ngụ cư chừng sáu dặm biển. Các vỉa quặng ở đây lộ thiên, rất giàu chất sắt và thích hợp với cách thức tôi luyện mà Cyrus Smith định áp dụng, gọi là phương pháp “Catalon”, được dùng phổ biến ở Corse dưới hình thức đơn giản. Nhưng Cyrus Smith muốn tránh những thiết bị cồng kềnh, đã quyết định xếp quặng và than thành một khối lớn và dùng ống bễ thổi một luồng không khí vào giữa đống vật liệu ấy. Không khí từ ống bễ được thổi qua một cái ống nhỏ làm bằng đất sét chịu lửa, để tạo một luồng hơi nóng mạnh, nâng nhiệt độ quặng nung lên, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình phản ứng hoá học xảy ra.
Cuối cùng họ đã thành công và thu được loại sắt hạt bề mặt sần sùi, còn cần phải luyện vài lần nữa để loại bỏ lớp xỉ bám vào.
Thỏi sắt đầu tiên được họ tra cán và dùng làm búa để rèn những thỏi sắt hạt tiếp theo trên đe bằng đá hoa cương, và thế là họ đã có được một thứ sắt thô, nhưng thích hợp cho việc sản xuất bất kì công cụ nào như kìm, cuốc chim, xà beng…
Tất nhiên, thép có thể đem lại lợi ích hơn sắt nguyên chất nhiều, và Cyrus Smith đã luyện thép bằng cách nấu sắt lẫn với than đập nhỏ trong một cái nồi làm bằng đất sét chịu lửa. Thép được đem gia công nóng và làm nguội. Dưới sự chỉ đạo khéo léo của Cyrus Smith, Nab và Pencroff đã chế ra những chiếc rìu, các lưỡi bào, các thanh thép, cưa, kéo, cuốc chim, mai, xà beng, đinh…
Ngày 5 tháng năm, “thời kì luyện kim” đã kết thúc, những người thợ rèn trở lại Hang ngụ cư. Chẳng bao lâu sau, họ đã bắt tay vào những công việc mới, nắm vững những thói quen mới và có quyền gọi mình là những người thợ cả của những nghề thủ công khác nữa: nấu xà phòng, pirit sắt, xút, glixerin, axit sunfuric, axit nitric… tất cả đều được chế biến từ nguyên vật liệu tại chỗ, dùng thứ nọ sản xuất ra thứ kia. Chẳng hạn, từ rong biển họ chế ra xút; từ pirit sắt họ sản xuất ra axit nitric. Và chẳng bao lâu sau Cyrus Smith đã dùng axit nitric pha chế với glixerin để sản xuất ra nitroglixerin – một chất nổ rất mạnh, có lẽ sức công phá mạnh hơn thuốc súng cả chục lần.
Bấy lâu nay Cyrus Smith vẫn muốn tìm một chỗ ở mới vừa thuận tiện, vừa an toàn hơn để đề phòng thú dữ, hoặc các cuộc tấn công bất ngờ của bọn cướp biển, và điều đó làm ông nảy ra ý định nghiên cứu và sử dụng một con đường thông với chỗ ở, chất nitroglixerin mới điều chế đã được kỹ sư đem cho ứng dụng ngay vào việc phá bức tường đá hoa cương cho nước hồ thoát ra lối khác, để lộ lối thông xuống biển.
Nab và Harbert vào rừng lấy những cành cây có nhựa làm đuốc soi đường cho cả toán vào hang. Họ dò từng bước đi rất chậm chạp. Họ thấy cần phải di chuyển thận trọng, tuy nhiên, đã có con Top chạy trước, nên có thể trông cậy vào sự thính nhạy và sáng trí của nó, gặp trường hợp nguy hiểm nó sẽ báo động.
Những người ngụ cư đi xuống chiếc hang mỗi lúc một sâu hơn. Bỗng có những âm thanh nào đó từ sâu dưới con đường thông với biển vẳng lên khiến họ lưu ý. Mọi người dừng lại nghe ngóng.
– Con Top sủa đấy! – Harbert kêu lên.
– Ừ, – Pencroff đáp – mà nó sủa mới ghê chứ! Đúng là con chó dễ thương của ta hoá điên rồi!
– Chúng ta có vũ khí, cây gậy sắt trong tay tôi đây. – Cyrus Smith nói – Hãy cẩn thận đề phòng. Tiến lên các bạn.
