Cái nghề chết tiệt! – Riddle thở dài, sau khi vị luật gia đi ra – Với loại người này, moi thông tin không dễ. Toàn bộ vụ việc này có vẻ xoay quanh cô con gái.
– Đúng như thế.
– A! Ông Burrows đây rồi.
Godfrey Burrows đi tới, vẻ hết sức cởi mở.
– Chúng tôi muốn hỏi ông vài câu.
– Xin sẵn sàng, thưa thiếu tá. Ông cứ hỏi bất kỳ điều gì ông muốn.
– Trước hết, tôi muốn biết ý riêng của ông về cái gì đã dẫn ngài Gervase đến chỗ tự tử.
– Tôi không có ý nào hết. Một sự hoàn toàn bất ngờ đối với tôi.
– Ông có nghe thấy tiếng súng?
– Không. Lúc đó chắc chắn tôi đang ở phòng sách… Tôi xuống đó từ sớm để tìm một tài liệu. Phòng sách ở phía bên kia tòa nhà so với văn phòng, do đó không nghe thấy gì.
– Trong phòng sách chỉ có mình ông? – Poirot hỏi.
– Mình tôi.
– Ông có biết lúc đó những người khác ở đâu?
– Phần lớn chắc đang mặc quần áo trên tầng hai.
– Ông xuống phòng khách lúc nào?
– Ngay trước lúc ông Poirot đến. Mọi người đã tập hợp ở đó… trừ ngài Gervase, tất nhiên.
– Ông có lấy làm lạ về chuyện đó?
– Có, vì thường ngày bao giờ ngài cũng xuống phòng khách trước tiếng cồng thứ nhất.
– Thời gian gần đây ông có nhận thấy sự thay đổi nào trong thái độ của ngài Gervase? Có băn khoăn, lo lắng? Mệt mỏi?
Burrows suy nghĩ:
– Không, tôi không thấy… Hơi bận tâm một chút, có lẽ.
– Nhưng không vì nguyên cớ gì đặc biệt?
– Không.
– Có khó khăn gì về tài chính?
– Ông ấy hơi lo ngại về chuyện ở công ty Paragon.
– Ông ấy nói với ông thế nào?
Burrows hơi mỉm cười:
– Rằng lão Bury là một thằng ngu hoặc tên lừa đảo. Đúng hơn là ngu, nhưng ông ấy phải mềm mỏng “vì chiếu cố đến Wanda”.
– Tại sao lại nói “chiếu Cố đến Wanda”? – Poirot hỏi.
– Vì phu nhân Wanda rất quý đại tá Bury, và ông này cung cúc cung tận tụy với bà. Theo đuôi bà như con chó.
– Và ngài Gervase không ghen?
– Ghen? (Burrows phá lên cười). Ông ấy không biết đến từ ấy. Ông ấy không bao giờ nghĩ là bà lại yêu người khác hơn ông.
Poirot chen vào:
– Ông có vẻ không cảm tình lắm với ngài Gervase?
Burrows đỏ mặt.
– Ồ! Có chứ! Song cái trò ấy thời nay là hơi kỳ cục.
– Trò gì?
– Cái tình cảm phong kiến. Tôn vinh tổ tiên và kiêu ngạo quá mức. Ngài Gervase là người có tài trong nhiều lĩnh vực và có một cuộc đời lý thú, nhưng người ta sẽ quý ông hơn nếu ông không chỉ biết có mình, cái gì cũng quy vào mình và thu mình trong bộ áo ích kỷ.
– Con gái ông ấy có nghĩ giống như ông không?
Burrows lại đỏ mặt hơn cả lần trước.
– Tôi cho là cô Ruth có những quan điểm hoàn toàn hiện đại. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ trao đổi vấn đề này với cô.
– Thanh niên công kích bố mẹ là chuyện thường! – Poirot nói – Đó chính là tinh thần hiện đại, họ chẳng ngại.
Burrows nhún vai. Thiếu tá Riddle lại hỏi:
– Ngài Gervase không có mối lo nào khác về tiền bạc? Ngài không phàn nàn với ông là bị lừa đảo?
– Lừa đảo? – Burrows tỏ vẻ thực sự ngạc nhiên – Không!
– Quan hệ giữa ngài và ông là tốt?
– Tất nhiên. Sao lại không tốt?
– Thì tôi hỏi thế thôi. Ông có biết ngài Gervase đã viết thư cho ông Poirot, yêu cầu ông ấy đến đây?
– Không.
– Ngài Gervase thường tự tay viết thư?
– Không, bao giờ cũng đọc cho người khác viết.
