Thuyền Trưởng Tuổi 15
Chương 16: LÊN ĐƯỜNG
Sau khi đi dọc bờ sông ba trăm bước và vào sâu trong rừng rậm bằng những con đường hẻm khó đi, Đíchsơn không khỏi lo ngại về những bất trắc có thể xảy ra khi đi đường ở nơi đất khách. Nhưng chú vẫn tỏ ra hăng hái như thường. Hôm đó, trước khi mặt trời lặn, đoàn lữ hành đã cách bờ biển tám dặm. Trong ngày thứ nhất không xảy ra chuyện gì, mọi người đều khỏe. Có lẽ trong những đoạn đường sau mới thấy thấm mệt. Mọi người đều đồng ý nghỉ lại ở nơi này.
Người ta không tìm được chỗ trú nào hơn là dưới một cây muỗm cổ thụ cành lá rậm rạp xòe ra như một mái hiên tự nhiên. Nếu cần, có thể ẩn trên cành cây rất tốt.
Tuy nhiên, khi đến nơi mọi người nghe thấy những tiếng xáo xác điếc tai phát ra từ trên ngọn cây, thì ra cây muỗm đó là nơi cư trú của một đàn chim kéc xám, một giống chim kêu luôn miệng, rất hung dữ, hay đánh lẫn nhau và đuổi đánh các con chim nhỏ khác. Nếu ta tưởng tượng giống chim đó như những con vẹt thường nuôi trong nhà thì ta lầm. Đó là một giống kéc kêu éc éc điếc cả tai đến nỗi Đíchsơn phải đem súng định bắn đuổi chúng đi. Nhưng Ali giữ Đíchsơn lại, lấy cớ rằng tại nơi hoang vắng này không nên lộ sự có mặt của mình bằng tiếng nổ.
Ali nói:
– Bạn nên nhớ: bước không tiếng động, đi mới không hiểm nghèo.
Sau bữa ăn chiều, chỗ ngủ sắp đặt tùng tiệm cũng đủ. Đíchsơn hỏi Ali:
– Ta có nên đốt lửa để đêm không?
Ali đáp:
– Không cần. Đêm không lạnh và cây muỗm này đủ che sương gió. Ta không sợ lạnh và hơi ẩm nữa. Tôi nhắc lại những lời tôi vừa nói với các bạn ban nãy: đừng đốt lửa cũng như đừng bắn súng, giữ được thì tốt.
Đêm xuống đã lâu. Mọi người đều ngủ mê mệt, trừ Ecquyn thức để canh chừng.
Bảy giờ sáng hôm sau, đoàn người lại tiếp tục đi về phía đông. Họ vẫn đi trong rừng, trên khoảng đất chưa khai thác bao giờ, khí nóng và hơi ấm chan hòa, thực vật ở đây lan rộng và xanh tốt lạ thường. Đíchsơn vừa đi vừa nhận xét điều này, theo lời Ali thì họ đang đi trong miền thảo nguyên, thảo nguyên có nghĩa là đồng cỏ hoang. Nếu Đíchsơn nhớ không lầm thì thảo nguyên phải có những đặc điểm sau đây: không có nước, không có cây, không có đá, chỉ toàn một thứ cỏ gai xanh tốt về mùa mưa, mọc cao về mùa hạ và rậm rạp như rừng, ngoài ra cũng có ít nhiều cây thấp, cằn cỗi. Tất cả bày ra một cảnh tượng hoang phế, khô khan. Thế mà ở đây lại rất khác. Từ lúc bắt đầu đi đến giờ, rừng rú kéo dài triền miên. Không, đây không phải là thảo nguyên như Đíchsơn đã biết.
Hôm sau, Đíchsơn hỏi Ali và tỏ ý thắc mắc về cảnh tượng lạ lùng của thảo nguyên nơi này. Ali vạch rõ những điều sai lầm của Đíchsơn và cho biết thêm nhiều chi tiết chính xác về địa phương và tỏ ra là một con người có một kiến thức sâu rộng về xứ Bôlivi. Ali bảo Đíchsơn:
– Bạn ơi, bạn nói có lý đấy. Một thảo nguyên thực chất thì đúng như các sách du lịch đã miêu tả, nghĩa là một đồng bằng khô khan và khó băng qua. Nó giống như những đồng cỏ lớn ở Bắc Mỹ và hơi khác là những đồng này thường lầy lội hơn. Phải, ví dụ như đồng cỏ Colorado, đồng cỏ Ylano và đồng cỏ Vedula. Nhưng đây lại là một miền có cảnh tượng khác hẳn chính tôi cũng ngạc nhiên. Quả thực đây là lần đầu tôi đi đường tắt của cao nguyên này cho chóng đến nơi. Mặc dầu tôi chưa được nhìn thấy quang cảnh này, nhưng tôi vẫn biết nó rất khác biệt với những thảo nguyên thực chất. Những thảo nguyên này, bạn sẽ có thể thấy ở bên kia rặng núi Ande, suốt trên dải đất thuộc đông bộ lục địa cho đến Đại Tây Dương.
