Tôi Là Lưu Nhảy Vọt

CHƯƠNG 11



Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn. Trong bi luôn có hài.
Một là, người ta ngày càng béo phì. Hai là, bụng dạ con người ngày càng hẹp hòi. Những tưởng, cơ thể đã phình ra, thì bụng dạ cũng phải to rộng ra mới phải. Nhưng không. Sau khi cơ thể phình ra, bụng dạ người ta lại chật hẹp hơn.
Bụng dạ hẹp hòi cũng chẳng sao, đằng này, còn cố chấp, càng ngày càng cứng nhắc. Đối tượng gã phục vụ là một lũ cứng nhắc. Người khác cứng nhắc thì không sao, bạn bè xung quanh cứng nhắc cũng không sao, nhưng vợ gã cũng ngày càng phát phì, bụng dạ ngày càng hẹp hòi, tư duy ngày càng cứng nhắc. Đây chính là điều làm gã đau đầu. Vợ Nghiêm Khắc là Cù Lợi.
Trước 30 tuổi, cô ta mảnh khảnh, dáng trí thức. Qua tuổi 30, bỗng trở thành một bà béo, để ý vụn vặt, từng li từng tí. Đường đường là vợ của một CEO, gia tài bạc tỷ, ấy vậy mà đi cãi nhau với tất cả những hiệu chăm sóc sắc đẹp xung quanh, chỉ vì mỗi chuyện đầu tóc. Từ chuyện của vợ, Nghiêm Khắc cảm khái mà rằng: Người Trung Quốc sao lại không biết hài hước đến mức ấy cơ chứ? Trước đây cứ nghĩ hài hước là chuyện ăn nói, sau này mới biết là chuyện giống người. Người hài hước và không hài hước là hai loại động vật. Trái khoáy ở chỗ, người thì không hài hước, nhưng việc họ làm lại hài hước. Cứ từ nhà ra phố mà xem, bọn họ làm cả thế giới biến dạng hết cả. Hàng tắm hơi thì gọi là “Quảng trường tắm”, quán ăn thì gọi là “Thành phố ẩm thực”, hiệu cắt tóc thì gọi là “Trung tâm chăm sóc sắc đẹp”. Đến ngay “gà” trong hộp đêm, lúc đầu được gọi là “tiểu thư”, sau cũng chuyển sang là “công chúa”. Đi ngoài phố, Nghiêm Khắc cảm tưởng mình thuộc nhóm thiểu số. Vốn không hài hước, giờ cũng đã học được cái hài hước. Người ta giới thiệu về gã rằng:
– Ông Nghiêm Khắc – Tổng giám đốc Tổng Công ty phát triển nhà đất Đại Đông Á.
Nghiêm Khắc vội ngăn lại:
– Ấy chớ, chỉ xây nhà thôi.
Người ta bảo gã gầy, muốn giữ eo. Gã bảo:
– Cũng muốn béo lắm. Nhưng phải có cái mà tống vào mồm chứ.
Người ta bảo gã làm ăn lớn. Có đến nửa số nhà ở Bắc Kinh đều do gã xây. Gã lắc đầu:
– Chỉ là khuân vác gạch vữa, lao động nặng nhọc, mong các vị đừng chê cười.
Người ta bảo gã hài hước. Nhưng dần dần, gã không còn hài hước nữa. Không hài hước không có nghĩa là hài hước không tốt, mà là, hài hước làm Nghiêm Khắc không ít phen bị hố. Xung quanh rặt một lũ béo phì lòng dạ hẹp hòi. Cho dù là trong cuộc sống hay trong làm ăn, bọn họ đều thô bạo. Nước lẽ ra phải đến 100 độ mới sôi, nhưng bọn họ chỉ cần 50 độ là đã sôi sùng sục. Nước xuống 0 độ mới đóng băng, nhưng bọn họ chỉ 50 độ là đã đóng băng cứng rồi. Điểm sôi và điểm đóng băng của bọn họ là một. Vốn chỉ là một câu nói đùa. Nhưng sau khi bạn bè trở mặt, hoặc giả, chưa trở mặt, mà chỉ vì lợi ích bản thân, sẽ coi câu nói đùa trước đây là chuyện nghiêm túc để xét nét. Khi thời gian thay đổi, địa điểm thay đổi, thái độ con người thay đổi, đặt cùng một câu nói vào một hoàn cảnh và không khí khác nhau, câu nói ấy sẽ ngay lập tức thay đổi ý nghĩa, đặt ngay Nghiêm Khắc vào tình thế khó xử, không thể nào trở về với trước kia bằng con đường cũ. Ý nghĩa câu nói bị làm cho thay đổi, còn đáng sợ hơn cả chuyện bạn bè trở mặt. Sự trái khoáy từ đó mà ra, còn ghê gớm hơn cả chuyện người nghèo phải số hẩm. Nghiêm Khắc lắc đầu:
– Không cho hài hước, thì ta đếch cần hài hước nữa.
Sau 40 tuổi, Nghiêm Khắc phát hiện, sự thay đổi lớn nhất của mình là, trước 40 tuổi thích nói chuyện hài hước. Qua tuổi 40, bắt đầu không nói cười tùy tiện. Lâu dần, thấy phản cảm với những câu chuyện cười. Nếu là cấp dưới nói đùa với gã, gã sẽ cau mày:
– Không nói chuyện nghiêm túc được à?
Nếu là bạn bè, gã sẽ không vào hùa với câu chuyện. Mà nói lại câu chuyện vừa xong bằng một giọng nghiêm túc. Hoặc giả, sau 40 tuổi, ngoại trừ cái cơ thể gầy nhẳng ra, những cái khác của Nghiêm Khắc cũng đều thay đổi rưa rứa mọi người. Không thích nói chuyện với lũ người này, nhưng hàng ngày vẫn cứ phải nói. Càng nói càng thấy khô khan, cũng giống như cuộc sống, càng ngày càng chối. Giống như mụ vợ cả ngày ca thán đau khắp mình mẩy, mắt khô lưỡi rát. Giống như chiếc động cơ thiếu dầu máy, phải chạy khan, sớm muộn cũng sẽ bốc cháy. Dầu máy ơi, mày đâu rồi?
Tổng Công ty phát triển nhà đất Đại Đông Á có mười mấy công trường xây dựng trực thuộc. Mười mấy công trường xây dựng tất phải có mười mấy tay cai thầu. Nhiệm Bảo Lương là một trong số đó. Ngoài quan hệ xã giao, làm ăn với bọn người béo phì kia, Nghiêm Khắc thường đến công trường xây dựng. Công nhân ở công trường xây dựng chẳng có ai béo. Công nhân có người quê Hà Bắc, Sơn Tây, có người quê Thiểm Tây, An Huy, cũng có người quê Hà Nam. Nói chuyện với đám béo phì, chuyện càng nói càng khô. Nhưng khi đến công trường xây dựng, hễ nghe công nhân khắp nơi trên cả nước mở miệng là Nghiêm Khắc lại thấy vui.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.