– Tại sao lần này ông ấy làm khác?
– Tôi không rõ.
– Ông không thấy lý đo nào để ngài tự tay viết cho ông Poirot?
– Không, tôi không biết.
– À, lạ đấy. Ông trông thấy ngài Gervase lần cuối cùng khi nào?
– Ngay trước khi tôi lên gác để mặc quần áo xuống ăn. Tôi mang tới vài lá thư để ngài ký.
– Lúc đó tâm trạng ngài thế nào?
– Hoàn toàn bình thường. Thực ra, ngài có vẻ rất hài lòng vì một lý do nào đó.
Poirot không ngồi yên trên ghế.
– A, đó là cảm giác của ông. Có vẻ hài lòng nhưng sau đó ít lâu lại tự tử. Quái lạ!
Burrows nhún vai:
– Tôi chỉ nói cảm giác của tôi.
– Vâng, những điều ấy rất quý. Dù sao, ông là một trong số những người cuối cùng thấy ông Gervase còn sống.
– Snell là người cuối cùng.
– Chỉ nhìn thấy thôi, chứ không nói chuyện.
Burrows không đáp.
– Lúc ông lên thay quần áo là mấy giờ?
– Khoảng bẩy giờ năm.
– Ngài Gervase làm gì?
– Ngài ở lại trong văn phòng.
– Thường ngài thay quần áo mất bao lâu?
– Thường là bốn nhăm phút.
– Bữa ăn định vào tám giờ mười lăm, vậy ngài phải lên gác chậm nhất là bẩy giờ rưỡi.
– Khoảng thế.
– Còn ông thì thay quần áo sớm hơn?
– Vâng, vì ăn mặc chỉnh tê rồi, tôi còn muốn xuống phòng sách tra cứu một số tài liệu cần.
Poirot và thiếu tá đưa mắt nhìn nhau. Thiếu tá nói.
– Vâng, có vậy thôi. Ông làm ơn mời giúp tôi cô gì-ấy-nhỉ?
° ° °
Cô Lingard người nhỏ bé đến ngay tức khắc, cô đeo trên co một chỗi hạt quấn nhiều vòng kêu lanh tanh khi cô ngồi xuống.
– Chuyện hôm nay thật đáng buồn, cô Lingard ạ – Thiếu tá nói.
– Phải, rất buồn – Cô Lingard trịnh trọng lặp lại.
– Cô đến làm ở đây từ khi nào?
– Khoảng hai tháng. Ngài Gervase viết thư cho đại tá Fotheringay, bạn ngài ở Bảo tàng, đại tá liền giới thiệu tôi. Tôi chuyên về nghiên cứu lịch sử.
– Làm việc với ngài Gervase có khó khăn không?
– Ồ không. Chịu khó chiều theo tính ngài một chút là được, tôi đã nhận thấy với đàn ông, làm thế là tốt nhất.
Riddle thầm nghĩ trong bụng, phải chăng cô này cũng đang làm thế với mình.
– Cô giúp ngài Gervase viết cuốn sử gia đình, song vai trò cụ thể của cô là gì?
Cô Lingard bỗng như dịu xuống, đôi mắt nhấp nháy:
– Thực tế là biên tập toàn bộ cuốn sách! Tôi sưu tầm tư liệu, ghi chép, soạn thảo, và sau là xem lại những gì ông viết.
– Gần cô phải tỏ ra hết sức thận trọng, tế nhị? – Poirot hỏi.
– Tế nhị và quyết đoán. Phải cả hai.
– Và ngài Gervase không lấy làm khó chịu vì sự quyết đoán của cô?
– Không. Tất nhiên tôi đã nói với ông ấy không nên tiếc những chi tiết không quan trọng.
– À! Tôi hiểu.
– Thực ra rất đơn giản – cô Lingard nói – Ngài Gervase dễ nghe theo nếu ta biết cách nói.
– Cô có dấu hiệu gì có thể soi sáng vụ tự tử này không?
Cô lắc đầu.
– Đáng tiếc là không. Ngài không bao giờ tâm sự với tôi, tôi chỉ là người ngoài. Dù sao, ông ấy rất tự kiêu, chẳng nói với ai về chuyện nội bộ gia đình mình.
– Nhưng cô cho vụ tự tử này là do lục đục nội bộ?
Cô Lingard tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Dĩ nhiên! Còn cách giải thích nào khác?
– Cô chắc chắn là có rắc rối trong gia đình?
– Tôi biết là ông ấy rất bồn chồn, day dứt.
– Ồ! Cô biết như thế?
– Chứ sao!
