Nếu Pencroff đã nảy ra trong đầu một sáng kiến là anh không yên tâm nếu chưa thực hiện được việc ấy. Chẳng hạn, anh nghĩ ra chuyện đi đến đảo Tabor, muốn vậy phải có một chiếc tàu khá lớn – thế là chàng thuỷ thủ lao vào đóng tàu.
Viên kỹ sư, với sự đồng tình của chàng thuỷ thủ, đã dừng lại ở phương án như sau. Họ sẽ đóng một chiếc tàu, chiều dài bằng ba mươi lăm bộ, chiều ngang chín bộ, đủ tạo cho nó mọi tốc độ. Tàu được trang bị giống như thuyền buồm lớn, nghĩa là có nhiều buồm có thể điều khiển, phối hợp một cách dễ dàng trong lúc có bão biển.
Họ đóng tàu bằng gỗ vốn có sẵn rất nhiều trên đảo.
Sau khi cân nhắc mọi điều đến từng chi tiết, những người khai khẩn quyết định chỉ có Cyrus Smith và Pencroff lo việc đóng tàu thôi, bởi vì còn sáu tháng nữa mới đến mùa xuân.
Chỉ sau một tuần, tại khu đất trũng nằm giữa Hang ngụ cư và dãy núi đá hoa cương, nơi đặt xưởng đóng tàu, đã thấy có một thanh gỗ ba mươi lăm bộ làm sống tàu cùng với sống đuôi và sống mũi trước.
Cyrus Smith am hiểu công việc đóng tàu, cũng như nhiều việc khác; trước hết ông lập bản vẽ thi công. Quả là ông có người giúp việc tuyệt vời – Pencroff, anh đã từng nhiều năm làm việc ở các xưởng đóng tàu Brooklin, nên anh biết cần phải làm gì.
Nhưng vì một công việc mà có lần anh đã phải rời xưởng mất chỉ đúng một ngày thôi. Đó là ngày 15 tháng tư. Hôm ấy anh đi gặt lúa mì, vụ thu hoạch tuyệt vời, cũng giống như vụ đầu, họ dự tính bao nhiêu thì quả nhiên thu được bấy nhiêu hạt.
– Và nếu vụ sau cũng tốt như thế này thì chúng ta sẽ thu được bốn ngàn buaso.
– Chúng ta sẽ có bánh mì? – Chúng ta sẽ làm cối xay.
Vì vậy, vụ thứ ba này cánh đồng lúa mì được mở rộng hơn trước, đất được cuốc xới hết sức kỹ càng rồi mới gieo hạt. Xong đâu đó Pencroff mới tiếp tục việc đóng tàu.
o O o
Mùa đông đã đến vào tháng sáu – tháng này ở nam bán cầu tương tự như tháng mười hai ở các vĩ tuyến Bắc. Đã đến lúc phải quan tâm đến quần áo ấm.
Những người ngụ cư đã cắt lông cừu rừng và bây giờ cần phải làm ra vải từ loại nguyên liệu quý này. Đương nhiên là Cyrus Smith không có máy để chế tạo cũng như không có máy dệt để dệt vải, vì vậy, ông phải dùng những phương tiện đơn giản nhất để khỏi dệt và xe sợi. Và thực tế ông đã tận dụng đặc tính của lông thú là khi dàn ra thì nó bị ép mịn lại, các sợi xô lông đan kết vào nhau – bằng cách ấy họ đã làm ra dạ, tuy thô thiển, nhưng là loại vải ấm. Mùa đông, những người khai khẩn lại làm việc ở nhà, họ sửa chữa quần áo, làm các đồ dùng khác nhau, may buồm cho tàu bằng vỏ khí cầu…
Một hôm họ đang quây quần nghe kỹ sư Smith nói chuyện khoa học nghiên cứu dùng sức nước làm nguồn nhiên liệu cho các thể kỉ sắp tới, bỗng con Top cất tiếng sủa. Với một vẻ gì đó rất lạ lùng, đến nỗi đã nhiều lần viên kỹ sư phải nghĩ ngợi. Cũng như trước đây, con Top cứ chạy quanh giếng ở cuối hành lang trong mà sủa. Cả chú Jup cũng càu nhàu, rõ ràng chú bị kích động bởi cái gì đấy.
– Có lẽ, – Gédéon Spilett nói – cái giếng thông với đại dương, bởi vậy một động vật nào đó sống dưới biển thỉnh thoảng vào đó để hít hơi thở.
– Có thể lắm, bởi vì đâu có lối giải thích nào khác được – chàng thuỷ thủ lên tiếng – Thôi, im đi Top, – chàng quay lại bảo con chó. – Jup, về chỗ đi nào!
Ngày mồng 3 tháng tám, những người ngụ cư đi nghên cứu bãi lầy ở phía đông nam đảo. Top và Jup cũng đi theo.
