Thuyền Trưởng Tuổi 15

Chương 11: TRẠI GIAM BIỆT TRANG



Ali và Nego đã nói láo, bà Uynxton hãy còn sống. Bà cùng con và Binđác đang bị giam lỏng tại một căn lều trong biệt thự của trùm Angve.

Sau khi bị bắt ở tổ mối, bà và Giắc bị đưa về trạm Quangđa đến Cadôngđê. Binđác đi sau cáng và có mười hai người lính kèm theo. Suốt trong cuộc hành trình, Ali và Nego không nói với bà một câu nào. Khi tới nơi, họ đưa bà vào biệt trại của Angve, bà và Giắc ở một căn lều, còn Binđác một căn lều khác trong khu vườn rộng mênh mông.

Sau đó, bà không hề thấy Ali và Nego nữa. Bà cũng không thể ra ngoài được vì chung quanh trại có hàng rào vây kín. Sức khỏe của Giắc đã khá nhiều.

Khi nhà thông thái Binđác biết rằng nơi đây không phải châu Mỹ như ông đã tưởng, ông không hề thắc mắc tại sao nơi đây là châu Phi. Ông chỉ bực tức một điều là ông đã có công khám phá và lượm được nhiều mẫu côn trùng lạ, tưởng gốc ở Mỹ châu mới hiếm, ai ngờ những vật đó lại ở châu Phi.

Những cơn bực tức quay đi, ông tự nhủ: nơi đây có nhiều côn trùng, biết đâu ta lại không khám phá ra những giống quý chưa ai biết.

Ông cứ lặp đi lặp lại câu nói đó một mình và nói cho cả bà Uynxton nghe nữa, nhưng nào bà có để vào tai.

Nhà côn trùng học vẫn đàng hoàng với cái hộp sắt đeo bên sườn nhưng cặp kính cận không còn ở trên mũi và cái kính lúp không còn lòng thòng ở dưới cổ nhà thông thái nữa. Kính cận, kính lúp của Binđác đã bị lột để đeo cho hình nộm của vua Môni Lungga rồi.

Mặc dù mất hai thứ đồ nghề cần thiết đó, Binđác rất kiên nhẫn mỗi khi phải quan sát một con sâu, hoặc một con kiến và vẫn mải mê theo dõi côn trùng.

Binđác được tự do đi lại trong trại để tìm côn trùng vì người ta biết ông không thể vượt qua được những hàng rào kiên cố. Chu vi trại dài đến ba ki lô mét cũng đủ để nhà bác học làm những cuộc nghiên cứu khoa học. Giắc thường theo Binđác đi chơi nhưng vườn trại rộng quá em đi không hết. Lúc này, trong trại không còn đông đảo như trước vì những bầy nô lệ đã bị đem bán ở chợ Cadôngđê hết rồi. Trong các nhà kho bây giờ chỉ toàn vải và ngà voi. Vải dùng đem đi các tỉnh trung bộ để đổi lấy nô lệ. Còn ngà voi đã có thị trường lớn ở châu Phi tiêu thụ.

Angve ở ngôi nhà chính trong trại, ít khi thấy mặt. Từ khi bà Uynxton bị giữ ở đây, không thấy hắn trở lại lần nào. Sự im lặng đó khiến bà lo sợ không biết bọn chúng định mưu toan gì. Trong sự ưu phiền đó, bà lại nghĩ và thương chồng, hiện giờ ông đau khổ lắm vì không thấy mẹ con bà. Có lẽ ông đoán rằng mẹ con bà bị nạn đắm tàu và có tìm kiếm chăng nữa thì cũng chỉ dò hỏi ở các đảo Thái Bình Dương hay miền bờ biển Mỹ châu, chứ làm sao tưởng tượng được con thuyền Hải Âu trội dạt đến bờ bắc châu Phi mà tìm?

Mặc dầu đang ở trong sào huyệt quân gian và cách bờ biển hai trăm dặm, bà cũng đã nghĩ đến cách trốn đi. Nhưng trước hết, bà muốn biết âm mưu của Nego ra sao?

Ngày sáu tháng sáu, nghĩa là ba ngày sau lễ an táng vua Môni Lungga, Nego vào trại và đến lều bà Uynxton. Lúc đó có một mình bà. Ông anh họ Binđác đi kiếm côn trùng, Giắc thì được chị Halima, người da đen, đưa đi chơi trong vườn. Nego đẩy cửa lều vào, nói luôn.

– Tôi cho bà biết: bọn già Tôm tôi bán cho người ta đem đi chợ Ugili rồi.

Bà Uynxton lau nước mắt đáp:

– Cầu trời phù hộ cho họ.

Nego nói tiếp:

– U già Năng đã chết ở dọc đường và Đíchsơn cũng đã chết rồi.

Bà Uynxton hoảng hốt kêu lên:

– U Năng chết? Và cả Đíchsơn?