– Ông ấy có nói với cô day dứt cái gì?
– Không thật rõ.
– Đại thể thế nào?
– Xem nào… Tôi nhận thấy ông có vẻ không hiểu những gì tôi nói…
– Khoan đã. Đó là lúc nào?
– Chiều nay. Chúng tôi thường làm việc từ ba đến năm giờ.
– Cô nói tiếp đi.
– Như đã nói, ngài Gervase có vẻ rất khó khăn, không tập trung tư tưởng. Và ngài công nhận là tâm trí đang lo lắng nhiều việc. Ngài còn nói… (để tôi nghĩ đã) đại thể như sau, (nhưng tôi không bảo đảm nguyên văn): “Cô Lingard, thật là kinh khủng, khi chuyện ô danh xẩy ra với một dòng họ lớn nhất nước”.
– Và cô trả lời sao?
– Ồ! Vài câu an ủi. Đại khái là thế hệ nào cũng có những con chiên ghẻ, đó là luật bù trừ… nhưng rồi đời sau cũng quên đi, chẳng ai nhắc tới.
– Như thế có làm ông ấy nguôi phần nào?
– Nguôi ít nhiều. Chúng tôi trở lại chuyện ngài Roger Chevenix-Gore. Tôi đã tìm được một đoạn đáng chú ý về ngài trong một văn bản đương thời. Nhưng đầu óc ông Gervase cứ để đâu đâu; cuối cùng ông bảo thôi không làm việc nữa, vì ông vừa nhận một cú sốc.
– Cú sốc?
– Ông ấy nói thế. Tất nhiên tôi không hỏi thêm, chỉ đáp: “Thưa ngài Gervase, rất tiếc!”. Rồi ông báo tôi bảo cho Snell biết ông Poirot sắp tới, vì vậy lùi giờ ăn đến tám giờ mười lăm và cho xe ra ga đón chuyến tàu bẩy giờ năm mươi.
– Ông ấy thường giao cô làm loại nhiệm vụ ấy?
– Không, lẽ ra đó là việc của ông Burrows, tôi chi lo việc biên tập, chứ không phải thư ký theo đúng nghĩa ấy.
– Cô cho lý do gì khiến ông Gervase giao cô việc đó chứ không bảo ông Burrows? – Poirot hỏi.
Cô Lingard suy nghĩ:
– Lúc đó tôi không nghĩ gì, cho là nhân tiện thì ông nhờ vậy thôi. Nhưng nay nghĩ lại, tôi nhớ ông dặn tôi không nói với ai về việc ông Poirot đến. Ông nói: phải dành sự bất ngờ.
– Ồ, thật sao! Lạ thật, hay thật, thế cô có nói với ai không?
– Tất nhiên không. Tôi bảo Snell lui giờ ăn, yêu cầu nói lái xe đi đón khách tới chuyến tàu bảy giờ năm mươi.
– Ngài Gervase còn nói với cô điều gì khác?
Cô Lingard nghĩ một lát:
– Không, có lẽ không. Ông ấy có vẻ bị ám ảnh… Tôi nhớ có nghe ông lẩm bẩm lúc tôi đi ra: “Giờ thì ông ấy đến cũng chẳng ích gì. Muộn mất rồi!”
– Và cô không hiểu như thế là nghĩa gì?
– Kh… không – cô Lingard đáp, có vẻ như không chắc chắn.
Poirot chau đôi lông mày.
– “Muộn rồi”, đúng ông ấy nói như vậy? “Muộn mất rồi”.
– Cô cô thể cho biết cái gì đã làm ngài Gervase sầu muộn như vậy? – Riddle hỏi.
Cô Lingard thong thả đáp:
– Tôi cho là có liên quan ít nhiều đến cậu Hugo Trent.
– Hugo Trent? Tại sao cô nghĩ vậy?
– Không gì cả; nhưng chiều hôm qua, khi chúng tôi xem xét cuộc đời của ngài Hugo Chevemx-Gore (ông này không gương mẫu lắm trong cuộc chiến tranh Hai Bông hồng), ngài Gervase thốt lên: “Thế mà bà chị ta lại chọn tên Hugo đặt cho con trai cả; tên ấy luôn là điềm xấu cho gia đình. Bà ấy phải hiểu là kẻ nào mang tên Hugo đều sẽ không ra gì!”
– Điều cô nói gợi mở ra nhiều vấn đề – Poirot nói.
– Ngài Gervase không nói gì cụ thể hơn? – Riddle hỏi.