Cyrus và các bạn lao đến cứu con Top. Tiếng sủa của nó mỗi lúc một rõ hơn. Và trong tiếng sủa đứt quãng của nó, họ cảm thấy có một sự giận dữ khác thường. Họ không phải tụt xuống một cách đơn thuần nữa, mà là lăn theo đáy hang trơn tuột, vài giây sau họ xuống sâu hơn 50 bộ và thấy con Top.
Ở nơi đây con đường thông vào một cái hang to, rất đẹp mà con Top đã tìm được và sủa lên một cách dữ tợn, Pencroff và Nab huơ đuốc soi tất cả những chỗ nhô ra và hõm vào trên các vách hang bằng đá hoa cương, còn Cyrus Smith, Gédéon Spilett và Harbert thì giơ gậy bịt sắt lên, sẵn sàng nghênh chiến với bất kì kẻ thù nào. Nhưng, cái hang lớn hoá ra trống trơn.
Cyrus Smith lấy một cành cây đang cháy vứt xuống hố sâu. Do rơi xuống nhanh nên cành cây cháy mạnh, soi rõ lòng giếng. Sau đó, ngọn lửa bắt đầu run rẩy và tắt ngấm – hẳn là cành cây đã chạm nước, nghĩa là nó đã rơi xuống đến mặt nước biển.
Sau khi tính toán thời gian mà cành cây rơi, Cyrus Smith xác định độ sâu của giếng ước chừng chín mươi bộ.
Vậy là nền của hang đá hoa cương ở độ cao cách biển chín mươi bộ.
– Đây chính là chỗ ở mới của chúng ta – Cyrus Smith quyết định.
Viên kỹ sư sai Pencroff dùng cuốc chim đục một cái lỗ con ở một chỗ trũng khá sâu trên tường đá. Hai giờ sau họ có được một “cửa sổ” ánh sáng lùa vào hang trước mặt những người ngụ cư hiện ra một cảnh tượng hùng vĩ.
– Chúng ta sẽ đặt tên gì cho cái hang này? – Harbert hỏi.
– “Lâu đài Đá hoa cương” – Cyrus Smith đáp. Và mọi người lại chào đón cái tên gọi ấy bằng những tiếng “hoan hô” vang dội.
Hôm sau, 22 tháng năm, các công việc xây dựng chỗ ở mới bắt đầu. Những người đi săn không định bỏ hẳn Hang ngụ cư. Cyrus Smith đề nghị xây dựng ở đó một xưởng sản xuất. Còn ở hang mới, viên kỹ sư cho xây gạch, ngăn ra năm phòng, mở rộng lối đi, ông còn đục trên “mặt tiền” của hang năm ô vuông cửa sổ và một cửa ra vào.
Ngày 28 tháng năm, cuối cùng họ cũng làm xong một chiếc thang có ít nhất một trăm bậc. Thang được bện hết sức cẩn thận bằng các thứ dây rừng, bền không kém gì một sợi dây cáp to, buông từ ngưỡng cửa ra vào xuống đến bờ cát. Nhờ vậy, họ khỏi phải đi vòng qua đường thoát nước, vừa đỡ mất thời gian vừa đỡ mệt. May sao Cyrus Smith đã tìm được một bậc đá ở giữa chừng, cách biển độ bốn mươi bộ, đề làm điểm tựa cố định cho đoạn thang dưới thêm chắc chắn. Nhờ cấu trúc như vậy nên việc lên xuống thang không khó khăn lắm. Tuy nhiên, Cyrus Smith cũng đã trù tính cho xây một cái thang máy chạy bằng thuỷ lực để tiết kiệm thời gian và công sức của những người trong Lâu đài Đá hoa cương. Những người ngụ cư nhanh chóng làm quen với việc lên thang.
Mỗi lần trèo xong, các chủ lâu đài lại rút thang lên, thế là không ai có thể đột nhập vào chỗ của họ từ phía dưới được.
Đảo Lincoln mặc dù mới được những người khai khẩn nghiên cứu chưa bao lâu, nhưng đã đem lại cho họ mọi thứ cần thiết. Và dường như rất rõ ràng là trong các rừng của đảo kéo dài từ sông Tạ ơn đến mũi Rắn, trong các hang cùng hiểm hóc nhất, thiên nhiên hậu hĩ đã dành sẵn cho họ những của báu mới.
Họ chỉ còn thiếu bánh mì và thức ăn cần thiết nhất với họ.
Tuy nhiên, một lần nữa, thượng đế đã ra ân cho họ.