Không khí lạnh kéo dài thêm một tuần nữa, những người ngụ cư ở nhà không làm gì và quyết định đi thăm trại chăn nuôi xem mọi việc có ổn không. Suốt cả tuần ấy, Pencroff với sự giúp đỡ của Harbert đã khâu buồm và hăng say làm đến nỗi chẳng bao lâu mọi việc đã xong. Bộ trang bị của tàu gồm có các sợi cáp bện bằng tấm lưới tìm được cùng với vỏ khí cầu, chất lượng rất tốt. Các cánh buồm được khâu bằng dây cáp, dây giằng, dây lèo, dây kéo và các loại dây khác cần thiết. Như vậy là toàn bộ thiết bị của tàu đã được chuẩn bị đầy đủ trước khi đóng xong tàu. Pencroff thậm chí còn làm một lá cờ, dùng màu đỏ và màu xanh nước biển sơn lên mảnh vải trắng. Bên cạnh ba mươi bảy ngôi sao biển hiện ba mươi bảy tiểu bang trên các lá cờ của các tàu Mỹ, chàng thuỷ thủ thêm vào ngôi sao thứ ba mươi tám và gọi đó là ngôi sao tượng trưng của bang “Lincoln”.
Trong lúc mùa đông thứ nhất trên đảo sắp hết, những người ngụ cư hi vọng mùa đông thứ hai sẽ trôi qua không có những sự kiện khác biệt.
Đã sang tháng chín, mùa đông đã kết thúc và những người ngụ cư lại hăng hái bắt tay vào công việc.
Cột cờ, các cột buồm, mái chèo được làm xong trong tuần lễ đầu tiên của tháng mười. Và những người ngụ cư quyết định thử tàu ở gần bờ đảo, xem nó có chịu nổi lên dưới nước không và có thể dùng nó để đi một chuyến xa đảo không.
Ngày 10 tháng mười, họ hạ thuỷ con tàu. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Khi họ cho tàu trượt trên những con lăn xuống bờ biển, nước triều đón ngay nó và con tàu kiêu hãnh nổi lên trong tiếng vỗ tay của những người ngụ cư.
Mọi người nhất trí cử Pencroff làm thuyền trưởng. Để hỗ trợ cho thuyền trưởng Pencroff, họ quyết định trước hết đặt tên tàu, và sau những cuộc tranh luận kéo dài, tất cả đều đồng ý đặt tên cho tàu là “Bonadventur”, đó là tên thánh của chàng thuỷ thủ đáng mến. “Bonadventur” vừa cưỡi lên sóng mọi người đã tin chắc rằng nó sẽ chịu đựng được dưới nước trong bất kì hoàn cảnh nào của cuộc hành trình.
Ngay ngày hôm ấy họ đã thử cho tàu chạy quanh đảo. Mười giờ rưỡi, tất cả mọi người, thậm chí cả Top và Jup, đều có mặt trên boong tàu. Nab và Harbert nhổ neo được cắm sâu vào trong cát ở gần cửa sông Tạ ơn. “Bonadventur” giương buồm cùng với lá cờ của đảo Lincoln phấp phới bay trên đỉnh, và lên đường ra khơi dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Pencroff.
Con tàu chạy cách bờ ba, bốn hải lí. Từ xa, hòn đảo hiện lên trước mặt họ dưới một hình thức mới trông thật lộng lẫy.
– Đẹp quá! – Harbert trầm trồ.
– Đúng, hòn đảo của chúng ta đẹp và mến khách. – Pencroff trả lời. Anh yêu nó như yêu người mẹ ruột thịt. – Thưa ngài Cyrus, – Pencroff quay sang phía kỹ sư hỏi – ngài thấy con tàu của chúng ta thế nào?
– Có vẻ tốt lắm! – viên kỹ sư trả lời.
– Tuyệt diệu! Vậy ngài nghĩ sao, có thể cho nó đi một chuyến xa đảo được không?
– Đi đâu, Pencroff?
– Chẳng hạn cho nó sang đảo Tabor.
– Anh bạn của tôi! – Cyrus Smith trả lời – Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp cần thiết, có thể không chút lưỡng lự phó thác số phận của mình cho “Bonadventur” thậm chí còn chấp nhận một chuyến du hành đường dài. Sau chuyến bơi thử ngoài khơi, con tàu tiến vào gần cảng khí cầu, chỉ còn cách cảng nửa hải lí. Harbert đang đứng trên mũi tàu chỉ luồng lạch bỗng kêu to:
– Cho tàu chạy ngược gió, anh Pencroff, cho tàu chạy ngược gió!
– Chuyện gì thế? – chàng thuỷ thủ đứng dậy hỏi – Đá ngầm à?
– Không! Khoan đã! – Harbert trả lời – Em trông thấy… cho tàu chạy ngược gió đi… như thế tốt rồi… tiến lên chút nữa…
Vừa nói Harbert vừa nhoài qua mạn tàu, thò nhanh tay xuống nước và kêu lên:
– Cái chai!
Chú nâng niu cái chai nút kín vớt được ở cách bờ vào cảng Cabeltov. Cyrus Smith cầm cái chai, lặng lẽ mở nút và rút ra một mảnh giấy đã thấm nước, trên đó vẫn có thể đọc được những từ như sau:
“Tôi bị nạn đắm tàu… Đảo Tabor (153º) kinh tuyến đông, 37º11’ vĩ tuyến nam”.