Cô Lingard quay mặt về phía thiếu tá:
– Không, và tất nhiên tôi không tiện hỏi thêm. Thực ra, ngài Gervase suy nghĩ và nói to thành lời chứ không cốt nói với tôi.
– Tôi hiểu.
Poirot nói.
– Thưa cô Lingarđ, cô không phải người trong gia đình, nhưng cô đã sống trong thân tình hai tháng, xin cô cho biết những cảm nghĩ thực thà về nhà này, như vậy sẽ giúp chúng tôi rất nhiều.
Cô Lingard bỏ kính ra, vừa chớp mắt vừa suy nghĩ rồi nói:
– Nói thật ra, lúc đầu tôi tưởng mình rơi vào một trại điên! Phu nhân Chevenix-Gore luôn luôn nói đã trông thấy những điều không có thực, ngài Gervase thì thái độ cứ như… như ông vua… tự huyễn hoặc vai trò của mình một cách quá đáng, đó là những người bất bình thường nhất mà tôi từng gặp. Tất nhiên, cô Ruth thì hoàn toàn bình thường và sau đó tôi nhận ra phu nhân Chevenix-Gore sự thực là một phụ nữ tốt, bà ấy đối xử với tôi niềm nở, hòa nhã không ai bằng. Ngài Gervase… thì tôi cho là điên thật. Cái thói tự cao tự đại – tôi không thể nào nói khác – ngày càng trầm trọng.
– Còn những người khác?
– Tôi đoán ông Burrows cũng khốn khổ với ông Gervase. Ông ấy có vẻ mừng là ông Gervase bị hút vào việc viết sử, nên còn chỗ để ông ấy thở. Đại tá Bury thì luôn luôn tươi tắn, rất trung thành với phu nhân, ông ấy rất khéo tác động vào ông Gervase. Cậu Hugo Trent, ông Forbes và cô Cardwell mới đến được vài ngày, tôi chưa hiểu rõ.
– Cảm ơn cô. Cô biết gì về đại uý Lake, người quản lý?
– Ồ! Ông ấy rất tốt, ai cũng yêu.
– Kề cả ngài Gervase?
– Chứ sao. Tôi đã nghe ngài nói ông Lake là người quản lý tốt nhất mà ngài có! Tất nhiên, đại uý Lake cũng gặp khó khăn khi làm việc với ông Gervase, song ông cũng xoay sở được, tuy không phải dễ.
Poirot gật đầu đồng tình, nói nhỏ:
– Tôi có một điều hỏi cô… Một chi tiết nhỏ. Cái gì ấy nhỉ?
Cô Lingard quay về phía Poirot, chờ đợi.
– A! – Poirot bực dọc kêu – tôi vừa nghĩ ra, lại quên rồi.
Mấy phút vẫn thấy Poirot chưa nói, thiếu tá Riddle tiếp tục hỏi:
– Cô trông thấy ngài Gervase lần cuối khi nào?
– Vào giờ dùng trà, trong phòng này.
– Ngài tỏ ra bình thường?
– Hoàn toàn như mọi khi.
– Còn những người khách, cô có cảm thấy sự căng thẳng gì không?
– Không, tất cả đều hoàn toàn tự nhiên.
– Sau khi dùng trà, ngài Gervase làm gì?
– Ngài kéo ông Burrows vào văn phòng như thường lệ.
– Và đó là lần cuối cùng cô trông thấy?
– Vâng, tôi đi ra phòng khách nhỏ, ở đó tôi đánh máy đến bẩy giờ. Sau đó, tôi lên phòng mình để nghỉ và thay quần áo.
– Cô có nghe thấy tiếng súng?
– Có, tôi đang ở phòng mình. Nghe tiếng nổ, tôi xuống sảnh, ở đó đã có cậu Hugo, cô Cardwell. Cậu Hugo hỏi Snell có sâm banh không, lấy chuyện đó ra đùa cợt. Không hề nghĩ là đã xẩy ra chuyện gì nghiêm trọng. Chúng tôi lại nghĩ đó là tiếng nổ xe hơi.
– Cô có nghe cậu Hugo nói: “Cũng có thể là án mạng”? – Poirot hỏi.
– Hình như tôi có nghe, tất nhiên đó là nói vui.
– Rồi sau ra sao?
– Tất cả chúng tôi vào đây.
– Cô có thể nhớ thứ tự mọi người đi xuống?
– Hình như cô Ruth xuống đầu tiên; rồi ông Forbes. Đại tá Bury và phu nhân cùng xuống một lúc, có ông Burrows theo sau ngay đó. Nói chung họ xuống gần như cùng một lúc.