Hôm ấy trời mưa rào, những người sống trong Lâu đài Đá hoa cương giết thời gian bằng các việc làm khác nhau, họ cùng quây quần trong “phòng họp” của mình, bỗng nhiên chú bé Harbert thốt lên:
– Thưa ngài Cyrus, ngài hãy xem này! Đây là một hạt lúa mì!
Và chú đưa cho mọi người xem hạt lúa mì, một hạt lúa duy nhất còn lọt trong túi áo vét thủng mà chú vừa mang chữa lại.
Việc chú bé tìm thấy hạt lúa này được giải thích rất đơn giản. Ở Richmond, Harbert luôn cho những con bồ câu hoang ăn, chú có thói quen để dành thóc lúa trong túi…
– Một hạt lúa mì? – viên kỹ sư sốt sắng hỏi.
– Vâng thưa ngài Cyrus. Nhưng chỉ có một hạt duy nhất còn sót lại mà thôi.
– Chà, chú bạn thân mến! – Pencroff cười thốt lên – Chúng ta có thể làm gì với một hạt lúa?
– Sẽ nướng bánh mì. – Cyrus Smith đáp.
Không coi việc tìm thấy hạt lúa mì của mình có ý nghĩa gì hết, chú bé đã định ném nó xuống sàn nhà, nhưng Cyrus đã cầm lấy hạt lúa mì từ tay Harbert, và sau khi chăm chú quan sát, ông xác định hạt lúa không bị hư hại chút nào cả.
– Pencroff, – ông bình tĩnh hỏi, nhìn chàng thuỷ thủ chằm chặp, – một hạt lúa mọc lên sẽ cho bao nhiêu bông lúa? Anh có biết không?
– Một bông, tôi cho là vậy, – chàng thuỷ thủ ngạc nhiên nhìn viên kỹ sư, đáp.
– Không phải đâu, Pencroff ạ, mười bông. Nó nảy ra cả khóm lúa cơ mà! Thế anh có biết mỗi bông lúa có bao nhiêu hạt không?
– Tôi không biết.
– Bình quân là tám mươi. – Cyrus Smith nói – Vậy là, nếu chúng ta trồng hạt lúa này thì vụ thứ nhất chúng ta sẽ thu hoạch tám trăm hạt, có những hạt này vụ thứ hai sẽ cho sáu trăm bốn mươi ngàn hạt, vụ thứ ba năm trăm mười hai triệu, vụ thứ tư trên bốn trăm tỷ hạt. Một tỷ lệ thức ghê gớm như thế đó! Sau bốn năm – Cyrus Smith khẳng định – Và thậm chí sau hai năm, nếu ở các vĩ tuyến này, như tôi hi vọng, chúng ta sẽ thu hoạch một năm hai vụ. Vậy là, Harbert – viên kỹ sư nói thêm – Cái việc cháu tìm được hạt lúa mì ấy rất quan trọng đối với chúng ta. Trong những điều kiện mà chúng ta đang lâm vào, các bạn của tôi ạ, mọi thứ đều có thể ích lợi hết. Tôi yêu cầu các bạn chớ quên điều đó.
– Ngài Cyrus hãy an tâm, chúng tôi sẽ không quên đâu. – Pencroff đáp.
– Bây giờ đem trồng hạt lúa. – Harbert nói.
– Đúng! – Gédéon Spilett đồng ý – Và phải trồng nó với tấm lòng tôn kính thiêng liêng, bởi vì những vụ mùa tương lai của chúng ta đều trông vào đấy.
– Chỉ mong cho nó mọc lên được thôi! – chàng thuỷ thủ kêu lên.
– Nhất định nó sẽ mọc! – Cyrus đáp.
Sự việc diễn ra ngày 20 tháng sáu, đúng vào lúc thuận lợi nhất cho việc trồng hạt lúa mì duy nhất và do đó nó rất quý giá. Họ tiến hành trồng ngay trong ngày, và tất nhiên, mọi biện pháp đã được áp dụng để công việc quan trọng ấy diễn ra mĩ mãn.
Họ chọn ở gần ngay Lâu đài Đá hoa cương một chỗ khuất gió và tràn đầy ánh nắng mặt trời. Họ dọn sạch sẽ đá và cố đào, xới đất cho thật tơi xốp, thậm chí họ còn dùng tay bóp từng cục đất nhỏ, loại bỏ hết những con trùng và bọ hung, cho thêm một lớp phân mục trộn lẫn vào đó một ít vôi và, cuối cùng họ trịnh trọng bỏ hạt lúa xuống đất đã được làm ẩm và rào chỗ ấy lại.