Căn hộ khá hiện đại, bàn ghế cũng vậy: ghế bành vuông, bàn có chân khúc khuỷu. Trước bàn làm việc lớn đặt ngay trước cửa sổ, một con người nhỏ bé đang ngồi. Đầu ông là vật duy nhất không vuông trong phòng này, vì nó tròn như hình quả trứng.
Hercule Poirot, vì đó là nhà thám tử của chúng ta, đang đọc một lá thư:
Hamborough Close, Westshire
Ngày 24-9-1936
Kính gửi ông Hercule Poirot,
Một vụ việc vừa phát sinh, đòi hỏi sự xử lý tinh tế và kín đáo. Tôi đã nghe nhiều người nói tốt về ông, nên quyết định giao phó việc này cho ông. Tôi có nhiều lý do để tự tin mình là nạn nhân của một vụ gian lận, Nhưng vì lý do gia đình, không muốn kêu cảnh sát. Tôi đã có một số biện pháp để phòng thân và đối phó với tình hình, nhưng ông cần sẵn sàng đến đây ngaykhi vừa nhận được điện. Ông khỏi cần trả lời thư này, xin gửi tới ông lòng biết ơn.
Kính thư: Gervase Chevenix-Gore
Lông mày Hercule Poirot nhướn cao trên trán đến mức gần lẫn với tóc.
– Cái lão Gervase này là ai nhỉ?
Ông lấy trong tủ một quyển sách dày cộp ra tra cứu, và dễ dàng có ngay thông tin.
Ngài Gervase Chevenix-Gore, nguyên đại uý Đoàn kỵ binh số 17. Sinh ngày 18-5-1878. Là con cả của ngài Guy Chevenix-Gore và phu nhân Claudia Bertherton. Năm 1912 kết hôn với Wanda Elizabeth, trưởng nữ của đại tá Fredirick Arbuthnot. Đã phục vụ trong chiến tranh 1914-1918. Thú vui ưa thích: du lịch, săn bắn. Địa chỉ: Hamborough Close, Westshire, và 218 Lowndes Square. Tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ kỵ binh và du hành.
Poirot lắc đầu có vẻ chưa hài lòng, ngồi suy nghĩ một lát, rồi mở ngăn kéo rút ra một loạt thiếp mời. Mặt ông sáng lên:
– Đây rồi! Cái này chắc là đúng. Hẳn ông ta có mặt ở đó.
° ° °
Nữ công tước chào đón Hercule Poirot với vẻ nồng nhiệt hết mực:
– Ôi, thế là ông cũng thu xếp để đến với chúng tôi, ông Poirot?
Poirot cúi người thật thấp.
– Không có gì ạ, tôi rất vui được tới đây.
Len lách qua rất nhiều nhân vật: một nhà ngoại giao có tiếng, một nữ nghệ sĩ nổi danh v. v… cuối cùng Poirot cũng tới được người ông định tìm: ông Satterthwaite, khách quen không thể thiếu trong các cuộc tiếp tân của nữ công tước.
Ông này tươi cười chào Poirot:
– Ôi, cái bà công tước này… đến dự các cuộc họp của bà bao giờ cũng thú vị… tính cách bà rất hay. Tôi đã quen bà ấy từ hồi ở đảo Corse, cách đây nhiều năm. Lâu quá rồi mới được gặp ông ở đây hôm nay…
Sau một lát điểm qua những người quen cũ, Poirot mới đưa được cái tên Gervase vào câu chuyện.
– A! Gervase Chevenix-Gore! Người ta mệnh danh lão là “vị nam tước cuối cùng”.
– Xin lỗi… tôi không hiểu.
Ông Satterthwaite lại có dịp được khoe sự thông thạo của mình.
– Đấy là nói đùa. Dĩ nhiên, ông ta không thực sự là nam tước cuối cùng của nước Anh, song ông ta là đại diện cho một dòng họ đã cáo chung. Kiểu nam tước có đầu óc ngông cuồng, thích chơi trội, thường được mô tả trong các tiểu thuyết của thế kỷ trước.
Ông kể thêm chi tiết: ngay lúc mới lớn, Gervase đã đi vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm, tham gia một đoàn thám hiểm Bắc cực. Hắn thách bạn đua ngựa theo một lộ trình cực kỳ mạo hiểm và thắng cuộc. Một tối, ở rạp hát, hắn nhẩy từ lô tầng hai xuống sân khấu, cướp đi cô diễn viên nổi tiếng đang diễn xuất… Có vô số giai thoại về những trò ngông của Gervase.
– Đó là một dòng họ lớn, nhưng đang suy tàn. Và lão Gervase là thế hệ cuối cùng.
– Của cải đã bị tẩu tán hết rồi sao?
– Không hề. Gervase vẫn giàu sụ. Sở hữu một dinh cơ lớn và nhiều mỏ than; ngoài ra từ thời trẻ, lão đã hùn vốn khai thác mỏ ở Nam Mỹ, vớ được khối tiền. Thật kỳ lạ, lão làm việc gì cũng trúng, cũng phất.
– Giờ chắc ông ta già lắm rồi?