– Do nghe tiếng cồng thứ nhất nên cùng tập hợp?
– Phải, nghe tiếng cồng là ai nấy vội vào phòng khách. Ngài Gervase rất nghiêm về giờ giấc.
– Thường thì mấy giờ ngài xuống?
– Bao giờ cũng có mặt dưới phòng khách trước tiếng cồng thứ nhất.
– Thấy hôm ấy ngài không có mặt, cô có ngạc nhiên?
– Cực kỳ ngạc nhiên.
– A! – Poirot đột nhiên thốt lên – tôi nhớ định hỏi gì rồi.
Hai người quay lại nhìn ông.
– Lúc đó, sau khi Snell ra báo là cửa phòng khóa chặt và tất cả mọi người đi tới văn phòng, cô có cúi xuống và nhặt một vật gì.
– Thế ư? – Cô Lingard hỏi lại, vẻ ngạc nhiên.
– Phải, lúc chúng ta đi vào hành lang để tới văn phòng; một vật gì nhỏ và bóng.
– Lạ nhỉ… tôi không nhớ. À mà khoan, tôi quên khuấy. Có lẽ nó đây.
Cô mở túi xắc, đổ tất cả lên bàn. Poirot và Riddle chú ý nhìn: hai chiếc khăn tay, một hộp phấn, chùm chìa khoá, một bao kính và một vật nhỏ mà Poirot vội cầm lên.
– Ô, một viên đạn! – Thiếu tá Riddle kêu.
Đúng là vật có hình viên đạn, nhưng thực ra là mẩu bút chì nhỏ.
Cô Lingard nói:
– Tôi nhặt cái này đây, rồi quên mất.
– Cô có biết vật này của ai?
– Của đại tá Bury. Ông ấy đã thửa nó theo hình viên đạn bắn trúng ông – nhưng may ông không việc gì – trong chiến tranh ở Nam Phi.
– Ông ấy còn giữ vật này đến lúc nào?
– Tôi thấy ông ấy dùng để ghi điểm chơi bridge, lúc tôi đến dùng trà.
– Những ai chơi bridge?
– Đại tá Bury, phu nhân Chevenix-Gore, cậu Hugo và cô Cardwell.
– Thế thì ta giữ nó để trả lại cho đại tá – Poirot nói.
– Vâng, ông cứ giữ, đầu óc tôi hay quên lắm.
– Cô vui lòng ra mời đại tá Bury vào cho chúng tôi gặp.
– Vâng, tôi xin đi ngay.
Cô vội vã đi ra.
Poirot đi đi lại lại trong phòng. Ông nói:
– Chúng ta bắt đấu tái hiện buổi chiều hôm ấy. Hai giờ rưỡi, Gervase và đại uý Lake ngồi kiểm tra sổ sách. Gervase có vẻ hơi bận tâm. Ba giờ, ông thảo luận việc viết sách với cô Lingard. Ông có vẻ rất day dứt. Cô Lingard cho sở dĩ như thế là do cậu Hugo Trent, nhân tình cờ trao đổi tư liệu. Trong lúc dùng trà, thái độ của ông là bình thường. Sau bữa trà, Burrows cho biết ông khá vui vẻ vì một lý do nào đó. Đến tám giờ kém năm, ông đi xuống văn phòng, viết chữ xin lỗi lên giấy rồi tự tử.
– Tôi hiểu ông muốn nói gì rồi – Riddle thong thả nói – Tất cả là lôgích.
– Cái ông Gervase thật thất thường! Ông ta bận tâm – rồi rất day dứt – bình thường – rồi lại vui vẻ. Thật kỳ cục, lại còn cái câu ông ta nói về tôi “muộn mất rồi”. Quả nhiên, tôi đã đến quá muộn để thấy ông còn sống.
– Tôi hiểu. Vậy ông cho rằng…
– Tôi sẽ không bao giờ biết tại sao ông ấy yêu cầu tôi đến. Điều đó là chắc chắn.
Poirot vẫn đi đi lại lại trong phòng. Ông nhấc lên đặt xuống mấy tượng nhỏ trên lò sưởi, nhìn chiếc bàn chơi bridge, mớ ngăn kéo xem mấy quân bài và sổ ghi điểm. Rồi lại gần một bàn nhỏ, nhìn vào sọt rác. Trong đó chỉ có một túi giấy. Poirot hít ngửi, lẩm bẩm “túi đựng cam” và vuốt phẳng, đọc nhãn in bên trên: Carpenter and Sons, của hàng hoa quả, Hamborough, ông đang cẩn thận gấp túi giấy làm tư thì đại tá Bury vào.