Đíchsơn hỏi:
– Thế ta có phải vượt qua rặng Ande không?
Ali mỉm cười nói:
– Không, không! Tôi vừa nói “bạn sẽ có thể thấy” chứ tôi không nói “bạn sẽ thấy…” đâu mà ngại. Bạn hãy yên trí. Chúng ta chỉ phải qua cao nguyên này thôi, mà ở đây những ngọn núi cao nhất cũng không quá 500m. A! Nếu phải vượt rặng Ande với phương tiện chúng ta đang dùng thì tôi đã không mời các bạn dự cuộc phiêu lưu đó.
Đíchsơn hỏi:
– Lần đầu tiên ông đi đường này, ông không sợ lạc đường à?
Ali đáp:
– Không, bạn cứ yên tâm. Tôi sẽ đưa bạn cùng người nhà đến nơi đến chốn.
Mọi thắc mắc của Đíchsơn đều được Ali giải thích rõ ràng. Đíchsơn và Ali đi đầu đoàn lữ hành nên cũng không ai xen vào chuyện đó.
Trong những ngày từ tám đến mười hai tháng tư, cuộc hành trình tiếp diễn như thường, không xảy ra sự gì khác lạ. Những giờ nghỉ ngơi vẫn bình thường, mặc dù mọi người đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên sức khỏe của mọi người đều khả quan. Chỉ có cậu bé Giắc đã bắt đầu thấy khó chịu về cuộc sống u tịch trong rừng.
Bốn ngày tiếp theo, cuộc lữ hành về đông bắc vẫn diễn ra trong những điều kiện bình thường. Đến ngày 16 tháng 4, đoàn người đi được tất cả vào khoảng 100 dặm rồi. Hôm đó, trong lúc ngủ trưa, một tiếng huýt gió vang lên làm mọi người kinh ngạc.
Bà Uynxton hốt hoảng hỏi:
– Cái gì thế?
Đíchsơn cầm súng chạy lại chắn trước bà và nói:
– Con rắn.
Ali gọi giật Đíchsơn lại:
– Hãy bình tĩnh, đừng làm cho các con vật đó khiếp sợ.
Đíchsơn hỏi:
– Những con gì đó?
– Đó là những con sơn dương.
Đến bốn giờ chiều, đoàn người dừng lại nghỉ chân bên cạnh một cánh rừng thưa. Chợt có ba bốn con vật cao lớn ở trong rừng rậm chạy vụt ra rất nhanh cách chỗ đó một trăm bước.
Bất chấp lời dặn của Ali, Đíchsơn kề súng vào vai bắn luôn một phát. Nhưng Ali nhanh tay gạt mũi súng đi thành ra Đíchsơn dù thiện xạ đến đâu cũng bắn không trúng đích.
– Đừng bắn! Đừng bắn! – Ali nói.
– Đó là những con hươu cao cổ – Đíchsơn nói.
Giắc ngồi yên trên ngựa nghểnh lên trông và hỏi:
– Hươu cao cổ à? Nó đâu ạ?
Bà Uynxton nói:
– Con gì ấy, chứ ở Mỹ châu làm gì có hươu cao cổ.
Ali cũng xác nhận:
– Phải. Ở xứ này không có hươu cao cổ.
Đíchsơn hỏi:
– Thế là con gì ạ?
Ali đáp:
– Có lẽ bạn đã trông lầm. Những con đó phải chăng là những con đà điểu?
Đíchsơn và bà Uynxton thấy lạ lùng quá, đưa mắt nhìn nhau, cùng lặp lại.
– Những con đà điểu?
– Phải, chỉ là những con đà điểu thôi – Ali khẳng định.
– Nhưng đà điểu là giống chim thì nó chỉ có hai chân thôi chứ – Đíchsơn cãi lại.
– Tôi đã coi những con vừa chạy ra đây, là những động vật hai chân – Ali đáp.
Đíchsơn hỏi:
– Động vật hai chân à?
Bà Uynxton nói:
– Những con vật vừa chạy qua đây, tôi thấy hình như nó có bốn chân.
Ali cười to và nói:
– Đà điểu bốn chân! Kỳ quá!
Đíchsơn đáp:
– Bởi thế, chúng tôi mới cho là hươu cao cổ chứ không phải đà điểu.