– Phải, tội nghiệp lão, nếu nghe thiên hạ thì người ta đều bảo lão lú lẫn rồi. Điều đó đúng một phần nào. Lão điên… không phải điên loạn phải nhốt vào trại, điên ở đây có nghĩa là lão không bình thường. Tính lão vốn thích chơi ngông mà.
– Và tính ngông nghênh ngày càng trở nên quái đản? – Poirot nói.
– Ấy, đúng lão Gervase là thế đấy.
– Có lẽ ông ta tự đề cao mình một cách quá đáng?
– Đúng vậy. Tôi cho là trong trí óc của Gervase thế giới này chia làm hai phần: một bên là dòng họ Chevenix-Gore, còn lại là tất cả những người khác.
– Hắn có tinh thần họ tộc đến vậy?
– Phải. Họ Chevenix-Gore đều kiêu căng, không coi ai ra gì. Gervase là hậu duệ cuối cùng, càng không thoát cái tật vô lối ấy. Nghe lão nói, cứ tưởng như lão là Đức Chúa Cha không bằng.
Poirot gật gù suy nghĩ:
– Bây giờ thì tôi hiểu. Tôi vừa nhận của ông ta một lá thư, không yêu cầu, mà cứ như ra lệnh cho tôi phải đến gặp.
– Lệnh của đức Hoàng thượng! – ông Satterthwaite reo lên với vẻ hiểu ngầm thú vị.
– Đúng vậy đấy. Ông ta không hề nghĩ rằng tôi đây, Hercule Poirot cũng là một nhân vật quan trọng, còn nhiều việc phải làm chứ không phải chi ngồi chờ lão vẫy một cái là vội bỏ hết mọi thứ để chạy đến như một con chó ngoan ngoãn…!
Ông Satterthwaite cắn môi để kìm giữ khỏi mỉm cười. Ông vừa nhận thấy vẻ mặt tự cao tự đại Hercule Poirot và Gervase chẳng kém gì nhau. Ông nhẹ nhàng nói:
– Tuy nhiên, nếu đó là việc khẩn cấp…
– Đâu có khẩn! – Poirot giơ hai tay lên trời – Tôi phải sẵn sàng phòng lúc nào lão cần đến!
– Vậy tôi đoán là ông từ chối? – Satterthwaite nói.
– Tôi chưa có dịp nói lại – Poirot đáp.
– Nhưng ông sẽ từ chối?
Nét mặt thám tử đổi khác, ông cau mày lưỡng lự:
– Biết nói thế nào nhỉ? Từ chối… Phải, đó là ý nghĩ của tôi ngay lúc đó, nhưng rồi không hiểu tại sao… tôi linh cảm… dường như có uẩn khúc gì đây.
Satterthwaite nghe tuyên bố ấy của Poirot một cách nghiêm túc:
– Ô! Thật là hay…
– Cứ nghe ông kể, tôi thấy một người như ông ta rất dễ bị tổn thương.
– Dễ bị tổn thương? – Satterthwaite ngạc nhiên lặp lại, ông không hình dung tính từ ấy lại có thể gán cho Gervase Chevenix-Gore.
Song ông có trí óc nhạy bén, suy nghĩ nhanh nhạy nên nói tiếp:
– Có lẽ tôi hiểu ông nói gì.
– Một người tự giam mình trong chiếc áo giáp… áo giáp kiêu căng, tự mãn tự đại vô hạn. Trong chừng mực nào đó, áo giáp ấy là một phương tiện bảo vệ tốt chống lại các mũi tên của cuộc sống thường nhật… nhưng vẫn tồn tại mối nguy hiểm. Nai nịt như vậy có khi lại không nhận thấy mình đang bị tấn công. Chậm thấy, chậm nghe, càng chậm cảm nhận.
Poirot ngừng lời, rồi đổi giọng, hỏi:
– Gia đình Gervase gồm những ai?
– Vợ là Wanda. Thuộc dòng họ Arbuthnot thời con gái rất đẹp, nay vẫn còn đẹp, rất trung thành với Gervase. Gần đây sinh ra tin các thuyết huyền bí, mang bùa, đeo đá thiêng trên người, tự cho mình là hiện thân của một nữ hoàng Ai Cập…
“Rồi đến Ruth cô con gái nuôi. Hai vợ chồng không có con. Ruth là một cô gái xinh đẹp, loại hiện đại. “Gia đình chỉ có ngần ấy. Ngoài ra có Hugo Trent, cháu gọi Gervase bằng cậu.
“Chị gái Gervase là Pamela kết hôn với Reggie Trent, Hugo là con trai duy nhất. Hugo mồ côi cha mẹ và không thể thừa kế tước hiệu, tất nhiên, song tôi nghĩ cậu ta sẽ thừa hưởng phần lớn tài sản của Gervase. Hugo là chàng trai tuấn tú, phục vụ trong đội kỵ binh hoàng gia.
– Gervase chắc rất đau khổ vì không có con trai để nối dõi dòng họ, duy trì tước hiệu – Poirot nói.
– Điều đó thì đã hẳn.
Im lặng một lúc lâu, Satterthwaite mới tò mò hỏi:
– Ông có thấy thật cần thiết phải đến gặp Gervase ở Hamborough Close?
Poirot thong thả lắc đầu;
– Không, lúc này thì chưa. Nhưng tôi nghĩ sẽ có lúc đến.