Nego đáp:

– Phải, tên thuyền trưởng mười lăm tuổi của bà đã đền tội vì đã đâm chết Ali bạn tôi… bây giờ chỉ còn mình bà ở Cadôngđê, dưới quyền tên đầu bếp của của thuyền Hải Âu bà ạ.

Bà Uynxton nhìn thẳng Nego nói:

– Thì sao?

– Thưa bà, tôi có thể trả thù bà về những sự bạc đãi mà tôi phải chịu khi tôi còn ở thuyền Hải Âu. Nhưng cái chết của Đíchsơn đủ trả rồi. Bây giờ tôi trở về nghề cũ là làm lái buôn. Và đây là quyết định của tôi về số phận của bà! – Nego đáp.

Bà Uynxton bình tĩnh nhìn Nego và không nói gì. Nego nói tiếp:

– Bà và con bà, và cả tên ngu ngốc chuyên chạy sau những con ruồi đều có giá trị thương mại rất tốt cần phải khai thác. Vì thế, tôi muốn bán bà…

Bà Uynxton đáp giọng cương quyết.

– Tôi là người tự do!

– Nhưng dưới mắt tôi, bà là một người nô lệ!

– Ai lại mua một người đàn bà da trắng bao giờ?

– Có chứ! Có một người mua và tôi đòi bao nhiêu cũng được.

Bà Uynxton cúi mặt xuống không nói gì vì bà biết ở xứ ghê tởm này, bất cứ cái gì người ta cũng có thể làm được. Nego giục:

– Bà đã nghe rõ chưa?

Bà đáp:

– Ông định bán cho người nào?

– “Bán” hay “bán lại” cho người ấy?

– “Người ấy” là ai?

– Người ấy là chủ hãng Hải thuyền… Uynxton chồng bà!

Câu bất ngờ đó làm bà xúc động, thốt lên:

– Chồng tôi!

Phải! Chính chồng bà là người mà tôi định đem bán bà, con bà và cả Binđác nữa, không phải để giao trả mà để lấy một món tiền.

Mới nghe, bà ngỡ như Nego định giăng bẫy đánh lừa bà. Nhưng thấy hắn nói nghiêm chỉnh, bà nghĩ: “Với thằng khốn nạn này, tiền là trên hết” nên bà tin ngay.

– Thế bao giờ ông định làm việc đó?

– Càng sớm càng hay.

– Ở đâu?

– Ngay ở đây! Chắc ông Uynxton sẽ không ngại đến tận Cadôngđê để kiếm vợ con.

– Không. Chồng tôi sẽ không ngần ngại đâu. Nhưng ai là người báo tin cho chồng tôi biết?

– Chính tôi. Tôi sẽ đi tìm chồng bà. Tôi cần bán gấp và bán rất đắt. Một trăm ngàn đô la! Chắc ông Uynxton không tiếc tiền?

– Chồng tôi không tiếc đâu vì coi như của đem cho. Chắc ông sẽ báo tin cho chồng tôi biết là tôi bị bắt cóc ở Cadôngđê, giữa miền Trung Phi?

– Đúng thế!

– Nghe ông nói, biết đúng hay sai? Chồng tôi chẳng dại gì mà đem thân đến đây.

– Chồng bà sẽ đến nếu tôi đem theo một bức thư do chính bà viết, nêu lại tình hình của bà và nói rằng tôi là một người giúp việc trung thành, giúp mẹ con bà thoát khỏi tay bọn mọi dã man.

Bà Uynxton nói ngay:

– Không bao giờ tôi đặt bút viết thư đó.

Nego hỏi:

– Bà không chịu à?

– Phải, tôi không chịu.

Nghĩ đến nỗi gian truân, nguy hiểm mà chồng bà sẽ chịu trên đường đi Cadôngđê và nhất là sự lật lọng của Nego – hắn có thể bắt giữ chồng bà sau khi lấy tiền chuộc, nên phản ứng đầu tiên của bà là từ chối – bà chỉ nghĩ đến sự hy sinh của chính bản thân bà mà quên hẳn số phận của đứa con thân yêu.

Nego lại hỏi:

– Bà sẽ viết chứ?

Bà lại từ chối:

– Không!

Nego nói to:

– A! Coi chừng! Không phải một mình bà ở đây. Con bà cũng như bà đều ở trong tay tôi, tôi có thể…

Bà muốn trả lời rằng bà không thể viết được, nhưng tim bà dồn dập như muốn vỡ ra… Nego nói tiếp:

– Bà nên suy nghĩ kỹ đi. Đừng từ chối ý tốt của tôi. Trong tám ngày nữa, bà sẽ trao cho tôi lá thư gửi cho ông Uynxton, nếu không bà sẽ hối hận.

Nói xong, Nego bước ra, không tỏ vẻ tức giận gì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.