Ali nói:
– Không phải, anh bạn trẻ của tôi ơi. Bạn trông lầm rồi! Vì nó chạy nhanh quá, bạn hoa mắt nên mới dễ lầm. Những người đi săn nhiều khi cũng trông lầm như thế mà không biết rằng mình lầm.
Đíchsơn nói:
– Tôi tưởng cả đà điểu lẫn hươu cao cổ đều không có ở Tân thế giới này.
Ali đáp:
– Có chứ! Ở Nam Mỹ có một giống đà điểu đặc biệt gọi là năngdu, tức là những con vừa chạy ngang qua đây đấy.
Ở Nam Mỹ có giống đà điểu gọi là năngdu thật. Bà Uynxton và mọi người đều chịu là mình đã lầm.
Ali lại nói:
– Rất có thể lát nữa ta sẽ được trông thấy một đàn đà điểu khác. Lần này xin các bạn hãy nhìn kỹ và đừng cho loài chim là loài thú. Còn Đíchsơn nên cẩn thận, đừng có bắn bất cứ một giống vật nào. Chúng ta không cần săn để kiếm thức ăn. Tôi nhắc lại rằng không nên để tiếng nổ thể hiện sự có mặt của mình trong khu rừng này.
Đíchsơn im lặng suy nghĩ, một lần nữa sự ngờ vực lại hiện ra trong đầu.
Hôm sau là ngày 17 tháng tư, cuộc hành trình lại tiếp tục. Ali quả quyết rằng không đầy hai tư tiếng đồng hồ nữa, đoàn lữ hành sẽ tới nông trại Sanphêlich.
Ali nói thêm với bà Uynxton:
– Thưa bà, đến đó bà sẽ nhận được mọi sự đón tiếp xứng đáng với địa vị của bà. Sau vài ngày nghỉ ngơi, bà và cậu Giắc sẽ khỏe lại. Ở trại, có lẽ bà sẽ không có đủ tiện nghi như ở nhà, nhưng bà sẽ trông thấy công cuộc khai thác của chúng tôi ở địa hạt cũng không đến nỗi thiếu tiện nghi. Chúng tôi không phải là những dân lạc hậu.
Bà Uynxton đáp:
– Thưa ông Ali, chúng tôi không biết làm thế nào hơn nữa, chúng tôi chỉ có những lời chân thành để cám ơn ông về sự giúp đỡ lớn lao của ông đối với chúng tôi trong bước phiêu lưu này. Về nhà ông, chúng tôi sắp được đến một nơi an toàn.
– Thưa bà, chắc bà cũng mệt lắm?
– Thưa ông, về phần tôi không cần lắm. Nhưng tôi thấy sức khỏe cháu Giắc suy giảm dần. Cháu bắt đầu sốt…
– Thưa bà, khí hậu ở vùng cao nguyên này tuy lành, nhưng xin thú thực rằng về tháng ba và tháng tư hay có bệnh sốt định kỳ.
Đíchsơn nói:
– Bệnh sốt đó tất nhiên ở đây có thuốc chữa. Bất cứ bao giờ và bất cứ nơi nào, phương thuốc vẫn được đặt ở bên bệnh tật.
Ali hình như không hiểu, hỏi:
– Thế là thế nào?
Đíchsơn đáp:
– Hiện chúng ta chẳng đang ở miền có những cây canhkina là gì?
Ali nói:
– Phải! Bạn nói rất có lý! Đây là thổ sản, giống như cho ta vỏ quý có chất giải nhiệt.
– Thế mà tôi chẳng trông thấy một cây nào? – Đíchsơn nói.
Ali đáp:
– Bạn ơi, giống cây đó không phải dễ phân biệt đâu. Nó không mọc riêng thành đám. Nó hay ở rải rác trong rừng cây. Những người da đỏ làm nghề lấy canhkina chỉ trông lá cây là biết ngay, vì lá nó bao giờ cũng xanh.
Bà Uynxton nói:
– Ông Ali, khi nào ông trông thấy một cây canhkina, thì xin ông trỏ cho chúng tôi biết.
– Thưa bà, nhất định thế.
Ngày cuối cùng trôi qua không xảy ra sự gì đáng chú ý. Chiều đến, cuộc nghỉ chân được sắp đặt như thường lệ. Từ ngày khởi hành đến nay, trời không mưa, nhưng thời tiết sắp thay đổi vì hơi nóng bốc lên biến thành một lớp sương dầy mờ mịt. Sắp đến mùa mưa rồi. Nhưng may thay, đến ngày mai là đoàn lữ hành đến nơi bình yên rồi. Chỉ còn mười giờ phải nằm rừng nữa thôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.